NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ HOÀN THIỆN
CÔNG TÁC KẾ TOÁN THÀNH PHẨM, TIÊU THỤ
THÀNH PHẨM VÀ XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ TIÊU THỤ Ở
CÔNG TY DỆT VẢI CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI.
3.1 Nhận xét và đánh giá về tình hình kế toán thành phẩm, tiêu thụ thành
phẩm và xác định kết quả tiêu thụ ở Công ty.
Hơn 30 năm qua, Công ty Dệt vải công nghiệp Hà Nội đã trưởng thành và lớn
mạnh không ngừng. Sự lớn mạnh của Công ty không những thể hiện qua cơ sở vật
chất kỹ thuật mà còn thể hiện ở trình độ quản lý kinh tế của Công ty đang từng
bước được hoàn thiện.
Để có được thành quả như hôm nay, Công ty đã trải qua một thời kỳ dài, đánh
dấu một chặng đường đầy khó khăn gian khổ trong quá trình xây dựng, trưởng
thành phát triển và tự khẳng định mình trong ngành dệt may Việt Nam và trong
nền kinh tế quốc dân.
Trong quá trình phát triển đó, công tác quản lý nói chung và công tác kế toán
nói riêng đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện.
Qua thời gian thực tập tại Công ty, em nhận thấy bộ máy kế toán về cơ bản đã
đáp ứng được yêu cầu hạch toán , phản ánh và giám sát được tình hình sử dụng vật
tư, lao động, tiền vốn, thu nhập….,xử lý và cung cấp các thông tin về các hoạt
động kinh tế diễn ra trong toàn bộ Công ty. Việc sắp xếp, bố trí nhân sự của phòng
kế toán tài chính phù hợp với yêu cầu hạch toán và trình độ của đội ngũ cán bộ kế
toán. Công tác kế toán nói chung và công tác kế toán thành phẩm, tiêu thụ thành
phẩm và xác định kết quả tiêu thụ của Công ty được thực hiện tương đối chặt chẽ
trong việc mở và ghi chép các bảng kê, sổ kế toán chi tiết, sổ kế toán tổng hợp…
Song bên cạnh những thành quả đạt được thì thực tế ở Công ty vẫn còn những hạn
chế. Nếu Công ty nghiên cứu để hoàn thiện thì công tác kế toán sẽ cung cấp thông
tin tốt hơn cho công tác quản lý nói chung của Công ty.
3.2 Một số ý kiến về công tác thành phẩm và tiêu thụ thành phẩm ở Công ty:
* Đối với kế toán chi tiết thành phẩm có sự ghi chép trùng lặp về mặt chỉ tiêu số
lượng giữa phòng kế toán và kho. Trong khi đó, ở kho theo dõi tình hình xuất nhập
tồn trên thẻ kho thành phẩm nhưng chỉ nắm bắt được số lượng mà không nắm bắt
được sự biến động của thành phẩm về chỉ tiêu giá trị.
* Vấn đề tiêu thụ sản phẩm sản xuất là vấn đề quan trọng hàng đầu của các DN.
Muốn sản phẩm sản xuất ra tạo được thế cạnh tranh thì trước hết Công ty cần phân
tích, nghiên cứu chu kỳ sống của sản phẩm do mình sản xuất. Khi phân tích
chu kỳ sống của sản phẩm phải nhận thức được đặc điểm của chu kỳ sống, diễn
biến của chu kỳ sống đang ở giai đoạn nào để giúp Công ty dự đoán chính xác
khối lượng thành phẩm trong giai đoạn tới, nhờ đó xây dựng cải tiến hoặc xây
dựng đổi mới sản phẩm cho phù hợp với diễn biến của thị trường.
Bên cạnh đó Công ty thường xuyên phải chú ý đến việc nâng cao chất lượng
sản phẩm, tiêu chuẩn hoá và kiểm tra chất lượng sản phẩm đảm bảo giữ uy tín của
Công ty đối với khách hàng, tạo nên hàng rào bảo hộ mậu dịch của sản phẩm.
* Chính sách giá cả cũng là một nhân tố ảnh hưởng quan trọng kích thích lượng
cầu của từng loại sản phẩm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập và lợi nhuận của
Công ty. Chính vì vậy, để giá thành của Công ty sản xuất phù hợp với sự biến
động của giá trên thị trường ở từng thời điểm vừa đảm bảo bù đắp được chi phí sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm mà vẫn đạt được mức lợi nhuận thoả đáng thì Công ty
thường xuyên phải nghiên cứu sự biến động giá cả trên thị trường, xác định các
nhân tố ảnh hưởng đến giá cả và chính sách định giá. Các nhân tố này có thể là
nhân tố bên trong hoặc nhân tố bên ngoài Công ty.
Ngoài ra Công ty còn phải có những biện pháp khuyến khích thoả đáng cho
những khách hàng quen, mua với số lượng lớn như các khoản chiết khấu. Để phản
ánh số doanh thu do chiết khấu cho khách hàng thì kế toán cần phải sử dụng TK
521-chiết khấu bán hàng để hạch toán.
* Công ty nên tách riêng tiền lương của nhân viên bán hàng ra khỏi chi phí QLDN
để đảm bảo việc theo dõi và tính đúng chi phí tiền lương của họ.
* Hiện nay Công ty đang áp dụng hình thức nhật ký chứng từ để ghi chép các
nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Hình thức này có nhiều ưu điểm như tránh được sự ghi
chép trùng lắp, rất thuận tiện phân công lao động kế toán, tạo điều kiện nâng cao
trình độ chuyên môn kế toán, tuy nhiên nó đòi hỏi trình độ nhân viên kế toán cao và
đồng đều, nếu có nhầm lẫn, sai sót rất khó kiểm tra, công việc kế toán được thực
hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công nên khối lượng công việc tương đối lớn,
khó cung cấp nhanh được số liệu cho công tác quản lý. Hơn nữa hiện nay ở Công ty
đã cài đặt phần mềm chương trình kế toán và nối mạng với Tổng công ty, do vậy
hình thức sổ này khó đưa được vào máy vi tính. Theo tôi Công ty nên lựa chọn hình
thức Nhật ký chung, vì nó phù hợp với qui mô của Công ty (loại vừa), và thuận tiện
cho việc áp dụng máy vi tính.
* Về việc phân tích hoạt động kinh tế
Như ta đã biết, phân tích hoạt động kinh tế có mỗi quan hệ chặt chẽ với hạch toán
kế toán, là một công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý kinh tế, hạch toán kế
toán là sự ghi chép phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh bằng con số trên sổ
sách. Dựa vào số liệu ghi chép, phân tích kinh tế, nghiên cứu và rút ra nhận xét,
đánh giá.
Tại Công ty hiện nay việc phân tích hoạt động kinh tế mới thực hiện ở xí
nghiệp dệt Bạt mỗi quý một lần còn ở các xí nghiệp khác cũng như ở cấp Công ty
chưa được thực hiện thường xuyên do vậy chưa tìm ra được những nguyên nhân
tích cực hoặc tiêu cực làm tăng chi phí hoặc giảm chi phí để nâng cao chất lượng,
cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
* Trong điều kiện nền kinh tế với xu hướng hội nhập, sự cạnh tranh gay gắt,việc
nắm bắt thông tin kế toán và nhanh chóng đưa ra các quyết định đúng đắn có tầm
quan trọng rất lớn với các doanh nghiệp. Công đã đưa máy tính vào sử dụng cho
các công việc hạch toán của mình, cụ thể đã đưa phần mềm kế toán FAST vào sử
dụng, nhưng việc áp dụng mới chỉ là bước đầu, mới chỉ ở một số khâu chưa đồng
bộ
KẾT LUẬN
Kế toán, trong sự phát triển của nền kinh tế với xu hướng hội nhập hiện nay,
đang được Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức một cách sâu sắc với chức
năng là công cụ quản lí kinh tế . Hệ thống chế độ hạch toán mới ban hành đã đổi
mới một cách căn bản phù hợp với yêu cầu quản trị kinh doanh của doanh nghiệp,
quá trình vận dụng vào thực tiễn đối với doanh nghiệp sản xuất nói chung cũng
như Công ty Dệt vải công nghiệp Hà Nội nói riêng đang ngày càng phát huy vai trò
của kế toán trong quản lí kinh tế.
Kế toán thành phẩm, tiêu thụ thành phẩm là một bộ phận quan trọng trong hệ
thống các phần hành kế toán của doanh nghiệp ; là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ
đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp . Đồng thời đây cũng là một
chỉ tiêu được các nhà quản lí quan tâm
Ý thức được điều đó, Công ty Dệt vải công nghiệp Hà Nội đã không ngừng đầu
tư chiều sâu, đa dạng hoá sản phẩm, cải tiến mẫu mã, mặt hàng, nâng cao chất
lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trong khâu tiêu thụ, Công ty đã áp dụng nhiều
phương thức bán hàng, mở rộng thị trường để cạnh tranh với các doanh nghiệp
trong và ngoài nước.
Là sinh viên được nhà trường trang bị kiến thức khoa học để hiểu bản chất ,tầm
quan trọng của công tác kế toán , do vậy quá trình thực tập và thực hiện đề tài :
“Tổ chức công tác kế toán thành phẩm, tiêu thụ thành phẩm và xác định kết quả
tiêu thụ ở Công ty dệt vải công nghiệp Hà Nội ” ; em đã học hỏi thực tế kết hợp
kiến thức lí luận đã học để cố gắng hoàn thành tốt đề tài đã chọn.
Vì thời gian có hạn, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều nên chuyên đề của em không
tránh khỏi những sai sót , nhiều vấn đề không có điều kiện đi sâu hơn.
Cuối cùng em xin cảm ơn sự giúp đỡ và sự hướng dẫn tận tình của Thầy giáo
Dương Nhạc và các cô chú cán bộ phòng kế toán của Công ty Dệt vải công nghiệp
Hà Nội đã giúp em hoàn thành chuyên đề này.
Hà Nội, tháng 4 năm 2003
Sinh viên thực hiện
Phạm thị Hằng