Thất bại là khởi nguồn của thành công
Vào những năm 1950, anh em nhà Jacuzzi đã phát minh ra một loại bồn tắm
thủy lực có tác dụng mát–xa rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị cho những người mắc
chứng bệnh viêm khớp. Mặc dù, không ai có thể phủ nhận tính năng tuyệt vời của nó,
nhưng sản phẩm lại không có mấy người mua. Lý do đơn giản là Zacuzzi đã sai lầm
trong khâu xác định đối tượng khách hàng. Bởi vì, rất ít người mắc chứng bệnh này lại
có đủ tiền để mua được một vật đắt giá như vậy. Vậy nên, phát minh của anh em nhà
Jacuzzi đã nằm im trong kho cho đến khi họ chợt nghĩ rằng: tại sao không biến sản
phẩm này trở thành một chủng loại hàng hóa xa xỉ dành cho những ai lắm tiền, nhiều
của.
Ý tưởng của họ đã thành công đến mức ngày nay thương hiệu bồn tắm mát–xa
Jacuzzi đã trở nên quá nổi tiếng trên thế giới. Và nếu như nhà sản xuất vẫn cứ quảng
cáo rằng bồn tắm Jacuzzi cung cấp phương pháp chữa trị thủy liệu vượt trội, thì khách
hàng vẫn thấy hấp dẫn hơn khi nghe thấy Jacuzzi đem đến sự thư giãn tuyệt vời.
Thông thường, cách tốt nhất để thử nghiệm một ý tưởng là không nên đi vào
nghiên cứu quá sâu về bản chất ý tưởng đó, mà hãy cứ thử thực hiện nó trước đã. Một
tổ chức sẵn sàng thực hiện mọi ý tưởng, đồng nghĩa với việc họ có thể sẽ gặp nhiều
thất bại, nhưng cơ hội thu được những thành công to lớn cũng không nhỏ. Nếu như
bạn càng thử nghiệm nhiều phát minh, sáng chế thì chắc chắn một trong những phát
minh, sáng chế của bạn sẽ thành công nổi bật, trở thành một ngôi sao sáng trên bầu
trời. Theo như ông Tom Kelly, giám đốc điều hành của IDEO – công ty thiết kế số
một thế giới hiện nay, thì “thất bại thường mang đến thành công sớm hơn”.
Công ty Motor Honda của Nhật, năm 1959 đã quyết định đem sản phẩm Honda
tiết kiệm năng lượng thâm nhập vào thị trường Mỹ. Nhưng họ đã thất bại liên tiếp và
học được một bài học đắt giá rằng không thể khiên cưỡng đưa một sản phẩm vào thị
trường mà không nghiên cứu kỹ đặc điểm của thị trường đó. Bởi vì, loại Honda tiết
kiệm năng lượng rất thích hợp trên các vùng ngoại ô Tokyo, không được chào đón ở
Mỹ, nơi mà đường xá rộng rãi, thẳng tăm tắp với nhiều làn đường. Từ thất bại đó, họ
mới nghĩ ra việc đưa loại xe máy phân khối lớn sang thị trường này và sản phẩm này
đã trở nên rất thông dụng ở đây.
Soichiro Honda, người sáng lập ra hãng Honda đã nói rằng: “Nhiều người mơ
ước mình sẽ thành công. Nhưng hẳn ít người hiểu rằng thành công chỉ có thể đến với
bạn sau rất nhiều thất bại liên tiếp và sự tự xem xét nội quan. Thành công chỉ đại diện
cho số 1% kết quả công việc mà bạn đạt được từ 99% khác được gọi là sự thất bại”.
Điều gì đã khiến Thung lũng công nghệ cao Silicon thành công đến mức có thể
coi như là động lực của sự tăng trưởng ngành công nghệ cao? Thung lũng Silicon được
ví như một “công viên khoa học” đầu tiên có tính dẫn đường ở bang California. Với
khoảng 700 công ty lớn hàng đầu thế giới về các lĩnh vực công nghệ thông tin, high-
tech, kiến trúc và sản xuất liên quan đến máy tính cá nhân, đây là nơi sản sinh ra
những ý tưởng mới, tạo ra những hướng phát triển mới trong thế giới high-tech.
Thường thường, những sáng kiến mới ở đây chỉ cần từ một đến hai năm để xuất hiện
trên thị trường toàn cầu.
Nhà phân tích Mike Mallone của hãng Cowen& Co nói về mảnh đất này như
sau: “Đây có thể là thiên đường mà nhiều người cả đời chỉ mơ ước có một lần được
đặt chân đến đó. Người bên ngoài nhìn vào chỉ thấy toàn những thành công, mà không
biết rằng đây cũng có thể là địa ngục cho những ai khiếp sợ cuộc sống hối hả, bận rộn
đến khốc liệt của công việc. Và trên thực tế, nó còn là một nghĩa địa chôn cất nhiều
thất bại.Và chính những thất bại này lại là động lực phát triển mạnh mẽ nhất của thung
lũng Sillicon. Mọi sản phẩm hay doanh nghiệp đã từng thất bại đều trở thành một bài
học được lưu giữ tại đây. Chúng được lưu giữ lại không phải để nhấn mạnh sự thất bại,
mà là để thể hiện sự khát khao đối với những thành công đến từ những thất bại đó. Các
nhà đầu tư mạo hiểm có thể tìm thấy trong bản tóm tắt của các doanh nghiệp tại đây,
có ghi lại những thất bại mà các doanh nghiệp ở đây đã từng vấp phải”.
Để phát triển khái niệm những lợi ích của sự thất bại, Trường đại học Penn
State đã có một khóa học cho những sinh viên sắp ra trường gọi là “Thất bại 101”.
Sinh viên có thể gặp những rủi ro khi làm thí nghiệm. Và càng gặp nhiều thất bại, họ
sẽ càng nhành chóng lấy được chứng chỉ loại A.
Bạn có thể kể đến rất nhiều sự thành công lớn lao khác được khởi nguồn từ sự
thất bại. Columbus đã thất bại khi ông bắt đầu lên đường để tìm một con đường mới
đến Ấn Độ. Thay vì tìm được con đường đó, ông ta lại tìm ra Châu Mỹ (và bởi vì ông
ta nghĩ đó là Ấn Độ nên đã gọi vùng đất này là quê hương của Ấn Độ). Rượu sâm-
banh do một thầy tu tên là Dom Perignon phát minh ra sau khi nếm thử một chai rượu
bỗng nhiên bị nhiễm khuẩn và lên men. Tập đoàn 3M đã phát minh ra keo dán, đã từng
vấp phải thất bại khi sản xuất ra thứ không dính được. Nhưng nó lại trở thành nguồn
gốc cho ý tưởng phát minh ra loại keo dính tem thư sau này trở nên rất thành công.
Các nhà khoa học tại Tập đoàn dược phẩm Pfizer đã thử nghiệm một loại thuốc
có tên là Viagra để làm giảm những cơn cao huyết áp. Những người đàn ông trong
nhóm thử nghiệm đã báo cáo kết quả cho thấy thử nghiệm không làm giảm huyết áp
mà lại mang đến cho họ một lợi ích khác. Các nhà sản xuất Pfizer đã tiến hành điều tra
xem cái lợi ích mà những người đàn ông đó đã bí mật không nói ra là gì và phát hiện
ra loại thuốc này có tác động tạo ra hưng phấn tình dục ở họ. Viagra trở thành một
trong số những thất bại thành công nhất của mọi thời đại.
Thậm chí, nếu thất bại không trực tiếp mang đến sự thành công, thì nó cũng có
thể được xem như bạn đã bước một bước trên con đường đi đến sự thành công. Thái
độ của nhà bác học nổi tiếng Edison đối với sự thất bại rất đặc biệt và hữu ích với bạn.
Khi được hỏi tại sao ông lại có nhiều thí nghiệm thất bại đến như vậy, ông đã giải
thích rằng, đó không phải là thất bại. “Đó là tôi đang khám phá ra một phương pháp
nhưng mà nó chưa làm việc”.
Tom Watson, vị chủ tịch huyền thoại của Tập đoàn IBM, người được coi là đã
đưa IBM lên bục vinh quang với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm và trở
thành nỗi khát khao mong ước của nhiều công ty lớn ở Mỹ. Ông luôn khuyến khích
nhân viên dưới quyền hãy cứ làm việc và sáng tạo đi, đừng sợ thất bại. Ông gọi những
người có ý tưởng trái với thông thường và độc đáo, phá vỡ những quy tắc truyền thống
là “những chú vịt hoang dã” và ông luôn ủng hộ họ. Một lần, một vị phó chủ tịch của
IBM đã tiêu tốn mất 10 triệu đô-la cho một thử nghiệm mà sự thất bại của nó được gọi
là “Văn phòng của Watson”. Ông này rất sợ hãi và lập tức đệ đơn xin từ chức nhưng
Watson đã từ chối chấp nhận đơn từ chức của ông ta. “Tại sao chúng tôi lại muốn để
ông tuột khỏi tay cơ chứ?”. Watson đã nói và thêm rằng “Chúng tôi đã cho bạn một
bài học giáo dục đáng giá tới 10 triệu đô-la”.
Một trong những ông chủ khác cũng hoan nghênh sự thất bại là Richard
Branson, nhà sáng lập ra tập đoàn đa lĩnh vực Vigrin Group. Theo chủ báo John
Brown của ông ta thì: “Bí mật trong thành công của Richard Branson nằm trong chính
những thất bại của ông. Ông luôn duy trì mọi thứ ở trạng thái mở và mỗi khi nó thất
bại, ông không một mảy may lo lắng. Ông lại tiếp tục”.
Năm 1985, hãng Coca-Cola thử nghiệm giới thiệu sản phẩm “New Coke” – một
hương vị mới thay thế hương vị “Coke cổ điển”. Nó đã được thử nghiệm rất tốt với
người tiêu dùng, song khi tung ra thị trường, nó trở thành một thảm họa marketing và
thất bại thảm hại. Coca-Cola đã phải xin lỗi người tiêu dùng đã quá quen thuộc với
hương vị truyền thống của mình và tái sản xuất Coca-Cola hương vị cũ. Thảm họa lớn
lao này đã làm danh tiếng và uy tín của Coca-Cola giảm sút, nhưng liệu điều này có
tồn tại mãi không? Chắc chắn là không. Các nhà lãnh đạo cao cấp và marketing
chuyên nghiệp chịu trách nhiệm về sự thất bại này có bị sa thải hay không? Câu trả lời
là không. Đó là một thí nghiệm thất bại, nhưng Coca-Cola vẫn tồn tại, phát triển và
ngày càng thịnh vượng. Đúng như nhà triết học Friedrich Nietzsche đã nói “Nếu cái gì
đó đã không giết chết được ta, thì nó sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn”.
Bill Gates rút lui khỏi vị trí Giám đốc điều hành hãng Microsoft bởi vì ông
muốn dành nhiều thời gian và tâm trí hơn cho chiến lược lãnh đạo và những nỗ lực
phát triển công ty. Ông đã tập trung sự quan tâm vào trung tâm nghiên cứu của
Microsoft, với hơn 600 chuyên gia do ông thành lập vào những năm đầu của thập kỷ
90, để đẩy mạnh sự phát triển công nghệ phần mềm, thiết kế giao diện cho người sử
dụng, sự nhận dạng tốc độ và đồ họa trên máy tính. Một trong những đồng nghiệp của
ông đã nói: “Bill không sợ phải liều lĩnh. Anh ta biết rằng bạn phải thử nghiệm mọi
thứ, bởi vì bí mật thật sự để đổi mới chính là nhanh chóng thất bại”.