Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Đôi đũa và mâm cơm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (151.79 KB, 5 trang )

Đôi đũa và mâm cơm
Thời nay dân Âu Mỹ đi ăn nhà hàng Á Đông đã bắt đầu dùng đũa càng ngày
càng nhiều. Người Việt Nam đều dùng đũa trong mỗi bữa ăn nhưng có mấy người hiểu
đưọc ý nghĩa của đôi đũa và mâm cơm? Không biết dân Việt dùng đũa từ bao giờ
nhưng qua đôi đũa và mâm cơm chắc chắn tổ tiên chúng ta đã gửi gắm một triết lý
sống cho con cháu nhớ đến đạo nhà.

A. Đôi đũa tượng trưng cho đạo vợ chồng
Có 5 điểm cần tìm hiểu:

1. Hai chiếc đũa ngang bằng.
Hai chiếc đũa có thể so lệch chút đỉnh nhưng nếu một chiếc quá dài với chiếc
quá ngắn thì làm sao gắp được thức ăn hay và được cơm. Vợ chồng cũng thế, muốn ăn
đời ở kiếp và có hạnh phúc tối đa, phải tương xứng nghĩa là ngang bằng về mọi mặt từ
vật chất đến tinh thần nhất là thời nay giữa hai người nếu có sự cách biệt quá xa thì
trong nhà không thể yên ấm. Hãy tưởng tượng một cặp mà vợ quá cao chồng quá thấp
hay chồng lịch sự cao sang gặp người vợ ăn nói cộc cằn thô lỗ thì sẽ xẩy ra chuyện gì?

2. Hai chiếc đũa phải thẳng.
Không thể một chiếc thẳng một chiếc cong hay hai chiếc cùng cong thì làm sao
gắp được đồ ăn. Vợ chồng cũng vậy, ra ngoài xã hội có thể quay quắt đảo điên nhưng
ở trong nhà sống với nhau phải tuyệt đối thật thà ngay thẳng.

3. Vợ chồng như đũa có đôi.
Ăn cơm với một chiếc đũa thật là khó khăn. Đũa có đôi nhắc ta ý nghĩa vợ
chồng tương trợ thuận hòa. Ngày xưa, vợ lo việc nhà thì chồng lo việc xã hội; ngày
nay , vợ nấu ăn thì chồng rửa chén, tuy hai mà một trên thuận dưới hòa.

4. Đôi đũa cùng một chất liệu.
Điều này khuyên vợ chồng nên cùng chung văn hóa. Á nặng tình, Âu Mỹ nặng
lý nên Âu Á khó hòa hợp ví như chiếc đũa ngà đặt bên chiếc đũa tre thấy thật không


tương đồng. Làm sao có hạnh phúc nếu hai vợ chồng người phật giáo người công giáo
suốt ngày bênh vực đạo mình là chính thống hay người sống đa cảm ưa tình nghĩa với
người mở miệng là tính toán đến lợi và danh.

5. Đôi đũa đa dụng.
Chỉ một đôi đũa mà thay cho cả ba thứ dao, nĩa và muỗng; biết lúc nào gắp
thức ăn thay nĩa, lúc nào và hột cơm thay muỗng, lúc nào xắt miếng thịt thay dao.
Người Việt được tiếng là thông minh tháo vát phải chăng nhờ dùng đũa hàng ngày?

B. Mâm cơm chỉ đạo nhà.
Trong bữa ăn, ông bà cha mẹ con cái ngồi quanh mâm cơm hình tròn, trên đặt
các món ăn giữa là chén nước mắm. Thức ăn chính ngoài cơm thường là một tô canh,
một đĩa rau luộc và một món mặn; sang hơn thì thêm một vài món chiên sào. Xới cơm
từ nồi dùng đũa cả để ăn bằng đũa con. Trước khi ăn, người dưới phải mời cơm người
trên và chờ khi người trên ăn rồi mình mới ăn. Các điều trên cho ta những ý nghĩa sau
đây:

1. Đoàn kết, tròn đầy, mặn mà.
Quây quần quanh mâm cơm là đùm bọc trên dưới một lòng vì đoàn kết là sống
chia rẽ là chết. Mâm tròn là sống tròn đầy tình nghĩa. Nước mắm đã mặn lại còn thêm
một món mặn là ăn ở cốt yếu phải mặn mà, anh em như thể tay chân, chị ngã em nâng.

2. Riêng chung, lễ giáo, kỷ cương.
Món ăn là của chung cả nhà mà cũng là của riêng từng người, tuy riêng chung
lẫn lộn nhưng còn lễ giáo vì "ăn trông nồi ngồi trông hướng", con cháu có muốn ăn
cũng ngó cha ông ăn trước rồi mình mới ăn còn cha ông thường chỉ gắp lấy lệ rồi
nhường món ngon cho con cháu. Trên biết nhường và hy sinh, dưới biết nhịn và lễ độ.
Mâm tròn còn tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang
nhau, không có chỗ trên chỗ dưới chỗ trước chỗ sau. Tuy nhiên, có bình đẳng nhưng
vẫn lớp lang như đũa cả đũa con và nơi ngồi đầu nồi là chỗ người mẹ với tính cách

phục vụ lo cơm nước cho chồng con nhưng cũng nói lên vai trò của người cầm cương
nẩy mực trong gia đình. Ở nhà, cha là chính nhưng chỉ có danh chứ thực quyền là nơi
mẹ vì bà là nội tướng và "lệnh ông không bằng cồng bà".

3. Sống khỏe sống vui.
Trong thời văn minh vật chất hiện đại, con người ăn uống quá nhiều chất bổ
dưỡng lại vận động quá ít nên sinh lắm bệnh tật. Nhiều người phải nhịn ăn hoặc kiêng
cữ đủ thứ để "xuống ký". Khoa dinh dưỡng khuyên ta ăn nhiều rau trái cây và rất ít thịt
để giữ gìn sức khỏe. Bữa ăn Việt Nam với cơm là chính cộng nhiều rau ít thịt đúng là
thích hợp với phương pháp "ăn để sống khỏe sống vui".


C. Kết luận.
Gia đình là căn bản của xã hội. Ngay trong bữa ăn hàng ngày tổ tiên chúng ta đã
truyền cho con cháu một đạo sống tròn đầy lễ nghĩa, tôn ti trật tự và kỷ cương trên
dưới khác với lối sống Âu Mỹ, ăn có phần riêng mà ở cũng phòng riêng, bàn ăn hình
chữ nhật hay vuông có ghế chính ghế phụ, nghe cũng hợp lý vì đề cao giá trị con
người nhưng tiếc rằng vuông mà thiếu tròn nên con người vị kỷ, thích "cá nhân chủ
nghĩa" luôn tính toán hơn thiệt đưa xã hội đến cảnh tranh đua giành giật, nói là tự do
dân chủ nhưng thực chất chỉ là "xã hội Người giết hại Người" mà thôi.
Con người là linh vật biết suy tư và có tiến hóa. Không lẽ ta lại trở về đời sống
thú vật? Muốn xứng đáng là Người, hãy khởi đầu từ đạo vợ chồng qua " Đôi Đũa" và
sống trong "công thể" gia đình qua "mâm cơm". Đây là đạo nhà lý tưởng giúp con
người sống "tròn" trong xã hội "vuông". Sống vuông tròn mới là sống, phải không
bạn? Được vậy, ta vui sướng, vợ con ta sung sướng, gia đình ta thêm hạnh phúc. Bạn
ơi, xin hỏi còn ước mong gì hơn trên cõi đời đầy tao loạn này nữa?

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×