Thực trạng về Đầu tư công trong Nông nghiệp và phát
triển Nông thôn ở Việt Nam hiện nay
I- Tổng quan về ngành Nông nghiệp Việt Nam
1. Vị trí của ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế
“Báo cáo chung của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới với sự hỗ trợ
của Nhóm các nhà tài trợ cùng mục đích” và các báo cáo của Bộ NN& PTNN
đã khẳng định ngành Nông nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong đời sống
kinh tế- xã hội Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trước năm 1980 Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu và
phải nhập khẩu lương thực. Bắt đầu bằng quá trình đổi mới trong những năm
cuối thập niên 80, thông qua việc sử dụng cơ chế thị trường để mang lại động
lực cho người nông dân, ngành nông nghiệp đã có sức tăng trưởng mạnh mẽ.
Nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được coi là một trọng tâm trong chiến
lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm(2001- 2010) của Việt Nam. Với hơn ba
phần tư dân số và gần 90% người nghèo sống ở khu vực nông thôn, phát triển
nông nghiệp được coi là một động lực thúc đẩy tăng trưởng quan trọng đảm bảo
sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
2. Vai trò của nông nghiệp và phát triển nông thôn
Chi tiêu công trong nông nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp đều có ý nghĩa quan
trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Các chính sách hoạch
định phát triển trong nông nghiệp đã góp phần làm nên những thành tựu rất ấn
tượng.
- Một là, ngành nông nghiệp có sự đóng góp lớn trong GDP hàng năm của cả
nước. Các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 22% tổng GDP, 40%
xuất khấu và gần 2/3 lực lượng lao động.
- Hai là, vấn đề an ninh lương thực
Các chính sách đổi mới đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền
miên sang một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Thêm vào đó, nhiều
mặt hàng xuất khẩu của nước ta chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế, có thể
kể đến cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản...Mặc dù môi trường bên ngoài có những
điều kiện không thuận lợi, giá hàng nông sản bất ổn- có khi xuống rất thấp
nhưng tăng trưởng nông nghiệp trong những năm qua vẫn được duy trì ở mức
khá ổn định, khoảng 4%/ năm.
- Ba là, đóng góp của sự phát triển ngành trong giảm nghèo.
Hoạt động đầu tư công trong nông nghiệp nông thôn đã góp phần đáng kể trong
việc cải thiện hạ tầng nông thôn, tăng tính cạnh tranh của kinh tế nông thôn và
đa dạng nguồn thu nhập cho các nông hộ. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn
giai đoạn 1993- 2002 đã giảm từ 66% năm 1993 xuống 46% năm 1998 và còn
36% năm 2002. Các số liệu điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam gần đây
cũng cho thấy tỷ lệ nghèo vùng nông thôn tiếp tục giảm. Những thành quả trong
giảm nghèo là điều kiện cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Có thể nói, sau gần 20 năm đổi mới, Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện được
sức mạnh của mình trong đời sống kinh tế- xã hội Việt Nam: có sức tăng trưởng
mạnh và làm tròn vai trò cung cấp lương thực, đóng góp trong GDP, tăng nguồn
thu ngoại tệ, thu hút lao động và cung cấp nguyên liệu cho Công nghiệp hóa.
Chính vì thế, đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn tạo nền tảng cho công
nghiệp hóa ở nước ta hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn và hợp logic.
II- Các nhân tố tác động đến hoạt động đầu tư công trong Nông
nghiệp nông thôn Việt Nam
1. Các nhân tố tác động đến xu hướng đầu tư công trong nông nghiệp nông
thôn
1.1. Nhóm nhân tố khách quan và chủ quan
1.1.1. Nhân tố khách quan
1.1.1.1. Tác động của môi trường tự nhiên
* Một là, các nguồn tài nguyên là nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất và
cũng là nguồn cung cấp vật liệu cho các hoạt động đầu tư nói chung và của
nông nghiệp nói riêng.
- Tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là nhu cầu về nguồn nước sạch.
Đồng thời, thiên tai, hạn hán diễn ra bất thường và có xu hướng ngày càng gia
tăng. Điều đó làm tăng đầu tư và xã hội hóa công tác đầu tư phát triển thủy lợi ,
phòng chống thiên tai.
- Hệ thống đê điều còn chứa đựng những ẩn họa, thêm vào đó các nguy cơ sụt
lún, sạt lở đe dọa tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và làm tăng
chi phí nghiên cứu xử lý đê biển, cảnh báo lũ quét.
* Hai là, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh luôn ẩn chứa những nguy cơ tiềm
ẩn có thể bùng phát thành dịch, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống.
Xuất phát từ thực tế này, công tác phòng chống dịch bệnh cần được đẩy mạnh
và các hoạt động đầu tư nghiên cứu triển khai được tăng cường.
1.1.1.2. Môi trường xã hội
- An ninh xã hội và ổn định chính trị là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc
thu hút đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp và tăng khả năng liên kết trong đầu
tư.
- Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực theo các cam kết quốc tế và nhu cầu phát
triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân là cơ sở tăng ngân sách đầu tư
cho cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn, nhất là ở các vùng
sâu, vùng xa thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Thực hiện xóa đói giảm nghèo toàn diện, thực hiện theo chuẩn quốc gia mới
đưa ra các khả năng lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đầu tư
phát triển ở các xã đặc biệt khó khăn, tăng ngân sách đầu tư địa phương và giảm
ngân sách Trung ương.
1.1.2.Nhân tố chủ quan
1.1.2.1. Chiến lược phát triển ngành
Chiến lược phát triển ngành là yếu tố quyết định đến hoạt động đầu tư công
trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Tùy theo mục tiêu và mức độ phát triển
trong từng giai đoạn của các tiểu ngành cũng như các lĩnh vực đươc ưu tiên phát
triển mà có sự phân bổ ngân sách đầu tư phù hợp.
1.1.2.2. Thể chế ngành
Thể chế ngành được thể hiện ở sự phân cấp trong điều hành và quản lý đầu tư
công của ngành. Như ta đã biết, thể chế công trong kinh tế nông thôn Việt Nam
đang trong giai đoạn quá độ chuyển đổi. Vai trò của khu vực kinh tế công đang
chuyển tiếp từ việc quản lý và đầu tư trực tiếp sang các hoạt động sản xuất và
thị trường sang hướng tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường thông qua các
điều lệ và quy định, cung cấp các dịch vụ công và tạo ra các khung chính sách.
Tất cả các công việc đó gián tiếp giúp đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế
nông nghiệp nông thôn.
- Năng lực hoạch định khung chi tiêu trung hạn( MTEF) của Bộ NN& PTNT đã
được nâng cao. Bắt đầu áp dụng thí điểm trong ngành từ năm 2004, MTEF đã
giúp thay đổi cơ chế về ngân sách và kế hoạch hiện nay đồng thời hình thành
các liên kết minh bạch hơn giữa các mục tiêu trong chiến lược phát triển của
Chính phủ.
1.2. Nhóm nhân tố bên trong và bên ngoài
1.2.1. Nhân tố bên ngoài
1.2.1.1. Xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa
- Hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu hướng phát triển chung của các nền kinh
tế. Đây là cơ hội tốt để kinh tế Việt Nam vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Tận dụng tốt các mối quan hệ quốc tế, chúng ta thu hút được các nguồn lực cho
sự phát triển, thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Trong nông nghiệp nông thôn, hoạt động nghiên cứu khoa học được nâng cao,
đồng thời việc ứng dụng công nghệ sinh học và kết quả nghiên cứu trở nên phổ
biến hơn. Do vậy, xu hướng đầu tư công vào lĩnh vực nghiên cứu triển khai
cũng tăng lên.
- Mức độ đô thị hóa cũng có những ảnh hưởng nhất định đến đầu tư công trong
nông nghiệp nông thôn. Yêu cầu của quá trình đô thị hóa đòi hỏi phải cải thiện
cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, do vậy đầu tư xây dựng cơ bản vẫn là một xu
hướng được quan tâm.
1.2.1.2. Các chính sách và hoạt động của các tổ chức quốc tế
Các tổ chức quốc tế như: WB, NGO, ADB, FAO,...cũng như các nàh tài trợ
quốc tế khác đã và đang có sự quan tâm lớn đến nông nghiệp và hạ tầng nông
thôn. Từ đó mở ra hướng giải quyết trong việc cân đối vốn đầu tư đồng thời đòi
hỏi việc duy trì và thực hiện các cam kết quốc tế. Ngoài ra cần phải tăng chi
thường xuyên để đáp ứng hoạt động của các công trình.
1.2.2. Nhân tố bên trong
1.2.2.1. Sức tăng trưởng của nền kinh tế
Tăng trưởng GDP ổn định và phát triển liên tục; giá trị sản xuất nông nghiệp
tiếp tục tăng và yêu cầu của tiến trình CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn đòi
hỏi tăng nhu cầu đầu tư trong nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa nguồn thu
nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP cao là tình trạng lạm phát cao, chỉ
số giá tiêu dùng tăng mạnh. Lạm phát cao cũng là nhân tố có tác động không
nhỏ đến hoạt động đầu tư công. Trước yêu cầu của việc giảm lạm phát, Chính
phủ có thể lựa chọn cách thức cắt giảm chi tiêu công. Vì thế, xu hướng chính sẽ
là rà soát lại các dự án đầu tư công với mục đích hoàn thành các dự án đang
triển khai và đã phê duyệt hơn là các dự án mới.
1.2.2.2. Chính sách của Chính phủ và các quyết định của chính quyền cấp dưới
Chính sách của Chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến xu hướng
đầu tư công cho nông nghiệp.
- Việc thúc đẩy Chương trình kiên cố hóa kênh mương, tiết kiệm nước, giảm chi
phí lao động, tăng năng lực tưới tiêu đòi hỏi hỗ trợ vật tư, tiền vốn cho các địa
phương và tín dụng cho nông dân thực hiện.
- Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm làm tăng các khoản chi
phí của Nhà nước cho các hoạt động này, đồng thời hướng đến việc đầu tư,
chuyển giao công nghệ cho nông dân.
- Chi trợ giá giống gốc, cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất đã góp phần
hỗ trợ và tăng đầu tư từ nội lực của người nông dân.
- Thực hiện phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa
phương cùng làm” trong đầu tư phát triển thủy lợi đã có tác dụng huy động mọi
nguồn lực, tăng tính đồng bộ và hiệu quả của đầu tư, thu hút được sự tham gia
của các thành phần kinh tế khác trong hoạt động đầu tư và quản lý đầu tư công.
- Chủ trương của Nhà nước trong việc giảm dần vốn ngân sách đầu tư trong
nông nghiệp tương ứng với tỷ trọng GDP nông nghiệp giảm so với tổng GDP và
xu hướng phân cấp mạnh vốn đầu tư cho địa phương có thể dẫn đến tình trạng
thiếu vốn để hoàn thành các dự án đầu tư đang triển khai và gây khó khăn trong
xử lý nợ đọng kéo dài đối với Bộ NN& PTNT.
1.2.2.3. Công việc của các Bộ và các cơ quan của Chính phủ
- Việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp
thủy lợi và thúc đẩy công cuộc điện khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn
làm tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Việc giảm tác động xấu đến khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng đã tạo ra xu
hướng: tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị
trường, hỗ trợ để đa dạng hóa hoạt động sản xuất, tăng thu nhập.
2. Các nhân tố tác động đến hiệu quả của các dự án đầu tư công trong nông
nghiệp nông thôn
2.1. Nhân tố thị trường
Các nhân tố thị trường như: giá cả, tiền lương có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt
động đầu tư công thông qua việc quyết định chi phí sản xuất, nghiên cứu và
triển khai. Thêm vào đó, với đơn giá tăng và việc cải cách tiền lương đang gây
ra những trở ngại cho các công trình xây dựng, đặc biệt là về mặt hiệu quả tài
chính của các công trình đầu tư công. Thời gian và tiến độ thi công kéo dài làm
tăng thời gian hoàn vốn và tác động nhiều mặt hiệu quả dự án đầu tư.
2.2. Nhân tố chất lượng nguồn nhân lực
- Chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bản dự án,
trong đó, năng lực lập dự án đầu tư ngay từ đầu đã phải được chú trọng. Một dự
án đầu tư muốn hiệu quả phải thì trong khâu xây dựng, thiết kế phải đảm bảo
được đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu về tính hiệu quả, tính khả thi và khả năng đạt
được các mục tiêu của hoạt động đầu tư công trên các khía cạnh kinh tế- xã hội.
- Năng lực thẩm định, theo dõi, giám sát và đánh giá dự án là vấn đề quan trọng
trong quá trình ra quyết định và triển khai đầu tư một cách hợp lý.
2.3. Nhân tố tổ chức
Đầu tư công được thực hiện thông qua hoạt động đầu tư công ở cấp Trung ương
và cấp địa phương. Trong đó, phần lớn các dự án công là do địa phương quản
lý. Vì thế, năng lực quản lý chi tiêu công là nhân tố quyết định đến hiệu quả của
các dự án đầu tư công, đặc biệt là năng lực quản lý chi tiêu công cấp cơ sở.
2.4. Sự tham gia của cộng đồng
Các dự án đầu tư công tác động đến nhiều đối tượng trong việc thực hiện các
mục tiêu kinh tế- xã hội của đất nước. Do đó, việc theo dõi đánh giá quá trình
triển khai cũng như thành quả của dự án là công việc không chỉ của các bộ,
ngành và cơ quan chức năng mà còn phải là công việc của các tổ chức xã hội,
các cộng đồng dân cư. Tù đó, hiệu quả của dự án có thể được nâng cao và phát
huy được giá trị trong đời sống của dân cư.
2.5. Hệ thống văn bản pháp lý quy định về hoạt động đầu tư công
- Hệ thống văn bản quy định về quản lý đầu tư công đồng bộ, toàn diện sẽ tạo
điều kiện cho việc thẩm định, giám sát hoạt động đầu tư công chặt chẽ và sát
sao hơn.
- Phương pháp đánh giá hiệu quả dự án đầu tư công được hoàn thiện là cơ sở
quan trọng cho việc đánh giá dự án đầu tư, từ đó có thể đưa ra những kết luận
chính xác và thiết thực hơn trước khi dự án đi vào thực tế.