Lãnh đạo và đạo đức
Cập nhật lúc 10h50" , ngày 28/02/2006
Mới hồi đầu tháng này, trong một cuộc họp báo xung
quanh vụ gia đình Thủ tướng Thaksin Shinawatra của
Thái Lan bán số cổ phần trị giá 1,9 tỉ đô la cho tập
đoàn Temasek của Singapore, luật sư của gia đình
ông này tuyên bố với báo chí: “Tôi không đến đây để
nói chuyện đạo đức”.
Khó có thể biết rằng ông Thaksin giờ đây có đang ngẫm nghĩ về vấn đề đạo đức hay không, thế
nhưng một điều chắc chắn là vấn đề đạo đức là lý do hàng đầu khiến cho một lực lượng quần
chúng lớn ở đất nước này đòi hỏi thay đổi chính phủ vàkêu gọi ông Thaksin từ chức. Họ cho rằng
ông Thaksin lạm dụng quyền lực để tư lợi, đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của đất nước.
Mặc dù mọi việc ông Thaksin hoặc gia đình làm cho đến nay vẫn được coi là hợp pháp trên mọi
phương diện pháp lý, nhiều người Thái cho rằng hoặc ông ta đã khôn khéo lợi dụng những lỗ
hổng luật pháp, hoặc là điều chỉnh luật pháp để làm giàu cho bản thân mình. Họ cho rằng ông
Thaksin là người lãnh đạo thiếu liêm chính, không có đạo đức và vì thế không còn xứng đáng để
điều hành đất nước nữa.
Cho đến giờ, ông Thaksin vẫn có vẻ như chưa hiểu được nỗi tức giận của hàng trăm ngàn người
đang ký đơn đòi kết án ông và tham gia các cuộc biểu tình chống ông hàng tuần. Trong một cuộc
trả lời phỏng vấn mới đây, ông khăng khăng: "Mọi chuyện đều theo luật cả. Bọn họ (những đối
thủ) đang tìm cách bóp méo sự thật".
Ông Thaksin sáng lập Shin Corp, tập đoàn viễn thông lớn nhất Thái Lan, bên cạnh một số lĩnh vực
kinh doanh trọng yếu khác, từ trước khi ông tranh cử thủ tướng. Năm 2001, khi trở thành thủ
tướng, ông đã phải nhanh chóng chuyển hết tài sản sang tên gia đình, và suýt nữa bị điều tra vì tội
không khai báo tài sản cá nhân theo quy định của hiến pháp nước này. Shin Corp. phát triển rất
mạnh và cổ phiếu đã tăng gấp mấy chục lần trong vòng vài năm qua. Giới phê bình lên án rằng
chính phủ Thaksin luôn luôn dành ưu đãi cho những công ty gia đình và những người gần gũi
thuộc phe cánh của ông ta. Gia đình ông Thaksin chọn một thời điểm có vẻ như hoàn hảo để bán
công ty này. Một luật mới tăng biên độ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các công
ty viễn thông Thái Lan có hiệu lực chỉ hai ngày trước khi vụ mua bán với Temasek diễn ra. Các cổ
phiếu của gia đình Thaksin, trước đó đứng tên một công ty do Thaksin sáng lập ra tại lãnh thổ
miễn thuế Virgin Islands, chỉ vài ngày trước vụ mua bán được chuyển sang tên các con của ông
này, nhờ đó mà sau vụ mua bán trị giá 1,9 tỉ đô la, gia đình Thaksin không phải đóng thuế. (Để
khuyến khích người dân Thái đầu tư vào thị trường chứng khoán, ông Thaksin áp dụng chính sách
miễn thuế thu nhập cho những giao dịch đứng tên cá nhân).
Nhìn ở góc độ kinh doanh, ông Thaksin rõ ràng là một nhà kinh doanh lọc lõi, biết sử dụng mọi kẽ
hở của luật pháp để thu lợi nhuận. Thế nhưng có lẽ ông đã không lường trước được phản ứng dữ
dội từ công chúng. Mặc dù hồi tuần trước ông Thaksin thoát được mối đe dọa bị tòa án hiến pháp
đưa ra điều trần, nhưng mỗi ngày lại có thêm những yếu tố đe dọa khả năng cầm quyền của ông.
Trong khi phong trào đòi luận tội thủ tướng ngày càng lan rộng trong giới sinh viên, học giả và
trung lưu ở các đô thị, những nhân vật chính trị trước đây thân Thaksin cũng đang quay lại chống
ông ta. Chamlong Srimuang, một vị tướng về hưu có ảnh hưởng trong quân đội và là người dẫn
dắt Thaksin vào con đường chính trị mới đây đã kêu gọi ông từ chức và tuyên bố sẽ đứng về phía
liên minh chống Thaksin. Chamlong, người đã dẫn dắt một cuộc biểu tình đẫm máu lật đổ chính
quyền quân sự vào năm 1992, nói rằng Thaksin thiếu lòng yêu nước và phẩm cách để lãnh đạo
đất nước.
Ông Thaksin từng được coi như một nguyên thủ quốc gia đang nổi ở khu vực Đông Nam Á. Ông
thường tự hào về chính sách kinh tế được gọi là "Thaksinomics"của mình, cho rằng các nước
trong khu vực nên học theo. Chính sách này dựa trên nguyên tắc cơ bản dùng ngân sách quốc gia
và việc cho vay vốn dễ dàng để thúc đẩy tiêu dùng của các tầng lớp dân cư nghèo và qua đó phát
triển kinh tế. Giới phê bình cho rằng chính sách này trong khi thúc đẩy nhập khẩu và làm tăng khả
năng phá sản của người dân, lại chỉ có lợi cho một số ít giới doanh nghiệp cùng phe cánh với
chính phủ. Báo chí Thái Lan những ngày này mỉa mai rằng cách Thaksin củng cố quyền lực và làm
giàu cho bản thân có thể trở thành sách giáo khoa cho những lãnh đạo có tư tưởng độc tài và
tham nhũng ở châu Á. Nếu Thaksin không vượt qua được những thử thách chính trị sắp tới, thì có
lẽ bài học Thaksin chính là bài học về đạo đức của một nhà lãnh đạo, một chính khách.
Gia đình Thaksin mới công bố là họ sẽ đóng góp 10 tỉ baht thu được từ vụ mua bán với Temasek
cho quỹ từ thiện vì người nghèo. "Quá muộn", một người dân Bangkok bình luận. "Thiệt hại đã xảy
ra rồi".
(theo Thời báo kinh tế Sài gòn)