Tải bản đầy đủ (.pdf) (118 trang)

Biểu thức ngôn ngữ rào đón trong tác phẩm của vi hồng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.59 MB, 118 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

LĂNG THỊ XÁ

BIỂU THỨC NGÔN NGỮ RÀO ĐÓN
TRONG TÁC PHẨM CỦA VI HỒNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2020


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

LĂNG THỊ XÁ

BIỂU THỨC NGÔN NGỮ RÀO ĐÓN
TRONG TÁC PHẨM CỦA VI HỒNG
Ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 8220102

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN TÚ QUYÊN

THÁI NGUYÊN - 2020



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan, Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học về “Biểu thức
ngôn ngữ rào đón trong tác phẩm của Vi Hồng” là công trình nghiên cứu của
cá nhân tôi dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Nguyễn Tú Quyên. Những
kết quả và số liệu trong báo cáo này chưa ai công bố dưới bất kì hình thức
nào. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cam đoan này.
Tác giả luận văn

Lăng Thị Xá

i


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến TS. Nguyễn Tú Quyên, người
đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu để
tôi có thể hoàn thành luận văn tốt nghiệp này.
Luận văn này là kết quả của một quá trình học tập và nghiên cứu. Vì vậy,
tôi xin chân thành cảm ơn đến những người thầy, người cô đã giảng dạy các
chuyên đề cao học cho lớp Ngôn ngữ K25B (2017 - 2020) tại trường Đại học
Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè, người thân đã luôn ủng hộ
và động viên tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận văn.
Thái Nguyên, ngày 11 tháng 6 năm 2020
TÁC GIẢ

LĂNG THỊ XÁ

ii



MỤC LỤC
Trang
Trang bìa phụ
LỜI CAM ĐOAN ................................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ...................................................................................................... ii
MỤC LỤC ..........................................................................................................iii
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ................................................................. iv
DANH MỤC CÁC BẢNG .................................................................................. v
MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1
1. Lí do chọn đề tài .............................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề .................................................................................................. 2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ....................................................................... 8
4. Mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu ................................................... 9
5. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................. 9
6. Bố cục của luận văn ....................................................................................... 10
Chương 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI .................................................................................................... 11
1.1. Giao tiếp và các nhân tố giao tiếp .............................................................. 11
1.1.1. Khái niệm giao tiếp .................................................................................. 11
1.1.2. Các nhân tố giao tiếp ............................................................................. 11
1.2. Lí thuyết hội thoại....................................................................................... 14
1.2.1. Khái niệm hội thoại ................................................................................. 14
1.2.2. Các đơn vị hội thoại ................................................................................ 15
1.2.3. Các qui tắc hội thoại ................................................................................ 17
1.3. Lí thuyết hành động ngôn ngữ và biểu thức ngôn ngữ rào đón ................. 21
1.3.1. Lí thuyết hành động ngôn ngữ ................................................................. 21
1.3.2. Biểu thức rào đón .................................................................................... 24
iii



1.4. Khái quát về văn hóa và ngôn ngữ ............................................................. 27
1.4.1. Khái niệm văn hóa, vài nét về văn hóa của dân tộc Tày ......................... 27
1.4.2. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa .................................................. 30
1.5. Giới thiệu về Vi Hồng và một số tác phẩm của Vi Hồng .......................... 31
1.6. Tiểu kết ....................................................................................................... 33
Chương 2. KHẢO SÁT BIỂU THỨC NGÔN NGỮ RÀO ĐÓN
TRONG VĂN XUÔI VI HỒNG ..................................................................... 35
2.1. Kết quả khảo sát ......................................................................................... 36
2.2. Phân loại và miêu tả biểu thức ngôn ngữ rào đón trong văn xuôi Vi Hồng............ 36
2.2.1. Biểu thức rào đón trong văn xuôi Vi Hồng xét về mặt cấu tạo ............... 36
2.2.2. Biểu thức rào đón trong văn xuôi Vi Hồng xét theo hành động
chủ hướng .......................................................................................................... 46
2.2.3. Biểu thức rào đón trong văn xuôi Vi Hồng xét theo chức năng
trong cặp thoại ................................................................................................... 59
2.2.4. Phân loại và miêu tả biểu thức rào đón theo đích ở lời ........................... 62
2.3. Tiểu kết ....................................................................................................... 68
Chương 3. VAI TRÒ NGỮ DỤNG CỦA BIỂU THỨC NGÔN NGỮ
RÀO ĐÓN TRONG VĂN XUÔI VI HỒNG ................................................. 69
3.1. Biểu thức ngôn ngữ rào đón giúp người nói tránh vi phạm các
phương châm hội thoại ...................................................................................... 69
3.1.1. Biểu thức ngôn ngữ rào đón giúp người nói tránh vi phạm các
phương châm về lượng .................................................................................... 69
3.1.2. Biểu thức rào đón giúp người nói tránh vi phạm các phương
châm về chất ..................................................................................................... 76
3.2. Biểu thức rào đón góp phần thể hiện lịch sự trong hội thoại ..................... 83
3.2.1. Biểu thức rào đón với việc thể hiện lịch sự chiến lược ........................... 83
3.2.2. Biểu thức rào đón với việc thể hiện lịch sự chuẩn mực .......................... 90
3.3. Biểu thức rào đón thể hiện nét văn hóa của một dân tộc............................ 93

3.4. Biểu thức rào đón thể hiện tính cách nhân vật ........................................... 98
3.5. Tiểu kết ..................................................................................................... 103
KẾT LUẬN..................................................................................................... 104
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................. 106
iv


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BTRĐ

:

Biểu thức rào đón

HVRĐ

:

Hành vi rào đón

VHDTTS

:

Văn học dân tộc thiểu số

iv


DANH MỤC CÁC BẢNG


Bảng 2.1.

Biểu thức rào đón trong tác phẩm của Vi Hồng ............................ 36

Bảng 2.2.

Biểu thức rào đón trong các tác phẩm của Vi Hồng xét về
mặt cấu tạo..................................................................................... 45

Bảng 2.3.

Biểu thức rào đón cho hành động chủ hướng trong tác phẩm
văn xuôi của Vi Hồng .................................................................... 46

Bảng 3.1.

Biểu thức rào đón theo phương châm về lượng ............................ 76

Bảng 3.2.

Biểu thức rào đón theo phương châm về chất .............................. 82

Bảng 3.3.

Biểu thức rào đón với phép lịch sự ............................................... 90

v



MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Lí do khách quan
Trong giao tiếp, khi tham gia hội thoại, ngoài việc đưa ra một nội dung
thông tin nào đó, người ta còn phải cân nhắc nên thực hiện hành vi ngôn ngữ
nào. Vì vậy, để đạt được mục đích giao tiếp, ngoài nội dung, còn cần đến những
yếu tố phụ trợ đi kèm với các hành vi ngôn ngữ để làm tăng hay giảm hiệu lực ở
lời của những phát ngôn do hành vi đó tạo ra. Một trong những yếu tố phụ trợ
này là lời rào đón. Trong giao tiếp hằng ngày của người Việt, trong các tác phẩm
văn chương, yếu tố rào đón xuất hiện nhiều. Lời rào đón được sử dụng để ngăn
ngừa trước sự hiểu lầm hoặc những phản ứng không hay trong lời nói của phát
ngôn, làm tăng tính lịch sự trong giao tiếp. Do vậy, nghiên cứu yếu tố rào đón là
cần thiết đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp.
Biểu thức rào đón đã được các học giả nước ngoài quan tâm. Nhưng ở
Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều, nhất là nghiên cứu
trong các tác phẩm văn học.
Văn xuôi của nhà văn Vi Hồng đã có những đóng góp đáng kể trong lịch
sử văn học nước nhà. Sự đóng góp ở đây không chỉ thể hiện ở xu hướng chọn
đề tài, ở sự phản ánh trung thực xã hội và cách mạng Việt Nam ở khu vực miền
núi phía Bắc mà còn thể hiện ở phong cách nghệ thuật độc đáo qua hành động
ngôn ngữ nhân vật, trong đó biểu thức rào đón là một biểu hiện. Tuy nhiên,
hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu biểu thức rào đón trong các tác
phẩm của Vi Hồng.
1.2. Lí do chủ quan
Là một giáo viên, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ dạy cho học sinh tri
thức khoa học mà còn phải dạy và giáo dục các em trở thành người có nhân
cách. Nhân cách con người trước hết thể hiện trong nói năng, trong ứng xử giữa
người với người trong xã hội, tức thể hiện bằng hành động ngôn ngữ, trong đó
1



có biểu thức ngôn ngữ rào đón. Vì vậy, việc lựa chọn hành động ngôn ngữ trong
giao tiếp là một việc hết sức quan trọng. Với những lí do khách quan và lí do chủ
quan trên, chúng tôi đã chọn đề tài “Biểu thức ngôn ngữ rào đón trong tác phẩm
của Vi Hồng” để nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Tình hình nghiên cứu biểu thức rào đón trên thế giới
Trong nhiều năm gần đây, biểu thức rào đón (BTRĐ) trở thành một chủ
đề thu hút được nhiều quan tâm của các nhà ngôn ngữ học dưới nhiều góc độ
khác nhau. Nghiên cứu về BTRĐ trên thế giới đến nay đã được chú ý ở hai lĩnh
vực là: ngữ dụng học và dụng học xã hội.
Từ góc nhìn ngôn ngữ học có thể kể đến các tác giả nổi tiếng nghiên
cứu về rào đón như Lakoff, Fraser, Brown & Levision… Các tác giả đã đi
sâu vào nghiên cứu rào đón hiệu chỉnh cho từ hoặc cụm từ trong nội dung
mệnh đề/ phát ngôn.
Từ góc nhìn ngữ dụng học, có thể kể đến các tác giả nổi tiếng nghiên cứu
về rào đón như

Hübler, Skelton, Vande Kopple, Hyland, Markkanen, R,

Steffensen, M. S., & Crismore, A... Các tác giả đã tập trung vào xem xét việc
rào đón hiệu chỉnh giá trị sự thật của mệnh đề và thái độ của người viết đối với
nội dung phát ngôn.
Từ góc nhìn dụng học xã hội, có thể kể đến các tác giả nổi tiếng nghiên
cứu về rào đón như Meyers, Salager - Meyer, Hyland, Clemen, Markkanen, R.,
& Schröder, H. Các tác giả đã nghiên cứu mối quan hệ liên nhân và các mối
quan hệ xã hội giữa tác giả và người đọc.
Nghiên cứu về rào đón trên thế giới, có thể phân thành hai hướng chính:
nghiên cứu rào đón trong hội thoại tự nhiên và nghiên cứu rào đón trong các
văn bản/ ngôn bản mang tính khoa học. Như vậy, nghiên cứu về rào đón trên

thế giới đã có bề dày và có nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
2


2.2. Tình hình nghiên cứu biểu thức ngôn ngữ rào đón ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu biểu thức rào đón ở Việt Nam
bắt đầu được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu
chuyên sâu cho BTRĐ. Trong ngữ pháp học, các yếu tố ngôn ngữ có chức năng
rào đón thường được gộp chung vào thành phần tình thái của phát ngôn.
BTRĐ được quan tâm nghiên cứu trước hết ở quan niệm thế nào là biểu
thức rào đón. Theo Hoàng Tuệ thì “Các từ thường gọi là trạng từ hay phó từ và
ngữ tương đương với phó từ, trạng từ như có lẽ, hình như, chắc chắn, theo tôi
được xem là phương tiện từ vựng biểu thị thành phần tình thái nhưng không
gắn với vị ngữ mà ở ngoài cấu trúc của vị ngữ” [58, tr.1-5]. Theo Cao Xuân
Hạo thì “Tình thái của câu có thể được biểu thị bằng khởi ngữ (ngữ đoạn mở
đầu câu) như có lẽ, tất nhiên...” [25, tr.51].
Bên cạnh quan niệm về rào đón, các tác giả cũng chỉ ra ngữ cảnh của
biểu thức rào đón, biểu thức rào đón được dùng khi nào và bao giờ. Theo
Nguyễn Thiện Giáp thì khi người nói cảm thấy có thể vi phạm nguyên tắc nào
đó, họ dùng lời rào đón để chỉ ra sự vi phạm có thể có. Chúng cũng là tín hiệu
đối với người nghe để người nghe có thể hạn chế cách giải thích của mình.
Những lời rào đón còn thể hiện rằng người nói quan tâm đến việc người nghe
đánh giá họ là có hợp tác hội thoại hay không. Tác giả cũng đã nêu một số ví
dụ về sự rào đón các phương châm hội thoại trong tiếng Việt gồm: để rào đón
phương châm về chất (có một số cách nói như: nếu tôi không nhầm thì, tôi nhớ
không rõ nhưng, theo như tôi biết, tôi không dám chắc, nghe đồn, hình như, có
lẽ...); rào đón phương châm về lượng (có một số cách nói như tôi không được
phép tiết lộ, thiên cơ bất khả lộ, như anh đã biết, tôi không muốn làm phiền anh
với những chi tiết vụn vặt...); rào đón phương châm quan yếu (có một số cách
nói như tôi không biết điều này có quan trọng không, tôi muốn nói thêm là...);

rào đón về phương châm cách thức (có một số cách nói như tôi xin mở ngoặc
đơn là...). Trong giao tiếp, ngoài nguyên tắc cộng tác còn có nguyên tắc lịch sự.
Người ta cũng dùng những lời rào đón để tránh đe doạ thể diện của người nghe
như: Nói khí vô phép, nói chị bỏ ngoài tai, tôi hỏi thật...
3


Diệp Quang Ban đã chỉ ra rằng trong việc phân tích mặt dụng học của
phát ngôn, các biểu thức tình thái chỉ độ tin cậy và tình thái chỉ ý kiến được xếp
vào các yếu tố rào đón. Tình thái chỉ độ tin cậy nêu lên mức độ nào đó trong
niềm tin của người nói vào cái được nói đến trong câu. Tình thái chỉ ý kiến diễn đạt ý kiến của người nói đối với điều được nói đến trong câu (đối với nghĩa
miêu tả của câu) như: Nói trộm bóng, nói của đáng tội, theo chỗ tôi biết... Ngoài
ra còn có quán ngữ như: anh còn lạ gì, nói khí vô phép. Yếu tố rào đón tiếp tục
được quan tâm bàn luận ở góc độ dụng học trong tác phẩm “Dụng học Việt
ngữ” của tác giả Nguyễn Thiện Giáp. Tác giả cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc
lịch sự và nguyên tắc cộng tác, người nói đã sử dụng rào đón để đưa ra tín hiệu
về khả năng vi phạm nguyên tắc hợp tác. Nói khác đi, những lời rào đón này
giống như những bằng chứng cho phép người nói vi phạm một nguyên tắc nào
đó; đây cũng là tín hiệu để người nghe điều chỉnh phát ngôn hồi đáp của mình.
Nguyễn Thiện Giáp đã phân loại yếu tố rào đón trong tiếng Việt trên cơ sở các
phương châm hội thoại như rào đón phương châm về chất, rào đón phương
châm về lượng, rào đón phương châm quan yếu, rào đón phương châm cách
thức. Tương tự, tác giả Diệp Quang Ban cũng cho rằng, khi phân tích dụng học
của phát ngôn, các biểu thức tình thái chỉ độ tin cậy và tình thái chỉ ý kiến đều
được xếp vào nhóm các yếu tố rào đón. Diệp Quang Ban đã xếp những yếu tố
không thuộc cấu trúc cú pháp của câu, có tính chất quán ngữ vào nhóm những
lời rào đón và gắn những yếu tố này với các phương châm hội thoại của Grice.
Các tác giả cũng chú ý phân rào đón vào các nhóm hành vi ngôn ngữ. Tác
giả Đỗ Hữu Châu (2001) đã xếp yếu tố rào đón vào chiến lược lịch sự âm tính
để né tránh những hành vi đe doạ thể diện (FTA) hoặc bù đắp, giảm nhẹ hiệu

lực của các FTA khi không thể không dùng chúng.
Cũng xếp rào đón vào các chiến lược lịch sự âm tính, Nguyễn Quang
(2004) đã nghiên cứu rào đón theo hướng xét dấu hiệu rào đón theo lực ngôn
trung và theo các nguyên tắc của Grice. Xét theo lực ngôn trung, các dấu hiệu
4


rào đón này sẽ được phân loại thành: Các dấu hiệu rào đón được mã hoá trong
tiểu từ, các dấu hiệu rào đón trạng ngữ - mệnh đề. Xét theo các nguyên tắc hội
thoại của Grice, các dấu hiệu rào đón được phân chia theo 4 tiêu chí: Chất
(Quality) - Chân: Các dấu hiệu rào đón là: hình như là, có vẻ là, tôi đoán là,
người ta đồn là... Lượng (Quatity) - Túc: Các dấu hiệu rào đón là: khoảng,
khoảng độ, áng chừng, ở một mức độ nào đó... Hệ (Relevance/Relation) -Trực:
Các dấu hiệu rào đón là: à, tiện đây, nhân đây, rủi quá, tôi rất tiếc phải nói
rằng... Thức (Manner) - Minh: Các dấu hiệu rào đón là: Đơn giản là, nó là thế
này, nói thực ra thì, nói cách khác thì...
Rào đón ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các tác giả. Các
nghiên cứu gần đây về rào đón nếu chia theo tư liệu nghiên cứu có thể chia
thành 2 loại sau: hội thoại tự nhiên và ngôn bản/ văn bản mang tính học thuật.
Hướng thứ nhất, sử dụng ngữ liệu hội thoại tự nhiên, có thể kể đến một
số nghiên cứu của các tác giả như: Nguyễn Thị Hoàng Yến trong bài viết
“Thành phần mở rộng và các yếu tố lịch sự trong phát ngôn chê”, Chử Thị Bích
trong bài “Một số biện pháp sử dụng ngôn ngữ biểu hiện phép lịch sự trong
trong hành vi cho, tặng”; tác giả Trần Chi Mai trong bài “Cách biểu hiện hành
vi từ chối lời cầu khiến bằng các phát ngôn lảng tránh trên các cứ liệu tiếng
Anh và tiếng Việt” và Đào Nguyên Phúc trong bài “Biểu thức rào đón trong
hành vi ngôn ngữ xin phép tiếng Việt trên cơ sở lí thuyết về phương châm hội
thoại của P. Grice”…
Lời rào đón được đề cập tới trong các nghiên cứu về chiến lược thực hiện
những hành vi ngôn ngữ cụ thể như: xin phép, nhờ, từ chối, phản bác... như

Nguyễn Thị Hoàng Yến trong bài viết “Thành phần mở rộng và các yếu tố lịch
sự trong phát ngôn chê”; Chử Thị Bích trong bài “Một số biện pháp sử dụng
ngôn ngữ biểu hiện phép lịch sự trong hành vi cho, tặng”; Đào Nguyên Phúc
trong bài "Biểu thức rào đón trong hành vi ngôn ngữ xin phép tiếng Việt trên cơ
sở lí thuyết về phương châm hội thoại của P. Grice".
5


Tác giả Trần Chi Mai trong bài "Cách biểu hiện hành vi từ chối lời cầu
khiến bằng các phát ngôn lảng tránh (Trên các cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt)" đã
chỉ ra một cách lảng tránh bằng hình thức rào đón. Theo tác giả, từ chối bằng rào
đón là một hình thức tự vệ nhằm bảo đảm cho phát ngôn từ chối có độ an toàn
cao, bảo đảm cho người có phát ngôn từ chối không phải chịu bất kì trách nhiệm
gì trước hậu quả có thể xảy ra. Tác giả Nguyễn Quang Ngoạn trong bài “Một số
chiến lược phản bác thường dùng trong tiếng Việt” cho rằng rào đón là chiến lược
được sử dụng để giảm bớt mức độ đe doạ thể diện đối với người nghe khi phản
bác họ bằng cách tỏ ra lịch sự hơn qua việc sử dụng các tiểu từ tình thái: kiểu như,
đại loại là, nói chung thì, có lẽ, thật ra, thật sự, hoàn toàn, không nhất thiết, nên
chăng...; để ngụ ý rằng ý kiến của người nói không mang tính áp đặt, hoặc chỉ có
tính chất ướm thử hay giãi bày. Do đó mà sự phản bác dễ được chấp nhận hơn.
Trong luận án "Hành vi nhờ và sự kiện lời nói nhờ trong giao tiếp bằng
tiếng Việt" (2007), Dương Tuyết Hạnh đã dành một phần để nói về rào đón
trong sự kiện lời nói nhờ. Theo tác giả, khi nhờ một việc dù nhỏ hay lớn, đơn
giản hay phức tạp thì đã ít nhiều gây phiền toái cho người nghe. Vì vậy, để giảm
thiểu tổn thất cho người nghe, để duy trì sự cộng tác, người nói phải dùng một
số lời rào đón. Rào đón trong sự kiện lời nói nhờ bao gồm: các biểu thức rào
đón xét theo phương châm hội thoại của Grice, biểu thức rào đón về hành vi ở
lời, biểu thức rào đón nhằm đảm bảo phép lịch sự.
Năm 2010, Vũ Thị Nga đã có luận án nghiên cứu về rào đón trong tiếng
Việt. Luận án đã có những khảo sát công phu về rào đón trong tiếng Việt và

đưa ra nhiều kết luận có giá trị. Theo tác giả luận án thì "rào đón còn là một
hiện tượng ngôn ngữ mang đậm đặc trưng văn hóa giao tiếp của từng dân tộc,
trong đó có người Việt. Do sự chi phối của tính cộng đồng và tính trọng tình
của người Việt, việc tạo lập và thắt chặt mối quan hệ giữa các nhân vật giao
tiếp được đưa thành mục đích hàng đầu của mọi cuộc giao tiếp. Đây cũng
chính là cơ sở hình thành nên hành vi rào đón trong giao tiếp của người
Việt." [44, tr.188]
6


Theo hướng sử dụng tư liệu là ngôn bản/ văn bản mang tính học thuật,
có thể kể đến tác giả Phạm Thị Thanh Thuỷ [61] với luận án “Phương tiện rào
đón trong các bài báo nghiên cứu kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt”. Luận án đã
đi sâu nghiên cứu đặc điểm từ vựng - ngữ pháp của rào đón và so sánh đối
chiếu cách thức sử dụng rào đón trong các bài báo kinh tế tiếng Anh và tiếng
Việt. Trong đó, tác giả đã rút ra kết luận là các công cụ rào đón giúp người
viết tránh được việc đưa ra những nhận định cụ thể, thẳng thừng, đồng thời
giúp tạo ra khoảng cách an toàn với những nhận định người viết đưa ra, vì thế
giúp giảm nhẹ được trách nhiệm trước những nhận định này. Tuy nhiên luận
văn mới dừng lại ở việc khảo sát các công cụ rào đón được người viết sử dụng
trong các bài báo kinh tế.
Nguyễn Thị Huyền Trang tiếp tục nghiên cứu rào đón ở góc độ đối chiếu
trong văn bản tiếng Anh và tiếng Việt, trong luận án “Đối chiếu phương tiện
rào đón trong văn bản khoa học tiếng Việt và tiếng Anh”. Trong luận án này,
tác giả đã rút ra kết luận: "trong các văn bản khoa học xã hội, các tác giả sử
dụng nhiều các phương tiện rào đón để thực hiện các chức năng và mục đích
của mình. Việc sử dụng phương tiện rào đón trong văn bản khoa học xã hội
chứng tỏ nhu cầu làm hài lòng sự kì vọng của cộng đồng về thông tin và kiến
thức cung cấp trong văn bản khoa học của tác giả để từ đó góp phần xây dựng
mối quan hệ giữa người viết - người đọc. Đồng thời, phương tiện rào đón cũng

giúp tác giả bảo vệ thể diện, giảm những cam kết vào các giá trị của mệnh đề
để từ đó, tránh được những phản ứng trái chiều có thể xảy ra." [150]
Gần đây nhất, luận án “Thành phần rào đón ở hành vi hỏi và hồi đáp
trong giao tiếp tiếng Anh (đối chiếu với tiếng Việt)” của Trần Thị Phương Thu
[60] đã đi sâu nghiên cứu đặc điểm của thành phần rào đón ở hành vi hỏi trong
tiếng Anh đối chiếu với tiếng Việt, khảo sát trường hợp: Việc sử dụng thành
phần hỏi và thành phần đáp của sinh viên đại học Thăng Long.
7


Ngoài ra, rào đón còn được nghiên cứu trong các tác phẩm văn học.
Trong các tác phẩm này, khi nghiên cứu về hành động ngôn ngữ, các tác giả
cũng đã bàn đến rào đón trong các tác phẩm đó, như: Lê Thị Thư (2008), Hành
động ngôn ngữ gián tiếp trong truyện ngắn Nam Cao; Bùi Kim Tuyến (2009),
Bước đầu khảo sát yếu tố phụ kèm động từ nói năng chỉ hành động ngôn ngữ
trong tác phẩm văn học của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan; Bùi
Minh Toán (2010), Lí thuyết hành động ngôn ngữ với đoạn thơ trao duyên của
Truyện Kiều; Nguyễn Thi Thu Hiền (2011), Khảo sát đặc điểm ngôn ngữ đối
thoại trong kịch Lưu Quang Vũ; Đặng Kim Ngân (2011), Tìm hiểu câu ngôn
hành trong tiểu thuyết Tắt Đèn và Lều Chõng của Ngô Tất Tố; Trần Thị Việt
Hà (2012), Đặc điểm ngôn ngữ của nữ giới qua hành vi hỏi (trên ngữ liệu lời
thoại nhân vật trong Truyện ngắn Nam Cao trước 1945; Lê Văn Cường (2018),
"Thành phần rào đón trong một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài”.
Tóm lại, trong nghiên cứu dụng học ở Việt Nam, hành vi rào đón đã được
đề cập đến ở những khía cạnh và mức độ khác nhau khi nghiên cứu hành động
ngôn ngữ cụ thể nào đó hay khi nghiên cứu về phép lịch sự hoặc nghiên cứu riêng
về hành động ngôn ngữ rào đón, trong đó có biểu thức ngôn ngữ rào đón. Tuy
nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tìm thấy một công trình nghiên cứu
nào nghiên cứu về biểu thức ngôn ngữ rào đón trong một tác phẩm của Vi Hồng.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là biểu thức ngôn ngữ rào đón.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu biểu thức ngôn ngữ rào đón của nhân vật trong văn xuôi Vi
Hồng, luận văn giới hạn phạm vi khảo sát là các tác phẩm sau:
(1) Vi Hồng (1990), Vào Hang, Nxb Thanh niên. H.
(2) Vi Hồng (2007), Người trong ống, Nxb Hội nhà văn, H.
(3) Vi Hồng (1993), Chồng thật vợ giả, Nxb Hội nhà văn, H.
(4) Vi Hồng (2009), Tháng năm biết nói, Nxb Thanh niên, H.
8


4. Mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này, người viết một mặt muốn góp phần củng cố lí
thuyết hành động ngôn ngữ nói chung, lí thuyết hành động ngôn ngữ rào đón
nói riêng, mặt khác giúp người đọc thấy được đặc điểm, chức năng, vai trò của
biểu thức ngôn ngữ rào đón trong tác phẩm của Vi Hồng. Ngoài ra, đề tài sẽ
làm tài liệu tham khảo cho những ai muốn nghiên cứu hành động ngôn ngữ
trong tác phẩm văn chương.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nói trên, luận văn đặt ra một số nhiệm vụ chính sau:
- Nghiên cứu và lựa chọn những vấn đề lí thuyết làm căn cứ lí luận cho
việc xử lí đề tài;
- Khảo sát, thống kê và phân loại các biểu thức ngôn ngữ rào đón trong
những tác phẩm được lựa chọn làm nguồn ngữ liệu khảo sát.
- Miêu tả, phân tích các biểu thức ngôn ngữ rào đón đã thống kê theo
từng tiêu chí đã định trước;
- Phân tích vai trò ngữ dụng của biểu thức ngôn ngữ rào đón trong tác
phẩm Vi Hồng.

- Tổng kết các kết quả đã nghiên cứu và rút ra kết luận về đối tượng
nghiên cứu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, người viết sử dụng một số phương pháp và thủ
pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây:
- Phương pháp thống kê, phân loại: Phương pháp nghiên cứu này được
dùng để thống kê và phân loại các biểu thức ngôn ngữ rào đón được dùng trong
các tác phẩm của Vi Hồng.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Phương pháp nghiên cứu này được
dùng để phân tích nguồn ngữ liệu đã thống kê.

9


6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí thuyết liên quan đến đề tài
Chương 2: Khảo sát biểu thức ngôn ngữ rào đón trong văn xuôi Vi Hồng
Chương 3: Vai trò của biểu thức ngôn ngữ rào đón trong văn xuôi Vi Hồng

10


Chương 1
CƠ SỞ LÍ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Giao tiếp và các nhân tố giao tiếp
1.1.1. Khái niệm giao tiếp
Giao tiếp (Communication) là sự tiếp xúc giữa các cá thể trong một
cộng đồng để truyền đạt một thông tin nào đó. Có nhiều phương tiện dùng
trong giao tiếp trong đó ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất.

Giao tiếp được diễn ra gắn với một không gian giao tiếp với những nhân vật
giao tiếp để truyền đạt những thông tin cụ thể. Với những quan niệm và những
phân tích trên, chúng tôi cho rằng: Giao tiếp chính là sự trao đổi thông tin
giữa các nhân vật giao tiếp được thực hiện trong một hoàn cảnh giao tiếp
nhằm một đích giao tiếp nào đó.
1.1.2. Các nhân tố giao tiếp
1.1.2.1. Ngữ cảnh
Ngữ cảnh chính là bối cảnh ngoài ngôn ngữ của một phát ngôn hay là
những thông tin ngoài ngôn ngữ góp phần tạo nên nghĩa (của phát ngôn). Ngữ
cảnh là một trong những yếu tố chủ đạo chi phối hoạt động giao tiếp của con
người. Đó là thế giới thực tại mà con người đang sống với tất cả các nhân tố xã
hội - ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện ngôn
ngữ như: hiểu biết về thế giới xã hội, văn hóa, tôn giáo, lịch sử, phong tục tập
quán, trình độ học vấn, kinh nghiệm xã hội, thói quen sử dụng ngôn ngữ, phạm
vi giao tiếp, đề tài, chủ đề hay hình thức giao tiếp…
Trong ngữ cảnh, người ta đặc biệt chú ý đến sự tồn tại của tính quy thức và
phi quy thức trong giao tiếp qua những biểu hiện ngôn ngữ của các vai giao tiếp…
Tính quy thức được hiểu là những yêu cầu, những quy tắc, những nghi
lễ… trong những hoàn cảnh giao tiếp hẹp. Đây là các quy thức mang tính quy
phạm, có chuẩn mực chung mà các thành viên tham gia giao tiếp ngầm hiểu và
tôn trọng thực hiện chúng.
11


Ngược lại tính phi quy thức là những hoạt động giao tiếp diễn ra
không chịu ảnh hưởng chi phối của quy tắc luật lệ nào. Các vai giao tiếp
được tự do thoải mái bộc lộ theo cách của riêng mình.
Các bộ phận của ngữ cảnh gồm:
- Nhân vật giao tiếp: Đây là những người tham gia vào hoạt động giao
tiếp, còn gọi là người phát và người nhận.

- Hiện thực ngoài diễn ngôn: Loại trừ diễn ngôn, loại trừ các đối ngôn,
tất cả những cái tạo thành môi trường cho một cuộc giao tiếp được gọi là hiện
thực ngoài diễn ngôn. Nó bao gồm hoàn cảnh giao tiếp rộng và hoàn cảnh giao
tiếp hẹp, hiện thực đề tài, v.v...
1.1.2.2. Ngôn ngữ
Ở Việt Nam, khái niệm ngôn ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến.
Chúng tôi xin trích dẫn định nghĩa ngôn ngữ của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện
Giáp: “Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện
giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng
người; ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt
truyền thống văn hóa - lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác” [18; tr.28].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Giáp cũng khẳng định ngôn ngữ là một
hiện tượng xã hội, bản chất ngôn ngữ thể hiện ở một số điểm: Ngôn ngữ là
phương tiện giao tiếp; ngôn ngữ thể hiện ý thức xã hội; ngôn ngữ tồn tại và phát
triển gắn liền với xã hội và ngôn ngữ có khả năng hình thành văn hóa và là một
bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa; khả năng giao tiếp của con người tùy
thuộc vào kiến thức ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp và kiến thức văn hóa.
Như vậy, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu đặc biệt, là phương tiện cơ
bản và quan trọng nhất của việc giao tiếp giữa các thành viên trong cộng đồng
người, đồng thời cũng là phương tiện để biểu đạt và phát triển tư duy. Đó là
một hệ thống tồn tại trước hết không phải cho từng cá nhân mà cho một cộng
đồng xã hội nhất định, gắn chặt với một cộng đồng loài người trong quá trình
xuất hiện và phát triển nên ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội.
12


Ngôn ngữ trong giao tiếp có thể là ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
Ngôn ngữ nói sử dụng tổng hợp âm thanh, ngữ điệu, cao độ, trường độ, nhịp
điệu, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ nên sinh động, biểu cảm trực quan… Ngôn ngữ
viết sử dụng hệ thống chữ viết, không có các yếu tố âm thanh, ngữ điệu, cao

độ, nhịp điệu… nên không bị hạn chế về không gian thời gian nhưng hạn chế
về biểu cảm trực quan…
Ngôn ngữ nói ít có điều kiện trau dồi, gọt giũa câu chữ. Ngược lại,
ngôn ngữ viết có điều kiện chuẩn bị, chọn lọc, trau chuốt câu chữ nên ngôn
ngữ viết thường chính xác, chuẩn mực hơn ngôn ngữ nói.
Ngôn ngữ ở dạng nói thường dùng khẩu ngữ tự nhiên, các yếu tố đưa đẩy,
tỉnh lược… hoặc biến âm theo vùng miền. Ngôn ngữ ở dạng viết thường dùng
ngôn ngữ gọt giũa, chính xác, chuẩn mực, ít có các biến âm theo vùng miền.
Theo các hình thức giao tiếp khác nhau sẽ có các cách thức giao tiếp
phù hợp.
1.1.2.3. Diễn ngôn
Diễn ngôn, hiểu cách tổng quát là thực tiễn giao tiếp của con người
trong xã hội. Hoạt động diễn ngôn xã hội thể hiện một trạng thái ngôn ngữ,
tri thức, quyền lực trong xã hội của diễn ngôn đó mà các cá nhân đều phụ
thuộc vào.
Diễn ngôn được hiểu là cách nói năng, phương thức biểu đạt về con
người, thế giới, về các sự việc trong đời sống. Chức năng của diễn ngôn là
kiến tạo bức tranh thế giới bằng ngôn ngữ, gọi tên các sự vật, hiện tượng.
Diễn ngôn là hiện tượng giao tiếp vì thế nó là tiếng nói của một chủ thể
quyền lực trong xã hội ấy. Các chủ thể diễn ngôn do địa vị khác nhau mà có
trật tự diễn ngôn khác nhau. Diễn ngôn là hiện tượng siêu văn bản, liên văn
bản. Diễn ngôn là hiện tượng xã hội, có tính chỉnh thể, tính liên tục, tính
thống nhất, tính hệ thống.
13


1.2. Lí thuyết hội thoại
1.2.1. Khái niệm hội thoại
Có nhiều quan niệm về hội thoại, trong phạm vi luận văn này, chúng tôi
theo quan điểm của tác giả Đỗ Hữu Châu. Theo đó, “hội thoại là hình thức giao

tiếp thường xuyên, phổ biến của ngôn ngữ và cũng là hình thức cơ sở của mọi
hoạt động ngôn ngữ khác”. [10, tr.201]
Một cuộc thoại gồm ba vận động là sự trao lời, sự trao đáp và sự
tương tác.
Sự trao lời: Sự trao lời hay còn gọi là lời trao. Đây là vận động người nói
hướng lời nói của mình về phía người nhận (người nghe).
Trong trao lời, sự có mặt của người nói là điều tất yếu. Sự có mặt đó thể
hiện ở từ xưng hô ngôi thứ nhất, ở tình cảm, thái độ, hiểu biết, quan điểm của
người nói trong nội dung của lượt lời trao. Để làm cho hoạt động trao lời thêm
kết quả, ngoài hình thức ngôn ngữ, người nói cũng có thể dùng điệu bộ, cử chỉ
làm những dấu hiệu bổ sung cho lời nói, đánh dấu sự có mặt của mình trong
lượt lời được nói ra.
Ngược lại với người nói, người nhận có thể có mặt một cách tường minh
và cũng có thể có mặt một cách hàm ẩn.
Sự trao đáp: Là quá trình người nghe chuyển thành vai người phát, đáp
lại lượt lời của người đáp.
Sự tương tác: Sự thay đổi luân phiên vai người phát - nhận giữa các thoại
nhân làm nên hoạt động trao đáp trong hội thoại. Qua đó các thoại nhân tác
động lẫn nhau và làm thay đổi nhau. Sự tương tác chính là tác động qua lại lẫn
nhau của các nhân vật tham gia giao tiếp.
Như vậy, ba vận động: sự trao lời, sự trao đáp và sự tương tác là ba
vận động đặc trưng cho một cuộc hội thoại. Những quy tắc, cấu trúc và chức
năng trong hội thoại đều bắt nguồn từ ba vận động trên, đặc biệt là vận động
tương tác.

14


1.2.2. Các đơn vị hội thoại
Các đơn vị cấu trúc hội thoại gồm: cuộc thoại, đoạn thoại, cặp thoại,

tham thoại và hành động ngôn ngữ.
Cuộc thoại: Cuộc thoại là đơn vị hội thoại lớn nhất. Đó là các tương tác
bằng lời tính từ khi các thoại nhân bắt đầu gặp nhau, trao đáp và kết thúc quá
trình này. Sau đây là một số ý kiến của các nhà ngữ dụng học về cuộc thoại:
C.K.Orecchioni quan niệm: “Để có một và chỉ một cuộc thoại điều kiện
cần và đủ là có một nhóm nhân vật có thể thay đổi nhưng không đứt quãng
trong một khung thời gian, không gian có thể thay đổi nhưng không đứt
quãng, nói về một vấn đề có thể thay đổi nhưng không đứt quãng” [Dẫn theo
Đỗ Hữu Châu, tr.298].
Nguyễn Đức Dân quan niệm: “Cuộc thoại đó là một lần nói chuyện trao
đổi giữa những cá nhân của ít nhất là hai trong một xã hội” [12, tr.79].
Đỗ Hữu Châu quan niệm: “Cuộc thoại hay còn gọi là cuộc tương tác là
đơn vị hội thoại bao trùm lớn nhất” [10, tr.312].
Từ các ý kiến về cuộc thoại nói trên, chúng tôi cho rằng để có một cuộc
thoại cần có những nhân tố:
- Sự thống nhất về thoại nhân: Các nhân vật tham gia cuộc thoại ít nhất
là hai người hoặc có thể là ba người, cũng có thể là đám đông. Khi thoại nhân
thay đổi thì cuộc thoại thay đổi.
- Sự thống nhất về thoại trường: Nghĩa là sự thống nhất về thời gian và
không gian. Không gian mà chúng tôi đề cập để khảo sát là không gian ở chùa.
- Sự thống nhất về chủ đề: chủ đề là nội dung toàn bộ cuộc thoại. Cuộc
thoại được làm nên bởi những tham thoại khác nhau, có độ dài ngắn khác nhau,
nhưng phần lớn phải thống nhất về chủ đề.
Ngoài ba nhân tố trên, thông thường trên bề mặt hình thức còn có phần
mở thoại, thân thoại, kết thoại. Nhưng trong thực tế nghiên cứu, không phải bất
cứ cuộc thoại nào diễn ra cũng có đầy đủ ba phần như thế.
15


Đoạn thoại: Đoạn thoại là đơn vị nhỏ hơn cuộc thoại. Ranh giới giữa

cuộc thoại và đoạn thoại không phải bao giờ cũng rõ ràng. Có thể hiểu “Đoạn
thoại là một mảng diễn ngôn do một số cặp trao - đáp liên kết với nhau chặt chẽ
về ý nghĩa và về ngữ dụng. Về ý nghĩa: đó là sự liên kết về chủ đề. Về mục đích
ngữ dụng: tính duy nhất về đích” [35, tr.229].
Căn cứ vào chức năng có các đoạn thoại sau:
- Đoạn thoại mở đầu: Đoạn mở thoại thường có tính công thức, mang
tính đưa đẩy, nhằm mục đích tạo lập quan hệ là cơ bản. Nhìn chung, đoạn thoại
mở đầu phần lớn được nghi thức hóa và lệ thuộc nhiều vào các yếu tố như: hoàn
cảnh giao tiếp, sự hiểu biết về nhau giữa các nhân vật giao tiếp, mục đích giao
tiếp cũng như tính chất, nội dung của cuộc thoại.
- Đoạn thoại thân thoại: Đoạn thoại thân thoại thường có dung lượng lớn
và cấu trúc phức tạp có thể chỉ một đoạn thoại nhưng có thể có một số đoạn
thoại. Mỗi đoạn thoại có sự thống nhất về chủ đề, phạm vi hiện thực. Tuy nhiên,
trong một cuộc thoại có nhiều đoạn thoại, thì mỗi đoạn thoại có thể có những
chủ đề nhỏ, phản ánh những mặt, những khía cạnh, bình diện khác nhau nhằm
làm sáng tỏ chủ đề lớn.
- Đoạn thoại kết thoại: Giống đoạn thoại mở đầu, đoạn thoại kết thoại
thường mang tính nghi thức thường là tổng kết cuộc thoại, kết luận về một đề tài
kèm theo lời cảm ơn, lời chúc, từ biệt, xin lỗi, hứa hẹn.
Cặp thoại: Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Cặp thoại là đơn vị lưỡng thoại nhỏ
nhất của cuộc thoại do các tham thoại tạo nên” [10, tr.306]. Như vậy, trong hệ
thống cấu trúc hội thoại, cặp thoại là đơn vị lưỡng thoại nhỏ nhất nhưng chưa
phải là đơn vị cuối cùng. Nó nằm ở vị trí trung gian giữa tham thoại, đơn vị bậc
dưới và đoạn thoại, đơn vị bậc trên. Xét về mặt cấu trúc, cặp thoại ít nhất phải
do hai tham thoại tạo nên. Tham thoại thứ nhất ở lượt lời người trao gọi là tham
thoại dẫn nhập, tham thoại thứ hai ở lượt lời người đáp gọi là tham thoại hồi
đáp. Không có tham thoại hồi đáp thì không thành cặp thoại.

16



Tham thoại: Tham thoại là đơn vị đơn thoại do một cá nhân phát ra tương
đương với đơn vị câu. Tham thoại là đơn vị cơ sở tạo nên cặp thoại nhưng nó
không đồng nhất với lượt lời. Lượt lời là đơn vị chức năng mang tính hình thức
trong khi đó tham thoại là đơn vị chức năng chỉ được xác định trong cặp thoại.
Trong hệ thống cấu trúc hội thoại, nếu cặp thoại là đơn vị song thoại nhỏ nhất
thì tham thoại là đơn vị đơn thoại.
Hành động ngôn ngữ: Là đơn vị nhỏ nhất của cấu trúc hội thoại. Trong
một phát ngôn có thể có một hành động ngôn ngữ nhưng cũng có thể có một số
hành động ngôn ngữ.
1.2.3. Các qui tắc hội thoại
Để cho cuộc thoại vận động như mong muốn, những người tham gia hội
thoại phải tôn trọng các nguyên tắc hội thoại. Các nguyên tắc hội thoại thường
được các nhà nghiên cứu hội thoại đề cập đến là: nguyên tắc cộng tác, nguyên
tắc lịch sự, nguyên tắc luân phiên lượt lời, nguyên tắc thương lượng, nguyên
tắc liên kết... Chúng tôi quan tâm chủ yếu đến qui tắc cộng tác, qui tắc lịch sự
và qui tắc luân phiên lượt lời.
1.2.3.1. Qui tắc luân phiên lượt lời
Mỗi lần người nói hay người nhận nói là một lượt lời. Các lượt lời có
thể người nói và người nhận tự hiểu với nhau hoặc được điều chỉnh lẫn nhau.
Khi tham gia hội thoại, người nói và người nghe thường ý thức được sự luân
phiên lượt lời. Để cuộc thoại được tiến hành thuận lợi, mỗi thoại nhân phải
tuân thủ các quy tắc sau: vai nói và vai nghe phải thường xuyên được đổi
nhau; mỗi lần chỉ một người nói; vị trí ở đó nhiều người cùng nói một lúc có
thể diễn ra nhưng không nên quá dài; nhường lời đối thoại cho người cùng
đối thoại không nên cướp lời của người khác; không nên để hội thoại rơi vào
quãng hẫng bằng cách tiếp nối người đối thoại kịp thời; trật tự của người nói
nên thay đổi không nên cố định.
17



×