Tải bản đầy đủ (.docx) (65 trang)

Rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học dành cho HSG ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (319.45 KB, 65 trang )

MỤC LỤC


Chuyên đề:
RÈN KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG
TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC DÀNH CHO HSG NGỮ VĂN
PHẦN MỞ ĐẦU
I.

Lí do chọn chuyên đề

Có thể nhận thấy rằng, ở nhà trường phổ thông, văn nghị luận văn học luôn chiếm
một vị trí quan trọng trong toàn thể chương trình Ngữ văn. Kiến thức và kỹ năng học
được trong quá trình học tập về văn nghị luận không chỉ giúp cho học sinh có khả năng
làm văn mà còn hình thành năng lực tư duy và sự thành công trong giao tiếp. Bên cạnh
đó làm văn nghị luận văn học từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cấu
trúc đề thi tuyển sinh các cấp, đề thi học sinh giỏi các cấp. Vì vậy, rèn luyện làm văn
nghị luận là một đòi hỏi thực sự cần thiết đối với học sinh trung học nói chung, đối với
học sinh giỏi nói riêng.
Việc rèn luyện kĩ năng làm văn cho học sinh là một yêu cầu cần thiết, quan trọng
hoạt động dạy học Ngữ văn nhất là trong bối cảnh Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới
phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá các môn khoa học xã hội (trong đó có
Ngữ văn) theo tinh thần “... nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng
cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ
chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội”. Do đó, rèn kĩ năng làm văn
nghị luận với đặc trưng riêng của kiểu bài này hẳn là yêu cầu có ý nghĩa quan trọng.
Bồi dưỡng học sinh giỏi văn là công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức của
thầy và trò. Dạy học sinh kĩ năng nghị luận văn học là một trong những khâu quan trong
có ý nghĩa đối với kết quả thi HSG văn. Nghị luận văn học tuy là một kiểu văn bản
không có gì xa lạ trong trường phổ thông nhưng về phía giáo viên, nhất là với các thầy
cô giáo tham gia bồi dưỡng HSG vẫn còn nhiều khó khăn khi đứng trước kiểu bài này.


Về phía học sinh, kể cả học sinh năng khiếu thì kết quả bài viết còn nhiều hạn chế.
Để viết được một bài văn nghị luận hay là rất khó, vì tạo nên một bài văn nghị luận


cần nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những hạn chế lớn nhất là học sinh không biết
tìm dẫn chứng và phân tích dẫn chững cho đề nghị luận văn học. Trong khi đó dẫn
chứng đóng một vai trò không thể thiếu trong một bài văn nghị luận. Trên thực tế, có rất
nhiều học sinh nắm rất vững các kiến thức cơ bản, tự tin để giải quyết được các yêu cầu
của một đề văn nghị luận văn học. Tuy nhiên, các em lại gặp vấn đề trong việc đưa dẫn
chứng cho bài văn của mình.
Với những lý do đó, việc thực hiện chuyên đề Rèn kĩ năng chọn và phân tích
dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học dành cho HSG Ngữ văn là rất ý nghĩa,
sát thực, đáp ứng yêu cầu thực tế.
II. Mục đích của chuyên đề

- Xây dựng cách thức rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng cho kiểu bài nghị
luận văn học không giới hạn ngữ liệu chứng minh trong đề thi học sinh giỏi quốc gia
môn ngữ văn cho học sinh chuyên văn.
- Vận dụng lí thuyết, hình thành và định hướng hệ thống đề luyện tập, thực hành
viết và sửa lỗi phần chọn dẫn chứng, phân tích dẫn chứng trong đề văn đáp ứng yêu cầu
thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
III. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của chuyên đề là rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng
trong bài văn nghị luận văn học dành cho HSG Ngữ văn, trong đó chú ý vào vấn đề chọn
và phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học thông qua các dạng đề nghị luận
văn học cụ thể, thường gặp trong đề thi HSG.
IV. Phương pháp nghiên cứu

- Để thực hiện chuyên đề, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ

bản sau đây:
+ Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết
+ Phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm


V. Cấu trúc của đềchuyên đề

Nội dung của chuyên đề bao gồm 3 phần:
Chương I. Một số vấn đề chung về văn nghị luận văn học và dẫn chứng trong văn
nghị luận.
Chương II: Rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng
Chương III: Ứng dụng kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng qua một số dạng đề thi
học sinh giỏi thường gặp.


PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
I.

Văn nghị luận và nghị luận văn học

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Nghị luận: Bàn và đánh giá cho rõ về một vấn đề nào
đó. Văn nghị luận là thể văn dùng lí lẽ và dẫn chứng để phân tích giải quyết một vấn
đề”.
Từ điển thuật ngữ văn học cũng nêu rõ: “Văn nghị luận: Thể văn nghị luận viết về
những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau: chính trị, xã hội, triết
học, văn hoá. Mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê bình hay truyền bá
tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó. Đặc trưng cơ bản nhất của văn chính luận
là tính chất luận thuyết. Văn chính luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ
yếu bằng lập luận, lí lẽ”.

Như vậy, có thể hiểu: Văn nghị luận là một loại văn bản nhằm phát biểu tư tưởng,
tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về các vấn đề văn học,
chính trị, đạo đức, lối sống... và được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, hùng
hồn với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục.
Nhu cầu nghị luận của con người trong đời sống là rất lớn. Văn bản nghị luận là
một văn bản kiểu văn bản quan trọng trong đời sống xã hội của con người, có vai trò rèn
luyện năng lực tư duy, lo-gic của người viết; vừa cho thấy khả năng diễn đạt, trình bày
quan điểm riêng một cách thuyết phục. Không có văn nghị luận thì khó mà hình thành
các tư tưởng mạch lạc và sâu sắc trong đời sống . Cũng chính vì vậy, đây cũng là loại
văn phổ biến trong nhà trường, thường được lấy làm yêu cầu của phần làm văn trong các
đề thi hiện nay.
Văn nghị luận không làm nhiệm vụ mô tả đời sống xã hội hay nội tâm con người
như văn sáng tác mà nhằm nhận biết và phân tích đời sống bằng tư duy logic nên nó
phải tuân thủ chặt chẽ tư duy logic. Những quy tắc này biểu hiện ở hình thức cả bài, bao
giờ cũng phải có: nêu vấn đề (mở bài), giải quyết vấn đề (thân bài), kết thúc vấn đề (kết


bài), biểu hiện ở kết cấu từng đoạn văn, có mở đoạn, triển khai đoạn, sơ kết đoạn, biểu
hiện ở mục đích bài viết, …
Có nhiều cách bàn bạc, có khi dùng những bằng chứng để người ta tin tưởng hơn
(chứng minh), có khi phải giảng giải, đưa ra bằng chứng để người ta hiểu cặn kẽ hơn
(giải thích), cũng có khi phải phát biếu ý kiến của mình (bình luận) hoặc chỉ ra những
giá trị của một tác phẩm văn học (phân tích tác phẩm), hoặc chỉ ra những giá trị của một
hình tượng nhân vật trong tác phẩm (phân tích nhân vật), hoặc phải giảng giải để bình
giá một tác phẩm thơ hoặc văn xuôi (bình giảng). Dù là khi chứng minh, giải thích hay
bình luận, phân tích tác phẩm, bình giảng tác phẩm thì người viết văn nghị luận vẫn phải
có những hiểu biết đầy đủ về vấn đề sẽ trình bày, phải có lập trường quan điểm đúng đắn
và phải lựa chọn một phương pháp trình bày, lập luận khoa học, phải dùng những lí lẽ,
những dẫn chứng và cách trình bày những lí lẽ, dẫn chứng này theo một cách thức nhất
định.

Nội dung và cấu trúc của một văn bản nghị luận được hình thành từ các yếu tố cơ
bản là: Vấn đề cần nghị luận (luận đề), luận điểm, luận cứ và lập luận.
+ Luận điểm: Là tư tưởng, quan điểm được nêu ra trong bài viết
+ Luận cứ (luận chứng): Bao gồm lí lẽ và dẫn chứng. Luận cứ giúp thể hiện tính
đúng đắn của một khẳng định được nêu ra trong bài nhằm khẳng định hay phản bác lại
một vấn đề nào đó.
+ Lập luận: Là cách sắp xếp bố cục chặt chẽ, hợp lí, giúp cho bài văn trôi chảy,
mạch lạc.
Yêu cầu của một bài văn nghị luận là phải đúng hướng, trật tự, mạch lạc, trong
sáng, sinh động, hấp dẫn, sáng tạo nhằm thuyết phục người đọc, người nghe đồng tình
với tư tưởng, quan điểm được nêu ra trong bài viết. Văn nghị luận phải có luận điểm rõ
ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị
luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, xã hội thì mới có ý
nghĩa.
Nhìn từ nội dung đề tài ta có thể chia văn nghị luận thành 2 loại lớn:


1. Nghị luận văn học
Là những bài văn bàn về các vấn đề văn chương - nghệ thuật, phân tích, bình luận
về vẻ đẹp của tác phẩm văn học, trao đổi về một vấn đề lí luận văn học hoặc làm sáng tỏ
một nhận định văn học.
2. Nghị luận xã hội
Theo từ điển từ và ngữ Hán Việt, nghị luận là dùng lí luận để phân tích ý nghĩa phải
trái, bàn bạc, mở rông vấn đề. Còn xã hội trước hết là một tập thể người cùng sống, gắn
bó với nhau trong quan hệ sản xuất và các quan hệ khác. Cũng có thể hiểu xã hội là
những gì thuộc về quan hệ giữa người và người về các mặt chính trị, kinh tế, triết học,
lịch sử, văn học, ngôn ngữ… Từ đó có thể hiểu nghị luận xã hội là những bài văn bàn về
các vấn đề xã hội- nhân sinh, một tư tưởng đạo lí, một lối sống cao đẹp, một hình tượng
tích cực hoặc tiêu cực của đời sống, một vấn đề của tự nhiên, môi trường. Mục đích cuối
cùng của nó là tạo ra những tác động tích cực đến con người và những mối quan hệ giữa

con người với con người trong xã hội.
Nói chung cả hai loại đều nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm
của người viết một cách trực tiếp về văn học hoặc chính trị, đạo đức, lối sống… bằng
một ngôn ngữ trong sáng, hùng hồn với những lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.
Nghị luận văn học là một kiểu bài khó so với văn nghị luận nói riêng và phân môn
tập làm văn nói chung. Kiểu bài này đòi hỏi học sinh phải có năng lực phân tích , đánh
giá từ khái quát đến cụ thể, có sự hiểu biết về xã hội, về văn học, về lịch sử … và đặc
biệt là kĩ năng trình bày . Thông thường, văn nghị luận văn học thường có các dạng cơ
bản như nghị luận về đoạn thơ, bài thơ hay nghị luận về một tác phẩm truyện, đoạn
trích…Tuy nhiên đối với HSG, đề nghị văn học thường ra các dạng:
- Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học (nghị luận về một giai đoạn văn học,
nghị luận về một vấn đề mang tính lý luận đặt ra trong tác phẩm văn học, nghị luận
về một vấn đề trong tác phẩm văn học…)
Ví dụ:
Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: “Nhìn chung văn học Việt Nam phong


phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ,
thì đó là văn học yêu nước" (Dẫn theo Trần Văn Giàu tuyển tập, NXB (Giáo dục, 2001)
- Nghị luận về nhiều ý kiến bàn về một vấn đề văn học
Ví dụ:
Để bảo vệ quan điểm của mình về đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương
trình sách giáo khoa, Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh ngành giáo dục, ĐH
Newcastle (Australia), cho rằng “Một nhân vật khi bế tắc là uống rượu rồi chửi bậy, đốt
quán, xin đểu, bí bách quá thì rút dao giết người rồi tự sát. Với hình tượng như vậy thì
trẻ sẽ học được gì? Tôi không tin là học trò đủ nhận thức để nhìn thấy được tính nhân
văn và sự tốt đẹp của Chí Phèo”. (Nguồn , ngày 8/12/2017)
Trong khi đó một ý kiến khác thì lại cho rằng: “Chí là phường ô lại, chí rất thô
thiển, vô học, lưu manh, nhưng trong mỗi con người đều có những phần còn lại là thiện
lương trong sâu thẳm tâm hồn, cái mà nguời ta cần khơi dậy, cần được tìm thấy và cần

được trở thành.” (Luân Lê – nguồn , ngày 07/12/2017)
Bằng những hiểu biết về văn họcvà tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, anh/chị hãy
trình bày suy nghĩ của mình về hai ý kiến trên./.
- Nghi luận về một vấn đề mang tính chất so sánh đối chiếu trong tác phẩm văn
học.
Ví dụ:
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân
vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và
chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong
đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12)
Để học tốt văn nghị luận văn học đòi hỏi mỗi học sinh không chỉ có sự am hiểu về
đặc trưng thể loại, một vốn tri thức về văn học mà còn cần phải có một khả năng tư duy
sắc bén, một năng lực phân tích, lập luận để làm rõ vấn đề. Giáo viên phải rèn luyện.
củng cố cho học sinh những kĩ năng làm văn nghị luận từ khâu phân tích đề, lập dàn ý,
đưa dẫn chứng, phân tích dẫn chứng cho đến phương pháp nghị luận ở từng kiểu bài…
Muốn có kĩ năng nghị luận tốt đòi hỏi các em phải trải qua một quá trình luyện tập gian


khổ, công phu với sự hướng dẫn chi tiết, tận tình của những người làm công tác bồi
dưỡng HSG văn.
II.

Dẫn chứng trong văn nghị luận văn học

Dẫn chứng là sự vật, sự việc, nhân chứng, bằng chứng để chứng minh làm sáng tỏ,
xác nhận cho luận điểm. Dẫn chứng đưa ra phải xác thực, tiêu biểu, đáng tin và không
thể bác bỏ.
Đối với bất cứ dạng văn nghị luận, dẫn chứng có vai trò vô cùng quan trọng. Mục
đích của văn nghị luận là tác động, thuyết phục người đọc, người nghe. Trong bài văn
nghị luận, dẫn chứng và lí lẽ là hai bộ phận cấu thành luận điểm và làm tăng thêm tính

thuyết phục, hấp dẫn cho hệ thống lập luận. Nếu không có dẫn chứng, những lí lẽ được
đưa ra dù hay và sắc sảo đến đâu thì vẫn không đủ sức thuyết phục và không thể tác
động mạnh mẽ đến người đọc, người nghe và bài văn nghị luận sẽ trở thành những lời
bàn luận mang tính chất là những khái niệm, lí thuyết suông, người đọc sẽ không tin vào
lí lẽ vì thiếu minh chứng, bài văn nghị luận sẽ trở thành diễn thuyết. Hoặc nếu chỉ nói
dựa trên quan điểm cá nhân thì bài viết sẽ rất đơn điệu.
Bên cạnh đó việc đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận giúp cho bài làm sinh động,
hấp dẫn; giúp cho vấn đề nghị luận trở nên rõ ràng và có chiều sâu hơn; bài làm văn dễ
triển khai được nhiều ý hơn, dài hơn. Muốn có điểm sáng tạo, theo nhiều giám khảo
chấm, yêu cầu đầu tiên là học sinh phải có liên hệ, dẫn chứng phong phú vào bài làm của
mình.
Dù đề bài yêu cầu thao tác nghị luận nào thì việc đưa dẫn chứng vào bài đều rất cần
thiết. Ví dụ đề bài thường yêu cầu giải thích, chứng minh hay bình luận.
Với thao tác giải thích, người viết đi sâu vào những câu nói có hàm ý súc tích nhằm
tìm hiểu cũng như lý giải các nội dung bên trong câu nói đó. Làm sáng tỏ, giảng giải một
cách tường tận vấn đề cho người đọc hiểu được thấu đáo cái đang được đề cập khi chúng
còn đang mơ hồ. Để vấn đề được sáng tỏ, ta phải bắt tay vào lý giải những từ ngữ, điển
tích, khái niệm, tìm hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hẹp, nghĩa mở rộng, đi vào những
cách nói tế nhị để hiểu được rõ điều người ta muốn và cái lẽ khiến cho người ta nói như


vậy.
Trong thao tác giải thích, dùng lý lẽ để phân tích và lý giải là hoạt động chủ yếu.
Bên cạnh đó phải vừa dùng các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, xác lập một cách hiểu
đúng đắn có tính biện chứng nhằm chống lại các cách hiểu sai, hiểu không đầy đủ, hoặc
không hiểu hết ý
Yêu cầu đặt ra với thao tác chứng minh là làm sáng tỏ chân lý bằng các dẫn chứng
và lý lẽ. Khi ta đã chấp nhận cái chân lý thể hiện trong một phát ngôn nào đó, nhiệm vụ
là ta sẽ phải thuyết phục người khác cũng chấp nhận như mình bằng những dẫn chứng
rút ra từ thực tế cuộc sống xưa và nay, từ lịch sử , từ văn học (nếu đề yêu cầu) và kèm

theo dẫn chứng là những lý lẽ dẫn dắt, phân tích tạo ra lập luận vững chắc, mang đến
niềm tin cho người đọc. Bước đầu tiên là phải tìm hiểu điều cần phải chứng minh, không
những chỉ bản thân mình hiểu, mà còn phải làm cho người khác thống nhất, đồng tình
với mình cách hiểu đúng nhất. Và quan trọng là việc lựa chọn các dẫn chứng. Từ thực tế
cuộc sống rộng lớn, tư liệu lịch sử rất phong phú, ta phải tìm và lựa chọn từ trong đó
những dẫn chứng xác đáng nhất, tiêu biểu, toàn diện nhất (nên chỉ cần vài ba cái để làm
sáng tỏ điều cần chứng minh).
Một thao tác thường gặp nữa là thao tác bình luận. Đây là thao tác có tính gói gọn
vì nó bao hàm cả công việc giải thích lẫn chứng minh. Nên những yêu cầu của việc giải
thích và chứng minh cũng là yêu cầu đối với văn bình luận, nhưng giải thích và chứng
minh sẽ được viết cô đọng, ngắn gọn hơn so với chỉ một thao tác chứng minh hoặc giải
thích để tập trung cho phần việc quan trọng nhất là bình luận – mở rộng ra vấn đề. Như
vậy, việc chọn và phân tích dẫn chứng là vô cùng quan trọng với thao tác bình luận trong
vă nghị luận.
Để đưa dẫn chứng vào bài làm hiệu quả, nên áp dụng 3 bước sau: Bước 1, từ luận
điểm đang nghị luận, liên hệ với dẫn chứng tương ứng (dẫn chứng có thể tương đồng
hoặc dị biệt). Bước 2, tái hiện lại dẫn chứng (có kèm phân tích/diễn giải/bàn luận). Bước
3, chốt ý, bám sát dẫn chứng với luận điểm (dẫn chứng có liên hệ gì với luận điểm, dẫn
chứng làm sáng tỏ hơn cho luận điểm điều gì…).


III.

Vai trò của việc rèn luyện kĩ năng chọn và phân tích d ẫn ch ứng trong bài văn ngh ị
luận văn học dành cho HSG Ngữ văn

Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức thì rèn
luyện, bồi dưỡng cho học sinh một hệ thống kĩ năng là một công việc rất cần thiết nhưng
cũng nhiều khó khăn. Trước một vấn đề văn học, không chỉ quan trọng ở chỗ học sinh
viết ý gì mà quan trọng hơn là cách viết như thế nào, cách sắp xếp và lập luận những ý

ấy ra sao. Làm thế nào để học sinh có cách viết hợp lý, thuyết phục trước một đề văn, đó
cũng chính là một trong những nhiệm vụ chính của khâu rèn kĩ năng cho học sinh mà
trong đó rèn luyện kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng là rất quan trọng để góp phần
làm nên một bài văn mang tính thuyết phục cao.
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, phần lớn các giáo viên dạy các chuyên đề về
văn nghị luận cho HSG văn thường tập trung vào các kĩ năng phân tích đề, lập dàn ý,
tìm ý, viết đoạn và liên kết đoạn mà chưa dành nhiều thời gian cho việc rèn kĩ năng chọn
và phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học. Nhiều bài làm của học sinh
không đạt yêu cầu do dẫn chứng nghèo nàn, thiếu chính xác và không theo trình tự…
Việc phân tích dẫn chứng thì lại chỉ là sự suy diễn một cách nôm na, thiếu chính xác,
không sâu sắc. Khi làm bài nghị luận văn học, các em học sinh đều có điểm giống nhau
là đã được trang bị kiến thức rất kĩ qua các giờ đọc - hiểu văn bản văn học, việc xem khả
năng của ai hơn ai dựa vào kỹ năng làm văn nghị luận văn học để tái hiện lại kiến thức
ấy thông qua cảm quan của cá nhân. Vì thế việc chọn và phân tích dẫn chứng cũng rất
quan trọng.
Những năm gần đây, có thể nhận thấy, trong đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ
văn, phần câu hỏi nghị luận văn học thường có dạng đưa ra nhận định và yêu cầu học
sinh bình luận. Trong đó có thể quan sát thấy hầu hết các đề đều không nêu yêu cầu cụ
thể, không giới hạn về ngữ liệu phân tích, chứng minh. Yêu cầu chung của các dạng đề
này là bằng trải nghiệm văn học, sự hiểu biết về các tác phẩm văn học của mình để chọn
dẫn chứng là các tác phẩm nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Để giải quyết các dạng đề này, yêu
cầu học sinh phải biết kết hợpvận dụng thao tác giải thích để xác định vấn lí luận văn


học được nêu ra và lựa chọn đúng, hợp lí dẫn chứng chứng minh. Phần phân tích và
chứng minh trong bài văn nghị luận chiếm một vị trí quan trọng quyết định việc bài văn
có được triển khai đúng hướng vấn đề có được sáng rõ hay không và chỉ ra cho người
chấm thấy được khả năng cảm thụ văn chương của học sinh như thế nào. Điều đó cho
thấy sự cần thiết của hệ thống dẫn chứng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa
chọn dẫn chứng, ngữ liệu phân tích, chứng minh trong bài văn sẽ khiến cả giáo viên và

học sinh có thái độ đúng đắn và dành thời gian thích đáng để rèn luyện kĩ năng này.

CHƯƠNG II: RÈN KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG
I. Kĩ năng chọn dẫn chứng

1. Các kiểu dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn h ọc
1.1 Dẫn chứng bắt buộc
Dẫn chứng bắt buộc là dẫn chứng nằm trong phạm vi yêu cầu của đề về tư
liệu. Thông thường đối với những đề có giới hạn dẫn chứng thì người viết buộc phải
chọn các dẫn chứng thuộc phạm vi quy định để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
Khi phân tích dẫn chứng, người viết phải tập trung vào những dẫn chứng bắt
buộc, tránh trích quá nhiều vào dẫn chứng mở rộng mà làm rối và loãng vấn đề.
Ví dụ 1: “Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Chiều tối của Hồ
Chí Minh”, “Chiều tối” chính là phạm vi tư liệu mà người viết bắt buộc phải trích
dẫn. Đó là dẫn chứng bắt buộc.
Ví dụ 2: Có ý kiến cho rằng Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc
ắc của làng cảnh Việt Nam. Anh chị hãy chứng minh điều đó qua việc phân tích
chùm thơ mùa thu của ông. Ở đề này, chùm thơ thu (Thu điếu, thu ẩm, thu vịnh) là
tư liệu trích dẫn bắt buộc.
1.2 Dẫn chứng mở rộng
Dẫn chứng mở rộng là loại dẫn chứng ngoài phạm vi trên do người viết viện
ra để liên hệ, đối chiếu, so sánh nhằm làm sáng tỏ thêm ý đang được bàn bạc.


Dẫn chứng mở rộng có thể là các đoạn khác nhau trong cùng tác phẩm, những
tác phẩm khác của cùng một nhà văn, những tác phẩm khác của các nhà văn khác
(cùng thời, trước đó, sau đó, trong nước, nước ngoài…)
Dù không phải là dẫn chứng bắt buộc nhưng những dẫn chứng mở rộng rất
cần thiết một mặt để liên hệ so sánh tạo nên chiều sâu cho bài viết một phần để
chứng tỏ tầm kiến văn rộng rãi của người viết.

Trở lại hai ví dụ ở trên, ta thấy ở ví dụ 1, dẫn chứng mở rộng chính là các tác
phẩm khác trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh.Ở ví dụ 2, người viết
có thể liên hệ với nhiều nhà thơ khác cùng viết về mùa thu để so sánh, đối chiếu,
làm nổi rõ những nét đặc sắc của mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến.
2 Nguyên tắc chọn dẫn chứng
2.1 Dẫn chứng phải phù hợp với luận điểm
Đây là yêu cầu về chất của dẫn chứng. Dẫn chứng phù hợp là đúng với yêu
cầu cần giải quyết, không lạc khỏi vấn đề và những yêu cầu của đề bài. Có rất nhiều
trường hợp học sinh viết luận điểm một đường mà đưa ra dẫn chứng một nẻo dẫn
đến trường hợp “lạc trôi”.
Ví dụ:
Âm nhạc là nghệ thuật gắn bó với con người từ khi lọt lòng mẹ cho tới lúc từ
biệt cuộc đời. Ngay từ lúc chào đời, em bé đã được ôm ấp trong lời ru nhẹ nhàng
của người mẹ; lớn lên với những bài hát đồng dao; trưởng thành với những điệu hò
lao động, những khúc tình ca vui buồn, với biết bao sinh hoạt nghệ thuật ca hát từ
thôn xóm đến thành thị. Người Việt Nam chúng ta, cho tới lúc hết cuộc đời vẫn còn
tiếng nhạc vẳng theo với những điệu hò đưa linh hay điệu kèn đưa đám.
Để làm sáng tỏ cho luận điểm: Âm nhạc là nghệ thuật gắn bó với con người
từ khi lọt lòng mẹ cho tới lúc từ biệt cuộc đời, người viết đã sử dụng các dẫn chứng
rất phù hợp để nói lên sự gắn bó của âm nhạc với cuộc sống con người rừ lúc chào
đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.


2.2 Dẫn chứng phải tiêu biểu, chọn lọc
Ngoài việc đưa dẫn chứng phong phú, người viết còn cần biết chọn lọc dẫn
chứng, ưu tiên những dẫn chứng điển hình và tiêu biểu. Thông thường, học sinh
thường chọn những dẫn chứng quen thuộc. Những dẫn chứng đã được người ta nói
nhiều, viết nhiều nên đâm ra nhàm chán, thiếu tính hấp dẫn. Chưa kể những dẫn
chứng đó chưa phải là dẫn chứng tiêu biểu nên không đủ sức thuyết phục.
Ví dụ: “Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách

riêng”. Anh chị hãy bình luận và làm sáng tỏ quan niệm.
Đề văn trên không yêu cầu phạm vi dẫn chứng, người viết hoàn toàn lựa chọn
dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ quan niệm. Ở đây, có rất nhiều tác phẩm thể hiện
tính họa, tính nhạc, điêu khắc trong thơ nhưng không phải bài nào cũng hay và tiêu
biểu. Bởi vậy cần có một sự lựa chọn hợp lí. Về tính họa, người viết có thể lựa chọn
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du mà tiêu biểu là những câu thơ miêu tả cảnh mùa
xuân trong trích đoạn “Cảnh ngày xuân”:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hoặc đoạn thơ sau trong bài “Chợ tết” của Đoàn Văn Cừ:
“ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”
(Chợ tết – Đoàn Văn Cừ)
Hay để làm rõ nghệ thuật điêu khắc trong thơ, người viết có thể chọn một
đoạn thơ trong bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận:
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt


Tự bấy ngồi y cho đến nay.
(Các vị La Hán chùa Tây Phương – Huy Cận)
2.3 Dẫn chứng phải toàn diện, chính xác
Đây là yêu cầu về lượng của dẫn chứng, một trong yêu cầu của lập luận là mỗi
ý kiến nhận định, đánh giá đưa ra đều phải có căn cứ. Bởi vậy khi dùng dẫn chứng
minh họa cho ý kiến của bài cần bao quát cho hết các khía cạnh của ý kiến ấy để tập
hợp dẫn chứng thể hiện các khía cạnh của vấn đề.

Ví dụ 1: Với đề văn “Sức hấp dẫn từ truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch
Lam”, người viết cần phải chọn các chi tiết về nội dung và cả hình thức nghệ thuật
để làm sáng tỏ sức hấp dẫn của tác phẩm, nếu chỉ là một trong hai yếu tố thì dẫn
chứng chưa đầy đủ và toàn diện.
Ví dụ 2: Anh (chị) có suy nghĩ như thế nào về ý kiến: “Điều còn lại đối với
mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình”. Đối với đề văn trên, người viết
chủ động chọn dẫn chứng, để đảm bảo tính toàn diện của dẫn chứng thì nên đa dạng
trong các dẫn chứng. Chọn dẫn chứng về thơ, truyện, dẫn chứng văn học Việt Nam,
văn học nước ngoài.
Tuy nhiên đủ không có nghĩa là nêu dẫn chứng tràn lan hay mang tính chất
quân bình, mà ta nên tìm cách kết hợp diện với điểm, vừa đảm bảo đầy đủ các mặt,
vừa tập trung vào một số điểm mấu chốt.
Dẫn chứng chính xác là phải đúng với thực tế hoặc đúng ý, đúng nguyên bản,
tác giả. Nếu không đảm bảo được yếu tố chính xác, dẫn chứng sẽ không làm sáng rõ
được luận điểm. Đối với dẫn chứng là thơ, người viết cần trích dẫn đúng nguyên
văn. Đối với văn xuôi thì tóm lược ý nhưng cần đảm bảo tính chính xác về nội dung,
tác giả, tác phẩm. Có không ít trường hợp trích dẫn sai dẫn chứng, chẳng hạn như
trường hợp trích dẫn ngữ liệu từ bài thơ “Tràng giang” của tác giả Huy Cận: “Nắng
xuống, trời lên cao chót vót” (Đúng phải là “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”);
câu thơ “Lòng quê dợn dợn vời con nước” thì các bạn học sinh thường đổi hai từ


“dợn dợn” thành “dờn dợn”, hoặc nhầm lẫn về chi tiết, cốt truyện trong “Vợ chồng
A Phủ”: Mị vốn là người yêu của A Phủ nhưng bị A Sử bắt về làm vợ.
Những sai sót này ảnh hưởng không nhỏ đến tính thuyết phục của bài văn
nghị luận. Do đó, chúng ta cần nắm dẫn chứng một cách chính xác, rõ ràng.
3 Sắp xếp dẫn chứng
Khi đã chọn lựa được dẫn chứng, thì việc sắp xếp dẫn chứng cũng rất quan
trọng. Người viết phải biết đặt dẫn chứng cho trúng, sắp xếp cái nào trước, cái nào
sau. Tùy mục đích, yêu cầu nghị luận, có thể sắp xếp dẫn chứng theo trình tự thời

gian, trình tự không gian hay theo các khía cạnh của vấn đề. Cũng có thể căn cứ vào
tâm lí tiếp nhận của người đọc mà sắp xếp dẫn chứng theo những cách khác nhau để
tạo hiệu quả cao trong việc thuyết phục hay duy trì hứng thú của người đọc.
3.1 Sắp xếp dẫn chứng theo trình tự thời gian
Sắp xếp theo trình tự thời gian chính là sắp xếp các chi tiết, sự kiện, tác phẩm theo
thứ tự trước sau, cái nào có trước nói trước cái nào có sau thì trích dẫn sau. Chẳng hạn
với đề văn “vấn đề đôi mắt trong các sáng tác của Nam Cao”, người viết sẽ sắp xếp dẫn
chứng theo thứ tự các tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám sau đó mới
đến những sáng tác sau cách mạng.
Lâu nay, mỗi khi lấy ví dụ về trích dẫn dẫn chứng theo trình tự thời gian, giáo
viên vẫn minh họa cho học sinh đoạn trích trong “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”
của Bác Hồ. Có thể nói đây là đoạn văn nghị luận tiêu biểu, chuẩn mực, đầy đủ trong
trích dẫn. Dẫn chứng được sắp xếp theo trình tự từ xưa đến nay trong lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc ta.
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.
Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành
một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn
chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại


chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang
lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v...
Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu
của một dân tộc anh hùng. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày
trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước
ngoài đến những đồng bào ở vùng bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai
cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc.
3.2 Sắp xếp dẫn chứng theo trình tự không gian
Trình tự không gian ở đây được hiểu trước hết là không gian vùng miền. Nổi
bật nhất vẫn là hai vùng văn học Nam và Bắc. Mỗi tác phẩm đều mang những dấu

ấn vùng miền khá rõ nét. Bởi vậy khi chọn và sắp xếp dẫn chứng, người viết cũng
có thể sắp xếp theo trình tự không gian này để tạo ra được sự đa dạng phong phú
trong bài viết của mình. Ví dụ với những vấn đề nghị luận có tính chất tổng hợp,
khái quát cao như “Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thơ ca 1945-1975” hay
“Tình yêu quê hương đất nước trong các sáng tác từ 1945-1975” người viết có thể
sắp xếp dẫn chứng theo trình tự không gian vùng miền này.
Bên cạnh đó, trình tự không gian còn hiểu rộng hơn đó là không gian giữa dân
tộc này và dân tộc khác, giữa văn học trong nước và văn học nước ngoài. Một bài
văn nghị luận đảm bảo tính toàn diện phải luôn có sự đăng đối trong việc lựa chọn
dẫn chứng. Trật tự sắp xếp thông thường là trích dẫn văn học trong nước trước sau
đó là trích dẫn văn học nước ngoài. Ví dụ, khi làm các đề văn về phong cách văn
học, người viết sẽ chọn các tên tuổi lớn của Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề nghị
luận như Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu nhưng cũng không nên quên
các tác giả văn học nước ngoài như Victo Hugo, Banzac, Sekhov.
3.3 Sắp xếp dẫn chứng theo trình tự các khía cạnh của vấn đề
Có những vấn đề nghị luận muốn làm sáng tỏ thì phải mổ xẻ từng khía cạnh
bởi thế việc trình bày dẫn chứng cũng theo trình tự các khía cạnh của vấn đề. Ví dụ


muốn làm rõ phong cách nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam trong tác phẩm “Hai
đứa trẻ” người viết sẽ phải sắp xếp hệ thống dẫn chứng theo từng khía cạnh cụ thể
như:
- Miêu tả thế giới nội tâm, gợi xúc động những hình thái mơ hồ, mong manh
trong lòng người.(Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn
lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao
là chị thấy lòng “buồn man mác". Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh,
và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên "yên tĩnh hẳn”. Tàu đến,
Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn
xanh, xa mãi dần khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, "lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa
xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo". Liên nhớ lại kí ức tuổi thơ và ước vọng.

Rồi Liên chìm dần trong giấc ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya "tịch mịch và đầy
bóng tối").
- Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình. (Giọng văn ấy đặc biệt thể hiện rõ qua đoạn
trích nói về sự "mơ tưởng" của Liên khi đoàn tàu từ Hà Nội về vút qua sân ga phố
huyện nhỏ bé, buồn tẻ – nơi Liên và em gái đang sống. Và một điểm nữa người ta
không thể không nhắc đến khi đọc truyện Thạch Lam đó là chất thơ tạo tính hàm
súc cho truyện của ông. Đoạn trích nói về dòng "mơ tưởng" của Liên là một đoạn
như thế. Tác giả đã dùng các phép lặp để tạo sự nhịp nhàng, ấn tượng, rất riêng
cho văn mình. "Hà Nội" phồn hoa hiện lên trong Liên rất rõ, rất lâu, lắng trong
Liên bao cảm xúc về một thời đã qua; "thế giới khác" mà con tàu chở qua bừng lên
trong ánh mắt Liên ánh sáng của "thế giới khác" và của thế giới phố huyện Liên
đang sống nối tiếp nhau hiện về trong dòng mơ tưởng của Liên; và "đêm" mênh
mông rợn ngợp trùm lên tất cả... Những hình ảnh đó cứ trùng điệp nối tiếp nhau
nhịp nhàng như những lớp sóng khiến câu văn Thạch Lam lúc nhẹ nhàng lúc lan
tỏa, lúc dồn nén...) .


- Sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật
những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. (Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn
đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng
về khuya, phố huyện càng im lìm, tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyến tàu chạy qua
phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh
sáng và náo động. Làn khỏi bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh.
Các cửa kính sáng Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít. Tiếng hành khách
ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi tàu rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua... Ánh sáng và
bóng tối, ồn ào náo động và tịch mịch, tương phản ấy, đối lập ấy đã làm nổi bật những
cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc,
cảm giác đầy ám ảnh.
- Câu văn thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. (Cảnh phố huyện lúc
chiều tàn: "Phía tây, đỏ rực như lửa cháy (...). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru,

văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran nơi đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào... Đây là cảnh
đầu đêm nơi phố huyện: “Trời đã bắt đầu đêm một đêm mùa hạ êm như nhung và
thoảng qua gió mát . Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối...").
II. Kỹ năng phân tích dẫn chứng

1. Các hình thức nêu dẫn chứng
1.1 Dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn
Đây là hình thức nêu dẫn chứng được sử dụng phổ biến nhất trong văn nghị luận
đặc biệt trong nghị luận văn học, khi dẫn chứng là một câu thơ, văn hay một đoạn, bài
ngắn người ta hay dùng cách nêu dẫn chứng này, dẫn chứng đó thường được sử dụng
viết thành một đoạn văn riêng nếu là thơ thì không cần đặt trong ngoặc kép mà viết ở
giữa dòng để tạo sự cân đối hài hòa cho bài văn.
Việc trích dẫn nguyên văn đòi hỏi tính chính xác cao vì thế người viết phải
thuộc dẫn chứng, nắm chắc nguồn gốc xuất xứ. Nếu sử dụng dẫn chứng ở nhiều bài khác


nhau người ta phải chú thích dẫn chứng (Dùng ngoặc đơn để ghi tên tác giả, tác phẩm
của dẫn chứng).
Ví dụ: Tạo hóa đã ban tặng cho con người một đặc quyền thiêng liêng – đó là
sống. Van-gốc đã từng thốt lên rằng: “Đối với tôi không có gì tốt đẹp hơn là cuộc
sống”. Dù cho ai nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy vững tin rằng cuộc sống xung
quanh ta chứa đầy hạnh phúc và niềm vui. Xuân Diệu, “thi sĩ mới nhất trong các nhà
thơ mới” (Hoài Thanh), đã hơn một lần khẳng định lối sống “vội vàng” của mình:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi
(Giục giã – Xuân Diệu)
(Trích Tuyển chọn những bài văn đạt giải quốc gia học sinh giỏi THPT 2004-2014)
Ở ví dụ trên, học sinh đã trích dẫn nguyên văn hai ý kiến của Van-gốc và của Hoài
Thanh, trích nguyên văn hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu.
1.2 Trích từ ngữ tiêu biểu

Bên cạnh việc trích dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn thì đôi khi
người viết cũng có thể trích dẫn các từ ngữ tiêu biểu. Lúc ấy các dẫn chứng được
hòa vào lời văn nghị luận của tác giả bài văn. Trong đoạn văn sau có một số dẫn
chứng được trích như vậy.
Ví dụ: Quê hương Việt Nam qua bức tranh thôn Vĩ Dạ của xứ Huế sao mà
xinh xắn thế, mơ mộng và trữ tình đến thế. Bằng những hình ảnh bình dị, thân
thương như “nắng hàng cau” trong khu vườn “mướt” “xanh như ngọc”, nhà thơ
cho chúng ta thêm yêu và trân trọng xứ Huế. Những “bến sông trăng” với con
thuyền “chở trăng” gợi lên chất mộng, chất thơ nhưng cũng rất thực. Đấy chính là
tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương, với thiên nhiên đất nước.


(Trích Những bài văn đạt giải quốc gia học sinh giỏi THPT, 2003)
Ta có thể nhận thấy ngay các dẫn chứng trong đoạn văn trên là những từ ngữ tiêu
biểu được trích dẫn bằng cách đặt trong ngoặc kép, hòa vào lời văn của người viết
như:“nắng hàng cau”, “mướt”, “xanh như ngọc”, “bến sông trăng”, “chở
trăng”.
1.3 Tóm lược nội dung chính
Đây là cách trích dẫn dẫn chứng theo hình thức gián tiếp, tức là chỉ dẫn ý của câu
thơ, câu văn, lời nói, tóm lược nội dung câu chuyện… và không cần đặt trong ngoặc kép
để đưa vào văn nghị luận. Đây cũng là một hình thức trích dẫn khá phổ biến trong văn
nghị luận.
Ví dụ: Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính, không đi từ
quá khứ mà xuất phát từ tương lai, đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng
những tiếng chửi sặc mùi rượu. Ban đầu hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời, hắn chửi ngay
tất cả làng Vũ Đại. Nhưng không ai đáp lời thằng say rượu. Tức mình, hắn phải chửi
cha đứa nào không chửi nhau với hắn, đến cuối cùng hắn đau đớn, hắn nghiến răng vào
mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.
Trong đoạn văn trên thay vì trích dẫn nguyên văn đoạn trích tiếng chửi của Chí
Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao thì người viết đã trích dẫn bằng cách tóm

lược các nội dung chính.
Như vậy, có rất nhiều hình thức trích dẫn trong một văn bản nghị luận, người viết
cần căn cứ vào yêu cầu của đề vào hệ thống luận điểm và cách lập luận để lựa chọn hình
thức trích dẫn phù hợp. Trong một bài viết có thể phối hợp nhiều hình thức trích dẫn tạo
nên sự sinh động, hấp dẫn cho bài văn tránh tình trạng đơn điệu, nhàm chán khi chỉ sử
dụng một cách đưa dẫn chứng.


2 Cách phân tích dẫn chứng
2.1 Các lỗi thường mắc phải khi phân tích dẫn chứng
Việc lựa chọn và trích dẫn dẫn chứng là vấn đề quan trọng đầu tiên nhưng yếu tố
quyết định sự thuyết phục của lập luận là phân tích dẫn chứng. Nêu dẫn chứng phải kèm
theo phân tích, bình phẩm. Nếu không bài nghị luận sẽ biến thành bảng liệt kê dẫn
chứng đơn thuần. Có phân tích bình phẩm thì từ dẫn chứng ta mới làm toát lên được vấn
đề cần nói. Tuy nhiên, trong các bài nghị luận văn học, người viết thường mắc khá nhiều
lỗi trong việc phân tích dẫn chứng khiến cho bài văn nghị luận không đạt yêu cầu đề ra.
2.1.1 Diễn xuôi và kể lể dẫn chứng
Diễn xuôi dẫn chứng là tình trạng rất phổ biến trong bài làm của học sinh. Các em
trích dẫn được nhưng lại sa vào diễn giải ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, kể lại nội dung
đoạn trích. Đối với tác phẩm truyện, học sinh thường kể lại các chi tiết, sự kiện khiến bài
văn phân tích thiên về văn tự sự. Chẳng hạn đối với những đề văn về tác phẩm “Vợ
nhặt” học sinh bắt đầu bằng việc kể: “Tràng vốn xuất thân từ xóm ngụ cư, làm nghề đẩy
xe bò thuê. Gia cảnh rất nghèo khó. Đã vậy anh còn xấu xí. Đầu thì nhẵn thín, cái mặt
thì “quai hàm bạnh, mắt nhỏ tý gà gà”, lưng thì “to như lưng gấu”. Một hôm Tràng kéo
xe bò lên dốc tỉnh, mệt quá Tràng hò một câu chơi cho đỡ mệt thì có một người con gái
chạy ra đẩy xe cho Tràng. Người con gái đó vừa đẩy xe vừa cười tít mắt. Tràng sung
sướng lắm vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có ai cười với hắn một cách tình từ
đến thế…
Đối với tác phẩm thơ thì không ít học sinh sa vào “diễn nôm” lại ý nghĩa của
những câu thơ. Tuy cần phải cắt nghĩa, giảng giải để hiểu rõ thêm, để thấy được những

đặc sắc riêng của câu thơ, bài thơ, nhưng không có nghĩa là học sinh chỉ việc diễn nôm
lại ý nghĩa bài thơ. Câu “Câu thơ này cho thấy, đoạn thơ này nói lên, bài thơ này nghĩa
là….”…đó trở thành “công thức” trong bài làm của không học sinh. Ngoài cắt nghĩa,
giảng giải còn cần phải làm rõ các biện pháp tu từ, khả năng biểu đạt của ngôn từ, ngắt


nhịp, hiệp vần…được tác giả sử dụng để cho thấy cái hay của câu thơ, bài thơ. Phân tích
kiểu “diễn nôm” chỉ làm nghèo nàn, mất đi cái hay của thơ. Chẳng hạn như ví dụ đoạn
viết sau của một học sinh: “Đất nước có trong câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể,
trong miếng trầu bà ăn. Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc, tóc mẹ
bới sau đầu, cha mẹ thương nhau gừng cay muối mặn, cái kèo cái cột thành tên...Đất
Nước có từ ngày đó”. Rõ ràng, đoạn văn cho ta thấy học sinh không biết nội dung thơ,
chứ đừng nói đến nghệ thuật thơ nữa.
2.1.2 Phân tích theo cảm tính, suy diễn máy móc
Yêu cầu quan trọng của việc phân tích dẫn chứng là cần phải có năng lực phát
hiện ra những từ ngữ có giá trị nghệ thuật, những cách diễn đạt độc đáo của tác giả. Và
quan trọng hơn là phải phân tích ra được cái hay, cái độc đáo của cách lựa chọn và cách
diễn đạt đó. Tuy nhiên, trong quá trình làm bài, học sinh vẫn sa vào sự suy diễn mang
tính chủ quan của cá nhân người tiếp nhận, có những chỗ còn suy diến máy móc khiến
cho bài viết trở nên gượng ép và nhất là hiểu sai ý tưởng của tác giả. Đây là lỗi xảy ra
phổ biến đối khi người viết không nắm chắc kiến thức, không trang bị cho mình kĩ năng
phân tích tác phẩm.
2.1.3 Phân tích không theo một định hướng, thiếu tính khoa h ọc
Đây là lỗi thường gặp trong các bài thi của học sinh giỏi văn. Các em biết chọn
được dẫn chứng hay nhưng lại quá ôm đồm, phân tích đúng mà không trúng vào vấn đề.
Ví dụ: “Điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình”. Hãy
phân tích một số tác phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu và Nguyễn Bính để làm sáng tỏ.
Với đề văn trên, học sinh sẽ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu và
Nguyễn Bính để chứng minh nhưng sẽ có nhiều bạn không xoáy vào “giọng nói riêng”
hay nói cách khác là phong cách của nhà thơ mà sẽ phân tích dàn trải cả bài thơ dẫn đến

bài viết lan man, thiếu trọng tâm.


Hoặc với đề văn sau: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (Gor-ki). Anh/ chị hãy
làm sáng tỏ ý kiến trên qua những chi tiết đặc sắc trong truyện ngắn 1930-1945”. Rõ
ràng đề văn chỉ yêu cầu phân tích một khía cạnh của tác phẩm đó là các chi tiết nhưng
rất nhiều học sinh con mông lung trong việc phân tích dẫn chứng dẫn đến bê hết toàn bộ
kiến thức về tác phẩm vào bài văn nghị luận.
Khi phân tích dẫn chứng trong văn nghị luận, người viết cần đảm bảo tính hệ
thống. Nghĩa là các dẫn chứng phải được phân tích theo một trình tự, quy luật nhất định.
Tính hệ thống sẽ giúp cho người viết tránh được tình trạng phân tích dẫn chứng một
cách tràn lan và mất kiểm soát.
2.2 Phân tích dẫn chứng
2.2.1 Các bước phân tích
Để phân tích một dẫn chứng vừa đủ vừa đúng, người viết có thể thực hiện theo
nhiều cách. Dưới đây là 3 cách cơ bản với các bước phân tích dẫn chứng thường gặp
trong văn nghị luận.
Cách 1:
+ Có một lời dẫn nhỏ
+ Đưa ra dẫn chứng
+ Phân tích dẫn chứng ( cách cảm nhận, đánh giá, nhận xét của em về dẫn chứng
đó)
Ví dụ: Ở “Thu vịnh”, người đọc nhận ra những nét bút tinh tế tuy chỉ chấm phá
mà thâu tóm được cái thần của mùa thu. Hồn thu nhẹ nhàng toả ra từng câu chữ:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Cảnh thu hiện ra với những nét đặc sắc nhất. Nguyễn Khuyến đã kịp ghi lại cái
xanh ngắt đặc trưng của trời thu - cái màu xanh mà không mùa nào có được. Cái xanh



đậm mà không tạo ra cái nóng, nó gợi ra cái cao sâu của bầu trời khi thu tới, từng lớp
mây xanh trùng điệp, đẩy đến cái xanh hun hút mấy từng cao. Có thể nói Nguyễn
Khuyến đã gắn bó sâu nặng với bầu trời Việt Nam. Không gắn bó thì sao thấy được cái
sắc màu thần thái ấy.
(Trích Những bài văn đoạt giải quốc gia, NXB GD 2003)
- Cách 2:
+ Phân tích dẫn chứng
+ Đưa ra dẫn chứng
Ví dụ: Mạch thơ quay về hiện tại, nhà thơ sực tỉnh những vẫn chưa hết thổn thức,
bồi hồi. Hình ảnh người mẹ vẫn còn đó, nơi đồng nội giậu phơi, nơi hiên nhà, song
cửa…Dường như đâu đâu cũng in bóng dáng mẹ, vương hơi ấm của mẹ nên nỗi nhớ lúc
nào cũng chỉ chực dâng trào. Và phải chăng “nắng mới” chỉ như cái cớ, chỉ là giọt
nước làm tràn ly thương nhớ.
Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
(Trích Tuyển chọn đề và bài văn đạt giải , NXB ĐHQG TPHCM, 2007)
- Cách 3:
+ Vừa nêu, vừa phân tích dẫn chứng.
Ví dụ: Trong văn xuôi, giọng điệu của nhà văn in hằn lên câu chữ. Cùng tả con
người dị dạng ở nông thôn cũ, nhưng trong Kim Lân khi Tràng hiện ra với “hai con mắt
nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều”, “ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch” thì dường như
câu văn vẫn còn có cái gì nhẹ nhàng, xót thương. Nhưng thằng “Chí Phèo “trông đặc
như một thằng sắng đá. Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà
rất cơng cơng…”đã hiện lên từ giọng chì chiết, khinh bạc, lạnh lùng của Nam Cao ở
ngay những dòng đầu truyện.
(Trích Tuyển chọn đề và bài văn đạt giải , NXB ĐHQG TPHCM, 2007)



×