Kế toán vốn góp liên doanh dưới hình thức cơ cở kinh doanh đồng
kiểm soát
Trong hệ thống kế toán doanh nghiệp, cùng với sự phát triển của nền kinh tế,
phần hành kế toán đầu tư tài chính nói chung và kế toán vốn góp liên doanh nói riêng
ngày càng được quan tâm hoàn thiện. Ngày 20/12/2003, Bộ Tài chính đã ra Quyết định
234/2003/QĐ-BTC, trong đó, công bố Chuẩn mực số 08- Thông tin tài chính về những
khoản vốn góp liên doanh và Thông tư số 23/2003/TT-BTC hướng dẫn kế toán thực
hiện 6 chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC.
Một số vấn đề kế toán vốn góp liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm
soát
Khi nền kinh tế càng phát triển thì các hoạt động liên doanh diễn ra ngày càng đa
dạng và phong phú. Các tổ chức cá nhân có thể góp vốn bằng tiền, bằng tài sản… và
có quyền khác nhau trong điều hành hoạt động của liên doanh. Theo chuẩn mực kế
toán Việt Nam, các hoạt động liên doanh được xếp vào ba hình thức liên doanh chủ
yếu: Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh hoạt động kinh doanh
được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn liên doanh (hoạt động được đồng kiểm
soát); Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh tài sản được đồng kiểm
soát bởi các bên góp vốn liên doanh (tài sản được đồng kiểm soát); Hợp đồng hợp tác
kinh doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh được đồng kiểm soát bởi các
bên góp vốn liên doanh (cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát). Trong phạm vi bài viết này,
xin chỉ đề cập đến hình thức “Hợp đồng liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh
doanh được đồng kiểm soát”.
Liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh được đồng kiểm soát có
hai đặc điểm chung của các hình thức liên doanh, đó là: do hai hoặc nhiều bên góp vốn
liên doanh hợp tác với nhau trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng; thỏa thuận bằng
hợp đồng thiết lập quyền đồng kiểm soát. Nhưng hình thức này có đặc điểm riêng là có
sự thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát (CSKDĐKS), là cơ sở kinh doanh mới
thành lập có hoạt động độc lập giống như một doanh nghiệp và phải tổ chức thực hiện
công tác kế toán riêng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn chịu sự kiểm soát của
các bên góp vốn liên doanh theo hợp đồng liên doanh.
Các bên tham gia liên doanh có thể góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm
soát bằng tài sản, vật tư, tiền vốn… Giá trị vốn góp vào CSKDĐKS là giá trị vốn góp
được các bên tham gia liên doanh thống nhất đánh giá và chấp nhận trong biên bản
góp vốn.
Góp vốn liên doanh bằng vật tư, hàng hóa hoặc tài sản cố định (TSCĐ), nếu giá
đánh giá lại của vật tư, hàng hóa, TSCĐ cao hơn giá trị ghi trên sổ kế toán tại thời điểm
góp vốn.
Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại và giá trị ghi sổ kế toán tương ứng với lợi ích
của các bên khác trong liên doanh được hạch toán ngay vào chi phí khác trong kỳ. Số
chênh giữa giá đánh giá lại và giá trị ghi trên sổ kế toán tương ứng với lợi ích của mình
trong liên doanh được ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện. Số doanh thu chưa thực
hiện này sẽ được kết chuyển vào thu nhập khác khi CSKDĐKS bán số vật tư, hàng hóa
này cho bên thứ ba độc lập hay hàng năm kết chuyển vào thu nhập khác căn cứ thời
gian sử dụng hữu ích của TSCĐ mà CSKDĐKS sử dụng.
Nếu giá đánh giá lại của vật tư, hàng hóa, TSCĐ cao hơn giá trị ghi trên sổ kế
toán tại thời điểm góp vốn thì khoản chênh lệch này được ghi nhận ngay vào chi phí
khác trong kỳ.
Lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư vào CSKDĐKS được hạch tóan vào
TK515 - “Doanh thu họat động tài chính”, chi phí và các khoản lỗ được hạch toán vào
TK635 - “Chi phí hoạt động tài chính”.
Kế toán mở sổ theo dõi các khoản vốn góp liên doanh vào CSKDĐKS chi tiết
từng theo đối tác, từng lần góp vốn và từng khoản vốn đã thu hồi, chuyển nhượng.
Để phản ánh các khoản vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, bên góp
vốn vào liên doanh sử dụng TK 222- “Vốn góp liên doanh” để phản ánh toàn bộ vốn
góp liên doanh và tình hình thu hồi lại vốn góp liên doanh dưới hình thức thành lập
CSKDĐKS. Tài khoản này phải mở chi tiết cho từng đối tác, từng lần góp vốn và từng
khoản vốn đã thu hồi, chuyển nhượng.
Phương pháp hạch toán một số nghiệp vụ cơ bản
Góp vốn liên doanh bằng tiền vào CSKD ĐKS:
Nợ TK 222/ Có TK 111, 112
Góp vốn vào CSKD ĐKS bằng vật tư, hàng hóa thì các bên liên doanh phải
thống nhất đánh giá lại giá trị vật tư, hàng hóa góp vốn:
Trường hợp giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ:
Nợ TK 222: Vốn góp liên doanh (theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 811: Chi phí khác(Chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và giá đánh giá lại
Có TK 152, 153, 155, 156, 611…: Giá trị ghi sổ kế toán
Trường hợp giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ:
Nợ TK 222: Giá đánh giá lại
Có TK 152, 153, 155, 156, 611: Giá trị ghi sổ
Có TK 711: số chênh lệch giữa giá đánh giá lại với giá trị ghi sổ
kế toán tương ứng với phần lợi ích của các bên khác trong liên doanh
Có TK 3387: số Chênh lệch giữa giá đánh giá lại với giá trị ghi sổ
kế toán tương ứng với phần lợi ích của đơn vị mình trong liên doanh.
Khi CSKDĐKS bán số vật tư, hàng hóa đó cho bên thứ 3 độc lập, kế toán mới
kết chuyển phần doanh thu chưa thực hiện vào thu nhập khác trong kỳ:
Nợ TK 3387
Có TK 711
Góp vốn vào CSKD ĐKS bằng TSCĐ thì các bên liên doanh phải thống nhất
đánh giá lại giá trị TSCĐ góp vốn. Căn cứ vào biên bản góp vốn, kế toán so sánh giá trị
của TSCĐ được các bên tham gia liên doanh thống nhất đánh giá và giá trị ghi sổ của
TSCĐ để phản ánh vào sổ sách kế toán
Trong đó, giá trị ghi sổ của TSCĐ chính là giá trị còn lại của TSCĐ theo sổ sách
kế toán được xác định theo công thức:
Giá trị còn lại của TSCĐ = Nguyên giá của TSCĐ - Số khấu hao lũy kế của TSCĐ
Trường hợp giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ:
Nợ TK 222: Giá đánh giá lại
Nợ TK 214: Giá trị hao mòn lũy kế
Nợ TK 811: Chênh lệch giữa giá trị còn lại của TSCĐ với giá đánh giá lại
Có TK 211, 213: Nguyên giá của TSCĐ
Trường hợp giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của TSCĐ:
Nợ TK 222: giá đánh giá lại
Nợ TK 214: Giá trị hao mòn lũy kế
Có TK 211, 213: NG
Có TK 711: Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại với giá trị còn lại của
TSCĐ trên sổ kế toán tương ứng với phần lợi ích của các bên khác trong liên doanh
Có TK 3387: Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại với giá trị còn lại của
TSCĐ trên sổ kế toán tương ứng với phần lợi ích của doanh nghiệp trong liên doanh.
- Hàng năm, căn cứ vào thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ mà cơ sở kinh
doanh đồng kiểm soát sử dụng, kế toán phân bổ số doanh thu chưa thực hiện vào thu
nhập khác trong kỳ:
Nợ TK 3387: Chi tiết chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ đem góp vốn
Có TK 711: phần doanh thu chưa thực hiện được phân bổ cho một năm
- Trường hợp hợp đồng liên doanh kết thúc hoạt động hoặc bên góp vốn chuyển
nhượng phần vốn góp cho đối tác khác, kế toán thực hiện kết chuyển toàn bộ khoản
chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ chưa phân bổ sang thu nhập khác:
Nợ TK 3387/ Có TK 711
Khi nhận được thông báo số lãi được chia của cơ sở kinh doanh đồng kiểm
soát:
Nợ TK 1388: Nếu chưa nhận được tiền lãi
Nợ TK 222: Nếu để lại tăng vốn góp vào liên doanh
Có TK 515: Lãi được chia
Khi nhận được thông báo lỗ:
Nợ TK 635: Số lỗ phải chịu
Có TK 3388: Nếu chưa thanh toán lỗ cho liên doanh
Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động góp vốn liên doanh như lãi tiền vay
góp vốn, các chi phí khác…:
Nợ TK 635
Nợ TK 133
Có TK 111, 112, 331…
Kế toán thu hồi vốn góp vào CSKD ĐKS hoặc chuyển nhượng vốn góp liên
doanh, căn cứ chứng từ giao nhận của các bên tham gia liên doanh.
Nợ TK 111, 112, 152, 155, 156, 211…: Số vốn nhận về
Nợ TK 635: Số vốn không thu hồi được
Có TK 222: Số vốn góp vào CSKD ĐKS
Có TK 515: Giá trị thu hồi vượt quá số vốn góp
Đối với hoạt động góp vốn liên doanh thành lập CSKD ĐKS, số chênh lệch giữa
giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của tài sản không được ghi nhận hết vào thu nhập
khác của kỳ kế toán phát sinh hoạt động góp vốn đó. Mà có một phần được để lại để
phản ánh vào thu nhập khác của các kỳ sau thông qua TK 3387 “Doanh thu chưa thực
hiện”.
Việc phản ánh như trên dựa trên cơ sở của nguyên tắc thận trọng trong kế toán
là “Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng
thu được lợi ích kinh tế” (Chuẩn mực chung - Quyết định 165/2002/QĐ-BTC).
Do khi góp vốn vào CSKĐĐKS, các bên góp vốn vào liên doanh được tham gia
đồng kiểm soát đối với các chính sách và hoạt động của liên doanh, do đó trong quá
trình tham gia đánh giá lại tài sản góp vốn, bản thân bên góp vốn cũng có sự đánh giá
chủ quan (muốn đánh giá lại cao hơn giá trị ghi sổ) nhằm đem lại lợi ích cho doanh
nghiệp. Ngoài ra, lợi ích được hưởng do đánh giá lại tài sản cần phải được phản ánh
dựa trên nguyên tắc thận trọng vì nó phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh
doanh do các tài sản góp vốn đó thực sự có mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hay
không.