BÙI XUÂN PHÁI - Hoạ sĩ của Hà Nội
Đã có lần người ta thử đặt câu hỏi rằng: nếu hội họa Việt Nam vắng đi gương
mặt Bùi Xuân Phái? Câu trả lời là không thể được ! Sẽ có một khoảng trống rất lớn
không sao bù đắp nổi. Bùi Xuân Phái được coi là họa sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất ở
nước ngoài đã đành, song đấy mới chỉ là một phần. Nền mỹ thuật có thể thiếu đi một
tên tuổi, nhưng không thể thiếu đi những tác phẩm vào loại đẹp nhất, phản ánh sâu xa
nhất tinh thần dân tộc Việt - những phố cổ, chèo, chân dung... - chỉ Bùi Xuân Phái mới
vẽ ra được. Đó là những tác phẩm của một thời, một thủa, vừa mới gần đây mà như đã
rất xa và có lẽ sẽ không quay lại được.
Bùi Xuân Phái là họa sĩ đúng với ý nghĩa thuần khiết nhất của danh từ này, một
họa sĩ với một tài năng lớn. Sinh năm 1920 tại Hà Nội, Bùi Xuân Phái vào học Trường
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa cuối cùng (1941-1946), thời ấy, ông chưa có gì
nổi trội so với rất nhiều tên tuổi trong nền mỹ thuật hiện đại. Đúng ra là phải vào thập
niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một "Phố Phái" hiện hữu, đầy
ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái
đã "như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận
cùng những tâm hồn xa lạ" (Thái Bá Vân), người ta mới nhận ra tầm vóc của ông. Tuy
nhiên, khi còn là học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Bùi Xuân Phái đã
vẽ phố và đã đi dự triển lãm ở Tô-ki-ô, đã nhận giải thưởng Triễn lãm Mỹ thuật loàn
quốc năm 1946. Ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh lớn lao dành cho cả cuộc đời sáng
tác của mình, Bùi Xuân Phái đã từng nhận nhiều giải thưởng khác (Mỹ thuật toàn quốc
1980; Mỹ thuật Thủ đô 1969, 1981, 1983, 1984; Giải thưởng đồ họa Leipzig...). Song
sự ghi nhận lớn nhất mà ông giành được thì không chỉ ở các giải thưởng, mà ở một cái
tên cả nước Việt Nam đều biết. cái tên "Phố Phái". Mỗi con đường, mỗi phố đều mang
tên một danh nhân, còn những phố, đường mang tên "Phố Phái" thì nhiều không ai
đếm được. Nó tồn lại trong hoài niệm của rất nhiều người, dù thành phố đổi thay bao
nhiêu, những nơi gợi lại bóng hình "Phố Phái" vẫn là nơi chứa chan nhiều cảm
xúc.Suốt hơn 40 năm, Bùi Xuân Phái dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Ông
sống chỉ để vẽ, ông "mắc bệnh" vẽ, vẽ vào bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào có thể vẽ
được. Vẽ với ông là sống và thở. Từ một tấm toan đến một mảnh giấy báo, từ một bìa
sách đến một vỏ bao thuốc lá... ông tạo nên hàng nghìn bức vẽ khác nhau về phố cổ -
Những tranh phố của ông đủ để dựng một thành phố thật, thân thiết với những Hàng
Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi, nhưng là một thành phố của kí ức bâng
khuâng đến từng mảng tường vôi lở, từng mái ngói rêu phong đổ bóng thời gian và
bao nhiêu ô cửa nhỏ đăm đắm đợi chờ. Cả đến những áng mây trắng ngần trĩu nặng
niềm ưu tư thanh khiết, và những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo mong manh... Tất cả đều
để gợi nhớ chứ không để tả. Một bút pháp vừa thực vừa hư, gây ấn tượng một cách sâu
sắc, nó làm người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có
thể đẹp một cách giản dị mà mãnh liệt đến thế. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân
viết : "Hà Nội rất hội họa ở nhũng phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo
cách của nghệ thuật rằng Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình
tượng được sinh ra là để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới hình thể và màu
sắc của riêng đây. "Phố Phái" là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người phát
hiện ra nó - người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất nhiều họa
sĩ mê say đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ".Một mảng tranh nữa mà Bùi Xuân Phái
cũng được coi là người độc quyền - mảng chèo - cũng không thể biết được ông đã vẽ
bao nhiêu bức chèo lớn và nhỏ. Bớt trầm tư, cô tịch hơn mảng tranh phố, những bức
chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Việt
Nam. Những hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương... được làm sống động bằng
một ngôn ngữ hội họa cũng nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo. Các nhà phê bình cho
rằng ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với cái sân khấu chèo của mình là thân thiện
và nhân tình. ông tự nhập thể vào cuộc hội hè với những âm thanh và nhịp điệu của
làng xã Việt Nam với ý thức khám phá thêm một sắc màu hội họa dân tộc. Nhưng ông
không kể lể như chèo : ông làm nên một ngôn ngữ chèo. Nhân vật của ông, những biến
thiên ngàn năm của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện đầy chất thơ, sâu sắc
và nhẹ nhõm. Năm 1960, Bùi Xuân Phái làm trang trí cho vở chèo Sợi tơ vàng, có lẽ
ông phát hiện ra chèo từ đấy, và tạo ra một thế giới riêng, cho mình và cho chèo. Khác
hẳn với phố cổ, mảng tranh chèo, những minh họa cho tập sách về Hề chèo năm 1977,
cho tập Thơ Hồ Xuân Hương in sau đó... khiến người ta phát hiện ra một Bùi Xuân
Phái trẻ trung, dí dỏm, đậm chất "u-mua". Trước và sau ông, chưa có ai làm được như
vậy. Tên của ông vẫn là một đỉnh dốc chưa có ai vượt qua.Không chỉ có phố cổ, không
chỉ có chèo, không chỉ có chân dung - mảng chân dung mà Nguyễn Quân đã nhận xét :
"...Tự họa và chân dung của ông không là gương soi của diện mạo mà là gương soi của
đường điện tâm đồ cảm xúc bên trong, ở dưới mặt tranh, lịch sử của cá nhân, nắng gió
của thời gian, dấu vết của lao động, của đau đớn và niềm tin, đọng lại như dấu ấn của
số phận, kỷ niệm của đời người". Bùi Xuân Phái còn có những bức thật đẹp về nhiều
miền khác nhau của Tổ quốc : Mỏ than, Xúc than vào lò, Phân xưởng nhuộm, Hòa
Bình, Cát Bà, Cảng Đà Nẵng, phố cổ Hội An... Điều kỳ lạ là ông vẽ giản dị thế, mà
người ta có thể nhìn mãi không biết chán những bức tranh của ông, dù một chủ đề, ông
vẽ cả trăm, cả nghìn bức cũng vậy. Người ta nhận ra ông, không thể lẫn với ai, ở từng
nét vẽ, từng mảng màu. Những đường viền đậm đặc và run rẩy, những gam nâu, xám,
những đốm đỏ, cam bất chợt rực cháy...đặc trưng của Bùi Xuân Phái luôn luôn làm
người ta kinh ngạc vì sự đơn giản đến lạ lùng của nó.Những tập hợp tranh của ông,
những bài viết về ông thật phong phú. Trần Hậu Tuấn, nhà sưu tập đã khởi nghiệp
bằng lòng yêu mến các tác phẩm của Bùi Xuân Phái, đã in ba cuốn sách về ông và vẫn
nuôi ý định xuất bản tiếp một cuốn sách lớn, gần như toàn bộ tác phẩm của ông, vào
năm 1998 nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Bùi Xuân Phái