Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Rồng Việt Nam, quyền lực và vẻ đẹp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (55.23 KB, 2 trang )

Rồng Việt Nam, quyền lực và vẻ đẹp

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng), là linh vật
đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng". Dân tộc ta có truyền thuyết về con
Rồng từ rất sớm bởi nó gắn liền với mây, mưa, với việc trồng lúa nước, với sự tích "con Rồng
cháu tiên"...
Mỗi người dân Việt Nam đều mang khái niệm từ thời mở nước cha rồng mẹ tiên, với huyền sử
Hùng Vương con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hùng Vương đã dạy dân tục xăm mình hình Rồng
ở ngực, bụng và hai đùi (thái long) để không bị loài thuỷ quái xâm hại. Rồng tượng trưng cho thần
linh, mây, mưa, sấm chớp. Hình tượng Rồng còn xuất hiện trong văn hoá Đông Sơn, Âu Lạc với
những hình trang trí chữ S và tục thờ tứ pháp.
Qua thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh
"rồng bay lên" Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đem đặt cho đất
đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn luôn được tạo
trong khung cảnh của nước, của mây cuộn.
Triều Lý dựng đô, vua Thái Tông cho mở hàng quán chen chúc sát tới đền rất huyên náo. Vua thấy
đền cổ bèn sửa sang lại làm nơi thờ thần. Đến đêm, thần hiển linh nổi trận gió Bắc rất to, các nhà
bên đều đổ hết, chỉ còn đền thờ. Vua mừng nói: "Đó là thần Long Đỗ coi việc nhân gian". Hình
Rồng thời Lý được trang trí ẩn hiện trong hình lá đề, cánh sen giỡn sóng, ở bệ tượng Đức Phật
Adiđà, Quan Âm... Rồng thời Lý có thân hình tròn trặn, uốn lượn nhiều khúc, dài và nhỏ dần về
phía đuôi, có dáng dấp gần gũi với loài rắn nhưng đầu Rồng có tỷ lệ cân đối so với thân, chân nhỏ,
mảnh, thường là 3 ngón. Rồng thời Lý nhẹ nhàng, thanh thoát. Những khúc uốn hình chữ S gần
như không thể thiếu. Rồng được trang trí trong chùa tháp, cung điện có đầu ngẩng cao, mồm há
rộng giỡn ngọc, mào hình ngọn lửa hướng về phía trước, tai bờm, râu rồng vút nhỏ dần chuyển
động như bay lượn tạo nên bố cục chặt chẽ. Nhìn tổng thể, Rồng Lý tạo ra vẻ đẹp thẩm mỹ thuần
khiết, cách điệu sống động như một tuyên ngôn độc lập có giá trị đến ngày nay về mỹ thuật của
Rồng Đại Việt.
Rồng thời Trần tuy có thừa kế những yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng đã có những biến đổi về chi
tiết. Dạng tự chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai
chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân


rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng
có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như
những nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Lê thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa
mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay
vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ
tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất
hiện quan niệm tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều Rồng đứng
đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), qui (con rùa
- tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và phượng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được
đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong
cảnh lứa đôi.
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể
hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa
cúc, chầu chữ thọ... Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn.
Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ
răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt
chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Hình tượng Rồng còn huyền bí về long mạch, thuyết phong thuỷ nơi đất phát đế vương mộ táng.
Chuyện mộ táng hàm Rồng, chúa Trịnh phát tích, sách Trung Hưng Thực Lục viết: "Ông già Tống
Sơn giỏi phong thuỷ thấy Trịnh Liễu cầy ruộng lại siêng học hành, đức hạnh bèn giúp đặt mộ nơi
huyệt khí quý xứ Nanh Lợn. Đêm ấy trời đất chuyển động, mưa gió nổi to... trên mộ có vầng sáng
ánh trăng, xa trông có Rồng đen ấp lên trên. Tống Vương nói: "Rồng vàng là đế, rồng đen là
vương...". Quả nhiên, đến 4 đời sau thì nhà Trịnh phát vượng...".
Rồng tượng trưng cho sự phồn vinh và sức mạnh của dân tộc, nhanh chóng trở thành hình tượng
biểu hiện uy quyền của Nhà nước phong kiến, chỉ dùng nơi trang trọng nhất của cung vua, hay
những công trình lớn của quốc gia. Đã có thời triều đình phong kiến chạm khắc hình rồng trên nhà
cửa hay đồ dùng gia đình. Nhưng sức sống của con Rồng còn dẻo dai hơn khi nó vượt ra khỏi
kinh thành, đến với làng quê dân dã. Nó leo lên đình làng, ẩn mình trên các bình gốm, cột đình,

cuộn tròn trong lòng bát đĩa hay trở thành người gác cổng chùa. Rồng còn có mặt trong những
bức tranh hiện đại phương Đông, biểu hiện một mối giao hòa giữa nền văn hóa xa xưa bằng
những ý tưởng mới mẻ kỳ lạ. Rồi con Rồng lại trở về với niềm vui dân dã trên chiếc bánh trung thu
của mọi nhà.
Quả thật, hình tượng Rồng rất thân thiết trong tâm thức người dân Việt Nam. Các triều đại vua
chúa xưa đưa múa Rồng truyền thống trở thành loại hình múa nghệ thuật (múa tứ linh Lê-Trịnh).
Rồng trong đời sống dân gian được thể hiện rất phong phú: có múa Rồng trên sân đình trong lễ
hội, trò chơi trẻ con Rồng rắn lên mây, hình ảnh Rồng xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ...
Trên đất nước cũng có nhiều địa danh tên Rồng như: Vịnh Hạ Long, cầu Hàm Rồng, sông Cửu
Long...
Hiện nay, hình tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được
đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật... Dù ở bất cứ thời
điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.

×