GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG NGHIỆP VỤ MUA LẠI TRÁI
PHIẾU TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT
NAM TẠI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN ACB
I. ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH NÓI CHUNG VÀ
THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
1. Định hướng kinh tế xã hội Việt Nam đến năm 2020
Trong hơn mười năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thành công trong quá
trình phát triển kinh tế xã hội, đặt nền móng vững chắc cho một thời kỳ phát triển
mới- thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thời kỳ hội nhập kinh tế
của Việt Nam với kinh tế các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, quá
trình phát triển kinh tế xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với không ít những khó
khăn và thách thức. Quy mô sản xuất còn nhỏ bé, chất lượng của công nghệ nhìn
chung còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm không cao, giá thành còn lớn, sức cạnh
tranh của các sản phẩm nhìn chung còn yếu. Cơ cấu sản phẩm hướng nội là chủ
yếu, tỷ trọng khai thác nguyên liệu thô, gia công cao so với sản phẩm tinh chế và
công nghệ cao.
Để khắc phục được các yếu điểm của sản xuất, nhu cầu vốn để thực hiện công
nghiệp hoá, hiện đại hoá là rất lớn, song nguồn vốn trong nước lại hạn chế, khả
năng thu hút nguồn vốn nước ngoài đang có xu hướng giảm. Hệ thống tài chính
yếu kém đã không thực hiện tốt được vai trò tích tụ, tập trung, phân phối vốn một
cách có hiệu quả trong nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.
Với một cơ sở kinh tế yếu kém như vậy, Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó
khăn trong việc xúc tiến cho các hoạt động hội nhập kinh tế khu vực và tiến tới gia
nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong thời kỳ đầu của
thế kỷ XXI đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ:
“Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất,
văn hoá và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ
bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nguồn lực con người,
năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng an
ninh được tăng cường một cách vững chắc, thể chế kinh tế thị trường Xã hội Chủ
nghĩa được hình thành cơ bản, vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế được
nâng cao.”
Các quan điểm chỉ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam
trong thời gian tới bao gồm:
Thứ nhất, tập trung dốc mọi nguồn lực vật chất, tinh thần và trí tuệ của toàn dân tộc
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa,
phát huy cao độ nội lực, tranh thủ tối đa mọi yếu tố có lợi của môi trường quốc tế
để vượt qua những thách thức mới. Phát triển mạnh lực lượng sản xuất gắn với
hoàn thiện quan hệ sản xuất, đẩy mạnh Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước,
cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân.
Phát triển kinh tế phải gắn với củng cố nền quốc phòng và an ninh quốc gia. Cần
quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững, đó là, phát triển kinh tế cần gắn với tiến
bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác có kế hoạch và hiệu quả các
nguồn lực để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. Phải đảm bảo cho được sự
phát triển cân đối theo ngành và theo lãnh thổ.
Thứ hai, tiếp tục phát triển lâu dài nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo
định hướng Xã hội Chủ nghĩa với vai trò chỉ đạo, dẫn dắt của kinh tế Nhà Nước.
Trên cơ sở đó, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, tôn trọng quyền tự
chủ, khuyến khích mọi hoạt động kinh doanh hợp pháp của mọi thành phần kinh
tế. Phát triển thị trường gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới bộ máy
Nhà Nước trên cơ sở nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà Nước về kinh tế.
Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, gắn hội nhập quốc tế với bảo vệ độc lập tự
chủ, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Thứ tư, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng tiến bộ xã hội. Đồng thời,
cần phát huy yếu tố con người trong sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất
nước. Cần phải coi trọng cải thiện về chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội phát
triển công bằng và nâng cao chất lượng về giáo dục, đào tạo. Cần chú trọng khâu
đào tạo nghề, đào tạo chuyên gia.
Thứ năm, cần đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó, tăng
cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong mọi lĩnh vực để nâng
cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của mọi hoạt động kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn này, nhiệm vụ phát triển kinh tế theo hướng Công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tiếp tục thực hiện phát triển
các thành phần kinh tế. Nhà Nước chủ trương phát triển kinh tế Nhà Nước và tiếp
tục cải cách mạnh mẽ các DNNN trên tinh thần xây dựng và củng cố một số tập
đoàn kinh tế mạnh với cơ sở là các tổng công ty Nhà Nước có sự tham gia của các
thành phần kinh tế, cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu đối với các DNNN không
cần nắm 100% vốn, sáp nhập, giải thể, bán khoán, cho thuê các DNNN khác.
Đổi mới căn bản phương thức đầu tư của các DNNN theo hướng thông qua các
công ty tài chính của Nhà Nước và thông qua thị trường vốn, đổi mới phương thức
quản lý đối với DNNN cũng như quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ
quan quản lý Nhà Nước đối với doanh nghiệp.
Thực hiện khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong các ngành
nghề sản xuất kinh doanh mà pháp luật không cấm, tạo môi trường kinh doanh
thuận lợi bao gồm môi trường pháp lý, các chính sách quản lý để kinh tế tư bản tư
nhân phát triển theo định hướng của Nhà Nước.
Chính Phủ chủ trương phát triển mạnh hình thức công ty cổ phần nhằm huy động
rộng rãi các nguồn vốn trong xã hội, đồng thời coi trọng hình thức liên doanh liên
kết, bao gồm cả liên kết giữa DNNN với doanh nghiệp tư nhân, liên kết giữa doanh
nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, coi trọng khai thác và quản lý có
hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài.
Một nhiệm vụ khác được đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm
2020 là tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, đồng thời, tăng
cường vai trò quản lý kinh tế của Nhà Nước. Trong các nhiệm vụ đó, tiếp tục đổi
mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà Nước, phát triển thị trường tiền tệ và thị
trường vốn nhằm tăng tích tụ và tập trung vốn, phân phối vốn một cách có hiệu quả
là một mục tiêu quan trọng, trên cơ sở đó, tăng khả năng chuyển đổi của Việt Nam
Đồng và góp phần thực hiện ổn định các yếu tố vĩ mô như cân đối Ngân Sách Nhà
Nước, thăng bằng cán cân thương mại, cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá, lãi suất.
Nhiệm vụ cuối cùng của chiến lược là, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc hoàn thiện và
phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong
đó có thị trường trái phiếu là điều kiện quan trọng để thực hiện chiến lược phát
triển kinh tế, xã hội.
2. Định hướng thị trường tài chính Việt Nam đến năm 2020
Mục tiêu của việc phát triển thị trường tài chính đến năm 2020 trước mắt là xây
dựng và hoàn thiện thị trường tài chính đồng bộ, vận hành theo các nguyên tắc của
cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà Nước, đảm bảo sự phát triển lành
mạnh, ổn định và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường. Trên cơ sở đó,
nâng cao tỷ lệ huy động vốn trong nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ và hiệu
quả luân chuyển vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư cho sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hoá đất nước.
Đối với thị trường vốn, cần thúc đẩy và tăng hiệu quả của thị trường chứng khoán
để tăng cường thu hút vốn trong nền kinh tế. Cần tăng số lượng và chất lượng hàng
hoá của thị trường bằng việc đẩy mạnh phát hành Trái phiếu Chính Phủ, trái phiếu
của các DNNN, trái phiếu đầu tư, trái phiếu của các quỹ hỗ trợ phát triển và trái
phiếu của chính quyền địa phương cũng như đẩy mạnh chương trình cổ phần hoá
DNNN, khuyến khích hình thành công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp, khuyến
khích các doanh nghiệp phát hành chứng khoán để huy động vốn trên thị trường.
Khuyến khích các loại hàng hoá mới như chứng chỉ quỹ đầu tư, các chứng khoán
phái sinh. Khuyến khích các công ty niêm yết trên thị trường tập trung và tăng
cường phát hành chứng khoán ra công chúng, đồng thời xây dựng và phát triển thị
trường OTC, đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành có hiệu quả, an toàn
và lành mạnh.
Mặt khác, cần phát triển và tăng hiệu quả hoạt động cho vay trung và dài hạn của
các NHTM, tăng hiệu quả đầu tư của Ngân Sách Nhà Nước và thông qua các quỹ
hỗ trợ phát triển và quỹ phát triển địa phương. Đồng thời tăng cường hoạt động thu
hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả
nguồn vốn nước ngoài cho phát triển kinh tế.
Đối với thị trường tiền tệ, cần tiếp tục phát triển thị trường nội tệ liên ngân hàng,
thị trường ngoại hối và thị trường các giấy tờ có giá ngắn hạn, thực hiện cải cách
chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng tự do hoá. Mở rộng và nâng cao
chất lượng hoạt động tín dụng của các NHTM, tăng cường tích tụ tập trung vốn,
mở rộng các dịch vụ ngân hàng như dịch vụ thanh toán, tư vấn, bảo quản tài sản.
Mở rộng thị trường bảo hiểm, đa dạng hoá loại hình doanh nghiệp bảo hiểm và các
loại sản phẩm dịch vụ bảo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm thành
lập các công ty đầu tư hoặc các quỹ đầu tư, tham gia hoạt động trên cả thị trường
nội địa và quốc tế.