Dengue xuất huyết
I. Đại Cương
A. Định nghĩa:
•
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi
rút Dengue gây nên, bệnh lan truyền chủ yếu do muỗi Aedes aegypti. Theo Tổ
chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện đang lan truyền ở nhiều nước
trên thế giới với khảng 20 triệu người bị nhiễm vi rút Dengue và khoảng 500.000
trường hợp bị sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện, trong đó chủ yếu là trẻ em.
Tỷ lệ tử vong đến 5%, thậm chí cao hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị
thích hợp.
•
Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue được du nhập vào Việt Nam
từ những năm 1960, cho đến nay đã trở thành một bệnh dịch lưu hành. Riêng năm
1998, số mắc trên toàn quốc lên tới 234.920 người và chết 377 người. Sốt xuất
huyết dengue có thể gây bệnh cảnh nguy kịch, hội chứng sốc Dengue nhanh chóng
dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
B. Dịch tễ học bệnh dengue
1. Tình hình mắc bệnh
•
Cũng theo TCYTTG (1998), trong vòng 10 năm gần đây, bệnh
SD/SXHD trở nên trầm trọng, có trên 100 nước ở châu Phi, châu Mỹ, vùng Ðông
Ðịa Trung Hải, các nước Ðông Nam á và Tây Thái Bình Dương đều báo cáo có
bệnh này. Trong vòng 9 năm từ 1990 đến 1998, số trường hợp trung bình hằng
năm mắc SD/SXHD khoảng 514.139.000 người.
•
Bệnh SD/SXHD trở thành một bệnh dịch lưu hành ở nước ta. Bệnh
không chỉ xuất hiện ở đô thị mà cả vùng nông thôn, nơi có muỗi vectơ truyền
bệnh. Dịch lớn SD/SXHD bùng nổ theo chu kỳ khoảng 3-5 năm. Năm 1998, trên
toàn quốc bùng nổ vụ dịch lớn, số mắc bệnh và tử vong cao (mắc: 234.920 người,
tử vong 377) (số liệu của Viện VSDT).
•
Bệnh SD/SXHD ở Việt Nam phát triển theo mùa và cũng có sự khác
biệt giữa các miền: miền Bắc: bệnh thường xảy ra nhiều từ tháng 7 đến tháng 9.
Miền Nam và miền Trung, bệnh SD/SXHD xuất hiện quanh năm và tần số mắc
bệnh nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 10. ở miền Nam, nơi có bệnh lưu hành cao
nên lứa tuổi mắc bệnh phần lớn là trẻ em (95%).
•
Ở nước ta, đã phân lập được cả 4 típ virus Dengue gây bệnh. Vào
những năm 1991-1995, típ gây bệnh chủ yếu là típ Den 1 và Den 2; năm 1997-
1998 là típ Den 3. Từ 1999 đến nay, típ Den 4 gia tăng và có lẽ sẽ là típ gây bệnh
chính trong những năm tới.
2. Tác nhân gây bệnh
•
Virus Dengue truyền bệnh từ người bệnh sang người lành qua muỗi
Aedes đốt. Virus là loại ARN virus, có 4 típ huyết thanh, có những kháng nguyên
rất giống nhau, có thể gây phản ứng chéo 1 phần sau khi bị nhiễm 1 trong 4 típ và
có những kháng nguyên đặc hiệu cho riêng từng típ. Virus có ở trong máu người
bệnh trong thời gian bị sốt. Kháng nguyên virus Dengue được tìm thấy ở đại thực
bào, phổi, lách, tuyến ức, tế bào Kuffer ở gan, tế bào monocyt ở máu ngoại biên.
3. Nguồn bệnh và đường lây truyền
•
Người bệnh là ổ chứa virus chính. Gân đây người ta phát hiện ở
Malaysia có loại khỉ hoang dại ở những khu rừng nhiệt đới có mang virus Dengue.
•
Người bệnh nhiễm virus Dengue bị muỗi Aedes đốt mang virus rồi
truyền cho người lành. Khi bị bệnh, cơ thể sẽ xuất hiện kháng thể lgM kháng
Dengue tạm thời kéo dài 8 tuần và khi phát hiện kháng thể này trong huyết thanh
chứng tỏ bệnh nhân đang bị nhiễm virus Dengue cấp tính hoặc vừa mới khỏi bệnh.
•
Kháng thể lgG kháng Dengue xuất hiện muộn hơn và tồn tại nhiều
năm hoặc suốt đời và có miễn dịch với típ Dengue gây bệnh. Khi bị bệnh do một
típ huyết thanh nào đó của virus Dengue thì sẽ có miễn dịch suốt đời với típ
Dengue đó, nhưng không có miễn dịch với các típ khác. Do đó, nhiễm virus
Dengue có thể bị mắc tới lần thứ 2 do típ huyết thanh khác gây bệnh.
•
Nước ta có 2 loại muỗi Aedes gây bệnh chủ yếu là Aedes aegypti và
Aedes albopictus. Muỗi Aedes hút máu ban ngày và thường hút máu nhiều nhất
vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi Aedes aegypti mình nhỏ, đen, có khoang trắng
thường gọi là muỗi vằn, đậu ở nơi tối trong nhà, thường sống ở các đô thị. Muỗi
Aedes albopictus thích sống ở lùm cây, ngọn cỏ, phần lớn sống ở vùng nông thôn.
Sau khi hút máu người bệnh, muỗi cái có thể truyền bệnh ngay nếu hút máu người
lành hoặc virus nhân lên ở tuyến nước bọt của muỗi sau đó 8-10 ngày hút máu
người lành có thể truyền bệnh. Người ta thấy muỗi bị nhiễm virus Dengue có thể
truyền bệnh suốt vòng đời của muỗi khoảng 174 ngày (5-6 tháng). Muỗi Aedes đẻ
trứng, sau đó sinh ra bọ gậy (cung quăng) ở các dụng cụ chứa nước trong gia đình
như chum, vại, bể nước, lọ hoa, chậu cảnh... hoặc ở ngoài nhà như hốc cây có
nước, máng nước, vỏ đồ hộp, vỏ chai... hoặc ở rãnh nước, ao hồ. Chu kỳ phát triển
từ trứng đến muỗi trưởng thành khoảng 11-18 ngày, khi nhiệt độ 29-31oC. Mật độ
muỗi thường tăng vào mùa mưa, do đó, muốn phòng bệnh tốt cần phải loại bỏ
được những dụng cụ chứa nước nơi muỗi đẻ trứng, hoặc thả cá ăn bọ gậy.
•
Sự lan truyền dịch xảy ra ở những vùng có nhiều muỗi Aedes, vệ
sinh môi trường kém, dân cư sống chen chúc và số người bị cảm thụ cao. Hiện
nay, người ta chưa xác định được chính xác mật độ muỗi Aedes cần thiết để duy
trì virus Dengue gây bệnh lưu hành hoặc các đợt gây dịch. Tuy nhiên, trong một
gia đình, chỉ một số ít muỗi cái Aedes là có thể làm cả gia đình mắc bệnh.
•
Muỗi Aedes sinh sản quanh năm, cao nhất vào những tháng sau mùa
mưa muỗi sinh sản nhiều và liên quan đến việc tích trữ nước trong bể, chum vại,
cống rãnh nước hoặc nước ở đồ phế thải chai lọ, vỏ đồ hộp... Muỗi Aedes không
bay xa được (bay được khoảng 400m) nên sự di chuyển mang virus Dengue đến
nơi xa là do muỗi mang virus hoặc người đang bị bệnh đi theo đường giao thông
(máy bay, tầu hỏa, ô tô...) đến các nơi từ tỉnh này đến tỉnh khác.
•
Dịch SXHD xuất hiện ở các nơi đông dân cư tập trung rồi sau đó lan
dần đến các vùng nông thôn. Trẻ em ở nhà trẻ, trường học bị muỗi Aedes mang
virus đốt ban ngày rồi trở về nhà mang virus về gia đình, khu phố, xóm làng.
Người ta ước tính cứ 1 trường hợp SXHD có sốc vào bệnh viện thì có khoảng 200-
500 người bị nhiễm virus Dengue có triệu chứng lâm sàng hay không có triệu
chứng lâm sàng, nhất là ở vùng có mật độ muỗi Aedes cao.
II. Lâm Sàng
Các biểu hiện lâm sàng của nhiễm virus Dengue như: sốt Dengue, sốt xuất
huyết Dengue, sốt đơn thuần (hội chứng nhiễm virus).
1. Sốt Dengue (Dengue cổ điển)
•
Nung bệnh: từ 3-15 ngày
•
Khởi phát: những biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào lứa tuổi:
o
Trẻ còn bú và trẻ nhỏ có thể có triệu chứng sốt không đặc hiệu và
phát ban.
o
Trẻ lớn và người lớn: sốt cao đột ngột kèm nhức đầu, đau rức 2 bên
hố mắt, đau khắp người, đau cơ, đau khớp. Mệt mỏi, chán ăn.
•
Toàn phát: sốt cao 39 - 40oC, kèm theo các triệu chứng:
o
Xung huyết ở củng mạc mắt, đau rức quanh nhãn cầu.
o
Ðau cơ, đau khớp, mệt mỏi chán ăn.
o
Sưng hạch bạch huyết.
o
Phát ban ở ngoài ra, ban dát sẩn hoặc ban kiểu sởi.
o
Ðôi khi có xuất huyết ở da, niêm mạc. Rất hiếm xuất huyết nặng gây
tử vong
o
Số lượng bạch cầu bình thường hoặc hơi hạ, tiểu cầu bình thường.
o
Hematocrit bình thường (không có biểu hiện cô đặc máu).
o
Sốt thường trong vòng 2 đến 7 ngày. Tiên lượng tốt, không xảy ra
sốc.
2. Sốt xuất huyết Dengue
Lâm sàng sốt xuất huyết dengue không sốc:
•
Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc: sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-
40oC, sốt kéo dài 2-7 ngày, sốt kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau
bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn, gan to: ở trẻ em hay gặp hơn
người lớn, đôi khi da xung huyết hoặc có phát ban, đau người. đau cơ, đau khớp,
rức đầu, đau quanh hố mắt; trẻ em nhỏ sốt cao, đôi khi co giật, hốt hoảng; không
có biểu hiện màng não.