Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Về với Nam Cao - Kì 2: Thăm nhà Bá Kiến

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (426.91 KB, 4 trang )

Về với Nam Cao - Kì 2: Thăm nhà Bá Kiến (MT 932 - 3/4/2010)
Có một sự trùng hợp khá thú vị là ngôi mộ Nam Cao lại nằm trên chính mảnh đất lão Hạc
(truyện Lão Hạc - Nam Cao) từng sống.
Khuất sau một vườn chuối ngự xanh mướt, ngôi nhà Bá Kiến có hơn 200 năm tuổi, từng
được coi là nỗi ám ảnh một thời của dân "làng Vũ Đại", vẫn nằm lặng lẽ và u tịch sau biết
bao giai đoạn lịch sử thăng trầm.
Cách đó không xa là khu nhà tưởng niệm Nam Cao - nơi nhà văn vừa được đưa về yên
nghỉ sau hơn 50 năm lưu lạc - luôn rộn vang tiếng học trò và cả du khách mỗi ngày đến
đây thắp hương, thăm viếng...


Cái lò gạch cũ này sẽ là điểm tham quan của du khách.




Ngôi nhà Bá Kiến

Trong ngôi nhà chứng nhân lịch sử
Thật khó mà diễn tả hết cảm giác của tôi khi mở cửa bước chân vào ngôi nhà của lão Bá
Kiến. Đó là một ngôi nhà ba gian, hai chái, lâu ngày không được bàn tay con người chăm
sóc - đã bắt đầu ẩm mốc và bám bụi, nhưng những nét chạm khắc tinh vi thì vẫn còn đó.
Mười sáu cột gỗ lim kê đá tảng, mái ngói âm dương dù xuống cấp nhưng vẫn nguyên
vẹn. Bên ngoài, mảnh sân lát gạch tàu phủ rêu phong, giếng nước nằm hiền hòa bên gốc
cây cổ thụ già nua. Không được giới thiệu trước, có lẽ cũng khó hình dung đây là ngôi
nhà của một nhân vật cường hào ác bá khét tiếng một thời...
Ông Trần Hữu Đạt - em trai của nhà văn Nam Cao kể, Bá Kiến tên thật là Bá Bính, là
một chánh tổng giàu có. Ông ta có tài ăn nói mềm mỏng, khôn ngoan nhưng cực kì thâm
hiểm. Biết được ngôi nhà cổ xinh đẹp này là của một người đàn ông tên Cát hay nát rượu,
Bá Bính giả vờ giúp đỡ bằng cách cho hắn ta vay tiền, đến khi con nợ không còn khả
năng chi trả thì Bá Bính trở mặt đòi hắn phải kí giấy cấn nhà trừ nợ. Bá Bính trở thành


chủ nhân "hợp pháp" của ngôi nhà bằng chính thủ đoạn thâm hiểm của mình.
Nghe kể lại, Bá Bính có đến năm người vợ, nhưng chỉ có bà Ba trắng trẻo phốp pháp,
tính tình cũng khá lẳng lơ là ở tại đây, còn những người vợ khác đều có nhà riêng cả. Sau
này, bà Ba treo cổ tự tử chết vì một lí do gì đó chẳng rõ. Ông Đạt còn cho biết, Bá Bính
tuy có thâm hiểm thật, nhưng sau này một số người con của ông ta cũng sớm giác ngộ
cách mạng và có những đóng góp đáng kể cho quê hương. Thật ra, nhân vật Bá Kiến
được Nam Cao xây dựng dựa trên sáu bảy nhân vật cường hào ác bá tại địa phương khác
nữa như Lí Cường, Đỗ Tàu... Chuyện kể rằng sau khi tác phẩm ra đời, có lần Bá Bính
gặp bố Nam Cao và nói lẫy: "Ông thật là có phúc sinh được thằng con có tài... chửi cả
làng". Nói thế nhưng Bá Bính rất nể Nam Cao, nhất là sau khi nhà văn lên làm chủ tịch
Ủy ban kháng chiến xã.
Cách đây khoảng ba năm, một đại gia tại Hà Nội đến mua lại ngôi nhà cổ này với giá hơn
tỉ bạc, nhưng bà Trần Thị Sâm - chủ nhân cuối cùng của ngôi nhà "lừng lẫy" này vẫn
quyết định không bán mà nhượng lại cho địa phương với giá chỉ bằng phân nửa thị
trường, với mong muốn giữ lại một chứng nhân lịch sử cuối cùng gắn liền với văn
chương của người con quê hương Hòa Hậu.
"Cùng với nhà tưởng niệm Nam Cao, ngôi nhà này sẽ là nơi để học sinh, du khách đến
tìm hiểu tác phẩm kĩ hơn, để làng Vũ Đại đời và thật hơn". Anh Trần Đức Thảnh, bí thư
Đoàn xã, người vừa được giao chìa khóa để bắt tay vào chăm sóc ngôi nhà này nói đầy vẻ
tự hào.


Chăm sóc nhà tưởng niệm là niềm vui của các bạn đoàn viên.

Sẽ có "làng hiện thực Vũ Đại"?
Bước đến nhà tưởng niệm Nam Cao, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì quang cảnh nơi
đây khá rộng và đẹp. Ngôi nhà được khánh thành vào năm 2004, đúng ngày giỗ nhà văn
Nam Cao (30/11). Mộ nhà văn nằm bình yên giữa vườn chuối ngự xanh mướt trĩu quả.
Vào những ngày cuối tuần, học sinh thường rủ nhau đến đây quét dọn chăm chút từng
khóm cây, chậu kiểng. Anh Thảnh cho biết: "Chẳng cần ai phân công cả, các bạn trẻ mỗi

khi rảnh rỗi đều rủ nhau đến dọn vệ sinh như một niềm vui và trách nhiệm vậy đó".
Chú Trần Đức Huy (Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu) cho biết hiện tại lãnh đạo tỉnh Hà
Namđang ráo riết hoàn thành dự án "Vườn hiện thực Nam Cao" với diện tích 2 hecta
ngay tại xã Hòa Hậu. Chú Huy tiết lộ: "Bên cạnh khu tưởng niệm và ngôi mộ nhà văn,
ngôi nhà Bá Kiến cũng sẽ được trùng tu như nguyên mẫu, các nhân vật trong các tác
phẩm cũng sẽ được đắp tượng, phục dựng cả cái lò gạch cũ nữa chứ! Rồi đây học sinh tha
hồ đến tìm hiểu và học tập nhé...".
Khi được hỏi khi ấy liệu cái tên làng Hòa Hậu có được đổi thành làng Vũ Đại cho hiện
thực với tác phẩm không? Chú bí thư xã cười bí hiểm: "Chưa biết, nhưng tại sao không
nhỉ?".
***
Ở làng Đại Hoàng, gần như tất cả mọi người đều mang họ Trần. Cả dòng họ nhà văn
Nam Cao cũng thế. Thậm chí, người ở nơi khác đến làng cũng tự nguyện đổi sang họ
Trần. Các bô lão giải thích mảnh đất Đại Hoàng ngày xưa từng được triều Trần ban nhiều
sắc phong. Làng còn nằm gần đền Trần (Nam Định), đền Trần Hưng Đạo và đền Trần
Thương (nằm trên địa bàn Hà Nam) nên bà con muốn mang họ Trần để tri ân một triều
đại có công xây đắp và giữ nước.
***
Có một sự trùng hợp khá thú vị là ngôi mộ Nam Cao lại nằm trên chính mảnh đất lão Hạc
(truyện Lão Hạc - Nam Cao) từng sống. Em trai nhà văn kể: nhân vật lão Hạc dựa trên
một người láng giềng, tên là trùm Luông. Mang tiếng "trùm" nhưng ông rất hiền lành lại
nghèo xơ nghèo xác, sau này cũng tìm đến cái chết bằng bả chó hệt như trong tác phẩm
Lão Hạc.
***
Thầy Trần Văn Đô (trường THCS Nhân Hậu, xã Hòa Hậu) cho biết ở trường, những tiết
học có dính đến tác phẩm Nam Cao luôn rất thú vị, vì gần như học trò vùng này, ai cũng
hiểu rõ "hồn" tác phẩm từ nhân vật cho đến mảnh đất mình đang sống. Có bạn còn sưu
tầm từ ông bà mình những câu chuyện liên quan đến tác phẩm rất hay và sâu sắc.


×