Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Văn hóa báo điện tử hiện nay và việc nâng cao tính định hướng giáo dục của báo điện tử đối với giới trẻ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (81.77 KB, 9 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2013, Vol. 58, No. 6B, pp. 159-167
This paper is available online at

VĂN HÓA BÁO ĐIỆN TỬ HIỆN NAY VÀ VIỆC NÂNG CAO
TÍNH ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC CỦA BÁO ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ

Phạm Thị Thùy Linh
Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Bài báo tập trung vào hai vấn đề chính: Thực trạng đáng báo động của
“văn hóa báo điện tử” ở nước ta trong những năm gần đây. Qua kết quả thống kê
khảo sát và thăm dò ý kiến, người viết đưa ra những đánh giá về tình trạng “lá cải
hóa” của một số các tờ báo mạng hiện nay. Từ thực trạng đó, báo cáo lí giải nguyên
nhân và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao tính định hướng, tính giáo dục của
báo điện tử, đặc biệt là đối với giới trẻ, để báo điện tử thực sự trở thành một kênh
thông tin hữu ích.
Từ khóa: Văn hóa, báo điện tử, giới trẻ, tính định hướng, giáo dục.

1. Mở đầu
1. Một thập kỉ qua, hạ tầng internet Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Theo
báo cáo toàn cảnh 15 năm của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đến tháng 9/2012, số
lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt trên 31 triệu, chiếm 35,49% dân số. Còn
theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7/2012, Việt Nam đã có trên 16 triệu
thuê bao 3G. Một thống kê khác cho thấy, hiện thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam
đã lên tới con số trên 127 triệu, trong đó, tỉ lệ điện thoại thông minh chiếm 16%, 38% số
người sử dụng điện thoại để lướt web. Với xu hướng hội tụ công nghệ theo hướng di động
diễn ra rộng khắp, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc trải nghiệm tin tức trên các
thiết bị di động sẽ dần thể hiện ưu thế hơn so với máy tính.
Trong Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng
bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tính đến tháng 3 - 2012, trong lĩnh vực thông tin
điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang thông tin


điện tử tổng hợp, gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đây là những con số đáng
mừng đối với độc giả trong thời đại công nghệ thông tin, khi mà chỉ cần vài cú nhấp chuột
Ngày nhận bài 11/5/2013. Ngày nhận đăng 25/08/2013.
Liên lạc Phạm Thị Thùy Linh, e-mail:

159


Phạm Thị Thùy Linh

là có thể nắm được những thông tin “hot” nhất, tường tận nhất về mọi vấn đề trong cuộc
sống, từ kinh tế, chính trị, văn hóa trong nước đến nước ngoài, rồi đời tư của những người
nổi tiếng, rồi ăn gì, chơi gì, xem gì, ở đâu .v.v. và v.v.
2. Việc sử dụng Internet đối với người Việt Nam nói chung và đặc biệt là giới trẻ
nói riêng, gần như đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Chúng tôi đã tiến hành một khảo sát nhỏ
trên hơn 500 học sinh, sinh viên của một số Trường THPT, Đại học trên địa bàn quận Cầu
Giấy - Hà Nội về mục đích và mức độ sử dụng internet của các em. Kết quả là: Số người sử
dụng Internet hơn 4 giờ đồng hồ/ngày chiếm 32%, số người “một ngày không vào internet
khoảng 30 phút là không chịu nổi” chiếm 56%, số người “chỉ thỉnh thoảng vào internet
lúc rảnh rỗi” chỉ chiếm 12%. Mục đích của việc truy cập internet đương nhiên vô cùng
phong phú: 92% truy cập internet để đọc tin tức, 90% để lang thang trên các mạng xã hội,
90% để tìm kiếm thông tin, 88% để nghe nhạc, chơi game, 71% để phục vụ công việc,
học tập, nghiên cứu. . .
3. Hạ tầng internet cũng như sự phát triển mạnh mẽ của báo chí truyền thông điện
tử chính là sự khởi sắc của thời đại công nghệ truyền thông, là kết quả tất yếu của xu thế
phát triển và hội nhập. Giới trẻ - đối tượng nhạy bén nhất với cái mới, cái hiện đại lại đang
là “khách hàng tiềm năng”, chiếm “thị phần” rộng lớn nhất của thị trường báo chí điện tử.
Đó là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là: nếu báo chí điện tử không
làm tốt chức năng văn hóa thông tin, không làm tốt sứ mệnh định hướng, giáo dục cho
giới trẻ thì hậu quả sẽ khó lường biết chừng nào.

Và thực tế đã và đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi lớn: Truyền thông nói
chung, báo điện tử nói riêng đang viết gì? Viết cho ai? Và viết như thế nào? Giới trẻ đang
đọc gì? Những thông tin ấy ảnh hưởng như thế nào đến tâm tư, tình cảm, và cao hơn là lí
tưởng của họ? Làm thế nào để nâng cao tính định hướng của báo điện tử đối với giới trẻ
trong thời đại của thông tin, thời đại của công nghệ số hiện nay?...

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thực trạng văn hóa báo điện tử hiện nay và tác động của kênh thông
tin báo điện tử đến giới trẻ
2.1.1. Về khái niệm văn hóa báo chí
Tính từ thời điểm tháng 2/1998 - khi tờ Quê hương - cơ quan của Ủy ban người Việt
Nam ở nước ngoài được đưa lên internet và trở thành tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt nam,
đến nay, hành trình của báo điện tử đã tiến những bước xa. Sự tích hợp của công nghệ,
internet và các ưu thế của báo chí truyền thống đã khiến cho báo điện tử ngày càng chứng
tỏ được sức hấp dẫn và sự ưu việt của mình. Tuy nhiên, những báo động đỏ về văn hóa báo
điện tử hiện nay khiến chúng ta lo ngại. Vậy “văn hóa báo chí” là gì? Nhiều nhà nghiên
cứu đã gặp nhau ở quan điểm: Báo chí là thông điệp văn hóa. Văn hóa ở đây là nền tảng
tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của phát triển. Nhà báo là người truyền thông
160


Văn hóa báo điện tử hiện nay và việc nâng cao tính định hướng giáo dục

điệp đến công chúng bằng phương tiện truyền thông. Vì thế, thông điệp báo chí có thể cao
quý, nhân văn, phục vụ lợi ích cộng đồng, cũng có thể dung tục, phi văn hóa, phi đạo đức,
phục vụ lợi ích và tham vọng của một nhóm người trong xã hội. Như vậy, muốn báo chí
là một thông điệp văn hóa thì trước hết nhà báo phải là một nhà văn hóa. Tố chất văn hóa
của nhà báo trước hết thể hiện ở đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo phải là người có phông
văn hóa cao, tôn trọng luật pháp, tôn trọng các quy ước và giá trị truyền thống của cộng
đồng, có cái tâm trong sáng, có tinh thần trách nhiệm khi tác nghiệp. Tố chất văn hóa của

nhà báo sau cùng thể hiện ở hiệu quả xã hội của tác phẩm báo chí, ở những cống hiến của
nhà báo trong sự nghiệp của mình. Nói cách khác - nói văn hóa báo chí là nói đến văn
hóa của nhà báo, là nói đến cách cư xử có văn hóa của nhà báo đối với các vấn đề xã hội,
với độc giả, với nhân vật, sự kiện trong tác phẩm và đối với chính bản thân người cầm bút
khi tác nghiệp. So với báo chí truyền thống, báo điện tử có những đặc thù riêng về tốc độ
xuất bản thông tin, đặc điểm thông tin, mức độ can thiệp của nhà báo vào quá trình xuất
bản. . . Người làm báo điện tử hiện nay bên cạnh những thuận lợi cũng gặp nhiều áp lực
hơn trong quá trình tác nghiệp - áp lực về số lượng tin bài, độ “hot” của tin bài, thậm chí
cao hơn là doanh thu, lợi nhuận của tòa soạn. . . Chính vì thế, vấn đề văn hóa báo điện tử
và tính định hướng giáo dục của báo điện tử đối với giới trẻ mới cần thiết được đặt ra và
cần được chung tay khắc phục.
2.1.2. Sứ mệnh của báo chí trong việc định hướng nhận thức cho giới trẻ
Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng, truyền tải những thông tin thời sự
đến với đông đảo công chúng. Đặc điểm nổi bật của báo chí chính là tính công khai và sự
lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp. Báo chí hấp dẫn bởi tính thời sự. Từng ngày, từng giờ,
thậm chí từng giây, những thông tin nóng bỏng từ mọi lĩnh vực - kinh tế, văn hóa, chính
trị, giải trí. . . trong nước và thế giới đang được báo chí phản ánh, phân tích, bình luận.
Độc giả tìm đến báo chí là tìm đến thông tin và đương nhiên những thông tin mang tính
thời sự là những thông tin hấp dẫn nhất. Chính những thông tin thời sự đã làm nên vai trò
và sức mạnh khủng khiếp của báo chí trong đời sống xã hội. Trong thời đại hội nhập toàn
cầu mà “thông tin là vũ khí” như hiện nay, rõ ràng báo chí đã góp phần mở rộng tầm nhìn
cho công chúng, liên kết xã hội, tác động mãnh liệt vào số đông bằng chính tính chất thời
sự nóng bỏng và chân thực.
Vấn đề đặt ra cho mỗi nhà báo vẫn là những câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ
cũ - đó là là viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào? Làm thế nào để xử lí những thông
tin trước khi đưa lên mặt báo một cách nhanh nhất, chính xác nhất nhưng phải mang tính
định hướng dư luận xã hội tốt nhất. Nhà báo luôn cần sự nhạy cảm trong tất cả các lĩnh
vực hoạt động của xã hội. Sự nhạy cảm của các nhà báo chính là cách xử lí thông tin, điều
này phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nhận thức xã hội và
kinh nghiệm.

Với đối tượng bạn đọc là giới trẻ (Khái niệm “giới trẻ” được sử dụng nhiều gần đây
và cũng chưa có một khái niệm và cơ sở chuẩn. Ở đây xin hiểu là lứa tuổi thanh thiếu
161


Phạm Thị Thùy Linh

niên từ 15 - 24 tuổi, tức là lứa tuổi bắt đầu vào THPT cho đến tốt nghiệp đại học), chúng
ta không thể mong tất cả họ đều có nền tảng nhận thức, tư tưởng vững vàng. Thực tế là
có một bộ phận không nhỏ trong số họ thiếu một nền tảng vững chắc về tri thức và nhân
cách. Khi đó, thứ lôi kéo họ dễ dàng nhất lại chính là những sản phẩm văn hóa phẩm độc
hại, rẻ tiền, những trang báo điện tử lá cải chỉ tập trung vào mục đích giải trí vô bổ, thậm
chí là nguy hại. Tính định hướng dư luận, định hướng xã hội, định hướng nhận thức tư duy
của báo chí lúc này quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta mong các bạn trẻ nghĩ gì khi
trên các trang mạng điện tử liên tục cập nhật những thông tin vè “lộ hàng”, lộ “ảnh nóng”,
“bom sex”, “hàng khủng”; rồi cô A, chị B bị bạn trai cũ tung clip sex lên mạng, hay nữ
ca sĩ A, diễn viên B mặc váy tiền nghìn đô, đeo đồng hồ tiền tỉ? Chúng ta mong các bạn
trẻ nghĩ gì khi các tin tức về các vụ giết người man rợ, các vụ bạo lực học đường mà thủ
phạm và nạn nhân đều là các bạn trẻ được cập nhật lên báo điện tử hàng ngày, tin sau li kì
hơn tin trước, vụ sau tinh vi hơn vụ trước? Chúng ta mong các bạn trẻ nghĩ gì khi báo chí
mỗi ngày như đang cổ súy cho lối sống thực dụng của những “hot girl” chân dài cặp với
đại gia để thăng tiến, những cuộc thi sắc đẹp, tài năng mà kết quả đã được sắp đặt trước
bởi những thế lực ngầm?... Rõ ràng, nếu báo chí không làm tốt tính định hướng giáo dục
thì hiện tượng “thế hệ mất mát”, “lỗi thế hệ” (cụm từ sử dụng trên các diễn đàn hiện nay
để chỉ một thế hệ trẻ đang mất dần niềm tin vào cuộc sống) sẽ ngày càng trầm trọng.
2.1.3. Văn hóa báo điện tử đang ở tình trạng đáng báo động
Khảo sát nhỏ của chúng tôi [6] cho thấy, giới trẻ không thường xuyên truy cập vào
các trang báo điện tử chính thống như dangcongsan.vn, nhandan.org, hay thậm chí là các
trang phổ biến hơn như vnexpress.net, dantri.com, vietnamnet.vn. . . Có lẽ các bạn trẻ cho
rằng các thông tin ở đó thích hợp với ông bà, bố mẹ, thầy cô của mình hơn chăng? Các

bạn trẻ xem thông tin ở các trang báo điện tử khác nhau nhưng thông tin ở các trang này
đa phần là xào xáo lại của các trang khác, thay đổi ngôn ngữ cho “teen” hơn, hấp dẫn các
bạn trẻ hơn, tập trung vào các vấn đề giới trẻ quan tâm như đời sống người nổi tiếng, cách
làm đẹp, chia sẻ chuyện tình cảm tuổi ô-mai. . . Trong hàng trăm, hàng ngàn những trang
thông tin điện tử này, những trang nào được cấp phép, được kiểm định về thông tin - câu
hỏi này dành cho các nhà quản lí. Song nhìn chung, theo thống kê và khảo sát của chúng
tôi, báo điện tử hiện nay đang tồn tại những vấn đề sau:
a. Tình trạng đưa thông tin thất thiệt, gây mất lòng tin của độc giả vào nhân cách
của người làm báo, uy thế của báo điện tử
Đây là một vấn nạn lớn mà trong Hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức nghề báo
trong khai thác và xử lí nguồn tin” tại Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông Đỗ Quý Doãn đã tổng kết: 5% báo chí đưa tin sai đã gây cho bức xúc cho xã hội [2].
Điển hình gần đây nhất có lẽ là vụ “tác nghiệp” bằng trí tưởng tượng của nhà báo C.T trên
báo điện tử VOV với bài viết có cái tít khá giật gân: Bố chồng hư đốn với nàng dâu, phải
đi viện. Tác giả C.T đã kể một câu chuyện rất sinh động về mối quan hệ vụng trộm sai trái
của bố chồng và nàng dâu ở Tiền Giang với sự xác nhận thông tin của ông Tạ Văn Trầm
162


Văn hóa báo điện tử hiện nay và việc nâng cao tính định hướng giáo dục

(Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang) một cách rất chuyên nghiệp.
Ngòi bút của nhà báo C.T sắc xảo đến độ nhân dân xã Tân Trung, huyện Gò Công, tỉnh
Tiền Giang (nơi xảy ra sự việc) xôn xao vì họ không hiểu chuyện này xảy ra ở đâu, ông A
kia là ai mà “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ lại thông” như thế. Đến khi lực lượng chức năng
Tiền Giang vào cuộc thì mới hay toàn bộ bài báo kia chỉ là “tin vịt”, là sản phẩm của việc
“nghe hơi nồi chõ”. Điều đáng bàn là khi bài báo của phóng viên C.T còn chưa ráo mực
thì lại có thêm một bài báo khác của trang infornet “bồi” thêm một cú ấn tượng: Hàng
xóm kể chuyện “giải cứu” bố chồng dính chặt con dâu với những tình tiết chân thực không
kém. Chuyện vỡ lở, VOV buộc phải đưa ra lời xin lỗi và kỉ luật thích đáng với phóng viên

C.T. Nhưng lòng tin của người đọc, nhất là người đọc trẻ vào đội ngũ nhà báo hiện nay những người mang sứ mệnh truyền đạt sự chân thực của cuộc sống đến với độc giả - thì
có lời xin lỗi nào kéo lại được?
Còn khá nhiều vụ việc về tính thiếu chân thực của thông tin trên báo điện tử vừa
qua đã bị “bóc mẽ”. Chẳng hạn như bài báo “Tôi chỉ mong con chết hết để lên chùa” về
cụ bà 83 tuổi Phạm Thị Đào đã lấy được biết bao là nước mắt thương cảm của người đọc
và không ít sự giúp đỡ bằng vật chất của các tấm lòng hảo tâm. Nhưng sau đó, chính trang
báo này đã phải đăng tin đính chính vì thông tin một chiều, chủ quan, thiếu sự kiểm chứng
của bài báo. Bà cụ kể khổ như đọc thơ kia thực ra là người từng có tiền án tiền sự, buôn
ma túy, gây rối trật tự, lấn chiếm đất công... Độc giả đã rất bất bình vì cho rằng lòng tốt
của mình bị “đánh lừa”. Lỗi này hoàn toàn là do sự thiếu cẩn trọng khi tác nghiệp của nhà
báo và bộ phận biên tập, quản lí.
Trên các diễn đàn của giới trẻ, những vụ việc này được bàn tán rất nhiều, chủ yếu
xoay quanh đạo đức và nhân cách của nhà báo hiện nay. Điều đáng lo ngại là phần lớn các
bạn trẻ cho rằng báo điện tử là báo “lá cải”, nên không mấy ngạc nhiên khi có những tin
bài như vậy. Rõ ràng, 5% thông tin sai kia giống như “con sâu làm rầu nồi canh”, làm hạ
thấp uy tín và vai trò của báo chí, gây hoang mang trong dư luận về tính chân thực của
báo chí và tư cách đạo đức của người làm báo.
b. Quá nhiều tin bài giải trí, thiếu các bài viết mang tính định hướng nhân cách,
lối sống, đạo đức lành mạnh cho giới trẻ. Nhiều thông tin, hình ảnh phản cảm, không phù
hợp với thuần phong mỹ tục
Chúng ta không phủ nhận nhu cầu giải trí là nhu cầu chính đáng của độc giả khi
tìm đến các trang thông tin điện tử. Nhưng liều lượng các tin bài giải trí như thế nào là đủ,
và khai thác các tin bài giải trí như thế nào để không trở thành nhạt nhẽo, rẻ tiền lại đòi
hỏi nhiều nỗ lực từ phía ban biên tập và người làm báo. Lướt qua các trang báo điện tử có
tên tuổi hiện nay, các tin bài có lượng truy cập lớn nhất, lượng tin nhiều nhất chính là mục
giải trí. Tuy nhiên, các bài viết về một chủ đề được cập nhật liên tục tạo thành các trào
lưu không lành mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhận thức của giới trẻ. Chẳng hạn như trào lưu
hóa trang chết chóc máu me rùng rợn trong ngày lễ Hallowen, trào lưu lên mạng xã hội
chửi mắng người thân; trào lưu khoe của rồi đến khoe. . . thân của các kiều nữ nhà giàu;
163



Phạm Thị Thùy Linh

rồi trào lưu diện đồ hiệu bạc tỉ của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu; trào lưu rao bán “cái
ngàn vàng” của thiếu nữ; hay trào lưu “xõa” của đám cậu ấm cô chiêu thành thị (xõa là từ
mới được giới trẻ dùng nhiều để chỉ việc chơi hết mình, buông thả, xả hơi sau một kì thi
hoặc sau một thời gian bị o ép. . . ). Những thông tin ăn chơi trác táng và phóng túng này
lấn át cả những gương người tốt việc tốt, những tin tức văn hóa thú vị hay những thú chơi
tao nhã cần được nâng niu trong đời sống thường ngày.
Bên cạnh đó, báo điện tử hiện nay quá thừa các hình ảnh phản cảm, hở hang, nhạy
cảm; những câu chuyện giường chiếu riêng tư vốn chỉ để “thì thầm bên gối”, những phong
cách sống buông thả, thực dụng, xa hoa của những người nổi tiếng. Khi đưa những thông
tin này lên mặt báo, những người làm báo có nghĩ đến tác dụng phụ của nó đến con cháu
mình và thế hệ tương lai?
c. Khai thác thông tin về các vấn đề bạo lực, tình cảm, đời tư cá nhân với liều lượng
không hợp lí, gây hoang mang dư luận, tạo nên những trào lưu tiêu cực trong giới trẻ
Khi chúng tôi tiến hành khảo sát của mình, có 26% các bạn trẻ cho rằng báo điện
tử đăng quá nhiều thông tin về “cướp, hiếp, giết”, 20% cho rằng các thông tin về hot girl,
tình dục, “lộ hàng”. . . nên giảm bớt. Con số này quá nhỏ bé so với con số 87% các bạn
trẻ chỉ quan tâm đến các tin bài ở mục “Giải trí”, “Chuyện của sao”, “Tâm sự bạn trẻ”,
“Chuyện lạ”. . . và 69% hiếm khi đọc tin bài ở mục “Kinh doanh”, “Chính trị”, “Tấm lòng
nhân ái”. . . Đừng vội trách các em non kém về phông nền văn hóa, tầm tư duy, đơn giản
vì các em còn trẻ, thích sự sôi nổi, trẻ trung, các em thích người nổi tiếng này, mê ngôi sao
nọ là chuyện dễ hiểu, trong khi kênh tiếp nhận tri thức ngoài nhà trường rộng mở nhất của
các em là truyền thông báo chí lại đầy rẫy các thông tin “hot” trong lĩnh vực mà các em
thích. Điều đáng lo ngại là các thông tin đầy tính bạo lực hoặc chủ đề nhạy cảm được tung
lên với liều lượng quá nhiều, quá dày, dẫn đến tình trạng làm các em lạc lối, trở nên vô
cảm hoặc hung hăng, “dị dạng” trong nhân cách. Các em nhầm tưởng các hiện tượng báo
chí quan tâm là thứ được cổ súy, là thời thượng, là cách nên học theo để thể hiện mình.

Bài học đau đớn nhất cho báo chí truyền thông trong vấn đề này chính là vụ án của
Lê Tuấn Anh xảy ra vào ngày 11/8 tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
Kẻ tội đồ 16 tuổi đã hãm hiếp, giết hại nạn nhân 17 tuổi Nguyễn Thị Bích Ngọc rồi ném
xác xuống sông phi tang, thừa nhận một câu khiến chúng ta phải giật mình suy ngẫm:
“Cháu có họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì đấy giống anh
ấy”. Từ việc các báo đưa tin quá sâu, quá chi tiết về vụ án giết người dã man của Lê Văn
Luyện, đưa kẻ giết người máu lạnh trở thành một “ngôi sao”, một “người hùng” được nhắc
đến mọi lúc, mọi nơi, đã vô tình dẫn đến những nhận thức sai về hành vi của một bộ phận
giới trẻ. Chính chúng ta cũng cảm thấy hoang mang với thực trạng u ám, bất an của xã hội
khi mà hàng ngày vào các trang thông tin điện tử, thấy nhan nhản các tít bài đọc lên đã đủ
sởn da gà. Vậy thì khi con số tội phạm trong tuổi vị thành niên ngày càng tăng cao, chúng
ta trách các em - những người chưa phát triển đầy đủ, chín chắn về hành vi và nhân cách
trước, hay trách những cơ quan ngôn luận với sứ mệnh định hướng dư luận, giáo dục tư
164


Văn hóa báo điện tử hiện nay và việc nâng cao tính định hướng giáo dục

tưởng trước?
d. Tình trạng đặt những tít bài giật gân, câu khách tràn lan, gây nhiễu loạn kênh
tiếp nhận của người đọc, làm giảm uy thế của hoạt động báo chí
Tình trạng này đã được nói đến rất nhiều trong các Hội thảo, các bài báo, các báo
cáo tổng kết của ngành báo chí truyền thông. Nhiều trang báo cũng đã bị “thổi còi” nhưng
tình hình vẫn không được cải thiện mà còn có chiều hướng tăng mạnh trong những năm
gần đây. Không chỉ những trang báo điện tử không tên tuổi mà ngay cả những trang mạng
đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc cũng chạy theo xu hướng này. Điểm qua một số trang,
hàng loạt tít “câu khách” kiểu: MC truyền hình ngất ngây vì vòng một của Halle Berry, Em
gái cô Kim “nảy nở” không kém chị, Thủy Top muốn thoát khỏi biệt danh ngực khủng. . .
Còn trên một số trang tin điện tử khác thì những tít bài kiểu này xuất hiện như một sự
khoe thành tích, đua thành tích giữa các trang. Đây là Amber Heard khoe thân sau cuộc

tình buồn, Thác loạn đêm của hot girl Hà Thành, kia là Ảnh "nóng" của hot girl Sam Kelly bất ngờ bị tung lên mạng, Chủ tịch xã bị tố vào nhà nghỉ với thủ quỹ, Người tình
tin đồn của Justin Bieber sexy với nội y hồng v.v. và v.v. . . Có thể ở một khía cạnh nào
đó, những tít bài giật gân, khơi gợi trí tò mò của người đọc như thế này đã và đang mang
đến cho các trang báo kia lượng truy cập lớn, nhưng chắc chắn về lâu dài, những thông tin
giải trí hời hợt, dễ dãi ấy không thể giữ chân những độc giả khó tính, đấy là chưa kể việc
những thông tin này gián tiếp làm nhiễu loạn sự đánh giá của người đọc về thực trạng xã
hội, diện mạo đời sống, gián tiếp tạo thành những trào lưu dị hợm, phóng túng, kệch cỡm
trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

2.2. Những đề xuất nhằm nâng cao tính định hướng của báo chí nói chung
và báo điện tử nói riêng đối với giới trẻ
2.2.1. Về phía các cơ quan báo chí và quản lí hoạt động báo chí
Trong những năm qua, các cơ quan quản lí báo chí đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh
tình trạng xô bồ của văn hóa báo điện tử, tuy nhiên kết quả thu được chưa như mong đợi.
Các cơ quan quản lí hoạt động báo chí cần quán triệt cụ thể hơn nữa tinh thần của Nghị
quyết Hội nghị Báo chí toàn quốc qua các thời kì: Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập
viên đủ năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị đảm đương nhiệm vụ. Bám sát định
hướng tuyên truyền của các cơ quan lãnh đạo và quản lý, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích
đã được nêu trong giấy phép, nêu cao tinh thần chủ động, nhạy bén trong việc thực hiện
nhiệm vụ chính trị, luôn đặt lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân, đặc biệt là quan tâm đến
những người lao động bình thường, bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa. Phát hiện, cổ vũ
những nhân tố mới, tích cực chống tham nhũng lãng phí, chống diễn biến hoà bình, phản
bác thông tin sai trái, tăng cường giám sát và phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các
chủ trương chính sách của đảng, nhà nước. Đồng thời chú trọng triển khai các giải pháp
mang tính sáng tạo nhằm đổi mới nội dung, hình thức, phát triển kinh tế báo chí trong
khuôn khổ pháp luật, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ những người làm
165


Phạm Thị Thùy Linh


báo [3]. Riêng trong lĩnh vực báo điện tử, cần có sự giám sát chặt chẽ, xử lí nghiêm minh
các trang báo vi phạm để thanh lọc lại hệ thống báo điện tử; rà soát lại và ngưng cấp phép
với các trang báo hoạt động không hiệu quả, đảm bảo cung cấp đến cho độc giả những
thông tin báo chí đúng nghĩa nhất
2.2.2. Về phía đội ngũ những người làm báo
Hơn ai hết, những người trực tiếp làm báo là người quyết định chất lượng của thông
tin đến với độc giả. Nói “nhà báo - nhà văn hóa” là nói đến tố chất văn hóa nơi người làm
báo. Trong công việc, tố chất văn hóa người làm báo thể hiện trước hết bằng đạo đức nghề
nghiệp. Không có tinh thần trách nhiệm, không có cái tâm trong sáng thì người làm báo
không thể làm chủ được ngòi bút của mình. Đằng sau mỗi dòng tin là một số phận. Đằng
sau mỗi nhân vật là một cuộc đời, là gia đình, người thân, là danh dự, nhân phẩm. Tác
phẩm của nhà báo có thể là sự nâng đỡ, động viên, “lăng-xê” đúng lúc, nhưng cũng có thể
là mũi dao, là định kiến hủy hoại tất cả. Vì vậy, hơn bao giờ hết, người làm báo phải trang
bị cho mình bản lĩnh vững vàng, tâm hồn trong sáng, trái tim biết chia sẻ yêu thương. Bên
cạnh đó, nhà báo hiện đại cần không ngừng trang bị cho mình những kiến thức mới, nâng
cao năng lực chuyên môn để mỗi sản phẩm báo chí ra đời thực sự là một “thông điệp văn
hóa” cho nhân loại. Nói như nhà báo Trần Hữu Quang: “làm báo không chỉ là một nghề,
mà còn là một sứ mệnh. Bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó mà tồn tại vì xã hội
và cho xã hội” [4].
2.2.3. Đối với bạn đọc nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng
Những độc giả có tri thức cần có thái độ rõ ràng trên tinh thần xây dựng đối với các
sản phẩm báo chí, góp phần cùng với nhà báo tạo dư luận và định hướng dư luận tốt cho
xã hội. Độc giả trẻ cần tự trau dồi “văn hóa đọc” để có thể tự mình lựa chọn những thông
tin hữu ích, sàng lọc những “tin rác”, “tin bẩn” ra khỏi kênh tiếp nhận của mình. Hiện
nay, mỗi trang báo điện tử đều có chức năng bình luận trực tiếp dưới mỗi tin bài, hãy là
một người đọc thông minh để cùng nhau chia sẻ những cảm xúc, hiểu biết khi gặp một
bài viết có ích, đồng thời lên án, tẩy chay những tin bài thất thiệt, vô bổ, lệch chuẩn. Độc
giả nói chung, độc giả trẻ nói riêng chính là “khách hàng” của truyền thông điện tử. Hãy
là những “khách hàng thông minh”, “khách hàng cao cấp” để báo chí truyền thông điện

tử phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh thần thái độ phục vụ, từ đó nâng
cao chất lượng của báo chí truyền thông điện tử hiện nay.

3. Kết luận
Trên đây là một số phác dựng cơ bản về thực trạng của báo chí điện tử hiện nay dưới
góc nhìn văn hóa và một số giải pháp mang tính hệ thống có khả năng thực thi trong bối
cảnh hiện thời theo ý kiến của người viết nhằm nâng cao tính giáo dục thế hệ trẻ thông
qua kênh thông tin này. Hi vọng những vấn đề đặt ra nêu trên sẽ tiếp tục được khai thác
thêm, nhìn nhận sâu hơn dưới nhiều góc độ khác nữa để mong có cái nhìn toàn diện nhất
166


Văn hóa báo điện tử hiện nay và việc nâng cao tính định hướng giáo dục

về vị trí, vai trò của nó, phát huy tối đa những lợi thế sẵn có của loại hình báo chí này
trong xu thế hội tụ công nghệ theo hướng di động hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Quý Doãn, 2011. Toàn văn Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011.
[2] Đỗ Quý Doãn, tháng 10/2012. Báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức
nghề báo trong khai thác và xử lí nguồn tin”. Hà Nội.
[3] Đinh Thế Huynh, 2011. Toàn văn phát biểu tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc năm
2011.
[4] Nhiều tác giả, 2009. Nhà báo viết về nghề báo. Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
[5] Vương Hà - Hồng Ngọc, 2012. Báo chí: Từng dòng hãy vì Tổ quốc, Nhân dân.
/>[6] Tác giả, 2013. Phiếu khảo sát đề tài khoa học ""Văn hóa báo điện tử hiện nay và việc
nâng cao tính định hướng giáo dục của báo điện tử đối với giới trẻ". Đại học Sư phạm
Hà Nội.
ABSTRACT
The culture of the electronic newspaper
and the attraction young people have for electronic newspapers

This report focuses on two issues. First: News transmitted via the Internet has
become extremely popular in Vietnam in recent years. Through the results of statistical
surveys and polls, the writer wants to give an assessment of the status of the "tabloids" of
most online newspapers today, from the easy, run to tastes that have "shock headlines" and
attract "views" to those running after profits, violating ethics and giving false information
to harm the prestige and honor of the Vietnamese people. In particular, this report
emphasizes that many people are losing faith in online newspapers, and many young
people have been negatively affected by the lack of information that is spreading daily and
hourly with high speed on the internet. This report will explain the cause and recommend
ways to improve the orientation of the electronic media, especially that which appeals
to young people, so that it can become an information channel that is properly used by
responsible authorities.

167



×