Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Hàn Quốc - doanh nghiệp nhỏ theo phong cách Hi-Tech

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.7 KB, 5 trang )

Hàn Quốc - doanh nghiệp nhỏ theo
phong cách Hi-Tech


Hàn Quốc là đất nước có đến 5 trong số 20 tập đoàn lớn nhất thế giới. Điều gì
đã liên kết chính sách kinh tế của quốc gia này với cơ cấu bên trong của các tập đoàn
lớn như Samsung, hãng dẫn đầu thế giới về sản xuất điện thoại di động?


Chúng ta cùng thử phân tích.

1. Những điều lớn lao được hợp thành từ những điều nhỏ nhặt

Trong nhiều năm gần đây, Samsung luôn giữ vững ngôi vị dẫn đầu trong lĩnh
vực sản xuất điện thoại di động. Hàng chục nhà thiết kế của hãng liên tục cho ra đời
hàng trăm kiểu dáng mới để thỏa mãn những đòi hỏi đa dạng và khó tính của người
tiêu dùng trên toàn cầu. Những chiếc máy điện thoại ngày càng được thu nhỏ đang
mang lại cho hãng những món lợi nhuận ngày càng lớn hơn.
Hiện nay ở Hàn Quốc có khoảng hơn 1 triệu doanh nghiệp nhỏ (là những doanh
nghiệp có số lượng nhân viên dưới 20 người đối với các lĩnh vực công nghiệp, giao
thông, xây dựng, và có số lượng nhân viên ít hơn 5 người đối với lĩnh vực thương mại
và dịch vụ), chiếm gần 98,6% số lượng công ty trong toàn quốc và hơn 62% lượng
nhân công trong xã hội. 1 triệu các công ty nhỏ và công ty “tý hon” đó cùng làm nên
sức mạnh cho “Con rồng châu Á”, khi chúng tạo ra gần 50% tổng sản phẩm quốc nội
và 43% lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.
2. Cơ cấu tổ chức hiệu quả
Việc quản lý và điều hành ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, và cụ thể là ở
Samsung, chủ yếu dựa trên hệ thống thứ bậc, đẳng cấp, và có lẽ đây chính là một trong
những nguyên nhân đưa Samsung lên vị trí dẫn đầu. Không ít những ý tưởng thay đổi
và cải tổ bắt nguồn chính từ “phần chóp”, điều khá hiếm thấy ở các tập đoàn thành
công phương Tây.



Ngay từ những năm 1980, sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và
nhỏ đã được nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện bằng những điều luật và quy định về
hoạt động của khu vực kinh tế quan trọng này. Vào những năm 1990, chính sách nhà
nước đã hướng đến việc tạo nền tảng pháp lý để doanh nghiệp nhỏ trở nên độc lập hơn
và có khả năng cạnh tranh cao hơn. Năm 2000, Hàn Quốc bắt tay vào chương trình
phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu chủ yếu là tăng tỷ trọng của các
công ty vừa và nhỏ trong xuất khẩu công nghiệp từ 37% lên 50%.

Việc theo dõi và thúc đẩy chương trình được giao cho Ủy ban đặc trách về phát
triển doanh nghiệp nhỏ đặt dưới sự giám sát trực tiếp của tổng thống. Ngoài chức năng
chuẩn bị cơ sở pháp lý và soạn thảo chính sách nhà nước liên quan đến lĩnh vực này,
ủy ban còn có nhiệm vụ phân tích các khuynh hướng phát triển trong lĩnh vực công
nghiệp, cải tổ và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong vấn
đề quản lý, vay vốn, thông tin, chuyển giao công nghệ…
3. Con người – yếu tố làm nên thành công
Sau nhiều cuộc chiến tranh, Hàn Quốc bắt tay vào kiến tạo nền kinh tế từ con số
không. Ở đất nước này không hề có tài nguyên thiên nhiên nào đặc biệt, nhưng họ có
con người – những con người đặc biệt. Các khuôn phép của Khổng Tử về đẳng cấp xã
hội và thứ bậc trong gia đình có cội rễ trừ Trung Quốc, nhưng có lẽ những quy định
nghiêm khắc nhất của trật tự “Quân – Sư – Phụ” đó lại được thiết lập tại xứ sở kim chi.
Trong những năm 1960, khi đất nước còn bị xếp sau Ghana về mức nghèo đói,
hay những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng tài chính làm điêu đứng cả châu Á, chính
phủ Hàn Quốc vẫn kiên trì kêu gọi, tuyên truyền và khuyến khích toàn dân hãy làm
mọi cách để phát triển nền kinh tế quốc dân. Dần dần, ý thức đó dường như đã ăn sâu
vào máu thịt của mỗi người dân Hàn Quốc.
Nhân công giá rẻ cộng với sự kiểm soát chặt chẽ từ phía nhà nước đã tạo nên
những điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ về Hàn Quốc, đồng thời
tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng bứt phá sau cuộc khủng hoảng.
4. Ưu đãi lớn dành cho doanh nghiệp nhỏ

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc luôn đưa ra nhiều ưu đãi khác nhau cho nhân
viên của mình, và để đáp lại điều đó, nhân viên Hàn Quốc cũng rất trung thành với
công ty nơi mình làm việc. Không chỉ ở Hàn Quốc mà ở nhiều nước châu Á khác,
người ta coi làm việc cả đời ở một công ty duy nhất là một điều rất đáng tự hào.
Ở cấp nhà nước, những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ cũng được quan tâm
đặc biệt. Doanh nghiệp nhỏ có thể nhận được những khoản vay ưu đãi (nhiều nhất là 8
năm với lãi suất thấp hơn lãi suất vay ngân hàng từ 2,5 – 3%), được giúp đỡ để thiết
lập và đưa vào vận hành những công nghệ mới, hay cấp thêm vốn lưu động. Các tập
đoàn lớn cũng đề ra nhiều chương trình hỗ trợ tài chính dành cho các doanh nghiệp
nhỏ như:
-

Cho vay dài hạn nhằm mục đích tái tổ chức bộ máy (mở rộng các quỹ của
công ty, mua thêm thiết bị hay bất động sản…).
-

Hỗ trợ không hoàn lại (để điều hành sản xuất, quản lý hệ thống bán hàng và
phát triển công nghệ).
-

Cho vay để kinh doanh (dành cho những doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn
trong việc vay vốn ở các ngân hàng thương mại vì nguyên nhân chỉ số quay vòng vốn
thấp).
5. Chất lượng và công nghệ tiên tiến luôn được chú trọng

Các nhà xuất khẩu là doanh nghiệp nhỏ luôn nhận được sự hỗ trợ tài chính
trong quá trình chuyển đổi và cải tiến chất lượng cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế,
và chính phủ đã dành gần 700 triệu USD cho mục tiêu này. Nhiều trung tâm cấp nhà
nước đã tham gia nghiên cứu, soạn thảo và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản
xuất của doanh nghiệp nhỏ. Có khoảng 20% nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ

là hỗ trợ không hoàn lại nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp này cải tổ bộ
máy và ứng dụng công nghệ mới.

Để lắp ráp một chiếc điện thoại người ta cần hơn 800 chi tiết, chưa kể còn phải
cài đặt những chương trình khá phức tạp. “Lắp ráp” các doanh nghiệp nhỏ lại với nhau
tất nhiên còn khó khăn hơn thế. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã làm được điều này – và chỉ
sau 20 năm, đất nước này đã vươn lên từ đống đổ nát của chiến tranh và tạo ra “sự
thần kỳ châu Á”. Và trong thành công đó, vai trò của doanh nghiệp nhỏ là không thể
phủ nhận.


×