Một số lý luận cơ bản về hoạt động đấu thầu và hình thức
Tổng thầu EPC
I. Đấu thầu.
1. Khái niệm về đấu thầu.
Theo luật đấu thầu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số
61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 thì:
- Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu
để thực hiện gói thầu.
- Đấu thầu trong nước là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên
mời thầu với sự tham gia của các nhà thầu trong nước.
- Đấu thầu quốc tế là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên
mời thầu với sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài và nhà thầu trong nước.
2. Một số thuật ngữ dùng trong đấu thầu:
Theo luật đấu thầu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số
61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 thì:
- Chủ đầu tư là người sở hữu vốn hoặc được giao trách nhiệm thay mặt chủ sở
hữu, người vay vốn trực tiếp quản lý và thực hiện dự án.
- Bên mời thầu là chủ đầu tư hoặc tổ chức chuyên môn có đủ năng lực và kinh
nghiệm được chủ đầu tư sử dụng để tổ chức đấu thầu theo các quy định của pháp luật
về đấu thầu.
- Nhà thầu là tổ chức, cá nhân có đủ tư cách hợp lệ.
- Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm về việc tham gia đấu thầu, đứng tên
dự thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn ( sau đây được gọi là nhà thầu
tham gia đấu thầu ). Nhà thầu tham gia đấu thầu một cách độc lập gọi là nhà thầu độc
lập. Nhà thầu cùng với một hoặc nhiều nhà thầu khác tham gia đấu thầu trong một đơn
dự thầu gọi là nhà thầu liên doanh.
- Nhà thầu phụ là nhà thầu thực hiện một phần công việc của gói thầu trên cơ sở
thỏa thuận hoặc hợp đồng được ký kết với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ không phải
chịu trách nhiệm về việc tham gia đấu thầu.
- Nhà thầu trong nước là nhà thầu được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt
Nam.
- Nhà thầu nước ngoài là nhà thầu được thành lập và hoạt động theo pháp luật của
nước mà nhà thầu mang quốc tịch.
- Gói thầu là một phần của dự án, trong một số trường hợp đặc biệt gói thầu là
toàn bộ dự án, gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự
án hoặc là khối lượng mua sắm một lần đối với mua sắm thường xuyên.
- Hồ sơ mời thầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu
hạn chế bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị
hồ sơ dự thầu và để bên mời thầu đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm lựa chọn nhà thầu trúng
thầu, là căn cứ cho việc thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
- Hồ sơ dự thầu là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của hồ sơ mời
thầu và được nộp cho bên mời thầu theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu.
- Giá gói thầu là giá trị gói thầu được xác định trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở
tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán được duyệt và các quy định hiện hành.
- Giá dự thầu là giá do nhà thầu nêu trong đơn dự thầu thuộc hồ sơ dự thầu,
trường hợp nhà thầu có thư giảm giá thì giá dự thầu là giá sau giảm giá.
- Giá đề nghị trúng thầu là giá do bên mời thầu đề nghị trên cơ sở giá dự thầu của
nhà thầu được lựa chọn trúng thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của
hồ sơ mời thầu.
- Giá trúng thầu là giá được phê duyệt trong kết quả lựa chọn nhà thầu làm cơ sở
để thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
- Tổng mức đầu tư là tổng mức chi phí cần thiết cho việc đầu tư xây dựng công
trình thuộc dự án được tính toán cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Tổng dự toán công
trình bao gồm những khoản chi phí có liên quan đến khảo sát, thiết kế, xây lắp, mua
sắm thiết bị, chi phí sử dụng đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng, chi phí khác và chi
phí dự phòng.
- Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá
trình đầu tư dự án vào khai thác sử dụng. Chi phí hợp pháp là chi phí theo đúng hợp
đồng đã ký kết bảo đảm đúng chế độ kế toán của Nhà nước và được kiểm toán khi có
yêu cầu của người có thẩm quyên quyết định đầu tư.
3. Vai trò của đấu thầu.
Đấu thầu là một phương thức kinh doanh có hiệu quả rất cao. Trong nền kinh tế
thị trường nó càng tỏ rõ ưu thế của mình. Vai trò của nó thể hiện bằng những lợi ích
không chỉ với chủ đầu tư mà còn với nhà thầu và Nhà nước.
3.1 Đối với chủ đầu tư:
Đấu thầu giúp họ tiết kiệm được vốn đầu tư, đảm bảo được đúng tiến độ và chất
lượng công trình vì trong đấu thầu diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà thầu nên
chủ đầu tư sẽ chọn nhà thầu nào có giá thấp nhưng có năng lực và kinh nghiệm.
Đấu thầu giúp chủ đầu tư nắm được quyền chủ động hoàn toàn vì chỉ khi đã có sự
chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về tất cả mọi mặt trước khi đầu tư thì chủ đầu tư mới mời
thầu và tiến hành đấu thầu thi công công trình.
Để đánh giá được đúng các hồ sơ dự thầu đòi hỏi các cán bộ của chủ đầu tư phải
có một trình độ nhất định. Việc quản lý một dự án cũng đòi hỏi các cán bộ phải tự nâng
cao trình độ của mình về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu thực tế. Kết quả là nâng cao trình
độ năng lực của đội ngũ cán bộ kinh tế, kỹ thuật của chủ đầu tư.
3.2 Đối với các nhà thầu.
Trước hết cơ chế đấu thầu sẽ phát huy được tính chủ động trong việc tìm kiếm
các cơ hội tham gia dự thầu, tích cực tìm kiếm thông tin về các công trình đang mời
thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây dựng các mối quan hệ với các tổ
chức trong và ngoài nước, tự tìm cách tăng cường uy tín của mình .
Việc tham dự đấu thầu, trúng thầu và thực hiện các dự án theo hợp đồng làm cho
nhà thầu phải tập trung đồng vốn của mình vào một trọng điểm đầu tư giúp nhà thầu
nâng cao được năng lực kỹ thuật, công nghệ của mình theo yêu cầu của công trình.
Ngay từ quá trình đấu thầu, nhà thầu phải đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật công nghệ,
năng lực do đó nhà thầu cần phải nâng cao trình độ về mọi mặt.
Việc tham gia đấu thầu và quản lý một dự án rất phức tạp, công việc trong thực tế
sẽ giúp nhà thầu hoàn thiện được các mặt tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
công ty.
3.3 Đối với Nhà nước:
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tập trung ( vốn từ ngân sách Nhà nước).
Đấu thầu dựa trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhà thầu trên các mặt như tài chính, kỹ
thuật, lao động...nên nó thúc đẩy các công ty tìm cách tăng cường hiệu quả và trình độ.
Mặt khác chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu nào cung cấp sản phẩm dịch vụ với giá rẻ mà
vẫn đảm bảo chất lượng do đó hiệu quả sử dụng đồng vốn từ ngân sách Nhà nước là
cao nhất.
Đấu thầu góp phần đổi mới hành chính Nhà nước. Trước kia trong xây dựng cũng
như trong các ngành kinh tế khác, Nhà nước quản lý toàn bộ từ việc ra quyết định xây
dựng công trình nào, vốn bao nhiêu, giải pháp kỹ thuật như thế nào, thời gian bao lâu, ai
thi công, vật tư thiết bị lấy ở đâu... thì nay với cơ chế đấu thầu Nhà nước chỉ quản lý
sản phẩm cuối cùng là công trình hoàn chỉnh với chất lượng đảm bảo. Trách nhiệm của
Nhà nước bây giờ chủ yếu là nghiên cứu ban hành các văn bản, chính sách tiêu chuẩn
về xây dựng đồng thời theo dõi giám sát và kiểm tra.
4. Trình tự của hoạt động đấu thầu.
4.1 Giai đoạn chuẩn bị đấu thầu.
4.1.1 Sơ tuyển nhà thầu.
- Việc sơ tuyển nhà thầu được thực hiện trước khi tổ chức đấu thầu nhằm chọn
được nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia
đấu thầu.
- Trình tự thực hiện sơ tuyển bao gồm: lập hồ sơ mời sơ tuyển, thông báo mời sơ
tuyển, tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, trình và phê
duyệt kết quả sơ tuyển, thông báo kết quả sơ tuyển.
4.1.2 Lập hồ sơ mời thầu.
Hồ sơ mời thầu được lập theo mẫu do Chính phủ quy định và bao gồm hai nội
dung:
- Yêu cầu về mặt kỹ thuật
- Yêu cầu về mặt tài chính.
4.1.3 Mời thầu.
Việc mời thầu được thực hiện theo quy định sau:
- Thông báo mời thầu đối với gói thầu rộng rãi.
- Gửi thư mời thầu đối với đấu thầu hạn chế hoặc đối với đấu thầu rộng rãi có sơ
tuyển.
4.2 Giai đoạn nhận đơn thầu.
- Phát hành hồ sơ mời thầu
- Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự thầu.
4.3 Giai đoạn mở thầu và đánh giá.
4.3.1 Mở thầu.
Việc mở thầu phải được tiến hành công khai ngay sau thời điểm đóng thầu đối với
các hồ sơ dự thầu được nộp theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Thông tin chính nêu trong hồ sơ dự thầu của từng nhà thầu phải được công bố
trong buổi mở thầu.
4.3.2 Đánh giá hồ sơ dự thầu và xếp hạng nhà thầu.
a) Đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu để loại bỏ các hồ sơ dự thầu không hợp lệ, không
bảo đảm yêu cầu quan trọng của hồ sơ mời thầu.
- Tính hợp lệ của đơn dự thầu: Đơn dự thầu phải được điền đầy đủ và có chữ ký
của người đại diện hợp pháp của nhà thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với nhà
thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký,
trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh có quy định các thành viên trong liên
danh ủy quyền cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu.
- Tính hợp lệ của thỏa thuận liên danh: Trong thỏa thuận của liên danh phải phân
định rõ trách nhiệm, quyền hạn, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương
ứng của từng thành viên trong liên danh, kể cả người đứng đầu liên danh và trách nhiệm
của người đứng đầu liên danh, chữ ký của các thành viên, con dấu ( nếu có ).
- Có một trong các giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu: giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, quyết đinh thành lập, giấy đăng ký
hoạt động hợp pháp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
- Số lượng bản chính, bản chụp hồ sơ đề xuất kỹ thuật.
- Các phụ lục, tài liệu kèm theo hồ sơ.
b) Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu:
Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu bao gồm đánh giá về kinh nghiệm, năng lực và
đánh giá về mặt kỹ thuật của nhà thầu:
- Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:
• Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự ở Việt Nam và nước ngoài, kinh nghiệm
hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
• Năng lực nhân lực: số lượng, trình độ cán bộ công nhân kỹ thuật thực hiện gói thầu.
• Năng lực tài chính: tổng tài sản, tổng nợ phải trả, vốn lưu động, doanh thu lợi nhuận
( trong ba năm gần nhất ); giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang...
- Đánh giá về mặt kỹ thuật:
• Đặc tính thông số kỹ thuật của máy móc thiết bị, mức độ đáp ứng của thiết bị thi công.
• Bảo đảm điều kiện an toàn và vệ sinh môi trường.
• Các biện pháp đảm bảo chất lượng.
• Tiến độ thi công.
• .....
Ngoài ra thì còn đánh giá về tiêu chuẩn giá cả: giá dự thầu không được vượt quá
giá xét thầu.
c) Đánh giá tổng hợp và xếp hạng.
- Sử dụng phương pháp chấm điểm:
Đối với mỗi công trình cụ thể việc đánh giá tổng hợp các tiêu chuẩn được sử
dụng theo hệ thống thang điểm ( 100, 1000...). Tuy nhiên mức điểm yêu cầu tối thiểu
không thấp hơn 70% tổng số điểm về mặt kỹ thuật và không thấp hơn 80% đối với gói
thầu có yêu cầu kỹ thuật cao.