Thận trọng với thuốc giãn
mạch glyceryl trinitrat
Đo, kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân.
Glyceryl trinitrat có tác dụng giãn mạch, được dùng phòng và chữa các
bệnh tim mạch. Nếu dùng không đúng thuốc sẽ không có hiệu quả mà còn
nguy hiểm cho người sử dụng.
Thận trọng khi chọn thuốc
Ở liều trung bình, sự giãn mạch xảy ra chủ yếu ở tĩnh mạch, làm giảm
lượng máu về tim (giảm tiền gánh), kết quả là giảm áp lực trong các buồng tim
đồng thời còn làm giãn mạch ở các tiểu động mạch, giảm sức cản ngoại vi trong
thì tâm thu và giảm tiêu thụ oxy trong cơ tim. Do phân bố chậm và đều nên thuốc
không gây hạ huyết áp động mạch, không gây nhịp tim nhanh phản xạ.
Ở liều cao, thuốc gây giãn các tiểu động mạch, giảm huyết áp động mạch
(tuy không nhiều), nhưng có thể gây phản xạ giao cảm làm nhanh nhịp tim.
Ở dạng tiêm: thuốc chuyển hóa rất nhanh tại gan, đào thải qua thận dưới
dạng chất trung gian (mono, dinitrat của glyceryl). Thời gian bán hủy chỉ 30-60
giây. Ở dạng ngậm dưới lưỡi, thuốc hấp thu nhanh, hoàn toàn, chỉ sau 2 phút đạt
nồng độ đỉnh, ngấm nhanh vào các cơ trơn thành mạch gây hiệu lực, kéo dài hiệu
lực tới 30 phút. Ở dạng phun mù, thuốc đạt được nồng độ đỉnh sau dưới 5 phút,
giảm 50% sau 3-4 phút. Ba dạng bào chế này có tác dụng nhanh, thích hợp cho
việc điều trị cấp cứu.
Ở dạng tác dụng kéo dài: Sau 30 phút đến 7 giờ thuốc vẫn tồn tại cả dưới
dạng chất chưa biến đổi và dạng chất trung gian (mono, dinitrat của glyceryl). Với
dạng thuốc dán (vào ngực) giải phóng đều đặn trong 24giờ, giảm rất nhanh sau khi
ngừng dán. Hai dạng thuốc này có tác dụng chậm hơn nhưng đều đặn hơn, thích
hợp cho dự phòng.
Khi điều trị căn cứ vào tình trạng thực tế của bệnh nhân, thầy thuốc sẽ lựa
chọn liều thuốc và dạng thuốc thích hợp. Ví dụ: Dùng dạng thuốc có tác dụng kéo
dài để dự phòng cơn đau thắt ngực, điều trị hỗ trợ suy tim trái nặng và bán cấp;
dùng dạng thuốc dán dự phòng cơn đau thắt ngực; dạng ngậm dưới lưỡi điều trị
viêm phổi cấp tính có nguồn gốc tim; dạng thuốc tiêm điều trị đau thắt ngực
nghiêm trọng, suy tim đặc biệt trong giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim, phù phổi
cấp có nguồn gốc tim, hay điều chỉnh huyết áp có kiểm soát... Người bệnh chỉ
dùng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Thận trọng về liều lượng
Tác dụng của glyceryl trinitrat là do sinh ra oxit nitrit. Nhưng oxit nitric là
một chất độc gây hại cho máu (tạo ra methemoglobin), giãn mạch (gây hạ huyết
áp). Dùng quá liều dù uống hay tiêm đều rất nguy hiểm: gây nhức đầu thoáng qua,
buồn nôn, bốc hỏa. Ở một số người có thể có hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, phản xạ
(đặc biệt với người già), nặng hơn nữa gây đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thị
giác, buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tăng áp lực nội sọ, gây methemoglobin, trụy
mạch. Trên thị trường có loại chế phẩm thuộc dạng giảm độc và không giảm độc
với các hàm lượng khác nhau nên người bán cũng như người dùng cần phải xem
xét hàm lượng và tính toán kỹ trước khi dùng.
Cần định lượng methemoglobin khi người bệnh bị tím tái mà không có dấu
hiệu lâm sàng và bệnh phổi. Cấp cứu ngộ độc bằng beumethylen (uống 50mg/kg
nếu nhẹ và tiêm tĩnh mạch 1-2mg/kg nếu nặng).
Thận trọng về cách dùng:
Với thuốc có tác dụng kéo dài (trong hai chỉ định nói trên): cần khởi đầu
liều thấp, rồi tăng đến liều có hiệu lực từ từ. Dùng liều cao ngay có thể gây hạ
huyết áp động mạch đột ngột và nhức đầu dữ dội (ở một vài người). Chia liều
trong ngày thành 2-3 lần dùng tùy theo sự dung nạp và hiệu quả. Khi đang dùng
liều cao, không nên ngừng thuốc đột ngột. Dùng liên tục sẽ bị nhờn thuốc. Vì vậy,
khoảng cách giữa liều cuối ngày hôm trước và liều đầu ngày hôm sau cần chọn
vào giai đoạn bệnh ổn định (gọi là giai đoạn cửa sổ). Trong điều trị hỗ trợ suy tim
trái nặng và bán cấp nếu có phối hợp với các thuốc chẹn beta hay chẹn calci cũng
cần chọn một thời gian biểu dùng thuốc thích hợp.
Với dạng tiêm tĩnh mạch (trong các chỉ định nói trên): phải pha loãng thuốc
bằng dung dịch đẳng trương, tiêm bằng bơm điện với liều lượng ổn định, hoặc
truyền nhỏ giọt tĩnh mạch có theo dõi chặt chẽ lưu lượng truyền nhằm tránh huyết
áp động mạch hạ xuống dưới 30mmHg hay huyết áp mao mạch hạ xuống dưới
14mgHg. Liều lượng tùy theo từng chỉ định (thường khoảng 50 microgam/phút).
Đôi khi cần dùng liều cao hơn (ví dụ khi cần hạ huyết áp có kiểm soát) thì tăng
dần liều theo từng nấc (khoảng cách giữa các nấc mỗi 5-10 phút). Kỹ thuật dùng
này khó, chỉ thực hiện trong điều trị nội trú, ở các cơ sở y tế tuyến trên, người
bệnh cũng như các cơ sở y tế tuyến dưới không nên lạm dụng.
Thận trọng với các tương tác
Dùng đồng thời với các thuốc hạ huyết áp sẽ làm hạ huyết áp mạnh. Nếu
cần phối hợp, phải cân nhắc kỹ liều, liều khởi đầu phải thấp. Dùng đồng thời với
rượu sẽ gây hạ huyết áp, không uống rượu khi dùng thuốc. Nếu đang dùng thuốc
dán ở ngực mà cần làm sốc điện thì phải bỏ miếng thuốc dán trước khi sốc điện.
Trong mọi trường hợp nên ngồi hay nằm sau khi dùng thuốc (tránh các tác
dụng do tư thế đứng). Thận trọng khi dùng cho người bệnh suy gan, suy thận
nặng, cường tuyến giáp, suy dinh dưỡng.