Ngộ nhận và sự thật về văn hóa kinh doanh ở
Trung Quốc
Văn hóa kinh doanh của Trung Quốc đặc trưng đến nỗi người nước ngoài
khó lòng lĩnh hội trọn vẹn.
Để tổng hợp những ngộ nhận phổ biến nhất về văn hóa kinh doanh, chúng
tôi đã phỏng vấn hàng chục chuyên gia người Bắc Mỹ và châu Âu, kể cả
những giám đốc người Trung Quốc hiện đang làm việc ở phương Tây,
những người có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc. Bài
nghiên cứu này sẽ hé mở 3 sự thật về văn hóa kinh doanh ở Trung Quốc.
Những ai từng làm việc với người Trung Quốc đều cảm nhận được đây là
một nền văn hóa đa diện và dễ thay đổi. Các nhà quản lý Trung Quốc có thể
tận dụng lợi thế của cả hai nền văn hóa kinh doanh Đông và Tây, đồng thời
phát triển khả năng làm việc linh hoạt trong bất kỳ nền văn hóa nào.
"Người Trung Quốc có thể đến gặp bạn mà không cần hẹn trước. Và tôi
cũng có thể làm điều tương tự. Nếu có 30 phút rỗi, tôi chỉ cần một cuộc gọi
ngắn gọn từ taxi và đến thăm một người đang làm việc gần đó", một giám
đốc chia sẻ.
Ngộ nhận 1: Chủ nghĩa tập thể
Sự thật: Chủ nghĩa cá nhân
Wei Chen, Giám đốc người Trung Quốc của chuỗi cửa hàng chuyên bán các
sản phẩm xa xỉ ở Paris cho rằng sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân xuất
phát từ việc cái tôi của người Trung Quốc đã bị đè nén trong suốt nhiều thế
hệ. "Khi còn nhỏ, tôi thường bị phạt vì dám vượt khỏi những lề lối thông
thường, và người lớn thường bảo tôi "phải biết khiêm nhường". Nhưng tôi
đã rũ bỏ được trạng thái tâm lý này với một niềm vui mãnh liệt. Ở Trung
Quốc, chúng tôi rất hào hứng tiến về tương lai. Người phương Tây thường
cho rằng phong cách của chúng tôi có phần tự cao và quyết liệt".
Giám đốc một hãng dược ở Canada chia sẻ: "Người Trung Quốc ngày càng
coi trọng lợi ích bản thân, thậm chí họ xếp nó trên cả công ty, cộng đồng và
tổ quốc. Nó không giống bất kỳ thứ gì tôi từng trải nghiệm ở phương Tây.
Nước Mỹ thường được đánh giá là quốc gia đề cao tự do cá nhân nhất thế
giới, nhưng nó vẫn chưa là gì nếu so sánh với Trung Quốc".
Kết quả phỏng vấn cũng đề cập đến Cách mạng văn hóa, chính sách một
con, và quá trình di cư hàng loạt đến các thành phố lớn và xem chúng như
những nhân tố của quá trình giãi mã tinh thần tập thể của người Trung Quốc.
Mặt đúng của ngộ nhận này: Người Trung Quốc thường quyết định theo số
đông và đặc biệt rất giỏi làm việc theo nhóm.
Ngộ nhận 2: Suy nghĩ cẩn trọng về dài hạn
Sự thật: Phản ứng tức thời
Các nhà quản lý đều nhất trí cho rằng tốc độ ra và thực hiện quyết định ở
Trung Quốc là phi thường so với phương Tây, nơi "chúng tôi mất nhiều thời
gian cố gắng dự đoán tương lai và... thất bại", Frédéric Maury, giám đốc
người Pháp của một công ty dịch vụ kỹ thuật, chia sẻ. "Ở Trung Quốc,
không ai nghĩ đến tương lai".
Điều này nghe có vẻ cường điệu nhưng lại nhận được sự đồng tình của một
vị giám đốc từng làm việc cho World Bank tại Trung Quốc hàng chục năm
trời, và theo ông, ngành dịch vụ hậu cần của nước này dù không phát triển
bằng phương Tây nhưng lại có khả năng xử lý những tình huống đột xuất
một cách hoàn hảo đến không ngờ. "Tôi đã tham gia hàng chục, nếu không
muốn nói là hàng trăm khóa đào tạo ở Trung Quốc và không lần nào khóa
học diễn ra theo kế hoạch cả. Mọi thứ đều thay đổi vào phút chót: giảng
viên, chủ đề và thậm chí là địa điểm. Tuy nhiên, kết cục bao giờ cũng ổn
thỏa cả".
Mặt đúng của ngộ nhận này: Các mối quan hệ trong kinh doanh và chính
sách của chính phủ đều được xây dựng cho dài hạn.
Ngộ nhận 3: Không dám chấp nhận rủi ro
Sự thật: Có khả năng chịu rủi ro
"Ở phương Tây, khi tranh luận một điều gì đó, chúng tôi in nó ra, tiếp tục
tranh luận và thực hiện một số phân tích", Michael Drake, một chuyên viên
hậu cần người Anh chia sẻ, "Còn ở Trung Quốc thì 'Rồi, chúng ta đã quyết
xong, xong, bắt tay làm nào!'" Nhiều người tin rằng dám chấp nhận rủi ro sẽ
đồng nghĩa với giúp công ty tăng trưởng.
Và nói như Edith Coron, một chuyên gia tư vấn và huấn luyện các vấn đề về
bất đồng văn hóa, "trong một môi trường mà tăng trưởng GDP lúc nào cũng
trên 10% một năm thì có thể hiểu được vì sao mức độ chấp nhận rủi ro của
các doanh nhân người Trung Quốc ở đây lại cao như thế". Wei Chen khẳng
định "Chúng tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ giây phút nào. Chúng tôi rất tự tin
và chúng tôi nhìn nhận rủi ro một cách rất thoáng".
Mặt đúng của ngộ nhận này: Những công nhân người Trung Quốc thường
không dám đưa ra ý kiến cá nhân hay thảo luận một cách cởi mở khi có sự
hiện diện của cấp trên.