Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Xây dựng và sử dụng tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ có rối loạn tự kỉ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (175.75 KB, 10 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

Educational Sci. 2011, Vol. 56, No. 4, pp. 107-116

XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG TRANH ẢNH HỖ TRỢ GIAO TIẾP
CHO TRẺ CÓ RỐI LOẠN TỰ KỈ

Đỗ Thị Thảo

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail:
Tóm tắt. Nhiều trẻ mầm non được chẩn đoán bị tự kỉ không có khả năng
nói chuyện hay giao tiếp với người khác. Trẻ thậm chí không cố gắng khởi
xướng việc giao tiếp với mọi người thông qua liên hệ mắt-mắt, thực hiện
động tác cử chỉ, điệu bộ. . . Do đó trẻ cần phải có một hoặc một số hệ thống
giao tiếp thay thế nhằm giúp trẻ có thể sử dụng để giao tiếp với người khác.
Việc xây dựng được hệ thống tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp giúp trẻ sẽ học tập
tốt hơn và thể hiện được nhu cầu của mình nhiều hơn, điều này góp phần
nâng cao chất lượng giáo dục trẻ tự kỉ. Trong quá trình xây dựng, sử dụng
tranh ảnh để dạy học và hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ có sự tham gia của
các yếu tố liên quan đến đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng, trang thiết bị,. . .
đòi hỏi sự đầu tư về mặt thời gian và tài chính, sự nỗ lực kiên trì của cha
mẹ trẻ và giáo viên.

1.

Mở đầu

Rối loạn tự kỉ (tự kỉ) được phát hiện ngày càng nhiều ở trẻ em Việt Nam.
Lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỉ đang nhận được sự quan tâm không chỉ ở các bậc cha
mẹ, các giáo viên mà cả các nhà chuyên môn. Qua các nghiên cứu của chuyên gia


trong và ngoài nước cho thấy, giao tiếp là một vấn đề gây khó khăn rất lớn ở trẻ tự
kỉ và đã ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển của trẻ.
Thực tế hiện nay, nhiều trẻ ở lứa tuổi mầm non được chẩn đoán bị tự kỉ bởi
không có khả năng nói chuyện hay giao tiếp với người khác. Thậm chí trẻ không cố
gắng khởi xướng giao tiếp với mọi người xung quanh thông qua liên hệ mắt - mắt
hay thực hiện những cử chỉ điệu bộ. . . Một số trẻ nhỏ không bao giờ nói đúng chức
năng, do đó trẻ cần phải có một hoặc một số hệ thống giao tiếp thay thế mà trẻ có
thể sử dụng để giao tiếp với người khác.
Dùng tranh ảnh hỗ trợ trẻ tự kỉ giao tiếp sẽ giúp trẻ có thể bày tỏ nhu cầu,
mong muốn, độc lập trong cuộc sống và có thể tham gia học tập. Việc làm này
không chỉ giúp trẻ có thể giao tiếp với mọi người mà còn giúp giáo viên và cha mẹ
của trẻ có thể hiểu hơn về trẻ. Từ đó có những biện pháp giáo dục thích hợp giúp
107


Đỗ Thị Thảo

trẻ giảm bớt những hành vi không mong muốn do khó khăn về giao tiếp mang lại
và giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng.

2.

Nội dung nghiên cứu

2.1.

Xây dựng bộ tranh ảnh

Quá trình xây dựng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ cần tuân theo
một số nguyên tắc, yêu cầu và trải qua các bước trong một qui trình hợp lí.

2.1.1.

Nguyên tắc, yêu cầu của việc xây dựng bộ tranh ảnh

- Xây dựng là việc tạo ra một cấu trúc chỉnh thể, trong đó các yếu tố được
sắp xếp trên cơ sở lí luận và thực tiễn đảm bảo tính thẩm mỹ.
- Xây dựng bộ tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ là quá trình thiết
kế, tạo lập và cấu trúc những tranh ảnh trên cơ sở các yếu tố cấu thành theo một
chủ đề. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ, chúng tôi
tập trung xây dựng bộ tranh ảnh theo chủ đề là các hoạt động liên quan đến những
nhu cầu cơ bản trong học tập và sinh hoạt của trẻ tự kỉ tại trường học và tại gia
đình. Việc xây dựng tranh ảnh cần thể hiện mục đích, yêu cầu, đối tượng và cách
thức sử dụng.
- Những nguyên tắc, yêu cầu: Việc xây dựng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho
trẻ tự kỉ dựa trên những nguyên tắc và yêu cầu sau:
+ Đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn: Việc xây dựng tranh ảnh để hỗ
trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ phải thể hiện những nhu cầu hoạt động có thực, gần gũi
với cuộc sống của trẻ hay có ý nghĩa cần thiết đối với cuộc sống hiện tại và tương
lai của trẻ.
+ Đảm bảo phù hợp với bối cảnh văn hóa: Tranh ảnh được xây dựng để hỗ trợ
giao tiếp cho trẻ tự kỉ cần gắn liền với môi trường mà trẻ thực hiện kĩ năng như:
thành phố hay nông thôn; gia đình, lớp học hay nơi công cộng.
+ Đảm bảo phù hợp với cá nhân trẻ: Việc xây dựng tranh ảnh để hỗ trợ giao
tiếp cho trẻ tự kỉ cần tính đến các đặc điểm phát triển tâm sinh lí riêng của mỗi trẻ
như: độ tuổi, giới tính, cảm giác, tri giác, chú ý, ghi nhớ, tư duy, tưởng tượng, ngôn
ngữ và giao tiếp, sở thích, nhu cầu của trẻ.
+ Đảm bảo nội dung: Tranh ảnh được xây dựng cần gợi nhắc trẻ về các yếu
tố cấu thành nên sự vật và sự việc (chủ thể, đối tượng, khách thể, quy trình).
+ Đảm bảo chất lượng: Tranh ảnh có chất lượng tốt phải thể hiện rõ nét các
chi tiết, phối hợp màu hài hòa, độ tương phản rõ ràng, có sự phân biệt hình và nền,

chi tiết chính và chi tiết phụ, đặc biệt không có quá nhiều kích thích thị giác gây
xao lãng, hiểu nhầm hoặc hiểu sai. Ngoài ra tranh ảnh cần được bảo quản để có thể
sử dụng bền lâu.
+ Đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng: Một số giáo viên và cha mẹ xây
dựng lịch tranh ảnh để giúp trẻ cấu trúc và dự đoán các hoạt động tự phục vụ trong
108


Xây dựng và sử dụng tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ có rối loạn tự kỉ

ngày, số khác xây dựng sổ giao tiếp bằng tranh ảnh để giúp trẻ thể hiện nhu cầu,
số khác xây dựng chuỗi gợi ý bằng tranh ảnh để hỗ trợ việc thực hiện trong các giai
đoạn học khác nhau nhưng cũng có người muốn sử dụng các thẻ tranh ảnh rời để
trẻ chơi trò chơi hay kể một câu chuyện.
2.1.2.

Qui trình xây dựng tranh ảnh

Việc xây dựng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ trải qua một số bước
cơ bản sau:
a. Thu thập thông tin và đánh giá trẻ: Xác định khả năng nhận thức và giao
tiếp qua tranh ảnh và các kĩ năng giao tiếp...
b. Xác định mục đích của tranh ảnh: Đối với trẻ tự kỉ, có hai mục đích giao
tiếp cần dạy trẻ: một là giúp trẻ tự điều chỉnh và hai là tương tác xã hội - chia sẻ
mối quan tâm với người khác. Xác định mục đích hỗ trợ giao tiếp của tranh ảnh là
xem xét liệu tranh ảnh đó hỗ trợ trẻ tự kỉ thể hiện chức năng giao tiếp nào và có ý
nghĩa như thế nào đối với sự phát triển trong hiện tại và tương lai của trẻ.
c. Xác định nội dung của tranh ảnh: Trong đề tài này, chúng tôi xác định nội
dung của bộ tranh ảnh xoay quanh bốn chủ đề gần gũi nhất với cuộc sống của trẻ
tự kỉ, đó là: hoạt động trong trường lớp, hoạt động ngoài trường lớp, hoạt động ăn

uống và trang phục.
d. Hoàn thiện hình thức của tranh ảnh: Thu thập các ảnh chụp khác nhau từ
các chương trình phần mềm tìm kiếm hình ảnh từ máy tính nối mạng hoặc tự chụp
bằng máy ảnh kĩ thuật số các loại đồ chơi, các loại đồ ăn, các loại đồ uống, các
loại trang phục. . . có thật. Sau đó, xử lí hình ảnh sao cho thể hiện rõ nét chi tiết
chính-phụ và hài hòa màu sắc, cắt bỏ chi tiết rườm rà rồi ghép vào một khuôn giấy
cỡ thẻ business card, đặt tên thẻ tranh bằng một cụm từ, chọn màu font chữ và nền
sao cho dễ nhìn. Sau đó, in ảnh màu bằng giấy ảnh cứng dày màu trắng và dùng
máy cắt theo cùng kích thước một thẻ business card. Cuối cùng có thể ép plastic để
sử dụng bền lâu.

2.2.
2.2.1.

Sử dụng bộ tranh ảnh để hỗ trợ trẻ tự kỉ giao tiếp
Yêu cầu sử dụng

a. Đảm bảo trẻ hiểu rõ nội dung của tranh ảnh: Nếu sử dụng tranh ảnh để hỗ
trợ giao tiếp mà trẻ không hiểu ý nghĩa của tranh ảnh tức là trẻ không có sự liên hệ
giữa hình ảnh với vật thật hoặc việc thật thì trẻ không thể hiện đúng mục đích giao
tiếp. Bởi vậy, cần giúp trẻ hiểu bằng cách chỉ tay vào tranh ảnh tương ứng với đối
tượng có liên quan; trò chuyện hoặc chơi trò chơi để trẻ khai thác nội dung tranh
ảnh.
b. Địa điểm và hình thức thể hiện tranh ảnh phù hợp với mục đích: Nếu tranh
ảnh được sử dụng rời rạc trong giai đoạn học hiểu ý nghĩa của tranh ảnh thì chúng
cần được gắn kết hoặc ghép nối với vật thật, việc thật. Có thể làm điều đó bằng
cách cho trẻ ghép đôi vật thật với thẻ tranh ảnh như: đặt vật thật vào bên trong túi
109



Đỗ Thị Thảo

nhựa trong suốt có khóa và bên ngoài có thẻ tranh ảnh tương ứng; hoặc là đặt thẻ
tranh ảnh vào hộp nhựa trong suốt rồi đặt trước vật thật; hoặc là cho trẻ ghép đôi
thẻ tranh ảnh giống nhau với nhau để trẻ học cách phân biệt về mặt thị giác. Nếu
tranh ảnh được sử dụng dưới dạng chuỗi hoạt động liên tiếp, cần đặt chuỗi gợi ý ở
nơi mà hoạt động tương ứng với tranh ảnh diễn ra và theo đúng trình tự thực hiện.
Nếu sử dụng các thẻ tranh ảnh trong giai đoạn thể hiện nhu cầu và mong muốn,
có thể giữ chúng trong các cuốn sổ lựa chọn có số lượng các ngăn đựng card và số
trang khác nhau để trẻ có thể sử dụng tại chỗ hoặc mang theo mình tùy theo nhu
cầu, mục đích của trẻ.
c. Đảm bảo thời gian sử dụng: Thời gian sử dụng bao gồm thời điểm và thời
lượng sử dụng. Mức độ sử dụng tranh ảnh cần phù hợp với các giai đoạn học của
trẻ (tiếp thu, thành thục, duy trì và khái quát). Trong giai đoạn tiếp thu, trẻ cần
hiểu ý nghĩa của tranh ảnh với vật thật, việc thật cũng như hiểu rằng khi đặt thẻ
tranh ảnh vào tay người giao tiếp là đạt được mục đích giao tiếp. Trong giai đoạn
thành thục, trẻ đặt thẻ tranh ảnh vào tay người giao tiếp để thể hiện nhu cầu mong
muốn. Trong giai đoạn duy trì, trẻ thực hiện độc lập mà không cần giám sát, trợ
giúp. Trong giai đoạn khái quát, nội dung - hình thức tranh ảnh có thể thay đổi với
số lượng nhiều hơn và trong những hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, hoạt động trong
tranh ảnh được thực hiện tương ứng với trình tự thời gian sẽ giúp trẻ đoán biết quy
trình thực hiện. Mặt khác, thời lượng sử dụng tranh ảnh (thời gian cho trẻ quan
sát, thời gian chơi hoặc trò chuyện với các thẻ tranh) không nên quá dài hoặc quá
ngắn. Nếu thời gian quá ngắn thì trẻ không đủ thời gian tiếp nhận và xử lí thông
tin. Nếu thời gian quá dài sẽ gây mệt mỏi, giảm hứng thú của trẻ. Chỉ bắt đầu khi
trẻ hứng thú và chuyển hoạt động hoặc nội dung khi trẻ tỏ ra mất tập trung.
d. Đảm bảo tính có thể di chuyển được khi sử dụng: Tranh ảnh có thể được
sử dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, cho nhiều mục đích và với nhiều hình thức. Vì thế,
tranh ảnh cần dễ tháo rời hoặc di chuyển để thay thế trong các sổ lựa chọn, lịch,
bảng hoạt động.

2.2.2.

Qui trình sử dụng tranh

Bước 1: Lập kế hoạch.
Đây là bước xem xét lại những thông tin đã đánh giá và hình ảnh hóa. Sau
đó lập kế hoạch sử dụng tranh để hỗ trợ trẻ giao tiếp hoặc dạy học, bao gồm việc
lựa chọn mục tiêu, cụ thể hóa cách thức và thời gian đạt được mục tiêu.
Bước 2: Chuẩn bị.
Chuẩn bị những yếu tố cần thiết trong quá trình hỗ trợ trẻ giao tiếp hoặc dạy
học như: lựa chọn và sắp xếp đồ dùng và phương tiện dạy học (lịch hoặc chuỗi tranh
ảnh, trang phục, dụng cụ ăn uống, . . . ), bố trí địa điểm dạy học và sắp xếp thời
gian dạy học. . .
Bước 3: Giới thiệu.
Trước khi dạy trẻ giao tiếp bằng tranh ảnh, giáo viên nên kích thích hứng thú
110


Xây dựng và sử dụng tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ có rối loạn tự kỉ

và định hướng đúng cho học sinh bằng việc giới thiệu nội dung tranh ảnh. Việc giới
thiệu có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp bằng trò chơi hoặc câu chuyện.
Giáo viên có thể hỏi trẻ những câu hỏi đơn giản khai thác nội dung như: ai, cái gì,
làm gì, ở đâu, khi nào. . . hoặc tạo ra nhiều thẻ, chuỗi tranh ảnh giống nhau để chơi
trò chơi ghép đôi hoặc sắp xếp tranh ảnh theo một trình tự để kể một câu chuyện,. . .
Điều này sẽ giúp trẻ dễ nhớ và hiểu đúng nội dung tranh ảnh.
Bước 4: Hướng dẫn và mở rộng.
Sau khi trẻ có thông tin và hình dung về các yếu tố cấu thành hay các bước
thực hiện kĩ năng, giáo viên và cha mẹ bắt đầu hướng dẫn. Những lần đầu, việc
hướng dẫn cần kết hợp lời nói với động tác và quan sát tranh ảnh. Ví dụ như giáo

viên chỉ tay vào tranh chụp các món ăn đồng thời nói “con ăn bánh mỳ nhé” rồi
thực hiện động tác cầm bánh mỳ lên, sau đó yêu cầu trẻ cầm bánh mỳ lên nhưng
vẫn kết hợp với tranh ảnh, dần dần giảm hỗ trợ bằng thể chất, chỉ giữ lại gợi ý bằng
tranh ảnh. Việc hướng dẫn trẻ sử dụng lịch, bảng cần bắt đầu từ lịch, bảng có hai
thẻ tranh ảnh, tiến hành hướng dẫn lần lượt từng tranh ảnh rồi nâng cao dần số
lượng tranh ảnh. Mặt khác do tranh ảnh chỉ thể hiện một thông tin cố định mà khả
năng chuyển giao kiến thức của trẻ kém nên khi hướng dẫn cần cho trẻ luyện tập
thực hành với những hình ảnh minh họa khác nhau (ví dụ như các kiểu quần áo
khác nhau về màu sắc, kích cỡ. . . )
Bước 5: Đánh giá.
Việc đánh giá được thực hiện trong hoặc sau khi hướng dẫn để thu thập thông
tin về độ dài chú ý. So sánh khả năng bắt chước hành động thực và tranh ảnh mẫu
cũng như việc thực hiện độc lập không cần trợ giúp của người lớn mà chỉ quan sát
sự gợi ý bằng tranh ảnh. Kết quả cuối cùng là đánh giá mức độ thực hiện kĩ năng
mục đích để quyết định xem tiếp tục dạy kĩ năng đó hay thay thế và chuyển tiếp
sang kĩ năng khác hoặc tiếp tục sử dụng bộ tranh ảnh đó hay cần điều chỉnh, thay
thế.

2.3.

Hướng dẫn giáo viên và cha mẹ cách sử dụng bộ tranh ảnh
cho trẻ tự kỉ

Bước 1: Xác định nội dung của thẻ tranh ảnh.
Lập một danh sách những sự vật, sự việc quan trọng trong học tập và sinh
hoạt hàng ngày có ý nghĩa quan trọng đối với việc giao tiếp thể hiện mong muốn và
nhu cầu của trẻ.
Bước 2: Lựa chọn cách cất giữ và trưng bày thẻ tranh ảnh.
Tùy vào mục đích dạy giao tiếp cho trẻ mà cất giữ hoặc trưng bày thẻ tranh
ảnh vào các loại sổ bìa cứng, sổ lò xo có số card và số trang khác nhau để trẻ lựa

chọn hoặc sắp xếp theo từng chủ đề; hoặc dùng túi nhựa trong suốt có khoá và ngăn,
hộp đựng thẻ tên để trẻ học ghép đôi thẻ tranh ảnh với vật thật. . . Vì thẻ tranh ảnh
có cùng kích cỡ với thẻ business card nên có thể tận dụng những sản phẩm đựng
thẻ business card hiện sẵn có trên thị trường.
111


Đỗ Thị Thảo

Giáo viên và cha mẹ học sinh có thể sắp xếp các thẻ tranh theo các chủ đề như
đồ ăn, thức uống, trang phục, hoạt động ở trường lớp và hoạt động ngoài trường
lớp. . . vào một quyển sổ bìa da dày có 3 lò xo cứng với nhiều trang, mỗi trang đựng
10 thẻ để trẻ học giao tiếp trong giai đoạn lựa chọn; mỗi chủ đề được đánh dấu bằng
các giấy màu ngăn cách có hình ảnh minh họa chủ đề chung.
Ngoài ra, có thể sử dụng các túi nhựa trong suốt có khóa hoặc hộp nhựa để
đặt các thẻ tranh ảnh ghép tương ứng với vật thật, việc thật trong giai đoạn trẻ học
nghĩa của thẻ tranh ảnh.
Bước 3: Dạy trẻ hiểu ý nghĩa của thẻ tranh ảnh.
Tiếp theo, bạn cần phải dạy trẻ hiểu mỗi thẻ tranh ảnh rời thể hiện ý nghĩa
gì bằng cách cho trẻ gắn kết thẻ tranh ảnh tương ứng với sự vật, sự việc có thực.
Luôn luôn nhớ liên hệ các sự vật, sự việc cụ thể với thẻ tranh ảnh bằng cách gọi
tên, chỉ tay hoặc đưa cho trẻ nhìn thấy và nhớ rằng khi đó thì bạn phải giữ sao cho
vật thật và thẻ tranh ảnh ở ngang hai bên má của bạn để trẻ nhìn vào mặt bạn.
Hãy bắt đầu chậm, quá trình này sẽ mất thời gian. Tốt nhất là bắt đầu từ việc dạy
2-3 sự vật, sự việc mà trẻ thích nhất ở mỗi chủ đề.
Bước 4: Dạy trẻ thể hiện mong muốn và nhu cầu của mình thông qua thẻ tranh
ảnh.
Tiếp theo, dạy trẻ lựa chọn từ chuỗi tranh ảnh, bắt đầu dạy từ 2-3 thẻ tranh
ảnh đã chọn trong mỗi chủ đề. Sau đó trẻ cần phải được dạy cách lấy ra một thẻ
tranh ảnh thể hiện sự vật, sự việc mà trẻ muốn từ sổ lựa chọn và đặt vào tay bạn.

Đầu tiên khi dạy 2 thẻ tranh ảnh trong một chủ đề nhất định thì cần chọn một thẻ
tranh ảnh là sự vật, sự việc mà trẻ thích hơn và một thẻ tranh ảnh trẻ không thích.
Bạn cầm từng thẻ lên, gọi tên để trẻ nghe khi bạn đưa cho trẻ xem. Hy vọng rằng
trẻ sẽ với lấy thẻ tranh ảnh thể hiện sự vật, sự việc mà trẻ muốn. Cho dù trẻ có lấy
cái nào thì ngay lập tức chúng ta cần giúp đỡ trẻ về mặt thể chất để trẻ rút thẻ
tranh ảnh tương ứng ra khỏi sổ lựa chọn và mở lòng bàn tay của bạn để trẻ đặt thẻ
tranh ảnh vào tay bạn. Sẽ rất tốt nếu ban đầu quá trình rèn luyện cho trẻ được thực
hiện với 2 người lớn, một người giúp trẻ rút thẻ tranh ảnh rồi giúp trẻ đặt thẻ tranh
ảnh vào lòng bàn tay mở sẵn của người kia. Khi trẻ đã đưa cho bạn thẻ tranh ảnh
thì một lần nữa bạn lại cầm thẻ ảnh lên ngang bên má của bạn và làm rõ ý định
giao tiếp của trẻ bằng cách nói. Ví dụ, "Chuối - Con muốn một quả chuối". Sau
đó, tạm dừng một lúc và nói "chuối" một lần nữa trong khi cầm quả chuối thật đặt
ngang bên má và chỉ vào miệng, cố gắng giúp trẻ phát âm hoặc nói gì đó, vì phát ra
lời nói luôn luôn là MỤC ĐÍCH cuối cùng. Hãy nhớ rằng, vào thời điểm này bạn chỉ
nên kích thích và khuyến khích trẻ phát âm, nhưng không bắt buộc. Vì vậy, không
nên kéo dài quá trình đưa cho trẻ những gì trẻ đã yêu cầu thông qua các hình ảnh
bằng việc chờ đợi trẻ đưa ra phản ứng bằng lời nói đi kèm. Và ngay sau đó, bạn nên
lập tức đưa cho trẻ quả chuối.
Điều quan trọng là phải tích cực củng cố bất kỳ nỗ lực giao tiếp nào của trẻ
thông qua tranh ảnh bằng cách luôn cố gắng đáp ứng những gì trẻ muốn. Khi trẻ
112


Xây dựng và sử dụng tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ có rối loạn tự kỉ

thực hiện quá trình này tốt hơn thì bạn lui dần từng bước và di chuyển ngày càng
tách xa trẻ hơn, trẻ phải đi tới phía bạn để đưa thẻ tranh ảnh cho bạn. Mục tiêu
cuối cùng trẻ cần đạt là có khả năng tự mình đi tới sổ lựa chọn; rút ra thẻ tranh
ảnh thể hiện đồ chơi, đồ ăn, đồ uống, trang phục, hoạt động mà trẻ muốn; tìm đến
cha mẹ, anh em, người chăm sóc. . . ngay cả khi họ đang ở trong phòng khác hoặc

khu vực khác trong nhà; đặt thẻ tranh ảnh vào tay họ thể hiện mong muốn và nhu
cầu cơ bản của mình.

2.4.

Một số lưu ý trong quá trình thực hiện

- Luôn luôn đặt tên cho thẻ tranh ảnh bằng một cụm từ, chữ in thường.
- Gọi tên cụm từ, ít nhất 2 lần trong khi khuyến khích trẻ nói đồng thời đưa
thẻ tranh ảnh. Luôn khen thưởng nỗ lực phát âm của trẻ bằng cách nói "Con nói
tốt lắm".
- Phải cầm vật thật và thẻ tranh ảnh ngang hai bên má của bạn để khuyến
khích trẻ thiết lập liên hệ mắt với bạn và theo dõi miệng của bạn khi bạn gọi tên
cụm từ.
Luôn luôn nói một cách ngắn gọn nhất hoặc nhấn mạnh cụm từ chính.

2.5.

Một số cách sử dụng thẻ tranh ảnh

- Ghép thẻ tranh ảnh với vật thật: Cầm thẻ tranh ảnh đi quanh phòng, đặt
thẻ tranh ảnh vào đúng vật tương ứng.
- Gọi tên: Nhìn vào mỗi thẻ và gọi tên sự vật, sự việc trong thẻ.
- Mô tả: Nhìn vào mỗi thẻ và mô tả các đặc điểm của sự vật, sự việc trong
thẻ tranh ảnh.
- Ghép 2 thẻ tranh ảnh giống nhau: Chọn hai bộ tranh ảnh giống nhau, đưa
cho trẻ một bộ, một bộ trải trên bàn hoặc ghép vào sổ thành một cột, yêu cầu trẻ
ghép bộ của mình bên phải cột đó.
- Phát hiện cặp thẻ giống nhau: Hai người chơi, mỗi người có một bộ thẻ giống
nhau được đảo vị trí, hai người cầm úp mặt thẻ xuống dưới. Hai người cùng lật mặt

thẻ lên mặt bàn. Nếu thấy giống nhau thì nói “trúng”, ai nói nhanh hơn thì người
kia phải cầm cặp thẻ đó lên. Tiếp tục chơi đến khi một người hết thẻ là thắng cuộc.
Luyện trí nhớ 1: Cần 2 người chơi và 2 bộ thẻ tranh ảnh giống nhau. Đảo vị
trí các thẻ tranh và dàn trải các thẻ trên bàn, các thẻ úp mặt xuống bàn. Người thứ
nhất lật 3 thẻ, nếu có hai thẻ giống nhau thì gọi tên cặp thẻ và cất sang bên cạnh.
Sau đó lật tiếp một thẻ, nếu có cặp thẻ giống nhau thì lại gọi tên và cất đi rồi lật
thêm một lần nữa. Nếu không có thẻ giống nhau thì người tiếp theo lật một lần.
Nếu không có thẻ giống nhau thì người kia lật một lần. Người nào ghép được nhiều
cặp đôi thẻ là người chiến thắng.
Luyện trí nhớ 2: Cần nhiều hơn 2 người chơi, mỗi người có một bộ thẻ tranh
ảnh giống nhau cầm trên tay và một bộ khác dàn trải các thẻ trên bàn, các thẻ úp
113


Đỗ Thị Thảo

mặt xuống bàn. Một người lật 3 thẻ lên bàn và ghi nhớ hình ảnh của từng thẻ, sau
đó lật úp thẻ xuống bàn. Người kia rút ra từng thẻ của mình, nếu giống một trong
ba thẻ thì lật thẻ tương ứng và cất cặp đó sang bên rồi lật một thẻ khác trên bàn
và so với một thẻ trên tay; nếu không giống thì đến lượt người kia. Ai hết thẻ trước
là thắng.

2.6.

Đánh giá của giáo viên và cha mẹ về mức độ cần thiết và
mức độ khả thi của việc xây dựng và sử dụng bộ tranh ảnh
để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ

Sau khi xây dựng xong bộ tranh, chúng tôi tiến hành kiểm chứng về mức độ
cần thiết và mức độ khả thi của việc xây dựng và sử dụng bộ tranh ảnh để hỗ trợ

giao tiếp cho trẻ tự kỉ. Kiểm chứng được thực hiện bởi đội ngũ giáo viên và cha mẹ
trẻ tại trường chuyên biệt Ánh Sao Hà Nội.
Bảng 1. Đánh giá của giáo viên và cha mẹ
về mức độ cần thiết của việc xây dựng
và sử dụng bộ tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ Tự kỉ
Nội dung đánh giá
Bối
cảnh
Nhóm
tranh
ảnh

Ở lớp học
Ở gia đình
Hoạt động trong
trường lớp
Hoạt động ngoài
trường lớp
Trang phục
Ăn uống

Rất cần thiết
SL
%
16
40
19
47,5

Mức độ cần thiết (1 < X < 3)

Cần thiết
Không cần thiết
SL
%
SL
%
22
55
2
5
19
47,5
2
5

2,35
2,425

Thứ
bậc
2
1

X

24

60

16


40

0

0

2,6

1

14

35

22

55

4

10

2,25

4

14
20


40
50

24
16

60
40

2
4

5
10

2,3
2,4

3
2

Bảng 2. Đánh giá của giáo viên và cha mẹ
về mức độ khả thi của việc xây dựng
và sử dụng bộ tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ
Nội dung đánh giá
Bối

Ở lớp học

cảnh


Ở gia đình
Hoạt động trong
trường lớp
Hoạt động ngoài
trường lớp
Trang phục

Nhóm
tranh
ảnh

Ăn uống

114

Rất cần thiết
SL
%
17
42,5

Mức độ cần thiết (1 < X < 3)
Cần thiết
Không cần thiết
SL
%
SL
%
21

52,5
2
5

2,375

Thứ
bậc
2

X

18

45

20

40

2

5

2,4

1

22


55

18

45

0

0

2,55

1

14

35

22

55

4

10

2,25

4


17
15

42,5
37,5

20
22

50
55

3
3

7,5
7,5

2,35
2,3

2
3


Xây dựng và sử dụng tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ có rối loạn tự kỉ

Dựa vào số liệu thu được, chúng tôi thấy nhìn chung giáo viên và cha mẹ đánh
giá rằng việc xây dựng và sử dụng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp là cần thiết và rất
cần thiết vì X > 2. Xét về bối cảnh dạy học, các giáo viên và cha mẹ cho rằng việc

xây dựng và sử dụng tranh ảnh ở nhà có mức độ cần thiết cao hơn ở lớp (X = 2, 425
so với X = 2, 35) vì phần lớn thời gian trẻ ở nhà và đa số các kĩ năng được thực
hiện tại nhà. Xét về mức độ cần thiết của từng nhóm tranh ảnh thì tranh ảnh về
hoạt động trong trường lớp xếp thứ nhất với X = 2, 6; tranh ảnh về đồ ăn đồ uống
xếp thứ hai với X = 2, 4; tranh ảnh về trang phục xếp thứ ba với X = 2, 3 và cuối
cùng là tranh ảnh về hoạt động ngoài trường lớp với X = 2, 25. Nói chung, việc xây
dựng và sử dụng bộ tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ là cần thiết.
Ngoài ra, giáo viên và cha mẹ đánh giá rằng việc xây dựng và sử dụng tranh
ảnh để hỗ trợ giao tiếp là khả thi và rất khả thi vì X > 2. Xét về bối cảnh dạy
học, các giáo viên và cha mẹ cho rằng việc xây dựng và sử dụng tranh ảnh ở lớp
khả thi hơn ở nhà (X = 2, 4 so với X = 2, 375) vì ở lớp có rất nhiều hoạt động và
tình huống mà trẻ phải giao tiếp để thể hiện nhu cầu. Xét về mức độ khả thi của
từng nhóm tranh ảnh thì tranh ảnh về hoạt động trong trường lớp xếp thứ nhất với
X = 2, 55; tranh ảnh về ăn uống xếp thứ hai với X = 2, 35; tranh ảnh về ăn mặc
xếp thứ ba với X = 2, 3 và cuối cùng là tranh ảnh về hoạt động ngoài trường lớp
với X = 2, 25. Nói chung, việc xây dựng và sử dụng bộ tranh ảnh để hỗ trợ giao
tiếp cho trẻ tự kỉ là khả thi.

3.

Kết luận

Giao tiếp của trẻ tự kỉ gặp rất nhiều khó khăn, do vậy việc xây dựng được hệ
thống tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp sẽ giúp trẻ học tập tốt hơn và thể hiện được nhu
cầu của mình nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ tự kỉ. Việc xây
dựng và sử dụng tranh ảnh để dạy học và hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ có sự tham
gia của các yếu tố liên quan đến đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng, trang thiết bị,. . .
đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và tài chính.
Giáo viên và cha mẹ trẻ cần có nhận thức đúng về vai trò, bản chất của việc
xây dựng và sử dụng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ, từ đó có định hướng

và hành động cụ thể đối với việc xây dựng và sử dụng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp
cho trẻ tự kỉ.
Các trường, trung tâm cần chủ động tổ chức những đợt bồi dưỡng kiến thức
về giáo dục trẻ tự kỉ, các vấn đề về giao tiếp, các phương tiện hỗ trợ giao tiếp cho
trẻ để giáo viên và cha mẹ nâng cao khả năng, kinh nghiệm của mình. Điều này góp
phần ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả, mức độ phù hợp, tính khả thi của việc xây
dựng và sử dụng tranh ảnh để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ.
Để có thể xây dựng được bộ tranh ảnh thích hợp cần phải đầu tư nhiều công
sức và kinh phí. Do vậy, nhà trường cần có kế hoạch và định hướng phát triển chuyên
môn, dự toán tài chính để giáo viên có thể phát huy được sự sáng tạo, say mê xây
dựng tranh ảnh giúp trẻ tự kỉ có cơ hội được hỗ trợ về giao tiếp và phát triển khả
115


Đỗ Thị Thảo

năng giao tiếp một cách tích cực hơn.
Sự kỳ vọng tích cực về sự phát triển của trẻ tự kỉ là một trong những điều
kiện để giáo viên và cha mẹ đầu tư công sức, thời gian nhằm tìm hiểu, tiến hành
việc xây dựng và sử dụng tranh ảnh để dạy học và hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ.
Dạy trẻ có rối loại tự kỉ biết sử dụng tranh ảnh trong giao tiếp không thể một
sớm một chiều, hi vọng các bậc cha mẹ và giáo viên phải hết sức kiên trì, bền bỉ và
nỗ lực trong quá trình giúp đỡ trẻ từng bước hòa nhập với cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Thị Thảo. Xây dựng bộ tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỉ. Đề tài nghiên
cứu khoa học cấp trường- ĐHSP- 07- 148.
[2] Trần Thị Lệ Thu, 2002. Đại cương Giáo dục Đặc biệt cho trẻ CPTTT. Nxb Đại
học Quốc gia Hà Nội.
[3] Nguyễn Thị Hoàng Yến (chủ biên), Đỗ Thị Thảo, 2010. Đại cương về Giáo dục
trẻ KTTT. Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

[4] Frost. L., M.S. and Bondy. A, Ph. D., 2002. The Picture Exchange Communication System – Training manual. Pyramid Educational Products.
[5] Hutchingson. M., 2003. Themed Activities for people with learning difficulties.
Speechmark Publishing.
[6] Klein. M.D., 1983. Skill starters for self-help development, Communication skill
builders.
[7] Marsha. D.K., 1983. Pre-Dressing Skills. Communication Skill Builders.
[8] Overview of Autism - Website của Trung tâm nghiên cứu Tự kỉ Mỹ- Autism
Research Institute.
[9] World Health Organization, 1997. Let’s communicate.
ABSTRACT
Development and use of a picture system
to enable communication of children with autism
There are many pre-school children who are diagnosed with autism who are
unable to communicate with others. Most of them even find it impossible to initiate
communication through eye contact or body language. . . It is therefore essential
that they need one or more alternative communication systems in order to start
conversations. The development of a picture communication system will be more
beneficial to their learning and helps them to express their needs and wants, thanks
to which the education of children with Autism will have more chance to improve.
The picture system development requires many factors regarding personal belongings, household appliances, and other equipment. . . etc, which need time, financial
contribution and effort from Doctors, parents and teachers.

116



×