Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Bản chất của việc đánh giá giáo viên trung học theo chuẩn nghề nghiệp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110.37 KB, 5 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

IER., 2011, Vol. 56, pp. 19-23

BẢN CHẤT CỦA VIỆC ĐÁNH GIÁ GIÁO VIÊN
TRUNG HỌC THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP

Đinh Quang Báo

Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail:
Tóm tắt. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên có giá trị như là “thước đo” năng lực
hành nghề của GV. Một trong những mục đích đánh giá GV theo chuẩn là
thúc đẩy việc bồi dưỡng phát triển năng lực đó. Để phát triển nghề nghiệp
thì hoạt động tự đánh giá của giáo viên theo chuẩn là quan trọng nhất vì
kết quả đánh giá là chính xác, thiết thực nhất cho mỗi giáo viên. Tự đánh
giá là hoạt động thường xuyên, kịp thời dáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt
động giáo dục.

1.

Đặt vấn đề

Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học (giáo viên trung học cơ
sở và giáo viên trung học phổ thông) đã được ban hành kèm theo Thông tư số
30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo. Kèm theo Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học, Bộ Giáo dục
và Đào tạo đã có Công văn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 09 tháng 2 năm
2010 về việc Hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên trung học theo Thông tư số
30/2009/TT-BGDĐT.
Hằng năm, giáo viên được đánh giá theo nhiều văn bản khác nhau như:


- Quyết định số 202/TCCP-VC ngày 08 tháng 6 năm 1994 của Bộ TrưởngTrưởng ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc ban hành Tiểu
chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành Giáo dục và Đào tạo (ngạch giáo viên trung
học và ngạch giáo viên trung học cao cấp);
- Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo
viên phổ thông công lập;
- Quyết định số 16/2008/QĐ- BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đạo đức nhà giáo.
19


Đinh Quang Báo

2.

Nội dung nghiên cứu

Việc đánh giá giáo viên theo quy định nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu
thúc đẩy việc bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên, qua đó, nâng
cao chất lượng của nhà trường.
Tuy nhiên, các văn bản không hoàn toàn giống nhau về mô tả cấu trúc năng
lực giáo viên nói chung và giáo viên trung học nói riêng; về cách đánh giá, cách xử
lí kết quả đánh giá.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học được quy định kèm theo Thông tư
30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo quy định chi tiết, có hệ thống nội dung về phẩm chất, năng lực nghề nghiệp
của giáo viên. Các phẩm chất, năng lực được trình bày theo cách tiếp cận năng lực
hoạt động, với cấu trúc phản ánh lôgic các công đoạn hoạt động giáo dục, dạy học.
Theo đó, mỗi hoạt động ở từng công đoạn được xác định bằng các hành động cấu
thành các kĩ năng giáo dục, dạy học cụ thể.

Với cách mô tả đó, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên có giá trị như là một “thước
đo” năng lực hành nghề của giáo viên diễn ra trong bối cảnh thực tiễn giáo dục. Đó
là điểm khác biệt cơ bản của Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học so
với các văn bản khác và cần được tính đến khi vận dụng Chuẩn này vào đánh giá
giáo viên. Sử dụng thước đo này không đơn giản, vì đơn vị đo lường là phẩm chất,
năng lực nghề giáo dục- nghề tạo ra nhân cách là một thực thể tâm lí. Giáo viên
được vinh danh “Kĩ sư tâm hồn” là ở ý nghĩa đó. Năng lực của bất kì nghề nào cũng
được cấu thành bởi một hệ tiêu chí. Hệ tiêu chí chính xác nhất của một nghề là hệ
tiêu chí cấu thành chất lượng sản phẩm do nghề tạo ra.
Sản phẩm nghề giáo dục là nhân cách, là một thực thể tâm lí, nên có hệ tiêu
chí thuộc các lĩnh vực: kiến thức, kĩ năng, thái độ. Các lĩnh vực đó là những nhóm
đại lượng không dễ tường minh cả khi mô tả quy trình tạo ra sản phẩm lẫn khi
đánh giá các mức độ đạt chất lượng sản phẩm.
Như vậy, đánh giá năng lực giáo viên theo Chuẩn có nhiểu khó khăn, đặc biệt
khi Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mới được ban hành. Có thể hình dung những khó
khăn đó liên quan đến các vấn đề sau:
- Quán triệt sâu sắc các mục đích của việc đánh giá năng lực nghề nghiệp
giáo viên theo Chuẩn, trong đó, mục đích đặc biệt quan trọng là tạo ra động cơ tự
đánh giá để giáo viên có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng phát triển năng lực nghề
nghiệp.
- Tạo ra môi trường tâm lí, mà ở đó người được đánh giá, người đánh giá đều
tự giác, khách quan khi phân tích những khía cạnh thành công và không thành công
trong nghề nghiệp. Quản lí nhà trường hướng đến tạo ra phong cách đánh giá hoạt
động giáo dục theo các quy Chuẩn chất lượng.
- Lựa chọn, vận dụng các nguồn, các minh chứng để đánh giá khách quan,
chính xác năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Nghề nào cũng vậy, khi đánh giá
20


Bản chất của việc đánh giá giáo viên trung học theo chuẩn nghề nghiệp


chất lượng hành nghề đều phải dựa vào hai nhóm nguồn minh chứng chính là: minh
chứng về quá trình tác nghiệp và minh chứng về chất lượng sản phẩm làm ra. Theo
đó, nghề giáo viên phải được đánh giá dựa trên các minh chứng về quá trình giáo
dục và dạy học mà giáo viên đã thực hiện và các minh chứng về hiệu quả của các
quá trình đó, được biểu hiện ở sự chuyển biến của người học theo các tiêu chí mà
mục tiêu giáo dục đặt ra. Bằng cách nào để vừa nhìn vào hoạt động giáo dục của
người giáo viên, vừa nhìn vào hiệu quả tác động của hoạt động đó đến người học,
để đánh giá khách quan, chính xác?
- Kết hợp việc đánhh giá năng lực của giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp với
đánh giá theo các quy định của các văn bản pháp quy hiện hành khác. Đây cũng là
vấn đề cần hướng dẫn khi vận dụng Chuẩn vào thực tiễn ở giai đoạn đầu. Không
làm tốt việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: có thể làm phức tạp thêm thủ tục
hành chính liên quan đến đánh giá lao động hằng năm của giáo viên; dễ sa vào tình
trạng dĩ hòa vi quý như khi bình bầu, xét tặng các danh hiệu thi đua hằng năm vẫn
thường xảy ra. Những hệ lụy đó sẽ làm cho Chuẩn nghề nghiệp không thực sự trở
thành công cụ kích thích, tự đánh giá để thu nhận thông tin phản hồi về năng lực
nghề nghiệp của mỗi giáo viên.
- Giải quyết tốt quan hệ giữa hai chức năng chính của Chuẩn là hướng dẫn
quy trình tác nghiệp và chức năng đánh giá chất lượng thực hiện quy trình đó của
giáo viên. Khi vận dụng theo tiếp cận cấu trúc năng lực hoạt động giáo dục, dạy
học. Cấu trúc năng lực đó được mô tả trong Chuẩn theo lôgic các cung đoạn tác
nghiệp, vì vậy Chuẩn vừa có giá trị hướng dẫn nghề nghiệp, vừa có giá trị đánh giá
mức độ chất lượng mà mỗi giáo viên đã, đang và có thể đạt được. Hai chức năng
này có mối quan hệ qua lại, là hệ quả của nhau. Vì vậy, cần tránh xu hướng phiến
diện, cực đoan đánh giá bằng cho điểm. Tính chính xác của đánh giá năng lực nghề
nghiệp của giáo viên phải được đo bằng mức độ phong phú, chính xác, toàn diện
các thông tin phản hồi về năng lực nghề nghiệp của mỗi giáo viên. Khi đó, điểm chỉ
là sự “mã hóa” các thông tin phản hồi. Như vậy, sẽ tránh được xu hướng hình thức,
“bệnh thành tích” trong đánhh giá, xếp loại giáo viên.

Bản chất của việc đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp là lấy Chuẩn
để “đo”, nhằm xác định mức độ năng lực nghề nghiệp của một giáo viên ở thời điểm
đánh giá, giúp giáo viên nhận ra những điểm mạnh và những điểm còn cần phải
tiếp tục phấn đấu trong thời gian tiếp theo, không ngừng hoàn thiện bản thân.
Không hoàn toàn đồng nhất dùng Chuẩn để đánh giá năng lực nghề nghiệp
với để đánh giá thành tích lao động của giáo viên trong một khoảng thời gian (ví
dụ như học kì, năm học...). Đánh giá năng lực nghề nghiệp giáo viên theo Chuẩn là
đánh giá khả năng đáp ứng nghề nghiệp và sự bộ lộ khả năng đó trong trạng thái
tác nghiệp ở một thời gian, không gian xác định... Đánh giá để bình xét danh hiệu
thi đua và đánh giá lao động giáo viên cũng được ràng buộc trong một khoảng thời
gian xác định. Kết quả đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên và theo thi đua
có thể có quan hệ minh chứng cho nhau, tức là mức độ đạt được các tiêu chí của
21


Đinh Quang Báo

Chuẩn là minh chứng cho đánh giá thi đua trong phạm vi thời gian, không gian.
Đánh giá giáo viên theo Chuẩn không phải chủ yếu để bình xét danh hiệu thi
đua hằng năm, mà là xem xét nhứng gì giáo viên phải thực hiện; những gì đã thực
hiện được; những gì giáo viên có thể thực hiện được... tức là đo xem đã và đang làm
gì và sẽ làm có tốt không?
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là loại “thước đo” mà đơn vị đo thường khó biểu
thị một cách tường minh bằng các đại lượng đơn trị. Đo năng lực, bao gồm phẩm
chất nhân cách, kiến thức, kĩ năng hành động tác động vào đối tượng con người
chắc chắn là phức tạp và khó khăn, cả khi đo và khi đánh giá. Đo chất lượng nghề
nghiệp giáo viên thông qua chất lượng sản phẩm do giáo viên tạo ra là chất lượng
của một thực thể tâm lí. Điểu đó đòi hỏi khi đánh giá năng lực nghề nghiệp của
giáo viên phải đăc biệt coi trọng minh chứng trực tiếp và gián tiếp về kết quả dạy
học và giáo dục học sinh. Sử dụng các minh chứng phải đa dạng, phối hợp linh hoạt

sao cho bộc lộ tối đa năng lực nghề nghiệp của giáo viên.
Thường các thông tin minh chứng đó giáo viên có thể bộc lộ qua các kênh
thông tin chủ yếu: nói, viết, làm, sản phẩm. Cần lưu ý rằng, đó mới chỉ là hành
động quan sát được ở giáo viên; ngoài ra, người đánh giá phải chẩn đoán hoặc đo
được trực tiếp sản phẩm của hoạt động giáo dục- dạy học của giáo viên- đó là sự
chuyển biến nhân cách học sinh, được biểu thị ở kiến thức, kĩ năng, hành vi, thái
độ. Nói cách khác, đây là cách “nhìn vào trò để đánh giá thầy”.
Khi đánh giá phải quán triệt mục tiêu lấy kết quả đánh giá theo Chuẩn làm
nguồn thông tin ngược để điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển năng lực nghề nghiệp
giáo viên. Dù là giáo viên tự đánh giá hay được người quản lí, đồng nghiệp đánh
giá cũng đều hướng vào mục tiêu nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Đánh giá giáo viên theo Chuẩn không phải chủ yếu để bình xét danh hiệu thi
đua hằng năm, mà để xem xét những gì giáo viên phải thực hiện, đã và có thể thực
hiện được. Đây là tư tưởng cần được quán triệt khi vận dụng Chuẩn vào đánh giá
giáo viên. Vì thế, cần coi trọng việc tạo điều kiện để giáo viên có cơ hội bộc lộ những
năng lực nghề của mình, tự đánh giá một cách tự giác, chủ động, làm cho giáo viên
có nhu cầu tự đánh giá thường xuyên. Đánh giá quá trình là một tiếp cận cần được
vận dụng trong giáo dục nói chung, trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên
nói riêng.

3.

Kết luận

Khi đánh giá theo Chuẩn cần phải coi trọng việc tạo điều kiện để giáo viên
tự đánh giá, vì:
- Tự đánh giá thường cho thông tin chính xác, cụ thể hơn về năng lực nghề
nghiệp của bản thân mỗi giáo viên;
- Tự đánh giá dễ trở thành phản ứng thường xuyên, kịp thời của mỗi giáo
viên trước nững nhu cầu phát triển nghề nghiệp;

22


Bản chất của việc đánh giá giáo viên trung học theo chuẩn nghề nghiệp

- Tự đánh giá thường diễn ra khi bản thân có nhu cầu, nên tính động lực, tính
mục đích, tính thiết thực cho sự phát triển năng lực nghề nghiệp sẽ cao hơn;
- Tự đánh giá của giáo viên chỉ khích lệ được khi các cấp quản lí giáo dục tạo
ra môi trường phù hợp, trong đó phải tạo ra cơ chế đem lại lợi ích phát triển nghề
nghiệp cho mỗi giáo viên;
- Tự đánh giá là một chiến lược trong đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng
giáo dục ở các nhà trường hiện nay;
- Kinh nghiệm của các nước cho thấy tự đánh giá theo Chuẩn là mục tiêu
hàng đầu và xem đó là phương pháp hiệu quả nhất để phát triển nghề nghiệp giáo
viên;
- Phải phấn đấu để giáo viên coi Chuẩn là cứu cánh cho sự phát triển năng
lực nghề nghiệp của mình, để mỗi người có công cụ tự kiểm tra thường xuyên năng
lực của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thông tư số 30/2009/TT-BGD-ĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo.
[2] Trần Bá Hoành, 2006. Vấn đề giáo viên – những nghiên cứu lý luận và thực tiễn.
Nxb Đại học Sư phạm.
[3] Nguyễn Hữu Châu (chủ biên), 2008. Chất lượng giáo dục – những vấn đê lý luận
và thực tiễn. Nxb Giáo dục.
ABSTRACT
Nature of Secondary School Teacher Assessment Based
on Professional Standards
The professional standards can be seen as a “measure” of the teacher’s competence to practise the teaching profession. One of the purposes of assessing teacher
based on the standards is to promote the training and development of the competence.

For the professional competence to develop, self-assessment of teachers based
on the professional standards is the most important as the assessment result is the
most exact and practical for each teacher. self-assessment is a permanent and timely
activity to meet the practical needs of educational activities.

23



×