Tải bản đầy đủ (.docx) (106 trang)

Hành vi hung tính ở trẻ em đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (682.19 KB, 106 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

Tạ Minh Đức

HÀNH VI GÂY HẤN CỦA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ

Hà Nội, 2020



BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

Tạ Minh Đức

HÀNH VI GÂY HẤN CỦA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành : Tâm lí học (Tâm lí học trường học)
Mã số

: 8310401

Người hướng dẫn KH: TS. NGUYỄN THỊ HẢI THIỆN


Hà Nội, 2020


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam kết đây chính là công trình nghiên cứu do tôi thực hiện dưới sự
hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn là TS. Nguyễn Thị Hải Thiện. Tất cả các nội dung
được đề cập đến trong đề tài này đều trung thực và chưa từng được công bố trong
bất kì công trình nghiên cứu nào trước đây.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và hội đồng về kết quả
luận văn nếu phát hiện bất kì sự gian lận nào.
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2020
Tác giả

Tạ Minh Đức

4


LỜI CẢM ƠN

Tôi vô cùng biết ơn tất cả Quý Thầy Cô, Phòng Sau đại học, tất cả các cá
nhân và tập thể đã hỗ trợ tôi trong suốt tiến trình thực hiện luận văn. Nếu không
có sự nhiệt tình và tận tâm của tất cả, tôi đã không thể hoàn thành tâm huyết của
mình. Tôi xin dành sự tri ân cho tất cả ở đây.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy, quý cô Khoa tâm lý giáo dục - trường
Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tận tâm cung cấp kiến thức cho tôi trong suốt hai
năm học.
Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả quý thầy cô trong hội đồng chấm đề
cương vì đã hướng dẫn, tạo điều kiện để tôi hoàn thiện đề tài của mình trong bước

đầu đầy bỡ ngỡ.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám đốc Trung tâm Công tác xã hội giáo
dục dạy nghề thiếu niên thành phố Hồ Chí Minh, tập thể giáo viên và nhân viên
làm việc tại đây đã hỗ trợ tôi hết mình trong việc thu thập dữ liệu.
Tôi cũng xin gửi lời tri ân và cảm ơn đối với các trẻ đang sống tại trung tâm
đã mở lòng để tôi phỏng vấn và thực hiện khảo sát. Tôi rất mong được đồng hành
cùng các em trong tương lai.
Sau cùng, Tôi xin chân thành gởi lời tri ân sâu sắc nhất dành cho giáo viên
hướng dẫn, TS Nguyễn Thị Hải Thện. Cô luôn theo sát, hỗ trợ tôi bằng sự nhiệt
tâm trong tất cả các giai đoạn thực hiện luận văn. Nếu không có sự giúp đỡ quý
báu ấy, Tôi đã không thể hoàn thành luận văn này.
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2020

5


MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN
LỜI CẢM ƠN

6


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
Từ viết tắt
cs
PTSD
UNICEF


7

Nghĩa đầy đủ
Cộng sự
Căng thẳng hậu sang chấn
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc


DANH MỤC BẢNG

8


DANH MỤC BIỂU ĐỒ

9


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong nỗ lực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các cơ quan và các tổ chức đã phát
động chương trình năm hành động, tháng hành động vì trẻ em (2019). Tuy nhiên,
theo số liệu thống kê 2018 thì cả nước vẫn còn 22.000 trẻ em sinh sống trên
đường phố tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, thành phố du lịch và thành phố
Hồ Chí Minh ước tính có khoảng 1.500 trẻ em đường phố.
Trẻ em đường phố là một vấn đề xã hội vì nhóm trẻ này được xếp vào nhóm
trẻ có nguy cơ cao, các em dễ dàng trở thành nạn nhân của các loại tệ nạn xã hội:
buôn bán người, trộm cướp, móc túi, lao động sớm, lạm dụng tình dục, sử dụng và
vận chuyển chất gây nghiện, kích động và bị kích động bạo lực đường phố.... Để
đảm bảo có một nơi sống an toàn cho các em, chính quyền thành phố luôn tìm

cách tiếp cận và đưa các em vào sinh sống tại các mái ấm, nhà mở, các trung tâm.
Cho dù vậy, hậu quả để lại không nhỏ trên chính bản thân các em là những tổn
thương về thể chất cũng như tinh thần bao gồm các rối nhiễu tâm lí. Một trong
những hiện tượng đáng lo ngại vẫn luôn tồn tại từ quá trình sinh sống trên đường
phố là sự gây hấn.
Gây hấn là một dạng hành vi ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mỗi cá
nhân, của tổ chức và của toàn xã hội. Gây hấn có thể diễn ra ở mọi đối tượng, mọi
lứa tuổi và có thể xuất hiện ở bất cứ hoàn cảnh nào. Gây hấn (hay còn gọi là xâm
kích) được hiểu là hành vi có chủ ý, có ý thức nhằm gây tổn hại hoặc gây thương
tích cho người, vật, cho dù mục đích có đạt được hay không. Đó là loại hành vi vi
phạm các chuẩn mực xã hội ở khía cạnh pháp luật, đạo đức và tâm lí. Gây hấn còn
là hành vi có ý nghĩa đánh giá về mặt nhân cách xã hội của con người.
Hậu quả của hành vi gây hấn để lại cũng khá đa dạng, từ việc gây thương
tổn về mặt thể chất trên mỗi cá nhân đến những tổn hại về tinh thần cũng như cho
một nhóm, một tổ chức , cho công đồng xã hội. Hành vi gây hấn là một trong
những hành vi biểu hiện ra bên ngoài, cho thấy cá nhân đang rơi vào tình trạng
10


mất cân bằng về sức khỏe tâm lí, mất khả năng kiểm soát trong một thời điểm hay
nhiều hơn. Hành vi này thường gây ra sự bất ổn cho các mối quan hệ xã hội, gây
mất trật tự thậm chí có em trở thành tội phạm hình sự. Đây là cũng mối bận tâm
lớn nhất của thầy cô và các cán bộ quản lí của trung tâm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Đỗ Ngọc Phương cho thấy trẻ
đường phố đến từ hầu hết các tỉnh trên khắp cả nước từ Đồng Bằng sông Cửu
Long cho đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Kết quả nghiên
cứu cho thấy hơn 90% trẻ xuất thân từ các gia đình làm nghề nông, buôn bán nhỏ
và lao động chân tay. Do đó, các khó khăn kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến
tình trạng lang thang và mưu sinh trên đường phố của trẻ tại thành phố Hồ Chí
Minh. Nghiên cứu này cũng nhận thấy hầu hết trẻ đường phố đều phải làm việc và

đôi khi là làm các nghề mưu sinh không hợp pháp. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh
nghề nghiệp với nhau có thể dẫn đến hành vi phạm pháp như đánh nhau, thậm chí
là tổn thương sức khỏe cho người khác [10]. Điều này cho thấy gây hấn, bạo lực
xuất phát như là một phần trong cuộc sống thường ngày của trẻ đường phố.
Mặc dù hành vi gây hấn không có mã số chẩn đoán chuyên biệt nào trong cả
ICD-10 và DSM-V nhưng những hành vi và triệu chứng nằm rải rác trong các chẩn
đoán về: rối loạn cư xử, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn tăng động giảm chú
ý.
Sau một thời gian trải nghiệm tại phòng tham vấn tâm lí của các trung tâm
nuôi dưỡng trẻ đường phố, những lí do mà các thầy cô đưa trẻ xuống phòng tham
vấn tâm lí cũng thường là những hành vi bắt nạt, khiêu khích- thách thức bạo lực
bằng nhiều hình thức khác nhau cả lời nói và hành động, bỏ trốn bị bắt lại hoặc có
ý định bỏ trốn một mình hoặc khuấy động, rủ rê, lôi kéo các bạn khác cùng bỏ
trốn.
Ở góc độ nghiên cứu, đã có nhiều công trình tìm hiểu về hành vi gây hấn nói
chung, hành vi gây hấn ở trẻ em nói riêng, nhưng mới chủ yếu gắn với học đưòng
[8], còn chưa có nghiên cứu nào thực hiện trên trẻ đường phố.
11


Đặc biệt, sự việc đau buồn và nổi bật nhất tại trung tâm này xảy ra vào
tháng 2 năm 2017 một học viên sống trong trung tâm đã đánh chết bạn cùng khu
nhà của mình, chỉ vì bạn này không tuân thủ nội quy, không phục tùng. Theo các
bạn cùng phòng kể lại. Thường mỗi học viên mới vào sẽ phải chịu 3 cái
“Bas”( thuật ngữ riêng của trẻ sống trong trung tâm, nghĩa là 3 cái đá vào ngực
với tư thế quỳ gối đưa tay ra sau lưng) nếu chịu được sẽ được chính thức cho vào
nhóm mà không bị “ ăn hiếp”nữa và phải nghe lời người đứng đầu trong khu nhà.
Bạn học viên mới đã không phục tùng và sẵn sàng chịu thêm những cú đá khác,
sau đó dẫn đến tử vong. Đây là thực trạng đáng báo động cho thấy mức độ nghiêm
tọng về bạo lực nói chung cũng như gây hấn nói riêng trên đối tượng là nhóm trẻ

đường phố.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: “Hành vi gây hấn
của trẻ đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” để nghiên cứu. Đề tài
được thực hiện nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em
đường phố trong tương lai.
2. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực trạng hành vi gây hấn của trẻ đường
phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, luận văn đề xuất một số biện pháp nhằm
giảm thiểu hành vi gây hấn của nhóm trẻ này.
3. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Biểu hiện, mức độ hành vi gây hấn của trẻ đường phố trên địa bàn thành
phố Hồ Chí Minh.
3.2. Khách thể nghiên cứu
Nghiên cứu thực hiện trên các nhóm khách thể bao gồm:
- 93 trẻ vị thành niên (10 - 18 tuổi) đã từng sống lang thang, trên đường
phố tại thành phố Hồ Chí Minh.
- 8 giáo viên và nhân viên công tác xã hội làm việc với trẻ đường phố.
- 3 quản lý các trung tâm và tổ chức chăm sóc trẻ đường phố.
12


4. Giả thuyết khoa học
Đa số trẻ đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều có hành vi
gây hấn với những biểu hiện và mức độ khác nhau. Có sự khác biệt về biểu hiện,
mức độ hành vi gây hấn của trẻ đường phố theo các phương diện: tình trạng kết
nối với gia đình và tình trạng việc làm trước khi vào trung tâm, còn không có sự
khác biệt theo phương diện giới tính. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây
hấn của trẻ, trong đó, gia đình và nhóm bạn là những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hệ thống hóa một số vấn đề lí luận tâm lí học về hành vi gây hấn, đặc
điểm tâm lí của trẻ đường phố, hành vi gây hấn của trẻ đường phố, các yếu tố ảnh
hưởng đến thực trạng hành vi gây hấn của trẻ đường phố…để xây dựng cơ sở lí
luận cho đề tài.
- Khảo sát thực trạng hành vi gây hấn và các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi
gây hấn của trẻ đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Đề xuất một số biện pháp nhằm giảm thiểu hành vi gây hấn của trẻ đường
phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
6. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
6.1 Giới hạn đối tượng nghiên cứu
Hành vi gây hấn có nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Trong nghiên
cứu này, chúng tôi giới hạn hành vi gây hấn là hành vi có ý thức, có mục đích của
chủ thể, được thể hiện ra bên ngoài bằng lời nói, sự biểu cảm của gương mặt, các
động tác cơ thể với việc sử dụng hoặc không sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ
khác nhằm gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với người khác để đạt được một
số lợi ích nhất định với 4 biểu hiện cơ bản là gây hấn bằng ngôn ngữ, hành vi bộc
lộ, qua tương tác xã hội với bạn, qua tương tác với người lớn và xem xét các biểu
hiện đó theo 5 mức độ là không bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng, khá thường
xuyên, rất thường xuyên.
- Đề tài chỉ nghiên cứu biểu hiện hành vi hung tính của trẻ đường phố trong
thời gian ở trung tâm.
13


- Đề tài chỉ nghiên cứu khía cạnh tâm lý của hành vi hung tính chứ không
nghiên cứu khía cạnh sinh lý của hành vi này.
- Đề tài chỉ đề xuất biện pháp chứ không tổ chức thực nghiệm biện pháp.
6.2. Giới hạn khách thể nghiên cứu
Trong đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên cứu biểu hiện và mức độ hành
vi gây hấn của trẻ đường phố, nhưng chỉ trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Hầu hết

các trẻ này đều đã sống và học tập tại trung tâm nuôi dạy trên 6 tháng.
Ngoài ra các trẻ này không có vấn đề về sức khỏe tâm thần mạn tính như
tâm thần phân liệt, chậm phát triển trí tuệ. Các vấn đề này đã được đánh giá sàng
lọc bởi tâm lý gia.
6.3. Giới hạn địa bàn nghiên cứu
Trẻ đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khá đông về số lượng
và sống rải rác ở nhiều khu vực khác nhau trong thành phố. Tuy nhiên, trong
phạm vi đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên cứu 93 trẻ đang sinh sống trong
trung tâm công tác xã hội, giáo dục, dạy nghề thiếu niên thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, chúng tôi cũng chủ yếu tập trung nghiên cứu hành vi gây hấn của trẻ
đường phố trong mối quan hệ với giáo viên và bạn bè thuộc trung tâm này.
7. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng phối hợp một số phương pháp nghiên
cứu sau:
7.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Chúng tôi thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu, công trình nghiên cứu
trong và ngoài nước có liên quan đến hành vi gây hấn, trẻ đường phố, đặc điểm
tâm lí của trẻ đườn phố để xây dựng cơ sở lí luận cho đề tài.
7.2. Phương pháp trắc nghiệm
Chúng tôi sử dụng thang trắc nghiệm đánh giá hành vi trẻ em (Youth SelfReport – YSR.10-18 tuổi), trong đó, có đánh giá hành vi gây hấn. Trẻ đường phố
sẽ thực hiện trắc nghiệm YSR dưới sự hướng dẫn, giải thích của nghiên cứu viên.
14


7.3. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Chúng tôi sử dụng phương pháp này để thu thập thêm những thông tin cần
thiết từ nhóm khách thể trẻ đường phố mà trong trắc nghiệm đánh giá hành vi trẻ
em chưa thể hiện rõ nét.
Đồng thời, chúng tôi cũng sử dùn bảng hỏi để khảo sát các nhóm đối tượng
là giáo viên, nhân viên công tác xã hội phụ trách chăm sóc và dạy trẻ đường phố

tại các mái ấm, nhà mở và trung tâm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
7.4. Phương pháp quan sát
Chúng tôi tiến hành quan sát các hoạt động sinh hoạt nhóm và vui chơi tổ
chức cho trẻ đường phố tại mái ấm, trung tâm và nhà mở tại thành phố Hồ Chí
Minh để có thêm những thông tin định tính, những minh họa sinh động cho các
thông tin thu được về hành vi gây hấn của trẻ đường phố.
7.5. Phương pháp phỏng vấn sâu
Chúng tôi tiến hành phỏng vấn các khách thể có liên quan đến đề tài nghiên
cứu, như: giáo viên, nhân viên công tác xã hội, trẻ đường phố nhằm tìm hiểu sâu
hơn về hành vi gây hấn, đặc biệt là biểu hiện, mức độ, lí do, yếu tố ảnh hưởng đến
hành vi này ở trẻ đường phố.
7.6. Phương pháp chuyên gia
Phương pháp chuyên gia được thực hiện qua việc tham khảo ý kiến của một
số chuyên gia có kinh nghiệm về công tác chăm sóc, giáo dục cho trẻ đường phố.
7.7. Phương pháp xử lí số liệu bằng thống kê toán học
Sau khi thu thập các phiếu thăm dò ý kiến, dựa vào kết quả điều tra, chúng
tôi sử dụng phần mềm SPSS for Windows Version 11.5 để xử lí số liệu thống kê
nhằm đưa ra những con số khái quát đánh giá thực trạng hành vi gây hấn của trẻ
đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về hành vi gây hấn của trẻ đường phố
15


Chương 2. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 3. Thực trạng hành vi gây hấn của trẻ đường phố trên địa bàn thành
phố Hồ Chí Minh.


16


CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ HÀNH VI GÂY HẤN CỦA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ
1.1. Tổng quan các nghiên cứu về hành vi gây hấn của trẻ đường phố
1.1.1. Các nghiên cứu ở nước ngoài
Trên thế giới, các công trình nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của trẻ đường
phố nói chung và vấn đề hành vi như gây hấn, lạm dụng chất, tình dục đã được
thực hiện rất nhiều và đa dạng về phương pháp nghiên cứu.
Bạo lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc
sống đường phố, đặc biệt khi những người sống trên đường phố là trẻ em. Bạo lực
là một trong những lý phổ biến nhất khiến trẻ em bỏ trốn khỏi gia đình. Bạo lực
được xem là một đặc thù của “nền văn hóa đường phố” [40].
Tuy nhiên, trẻ em đường phố không phải là nạn nhân đơn thuần; trên thực
tế, các em là những người tham gia tích cực vào bạo lực. Xu hướng bạo lực của
những đứa trẻ này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiền sử bị người chăm sóc lạm dụng,
lạm dụng chất kích thích, và bởi “quy tắc của đường phố” [22]. Các hành vi bạo
lực ở trẻ đường phố từ thế bị động chuyển sang thế chủ động dần hình thành nên
xu hướng gây hấn ở nhóm trẻ này.
Nghiên cứu của nhóm tâm lý gia thuộc Đại học Konstanz, Đức và Đại học
Lumière of Bujumbura, Burundi thực hiện trên 112 trẻ nam từ 11 đến 18 tuổi tại
thủ đô Bujumbura, Burundi. Đây là một quốc gia vừa chấm dứt cuộc nội chiến
kéo dài 13 năm và đến nay hậu quả của chiến tranh không chỉ là kinh tế mà còn là
các yếu tố văn hóa – xã hội và tinh thần của người dân như bạo lực gia đình, tội
phạm… Nghiên cứu được thực hiện trên 4 nhóm bao gồm (1): 15 trẻ đang sống
trên đường phố, (2) trẻ sống cùng gia đình, (3) trẻ từng sống trên đường phố và (4)
trẻ từng sống cùng gia đình trên đường phố nhằm đánh giá hành vi bạo lực, gây
hấn của các em thông qua các bảng kiểm Hành vi và bạo lực cộng đồng (DCVC),
thang đánh giá sang chấn UCLA, thang đánh giá gây hấn trẻ em (AASC) và các

yếu tố liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ đang sống trên đương phố có
17


mức độ gây hấn, sang chấn tâm lý, lạm dụng bạo lực cao nhất, kế đến là nhóm
từng sống trên đường phố. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trẻ từng sống trên
đường phố sau khi hồi gia có mức độ gây hấn giảm đáng kể tuy nhiên sang chấn
tâm lý vẫn ở tỉ lệ cao [24].
Nghiên cứu định tính của Myburgh và cs (2015) nhằm khám phá và mô tả
những trải nghiệm sống tại Johannesburg, Nam Phi trên 14 trẻ em nam đường phố
hiện đang sống tạm thời tại các mái ấm. Dữ liệu được thu thập thông qua tranh vẽ,
phỏng vấn sâu hiện tượng và ghi chú quan sát. Câu hỏi phỏng vấn trọng tâm và
mở đầu cho cuộc phỏng vấn là “Hãy kể cho tôi nghe về cuộc sống của em trên
đường phố”. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ sống trên đường phố bị đe dọa, khai
thác và bị lạm dụng thể chất, tình dục và cảm xúc hàng ngày bởi những người
sống trên đường phố và kể cả nhân viên công quyền khác. Điều này dẫn đến cảm
giác buồn bã, sợ hãi, lo lắng, đau khổ, tuyệt vọng, bất lực và ý tưởng tự tử, từ đó
dẫn đến lạm dụng ma túy và các hoạt động phạm pháp. Ngược lại, những cảm
giác tích cực về sự cảm thông đối với những đứa trẻ khác sống trên đường phố
xuất hiện và những đứa trẻ này cũng thể hiện sự kiên trì, phục hồi và phấn đấu tự
chủ [39].
Nghiên cứu của Kaplan & Çuhadar (2020) tại Trung tâm phục hồi chức
năng vị thành niên Oya Bahadır Yüksel, Thổ Nhĩ Kỳ trên 103 trẻ em từ 12 đến 18
tuổi sống trên đường phố hoặc sống cùng gia đình. Nghiên cứu nhằm giúp hỗ trợ
trẻ em đường phố các dịch vụ nơi ở, điều trị, phục hồi chức năng, giáo dục, và
chuẩn bị cho trẻ em và thanh thiếu niên trở lại cuộc sống gia đình và xã hội hàng
ngày. Nghiên cứu ghi nhận đặc điểm dân số - xã hội của trẻ bao gồm: tuổi, trình
độ học vấn, cấu trúc của gia đình, trình độ học vấn và nghề nghiệp của người mẹ
và người cha, thông tin sử dụng các chất (lý do sử dụng chất, thời gian sử dụng
chất, chất được sử dụng, v.v.) và về quá trình sống đường phố (lý do và thời gian

sống trên đường phố, v.v.). Nghiên cứu cũng đánh giá mức độ gây hấn và hung
tính của trẻ qua hai thang AS (Aggression Scale) và STAXI (Trait Anger and
Anger Expression Styles Scale). Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em báo cáo
18


rằng chúng sống trên đường phố do mâu thuẫn với gia đình là 67% và 35% trẻ báo
cáo rằng các em bị bạo hành trên đường phố. Điểm gây hấn trung bình có tương
quan dương với điểm số đánh giá tức giận. Việc sử dụng chất gây ảnh hưởng tiêu
cực đến việc kiểm soát cơn giận ở trẻ em lang thang. Nghiên cứu cũng cho thấy
thời gian sống trên đường phố nhiều, làm việc trên đường phố và tiếp xúc với các
tình huống căng thẳng trên đường phố làm tăng điểm số "tức giận" [33].
Nghiên cứu này cho thấy một trong những khơi nguồn của hành vi gây hấn
của trẻ đường phố là sự tức giận.
1.1.2. Các nghiên cứu ở Việt Nam
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về hành vi gây hấn còn hạn chế về đối tượng
và chất lượng. Hầu hết các nghiên cứu ở nhóm khách thể trẻ mẫu giáo. Chúng tôi
không tìm thấy các công trình nghiên cứu về hành vi gây hấn ở trẻ đường phố.
Nghiên cứu của Tạ Thị Huệ (2018) nhằm tìm hiểu thực trạng hành vi gây
hấn của 214 trẻ mẫu giáo lớn trong các trường mầm non ở thành phố Nam Định
thông quan các phương pháp nghiên cứu như: nghiên cứu lí luận, điều tra bằng
bảng hỏi, sử dụng thang đo, thống kê toán học và sử dụng phần mềm SPSS phiên
bản 22.0. Hành vi gây hấn ở trẻ mẫu giáo hướng đến người lớn chiếm tuần suất
cao nhất, kế đến là gây hấn với trẻ khác xếp thứ hai và thấp nhất là gây hấn với
vật nuôi. Các biểu hiện hành vi gây hấn với trẻ khác có xuất hiện ở trẻ mẫu giáo
lớn. Trong đó, hành vi đá, đánh trẻ khác có biểu hiện thường xuyên hơn, xếp thứ
1. Tiếp theo là các hành vi trêu tức trẻ khác, giật đồ của trẻ khác xếp thứ 3. Đối
với gây hấn với người lớn, trẻ chủ yếu là ăn vạ kế đến là cãi lại. Nghiên cứu này
kết luận việc nhận diện các biểu hiện của hành vi gây hấn để từ đó có biện pháp
quản lí hành vi gây hấn ngay từ khi trẻ còn nhỏ sẽ có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối

với sự phát triển nhân cách của trẻ sau này [8].
Trong nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn của
học sinh trung học phổ thông, nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Bé, Nguyễn
Thế Lợi và Lê Thị Quỳnh Mai, Trường đại học sư phạm nhận thấy hành vi gây
hấn ở học sinh là tương đối phổ biến. Xét về yếu tố xã hội, những yếu tố được học
19


sinh đánh giá có ảnh hưởng nhiều nhất là: “Bạo lực học đường diễn ra ngày càng
nhiều và nguy hiểm, những video bạo lực học đường được phát tán với tốc độ rất
nhanh, nhiều học sinh rất thích thú và muốn học theo những video đó”. Ngược lại,
“Qua các phương tiện truyền thông, học sinh nhận thức được hành vi gây hấn học
đường và hậu quả của nó”. “Trong xã hội, những chuyện cãi cọ, đánh đập, chửi
mắng, nói xấu diễn ra mọi lúc mọi nơi khiến học sinh nghĩ đó là những chuyện
bình thường” [1].
1.2. Hành vi gây hấn
1.2.1. Khái niệm hành vi gây hấn
Theo tác giả Trần Thị Minh Đức, “hành vi gây hấn là những hành vi có chủ
đích, có ý thức nhằm gây tổn hại hoặc gây thương tích cho người, vật cho dù mục
đích có đạt được hay không” [4].
Theo Từ điển Y học, “gây hấn được hiểu là sự tấn công, sự xâm hại, hung
bạo, hung hãn hay hung tính” [9].
Theo định nghĩa của Hiệp hội tâm thần nhi khoa và trẻ em, “hành vi gây
hấn là những hành vi phản ứng mạnh và bốc đồng dẫn đến vi phạm các quy tắc
gia đình hoặc pháp luật; hành vi hung hăng gây hấn đôi khi mang tính bạo lực và
không thể đoán trước” [13].
Có thể thấy, trong cả ba định nghĩa đều nổi bật lên phương thức của sự gây
hấn thông qua hành vi.
Theo định nghĩa của Tâm lý học thì hành vi là cách mà con người phản
ứng, trả lời lại một tác động nào đó từ môi trường sống. Hành vi đó có thể là hành

vi bộc phát, mang tính bản năng, nhưng cũng có thể là một hành vi đã được suy
nghĩ, phân tích, lựa chọn một cách kĩ càng. Nói cách khác, hành vi lúc này lại là
kết quả của một cách nhận thức, cảm nhận về vấn đề mà chủ thể gặp phải.
Có thể thấy hành vi, mà cụ thể trong nghiên cứu này là hành vi gây hấn là
một chuỗi hành động có nguyên nhân, mục đích, là kết quả của suy nghĩ, thái độ
của trẻ đường phố trước các kích thích từ bên ngoài.
20


Về thuật ngữ, chúng tôi dùng “hành vi” trong “hành vi gây hấn”, để thích
nghi về mặt thuật ngữ với định nghĩa nguyên bản trong các công trình nghiên cứu
trên thế giới, còn về nội hàm thì đây là một hiện tượng tâm lý nên nó không thể
chỉ đơn giản là “phản ứng” và hành động tay chân, mà nó chính là sản phẩm của
một đời sống tâm lí cụ thể đã chịu nhiều tác động phức tạp của đời sống tự nhiên
và xã hội xung quanh chủ thể.
Hành vi gây hấn sẽ bao gồm các đặc trưng:
- Mang mục đích: chủ thể đi gây hấn thực hiện hành vi đó sẽ nhận thức
được động cơ, lợi ích cũng như có thao tác cụ thể (hành động thể lý và ngôn ngữ.
Chủ thể cũng sẽ lựa chọn phương tiện (cơ thể hoặc lời nói và đôi lúc là vũ khí)
cùng với không gian thực hiện.
- Chủ thể và đối tượng hướng đến của hành vi gây hấn trong nghiên
cứu của chúng tôi đều là trẻ đường phố. Việc phân vai chỉ mang tính tạm thời vì
hầu hết các trẻ đều có khi là nạn nhân, có khi là người tham gia khởi nguồn của
hành vi bạo lực.
- Đây là một hành động có ý thức, không phải hành động bản năng, cho
nên tính ý thức, tính mục đích rất rõ rệt. Trẻ đường phố thực hiện các hành vi gây
hấn ngay từ trong cuộc sống nhằm giành lấy cho mình lợi ích về vật chất, khẳng
định vị trí trong xã hội thu nhỏ và đôi khi mang lại thỏa mãn về mặt tâm lý, cảm
xúc.
Từ những phân tích trên, chúng tôi quan niệm hành vi gây hấn là: hành vi

có ý thức, có mục đích của chủ thể, được thể hiện ra bên ngoài bằng lời nói, sự
biểu cảm của gương mặt, các động tác cơ thể với việc sử dụng hoặc không sử
dụng thêm các phương tiện hỗ trợ khác nhằm gây tổn hại về thể chất, tinh thần
đối với người khác để đạt được một số lợi ích nhất định.
1.2.2. Biểu hiện hành vi gây hấn
Taylor (1967) là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu
đã cho rằng gây hấn bao gồm nhiều hình thức biểu hiện với các cấp độ khác nhau.
21


Khái niệm gây hấn đề cập đến hành vi giữa các thành viên của cùng một loài
nhằm gây đau đớn hoặc tổn hại lẫn nhau [46].
Các hành vi hung tính thân thể và ngôn ngữ của trẻ trước tuổi đến trường đã
đặc biệt được Goodenough (1931) và Walters (1957) quan sát thấy. Họ nhận ra
rằng từ 4 tuổi trở đi, những biểu hiện ngôn ngữ nhiều hơn những biểu hiện vận
động. Những hành vi vận động xuất hiện ở trẻ trai nhiều hơn ở trẻ gái và tăng lên
giữa khoảng 2 và 4 tuổi. Sand và cộng sự (1973) đã thực hiện một nghiên cứu
trường diễn các hành vi hung tính ở 99 trẻ từ 3 đến 9 tuổi; những nét hành vi được
giữ lại là các cơn giận dữ, xu hướng phá hủy những đối tượng, sự không vâng lời
[20].
Michel Born (2014) đã xây dựng một danh sách các thành tố gây hấn ở trẻ
gồm: gây hấn thân thể và lời nói, tấn công thân thể, tấn công với một đồ vật nào
đó, tấn công bằng lời nói hoặc mang tính tượng trưng, gây tổn hại đến tài sản hoặc
lãnh thổ, hành vi ngăn chặn, các tiếp xúc thân thể, gây tổn hại đến lòng tự trọng và
bạo lực thân thể, gây hấn gián tiếp, tính dễ bị kích thích, trạng thái phủ định, mối
thù hận, sự ngờ vực, lời nói thù địch. Ông nhận thấy rằng các biểu hiện này ở trẻ
là thường xuyên. Danh sách các biểu hiện hành vi hung tính của trẻ em được
Born (2014) sắp xếp thành các nhóm yếu tố với những biểu hiện cụ thể sau [20]:
- Mưu toan sử dụng sự chi phối, uy quyền, sự lãnh đạo với những biểu hiện
như gièm pha, chỉ trích hành vi của một người khác, sai khiến, đòi hỏi điều gì đó,

chê trách một người khác, chống lại một người khác, thu hút sự chú ý tới điểm
yếu của ai đó khi cố tỏ ra nỗ lực hơn, chê trách một đứa trẻ khác, đòi hỏi một sự
sở hữu nào đó, từ chối đặc quyền cho một người khác, đe dọa bằng lời nói, mách
lẻo, thu hút sự chú ý tới lỗi của người khác, sử dụng đặc quyền, khoe khoang, độc
quyền một đồ vật nào đó, nói xấu, cấm không cho vào một nơi nào đó.
- Hung tính trực tiếp, sự biểu đạt sức mạnh thể chất theo kiểu nam tính với
những biểu hiện như chơi trò đánh nhau, nhảy xổ vào người khác và tóm lấy
người khác, đấm, làm ngã bạn, đuổi theo và giả vờ tấn công, xô đẩy, đá, ném đồ
vật,
22


- Hung tính thể chất trực tiếp mang tính nguyên thuỷ: kéo tóc, cấu, cào, đập
tay, cắn, ném đồ vật, chọc ghẹo, chán nản.
- Hung tính bị động - các hành vi đối lập và những thái độ tiêu cực: trẻ sử
dụng sự im lặng, sự căng cứng hoặc từ chối cử động, từ chối làm theo các hướng
dẫn hoặc không thực hiện tốt một nhiệm vụ nào đó.
- Hung tính không định hướng, sự giải phóng các cảm xúc tiêu cực: trẻ
không hướng hành vi hung tính của mình đến một cá nhân cụ thể mà hướng tới
bản thân, hướng tới các đồ vật hoặc hướng tới tập hợp nhóm hơn. Hung tính ở
dạng này bao gồm các hành vi như nói những lời thô tục, giậm chân, đóng sập
cửa, gào thét, nổi giận, lăn đùng ra đất, đập đồ vật, chửi rủa, lăng mạ.
Baron và Richardson (1994) cho rằng gây hấn bao gồm phổ rộng các hành
vi tiêu cực hướng đến việc gây hại, tạo ra hệ quả tiêu cực đến người khác với động
cơ chính là nhằm tránh bị tổn hại [17].
Nghiên cứu của Tạ Thị Huệ (2018) tại các trường mẫu giáo trên địa bàn
thành phố Nam Định cho thấy trẻ mẫu giáo có những biểu hiện hành vi gây hấn
mang tính thể lý như: đá/đánh trẻ khác, trêu tức trẻ khác, giật đồ của trẻ khác, cô
lập trẻ khác, đập phá đồ của trẻ khác và các hành vi gây hấn mang tính xã hội như
gọi biệt danh hay tên xấu của trẻ khác, rủ bạn cô lập trẻ khác [8].

Như vậy có thể thấy gây hấn là một khái niệm chứa đựng đủ cả ba hiện
tượng tâm lý là nhận thức - thái độ - hành động. Trong đó:
- Nhận thức: chủ thể khi thực hiện hành vi gây hấn thường nhận thức được
đối tượng, nguyên nhân ở đối tượng thôi thúc mình có hành vi gây hấn, nhận thức
về cách thức gây hấn, phương pháp, phương tiện, thời gian, địa điểm gây hấn,
thậm chí hậu quả với mình và với nạn nhân.
- Thái độ/cảm xúc: chủ thể gây hấn cảm thấy bị kích động, chống lại sự sợ
hãi, muốn thể hiện sức mạnh.
- Hành động: gồm các hành động có lời như gọi tên, công kích bằng ngôn
ngữ, chửi thề, nói chuyện ác ý và không lời như tấn công bằng tay chân.
23


Hành vi gây hấn có nhiều biểu hiện khác nhau, theo những cấu trúc khác
nhau. Trong nghiên cứu này, chúng tôi giới hạn biểu hiện của hành vi gây hấn
thông qua bốn khía cạnh: hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ và tương tác xã hội.
1.2.3. Phân loại hành vi gây hấn
Taylor (1967) phân chia hành vi gây hấn thành 3 dạng, bao gồm: gây hấn
vật lý; gây hấn tâm lý; và gây hấn lời nói giữa người với người [46]. Đây là một
những công trình đầu tiên phân loại hành vi gây hấn bao gồm dạng biểu hiện tâm
lý.
McEllistrem (2004) phân chia hai loại gây hấn cơ bản, gồm: gây hấn mang
tính bộc phát mang tính trả thù, cảm tính và gây hấn mang tính hướng đến mục
tiêu (còn gọi là săn mồi) [38]. Theo định nghĩa này, gây hấn sẽ có thể có dạng chủ
động và dạng bị động.
Tiếp tục hình thức phân loại này, Ramirez (2000) đã đề xuất một phân loại
nhấn mạnh sự khác biệt giữa tấn công và phòng thủ, trong đó ông phân loại hai
loại gây hấn chính: gây hấn trực tiếp và gây hấn gián tiếp. Sự gây hấn trực tiếp, đó
là sự gây hấn dưới hình thức vật lý, được chia thành ba loại phụ: tấn công, phòng
thủ và gây hấn bừa bãi hoặc gây khó chịu. Sự gây hấn gián tiếp tinh vi hơn và bao

gồm các sự thể hiện quyền uy và các dấu hiệu biểu tượng mang tính rộng rãi của
loài người như các ngôn ngữ cơ thể, nét mặt [37].
Underwood (2002) phân biệt giữa thể hiện bằng lời nói và không lời. Theo
đó, “gây hấn bằng lời” bao gồm buôn chuyện, chê bai, thì thầm, lan truyền tin đồn
xấu, nhạo báng, mỉa mai, sử dụng biệt danh xấy và nói đủ lớn…; còn “gây hấn
không lời” bao gồm: những cử chỉ, nhìn chằm chằm, liếc mắt, giật tóc, phớt lờ và
cô lập xã hội [49].
Tác giả Tạ Thị Huệ (2018) phân chia hành vi gây hấn căn cứ vào đối tượng
mà hành vi này nhắm đến. Theo đó, tác giả chia thành các 4 loại cơ bản: gây hấn
với người lớn, gây hấn với trẻ khác, gây hấn với chính mình và gây hấn với vật
nuôi [8].
24


Chúng tôi phân loại hành vi gây hấn cả theo đối tượng và phương tiện gây
hấn. Theo đó:
+ Nếu xét theo đối tượng gây hấn thì có 2 loại: gây hấn với trẻ khác và gây
hấn với người lớn (cha mẹ, thầy cô).
+ Nếu xét theo phương tiện gây hấn thì chúng tôi chia thành 2 loại: gây hấn
có lời và gây hấn không lời.
1.2.4. Nguyên nhân nảy sinh hành vi gây hấn
Bất kể hành vi có mục đích nào của con người đều xảy ra bởi một hay một
số nguyên nhân nào đó. Trong một công trình nghiên cứu kinh điển 50 năm trước,
Curtis (1963) bày tỏ mối lo ngại rằng những đứa trẻ bị lạm dụng hoạc bị bỏ bê có
nguy cơ trở thành người có hành vi phạm tội hình sự, hoặc là thủ phạm của những
tội ác bạo lực khác [25]. Kể từ đó, có thêm nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trải
nghiệm bạo lực có liên quan đến việc thể hiện bạo lực [26, 52].
Ở các nước phương Tây, các cuộc điều tra xã hội học cho thấy, một tỷ lệ lớn
những người phạm tội giết người hầu hết đều sống trong môi trường gia đình
không thuận lợi (bạo lực gia đình, bị bỏ rơi). Có tới 80% đối tượng trong nhóm

những người phạm pháp khẳng định rằng đã tiếp xúc với các hành vi bạo lực
trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu hành vi cho rằng, sự
gây hấn là kết quả của những cơn bùng nổ cảm xúc, không kiểm soát được và bốc
đồng đối với các mối đe dọa hoặc khiêu khích trong môi trường.
Fontaine (2007) và Weistall (2013) nhận thấy những cảm xúc tiềm ẩn của
hình thức gây hấn hoặc làm giảm phản ứng này là sợ hãi, lo lắng và tức giận [29,
54]. Do đó, đôi khi, gây hấn là cách phản ứng với những kích thích khó chịu từ
môi trường mà đã được tích lũy trong thời gian dài. Theo định nghĩa của Fontaine
và Weierstall, thì gây hấn có kèm theo những cảm xúc đặc thù.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây lại nhận thấy rằng hành vi gây hấn
không nhất thiết phải liên quan với trạng thái cảm xúc khó chịu. Những suy nghĩ
và hành vi gây hấn có chủ ý có thể mang lại những lợi ích thứ phát, do đó sẽ có
những người sử dụng gây hấn như là công cụ [27]. Trong các nghiên cứu thực
25


×