Tải bản đầy đủ (.docx) (115 trang)

Tín ngưỡng thờ ngô quyền ở thành phố hải phòng luận văn ths lịch sử văn hóa việt nam (chuyên ngành đào tạo thí điểm)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.26 MB, 115 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

------



------

PHÙNG NGỌC TRUNG

TÍN NGƢỠNG THỜ NGÔ QUYỀN


THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Hà Nội - 2018


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

------



------

PHÙNG NGỌC TRUNG



TÍN NGƢỠNG THỜ NGÔ QUYỀN


THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Chuyên ngành: Lịch sử văn hóa Việt Nam
Mã số: Thí điểm

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Hoài Phƣơng

Hà Nội - 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan: Luận văn này là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi,
được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Hoài Phương.
Các số liệu, những đánh giá, phân tích, nhận xét, nghiên cứu được trình bày
trong luận văn này là hoàn toàn trung thực và khách quan, chưa từng được công bố
dưới bất cứ hình thức nào.
Tôi xin chịu trách nhiệm về nghiên cứu của mình.
Học viên

Phùng Ngọc Trung


LỜI CẢM ƠN
Tôi sẽ không thể nào tự mình hoàn thành được luận văn thạc sĩ một cách

hoàn chỉnh nếu như không có sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, sự giúp đỡ và
hỗ trợ hết mình của bạn bè, đồng nghiệp.
Thành quả này, tôi xin phép được gửi lời biết ơn chân thành tới TS. Nguyễn
Thị Hoài Phương, người thầy đáng kính đã luôn động viên, khích lệ và tạo mọi điều
kiện để tôi hoàn thành luận văn. Trong quá trình thực hiện, dù tôi có nhiều hạn chế
nhưng cô vẫn luôn kiên nhẫn chỉ bảo, giúp tôi có thêm động lực để đi đến cùng con
đường nghiên cứu của mình.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô trong khoa Lịch sử –
Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội). Các thầy cô đã tận tình
truyền đạt những kiến thức quý báu cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi
trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn các anh/chị, các bạn đồng nghiệp và
gia đình đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn
thành luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Học viên

Phùng Ngọc Trung


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................
1.

Lý do chọn đề tài ..........................................................................

2.

Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................


3. Mục đích nghiên cứu ...........................................................................................
4.

Đối tượng, phạm vi, nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu ..

5.

Đóng góp của luận văn ...............................................................

6.

Bố cục của luận văn ....................................................................

CHƢƠNG 1: NGÔ QUYỀN VÀ SỰ HÌNH THÀNH TÍN NGƢỠNG THỜ
NGÔ QUYỀN Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ....................................................
1.1. Ngô Quyền và vị trí, vai trò với vùng đất Hải Phòng ...................................
1.1.1. Thân thế của Ngô Quyền .............................................................................
1.1.2. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 ................................................................
1.1.3. Ý nghĩa chiến thắng Bạch Đằng và vai trò của Ngô Quyền ........................
1.2. Truyền thuyết, thần tích và thần sắc về Ngô Quyền ở thành phố Hải
Phòng. .......................................................................................................................
1.2.1. Truyền thuyết về Ngô Quyền ........................................................................
1.2.2. Thần tích về Ngô Quyền ..............................................................................
1.2.3. Thần sắc cho Ngô Quyền .............................................................................
1.3. Sự hình thành tín ngƣỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng ............
1.3.1. Cơ sở hình thành ..........................................................................................
1.3.2. Thời điểm hình thành ...................................................................................
Tiểu kết chƣơng 1 ....................................................................................................
CHƢƠNG 2. THỰC TRẠNG TÍN NGƢỠNG THỜ NGÔ QUYỀN Ở THÀNH
PHỐ HẢI PHÒNG ..................................................................................................

2.1. Không gian thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng ....................................
2.1.1. Các làng thờ Ngô Quyền .............................................................................
2.1.2. Sự mở rộng tín ngưỡng thờ Ngô Quyền .......................................................
2.1.3. Sự thu hẹp tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ........................................................
2.2. Hoạt động thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng ........................................................
1


2.2.1. Các ngày lễ kỷ niệm Ngô Quyền.................................................................................. 45
2.2.3. Vị trí của Ngô Quyền trong thần điện........................................................................ 48
2.3. Việc phụng thờ các vị tƣớng của Ngô Quyền............................................................ 55
Tiểu kết chƣơng 2............................................................................................................................ 57
CHƢƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍN NGƢỠNG THỜ NGÔ
QUYỀN Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG.............................................................................. 58
3.1. Đặc điểm tín ngƣỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng........................58
3.1.1. Số lượng làng xã và di tích thờ Ngô Quyền nhiều nhất...................................... 58
3.1.2. Mang đặc trưng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng..................................... 59
3.1.3. Hoạt động thờ tự riêng lẻ................................................................................................ 62
3.1.4. Thờ/ phối thờ các vị tướng liên quan tới Ngô Quyền........................................... 64
3.2. Giá trị của tín ngƣỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng.....................66
3.2.1. Giá trị lịch sử, giáo dục................................................................................................... 66
3.2.2. Giá trị cố kết cộng đồng.................................................................................................. 67
3.2.3. Giá trị tín ngưỡng, tâm linh........................................................................................... 69
Tiểu kết chƣơng 3............................................................................................................................ 70
KẾT LUẬN......................................................................................................................................... 72
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................................................ 75
PHỤ LỤC............................................................................................................................................. 79

2



DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

UBND: Ủy ban nhân dân
HĐND: Hội đồng nhân dân
TBKT: Trưởng ban khánh tiết
PBKT: Phó ban khánh tiết
P.: Phường
Q.: Quận
PGS.: Phó giáo sư
GS. : Giáo sư

3


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi cho việc tiếp xúc và giao
lưu văn hóa khu vực và thế giới, chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn là Trung
Hoa và Ấn Độ, thêm vào đó người Việt có bản tính cởi mở, khoan dung, không kỳ
thị, khép kín nên đã tiếp nhận nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau tạo
nên một nước Việt Nam có nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng cùng tồn tại. Các
tôn giáo, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, đặc trưng văn hóa, đời
sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, có ảnh hưởng lớn đến đời sống, nếp nghĩ
và văn hóa của cả cộng đồng. Đặc biệt, trong đời sống xã hội “phú quý sinh lễ
nghĩa” hiện nay, tôn giáo, tín ngưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống
của người Việt.
Trong các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam thì tín ngưỡng thờ danh nhân, anh
hùng dân tộc là một trong những đặc trưng tiêu biểu. Tín ngưỡng thờ danh nhân và
anh hùng dân tộc có thể xuất hiện từ thời kỳ chiến tranh giữa các bộ lạc và phát

triển mạnh mẽ trong thời kỳ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trong đó có
các vị anh hùng dân tộc tiêu biểu được tôn thờ như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý
Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Người Việt tôn thờ các vị anh hùng thể hiện lòng
nhớ ơn công lao của các vị và muốn noi gương các đức tính đặc biệt của các vị ấy.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển cùng lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ danh
nhân, anh hùng đã được bồi đắp, phát triển, tích hợp với các loại hình tín ngưỡng,
tôn giáo khác tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.
Ngô Quyền là một vị vua, vị anh hùng dân tộc, ông sinh năm 898 tại thôn
Cam Lâm, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông là vị vua sáng lập nhà Ngô –
triều đại đầu tiên đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của Việt Nam sau hơn 1000
năm Bắc thuộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với chiến công lừng lẫy
trên sông Bạch Đằng năm 938, đánh bại quân xâm lược Nam Hán, chấm dứt hơn
1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự do lâu dài của dân tộc. Với công lao
đó, ông được tôn vinh là vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc và được nhiều nơi
tôn thờ trong đó có Đường Lâm, Hưng Yên, Hải Phòng.
4


Hải Phòng là thành phố có nhiều làng xã thờ Ngô Quyền nhất cả nước. Qua
khảo cứu chúng tôi nhận thấy ở Hải Phòng hiện nay có 28 làng xã và 1 danh thắng
thờ Ngô Quyền tại 36 công trình thờ và trong quá khứ có thể đã có 37 làng xã thờ
Ngô Quyền cả ở nội thành và ngoại thành, tập trung ở lưu vực sông Bạch Đằng như
Gia Viên, Lương Xâm, Đông Khê… Tuy nhiên, đến nay, tín ngưỡng thờ Ngô Quyền
ở thành phố Hải Phòng chưa được khảo cứu, phân tích cụ thể để thấy sự biến động
và vai trò của tín ngưỡng đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Hải
Phòng. Từ thực tế đó, tôi chọn đề tài “Tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải
Phòng” làm đề tài luận văn thạc sỹ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Các tư liệu, thư tịch cổ chép về Ngô Quyền (nhân vật nghiên cứu) có thể kể
như Việt sử lược, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký

toàn thư . Ngoài ra có các nghiên cứu về Ngô Quyền như Danh tướng Việt Nam
(Nguyễn Khắc Thuần), Ngô Quyền: truyện lịch sử (Nguyễn Anh), Kỷ yếu hội thảo
chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã khắc họa thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền
– vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam và vai trò, vị trí của ông trong lịch sử dân
tộc nói chung và tín ngưỡng ngưỡng nói riêng
Với những nghiên cứu về thành phố Hải Phòng (không gian nghiên cứu), đầu
tiên phải kể đến các công trình nghiên cứu về thành phố Hải Phòng như Thành phố
hoa phượng đỏ (Trần Quang Liêm, Nguyễn Viết Lãm, Trịnh Minh Hiên), Quá trình
hình thành, phát triển thành phố và đặc tính của người Hải Phòng (Ban Nghiên cứu
Lịch sử Hải Phòng), Hải Phòng bước ngoặt lịch sử đầu thế kỷ XX (Ban Nghiên cứu
Lịch sử Đảng Thành ủy Hải Phòng), Địa chí Hải Phòng (Hội đồng Lịch sử thành
phố Hải Phòng) và Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng (Hội đồng Nghiên cứu
Lịch sử Hải Phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Thành phố Hải
Phòng 1888-1945 (Nguyễn Thị Hoài Phương), đã cung cấp cho tác giả những hiểu
biết cơ bản về đặc điểm thành phố Hải Phòng từ lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội, quá trình hình thành phát triển thành phố và đặc tính con người Hải Phòng.
Tiếp theo là các công trình nghiên cứu đại cương về lịch sử, văn hóa, tín
ngưỡng: Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Văn hóa Việt Nam truyền
5


thống – một góc nhìn (Nguyễn Thừa Hỷ) đã cung cấp tư liệu tổng quát về tín
ngưỡng thờ cúng của người Việt trong đó có tín ngưỡng thờ Thành hoàng là một
hiện tượng của sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa với Trung Quốc từ thời Bắc thuộc,
sau này được các triều đại phong kiến độc lập tôn lên và sử dụng như một công cụ
quản lý gián tiếp của chính quyền trung ương với làng xã.
Cùng với đó là hệ thống tài liệu viết về tín ngưỡng như: Tín ngưỡng Thành
hoàng Việt Nam (Nguyễn Duy Hinh) nói sâu về nguồn gốc, quan niệm, đặc điểm,
tục thờ cũng như một số vị Thành hoàng trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở nước
ta, chủ yếu ở Bắc Bộ. Hay Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (GS. Ngô

Đức Thịnh) thì nghiên cứu về vấn đề nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, nghi lễ và lễ
hội của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng chủ yếu tại Bắc Bộ. Trong cuốn Thần,
người và đất Việt (Tạ Chí Đại Trường) đã đưa ra lịch sử đại cương về thần linh đất
Việt trong đó nhìn nhận tín ngưỡng Thành hoàng là một sự áp đặt của chính quyền
trung ương lên làng xã, chồng chéo lên những tín ngưỡng thờ cúng của làng xã
trước đây. Đưa ra những giai đoạn chuyển tiếp và những chuyển hóa trong tín
ngưỡng thờ cúng các vị thần ở Việt Nam, rằng Thành hoàng làng thực chất là vỏ bọc
Nho giáo mà làng xã mặc cho vị thần làng của họ.
Bên cạnh đó những nguồn tài liệu liên quan tới tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở
thành phố Hải Phòng cũng ít ỏi. Trong Chiến thắng Bạch Đằng 938 và 1288, nhóm
tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc đã đưa ra những dẫn
chứng, lập luận về hoạt động của Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng năm
938 đã khẳng định vai trò, vị trí của vị chủ thần Ngô Quyền với vùng đất Hải

Phòng. Trong bài nghiên cứu Phải chăng Gia Viên là làng gốc của Hải Phòng, các
tác giả Nguyễn Quang Ngọc, Đặng Thị Vân Chi đã bước đầu đưa ra kết luận “Ngô
Quyền là chủ thần làng Gia Viên, sau đó mở rộng ra vùng đất cảng”. Ngoài ra,
chúng ta chỉ có thể bắt gặp những bài viết, những tư liệu về tiểu sử (thân thế, sự
nghiệp) của các vị Thành hoàng nơi đây; những tài liệu giới thiệu khái quát về di
tích, lễ hội liên quan đến Thành hoàng làng tại xã như: Lễ hội truyền thống tiêu biểu
Hải Phòng (Trịnh Minh Hiên) đã thống kê các lễ hội trong năm ở Hải Phòng trong
đó dẫn ra lễ hội ở đình Hàng Kênh: mô tả khái lược lễ hội tưởng nhớ Ngô Quyền,
6


trích dẫn Tự Đức sắc phong, truyền thuyết, tục lệ các làng nghĩa binh thần tử. Trong
Hải Phòng Thành hoàng và lễ phẩm (Ngô Đăng Lợi) có nhắc tới một số làng thờ
Ngô Quyền và tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở làng Gia Viên, làng Lương Xâm, làng
Xâm Bồ…. Trong Thành hoàng làng Hải Phòng (Nguyễn Đức Giang, Trịnh Minh
Hiên) đã tập hợp 203 đình làng tiêu biểu ở Hải Phòng, giới thiệu công trạng các vị

Thành hoàng làng được nhân dân thờ phụng, thời gian và các nghi thức tổ chức lễ
hội tại đình làng, trong đó chỉ ra rằng Ngô Quyền được thờ cúng rộng rãi ở các làng
trong nội thành Hải Phòng.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hương trong luận văn thạc sỹ văn hóa học với đề tài
Việc phùng thờ Ngô Quyền ở phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng
đã tổng hợp, trình bày nguồn gốc, đặc điểm, tình hình phát triển và giá trị, ý nghĩa
của việc phụng thờ Ngô Quyền ở hai xã Lương Xâm và Xâm Bồ xưa. Tác giả kết
luận việc phụng thờ Ngô Quyền có giá trị lịch sử, giá trị tâm linh, giá trị cố kết cộng
đồng quan trọng trong đời sống cư dân ở phường Nam Hải. Tuy nhiên, luận văn mới
chỉ tập trung vào một phường mà chưa đặt trong không gian thờ Ngô Quyền ở thành
phố Hải Phòng.
Từ những nghiên cứu sơ bộ các kết quả của những tác giả đi trước, cho đến
nay thấy rằng vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về biến
đổi tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng. Những tư liệu trên sẽ là
những tư liệu bước đầu giúp cho tác giả tham khảo, kế thừa, tiếp thu và phát triển đề
tài của mình.
3. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu về sự hình thành và biến đổi
của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng, từ đó bước đầu nhận xét về
vai trò, vị trí của tín ngưỡng này trong đời sống văn hóa, tâm linh của cư dân thành
phố Hải Phòng từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Để làm được mục đích này thì cần thực
hiện những nhiệm vụ sau:
- Khái quát về đô thị Hải Phòng trên những khía cạnh lịch sử, địa lý, dân cư,
kinh tế, văn hóa để thấy được môi trường địa văn hóa hình thành nên tín ngưỡng

7


- Trình bày thân thế sự nghiệp của Ngô Quyền, vai trò của ông trong lịch sử

Việt Nam nói chung và lịch sử thành phố Hải Phòng để có một cái nhìn rõ nhất về
nhân vật trung tâm của tín ngưỡng
- Khảo cứu hệ thống tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng, tín
ngưỡng thờ những vị thần liên quan đến Ngô Quyền và tín ngưỡng thờ Lê Chân,
qua đó đặt tín ngưỡng thờ Ngô Quyền trong sự đối sánh để thấy được vị trí của tín
ngưỡng đối với người dân thành phố Hải Phòng
4. Đối tƣợng, phạm vi, nguồn tƣ liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
Luận văn Tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng tập trung
nghiên cứu về nguồn gốc, sự phát triển, những biến đổi và vai trò đối của tín
ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng
4.2. Phạm vi nghiên cứu:
4.2.1. Không gian: Luận văn tập trung khảo sát, nghiên cứu ở các quận nội
thành của thành phố Hải Phòng (Dương Kinh, Đồ Sơn, Hải An, Hồng Bàng, Kiến
An, Ngô Quyền, Lê Chân). Song, cũng có những nội dung nghiên cứu, để đảm bảo
tính toàn diện cũng như cái nhìn tổng thể, luận văn có thể mở rộng không gian
nghiên cứu tới một số quận, huyện, tỉnh xung quanh
4.2.2. Thời gian: Luận văn tập trung chủ yếu vào việc mô tả tín ngưỡng thờ
Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng từ năm 1853 (năm Vua Tự Đức sắc phong cho
17 làng xã ở Hài Phòng thời Ngô Quyền) cho đến hiện nay. Nhưng để đảm bảo tính
liên tục cũng như tổng thể, luận văn có những nội dung mở rộng về phía trước (như
năm 938 đánh dấu việc Ngô Quyền lập chiến công trên sông Bạch Đằng) hoặc sau
(dự đoán xu hướng phát triển trong thời gian tới).
4.3. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
Đề tài Tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng là một đề tài rộng,
nguồn tư liệu rất đa dạng được chia làm ba loại tư liệu chính:
Thứ nhất là nguồn tư liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử
thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) cùng các tư liệu thành văn như
Việt Nam Quốc sử khảo (Phan Bội Châu), Kỷ yếu hội thảo chiến thắng Bạch Đằng
8



năm 938, Chiến thắng Bạch Đằng 938 và 1288 (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn,
Nguyễn Quang Ngọc), luận án Tiến sĩ Thành phố Hải Phòng 1888-1945 (Nguyễn
Thị Hoài Phương) đã cung cấp cho tác giả những thông tin về lịch sử vùng đất Hải
Phòng, về Ngô Quyền và trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là cơ sở tiền đề
cho sự hình thành tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng.
Thứ hai là nguồn tư liệu thần tích, thần sắc của các triều đại phong kiến ban
cho các làng xã thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng được lưu trữ tại Bảo tàng
thành phố Hải Phòng, viện nghiên cứu Hán Nôm và tại các công trình thờ Ngô
Quyền ở thành phố Hải Phòng đã cung cấp cho tác giả những thông tin về vai trò
của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền đối với các triều đại phong kiến, sự công nhận và
can thiệp của các triều đại phong kiến tới đời sống văn hóa, chính trị của các làng xã
và truyền thống của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng.
Thứ ba là nguồn tư liệu khảo sát là một phần quan trọng nhất trong luận văn.
Nguồn tư liệu khảo sát thực tế tại các làng xã thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải
Phòng cung cấp cho tác giả về sự biến đổi, hiện trạng và cách thức thực hành tín
ngưỡng thờ Ngô Quyền của các làng ở thành phố Hải Phòng và vị trí, vai trò của tín
ngưỡng đối với đời sống văn hóa của một bộ phân cư dân thành phố Cảng.
Với nguồn tư liệu phong phú và đa dạng nên đề tài cần sử dụng hiệu quả
phương pháp lịch sử, phương pháp logic để khai thác triệt để những tư liệu gốc (như
tài liệu lưu trữ, tư liệu Hán Nôm) kết hợp với việc phân tích, đối chiếu, so sánh, bổ
sung, phỏng vấn, kiểm chứng những tư liệu thành văn khác để tìm ra những thông
tin sát thực nhất.
Việc nghiên cứu phân tích, bóc tách vấn đề theo chiều sâu luôn đặt bên cạnh
sự tổng hợp, mở rộng vấn đề theo chiều rộng để có được cái nhìn sâu sắc và toàn
diện về đề tài nghiên cứu. Với những nguồn tư liệu dạng Hán Nôm, hồ sơ lưu trữ,
hồ sơ di tích..., qua đó rút ra những kết luận khách quan, chân thực. Ngoài ra, việc
phân loại, đối chiếu, so sánh các thông tin, kiểm chứng các nguồn tư liệu luôn là
môt yêu cầu cần thiết, được tác giả thận trọng khi sử dụng.

Cuối cùng, phương pháp điều tra khảo sát tại thực địa là một việc thực sự cần
thiết, không chỉ với những vấn đề thiếu hoặc không có tư liệu mà còn là một cơ hội
9


để tác giả hiểu rõ đối tượng nghiên cứu của mình hơn. Dù không gian nghiên cứu chính
của luận án là nội thành của thành phố Hải Phòng, song việc khảo sát được thực hiện
mở rộng ở các quận lân cận với mục đích đặt đối tượng nghiên cứu trong một không
gian chỉnh thể, trong mối liên hệ với các không gian văn hóa xung quanh.

5. Đóng góp của luận văn
- Luận văn tập trung tìm hiểu về hệ thống tín ngưỡng thờ cúng thần linh ở
làng xã (từ nguồn gốc, mục đích, đến ý nghĩa, vai trò của tín ngưỡng trong đời sống
văn hóa, tâm linh)
- Luận văn là công trình khảo cứu đầy đủ, toàn diện về tín ngưỡng thờ Ngô

Quyền ở thành phố Hải Phòng trên các phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa và biến
đổi, thông qua đó có cái nhìn rõ hơn về Ngô Quyền và vị trí của ông trong lịch sử
Hải Phòng nói riêng và trong văn hóa Việt Nam nói chung.
- Luận văn tập trung nghiên cứu tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thời điểm hiện

tại, đặt nó trong sự đối sánh với quá khứ so sánh với những tín ngưỡng thờ thần
khác ở thành phố Hải Phòng để thấy được sự biến đổi trong lựa chọn và tâm thức
của người Việt trong giai đoạn hiện nay.
6. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, bố cục luận văn được
chia thành 3 chương như sau
Chương 1: Ngô Quyền và sự hình thành tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành
phố Hải Phòng

Chương 2: Thực trạng tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng
Chương 3: Đặc điểm và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố
Hải Phòng

10


CHƢƠNG 1: NGÔ QUYỀN VÀ SỰ HÌNH THÀNH TÍN NGƢỠNG THỜ
NGÔ QUYỀN Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

1.1. Ngô Quyền và vị trí, vai trò với vùng đất Hải Phòng
1.1.1. Thân thế của Ngô Quyền
Ngô Quyền người làng Đường Lâm (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội [12,
tr.203], ông sinh ra trong gia đình quý tộc có truyền thống yêu nước chống giặc, tương
truyền, ông tổ bốn đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, người từng chiêu mộ hàng trăm
thủ hạ theo Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp của Lý Bí chống quân Lương [33,
tr.28]. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, làm châu mục châu Đường Lâm.

Ngô Quyền sinh năm 898. Theo sử cũ mô tả, ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là
người trí dũng song toàn, “khi Vua mới sinh có ánh sang lạ đầy nhà, trang mạo
khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một
phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp,
dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc.” [12, tr.204]. Ngô
Quyền sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động: đầu thế kỉ thứ X
(SCN), nhà Đường (618 – 907) rơi vào giai đoạn suy thoái trầm trọng, nhân cơ hội
đó, năm 905, hào trưởng người Việt ở Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ giành quyền tự
chủ cho người Việt, xưng là Tiết độ sứ, đặt nền móng cho thời kỳ độc lập, tự chủ.
Năm 907, Khúc Thừa Dụ qua đời, con ông là Khúc Hạo nối nghiệp, và sau đó là
Khúc Thừa Mỹ cũng tự xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục công cuộc xây dựng nền tự chủ.
Công cuộc xây dựng nền tự chủ thì đến năm 930, Vua Nam Hán là Lưu Cung sai

quân sang chiếm Giao Châu, Khúc Thừa Mỹ thua, bị bắt đem về Quảng Châu. Với
vận nước đang lên, Ngô Quyền đã tiếp nối chí khí của cha ông, đứng ra tập hợp lực
lượng và dần dần có thế lực lớn ở vùng Đường Lâm [33, tr.28]. Năm 931, Ngô
Quyền làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ (Tiết độ sứ người Việt), được Dương
Đình Nghệ gả con gái và cho quyền quản Ái Châu [12, tr.204]. Ngô Quyền trưởng
thành trong những năm đất nước vươn lên mạnh mẽ, khẳng định quyền tự chủ, kiên
quyết giành và giữ độc lập dân tộc. Ông sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất và trở thành
một vị tướng nổi tiếng được nhân dân kính mến, quân sĩ khâm phục. Tài năng và
11


danh tiếng của Ngô Quyền không chỉ lẫy lừng khắp nước, mà cả đến triều đình Nam
Hán cũng phải thừa nhận ông là “người kiệt hiệt” không thể coi thường [33, tr.29].
1.1.2. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một nha tướng là Kiều Công Tiễn giết để
thay chức. Cuối năm đó, Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu đánh Công Tiễn. Công
Tiễn cầu cứu vua Nam Hán, nhân cơ hội đó, vua Nam Hán là Lưu Cung phong cho
con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đổi tước phong là
Giao Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn [12, tr.203].
Được tin quân Nam Hán chuẩn bị kéo quân sang xâm lược, Ngô Quyền tổ
chức kế hoạch kháng chiến. Việc đầu tiên là tiêu diệt nội phản bên trong, Ngô
Quyền đem quân vây thành Đại La, bắt được Kiều Công Tiễn và giết đi. Dự đoán
đường tiến quân của quân Nam Hán sẽ phải đi vào cửa sông Bạch Đằng, Ngô
Quyền bảo với các tướng tá rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa
đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội
ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá
được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được
thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm
trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hang cọc thì
sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát” [12, tr.203].

Hải Phòng ở đầu thế kỉ thứ X là một vùng đất thuộc tỉnh Hải Dương, là nơi
có liên quan trực tiếp đến trận chiến Bạch Đằng năm 938. Hải Phòng là môt vùng
đất hình thành tương đối muộn, địa hình Hải Phòng có lịch sử hình thành khá đặc
biệt, đó là sự kết hợp giữa đồi núi, đồng bằng, biển và lục địa. Hệ thống núi là kết
quả của thời kỳ tạo núi cách ngày nay khoảng 200 triệu năm tạo nên dãy núi đá xen
kẽ với núi đồi đất chạy dọc ra biển như núi Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên) chạy
song song trên sông Bạch Đằng, dãy núi đảo Cát Bà, núi Voi (huyện Kiến An). Hệ
thống núi xen kẽ trùng điệp tạo ra những bức tường phòng thủ, bảo vệ tổ quốc. Ở
khu vực nội thành Hải Phòng mang đặc trưng của địa hình đồng bằng thấp ven biển
với lịch sử kiến tạo gắn liền với hoạt động tích tụ của các dòng sông và quá trình
khai phá của con người với tốc độ lấn biển ở vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ đạt
12


khoảng 100m/năm, vùng đồng bằng Hải Phòng là sản phẩm trực tiếp của quá trình
bồi đắp phù sa từ hệ thống sông Thái Bình mà trực tiếp là các con sông nhánh cấp 2,
cấp 3 của nó như sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray… Hoạt động của
biển (tiến và thoái) cùng với sự bồi đắp của các dòng sông đóng vai trò quyết định
trong việc hình thành vùng đồng bằng thấp ven biển của Hải Phòng bao gồm cả
phần nội thành thành phố Hải Phòng [36, tr.23].
Hải Phòng có hệ thống sông ngòi lớn chia ra làm ba loại là hệ thống sông chính,
hệ thống sông nhánh và hệ thống kênh rạch, hồ ao. Các sông chính của Hải Phòng là
nhánh cấp 1, cấp 2 của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình với hướng chảy chủ yếu
là Tây Bắc - Đông Nam gồm có sông Bạch Đằng, sông, Cấm, sông Lạch Tray, sông
Văn Úc, sông Thái Bình và sông Luộc. Hệ thống sông nhánh gồm sông Hóa, sông Mới,
sông Mía, sông Tam Bạc cùng với hệ kênh rạch hồ ao góp phần tạo thành vùng đất Hải
Phòng. Mạng lưới sông ngòi chằng chịt tạo lên liên kết thống nhất không chỉ mang giá
trị kinh tế: cung cấp phù sa cho nông nghiệp, cung cấp hải sản, cho phép thuyền bè đi
lại thông thương trong vùng một cách thuận tiện… mà còn mang giá trị quốc phòng
quan trọng: những trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng gắn liền với những vị anh

hùng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo.

Trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử hình thành vùng đất Hải Phòng, các nhà
khảo cổ học đã chứng minh được sự tồn tại và phát triển ở nơi đây một cuộc sống
phong phú của cư dân Việt cổ-như những chủ nhân đầu tiên của vùng đất này. Trên
đất Hải Phòng, các nhà khảo cổ học đã phát hiện bốn di chỉ tiêu biểu xuyên suốt
thời kỳ tiền sử, minh chứng cho sự có mặt liên tục của người Việt cổ là di chỉ Cái
Bèo (huyện Cát Hải) thuộc văn hóa tiền Hạ Long, di chỉ Tràng Kênh (huyện Thủy
Nguyên) thuộc văn hóa Phùng Nguyên, di chỉ Việt Khê (huyện Thủy Nguyên) và di
chỉ núi Voi (huyện An Lão) thuộc văn hóa Đông Sơn. Sang thời kỳ Bắc thuộc, Hải
Phòng ngày nay thuộc đất của châu Giao Chỉ, nằm ở khoảng giữa của sông Hồng và
sông Thái Bình mà học giả Đào Duy Anh đã lý giải vùng đất đó ở miền Hải Dương
[2, tr.9]. Trong thời kỳ Bắc thuộc, ở vùng nội thành Hải Phòng có thể đã xuất hiện
hai làng cổ là Gia Viên và An Biên. Làng Gia Viên có tên nôm là làng Cấm do nằm
ven sông Cấm, ở vị trí trung tâm của thành phố Hải Phòng hiện nay, các tác giả
13


Nguyễn Quang Ngọc và Đặng Thị Vân Chi đã khẳng định đây là làng gốc của thành
phố Hải Phòng. Làng An Biên cũng được coi là cái nôi của thành phố gắn liền với
sự tích nữ tướng Lê Chân. Theo truyền thuyết, bà Lê Chân là người làng An Biên,
huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bà đã cùng một số dân làng đến vùng đất ven
biển này khai hoang lập ấp, lấy tên làng mới theo tên xưa gọi là trang An Biên.
Trong tâm thức một số người dân Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân được coi là người
khai thiên lập địa, đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng [31, tr.56]. Trong thời kỳ
phong kiến, Hải Phòng gắn liền với những chiến thắng quân sự oanh liệt trên sông
Bạch Đằng năm 938, năm 981 và năm 1288 với những người dân khí phách, trọng
dũng, trọng nghĩa. Bước sang thời kỳ Pháp thuộc, Hải Phòng trở thành nhượng địa
của Pháp, thời kỳ này chứng kiến những thay đổi lớn từ diên cách hành chính, quy
mô dân số, kinh tế, văn hóa… tác động đến sự phát triển của thành phố sau này.

Trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã nhận
được sự trợ giúp, tham gia đắc lực của nhân dân địa phương. Theo thần tích đền Gia
Viên (Hải Phòng): ở Kinh Môn có nhiều người đã hăng hái theo giúp Ngô Quyền
trong đó nhân dân huyện An Dương đã theo giúp đông nhất [33, tr.38]. Tại làng Gia
Viên có hàng chục thanh niên tình nguyện tham gia chiến đấu dưới quyền chỉ huy
của Đào Nhuận, ở Lâm Động (Thủy Nguyên) có chàng trai họ Nguyễn khi nghe tin
quân Nam Hán sang xâm lược đã cũng nhân dân địa phương đến quân doanh của
Ngô Quyền xin được tham gia chiến đấu; ở Hoàng Động (Thủy Nguyên) có ba anh
em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả; ở xã Đằng Giang (An Hải) có ông tổ của dòng họ
Phạm, theo truyền thuyết của dòng họ cũng đã sớm theo Ngô Quyền về đây đánh
trận [33, tr.40]. Hoạt động chuẩn bị cho trận chiến của Ngô Quyền không được ghi
chép cụ thể trong chính sử nhưng qua thần tích của các làng xã phụng thờ ông ở Hải
Phòng cho chúng ta biết được một phần: trong thời gian chuẩn bị chiến trường, Ngô
Quyền và bộ chỉ huy đóng đại bản doanh tại thôn Lương Xâm (xã Nam Hải, quận
Hải An) [33, tr.41]. Thần tích đền Gia Viên soạn năm 1572 có nói việc Ngô Quyền
về đắp thành Lương Xâm từ những ngày ông chuẩn bị lực lượng bao vây và tiêu
diệt Kiều Công Tiễn ở Đại La [33, tr.42]. Trong Chiến thắng Bạch Đằng 938 và
1288, nhóm tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc đã khẳng
14


định vai trò quan trọng của các làng xã ở Hải Phòng xưa trong cuộc chiến, trong đó
nổi lên là làng Lương Xâm là đại bản doanh thứ nhất, làng Gia Viên (lúc đó ở vị trí
trung tâm thành phố Hải Phòng ngày nay) là đại bản doanh chính thứ hai: “làng Gia
Viên ở vào vị trí trung tâm thuận lợi nhất để chỉ huy toàn bộ trận đánh và tiếp ứng
cho chiến trường khi cần thiết… Ngô Quyền đã bố trí ở đây cả lực lượng thủy binh
và bộ binh, trong đó thủy binh là chủ yếu, có lẽ vào lúc gần trận đánh, để tiện chỉ
huy chiến đấu, ông đã chuyển sở chỉ huy từ Lương Xâm lên Gia Viên” [33, tr.57]
Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền quân Nám Hán do Hoằng Tháo
chủ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang xâm lược nước ta. Khi những chiếc

thuyền đi đầu của quân Nam Hán vừa đến vùng cửa biển Bạch Đằng thì đội quân
khiếu chiến của ta với những chiếc thuyền nhẹ bỗng xuất hiện. Dưới sự chỉ huy của
Nguyễn Tất Tố (người làng Gia Viên), quân ta chiến đấu, kìm chân địch chờ nước
triều lên thật cao, sau đó giả vờ thua chạy, dụ địch vào sâu trong bãi cọc ngầm, quân
địch đuổi theo lọt vào trận địa ta đã bố trí mai phục từ trước, đến lúc nước triều rút
xuống mạnh, quân ta phản công dồn chiến thuyền của địch về phía trước hàng cọc,
Ngô Quyền dẫn đội quân tiếp ứng và đại phá chúng trong trận chiến này, quân của
Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc
vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa, Ngô Quyền thừa
thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân
lính còn sót thu về [12, tr.203,204].
1.1.3. Ý nghĩa chiến thắng Bạch Đằng và vai trò của Ngô Quyền
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trước quân Nam Hán dưới sự chỉ huy của
Ngô Quyền đã chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho
dân tộc. Sau sự kiện này, Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập Dương
Thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục [12, tr.204].
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là chiến công chung của cả dân tộc, trong
đó nổi lên với vai trò của Ngô Quyền, ông không chỉ nổi bật là một thiên tài quân
sự, bố trí trận Bạch Đằng một cách tài tình, khéo léo, tiêu diệt quân Nam Hán chỉ
trong một nước triều mà quan trọng hơn là ông đã tập hợp được sức mạnh dân tộc
trong trận chiến này, quy trăm họ về một mối, thứ sức mạnh mà các triều đại về sau
15


này vẫn còn dựa vào chiến công đó mà noi theo. Ngô Quyền là một thiên tài quân
sự, biểu tượng của chiến thắng nghìn năm Bắc thuộc, biểu tượng của sự đoàn kết
toàn dân tộc. Sử gia Lê Văn Hưu bàn:
“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan
được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho
người phương Bắc không dám lại sang nữa, có thể nói là một lần nổi giận mà

yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa
lên ngôi đế, đổi niên hiệu nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã
nối lại được.” [12, tr.204,205].
Về thắng lợi trên sông Bạch Đằng, sử gia Ngô Thì Sĩ bàn:
“Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc
thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy
danh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang đội đến
nghìn thu, há phải chỉ lững lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu?” [39, tr.222].
Với chiến thắng này, Ngô Quyền được Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc
sử khảo đã tôn vinh là vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc, sau thủy tổ dựng nước
là Hùng Vương và xếp trước Lê Lợi là vị tổ trung hưng thứ hai:
“Mưa sầu gió thảm, Giao Chỉ đâu còn thấy anh hùng! Biển non tủi hờn,
Việt- thường vắng không nghe tên họ! Bỗng có người biết xắn tay áo vùng
dậy, mạnh mẽ chấn chỉnh cơ đồ, đứng lên giành lại quốc quyền thì chính gọi
là vị tổ trung hung nước ta đó! Vị tổ ấy là Ngô Vương Quyền.” [9, tr.21-22].
Những đánh giá, nhận xét của các sử gia về sự nghiệp của Ngô Quyền, vị tổ
trung hưng thứ nhất của dân tộc đã phản ánh công lao to lớn và vai trò quan trọng
của ông đối với lịch sử dân tộc, góp phần tạo dựng nền móng vững chắc cho nước
Đại Việt độc lập sau này. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 như một trận chung kết
của lịch sử hơn 1000 năm chống bắc thuộc của dân tộc trải từ thời Hai Bà Trưng, Bà
Triệu, Lý Bý… Trong đó Ngô Quyền đã lãnh đạo trận chiến cuối cùng, đánh bại
mưu đồ xâm lược của quân Nam Hán, mở ra một thời kỳ độc lập tự do lâu dài cho
dân tộc.
16


1.2. Truyền thuyết, thần tích và thần sắc về Ngô Quyền ở thành phố
Hải Phòng
1.2.1. Truyền thuyết về Ngô Quyền
Trong các truyền thuyết về Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng thì đặc biệt

nhất là truyền thuyết dân gian về cọc gỗ trôi sông. Theo đó, vùng Đông Hải, Nam
Hải và Đằng Hải (quận Hải An) cho rằng Ngô Quyền cắm cọc từ vùng Lương Xâm
đến vùng cửa Nam Triệu và ở vùng cửa Nam Triệu thỉnh thoảng vẫn còn đào được
cọc gỗ thời Ngô Quyền. Nhân dân vùng này còn lưu truyền khá phổ biến câu
chuyện cọc gỗ trôi trên sông Bạch Đằng.
“Dân làng Bình Kiều, Hạ Đoạn, Lương Xâm và Xâm Bồ kéo nhau ra vớt cây
gỗ và cắt ra làm 3 đoạn đem về tạc tượng Ngô Quyền. Làng Lương Xâm
được chia đoạn gốc nên tạc tượng Ngô Quyền to và đẹp hơn. Vì thế tượng
Ngô Quyền ở Lương Xâm là tượng chính trong vùng. Dân làng Bình Kiều
được chia khúc thừa ở ngọn chỉ đủ để tạc mũ nên làng Bình Kiều xưa nay
không thờ tượng mà chỉ thờ mũ Ngô Quyền.” [33, tr.49]
Truyền thuyết này nói lên mối quan hệ giữa bốn làng thờ Ngô Quyền, theo
đó Lương Xâm có vai trò lớn nhất và còn phần nào phản ánh trận địa cọc của Ngô
Quyền trải từ cửa sông Bạch Đằng đến hạ lưu sông Cấm.
Ngoài ra còn một số truyền thuyết khác về Ngô Quyền nhưng ít phổ biến hơn
như truyền thuyết của làng An Trì:
“Làng An Trì xưa có một miếu thờ Ngô Quyền nhưng đến nay không còn,
năm xưa Ngô Vương đóng quân ở đó, sau khi đánh thắng quân Nam Hán,
Ngài hội họp quần thần, chiêu dân lập ấp, thành lập làng An Trì.” (phỏng vấn
ông Phạm Hữu Bền, trưởng ban khánh tiết đình An Trì)
Truyền thuyết của các làng xã về Ngô Quyền phản ánh sự hiện diện và hoạt
động của ông ở Hải Phòng đầu thế kỉ thứ X trên quan niệm tín ngưỡng dân gian.
Truyền thuyết đã góp phần khẳng định cơ sở lịch sử cho sự hình thành tín ngưỡng
thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng.

17


1.2.2. Thần tích về Ngô Quyền
Thần tích là sự tích của các vị thần thánh được ghi chép, lưu truyền lại. Mỗi

làng xã thờ các vị thần khác nhau thì có thần tích khác nhau, tuy nhiên có trường
hợp các làng xã cùng thờ một vị thần nhưng thần tích về vị thần ấy lại có thể khác
nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và thần gốc của làng xã ấy.
Ở thành phố Hải Phòng hiện nay còn 28 làng xã thờ Ngô Quyền (thuộc 37

làng xã thờ Ngô Vương trước đây) nhưng không có 28 thần tích khác nhau về Ngô
Vương mà thần tích của các làng xã được sao chép từ một thần tích gốc. Tác giả
Nguyễn Quang Ngọc và Đặng Thị Vân Chi trong bài viết Phải chăng Gia Viên là
làng gốc của Hải Phòng đã phân tích thần tích Ngô Quyền ở Hải Phòng và đi đến
kết luận:
“Bản thần tích được mệnh danh là thần tích đền Lương Xâm đã trở thành
quen thuộc và tưởng như không cần phải bàn thêm nữa. Thế nhưng càng
nghiên cứu kỹ văn bản thì lại nhận ra điều không hợp lý. Và sau khi được
đọc bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” ở nhà cụ Nguyễn Tri Luyến
phố Ngõ Cấm, cùng nhiều dị bản, chúng tôi có thể khẳng định một cách chắc
chắn rằng bản thần tích được mệnh danh là thần tích đền Lương Xâm đó lại
chính là thần tích đền Gia Viên. Nếu như tiến hành lập phả hệ văn bản thần
tích các đền thờ Ngô Quyền ở vùng nội thành Hải Phòng và đông nam huyện
An Hải thì chúng ta dễ dàng nhận thấy tất cả các văn bản đó đều sao từ một
bản gốc ở đền Gia Viên.” [35, tr.61]
Trong quá trình khảo cứu thần tích Ngô Quyền ở Hải Phòng, tác giả không
tiếp cận được bản thần tích gốc “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” của đền
Gia Viên. Thay vào đó, tác giả tiếp cận được bản Ngọc phả của Tiền Ngô Vương
của Từ Lương Xâm (xã Nam Hải, quận Hải An) thuộc về bộ Càn, sắc phong thượng
đẳng thần do Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính biên soạn năm 1572, hiện đang lưu
trữ tại bảo tàng thành phố Hải Phòng, và viện nghiên cứu Hán Nôm, tác giả tóm
lược nội dung thần tích như sau:
Ngô Quyền là người xã Đường Lâm, ông được sinh ra trong thời kỳ Bắc
thuộc. Ông tổ của Ngô Quyền trước kia từng đem quân theo Triệu Quang Phục, có
18



công lớn giúp dẹp loạn Tiêu Tư nên được truyền đời là tù trưởng trong vùng. Mẹ
Ngô Quyền là người họ Phạm, trước ngày sinh Ngô Quyền đã có mộng lạ về cây
cau xanh tốt, cha ông đoán mộng cho rằng cau là thứ cây cao và có quả tươi, tức là
điềm làm cột trị thiên hạ.
Khi lớn lên, ông có cặp mắt sáng như chớp, tiếng nói to như sấm, điệu đi
uyển chuyển như rồng, bước chân vững chắc như hổ, hiền lành như phượng, oai
hùng như gấu; thao lược, mưu trí, sức khỏe có thể mang nổi đỉnh lớn; rộng lượng
như nước biển mùa xuân, có tấm lòng quảng đại và dung thứ, ông có khí tướng của
một bậc đế vương. Sau này Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ gả con gái cho.
Khoảng niên hiệu Đồng Quang (923 – 925), nhà Đường bổ quan thứ mục
sang khai trị nước ta, là Khắc Chính và Lý Tiến. Tất cả đều tham tàn, bạo ngược,
trăm họ không được ngơi chân, ngơi tay, phải chịu những hình phạt nghiêm khắc,
thuế nặng, sưu cao, đời dân không đủ sống. Trước tình đó, Ngô Quyền bàn với vợ
xây dựng lực lượng đánh giặc. Rồi từ đó, ông bà chăm làm việc thiện, bênh kẻ
nghèo hèn, thương người côi cút, bỏ của ra giúp người, nuôi dân bị lưu lạc, nên
trong vùng có nhiều người theo phục.
Năm Quý Mùi (923), Dương Đình Nghệ dấy binh đánh lại nhà Hán, phong
cho Ngô Quyền làm nha tướng. Năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn giết Dương
Đình Nghệ và cướp lấy ngôi. Ngô Quyền biết chuyện liền chuẩn bị lực lượng giành
lại cơ đồ.
Tháng Chạp mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vây thành
Đại La, Kiều Công Tiễn sợ hãi cầu cứu vua Nam Hán. Nhà Hán muốn nhân cơ hội loạn
lạc chiếm lấy nước ta, liền phong cho con là Vạn Vương Hoàng Thao làm Tĩnh Hải
quân Tiết độ sứ, rồi lại phong làm Giao Châu vương đem quân cứu Công Tiễn, còn vua
Hán đem quân đóng ở cửa Thạch Hải để giương thanh thế tiếp viện.

Lúc ấy, Ngô Quyền đã cho quân đóng giữ, canh phòng tại phần sông thuộc
đồn Gia Viên và đã giết Kiều Công Tiễn. Khi được tin báo Hoằng Thao đến, Ngô

Quyền họp các tướng bàn rằng “Hoàng Thao là một đứa trẻ còn thơ dại từ xa đến,
quân tướng đang mệt mỏi, lại nghe Tiễn đã bị ta diệt, tất nhiên lòng cứu ứng đã bị
nao núng. Ta kịp thời lấy sức mình đang khỏe mạnh, địch với kẻ thù mỏi mệt, tất
19


nhiên là phá được giặc”. Chợt trong quân có người bước lên nói: “Quân giặc hung
hăng, cậy thế đưa thuyền bè đang tiến vào, nếu không kịp phòng bị trước thì việc
hơn thua chưa thể lường trước được. Nay xin đem cọc đóng ở hai bên cửa sông, khi
nước triều dâng cao, cho người đem những chiếc thuyền nhỏ, gặp giặc thì ra thách
đánh rồi giả thua chạy, như thế thì quân Hoằng Thao chẳng khác gì ngói tan vậy”.
Ngô Quyền cho là phải liền sai người cắm cọc nhọn ở cửa sông Bạch Đằng,
sai con là Ngô Xương Ngập đem một vạn cấm binh cùng thần thuộc từ cửa bể Đại
Nha đánh tới. Tam Kha đem quân theo Đào Nhuận, người làng Gia Viên từ cửa
Hàm Tử đánh tới. Nguyễn Tất Tố chỉ đạo hai mươi thuyền nhỏ lướt thẳng đến sông
Bạch Đằng đánh phá giặc. Khi Hoằng Thao dẫn quân tới. Ngô Quyền ở trên bờ ra
hiệu, quân ta giả thua chạy. Quân Hán đốc quân đuổi theo, khi thuyền vào qua giàn
cọc và nước triều rút mạnh thì quân ta lập tức phản công: Ngô Xương Ngập, Dương
Tam Kha ở hai bên ập ra đánh giặc. Hoằng Thao bị giết ngay tại trận, quân Hán bị
chết quá nửa, vua Nam Hán buồn thương thu nhặt tàn quân về nước. Trận chiến trên
sông Bạch Đằng giành thắng lợi chỉ trong một nước thủy triều.
Ngô Quyền đã thống nhất non sông, đóng đô ở Loa thành và lên ngôi được
sáu năm. Ngài mất ngày mười tám giáng giêng năm Giáp Thìn (944), thọ 47 tuổi.
Đền thờ Ngô Vương Thiên Tử chính ở làng Lương Xâm, ngày giỗ 18 tháng giêng,
ngày sinh 12 tháng 3. Chữ Quyền cấm không gọi đến, chữ Ngô phải kiêng hoặc gọi
tránh sang tiếng gần đúng.
Bản dịch do Hoàng Khắc Nhượng dịch ngày 1/7/1977, lưu trữ trong hồ sơ di
tích Từ Lương Xâm tại Bảo tàng thành phố Hải Phòng.
Thông qua bản thần tích trên, chúng ta thấy quan niệm của một bộ phận
người dân thành phố Hải Phòng xưa về Ngô Quyền là một nhân vật kiệt xuất, trí

dũng song toàn, và có lòng yêu nước. Ông sinh ra vào thời điểm nước nhà bị đô hộ
và sớm bộc lộ tài trí, mưu đồ giành lại đất nước. Trong trận chiến Bạch Đằng năm
938, ông là chỉ huy chính đã đưa ra những quyết định sáng suốt: nhận định đúng
đắn về lực lượng của địch và đánh giá khả năng chiến thắng của quân ta đồng thời
quyết địch kế sách cắm cọc trên sông Bạch Đằng và tổ chức trận chiến vô cùng tài
tình, khéo léo từ việc sắp xếp những đội quân nhử địch vào trận địa cọc đến các mũi

20


tấn công chính, các đội quân chặn đường rút của địch… Sự lãnh đạo của Ngô
Quyền là nhân tố quyết định cho chiến thắng trên sồng Bạch Đằng năm 938 trước
quân Nam Hán.
Trong thần tích còn nhắc đến vai trò của Hải Phòng và một số làng xã đã có
công góp sức cùng Ngô Quyền trong trận chiến trên sông Bạch Đằng đó là làng Gia
Viên, làng Lương Xâm. Làng Lương Xâm ban đầu là đại bản doanh chính của Ngô
Quyền nên sau Từ Lương Xâm được suy tôn là Từ Cả. Sau đó Ngô Quyền chuyển
địa bản doanh lên làng Gia Viên và trực tiếp chỉ huy quá trình chuẩn bị cho trận
chiến nên bản thần tích tại làng Gia Viên được coi là bản thần tích gốc của tín
ngưỡng thờ Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng. Thông qua thần tích, chúng ta còn
thấy vai trò, hình ảnh của những hương binh địa phương trong trận chiến Bạch
Đằng như Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố là người làng Gia Viên đã chỉ huy đội quân
nhử quân địch vào trận địa cọc ngầm… Tài chỉ huy, lãnh đạo của Ngô Quyền là
nhân tố chính cùng với sự trợ giúp của các làng xã cổ ở thành phố Hải Phòng đã góp
phần làm nên chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn 1000 năm
Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc.
1.2.3. Thần sắc cho Ngô Quyền
Quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng song hành
với quá trình các triều đại phong kiến độc lập ở Việt Nam phát triển, thâu tóm quyền
lực và tinh khi quốc gia vào tay vương triều và Thành hoàng làng như một thế lực

tinh thần, một công cụ thay Vua cai quản đời sống tâm linh của các làng xã. Ngô
Quyền ban đầu được thờ là danh nhân anh hùng đảm nhiệm chức năng thần linh của
làng xã, đóng vai trò bảo trợ cộng đồng đã trở thành Thành hoàng làng và được các
triều đại sắc phong.
- Sắc phong đầu tiên cho Ngô Vương Thiên Tử vào năm Vĩnh Khánh thứ 2

(1730), ban cho xã Lương Xâm
- Sắc phong cho nhiều làng xã nhất, trên quy mô lớn nhất thờ Ngô Quyền là

sắc ngày 10 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) cho 17 xã và 6 tổng ở huyện
An Dương thờ Ngô Quyền. Sau đó, ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 33
(1880) cũng sắc cho 17 làng xã và 6 tổng ở huyện An Dương thờ Ngô Quyền.

21


×