MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ DU LỊCH VAI TRÒ CỦA DU LỊCH QUỐC
TẾ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP DU LỊCH
I. LÝ THUYẾT CHUNG VỀ DU LỊCH
1.1 Một số khái niệm cơ bản về du lịch:
Nguồn gốc du lịch:
Loài người dù sống ở bất kỳ thời đại nào cũng đều nung nấu khát vọng muốn
tìm hiểu và khám phá sự hấp dẫn, kỳ thú, những điều mới mẻ và khác lạ trong thế
giới - nơi mà họ đang sống. Từ thời đại du mục của người thượng cổ, con người đã
bắt đầu những chuyến đi du lịch, nhưng đó đơn thuần chỉ là những chuyến đi vì
mục đích tôn giáo: những cuộc hành hương về đất Thánh, thăm chùa chiền và các
nhà thờ tôn giáo...
Bước sang thời Trung đại, đó là những cuộc thập tự chinh, mở rộng đất đai,
mở rộng các con đường thông thương giữa các châu lục, hoặc là những chuyến
công du của tầng lớp quý tộc, các tướng lĩnh phong kiến...
Đến thời kỳ hiện đại, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật
đã mở ra một trang mới trong lịch sử ngành du lịch thế thới. Sự xuất hiện của tàu
hoả vào thế kỷ XVII; sự phát minh ra máy bay... đã giúp ước mơ được đi xa hơn
của con người trở thành hiện thực.
Ngày nay, du lịch trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn
hoá xã hội của con người. Ngành du lịch đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ và trở
thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên phạm vi toàn cầu.
Thuật ngữ Du lịch
Ngày nay, thuật ngữ “Du lịch” trở nên rất thông dụng. Nó bắt nguồn từ tiếng
Pháp: “Tour” nghĩa là đi vòng quanh, cuộc dạo chơi. Du lịch gắn với việc nghỉ
ngơi, giải trí nhằm phục hồi, nâng cao sức khỏe và khả năng lao động của con
người nhưng liên quan mật thiết với sự di chuyển chỗ của họ.
Du lịch đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống văn hoá, xã hội
của mọi người dân trên toàn thế giới. Du lịch đã trở thành lực lượng kinh tế, xã hội
mạnh, chính ở nhiều quốc gia. Đối với một số nước, Du lịch là nguồn thu lớn nhất
trong hoạt động ngoại thương. Cùng với sự phát triển kinh tế, Du lịch cũng không
ngừng tăng trưởng. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (TWO), năm 2000
có 650 triệu lượt khách du lịch trên toàn thế giới (năm 1997 có khoảng 615 triệu
người) và đến năm 2010, con số sẽ đạt tới 937 triệu lượt người [3]. Các số liệu trên
cho thấy ngành công nghiệp toàn cầu này phát triển rất nhanh chóng, được đánh
giá là ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, thậm chí vượt qua cả các ngành cơ khí,
tự động, điện tử và nông nghiệp. Du lịch mang lại lợi nhuận kinh tế cao và là
nguồn thu ngoại tệ rất lớn cho các nền kinh tế.
Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về Du lịch dựa theo quan điểm của từng
giai tầng trong xã hội.
- Đối với người du lịch: Du lịch để thoả mãn nhu cầu giải trí và các ức chế
tâm lý trong đời sống hàng ngày cũng như cải thiện, nâng cao sức khoẻ. Đây là
cách nhìn nhận phổ biến, rộng rãi nhất.
- Đối với nhà kinh doanh cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch: Nhìn nhận
Du lịch như là một cơ hội tốt để tạo ra lợi nhuận từ việc cung cấp các sản phẩm,
dịch vụ du lịch mà thị trường đòi hỏi.
- Đối với Chính phủ, các chính trị gia của nước có hoạt động du lịch: nhìn
nhận du lịch là một yếu tố thịnh vượng của nền kinh tế, liên quan đến thu nhập của
người dân, liên quan đến nguồn thu ngoại tệ và nguồn thu thuế từ hoạt động kinh
doanh này.
- Đối với cộng đồng nơi có hoạt động du lịch: Người dân địa phương nhìn
nhận Du lịch như một yếu tố trao đổi văn hoá và vấn đề giải quyết lao động. Sự
quan trọng của nhóm này là sự nhìn nhận đúng đắn của các nhà hoạch định và
quản lý hoạt động kinh doanh này vì có sự tác động ảnh hưởng có lợi hoặc có hại
hoặc cả hai đối với người dân bản địa và du khách nước ngoài.
Tóm lại, Du lịch có thể được hiểu là hoạt động đi lại, nghỉ ngơi của con người
trong thời gian rảnh rỗi, ra khỏi môi trường sinh hoạt quen thuộc hàng ngày để giải
trí, chữa bệnh, nâng cao thể chất, tinh thần, trao đổi, giao lưu văn hoá, thể thao với
các giá trị thiên nhiên, kinh tế và văn hoá.
Các loại hình du lịch:
- Du lịch quốc tế: bao gồm khách từ nước ngoài vào một nước và người của
nước đó đi du lịch nước ngoài.
- Du lịch trong nước: Người dân của một nước đi du lịch trong nước đó
- Du lịch nội địa: là hoạt động gồm du khách từ nước ngoài vào và người dân
bản địa du lịch nội trong nước đó.
- Du lịch quốc gia: Là hoạt động du lịch của người dân bản địa trong nước đó
và đi du lịch nước ngoài.
1.2 Quan niệm về sản phẩm du lịch:
a. Sản phẩm du lịch có thể phân chia theo các nhóm:
* Các nhóm chương trình du lịch: Bao gồm giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan
tự nhiên có tímh chất càng đặc sắc, độc đáo, cá biệt thì càng có giá trị cao.
* Cơ sở cư trú: Chú trọng tới sự kết hợp giữa văn hoá truyền thống với hiện
đại để tạo nên sự hấp dẫn độc đáo.
* Dịch vụ ăn uống: đặc biệt quan tâm tới kỹ thuật chế biến và kỹ thuật trang
trí.
* Dịch vụ vận chuyển: bao gồm các phương tiện vận chuyển, đi lại, thông tin.
* Đồ lưu niệm: tạo ra những sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho từng chuyến
du lịch, từng địa điểm du lịch.
b. Tour (chuyến du lịch)
Là chuyến đi được chuẩn bị trước bao gồm tham quan một hay nhiều điểm du
lịch và quay trở về nơi khởi hành. Chuyến du lịch thông thường có các dịch vụ về
vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan và các dịch vụ khác.
Ngày nay, rất nhiều nước quan tâm đến Du lịch vì Du lịch có ảnh hưởng rất
lớn đến nền kinh tế. Các ngành như giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây
dựng, thương mại... đều bị ảnh hưởng bởi du lịch và đôi khi cũng phải thay đổi
phương hướng và kế hoạch sản xuất để phù hợp với phát triển du lịch.
II. CÁC TIÊU CHÍ ĐIỂN HÌNH CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
2.1 Đặc tính độc đáo của một chương trình du lịch - Tour
+ Tour là một sản phẩm vô hình, người ta không thể nhìn thấy, chạm vào hay
miêu tả nó khi chưa tham gia vào. Thay vào đó, người thiết kế tour sẽ xây dựng các
tài liệu để giới thiệu sản phẩm của mình bằng lời và thông qua hình ảnh. Vì vậy,
khi mua một sản phẩm tour không giống như một vật dụng khác vì cái còn lại sau
cùng của một chuyến du lịch chỉ là một ký ức. Vì vậy, sản phẩm này không thể
được thay đổi nếu bản thân nó có vấn đề.
+ Chất lượng của tour phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thái độ và
trình độ của hướng dẫn viên, tiêu chuẩn phòng khách sạn, hiệu quả của việc vận
chuyển... Một chuyến tour trọn gói luôn luôn nằm trong mối quan hệ không thể
tách rời với các sản phẩm của ngành du lịch có chất lượng khác.
+ Tour là sản phẩm dễ hỏng nếu nó không được sử dụng tại một thời điểm xác
định, nó sẽ mất đi vĩnh viễn.
+ Tour là một phương tiện căn bản để nối khách du lịch với một điểm du lịch
đã được chọn.
2.2 Sự hấp dẫn của một chuyến tour:
Thật khó khi xác định tour này có hấp dẫn hay không bởi vì nó còn phụ thuộc
vào rất nhiều yếu tố mà đặc biệt là khách hàng. Chính vì vậy ta chỉ có thể xem xét
ở những khía cạnh chung nhất, đó là:
• Một chuyến tour trọn gói sẽ giúp du khách hiểu biết hơn với một
nhân viên hướng dẫn chuyên nghiệp, có kiến thức và thông thạo khu vực,
ngôn ngữ và giàu kinh nghiệm đi du lịch.
• Một chuyến tour trọn gói cung cấp cho du khách sự thuận tiện và
dễ dàng trong việc đi du lịch.
• Trong một thời gian ngắn họ có thể đi thăm nhiều nơi và tiết kiệm
nhiều thời gian.
• Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, đó là nội dung của
tour. Bên cạnh các dịch vụ kèm theo trong tour, phần nội dung của tour rất
quan trọng, nó thể hiện ý tưởng của điểm tham quan như: văn hoá, lịch sử,
danh lam thắng cảnh.
2.3 Các nhân tố ảnh hưởng tới sự thành công của một tour du lịch:
Sự thành công của một tour là điều mà các nhà tổ chức, điều hành luôn mong
muốn đạt được khi tung các tour ra thị trường. Họ có thể đo lường được mức độ
thành công của các tour thông qua việc so sánh các kết quả đạt được với những
mục tiêu, chỉ tiêu đã được đặt ra từ trước. Dựa vào kết quả so sánh đó, họ sẽ xác
định được sản phẩm tour thành công ở những mặt nào, thuộc những giai đoạn nào
trong quá trình thiết kế sản phẩm.
Sau đây là một số nhân tố ảnh hưởng tới sự thành công của một tour du lịch:
• Những người có liên quan trực tiếp trong thực hiện tour, đó là:
Du khách; các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách;
Chính quyền tại địa bàn du lịch và dân cư địa phương.
• Nhóm các yếu tố cấu tạo nên tour: Phương tiện vận chuyển, cơ sở
lưu trú; bữa ăn, đồ uống; tham quan cảnh đẹp và các sự kiện, đại diện địa
phương; quản lý hành chính, các loại thuế; dịch vụ hướng dẫn và các yếu
tốt khác.
• Các yếu tố khách quan như: điều kiện thời tiết, mưa bão, lũ lụt
hoặcc các vấn đề khác như xe hỏng, khách sạn hết phòng, khách gặp rủi
ro, tắc nghẽn giao thông…
Mức độ ảnh hưởng tới sự thành công của các yếu tố trên là như nhau bởi vì
tour du lịch là sự kết hợp của những sản phẩm du lịch và các ngành dịch vụ có liên
quan. Do vậy, nếu như một trong những thành phần của tour không được thực hiện
tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thành phần khác cho dù các thành phần đó được
thực hiện một cách hoàn hảo. Điều đó đòi hỏi ngành du lịch phải có sự tiêu chuẩn
hoá về chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch khi cung cấp cho du khách
III. ĐẶC TRƯNG CỦA HOẠT ĐỘNG LỮ HÀNH QUỐC TẾ