Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta: Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.08 KB, 7 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Education Science, 2013, Vol. 58, No. 4, pp. 94-100
This paper is available online at

MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH Ở NƯỚC TA:
THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN, HẬU QUẢ VÀ GIẢI PHÁP

Lê Hồng Hạnh
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt. Mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những thách thức đáng kể
của nước ta trong những năm tới, mà biểu hiện của nó là tỉ số giới tính khi sinh có
xu hướng gia tăng. Dựa trên nguồn tài liệu tin cậy và cập nhật, bài báo đã phân tích
thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta trong vòng 10 năm qua. Trên
cơ sở đó, tác giả làm rõ nguyên nhân, hậu quả và đề xuất một số giải pháp chủ yếu
để khắc phục tình trạng này.
Từ khóa: Mất cân bằng giới tính, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

1.

Mở đầu

Trong những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ)
của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Trong vòng 7 năm liên tục, mức sinh của
Việt Nam luôn ở dưới mức sinh thay thế. Năm 2012 là năm đầu tiên tốc độ gia tăng tỉ
số giới tính khi sinh (TSGTKS- Sex Ratio of Newborns hoặc Sex Ratio of Births) được
khống chế ở mức 0,4 điểm phần trăm/năm, trong khi đó hơn nửa thập niên vừa qua, tốc
độ này là 0,7- 1,15 điểm phần trăm/năm.
Cũng năm 2012 số dân của nước ta là 88,8 triệu người với số người tăng thêm hàng
năm trong vài năm gần đây khoảng 90 vạn. Nếu như trong 2 năm 2014 và 2015, tốc độ
gia tăng tối đa khoảng 1 triệu người/năm thì đến năm 2015, số dân nước ta sẽ là 92 triệu
người. Như vậy, mục tiêu Chiến lược về quy mô dân số của Việt Nam hoàn toàn có thể


đạt được.
Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác DS
- KHHGĐ. Một trong những thách thức đó là mất cân bằng TSGTKS ở nhiều địa phương
trong 5 năm gần đây và xu hướng này tiếp tục gia tăng trong thập niên tới. Trong phạm vi
hạn hẹp của bài báo này, chúng tôi xin phân tích cụ thể sự mất cân bằng TSGTKS ở nước
ta: thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp.
Ngày nhận bài: 4-12-2012. Ngày chấp nhận đăng: 4-5-2013
Liên hệ: Lê Hồng Hạnh, e-mail:

94


Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta...

2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta

2.1.1. Quan niệm về tỉ số giới tính khi sinh
Liên quan đến cơ cấu dân số của một lãnh thổ, ngoài tỉ số giới tính của toàn bộ dân
số thì người ta còn chú ý đến TSGTKS [3]. Đó là phản ánh sự cân bằng giới tính của số
trẻ em mới sinh ra trong một thời kì. TSGTKS là số bé trai tính bình quân trên 100 bé gái
mới được sinh ra trong một thời kì nhất định.
2.1.2. Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
a. Mất cân bằng giới tính khi sinh theo thời gian
Tại Hội nghị trực tuyến triển khi Chiến lược Dân số- Sức khỏe sinh sản (DS - SKSS)
giai đoạn 2011- 2020 tổ chức vào cuối năm 2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện
Nhân đã chỉ rõ: Mất cân bằng giới tính khi sinh tại nhiều địa phương diễn ra trong 5 năm

gần đây và có xu hướng tiếp tục tăng trong 10 năm tới... Nếu không thực hiện các giải
pháp quyết liệt thì khó có thể đưa tỉ số này trở lại mức tự nhiên (105- 106 bé trai/100 bé
gái) sau năm 2020, làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính (thừa nam thiếu nữ) ở độ tuổi
kết hôn.
Bảng 1: Tỉ số giới tính khi sinh của nước ta giai đoạn 1999- 2010
(Đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái)

Năm
1999
2000
2001
2002
2003
2004

TSGTKS
107,0
107,3
109,0
107,0
104,0
108,0

Năm
2005
2006
2007
2008
2009
2010


TSGTKS
105,6
109,8
111,6
112,1
110,5
111,2

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2011. NXB Thống kê, 2012 (tr. 72))
Nhìn chung, TSGTKS của nước ta khá cao và có chiều hướng gia tăng. Theo cuộc
điều tra mẫu về biến động DS - KHHGĐ toàn quốc năm 2006 với tỉ số đạt 110 thì Việt
Nam là nước ở mức cao và được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới sau Acmenia (117),
Gruzia (116), Trung Quốc (112) [1].
So với mức tự nhiên trung bình là 105- 106 bé trai/100 bé gái thì TSGTKS của nước
ta trong giai đoạn 1999- 2010 đều vượt mức trung bình, trừ 2 năm 2003 (104,0) và 2005
(105,6). TSGTKS đạt mức cao nhất là vào năm 2008 (112,1), tiếp theo là các năm 2007
(111,6), 2010 (111,2). Một điều đáng lưu ý là xu hướng tiếp tục tăng và luôn ở mức cao
đối với TSGTKS trong 5 năm vừa qua. Trong những năm tới, dự báo TSGTKS vẫn tăng
và việc thực hiện Chiến lược DS - SKSS không phải dễ dàng với mục tiêu khống chế dưới
mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015.
b. Mất cân bằng giới tính khi sinh theo lãnh thổ
- TSGTKS có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng. Điều đó được thể hiện qua số liệu
ở Bảng 2.
95


Lê Hồng Hạnh

Bảng 2: Tỉ số giới tính khi sinh phân theo vùng của nước ta

(Đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái)

Các vùng
Cả nước
Đồng bằng sông Hồng
Trung du và miền núi Bắc Bộ
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ
Tây Nguyên
Đông Nam Bộ
Đồng bằng sông Cửu Long

2005
105,6
109,3
101,8
104,7
108,5
106,8
103,8

2008
112,1
119,0
114,2
108,2
116,7
116,8
102,8

2009

110,5
115,3
108,5
109,7
105,6
109,9
109,9

2010
111,2
116,2
109,9
104,3
108,2
105,9
108,3

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2011. NXB Thống kê, 2012 (tr. 75))
Từ bảng số liệu nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét dưới đây:
+ Cũng giống như thực trạng chung của cả nước, TSGTKS của phần lớn các vùng,
trừ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đều có xu hướng gia tăng với tốc độ khác nhau.
Tăng nhanh nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ (+ 9,6), tiếp sau là Trung
du và miền núi Bắc Bộ (+ 8,1), Đồng bằng sông Hồng (+ 6,9) và Đồng bằng sông Cửu
Long (+ 4,5). Điều này chỉ ra rằng đây là các vùng có tình trạng mất cân bằng giới tính
khi sinh nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Năm 2010 trên bình diện cả nước chỉ có duy
nhất Đông Nam Bộ là giữ được sự cân bằng giới tính khi sinh, tuy không bền vững.
+ Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với mức độ cực kì nghiêm trọng
phải kể đến Đồng bằng sông Hồng. Trong giai đoạn 2005- 2010, TSGTKS của vùng luôn
dẫn đầu so với các vùng và đạt cực đại vào năm 2008 (119,0). Đứng sau vùng này là Trung
du và miền núi Bắc Bộ (cực đại 114,2 vào năm 2008) và Bắc Trung Bộ & Duyên hải Nam

Trung Bộ (cực đại 114,3 năm 2010).
- TSGTKS còn có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố. Tính đến năm 2012 thì
10/63 tỉnh, thành phố có TSGTKS cao ở mức 115, trong đó đứng đầu là tỉnh Hưng Yên.
c. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở khu vực thành thị và nông thôn
TSGTKS có sự phân hóa giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn theo chiều
hướng giảm dần cách biệt và ở mức cao.
Bảng 3: Tỉ số giới tính khi sinh phân theo thành thị, nông thôn của nước ta
(Đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái)
Năm
2000
2001
2002
2003
2004
2005

Thành thị
113,6
112,5
109,9
99,5
106,1
105,4

Nông thôn
105,5
106,8
106,7
105,0
108,5

105,7

Năm
2006
2007
2008
2009
2010

Thành thị
109,0
112,7
114,2
110,6
108,9

Nông thôn
110,0
111,3
111,4
110,5
112,0

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2011. NXB Thống kê, 2012 (tr. 72))
Sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở khu vực thành thị diễn ra phức tạp hơn. Vào
nửa đầu giữa hai cuộc tổng điều tra dân số gần đây nhất (1999 - 2009), TSGTKS có xu
hướng giảm, nhưng vào nửa sau lại tiếp tục gia tăng. Trong khi đó ở khu vực nông thôn,
96



Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta...

TSGTKS có chiều hướng tăng liên tục, từ chỗ chưa có sự mất cân bằng giới tính khi sinh
vào giai đoạn đầu đến chỗ mất cân bằng giới tính khi sinh tương đối nghiêm trọng vào
giai đoạn sau.
Giữa hai cuộc tổng điều tra dân số 1999- 2009 có sự thay đổi giữa các tỉnh, thành
phố dẫn đầu về TSGTKS ở khu vực thành thị và nông thôn.
Bảng 4: Mười tỉnh, thành phố dẫn đầu về TSGTKS năm 1999 và năm 2009
(Đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái)
Khu vực thành thị
Khu vực nông thôn

Tỉnh,
thành phố
Quảng Ngãi
Trà Vinh
An Giang
Bắc Kạn
Hòa Bình
Đà Nẵng
Đăk Lăk
Cà Mau
Cao Bằng
Lai Châu

1999
138
133
133
133

130
128
127
125
122
122

Tỉnh,
thành phố
Lào Cai
Hà Nam
Vĩnh Long
Bắc Giang
Cà Mau
Lâm Đồng
Đăk Nông
Tiền Giang
Bình Phước
Quảng Ngãi

2009
141
132
129
126
121
121
121
121
121

121

Tỉnh,
thành phố
Kiên Giang
An Giang
Sóc Trăng
Kon Tum
Bình Phước
Trà Vinh
Thái Bình
Bạc Liêu
Ninh Thuận
Cần Thơ

1999
128
127
126
126
123
123
122
122
121
121

Tỉnh,
thành phố
Hưng Yên

Hải Dương
Bắc Ninh
Nam Định
TP. Hồ Chí Minh
Bình Thuận
Cần Thơ
Hòa Bình
Bình Định
Hải Phòng

2009
134
123
123
119
118
118
118
118
117
116

(Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/1999))

2.2.

Nguyên nhân, hậu quả và giải pháp chủ yếu

2.2.1. Nguyên nhân, hậu quả
a. Nguyên nhân

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta diễn ra ngày càng nghiêm trọng
theo hướng các bé trai nhiều hơn hẳn so với các bé gái. Điều đó là do một số nguyên nhân
chủ yếu sau đây:
Về văn hóa, quan niệm của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng tương
đối nặng nề về giới tính. Đó là “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “nối dõi tông đường”
và biết bao phong tục tập quán khác thấm đẫm tư tưởng Nho giáo khiến cho mọi cặp vợ
chồng nhất thiết phải có con trai. Các gia đình cần có con trai để nối dõi vì thờ tự tổ tiên
là trách nhiệm của đàn ông. Lễ giáo phương Đông coi trọng việc thờ tự tổ tiên. Điều này
giải thích tại sao hầu hết các gia đình mong muốn có con trai để hương khói.
Về kĩ thuật, sự phát triển của khoa học- kĩ thuật có thể cho phép ở mức độ nhất
định sinh con theo ý muốn. Trên thực tế, người ta tác động vào quá trình thụ thai bằng các
phương pháp truyền thống hay hiện đại với chế độ ăn uống riêng, tính toán thời điểm rụng
trứng, tạo môi trường thuận lợi cho thụ thai nam. Phương pháp này dù không đảm bảo
tuyệt đối, nhưng hiệu quả cũng đạt tới 70 - 80%. Một nghiên cứu của Viện Dân số và các
vấn đề xã hội thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân [2] cho biết trong số 2.304 người
được điều tra tại 6 tỉnh thì có tới 20% các bà mẹ nói rằng họ biết cách sinh con trai, trong
đó 58% số người được hỏi là do đọc sách báo, 40% là do trao đổi kinh nghiệm, 33% là
tính thời điểm rụng trứng... Mặc dù chưa có nghiên cứu nào đánh giá chính xác hiệu quả
97


Lê Hồng Hạnh

của các phương pháp này, nhưng rõ ràng chúng có hiệu quả trong việc lựa chọn giới tính
khi sinh.
Ngoài ra, siêu âm có thể chuẩn đoán được giới tính thai nhi. Kỹ thuật xác định giới
tính thai nhi ngay từ tuần thứ 12 đã tạo điều kiện cho các gia đình lựa chọn. Về mặt kĩ
thuật, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Về kinh tế, trong nền sản xuất nông nghiệp thủ công và ở một số ngành nhất định
thì lao dộng cơ bắp của nam giới có vai trò quan trọng. Ở vùng duyên hải đối với ngành

thủy sản, nhất là hoạt động đánh bắt, các gia đình cần có con trai, bởi vì nữ giới không thể
ra khơi đánh bắt hàng tháng trời trên biển. Tâm lí này tồn tại chủ yếu của vùng duyên hải,
nơi diễn ra các hoạt động đánh bắt thủy sản.
Ngoài các nguyên nhân chính ở trên còn có nguyên nhân nữa về phương diện thống
kê. Việc đăng kí dân số không đầy đủ, thống kê thiếu chính xác cũng có thể làm mất cân
bằng giới tính một cách giả tạo. Đó là việc chậm khai báo đăng kí hộ tịch cho trẻ sơ sinh
khi không sinh được con theo ý muốn. Thông thường, nếu sinh được bé trai, gia đình hào
hứng làm khai sinh cho trẻ và ngược lại, nếu là bé gái thì có thể chậm lại hoặc... quên
luôn. Hành vi này góp phần gây nên hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh một cách
giả tạo.
b. Hậu quả
Sự mất cân bằng giới tính khi sinh tất yếu dẫn đến nhiều hậu quả không mong đợi
mà quá trình khắc phục được không phải là ngày một, ngày hai. Các hậu quả chủ yếu dễ
nhận thấy là khó khăn trong việc kết hôn và gia tăng tội phạm xã hội.
Thứ nhất, phải kể đến khó khăn về việc tìm bạn đời của nam thanh niên trong điều
kiện thiếu nữ. Theo dự báo của Tổng cục DS- KHHGĐ tại Hội thảo Quốc gia về mất cân
bằng giới tính khi sinh tổ chức ở Hà Nội ngày 3/11/2012, nếu không giảm được TSGTKS
thì trong khoảng 20- 25 năm tới, nước ta sẽ có 2,3- 4,3 triệu thanh niên đến tuổi xây dựng
gia đình nhưng không có khả năng lấy được vợ người Việt. Điều đó có thể gây ra những
bất ổn về mặt xã hội như tranh giành trong hôn nhân, kết hôn muộn; thậm chí là không
thể xây dựng gia đình do khó hoặc không tìm được bạn đời...
Kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước trong khu vực chỉ ra rằng do mất cân
bằng giới tính khi sinh dẫn đến số nam nhiều hơn số nữ, nhiều thanh niên không thể lấy
được vợ ở trong nước. Vì thế, khả năng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, nguy
cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS khá cao. Một cách giải
quyết khác là ra nước ngoài để kết hôn. Chỉ trong vòng 10 năm (1995- 2004), Đài Loan
đã cấp 84.479 visa cho các cô dâu Việt Nam và hàng chục nghìn visa cho cô dâu các nước
Đông Nam Á khác [1]. Hôn nhân với người nước ngoài không có tình yêu mà chỉ dựa vào
tiền bạc dễ dẫn đến những bi kịch trong gia đình.
Thứ hai là gia tăng tội phạm xã hội. Do mất cân bằng giới tính nên các loại tội

phạm lừa đảo, bắt cóc, buôn bán trẻ em gái và phụ nữ có nguy cơ gia tăng. Theo “Báo
cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ
em (2004- 2009)” của Chính phủ, trong cả giai đoạn 1999- 2009 có 6.926 nạn nhân bị lừa
bán ra nước ngoài thì riêng 5 năm gần đây (2004- 2009) có tới 4.009 nạn nhân, trong đó
trên 60% vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% vụ mua bán sang Cămpuchia; số còn lại là
sang các nước khác...
Kinh nghiệm của các quốc gia dư thừa nam giới cho thấy nguy cơ gia tăng bạo hành
98


Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta...

đối với nữ giới. Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái bất chấp sức khỏe
và tính mạng của họ, rồi bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai...
Ngoài ra, mất cân bằng giới tính khi sinh còn gây ra nhiều hậu quả khác nữa như
làm gia tăng xu hướng chuyển giới và quan hệ đồng giới, thay đổi cơ cấu ngành nghề, cơ
cấu hàng hóa tiêu dùng...
2.2.2. Giải pháp chủ yếu
a. Nhóm giải pháp về giáo dục, tuyên truyền
- Giáo dục là một trong những giải pháp cơ bản góp phần làm giảm tình trạng mất
cân bằng giới tính khi sinh. Ngành giáo dục cần đưa vấn đề giới tính vào các chương trình
giảng dạy về giới và bình đẳng giới dưới dạng tích hợp trong các môn học ở phổ thông,
hoặc là tích hợp hay xây dựng thành học phần riêng ở đại học.
Tâm lí xã hội còn thiên về coi trọng con trai vẫn là nguyên nhân chính làm cho
TSGTKS cao. Thông qua nhiều giải pháp, trong đó có giáo dục, cần định hướng lại các
giá trị. Việc xóa bỏ phân biệt đối xử giữa nam và nữ là cơ sở để giảm tâm lí ưa thích con
trai để từ đó giảm TSGTKS.
- Cần tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách dân số. Việc tuyên truyền không
chỉ đối với những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, mà cả những người cung cấp dịch
vụ tư vấn và kĩ thuật để họ hiểu rằng việc hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi là bất hợp

pháp. Cần vận động cả chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm giám sát
việc thực thi pháp luật.
- Chú ý nâng cao vị thế của người phụ nữ tiến tới bình đẳng giới, phê phán các thủ
tục lạc hậu trọng nam khinh nữ. Trong xã hội nếu thực hiện được bình đẳng giới, nâng cao
địa vị và quyền năng của nữ giới thì tâm lí thích con trai hơn con gái và việc lựa chọn giới
tính khi sinh sẽ không còn mảnh đất để tồn tại nữa.
- Xây dựng các mô hình gia đình thành đạt khi sinh con một bề, đẩy mạnh việc tổ
chức các hội thi, liên hoan từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương liên quan đến vấn đề dân số
nói chung và lựa chọn giới tính nói riêng.
b. Nhóm giải pháp về chính sách và luật pháp
- Hoàn thiện luật pháp, chính sách DS - KHHGĐ. Cần phải tiến tới xây dựng và
thực hiện Luật bình đẳng giới. Chính sách DS - KHHGĐ cũng là công cụ điều tiết các quá
trình dân số. Việc thực thi có hiệu quả chính sách này trong những năm 80 và 90 của thế
kỉ XX đã làm giải đáng kể tốc độ gia tăng dân số của nước ta. Còn hiện nay, đối mặt với
vấn đề già hóa dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng thì chính sách dân
số phải hướng vào việc giải quyết các vấn đề cấp bách này.
- Nghiêm cấm việc lưu hành, phổ biến các nội dung liên quan đến lựa chọn giới
tính khi sinh. Không cho phép tuyên truyền, xuất bản các sách báo hướng dẫn có thai
như ý muốn. Thu hồi các loại xuất bản phẩm có nội dung nói trên. Chỉ cho phép sử dụng
trong một số trường hợp khi nghiên cứu và phải có sự cho phép của các bộ, ban, ngành
liên quan.
- Tăng cường giám sát thực thi pháp luật, xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm
Pháp lệnh dân số.
- Quản lí chặt chẽ hệ thống các cơ sở y tế. Thành quả của y học đã giải quyết tốt
vấn đề giảm mức tử, nhất là tử vong trẻ em thông qua Chương trình chăm sóc sức khỏe
99


Lê Hồng Hạnh


sinh sản, giảm mức sinh thông qua các biện pháp tránh thai và sàng lọc trước sinh. Mặt
trái của vấn đề này lại góp phần vào việc nạo phá thai và lựa chọn giới tính trước sinh.
Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp làm tăng TSGTKS mà biểu hiện của nó là việc mất
cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng. Vì thế, cần giám sát chặt chẽ quá trình thực thi
pháp luật ở các cơ sở y tế thông qua một số biện pháp cụ thể như tiến hành kiểm tra định
kì cũng như kiểm tra đột xuất việc thông báo giới tính thai nhi cũng như phá thai lựa chọn
giới tính...
c. Nhóm giải pháp về nghiên cứu khoa học
Trong những năm gần đây, các đề tài khoa học nghiên cứu về TSGTKS của nước ta
nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng chưa có nhiều và chưa đồng đều. Vì thế cần có
chương trình nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện để đánh giá hiện trạng, xác định rõ
nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khả thi, đồng bộ nhằm khắc phục được sự mất cân
bằng giới tính khi sinh ở nước ta trong những năm tới.

3.

Kết luận

Cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức
về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều đó
dẫn đến nhiều hậu quả không dễ khắc phục, đặc biệt về mặt xã hội. Nguyên nhân thì có
nhiều, nhưng chủ yếu là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội xưa kia còn sót lại
và những tiến bộ kĩ thuật của ngành y giúp cho phụ nữ có thể lựa chọn giới tính của thai
nhi. Để giải quyết vấn đề này, trong Chiến lược DS- SKSS giai đoạn 2011- 2020 đã nhấn
mạnh việc kiểm soát có hiệu quả TSGTKS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng
đầu của nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Đình Cử, 2007. Những xu hướng biến đổi dân số ở Việt Nam. Nxb Nông
nghiệp, Hà Nội.
[2] Đoàn Minh Lộc, 2009. Nghiên cứu mất cân đối giới tính khi sinh trong 5 năm qua ở

một số địa phương: Thực trạng và giải pháp. Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường
Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
[3] Niên giám thống kê Việt Nam, 2012. Nxb Thống kê, Hà Nội.
[4] Lê Thông (chủ biên), Nguyễn Minh Tuệ, Nguyễn Văn Phú, Lê Mỹ Dung, 2012. Địa
lí kinh tế - xã hội Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. (Tái bản lần thứ 6).
[5] Dương Quốc Trọng, 2013. Thời cơ, vận hội mới và niềm tin. Báo “Gia đình và Xã
hội”, số Xuân Quý Tỵ 2013.
ABSTRACT
Sex imbalance at birth of Vietnam:
Real Stituation, causes, consequences and solutions
Sex imbalance at birth is one of the considerable challenges of our country in the
coming years, which is illustrated by an increase in the sex ratio at births. Adopted from
the reliable and updated resources, the author analyzes the situation of sex imbalance at
birth in the country for the past 10 years. Then, the author clarifies the causes, impacts of
the sex imbalance at birth and he proposes some key measures in order to deal with the
situation.
100



×