Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Đặc điểm và phân bố của các loài cây lâm nghiệp- Cây Chiêu liêu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (290.18 KB, 4 trang )

CHIÊU LIÊU

Terminalia chebula Retz., 1789

Tên đồng nghĩa: Terminalia reticulata Roth.,1821; Myriobala nuschebula Gaertn., 1790
Tên khác: Kha tử, chiêu liêu xanh, tiếu, sàng, cà lích (Ba na)
Họ: Bàng - Combretaceae
Tên thương phẩm: Chebulic myrobalan (E)


Hình thái


Chiêu liêu - Terminalia chebula Retz.
1. Cành mang hoa; 2. Hoa bổ dọc; 3. Quả
Cây gỗ trung bình, rụng lá
mùa khô, cao 10-20cm, đường
kính 40-80cm. Tán cây phân
tầng, nhiều cành lá như cây
bàng. Vỏ thân màu xám nhạt,
nứt sâu 4-8mm tạo thành các
hình chữ nhật không đều; thịt vỏ
dày 1,5-1,8cm, có nhiều lớp đỏ
và nâu xen kẽ; khi mới chặt có ít
dịch vỏ màu đỏ nhạt, vị chát.
Cành non nhẵn.

Lá đơn nguyên, mọc đối
hoặc gần đối, phiến lá hình trứng
ngược, dài 10-20cm, rộng 5-
10cm, đầu và gốc lá gần hình


nêm; gân cấp hai hình lông chim
với 7-9 đôi; gân bên nổi rất rõ ở
mặt dưới; mép lá nguyên, phiến
hơi dày, cứng, dai; lá non đôi khi
có lông mịn, lá già nhẵn; cuống
lá 1-5cm, có 2 tuyến hình chấm
không rõ ở đầu.

Cụm hoa hình chùm bông, nhiều hoa, ở các nách lá gần đầu cành, dài 5-10cm, trục cụm
hoa có lông. Hoa lưỡng tính có các lá bắc hình tam gíac dài 1-3mm, màu trắng xanh; 5 lá đài
hợp, ở phía dưới hình chuông, phía trên có 5 răng ngắn; không có cánh hoa; nhị 10, dài 4mm
xếp làm 2 vòng, chỉ nhị dài 3mm, có triền tuyến mật nằm trong vòng nhị; triền xẻ thành 5 thuỳ
có lông. Bầu dưới, nhẵn, 1 ô, 2 noãn. Quả hạch hình trứng, dài 3-4cm, rộng 1,7-2cm, đầu nhọn,
màu xanh nhạt, có 5 gờ nhẹ chạy dọc quả; cùi quả nạc, vị chua chát, có một hạt cứng.

Các thông tin khác về thực vật

Chiêu liêu hay Bàng (Terminalia L.) là một chi lớn của họ Bàng. Ở Việt Nam đã thống kê
được 11 loài trong chi này, phân bố trong cả nước; trong đó có khá nhiều loài quen thuộc và nổi
tiếng như: cây bàng trồng làm bóng mát; cây chò xanh cổ thụ (T. myriocarpa), hàng nghìn tuổi
trong Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Nhiều loài thuộc chi này mọc thành các quần
thụ ưu thế trong các rừng thưa rụng lá (rừng khộp) hoặc rừng nửa rụng lá ở Tây Nguyên như:
chiêu liêu đen (T. alata Heyne ex Roth.), chiêu liêu ổi (T.
corticosa Pierre), chiêu liêu nghệ (T. triptera Stapf.), choại (T.
bellirica Roxb.). Chúng là nguồn cung cấp tanin và gỗ quan
trọng của các kiểu rừng này.

Phân bố

Việt Nam:

Cây phân bố ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Gia Lai,
Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Khánh, Ninh Thuận, Bình
Thuận, Bình Phước, Tây Ninh và An Giang (núi Thất sơn). Tập
trung nhiều nhất ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên.

Thế giới:
Nam Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Malaysia, Ấn
Độ, Ne pal, Sri Lanka, Myanmar. Cây được nhập vào trồng ở
Singapor và Indonesia.

Đặc điểm sinh

học

Cây ưa sáng khi trưởng thành, nhưng chịu bóng khi non.
Mọc nhiều ở rừng thưa, rừng thứ sinh; phân bố nhiều ở rừng
thường xanh, rừng nửa rụng lá và khu vực rừng chuyển tiếp
giữa rừng nửa rụng lá và rừng khộp (rừng rụng lá ưu thế cây
họ Dầu). Trong nhiều khu rừng chiêu liêu chiếm 2-4% tổ thành cây gỗ lớn. Cây thường mọc ở
các địa hình bằng phẳng ven sông suối, dọc đường đi, chân núi ở độ cao dưới 1.200m, gặp
nhiều ở độ cao 300-700m. Ở Ấn Độ, chiêu liêu có thể phân bố đến độ cao 1.500m. Cây mọc
trên cả đất pha sét và đất cát. Cây chịu lạnh, khô và chịu lửa, do có vỏ dày. Tái sinh rải rác
dưới tán rừng thưa, có độ tàn che 0,3-0,4. Cây cũng có khả năng tái sinh chồi tốt. Thường cùng
mọc với chiêu liêu đen, chiêu liêu ổi, bằng lăng, giáng hương, tai nghé, gụ mật, cà te, căm xe,
dầu trai, dầu trà beng, sao đen…

Phân bố của chiêu liêu
ở Việt Nam



Khả năng tái sinh tự nhiên bằng hạt không nhiều, vì hạt bị thu nhặt hết hoặc bị thú ăn. Hạt
có thể giữ được khả năng nảy mầm khoảng 1 năm. Cây sinh trưởng chậm, cây mạ 1 năm chỉ
cao 10-20cm và năm thứ 2 chỉ đạt chiều cao 25-50cm. Tốc độ sinh trưởng về sau cũng khá
chậm. Cây tái sinh bằng chồi mạnh. Sau 2 năm cây chồi có thể đạt chiều cao 2-3m.

Hoa thường xuất hiện cùng lúc cây mọc lá non. Quả chín sau đó khoảng 6 tháng và
thường rụng ngay sau khi chín.

Mùa hoa tháng 5-6. Mùa quả chín tháng 8-9.

Công dụng

Quả chiêu liêu rất giàu tanin; ở một số nước, loại tanin này được sử dụng trong thuộc da.

Tanin của chiêu liêu thường được phối hợp với nhiều loại tanin của các cây khác như: cây
keo, dà, muồng…Từ quả chiêu liêu cũng có thể tạo ra chất nhuộm màu vàng (cộng với nhôm)
hoặc tạo ra chất nhuộm màu đen (cộng với sắt). Quả chiêu liêu có khoảng 30% chất làm săn da
với các chất đặc trưng là các acid chebulinic, chebulagic; các tanin (20-40%) với các đặc trưng
là acid elagic, glucogalin, senosid A(2), các men polyphenol oxidase, tanase, các đường
glucose, arabinose, fructose và các acid amin…

Nhân quả chứa 3-7% chất dầu màu vàng trong suốt, thuộc loại dầu bán khô, trong đó
thành phần chủ yếu là các acid palmatic, oleic và linoleic. Một hợp chất có hoạt tính chống ung
thư là chebulanin cũng chiết được từ cây chiêu liêu.

Chiêu liêu còn được coi là cây thuốc cổ truyền. Quả cây với tên thuốc là “kha tử” có tác
dụng chữa tiêu chảy lâu ngày, lỵ mãn tính, ho, đau họng, mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm, trĩ.
Chú ý nếu dùng liều nhỏ kha tử cầm tiêu chảy, nhưng dùng liều lớn lại gây tiêu chảy.

Ở Ấn Độ, thịt quả dùng làm thuốc đánh răng chữa chảy máu và loét lợi. Tán quả thành bột

và hút trong một tẩu hút thuốc lá có tác dụng chống hen. Người Nepal, nướng quả chiêu liêu
trên than hồng rồi nhai chậm để chữa viêm họng và có tác dụng long đờm.

Cây cho loại gỗ tốt, tỷ trọng 0,87, thớ mịn, được xếp vào nhóm III trong bảng phân loại gỗ
Việt Nam. Dùng đóng đồ đạc, làm nhà, làm cột, đóng trục bánh xe, làm các bộ phận nẹp cong
của tàu thuyền.

Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

Tạo giống. Ở Việt Nam chưa có tập quán trồng chiêu liêu. Theo kinh nghiệm ở Ấn Độ,
tháng 8-9 khi quả bắt đầu rụng phải đi thu nhặt ngay, nếu không các loài thú sẽ ăn hết. Quả
mang về phải phơi đến khô hoàn toàn. Sau đó tách lớp vỏ quả khô đi chỉ để lại hạt. Do vỏ hạt
quá cứng nên có thể xử lý bằng cơ học hoặc hoá học để làm mỏng lớp vỏ hạt, tạo điều kiện
cho hạt nảy mầm nhanh, nhưng chú ý không được làm ảnh hưởng đến phôi ở trong. Ngâm hạt
trong nước lạnh trong 36 giờ. Không nên gieo thẳng vào hố trồng, vì tỷ lệ sống sẽ thấp mà cần
phải gieo trong vườn ươm vào trước mùa mưa, phủ lớp đất mỏng lên trên và tưới nước.
Thường tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt 20%. Cũng có thể trồng chiêu liêu bằng cành, nhưng kết quả
không tốt bằng phương pháp dùng hạt. Khi trồng trong rừng phải mở tán, đảm bảo cho cây non
có đủ ánh sáng để phát triển. Nơi thưa quá phải trồng dặm.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc: Tiến hành trồng chiêu liêu vào đầu hay cuối mùa mưa. Việc che
bóng cho cây mạ trong vườn ươm và cây non mới trồng là cần thiết.

Sau khi trồng, nếu không đủ độ ẩm phải tưới cho cây non mới trồng. Một năm phải chăm
sóc ít nhất 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Chú ý phát cây leo, bụi rậm để cây không bị che lấp
ánh sáng. Thường phải chăm sóc trong 3 năm đầu.

Khai thác, chế biến và bảo quản

Quả được thu hái khi vỏ bắt đầu chuyển thành màu vàng, cho đến khi nó hoàn toàn có

màu vàng và chín. Quả thu về được phơi khô.

Để chiết xuất tanin, quả được ngâm trong nước nóng 60
0
C trong 8-10 giờ.

Để làm thuốc, có nhiều cách chế biến quả thành các vị thuốc khác nhau:
Kha tử sống: Quả kha tử ngâm nước, ủ hoặc đồ cho mềm, bổ đôi quả, bỏ nhân, phơi khô.
Kha tử nướng: Dùng bột mỳ pha nước cho nhão để bao quả, phơi cho se, rồi đem xao cát
cho đến khi vỏ có màu nâu đen, bóc bỏ vỏ bao và nhân.
Kha tử xao: Xao cả quả tới màu vàng, đập vỡ vỏ ngoài, bỏ nhân.
Kha tử tồn sinh: Dùng lửa nhỏ sao kha tử tới khi có màu vàng, đen, hết chất dầu, có mùi
thơm là được
Kha tử thán: Đem kha tử dược liệu đem xao đến khi có màu đen cháy, vảy một ít nước
lạnh rồi tiếp tục sao đến khô.

Giá trị kinh tế, xã hội và bảo tồn

Chiêu liêu là loài cây LSNG bản địa đa tác dụng. Nên khuyến khích gieo trồng và nghiên
cứu toàn diện về loài cây này. Việc phát triển loài chiêu liêu sẽ mang lại công ăn việc, làm và
tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều cộng đồng dân tộc vùng Tây Nguyên và
Duyên hải Trung Bộ.

Tài liệu tham khảo

1. Nhiều tác giả (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Tập I: 1057-1060. Nxb Khoa học và Kỹ
thuật - Hà Nội; 2. Phạm Hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam, Tập III: 749. NXB Trẻ. Tp Hồ Chí Minh; 3. Võ Văn Chi
(1997). Tự điển cây thuốc Việt Nam, Tr. 330. Nxb Y học - Hà Nội; 4. Crevost Ch. Et Petelot A (1941). Catalogue des
produit de L’Indochine - Tannins et Tinctoriaux. Tome VI, Classe 21. Gouvernement général de l’Indochine, 124 pp. -
Hanoi; 5. Lemmens R.H.M.J. and Wulijarni - Soetjipto N. (Editors) (1991). Dye and tannin - producing plants. Plant

Resources of South - East Asia. No3: 122-125. Pudoc Wageningen. Netherlands.

×