Để có một dự án kinh doanh hoàn hảo!
(Phần đầu)
Trên thực tế, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng thành công với dự án
kinh doanh của mình. Nếu bạn đã từng thất bại, bạn thử dành chút ít thời gian
vàng ngọc để nhìn lại dự án đó và đối chiếu nó với những yếu tố dưới đây, xem
nó
đã đủ chưa, có cần bổ sung gì không? Rất có thể bạn sẽ rút ra cho mình một vài
kinh nghiệm khá bổ ích nào đó.
1/ Vốn:
Yếu tố vốn cần được đặt lên hàng đầu trong quá trình lập dự án. Để đi đến
thành công thì dĩ nhiên điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất là bạn cần có đủ
vốn, cả về tiền mặt cũng như các loại hình vốn khác. Quy định pháp luật của nhiều
nơi yêu cầu chủ doanh nghiệp có một lượng vốn pháp định nhất định. Mặt khác,
một dự án kinh doanh cần có một số vốn cần thiết để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ
khi cần. Tại Mỹ, pháp luật thường quy trách nhiệm cụ thể cho chủ doanh nghiệp,
những người chịu trách nhiệm về vấn đề vốn. Nếu một chủ doanh nghiệp thất bại
trong việc cung cấp vốn cho các hoạt động kinh doanh và sau đó bóp méo tình
hình tài chính của công ty trước các chủ nợ, toà án có thể cho phép các chủ nợ thu
hồi toàn bộ số tiền cho vay trước thời hạn từ một hay nhiều công ty của chủ doanh
nghiệp.
Thêm vào đó, chủ doanh nghiệp không nên khiến các nhà đầu tư hiểu nhầm
về số lượng vốn cần thiết cho việc bắt đầu và thực hiện dự án kinh doanh. Nếu chủ
doanh nghiệp “gạ gẫm” những khoản tiền từ các nhà đầu tư mà không trên cơ sở
số vốn thực tế của vốn dự án, chẳng hạn như “Chúng tôi chỉ cần duy nhất 50.000
USD để khởi động hoạt động kinh doanh trong vòng 12 tháng” – và sau đó, cùng
với thực tế hoạt động đầu tư, chủ doanh nghiệp lại cho rằng lượng vốn đó chưa đủ
và yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục bỏ ra những khoản tiền mới thì pháp luật cho phép
các nhà đầu tư có thể yêu cầu lấy lại khoản tiền đầu tư của mình trực tiếp từ tay
chủ doanh nghiệp. Pháp luật rất coi trọng những gì mà chủ doanh nghiệp đã cam
kết về số vốn góp ban đầu.
Do vậy, để đảm bảo yếu tố vốn, các dự án kinh doanh nên cố gắng xác định
lượng vốn cần thiết trong một thời gian hợp lý. Chủ doanh nghiệp cần phác thảo
và tính toán những con số trên cơ sở hợp lý hoá các chí phí cần thiết như chi phí
khởi động dự án, vốn hoạt động, chi phí đầu tư mua sắm, chi phí hoạt động và lợi
nhuận. Những con số tài chính này nên chính xác và được áp dụng trong khoảng
thời gian từ sáu đến mười hai tháng. Việc xác định thời gian thực tế sẽ dựa vào các
yếu tố như tính phức tạp của dự án, lượng vốn cần thiết, số lượng nhà đầu tư và
những dự đoán tình hình tài chính trong tương lai. Với bước đi này, chủ doanh
nghiệp sẽ giảm thiểu các rủi ro pháp luật về vấn đề vốn phát sinh từ việc bắt buộc
phải tăng vốn đầu tư và bóp méo sự thật với các nhà đầu tư.
2/ Việc sử dụng vốn
Một dự án kinh doanh khả thi là dự án mà tại đó khả năng sử dụng đồng
vốn được tính toán rõ ràng và cẩn thận. Các nhà đầu tư, chủ nợ và đối tác kinh
doanh sẽ rất quan tâm đến việc công ty dự định sử dụng đồng vốn đầu tư của họ
như thế nào để sinh lợi nhuận và đẩy mạnh tăng trưởng cho công ty. Vấn đề đặt ra
đối với chủ doanh nghiệp là trong mỗi dự án kinh doanh cần tạo ra sự đồng nhất
trong mong đợi của mình với mong đợi của các nhà đẩu tư, chủ nợ và đối tác kinh
doanh.
Khả năng sử dụng vốn trong mỗi dự án kinh doanh thường bao gồm chi phí
nguyên vật liệu, chi phí đầu tư mua sắm tài sản cố định, chi phí nghiên cứu và phát
triển, chi phí cho marketing, nâng cao năng lực sản xuất, thuê nhà thầu phụ và nhà
tư vấn, trả lương và trả hoa hồng. Ví dụ, nếu chủ doanh nghiệp muốn sử dụng một
lượng vốn khá lớn để trả lương và hoa hồng thì cần nêu rõ điều này trong dự án
kinh doanh. Càng chi tiết bao nhiêu trong việc sử dụng vốn thì dự án kinh doanh
sẽ càng tránh được rủi ro bấy nhiêu, các nhà đầu tư, chủ nợ cũng sẽ an tâm hơn với
đồng tiền mình đã bỏ ra.
3/ Trách nhiệm quản lý
Đoàn tàu cần có đầu tàu để chuyển động. Cũng như vậy, mỗi dự án kinh
doanh cần có các nhà quản lý chèo lái. Do đó, các dự án kinh doanh nên thể hiện
rõ các trách nhiệm và nghĩa vụ cần thiết của công việc quản lý để thực hiện thành
công dự án. Trách nhiệm có thể bao gồm các chức năng từ việc phát triển sản
phẩm, thuê nhân công, thử nghiệm sản phẩm, bán hàng, marketing và quản lý tài
chính. Một khi xác định được những điều này, dự án kinh doanh của bạn có thể
phân định rõ trách nhiệm cho các nhà quản lý hay các bộ phận chuyên môn riêng
biệt. Luật pháp nhiều nơi thường đưa ra các yêu cầu bắt buộc đối với trách nhiệm
quản trị như việc thông qua quyết định, ký và đóng dấu, cấp phép,… Một công ty
sẽ giảm thiểu sai sót trong hoạt động quản trị nếu phân định một cách chính xác
trách nhiệm của các nhà quản lý. Cũng như vậy, chủ doanh nghiệp sẽ hạn chế
được nhiều rủi ro liên quan đến công tác quản lý.
4/ Rủi ro bồi thường thiệt hại
Dự án kinh doanh cần đưa ra được những dự đoán hợp lý về các trường hợp
bồi thường thiệt hại phát sinh trong hoạt động thường nhật. Đôi khi, nếu không
lường trước, công ty có thể bị thiệt hại khá lớn khi phải bồi thường trong nhiều
trường hợp như khách hàng bị thương gây ra bởi sản phẩm của công ty, những sai
sót trong sản phẩm, dịch vụ của công ty, các điều khoản bảo hành chưa hợp lý,
những sai sót từ nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu, máy móc hay dịch vụ hay
những thiếu sót đối với những nghĩa vụ ghi trong hợp đồng.
Để tránh những khoản tiền bồi thường quá lớn, chủ doanh nghiệp trong mỗi
dự án kinh doanh của mình cần lường trước các rủi ro có thể gặp phải, vạch ra
những kế hoạch dự tính để giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro này, chẳng
hạn như tính đến việc mua bảo hiểm trách nhiệm, sử dụng quyền từ chối bảo hành
trong một số trường hợp, thuê luật sư để duyệt lại các văn bản, thiết kế các chương
trình thử nghiệm sản phẩm,… Việc phân tích rủi ro bồi thường này sẽ giúp chủ
doanh nghiệp giảm thiểu những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khi
công ty phải bồi thường do một sai sót nào đó. Hơn thế nữa, sự phân tích và vạch
kế hoạch này sẽ giảm bớt lo lắng của các nhà đầu tư, chủ nợ và đối tác kinh doanh.
5/ Rủi ro kinh doanh
Rủi ro kinh doanh là yếu tố không thể bỏ qua nếu bạn muốn có một dự án
kinh doanh hoàn hảo. Trên thương trường, các rủi ro kinh doanh thường xuyên
xuất hiện và có những tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh. Rủi ro kinh
doanh bao gồm các sự cố như mất dữ liệu, xâm phạm an ninh, mất các nhân viên
chủ chốt, mất tài sản có giá trị, giá cả thay đổi, xuất hiện các đối thủ cạnh tranh
mới, nạn sao chép sản phẩm hay dịch vụ của công ty, giá nguyên liệu đầu vào tăng
cao, khó khăn trong việc phân phối, những quy định mới và kinh nghiệm quản lý
yếu kém.
Trước khi lập một dự án kinh doanh, chủ doanh nghiệp cần vạch ra các
chiến lược để giảm thiểu tác động của rủi ro đến hoạt động của công ty, chẳng hạn
như sao lưu dữ liệu quan trọng, mua bảo hiểm, sử dụng các hợp đồng với giá cung
cấp dài hạn, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, thực thi các kế hoạch bảo vệ an
ninh, chỉ định các nhân viên tốt sẵn sàng làm việc lâu dài, đào tạo marketing và
phân phối sản phẩm. Việc phân tích rủi ro kinh doanh sẽ giảm thiểu tác động tiêu
cực khi những rủi ro này xuất hiện. Hơn thế nữa, cũng như rủi ro bồi thường thiệt
hại, việc xác định rủi ro kinh doanh sẽ giảm bớt nỗi lo lắng của các nhà đầu tư,
chủ nợ và đối tác kinh doanh. Họ sẽ tin tưởng và cảm nhận được tính khả thi của
dự án.