Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Một số giải pháp về quản lí chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập ở thành phố Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (783.16 KB, 10 trang )

HNUE JOURNAL OF SCIENCE
Educational Sciences, 2020, Volume 65, Issue 4C, pp. 90-99
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2020-0030

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ QUẢN LÍ CHUYÊN MÔN
ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG NGOÀI CÔNG LẬP
Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

Trương Thị Bích
Trung tâm Nghiên cứu Giáo viên, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Trong suốt thời gian dài, giáo dục Việt Nam bao gồm cả giáo dục công lập và
giáo dục ngoài công lập luôn song hành tồn tại. Trong bối cảnh đổi mới “căn bản và toàn
diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” thì giáo dục ngoài công lập càng
có cơ hội phát triển và khẳng định vị thế của mình bên cạnh giáo dục công lập, nhất là ở các
thành phố lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa trọng điểm của cả nước. Bài báo
này đề cập đến một số giải pháp về quản lí chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài
công lập tại thành phố Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Đó là các giải pháp về quản
lí đổi mới công tác tuyển sinh, quản lí phát triển chương trình nhà trường, quản lí đổi mới
phương pháp dạy học, quản lí chất lượng giáo dục. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về
chuyên môn bên cạnh các giải pháp về cơ chế - chính sách, về tổ chức - nhân sự, về tài
chính - cơ sở vật chất đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông
ngoài công lập tại thành phố Hà Nội. Trong đó có không ít các trường đã tạo nên thương hiệu
với các chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại, các phương pháp dạy học tích cực, trở thành
tấm gương điển hình, thu hút đông đảo phụ huynh và học sinh trên địa bàn Thủ đô.
Từ khóa: trường phổ thông ngoài công lập, giải pháp về quản lí chuyên môn, quản lí công
tác tuyển sinh, quản lí phát triển chương trình nhà trường, quản lí phương pháp dạy học,
quản lí chất lượng giáo dục.


1. Mở đầu
Trường ngoài công lập (Non-goverment schools) (NCL) là các trường không được nhà
nước đỡ đầu. Loại hình trường này luôn song hành cùng trường công lập và có vai trò quan
trọng trong nền giáo dục. Nó góp phần hỗ trợ cho giáo dục công lập, đáp ứng các nhu cầu khác
nhau của xã hội, chia sẻ gánh nặng đầu tư của nhà nước [1]. Nhiều công trình nghiên cứu trong
và ngoài nước đã chứng minh điều này và đồng thời cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý về
các giải pháp phát triển các trường ngoài công lập [2-7]. Một số công trình nghiên cứu đã đi sâu
vào các phương diện quản lí nhà nước và quản trị nhà trường, đưa ra các giải pháp cụ thể trên
từng phương diện quản lí như: Một số vấn đề trong công tác tổ chức quản lí các trường phổ
thông bán công [8], Xu hướng phát triển giáo dục phổ thông NCL trên thế giới [4], Tác động
của quy luật kinh tế thị trường đối với sự ra đời và phát triển trường ngoài công lập [9]. Tuy
nhiên, các công trình nghiên cứu tính đến thời điểm hiện tại nhiều nội dung đã không còn phù
hợp, đặc biệt là trước công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở nước ta hiện nay.

Ngày nhận bài: 1/2/2020. Ngày sửa bài: 17/3/2020. Ngày nhận đăng: 2/4/2020.
Tác giả liên hệ: Trương Thị Bích. Địa chỉ e-mail:

90


Một số giải pháp về chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập…

Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của cả nước. Hiện tại, với loại hình
trường NCL, thành phố có 40 trường tiểu học, 20 trường THCS và 92 trường THPT. Riêng
THPT, năm 2013 có hơn 20 nghìn học sinh vào lớp 10 NCL (trường công lập là 50 nghìn). Giáo
dục phổ thông NCL đang đóng vai trò quan trọng trong giáo dục của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hệ
thống này cũng đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề về quản lí nhà nước [10].
Từ tình hình nghiên cứu cũng như thực trạng công tác quản lí chuyên môn của giáo dục
phổ thông NCL tại Hà Nội, bài viết đã đưa ra các giải pháp quản lí nhà nước, trong đó có giải
pháp về quản lí chuyên môn đối với các trường phổ thông NCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế

và đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục có tính đến các
yếu tố đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi.

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vài nét về thực trạng quản lí chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài
công lập của thành phố Hà Nội
Thực trạng quản lí chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập của TP. Hà Nội
được điều tra khảo sát ở 14 trường, trên địa bàn 5 quận: Quận Cầu Giấy, quận Hà Đông, quận Hai
Bà Trưng, quận Thanh Xuân, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Đối tượng khảo sát đa dạng: 41
CBQL (gồm cán bộ Sở GD và ĐT, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo, CBQL và giáo viên các
trường phổ thông NCL); 512 giáo viên; 920 học sinh và 38 phụ huynh học sinh [10]. Các trường
khảo sát được phân bố đều ở các vị trí địa lí: trường nội thành, trường ngoại thành, trường có cơ
sở vật chất tốt, trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất,…
* Về công tác tuyển sinh
Theo ý kiến của cán bộ quản lí và giáo viên được khảo sát, chỉ tiêu tuyển sinh của các
trường phổ thông dân lập, tư thục trên địa bàn TP. Hà Nội dựa vào các yếu tố: Tỉ lệ số học sinh
được quy định vào trường công lập; Chỉ tiêu do cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục quy định;
Kế hoạch đào tạo của nhà trường; Năng lực giáo dục của nhà trường. Kết quả khảo sát cho thấy,
cán bộ quản lí cấp Sở, Phòng, Trường đều cho rằng, các trường NCL chủ yếu lựa chọn yếu tố
"Dựa vào tỉ lệ số học sinh được quy định vào trường công lập" để xác định chỉ tiêu tuyển sinh
trường phổ thông NCL. Kết quả phỏng vấn một số cán bộ quản lí cũng cho kết quả tương tự.
Hầu hết đều cho rằng, trong cơ chế cạnh tranh hiện tại, trường phổ thông NCL trên địa bàn chỉ
có thể tuyển sinh được sau khi trường phổ thông công lập đã tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu trường công
lập hút học sinh vào nhiều thì trường phổ thông NCL sẽ giảm cơ hội tuyển được đủ học sinh.
Đây là một áp lực đối với các trường phổ thông NCL trên địa bàn Thủ đô.
Giống với đánh giá của cán bộ quản lí Trường, phần lớn giáo viên cho rằng chỉ tiêu tuyển
sinh của nhà trường chủ yếu "Dựa vào kế hoạch đào tạo của nhà trường" (có 70,7 % giáo viên
lựa chọn tiêu chí này). Bên cạnh đó, tiêu chí "Dựa vào số lượng hồ sơ ứng tuyển" ít được giáo
viên lựa chọn. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng việc tuyển sinh vào các trường dân lập, tư thục
không phụ thuộc nhiều vào số lượng hồ sơ ứng tuyển của học sinh. Đó chưa phải là căn cứ quan

trọng để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dân lập, tư thục.
Tuy nhiên, qua phỏng vấn một số cán bộ quản lí và giáo viên cũng như phụ huynh của một
số trường phổ thông NCL, có thể rút ra các tiêu chí riêng cho các đối tượng trường khác nhau:
- Trường phổ thông NCL “có thương hiệu”: Đây là các trường có cơ sở vật chất tốt, có đội
ngũ giáo viên mạnh, có tiêu chí hoạt động phù hợp với đa phần phụ huynh nên việc tuyển sinh
dựa vào hai tiêu chí: Dựa vào chỉ tiêu do cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục quy định; Dựa
vào kế hoạch đào tạo của nhà trường.
- Trường phổ thông NCL “hạng 2”: Là những trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội
ngũ giáo viên chưa đủ mạnh, chưa tạo được thương hiệu nên việc tuyển sinh còn rất khó khăn.
91


Trương Thị Bích

Tiêu chí tuyển sinh thụ động (Dựa vào nhu cầu xã hội; Dựa vào số học sinh không đủ điều kiện
vào các trường công lập, chất lượng đầu vào tương đối thấp).
Khi được hỏi về chất lượng quy trình tuyển sinh, phần lớn cán bộ quản lí (60%) cho rằng
chất lượng quy trình tuyển sinh của các trường phổ thông dân lập, tư thục trên địa bàn Hà Nội ở
mức trung bình khá. Trong đó: “Quy trình ra thông báo tuyển sinh” được đánh giá ở mức tốt
nhất. Điều này cho thấy ở các trường dân lập, tư thục việc thực hiện ra thông báo tuyển sinh
được thực hiện tốt trong toàn bộ quy trình tuyển sinh. Sở dĩ như vậy vì đây giai đoạn đầu tiên,
muốn thực hiện tốt quy trình tuyển sinh trước hết phải thực hiện tốt việc thông báo tuyển sinh
rộng rãi đến các đối tượng. “Sự công khai trong quá trình tuyển sinh” được đánh giá ở mức
kém nhất, có 37,5% cán bộ quản lí đánh giá nội dung này ở mức yếu. Như vậy, có thể thấy ở
khía cạnh nào đó việc công khai quá trình tuyển sinh ở các trường dân lập, tư thục chưa được
thực hiện tốt.
* Về quản lí chương trình giáo dục
Kết quả khảo sát về quản lí chương trình giáo dục cho thấy tất cả các trường phổ thông
NCL của TP. Hà Nội đều sử dụng chương trình thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số
trường vận dụng chủ động và linh hoạt việc thực hiện thí điểm phát triển chương trình nhà

trường; tham gia tổ chức dạy học theo chủ đề, tăng hoặc giảm một số tiết học, bài học để phù
hợp với mục tiêu chương trình cũng như trình độ học sinh NCL.
Tuy nhiên, qua phỏng vấn giáo viên, có một thực tế tại một số trường phổ thông NCL ở Hà
Nội hiện nay là: Nhà trường có chủ trương cắt bớt số tiết dạy ở một số môn không thi tốt nghiệp
(những năm trước là cả thi đại học) và tập trung, ưu tiên cho các môn chính, quan trọng, có tính
chất quyết định trong các kì thi cuối cấp. Các môn thường bị cắt bớt tiết như: Giáo dục công
dân, Thể dục, Âm nhạc, Sinh học. Các môn thường được tăng cường bồi dưỡng là: Toán, Vật lí,
Hóa học, Tiếng Anh, Ngữ Văn. Hiện tượng này không xảy ra ở cấp tiểu học và ít xảy ra với cấp
THCS. Giải thích nguyên nhân cho thực tế này, có thể là do áp lực thành tích, áp lực tài chính
(trường có thành tích học sinh đỗ đạt cao hàng năm sẽ dần trở thành trường có thương hiệu, thu
hút được lượng học sinh ngày càng đông).
*Về quản lí việc thực hiện công tác chuyên môn của giáo viên phổ thông NCL
Đại đa số ý kiến của cán bộ quản lí, giáo viên khi được hỏi đều cho rằng các trường phổ
thông dân lập, tư thục ở Hà Nội, thường tổ chức đánh giá chuyên môn cho giáo viên dưới hình
thức “sinh hoạt chuyên môn” và “dự giờ”. Sở dĩ như vậy vì đây là hai hình thức phổ biến và
được thực hiện thường xuyên ở các trường phổ thông nói chung.
Giáo viên các trường phổ thông NCL thường sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại.
Sở dĩ như vậy là ở các trường phổ thông NCL, số lượng giáo viên trẻ tương đối cao; số giáo
viên thỉnh giảng cũng chiếm tỉ lệ tương đối (số giáo viên này thuộc biên chế của các trường phổ
thông công lập; hoặc là giảng viên từ các trường đại học). Vì vậy mà việc vận dụng các phương
pháp giáo dục hiện đại vào giảng dạy đối với các thầy cô là không khó.
* Về quy trình kiểm tra, đánh giá
Các quy trình kiểm tra, đánh giá tại trường dân lập, tư thục ở Hà Nội được cán bộ quản lí
và giáo viên đánh giá ở mức khá cao, đặc biệt là “hệ thống đánh giá nội bộ của trường (tự tiến
hành đánh giá chương trình, kiểm toán,…)”. Như vậy, theo cán bộ quản lí và giáo viên thì hệ
thống đánh giá nội bộ của trường được thực hiện ở mức tốt nhất. Điều đó nói lên rằng hiện nay,
tại các trường dân lập, tư thục đã tổ chức việc đánh giá chương trình nhất là công tác tự đánh giá
tình hình thu chi tài chính,... trong hoạt động nội bộ của họ ở mức khá cao.
Tóm lại, thực trạng quản lí chuyên môn của các trường phổ thông dân lập, tư thục ở Hà Nội
hiện nay đã có nhiều mặt khá tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lí của

nhà trường. Nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, để thực hiện chương trình giáo
92


Một số giải pháp về chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập…

dục phổ thông mới đạt mục tiêu đặt ra cần phải có những giải pháp hiệu quả trong công tác quản
lí chuyên môn của nhà trường.

2.2. Một số giải pháp quản lí chuyên môn đối với trường ngoài công lập ở thành
phố Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục
2.2.1. Quản lí đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp đầu cấp
Một vấn đề được đặt ra hiện nay là có sự cạnh tranh quyết liệt trong công tác tuyển sinh,
đặc biệt giữa các trường công lập và ngoài công lập. Bởi đây là vấn đề sống còn đối với nhà
trường, nhất là các trường NCL. Tình trạng đó dẫn đến nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu
trong khi chưa đảm bảo được đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Giải pháp đề xuất nhằm giúp
các trường NCL thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh. Công tác tuyển sinh được công khai
minh bạch và cân đối giữa khối công lập và ngoài công lập.
a) Về công tác truyền thông quảng bá
Các nhà trường cần đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh. Quảng bá, tư
vấn là một trong những biện pháp nhằm đưa thông tin trực tiếp hay gián tiếp đến với đối tượng
học sinh và những người có liên quan. Muốn vậy, việc quảng bá, tư vấn phải được thực hiện
bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên, qua việc tuyên truyền trên các kênh
phát thanh, truyền hình; bằng các pa-nô, áp-phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến
các đối tượng qua việc tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email. Bởi vì qua các phương tiện
thông tin có lúc chưa truyền tải hết tất cả những thông tin chi tiết đối với công tác giáo dục và
các thông tin liên quan. Hơn nữa, đối tượng học sinh và những người liên quan khác, đôi lúc
muốn hiểu thêm các vấn đề về giáo dục thì phải có cán bộ tuyển sinh giải thích trực tiếp mới
phát huy hiệu quả.
Nhà trường cần thông qua các hoạt động như tiếp thị đến từng gia đình bằng nhiều kênh thông

tin khác nhau, không ngừng quảng bá giới thiệu về trường, về chương trình giáo dục; tìm hiểu thông
tin về các trường trong hệ thống giáo dục trên địa bàn để có kế hoạch tiếp thị; Tăng cường hợp tác
giao lưu, tổ chức hội thảo để quảng bá về nhà trường, quan hệ tốt với các doanh nghiệp, cộng
đồng dân cư nhằm nắm bắt được nhu cầu, xu hướng giáo dục của cộng đồng và xã hội.
Hoàn thiện quản lí nhà nước về tuyển sinh cũng là giải pháp để các trường tự chủ tuyển
sinh được người học phù hợp và có số lượng phù hợp với năng lực giáo dục. Cơ quan quản lí
nhà nước cần giao toàn bộ công tác tuyển sinh, từ khâu ra đề cho tới xét tuyển cho các trường.
Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Giáo dục. Để đảm bảo chất lượng và công bằng,
Nhà nước quy định các tiêu chuẩn đầu vào cơ bản và tối thiểu. Các trường được quyết định các
điều kiện tuyển bổ sung về trình độ, kĩ năng, thể lực hay năng khiếu, hình thức tuyển. Điều này
giúp các trường thuận lợi hơn khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục sau này.
Đổi mới cách thức giao chỉ tiêu tuyển sinh: UBND thành phố Hà Nội cần giao cho các
trường quyền quyết định chỉ tiêu tuyển dựa trên tín hiệu nhu cầu của cộng đồng dân cư và hệ
thống đảm bảo chất lượng với các tiêu chí chung do Bộ và Sở GD&ĐT Hà Nội quy định. Thay
vì giao chỉ tiêu theo kế hoạch tập trung như hiện nay, Sở GD và ĐT nên cân nhắc giao cho các
trường chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với khả năng đào tạo, nghiên cứu, trang
thiết bị, khả năng tài chính của mình và nhu cầu xã hội. Trong trường hợp sử dụng phương thức
xét tuyển, các cơ quan quản lí nhà nước cần xây dựng và ban hành khung xét tuyển để căn cứ
cho các trường chủ động xây dựng phương án tuyển sinh và thông báo công khai để người học,
người dân biết và giám sát.
b) Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyển sinh
Đội ngũ tuyển sinh của các trường phổ thông NCL của Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng,
vì thế cần xây dựng đội ngũ này gồm những đối tượng sau:
93


Trương Thị Bích

- Bộ phận chuyên trách làm công tác tuyển sinh: Bộ phận chuyên trách tuyển sinh đóng vai
trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng công tác tuyển sinh của nhà

trường. Bộ phận này sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá, tư vấn tuyển sinh và hoạt
động suốt năm học.
- Bộ phận cán bộ, giáo viên: Công tác tuyển sinh là hoạt động của toàn trường, mọi thành
viên trong trường phải có trách nhiệm tham gia, để thực hiện được điều này mỗi cán bộ, viên
chức trước hết cần phải nhận thức rằng công việc tham gia tuyển sinh của họ có ảnh hưởng trực
tiếp đến sự tồn tại và phát triển của nhà trường vì không có học sinh đồng nghĩa với việc trường
sẽ không hoạt động được. Để thực hiện được điều này, nhà trường phải có những biện pháp
động viên khích lệ, chẳng hạn như giao khoán mức thưởng trên mỗi hồ sơ khi học sinh do cán
bộ, giáo viên vận động đã vào học hoặc khen thưởng kịp thời trong các ngày lễ, các dịp tổng
kết,... nhằm tạo nên một không khí thi đua, phấn đấu trong mỗi cán bộ, viên chức trong hoạt
động tuyển sinh.
- Bộ phận học sinh, cựu học sinh, phụ huynh học sinh, cộng đồng: Huy động lực lượng này
tham gia công tác tuyển sinh qua việc động viên các thành phần tích cực quảng bá các chương
trình giáo dục và chất lượng giáo dục của nhà trường đến người thân, bạn bè đồng thời có chế
độ khen thưởng khi vận động được nhiều người vào học ở trường.
Như vậy, công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến
sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Để công tác tuyển sinh thật sự có hiệu quả và chất lượng,
nhà trường cần phải kết hợp và sử dụng rất nhiều biện pháp để công tác tuyển sinh ngày càng tốt
hơn. Các trường cần có cơ chế để tự xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh. Tăng cường hợp tác giao lưu,
tổ chức hội thảo để quảng bá về nhà trường. Mặt khác, các trường cũng cần có kế hoạch cải tiến
chất lượng dạy và học thông qua xây dựng uy tín và thương hiệu của bản thân nhà trường; kết
nối và mở rộng các chương trình liên kết.
Đối với cấp quản lí vĩ mô, việc hoàn thiện quản lí nhà nước về tuyển sinh cũng là giải pháp
để các trường tự chủ tuyển sinh được người học phù hợp và có số lượng phù hợp với năng lực
giáo dục. Nhà nước hoàn thiện cơ chế, giao cho các trường quyền quyết định chỉ tiêu tuyển dựa
trên tín hiệu nhu cầu của cộng đồng dân cư và hệ thống đảm bảo chất lượng với các tiêu chí
chung do Bộ và Sở GD&ĐT quy định.
2.2.2. Quản lí phát triển chương trình giáo dục nhà trường
Giải pháp nhằm cụ thể hóa chương trình giáo dục quốc gia, làm cho chương trình giáo dục
quốc gia phù hợp ở mức cao nhất với thực tiễn cơ sở giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học

nhằm tăng cường tính tích cực của học sinh trong dạy - học, đáp ứng định hướng phát triển năng
lực thực hiện của người học. Vậy nên, việc quản lí phát triển chương trình giáo dục nhà trường
cần được thực hiện như sau:
a) Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên nhà trường về phát triển chương
trình nhà trường thông qua các hoạt động dạy học, giáo dục; lồng ghép nội dung phát triển
chương trình nhà trường vào trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn của tổ bộ môn; tổ chức các
buổi seminar theo chủ đề liên quan đến phát triển chương trình nhà trường.
b) Thứ hai, tổ chức các khóa học bồi dưỡng, tập huấn về phát triển chương trình nhà trường
Thực hiện rà soát năng lực của giáo viên nhằm tổ chức các khóa học bồi dưỡng, tập huấn
cho giáo viên giúp họ có được một hệ thống kiến thức cơ bản về phát triển chương trình nhà
trường; giúp đỡ, bồi dưỡng, hỗ trợ cho giáo viên có đủ năng lực để tham gia vào quá trình phát
triển chương trình nhà trường cũng như sẽ trực tiếp hiện thực hóa chương trình đó vào thực tiễn.
c) Thứ ba, khuyến khích giáo viên nghiên cứu về các vấn đề phát triển chương trình nhà trường
Khuyến khích, giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên hoặc một nhóm giáo viên thực hiện các nghiên cứu
các vấn đề nảy sinh hoặc liên quan đến phát triển chương trình nhà trường trong quá trình thực
94


Một số giải pháp về chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập…

hiện hoạt động này.
d) Thứ tư, đổi mới sinh hoạt chuyên môn
Hiệu trưởng/cán bộ quản phụ trách chuyên môn cần tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên
môn của tổ bộ môn thông qua nghiên cứu bài học, tăng cường các hoạt động dự giờ, thảo luận,
rút kinh nghiệm về giáo án, tiết giảng của giáo viên.
e) Thứ năm, thực hiện các hoạt động giao lưu, chia sẻ về kinh nghiệm phát triển chương
trình nhà trường
Tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chương trình
nhà trường với các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm, với các cơ sở giáo dục không tham gia thí
điểm thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tham quan học tập,…

f) Thứ sáu, đổi mới kiểm tra, đánh giá các hoạt động phát triển chương trình nhà trường
Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên những điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học,
đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, kiểm tra, đánh giá học sinh, tập hợp những
thông tin đó để làm cơ sở điều chỉnh kịp thời nhằm hoàn thiện chương trình nhà trường trước
khi áp dụng tiếp cho những khóa tiếp sau.
g) Thứ bảy, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học
Lập kế hoạch đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện
giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, cán bộ quản lí phụ trách chuyên
môn cần lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo việc phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh học sinh,
cộng đồng xã hội hóa việc đầu tư cho nhà trường nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực từ bên
ngoài cộng đồng và xã hội.
h) Thứ tám, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện các văn bản về phát triển
chương trình nhà trường
Thực hiện phối hợp với cơ quan chủ quản, các cơ quan chức năng về quản lí giáo dục tiếp
tục hoàn thiện những quy định hoặc quy chế cho giáo viên tham gia thí điểm để giáo viên có
được sự động viên khuyến khích nhiều hơn.
2.2.3. Quản lí đổi mới phương pháp dạy học
Giải pháp quản lí đổi mới phương pháp dạy học nhằm các mục đích sau:
- Tạo điều kiện cho học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá: dã ngoại, giao lưu,
các phong trào thi đua,…; phát huy tốt năng khiếu của từng học sinh qua công tác giáo dục thể
chất, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục kĩ thuật hướng nghiệp dạy nghề phổ thông.
- Sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động
học tập của học sinh như: dạy học dự án, dạy học giải quyết vấn đề, ... Việc tăng cường vận dụng
các PPDH tiên tiến nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh là chủ thể nhận thức các nội
dung học tập.
Vậy nên việc quản lí đổi mới phương pháp dạy học, các nhà trường phổ thông NCL cần:
a) Chỉ đạo đổi mới có hiệu quả chương trình, nội dung và phương pháp dạy học, theo xu
thế dạy học hiện đại
Yêu cầu hoạt động giáo dục ở trường phổ thông NCL luôn đòi hỏi phải có nội dung chương
trình, phương pháp dạy học phù hợp đáp ứng yêu cầu giáo dục chất lượng cao. Do vậy, việc

thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và giáo dục luôn là sự quan tâm hàng
đầu của trường. Chương trình, nội dung, phương pháp phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của
trường phổ thông NCL.
Thực hiện tốt nội dung chương trình giảng dạy của Bộ, Sở GD&ĐT. Đây là tiêu chí nhà
trường phải thực hiện theo chương trình giáo dục thống nhất cả nước. Tuy nhiên, việc giảng dạy
95


Trương Thị Bích

được cải tiến theo tiêu chí ứng dụng hiệu quả phương pháp giảng dạy hiện đại nhằm giúp học
sinh tiếp thu nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu, đồng thời phát huy tốt năng khiếu của từng học sinh.
Chú trọng chương trình giảng dạy nâng cao, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức không chỉ cơ
bản mà đòi hỏi kiến thức nâng cao của chương trình phổ thông theo từng bậc học.
- Về thực hiện nội dung, chương trình dạy học, cần nghiên cứu, chọn lọc các chương trình
dạy học để áp dụng, trên cơ sở phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa bàn.
- Về phương pháp dạy học, phải thực hiện có hiệu quả phương pháp dạy học tiên tiến. Song
song với việc tích cực khai thác các thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp dạy học được đổi
mới theo yêu cầu.
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học cần đảm bảo: Học sinh phải biết tự học, tự khám
phá kiến thức, biết sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu,… ở thư viện, khai thác các
phần mềm ứng dụng vào học tập. Học sinh biết phản hồi tích cực, rút được kiến thức cho mình
sau mỗi buổi học; phải có phương pháp tự học phù hợp, hiệu quả, phấn đấu đạt yêu cầu ở cả 6
bậc: biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá.
b) Phối hợp các hình thức tổ chức dạy học một các linh hoạt:
Trong dạy học ở trường phổ thông có nhiều hình thức tổ chức khác nhau như: dạy học cá
nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp, dạy học ngoài trời, trò chơi học tập, tham quan,
khảo sát địa phương, ngoại khoá,…
Việc thực hiện có hiệu quả chương trình, nội dung, PPDH, hình thức dạy học tiên tiến luôn
là yêu cầu hàng đầu của phát triển trường PT chất lượng cao hiện nay, nhằm tạo ra các sản phẩm

chất lượng cho xã hội.
2.2.4. Tăng cường quản lí chất lượng giáo dục trong các nhà trường phổ thông ngoài công
lập tại Hà Nội
Giải pháp đưa ra nhằm khắc phục tình trạng buông lỏng trong quản lí chất lượng, giúp cho
các trường phổ thông NCL phát triển bền vững, khẳng định được thương hiệu và trở thành địa
chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh.
a) Thứ nhất, nhà trường cần tuân theo các bước để thực hiện đảm bảo chất lượng là:
- Xây dựng được mục tiêu, nhiệm vụ từng năm học theo các tiêu chuẩn, phương hướng,
nhiệm vụ từng năm học của Bộ và Sở GD&ĐT để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho trường mình.
- Xây dựng nội dung, chương trình, hình thức tổ chức học.
- Tổ chức học tập kinh nghiệm tiên tiến, vận dụng cải tiến liên tục hoạt động dạy và hoạt
động học.
- Xây dựng tiêu chuẩn và tuyển sinh nghiêm túc.
- Tuyển chọn giáo viên đủ số lượng, chất lượng, dạy đủ các môn theo quy định.
- Mua sắm, bảo quản, sửa chữa cơ sở, phòng học, đồ dùng dạy học đảm bảo các điều kiện
vệ sinh học đường cho học sinh.
- Xây dựng các tổ chức gọn nhẹ xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, lựa chọn đúng người
đúng năng lực phụ trách.
- Xây dựng nề nếp, phối hợp hoạt động gắn các tổ chuyên môn, phòng ban thông suốt các
thông tin quản lí hai chiều.
- Có kế hoạch vận động cán bộ quản lí và giáo viên của trường tham gia tìm hiểu về công
tác giáo dục và phương hướng giáo dục của ngành giáo dục.
- Ban Giám hiệu cùng với Tổ trưởng chuyên môn và các bộ phận liên quan căn cứ chỉ đạo
của Bộ và Sở GD & ĐT đề ra mục tiêu nhiêm vụ cho trường mình.
- Đặt ra những quy định khen thưởng và kỷ luật đối với việc thực hiện nội qui học tập.
- Ban Thi đua khen thưởng đặt ra những qui định khen thưởng và kỷ luật đối với việc thực
96


Một số giải pháp về chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập…


hiện nội quy học tập, thống nhất về quy định học tập của học sinh, để làm căn cứ xây dựng nề
nếp, ngăn ngừa những hành vi sai trái ; phối hợp với Đoàn Thanh niên, phòng giám thị tổ chức
kiểm tra ở tất cả các lớp hàng ngày, từ đó đánh giá xếp loại thi đua theo từng đợt.
- Chỉ đạo giáo viên phân loại trình độ học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu.
Ban Giám hiệu chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kết hợp Tổ trưởng bộ môn
phân loại để biết được số lượng học sinh giỏi, học sinh yếu ở các lớp để kịp thời có biện pháp,
hình thức bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ
môn thường xuyên theo dõi mức độ tiến bộ của học sinh yếu và trình độ được nâng cao của học
sinh giỏi.
b) Thứ hai, chỉ đạo việc soạn giáo án và thông báo nội dung chi tiết từng môn học
Ban giám hiệu giao cho các tổ trưởng bộ môn soạn thảo chương trình chi tiết từng môn
học. Sau đó chỉ đạo cho giáo viên bộ môn biên soạn giáo án và cùng với giáo viên chủ nhiệm tổ
chức hướng dẫn các em cách thức học để lĩnh hội từng nội dung học tập; giúp học sinh biết rõ
từng nội dung học tập theo từng môn, từng học kỳ.
- Động viên, giám sát, kiểm tra đánh giá việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của
giáo viên.
- Tổ chức lấy ý kiến giáo viên về tình hình đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học,
phân tích và đánh giá để tìm ra những ưu điểm và hạn chế.
- Chú trọng đến chính sách, kịp thời động viên, khuyến khích để tác động giáo viên thực
hiện đổi mới phương pháp dạy học.
- Chỉ đạo việc hướng dẫn học sinh tìm được những phương pháp học tập thích hợp cho từng nội
dung, từng bài học cụ thể.
Mỗi học kỳ, Ban giám hiệu phân công cho các tổ bộ môn tổ chức ít nhất một buổi trao đổi,
giới thiệu và hướng dẫn phương pháp học tập tích cực và phù hợp với học sinh. Ban giám hiệu
tăng cường chỉ đạo đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập cho học sinh.
c) Thứ ba, tăng cường quản lí các hình thức tổ chức, thời gian học tập của học sinh, nhất
là hoạt động tự học
Chỉ đạo phương châm giờ nào việc nấy, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm theo dõi mọi sinh
hoạt học tập của học sinh ở trường cũng như tại nhà qua việc phối hợp với giáo viên bộ môn và

cha mẹ học sinh.
Việc học tập của học sinh được diễn ra với nhiều hình thức, từ học chính quy trên lớp đến
học ngoài giờ lên lớp, thực hành thí nghiệm tại trường, từ việc học với giáo viên và việc tự học
được quy định tùy theo hình thức học tập. Trong từng hình thức, học sinh sẽ đạt được kết quả
học tập của từng nội dung khác nhau, cách thức quản lí cho từng hình thức cũng có những đặc
trưng riêng. Ngoài việc vạch kế hoạch quản lí rõ ràng cụ thể, BGH nên có những hình thức quản
lí về cách tổ chức, chỉ đạo phân công và kiểm tra đánh giá lại các kết quả đạt được. Tùy vào mỗi
hình thức học tập mà Ban giám hiệu nên chỉ đạo sự phối hợp giữa các chủ thể giáo dục trong
nhà trường để quản lí hoạt động học tập của học sinh.
Xây dựng các nhóm học tập và các phong trào thi đua tại trường để kích thích tính chủ
động, tích cực học tập của học sinh.
Xây dựng thời gian học tập chính khóa theo thời khóa biểu cụ thể, rõ ràng và ổn định. Có
kế hoạch cụ thể về thời gian tự học và được theo dõi, quan tâm, giúp đỡ để từng bước học sinh
làm chủ được thời gian, làm chủ được hoạt động học của mình.
d) Thứ tư, nâng cao chất lượng quản lí quá trình giảng dạy của giáo viên.
Lí luận và thực tiễn đã khẳng định thông qua dạy học, giáo viên không chỉ dạy cho học
sinh kiến thức, kỹ năng mà còn hình thành cho các em phương pháp học, phương pháp hoạt
97


Trương Thị Bích

động sáng tạo. Vì vậy muốn học sinh tự quản lí được các hoạt động học, giáo viên phải dạy cho
học sinh các kỹ năng, phương pháp học thông qua dạy từng bài trong quá trình dạy học.
Mục đích của việc làm này là giáo viên tự quản lí hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng
quá trình dạy để dạy cách học, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự học của từng học sinh.

3. Kết luận
Giáo dục phổ thông NCL tại Hà Nội hiện đã đáp ứng một phần nhu cầu học tập của nhân
dân Thủ đô ngày càng tăng mạnh mà hệ thống trường công lập không đáp ứng kịp. Để phát triển

loại hình trường này, bên cạnh các giải pháp quan trọng về quản lí nhà nước như giải pháp về tài
chính – cơ sở vật chất, về tổ chức – nhân sự, về cơ chế - chính sách thì giải pháp về quản lí
chuyên môn cũng đặc biệt quan trọng. Nếu như các giải pháp trên là những giải pháp điều kiện
thì giải pháp về quản lí chuyên môn là giải pháp cốt lõi, trọng tâm. Một trường học có đội ngũ
giáo viên giỏi, tâm huyết, trách nhiệm; lãnh đạo nhà trường biết chú trọng công tác tuyển sinh;
quan tâm đến phát triển chương trình nhà trường sao cho phù hợp; tích cực trong đổi mới
phương pháp dạy học và cập nhật những chương trình dạy học tiên tiến, hiện đại luôn là môi
trường giáo dục chất lượng, hiệu quả, là địa chỉ tin cậy của đông đảo nhân dân trên địa bàn, góp
phần quan trọng vào công cuộc đổi mới giáo dục của thành phố Hà Nội nói riêng, của đất nước
nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Richard Aldrich, 2004. Public or Private education – lesson from history, Routledge
Publications.
[2] Laurence Wolff, Juan Carlos Navarro, Pablo González, 2005. Private education and public
policy in Latin America, Partiership forEducation Revitalization in the America (PREAL)
publication.
[3] Han Minh, 2004. No-government/private education in China. The National Centre of
Educatin development Reasearch publications.
[4] Mạc Văn Trang, Đỗ Thị Bình, 2005. Xu hướng phát triển giáo dục phổ thông ngoài công
lập trên thế giới. Tạp chí Giáo dục, số 115, tháng 6.
[5] Meeting the challenges of secondary education in Latin America and East Asia - Emanuala
di Gropello - World Bank publications.
[6] The role of the private sector in education in Vietnam - Paul Glewwe. Harry Anthony
Patrinos - World Bank publications. 1997.
[7] Trương Thị Bích. Kinh nghiệm quốc tế và những bài học cho Việt Nam về quản lí giáo dục
Việt Nam ngoài công lập. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ISSN 2354
– 1075, Volume 63, Issue 2A, 2018, tr. 214-223.
[8] Nguyễn Văn Đản, 1998. Một số vấn đề trong công tác tổ chức quản lí các trường phổ
thông bán công. Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, số tháng 5/1998, tr. 6-10.
[9] Phạm Tuấn Hùng, 2008. Tác động của quy luật kinh tế thị trường đối với sự ra đời và phát

triển trường ngoài công lập. Tạp chí Khoa học Giáo dục, tháng 10 năm 2008.
[10] Trương Thị Bích. Các giải pháp quản lí nhà nước đối với các trường phổ thông dân lập, tư
thục tại Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Đề tài NCKHGD Sở KH&CN TP. Hà
Nội; mã số 0X1-12/01-2016-3.

98


Một số giải pháp về chuyên môn đối với các trường phổ thông ngoài công lập…

ABSTRACT
Some solutions on professional management for non-public schools
in Hanoi city in the context of education innovation

Truong Thi Bich
Centre for Teacher Research, Institute for Education Research,
Hanoi National University of Education
Vietnamese education, including both public and private institutions, has always co-existed
for a long time. In the context of renewing "basic and comprehensive education for meeting the
requirements of industrialization and modernization in the conditions of a socialist-oriented
market economy and international integration", there are more opportunities for private
education to develop and assert their position beside public education, especially in big cities,
the key economic - political - cultural centers of the country. This paper addresses some of the
professional solutions for private schools in Hanoi in the context of educational innovation.
These are solutions for management innovations on admissions, school-based curriculum
development, teaching method, and educational quality… The synchronous implementation of
professional solutions in addition to the solutions on mechanism - policy, organization personnel, finance - facilities which has contributed to improve the education quality of private
schools in Hanoi. In which, many schools have created brands with advanced, modern education
programs, positive teaching methods, and become a role model, attract a huge number of
parents and students in the capital city.

Keywords: private high schools, solutions for professional management, admission
management, school-based curriculum development management, teaching method
management, education quality management.

99



×