Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Phát huy khả năng tự đào tạo của sinh viên để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường đại học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (355.04 KB, 6 trang )

PHÁT HUY KHẢ NĂNG TỰ ĐÀO TẠO CỦA SINH VIÊN
ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
TRONG NHÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC.
Hà Thị Mai
Đại học Đà Lạt
1. Nhà trường đại học trong bối cảnh chung của đất nước và thời đại.
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chưa bao giờ việc nâng cao chất lượng
toàn diện con người lại trở nên bức xúc như hiện nay. Sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước muốn thực hiện có kết quả một phần quan trọng phụ
thuộc vào chất lượng của các thế hệ lao động được giáo dục, đào tạo một cách
chính quy có hệ thống.
Bước sang thế kỷ XXI nhân loại tiến vào một nền văn minh mới – nền
văn minh trí tuệ, hậu công nghiệp, một “xã hội thông tin”, một “xã hội học
tập”, ở đó chứa đựng những vận hội lớn về chính trị và sự phục hưng lớn về
văn hoá. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ ở giai đoạn mới, thể hiện ở làn
sóng vĩ đại của sự đổi mới công nghệ, nó đang từng ngày, từng giờ xâm nhập
vào đời sống xã hội con người về mọi mặt, từ kinh tế đến văn hoá. Do đó, đời
sống xã hội của mỗi quốc gia cũng phải được tổ chức lại một cách cơ bản. sự
tiến bộ của xã hội không thể chỉ đo bằng sự phát triển công nghệ hoặc mức
sống vật chất, mà phải bằng cả đạo đức, thẩm mỹ, chính trị, môi trường, bằng
sự đa dạng của các giá trị văn hoá. Điều đó đòi hỏi có một cuộc cách mạng về
giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao, phát huy tiềm năng và làm giàu thêm
kiến thức mới cho sự phát triển con người và phát triển xã hội.
Nền kinh tế thị trường đang trở thành một không gian mang tính toàn
cầu. Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam chuyển mình hội nhập là biểu hiện
của sự phát triển tất yếu. Giai đoạn mới hiện nay chứa đựng những yếu tố mà
ành hưởng của nó đến đời sống con người vừa tích cực vừa tiêu cực. Đặc biệt
trong lĩnh vực văn hoá giáo dục, nhất là giáo dục đại học, chúng ta có nhiều cơ
hội để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập cho cả đội ngũ giảng
viên, sinh viên với nhiều nước có chế độ chính trị khác nhau, có nền văn hoá đa
dạng, phong phú. Những thông tin nhiều chiều, nhiều cạnh thông qua các kênh


khác nhau là nguồn kiến thức quý báu giúp cho sinh viên của chúng ta thêm
nhiều hiểu biết. Do đó, chúng ta dễ nhận thấy người học bây giờ thông minh
hơn, nhanh nhẹn hơn, linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn. Không khí dân chủ hoá
trong đời sống xã hội, trong nhà trường ngày càng cởi mở phát triển. Bên cạnh
những mặt tích cực đó, nền kinh tế thị trường không tránh khỏi những mặt tiêu
cực đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào thế hệ trẻ cả trong nhận thức, tình
cảm và hành vi, các em dễ bị lôi kéo, bị kích động. Do đó xuất hiện một bộ
phận có thói quen ỉ lại, thích hưởng thụ, lười học tập và lao động .v.v…

25


Những yếu tố tích cực và tiêu cực như trên luôn ảnh hưởng đến nhà
trường đại học. Do vậy, bên cạnh việc khai thác và tận dụng những yếu tố tích
cực của xã hội thì cần phải thường xuyên ngăn ngừa và cải tạo những yếu tố
tiêu cực, không để chúng ảnh hưởng với một phổ rộng đến nhà trường.
Xã hội đã nhận thức sâu sắc vai trò của giáo dục đối với sự phát triển cá
nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội… do đó mà “mọi con đường đều đổ về giáo
dục”. Giáo dục đại học với mục tiêu: đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân
tài, nâng cao dân trí cho xã hội; gánh trên vai sứ mệnh mà: “Cả dân tộc Việt
Nam đang trông chờ vào các trường đại học; Cả xã hội đang trông chờ vào các
trường đại học; Mọi gia đình trông chờ vào các trường đại học” - một sứ mệnh
hết sức nặng nề. Đặc biệt, dung lượng kiến thức khoa học đưa vào nhà trường
ngày càng nhiều, càng tăng, càng đa dạng và phong phú; thời gian để cho giảng
viên giảng dạy, sinh viên học tập có hạn, cho nên đòi hỏi chúng ta phải có giải
pháp hữu hiệu để tiết kiệm thời gian lao động sư phạm, giảm nhẹ cường độ lao
động cho nhà giáo, phát huy vai trò độc lập, tự chủ, tính tự giác, tích cực cao
nhất trong nhận thức của người học trong nhà trường đại học, từ đó nâng cao
chất lượng đào tạo. Giải pháp đó theo chúng tôi là cải tiến phương pháp dạy
của Thầy, học của Trò, trong đó đặc biệt chú ý đến phát huy khả năng tự đào

tạo của sinh viên hiện nay.
2. Cơ sở khoa học và thực tiễn của vấn đề.
Giá trị đích thực của giáo dục, đặc biệt ở bậc đại học là làm cho người
học biết cách học, biết nghiên cứu khoa học. Nhất là ở giai đoạn mới này, giáo
dục đại học phải thực sự đủ khả năng đánh thức mọi tiềm năng “còn đang ngái
ngủ” ở trong mỗi con người, để mỗi người là một đỉnh cao trí tuệ, thực sự là
Con người – Con người mang đầy đủ ý nghĩa khoa học, triết học và mỹ học. Ở
đó, người học xác định rõ:
- Học để làm và làm có hiệu quả.
- Học để biết sống làm người và chung sống với cộng đồng dân tộc,
cộng đồng nhân loại.
- Học để biết tự đào tạo thành con người có nhân cách, con người tự
do, con người dân chủ…
Đó là đòi hỏi tất yếu của lịch sử và thực sự là những thách thức ghê gớm
đối với tất cả mọi người trong xả hội, nhất là đối với sinh viên đại học.
Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương khoá VII đã chỉ
rõ: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ
một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng
các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy – học, bảo
đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên
đại học”.
(Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành
Trung ương khoá VII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, trang 41).

26


Xuất phát từ đặc điểm tâm lý sinh viên – Sinh viên nằm trong lứa tuổi từ
18 đến 24,25 – gọi là thời kỳ chuyển tiếp sau tuổi thanh niên, còn gọi là “thời
kỳ bão táp và căng thẳng”. Đây là thời kỳ năng lực trí tuệ được nâng cao, tư

duy sâu sắc, rộng mở, đam mê, nhạy bén cao độ, thời kỳ của sự phát triển tự ý
thức, biết tự quan sát, tự phân tích, tự kiểm tra, tự đánh giá… về hành động và
kết quả hành động của bản thân cũng như vị trí của mình trong cuộc sống.
Về mặt xã hội, lứa tuổi sinh viên thể hiện ngày càng hiểu biết về môi
trường xã hội rộng lớn hơn nhiều ngôi nhà nơi anh ta sống, hàng xóm láng
giềng, ngôi trường nơi anh ta học, thể hiện sự đĩnh đạc, dám đối diện với môi
trường xã hội ngày một rộng mở. Do đó, họ có kế hoạch riêng cho hoạt động
của mình, độc lập trong phán đoán và hành vi, đây là thời kỳ có nhiều biến dổi
mạnh mẽ về động cơ, về thang giá trị xã hội, thích tự quản. Họ xác định con
đường sống cho tương lai, tích cực nắm vững tri thức nghề nghiệp và bắt đầu
thể nghiệm mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; Đặc biệt khả năng tự giáo
dục, tính độc lập, sự sẵn sàng và luôn kỳ vọng đối với nghề nghiệp tương lai
của sinh viên luôn được củng cố và phát triển. Đồng thời đây cũng là lứa tuổi
bộc lộ rõ sự thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết xã hội một cách sâu sắc dẫn đến
dễ phản ứng, mơ mộng, hành vi thái quá, hoặc là thờ ơ…
Xuất phát từ đặc điểm của nhà trường đại học hiện đại, đó là nhà trường
của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng xã hội trong thời đại
ngày nay với chức năng vừa đào tạo, vừa bồi dưỡng, vừa nghiên cứu khoa học,
vừa phổ biến khoa học và tham gia sản xuất; nội dung dạy học được hiện đại
hoá; có cuộc cách mạng trong phương pháp đào tạo; cách thức tổ chức quản lý
theo kiểu mới theo tinh thần dân chủ, công khai, mở rộng, liên kết và hợp tác;
đáp ứng được ba yêu cầu: bình đẳng, chất lượng tốt và hiệu quả cao; lấy nhiệm
vụ đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho xã hội làm trọng tâm, phát huy đầy đủ
tài năng trí tuệ của dân tộc.
Xuất phát từ bản chất của quá trình dạy học ở bậc đại học. Trong quá
trình dạy học nói chung, dạy và học là hai hoạt động, là hai mặt của một quá
trình luôn luôn tác động qua lại và bổ sung cho nhau, trong đó thầy - dạy đóng
vai trò chủ đạo, trò - học phải đóng vai trò tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo.
Riêng đối với dạy học ở nhà trường đại học với nhiệm vụ cơ bản là dạy nghề,
dạy phương pháp và thái độ. Tức là giúp cho sinh viên nắm vững những tri

thức, những kỹ năng và kỹ xảo tương ứng về một lĩnh vực khoa học kỹ thuật
nhất định ở trình độ hiện đại để sau khi ra trường họ có khả năng lập nghiệp;
giúp cho sinh viên phát triển các năng lực và phẩm chất hoạt động trí tuệ, thể
chất, các phương pháp tự học và nghiên cứu khoa học; đồng thời góp phần bồi
dưỡng cho sinh viên lý tưởng, niềm tin, đạo đức, thái độ, tác phong của người
cán bộ khoa học kỹ thuật dù ở lĩnh vực nào.
Nhu cầu xã hội đối với các chuyên gia, các cán bộ khoa học kỹ thuật sản phẩm của nhà trường đại học.

27


Do yêu cầu phát triển của xã hội và đặc biệt là tác động của cách mạng
khoa học công nghệ, nhu cầu của xã hội đối với đội ngũ chuyên gia, cán bộ
khoa học kỹ thuật đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây xã hội yêu cầu
người cán bộ khoa học kỹ thuật tích luỹ càng nhiều tri thức càng tốt bằng trí
nhớ của mình, “ai nhớ giỏi là uyên bác, là nhà bác học”; trong nhà trường, nội
dung tri thức, cách sắp xếp, tổ chức và truyền đạt thông tin do thầy giáo quy
định; phương pháp giảng dạy là thầy giải thích tài liệu, củng cố tài liệu, kiểm
tra còn sinh viên tiếp nhận tài liệu, ghi nhớ chúng thì xã hội ngày nay có nhu
cầu khác hẳn, đòi hỏi chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật trong bất cứ lĩnh
vực nào cũng phải có kỹ năng tư duy sáng tạo, biết đặt ra những nhiệm vụ mới
một cách độc lập, có nguyên tắc, năng động, có khả năng thích ứng với những
điều kiện, môi trường làm việc luôn biến đổi không ngừng.
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại bùng nổ về thông tin, do vậy mà
khoảng cách vốn có giữa giảng đường đại học với xã hội càng được nới rộng.
Người sinh viên không thể chỉ trông đợi vào những tri thức mà nhà trường
cung cấp cho họ và càng không thể xem đó như một thứ “cẩm nang” có thể
dùng nó trong suốt cuộc đời với nghề nghiệp của mình. Bởi vì, chỉ sau một thời
gian ngắn một bộ phận các tri thức lĩnh hội được trong nhà trường sẽ trở nên
bất cập và hiển nhiên là sau khi họ tốt nghiệp đại học, bao nhiêu thông tin mới,

bao nhiêu phát minh sáng chế mới sẽ ra đời và đòi hỏi họ phải biết tự chiếm
lĩnh chúng để ít nhất là thích nghi và không bị đào thải trong cơ chế thị trường
lao động khắc khe như hiện nay chứ chưa nói đến việc họ phải tham gia phát
triển chúng một cách hiệu quả.
Tất cả những vấn đề nêu trên cũng có nghĩa là đặt ra cho chúng ta suy
nghĩ Dạy như thế nào, Học như thế nào để góp phần giải quyết được bức xúc
về chất lượng đào tạo hiện nay.
3. Nhà trường đại học với việc phát huy khả năng tự đào tạo của sinh viên.
Trong bài viết này người viết không có tham vọng đề xuất giải pháp cho
cả phương pháp dạy và phương pháp học ở bậc đại học. Một trong những quan
điểm mới trong dạy học hiện nay đó là “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm”,
hay nói một cách khác “học sinh là trung tâm của hệ thống giáo dục”, tức là
dạy học phải lấy hoạt động nhận thức của người học làm trung tâm. Ở đó, nhà
trường và người thầy phải làm cho người học được phát triển, luôn có được
niềm vui và hạnh phúc trong học tập. Do đó, học như thế nào cho tốt trở thành
vấn đề mà người viết quan tâm.
Tất nhiên, từ những cơ sở nêu ở phần trên, ngày nay quá trình đào tạo ở
đại học ngày càng trờ nên phức tạp về nội dung, phương pháp cũng như
phương tiện được sử dụng trong quá trình đó. Để đáp ứng yêu cầu mới của quá
trình đào tạo đại học, sinh viên phải tự hoàn thiện về nhân cách của mình, đặc
biệt những phẩm chất và năng lực “tự đào tạo” theo hướng “nghiên cứu phát
triển” để trở thành những chuyên gia, những cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi,
28


những công dân tốt trong xã hội hiện đại. Người tốt nghiệp đại học cũng có nhu
cầu tự hoàn thiện, nhưng giảng đường đại học phải là nơi từng bước chuẩn bị
kỹ càng kỹ năng này cho họ. Trên cơ sở tham khảo kết quả của nhiều công
trình nghiên cứu chúng tôi mạnh dạn nêu rõ:
Thứ nhất là xác định mục tiêu đào tạo của nhà trường: Trên cơ sở mục

đích của nền giáo dục quốc gia, của giáo dục đại học, các trường xác định mục
tiêu đào tạo của trường, của từng khoa, của ngành, của môn học, của từng
chương, từng bài học. Mục tiêu này phải được công bố cho sinh viên biết để họ
tự vạch kế hoạch học tập và chủ động học.
Thứ hai là thực sự áp dụng việc thiết kế chương trình (hệ thống tín chỉ)
theo hướng tinh giản, cập nhật, phù hợp với yêu cầu hiện tại và tương lai của
đất nước. Tức là chuyển khung chương trình đào tạo đại học từ hơn 210 đơn vị
học trình như hiện nay thành 120 – 140 tín chỉ.
Thứ ba là, trên cơ sở thiết kế xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo
theo học chế tín chỉ cần thay đổi phương thức quản lý sinh viên. Đó là thay đổi
việc quản lý sinh viên được thực hiện theo cơ chế giáo viên chủ nhiệm như
hiện nay bằng cơ chế cố vấn học tập. Cố vấn học tập được tuyển chọn trong số
những giảng viên am hiểu quy trình đào tạo, nắm vững chương trình đào tạo,
có tinh thần trách nhiệm cao, có uy tín với sinh viên. Dưới sự hướng dẫn của cố
vấn học tập, từng sinh viên sẽ lựa chọn đăng ký học những học phần thích hợp
với năng lực và ý muốn riêng của mình vào đầu mỗi học kỳ để từ đó sinh viên
chủ động thực sự trong quá trình đào tạo đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà
trường.
Thứ tư là việc đổi mới phương thức dạy học được tiến hành song song
đồng bộ với việc tổ chức biên soạn tài liệu, đề cương chi tiết giáo trình môn
học để dần rút bớt số giờ lên lớp của sinh viên trong mỗi tuần lễ sao cho xuống
dưới hoặc bằng 20 tiết / tuần lễ, buộc sinh viên phải tăng cường năng lực tự
học, tự nghiên cứu. Tất nhiên, việc biên chế vào lớp học theo tín chỉ này phải
phù hợp với quy mô cho phép, số lượng không quá lớn tạo điều kiện cho Thầy
đóng vai trò chủ đạo, Trò chủ động, tích cực, tự giác nhận thức. Trong đề
cương chi tiết môn học ghi rõ mục tiêu, nội dung cơ bản môn học, danh mục
các tài liệu tham khảo mà sinh viên cần đọc trước ở nhà cho mỗi buỗi lên lớp,
thời gian tham gia thảo luận, xêmina, kiểm tra, thời gian hoàn thành các bài tập
ở nhà.
Thứ năm, đối với sinh viên nhất thiết phải thực hiện nhiệm vụ đọc giáo

trình và các tài liệu được giao, được chỉ dẫn trước mỗi buổi học. Trên lớp sinh
viên được nghe thầy bình luận, giải thích những tài liệu mà sinh viên đã đọc,
được thầy bổ sung các thông tin khác, thông tin mới cập nhật có liên quan đến
nội dung bài học; đồng thời sinh viên tham gia thảo luận một cách tích cực
dưới sự chỉ dẫn của thầy. Việc nghe giảng có thể tổ chức lớp đông, việc thảo
luận, xemina, thực tế điền dã môn học theo nhóm, lớp nhỏ.
29


Thứ sáu, để phối hợp nhịp nhàng, tạo nên sự tương tác, tính cộng hưởng
trong hoạt động dạy và học của Thầy và Trò nêu trên người thầy cần chú ý đến
vốn sống, vốn kinh nghiệm của người học đối với môn học: Cần tạo môi
trường học tập thuận lợi cho sinh viên, thường xuyên tạo ra các tình huống dạy
học và đưa sinh viên vào tình huống có vấn đề bằng cách sử dụng hệ thống câu
hỏi có nghệ thuật, yêu cầu, hướng dẫn sinh viên làm bài tập nhỏ, bài tập lớn,
tiểu luận để họ vừa huy động được vốn sống, vốn kinh nghiệm đồng thời phát
huy khả năng độc lập, tích cực của việc tự học, tự nghiên cứu, tránh ỉ lại, luôn
cầu cứu chờ viện trợ của Thầy.
Thứ bảy, xác định rõ “Học như thế nào” trở thành một tiêu chí đánh giá
người học. Trên cơ sở phương pháp học của sinh viên, việc đánh giá kết quả
nhất thiết phải công bằng, khách quan. Cách đánh giá kết quả học tập của sinh
viên phải được thay đổi từ chỗ chỉ đánh giá 1 lần/1 bài thi/1 học kỳ sang đánh
giá cả quá trình học môn học của sinh viên: thảo luận nhóm, xemina, thực tập,
thực hành (nếu có), bài tập nhỏ, bài tập lớn và bài thi kết thúc môn học…
Và điểm cuối cùng, tất nhiên việc chi trả phụ cấp cho từng loại hình
công việc, công đoạn nêu trên phải phù hợp, xứng đáng với công sức, cường
độ, thời gian mà người thầy đã đầu tư cho việc giảng dạy môn học theo quy chế
tự chủ tài chính trong quyền tự chủ của nhà trường; đồng thời nhà trường cần
tạo điều kiện hỗ trợ cho các giảng viên trong việc áp dụng các phương tiện kỹ
thuật, công nghệ dạy học để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.

Tóm lại, lòng bền, chí lớn, thích ứng, mạnh dạn, năng động, đột phá,
sáng tạo đó là cơ sở, là nền tảng cho sự phát triển và ắt đi đến thành công!
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục học đại học, Quyển 1 – H, 1997.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục đại học và những thách thức đầu thế kỷ 21, Hà
Nội, 2000.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung
ương khoá VII, NXB Chính trị Quốc gia, H, 1997.
4. Lâm Quang Thiệp, Suy nghĩ về quản lý trường đại học trong thời kỳ đổi mới, Tạp
chí Giáo dục, số 160, kỳ 1 – 4/2007.

30



×