Cơ sở lý luận về phát triển hoạt động bao thanh toán tại ngân
hàng thương mại
1.1 Hoạt động bao thanh toán tại ngân hàng thương mại
1.1.1 Khái quát về ngân hàng thương mại
1.1.1.1 Khái niệm ngân hàng thương mại
Ngân hàng là một trong các tổ chức tài chính quan trọng nhất của nền
kinh tế, ngân hàng tập trung các nguồn tiền trong nền kinh tế và cung ứng vốn
cho các tổ chức kinh tế, các cá nhân có nhu cầu về vốn. Nếu coi toàn bộ nền
kinh tế là một cơ thể hoàn chỉnh thì dòng chảy của vốn như là những mạch máu
chảy khắp cơ thể và các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa
dòng chảy đó thông suốt, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Có rất nhiều khái niệm về
ngân hàng đã được đưa ra và chưa có một khái niệm thống nhất giữa các nước
do hoạt động của các ngân hàng vô cùng đa dạng phức tạp và do sự khác nhau
về tập quán mỗi quốc gia. Nếu xem xét trên phương diện những loại hình dịch vụ
mà ngân hàng cung cấp có quan điểm cho rằng “Ngân hàng là loại hình tổ chức
tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất- đặc biệt là
tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán và thực hiện nhiều chức năng tài chính
nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế”, quan điểm
này mang tính chất mở và phù hợp với sự phát triển ngày càng đa dạng các dịch
vụ ngân hàng.
Tại Việt Nam, theo Luật các tổ chức tín dụng, “Hoạt động ngân hàng là
hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên
là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ
thanh toán” và “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ
hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Theo tính
chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng gồm ngân hàng thương
mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng
hợp tác và các loại hình ngân hàng khác” . Cách tiếp cận hạn chế này chưa bao
quát hết được toàn bộ chân dung ngân hàng hiện đại với các hoạt động ngày
càng đa dạng và phong phú.
Trong các loại hình ngân hàng hoạt động trong nền kinh tế, NHTM chiếm
đa số và có hoạt động đa dạng, phong phú nhất. Khác với các loại hình
ngân hàng khác, NHTM hoạt động mang tính chất thương mại với mục tiêu
lợi nhuận được ưu tiên hàng đầu. Do tính chất đặc biệt trong hoạt động, có tầm
ảnh hưởng rộng lớn, các NHTM được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của
Nhà nước. NHNN thông qua các ngân hàng thương mại để thực thi chính sách
tiền tệ, điều tiết kinh tế vĩ mô. Như vậy có thể quan niệm NHTM là TCTD
thực hiện hoạt động kinh doanh tiền tệ, cung cấp các dịch vụ tài chính đặc biệt
là nhận tiền gửi, cấp tín dụng, dịch vụ thanh toán và các dịch vụ tài chính đa
dạng khác nhằm mục tiêu lợi nhuận.
1.1.1.2 Hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại
Quá trình phát triển kinh tế tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân
hàng và đến lượt mình, sự phát triển của hệ thống ngân hàng trở thành động lực
thúc đẩy phát triển kinh tế. Sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, nhu cầu
xã hội, nhu cầu sản xuất, kinh doanh đòi hỏi các NHTM phải đa dạng hóa hoạt
động, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu đó. Hoạt động của ngân hàng vô
cùng đa dạng song tựu chung lại NHTM có các hoạt động chính sau: hoạt động
huy động vốn, hoạt động sử dụng vốn và các hoạt động khác.
a.Hoạt động huy động vốn
Hoạt động huy động vốn là một trong những hoạt động chủ yếu và
quan trọng nhất của NHTM. Kết quả của hoạt động này sẽ trực tiếp chi phối tới
kết quả của các hoạt động khác vậy nên ngân hàng luôn nỗ lực để mở rộng
hoạt động này. Hoạt động huy động vốn của NHTM bao gồm: huy động vốn
chủ sở hữu và huy động nợ song số vốn huy động từ nợ thường chiếm tỷ trọng
lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu.
Trong quá trình hoạt động, ngân hàng gia tăng vốn chủ theo nhiều
phương thức khác nhau tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Ngân hàng có thể
huy động vốn chủ từ nguồn lợi nhuận thu được, ngân hàng khi làm ăn có lãi
thường trích một phần lợi nhuận để lại bổ sung vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ tích lũy
tùy thuộc vào quyết định của mỗi ngân hàng. Những ngân hàng lớn, hoạt động
lâu năm, có thu nhập sau thuế lớn thường có phần lợi nhuận giữ lại cao hơn.
Ngoài ra ngân hàng có thể huy động thêm vốn chủ bằng việc phát hành thêm
cổ phần, góp thêm, cấp thêm để mở rộng quy mô hoạt động, hoặc đổi mới
trang thiết bị hoặc để đáp ứng yêu cầu gia tăng vốn chủ sở hữu do NHNN
quy định. Đặc điểm của hình thức huy động này là không thường xuyên song
giúp cho ngân hàng có được lượng vốn chủ sở hữu lớn vào lúc cần thiết.
Hoạt động huy động vốn mang tính chất thường xuyên hơn là huy động nợ,
ngân hàng huy động nợ từ nguồn tiền gửi của dân cư, các doanh nghiệp,các
TCTD khác hoặc đi vay từ NHNN, các TCTD hoặc vay trên thị trường vốn.
Tiền gửi của khách hàng là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của NHTM.
Quy mô của tiền gửi rất lớn so với các nguồn khác. Thông thường, nguồn này
thường chiếm hơn 50% tổng nợ và vốn chủ sở hữu của ngân hàng và là mục tiêu
tăng trưởng hàng năm của các ngân hàng. Để gia tăng tiền gửi trong môi trường
cạnh tranh và để có được nguồn tiền có chất lượng ngày càng cao, bên cạnh sự
cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng đã phát triển đa dạng hình thức huy động tiền
gửi: tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm. Tiền gửi là đối
tượng phải dự trữ bắt buộc do vậy chi phí tiền gửi thường cao hơn lãi trả cho
tiền gửi.
Tiền gửi là nguồn quan trọng nhất của NHTM tuy nhiên khi cần NHTM
thường vay mượn thêm, đây là một nguồn huy động khá quan trọng. NHTM có
thể đi vay NHNN, các tổ chức tín dụng hoặc vay trên thị trường vốn. NHTM
vay NHNN nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách như trường hợp thiếu hụt dự trữ.
Hình thức cho vay chủ yếu của NHNN là tái chiết khấu (hoặc tái cấp vốn). Để
bù đắp thiếu hụt dự trữ, các NHTM có thể vay mượn các TCTD khác trên thị
trường liên ngân hàng. Trong trường hợp thiếu nguồn tiền gửi trung và dài hạn
dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu cho vay, đầu tư trung và dài hạn, NHTM
cũng có thể vay mượn bằng cách phát hành các giấy nợ (kỳ phiếu, tín phiếu, trái
phiếu) trên thị trường vốn. Những ngân hàng có uy tín hoặc trả lãi suất cao sẽ
vay mượn được nhiều hơn. Các ngân hàng nhỏ thường khó vay mượn trực tiếp
bằng cách này. Họ thường phải vay thông qua các ngân hàng đại lý hoặc được
bảo lãnh của Ngân hàng đầu tư. Khả năng vay mượn còn phụ thuộc vào trình độ
phát triển của thị trường tài chính, tạo khả năng chuyển đổi cho các công cụ nợ
dài hạn của ngân hàng.
b. Hoạt động sử dụng vốn
Ngân hàng tích tụ và tập trung vốn nhằm sử dụng cho các mục đích khác
nhau và việc sử dụng vốn như thế nào sẽ quyết định tới doanh thu của NHTM.
NHTM sử dụng vốn vào nhiều mục đích khác nhau trong đó cho vay và đầu tư
là hai hoạt động chủ yếu mang lại doanh thu cho ngân hàng. NHTM sử
dụng vốn để cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu về vốn vay để
sử dụng vào một mục đích nhất định trong một khoảng thời gian xác định theo
thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. NHTM có thể cho vay
nhằm các mục đích tiêu dùng như cho vay xây nhà, sửa nhà, mua trang thiết bị
vật dụng trong gia đình, phương tiện đi lại, cho vay du học… Đối với hoạt động
sản xuất kinh doanh, NHTM có thể cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay đầu
tư tài sản cố định, cho vay tài trợ dự án… Tùy theo thỏa thuận, ngân hàng có thể
cung cấp cho khách hàng các khoản vay từ ngắn hạn cho tới trung và dài hạn
trên cơ sở có tài sản bảo đảm hoặc không. Tuy nhiên đây cũng là hoạt động
tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các ngân hàng thường phải trích lập dự phòng nhằm
đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng.
Tuy hoạt động cho vay là hoạt động hứa hẹn mang lại nhiều doanh thu
cho ngân hàng tuy nhiên ngân hàng không sử dụng toàn bộ vốn huy động để
cho vay do hầu hết các khoản cho vay có tính thanh khoản thấp, ngân hàng
không thể bán chúng trên thị trường một cách dễ dàng để đáp ứng nhu cầu tiền
mặt và hơn nữa đó là những khoản có mức độ rủi ro cao nhất. Các NHTM sử
dụng một phần vốn huy động dành cho hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần.
NHTM thường đầu tư vào các chứng khoán nhằm mục tiêu thanh khoản, đa
dạng hóa tài sản. Các loại chứng khoán được ngân hàng đầu tư bao gồm: các
chứng khoán của Chính Phủ (Trung ương hoặc địa phương) như tín phiếu kho
bạc, trái phiếu Chính phủ; chứng khoán của các ngân hàng khác, các công ty tài
chính như cổ phiếu, các giấy nợ khác do các ngân hàng, các công ty tài chính
phát hành hoặc chấp nhận thanh toán; chứng khoán của các công ty khác. Việc
nắm giữ các loại chứng khoán này mang lại thu nhập cho ngân hàng và có thể
bán đi để gia tăng ngân quỹ khi cần thiết.
Ngoài hai hoạt động chính trên, NHTM còn đa dạng hóa hoạt động sử
dụng vốn như cung cấp hoạt động chiết khấu, cho thuê tài sản trung và dài hạn,
bảo lãnh. Ngân hàng cho phép chiết khấu thương phiếu, thực chất là việc người
bán hàng bán các khoản phải thu của khách hàng cho ngân hàng để có vốn mua
hàng dự trữ hoặc để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài cách tài trợ trên,
NHTM có thể tài trợ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp bằng cách cho thuê tài sản trung và dài hạn. Ngân hàng cho khách hàng
quyền lựa chọn thuê các thiết bị, máy móc cần thiết thông qua hợp đồng thuê
mua, trong đó ngân hàng mua thiết bị và cho khách hàng thuê. Hợp đồng cho
thuê thường phải đảm bảo yêu cầu khách hàng phải trả tới hơn 2/3 giá trị của tài
sản cho thuê và khách hàng được ưu tiên mua lại tài sản sau khi hết thời hạn
thuê. Theo một cách khác, NHTM có thể sử dụng uy tín của mình để bảo lãnh
cho khách hàng mua chịu hàng hóa, trang thiết bị, phát hành chứng khoán, vay
vốn của tổ chức tín dụng khác… Doanh thu từ các hoạt động này chiếm tỷ trọng
tương đối nhỏ trong tổng doanh thu của ngân hàng.
c. Hoạt động khác
Ngoài các hoạt động trên, NHTM còn cung cấp một loạt các dịch vụ cho
khách hàng như: dịch vụ thanh toán, dịch vụ bảo quản vật có giá, dịch vụ tư vấn
và ủy thác, dịch vụ môi giới, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ đại lý và các dịch vụ
ngân hàng hiện đại khác. Đối với các dịch vụ này ngân hàng sẽ thu phí và nó sẽ
mang lại các khoản doanh thu ngoài lãi cho ngân hàng.
Dịch vụ thanh toán là một trong các dịch vụ phát triển nhất tại NHTM.
Ngân hàng cho phép khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng và thực hiện
các lệnh chi trả cho khách hàng không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng
tiền mặt mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng như an toàn, nhanh
chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Cùng với
sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều thể thức thanh toán được phát triển
như ủy nhiệm chi, nhờ thu, LC, thanh toán bằng điện, thẻ… đã mang lại nhiều
tiện ích hơn cho khách hàng và thúc đẩy dịch vụ thanh toán qua ngân hàng ngày
càng phát triển.
Dịch vụ bảo quản vật có giá của ngân hàng cho phép khách hàng an tâm
hơn đối với những tài sản có giá trị của mình. Các NHTM thực hiện việc lưu
giữ vàng và các vật có giá khác cho khách hàng trong kho bảo quản. Ngân hàng
giữ vàng và các tài sản có giá trị khác và giao cho khách hàng tờ giấy biên nhận
(giấy chứng nhận do ngân hàng phát hành) và khách hàng trả phí bảo quản cho
ngân hàng.
Dịch vụ tư vấn và ủy thác là dịch vụ ngân hàng đứng ra quản lý tài sản và
quản lý hoạt động tài chính hộ các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có nhu
cầu và thu phí. Do hoạt động trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng có rất
nhiều chuyên gia về quản lý tài chính nên sẽ tư vấn cho khách hàng đưa ra các
quyết định đúng đắn hơn. Nhiều khách hàng còn coi ngân hàng như một chuyên
gia tư vấn tài chính. Ngân hàng sẵn sàng tư vấn về đầu tư, về quản lý tài chính,
về thành lập, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Hiện nay, các NHTM không chỉ
tư vấn mà còn nhận ủy thác của khách hàng. Dịch vụ ủy thác phát triển sang cả
ủy thác vay hộ, ủy thác cho vay hộ, ủy thác phát hành, ủy thác đầu tư… thậm
chí các ngân hàng đóng vai trò là người được ủy thác trong di chúc, quản lý tài
sản cho khách hàng đã qua đời bằng cách công bố tài sản, bảo quản các tài sản
có giá.
Dịch vụ môi giới đầu tư chứng khoán của ngân hàng cung cấp cho khách
hàng cơ hội mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác mà không phải
nhờ đến người kinh doanh chứng khoán. Trong một vài trường hợp, các NHTM
tổ chức ra công ty chứng khoán hoặc công ry môi giới chứng khoán.
Ngân hàng còn cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng bán bảo hiểm
cho khách hàng, điều đó đảm bảo việc hoàn trả trong trường hợp khách hàng bị
chết, bị tàn phế hày gặp rủi ro trong hoạt động, mất khả năng thanh toán.
Nhiều ngân hàng trong quá trình hoạt động không thể thiết lập chi nhánh
hoặc văn phòng ở khắp mọi nơi. Nhiều ngân hàng (thường ngân hàng lớn)
cung cấp dịch vụ ngân hàng đại lý cho các ngân hàng khác như thanh toán hộ
các chứng chỉ tiền gửi, làm ngân hàng đầu mối trong đồng tài trợ…
Ngày nay bên cạnh việc phát triển các hoạt động, dịch vụ truyền thống
các NHTM còn triển khai thêm nhiều hoạt động, dịch vụ ngân hàng hiện đại
mang lại nhiều lựa chọn tiện ích cho người sử dụng tiêu biểu như dịch vụ quyền
chọn, hay như hoạt động bao thanh toán.
1.1.2 Hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại
1.1.2.1 Khái niệm hoạt động bao thanh toán
Hoạt động bao thanh toán đã có một chiều dài lịch sử phát triển lâu dài
trên thế giới và trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu đối với các
doanh nghiệp nước ngoài. Có quan điểm cho rằng manh mún của hoạt động bao
thanh toán xuất hiện từ thời La Mã song theo quan điểm chung nhất của các nhà
nghiên cứu bao thanh toán có nguồn gốc từ sự phát triển của thương mại quốc tế
từ đầu thế kỷ XIII ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Tới thế kỷ XVII, hoạt
động bao thanh toán chính thức ra đời tại Anh tuy nhiên mãi đến những năm 60
của thế kỷ XIX ở Châu Âu bao thanh toán mới được phát triển rầm rộ. Năm
1963, cơ quan kiểm soát tiền tệ công bố bao thanh toán là một hoạt động ngân
hàng hợp pháp và các ngân hàng chính thức đi vào lĩnh vực này và bắt đầu từ
năm 1974 thì nghiệp vụ này mới được công nhận bởi hầu hết ở các nước trên
thế giới. Tại Việt Nam từ khi có quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN về Quy chế
hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng thì hoạt động bao thanh toán
mới chính thức được triển khai tại một số NHTM Việt Nam.
Có rất nhiều định nghĩa về bao thanh toán sau đây là một số định nghĩa
tiêu biểu:
Theo Hiệp hội bao thanh toán thế giới (FCI- Factors Chain International)
bao thanh toán được định nghĩa là một dịch vụ tài chính trọn gói bao gồm sự
kết hợp giữa tài trợ vốn hoạt động, bảo hiểm rủi ro tín dụng, theo dõi các
khoản phải thu và dịch vụ thu hộ. Đó là sự thỏa thuận giữa đơn vị bao thanh
toán và bên bán, trong đó bên bán hàng sẽ chuyển nhượng các khoản phải thu
cho đơn vị bao thanh toán để nhận tiền ứng trước cho các khoản phải thu đó
đồng thời đơn vị bao thanh toán sẽ quản lý và thu hộ các khoản phải thu đó.
Trong trường hợp bao thanh toán miễn truy đòi, nếu bên mua phá sản hay mất
khả năng chi trả thì đơn vị bao thanh toán sẽ thay bên mua trả tiền cho bên bán.
Khi bên mua và bên bán ở hai nước khác nhau thì dịch vụ này được gọi là bao
thanh toán quốc tế. Điều 1 Quy tắc chung về Bao thanh toán quốc tế của Hiệp
hội bao thanh toán quốc tế- General Rules For International Factoring- FCI khái
niệm “Hợp đồng bao thanh toán là hợp đồng theo đó người bán có thể hoặc sẽ
chuyển nhượng các khoản phải thu cho một đơn vị bao thanh toán có thể với mục
đích nhận tài trợ thương mại hoặc không để nhận được ít nhất một trong các
chức năng sau: theo dõi sổ sách các khoản phải thu, thu hộ các khoản phải thu,
bảo hiểm rủi ro nợ xấu”.
Theo Công ước UNIDROIT về Bao thanh toán quốc tế được thông qua
ngày 28/05/1988 tại Ottawa- Canada tại Khoản 2 Điều 1 định nghĩa “Hợp đồng
bao thanh toán là hợp đồng giữa đơn vị bán và đơn vị bao thanh toán, theo đó
người bán có thể hoặc sẽ chuyển nhượng cho các đơn vị bao thanh toán các
khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa/dịch vụ giữa người bán
và người mua hàng. Đơn vị bao thanh toán phải thực hiện ít nhất hai trong bốn
chức năng sau:
- Tài trợ cho bên bán bao gồm các khoản vay và thanh toán trước.
- Quản lý các tài khoản liên quan tới các khoản phải thu.
- Thu hộ các khoản phải thu.
- Bảo hiểm rủi ro không thanh toán của con nợ.”
Như vậy so với định nghĩa đưa ra của Quy tắc chung về Bao thanh toán
quốc tế của Hiệp hội bao thanh toán quốc tế thì bổ sung thêm một chức năng
nữa của bao thanh toán là tài trợ cho người bán, bao gồm việc cho vay lẫn việc
ứng tiền thanh toán trước.
Theo Từ điển kinh tế (Dictionary of Economic- Christopher Pas & Bryan
Lones), “Bao thanh toán là một sự dàn xếp tài chính, qua đó một công ty tài
chính chuyên nghiệp mua lại các khoản nợ của một công ty với số tiền ít hơn
giá trị của khoản nợ đó. Lợi nhuận phát sinh từ sự chênh lệch giữa tiền thu được
của số nợ đã mua và giá mua thực tế của món nợ đó. Lợi ích của công ty bán nợ
là nhận được tiền ngay thay vì phải chờ đến lúc con nợ trả nợ hơn nữa lại tránh
được những phiền toái và các chi phí trong việc theo đuổi các con nợ chậm trả”.
Khái niệm này có phần hạn chế hơn các khái niệm trên do chưa chỉ hết được các
chức năng của bao thanh toán do đó chưa thấy được hết các tiện ích mang lại
cho người sử dụng bao thanh toán.
Còn theo Từ điển thuật ngữ Ngân hàng – Hans Klaus cho rằng “Bao
thanh toán là một loại hình tài trợ dưới dạng tín dụng chuyển nhượng nợ. Một
công ty chuyển toàn bộ hay một phần khoản nợ cho một công ty tài chính
chuyên nghiệp (công ty mua nợ, thông thường là một công ty trực thuộc ngân
hàng). Công ty này đảm nhận việc thu các khoản nợ và theo dõi các khoản phải
thu để hưởng thủ tục phí và có lúc ứng trước các khoản nợ. Thông thường công
ty mua nợ phải chịu rủi ro mất khả năng thanh toán của món nợ”
Tại Việt Nam hiện tại chỉ có văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động
bao thanh toán của tổ chức tín dụng, theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN
ngày 06 tháng 09 năm 2004 về Quy chế hoạt động bao thanh toán của các
TCTD và Quyết định số 30/2008/QĐ-NHNN sửa đổi bôt sung một số điều của
Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng định nghĩa “Bao
thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng
thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ đã được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp
đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”. Cũng theo các Quyết định này các
TCTD được thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán là các tổ chức tín dụng thành
lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng bao gồm:
- Ngân hàng thương mại nhà nước;
- Ngân hàng thương mại cổ phần;
- Ngân hàng liên doanh;
- Ngân hàng 100% vốn nước ngoài;
- Công ty tài chính;
- Công ty cho thuê tài chính;
- Ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam theo Luật tổ
chức tín dụng.
Mặc dù có nhiều cách diễn đạt song qua các khái niệm ở trên ta thấy được
một số nét đặc trưng của hoạt động bao thanh toán. Thứ nhất, đối tượng của bao
thanh toán là các khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hóa, cung ứng
dịch vụ. Thứ hai, trong hoạt động bao thanh toán thông thường sẽ có sự xuất
hiện của ít nhất ba bên là: đơn vị bao thanh toán là NHTM, khách hàng được
NHTM bao thanh toán (bên bán) và con nợ của tổ chức được bao thanh toán
(bên mua). Đối với hoạt động bao thanh toán xuất nhập khẩu, mối quan hệ này
sẽ phức tạp hơn do có hai đơn vị bao thanh toán sẽ đứng ra thực hiện bao thanh
toán, một đơn vị ở nước của nhà xuất khẩu và một đơn vị ở nước của nhà nhập
khẩu. Ngoài ra, khi một khách hàng ký kết hợp đồng bao thanh toán họ sẽ bán
không phải một mà là một số các khoản phải thu từ nhiều khách hàng khác nhau
nên hoạt động bao thanh toán có thể có rất nhiều con nợ của tổ chức được bao
thanh toán. Thứ ba, trong hoạt động bao thanh toán miễn truy đòi, toàn bộ rủi ro
của việc thu tiền hàng từ bên mua đã được chuyển giao từ bên bán sang đơn vị
bao thanh toán.
1.1.2.2 Phân loại bao thanh toán
Việc phân loại bao thanh toán sẽ giúp cho việc phát triển hoạt động
bao thanh toán dễ dàng hơn và giúp cho người sử dụng lựa chọn được hình thức
bao thanh toán phù hợp. Dựa trên các căn cứ khác nhau, bao thanh toán được
phân thành các loại khác nhau.
a. Bao thanh toán nội địa - Bao thanh toán quốc tế
Dựa trên căn cứ phạm vi hoạt động địa lý bao thanh toán được chia
thành: bao thanh toán nội địa và bao thanh toán quốc tế.
Bao thanh toán nội địa là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua bán
hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong đó bên bán hàng và bên mua hàng là người
cư trú theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Bao thanh toán quốc tế (Bao thanh toán xuất- nhập khẩu) là việc bao
thanh toán dựa trên hợp đồng xuất- nhập khẩu. Hoạt động bao thanh toán quốc
tế có liên quan tới ít nhất hai quốc gia khác nhau, điểm khác biệt của bao thanh
toán quốc tế so với bao thanh toán nội địa là khả năng có sự tham gia của hai
đơn vị bao thanh toán của hai nước đứng ra làm đại lý cho nhau để cung cấp
dịch vụ cho người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu và việc bao thanh toán quốc
tế sẽ áp dụng theo các điều ước quốc tế về bao thanh toán.
b. Bao thanh toán có truy đòi - Bao thanh toán miễn truy đòi
Dựa trên căn cứ phạm vi trách nhiệm đối với rủi ro, bao thanh toán được
chia thành bao thanh toán có truy đòi và bao thanh toán miễn truy đòi.
Bao thanh toán có truy đòi: NHTM có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước
cho bên bán hàng khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ
thanh toán khoản phải thu.
Bao thanh toán miễn truy đòi: NHTM chịu toàn bộ rủi ro khi bên mua
hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu.
NHTM không có quyền đòi lại số tiền ứng trước cho người bán hàng và còn
phải thanh toán tiếp phần còn lại của hóa đơn. Trong Quy chế hoạt động bao
thanh toán của các tổ chức tín dụng của Việt Nam còn quy định thêm NHTM
chỉ có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng trong trường hợp bên
mua hàng từ chối thanh toán khoản phải thu do bên bán hàng giao hàng không
đúng như thỏa thuận tại hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc vì
một lý do khác không liên quan tới khả năng thanh toán của bên mua hàng.
c. Bao thanh toán toàn bộ- Bao thanh toán bộ phận
Theo căn cứ phạm vi áp dụng hoạt động bao thanh toán đối với số lượng
các hóa đơn của một người bán hàng cụ thể bao thanh toán được chia thành bao
thanh toán toàn bộ và bao thanh toán bộ phận.
Bao thanh toán toàn bộ: NHTM thực hiện bao thanh toán đối với toàn bộ
các khoản phải thu của người bán.
Bao thanh toán bộ phận: NHTM chỉ thực hiện bao thanh toán đối với một
số khoản phải thu của người bán.
d. Bao thanh toán công khai- Bao thanh toán kín (Bao thanh toán có thông báo-
Bao thanh toán không thông báo)
Theo căn cứ tính chất công khai của hoạt động bao thanh toán, bao thanh toán
được chia thành bao thanh toán công khai và bao thanh toán kín
Bao thanh toán công khai (bao thanh toán có thông báo): là hình thức
bao thanh toán mà bên mua nhận được thông báo bên bán sử dụng hoạt động
bao thanh toán, xác nhận và hợp tác với NHTM trong việc hoàn trả các khoản
phải thu.
Bao thanh toán kín (bao thanh toán không thông báo): ): là hình thức
bao thanh toán mà bên mua không được thông báo về việc bên bán sử dụng bao
thanh toán, bên bán giao hàng cho bên mua, nhận tiền ứng trước từ NHTM,
bên mua trả tiền cho bên bán như thông lệ sau đó bên bán chuyển số tiền này
cho NHTM.
1.1.2.3 Phương thức bao thanh toán
Tùy theo thỏa thuận giữa bên bán và NHTM, NHTM có thể bao thanh toán
cho bên bán theo các phương thức sau:
Bao thanh toán từng lần: NHTM và bên bán hàng thực hiện các thủ tục cần
thiết và ký hợp đồng bao thanh toán đối với từng khoản phải thu của bên bán hàng.
Bao thanh toán theo hạn mức: NHTM và bên bán hàng thỏa thuận và xác
định một hạn mức bao thanh toán duy trì trong một khoảng thời gian nhất định.
Đồng bao thanh toán: NHTM cùng các đơn vị bao thanh toán khác cùng
thực hiện hoạt động bao thanh toán cho một hợp đồng mua bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ, trong đó một đơn vị bao thanh toán làm đầu mối thực hiện
việc tổ chức đồng bao thanh toán.
1.1.2.4 Quy trình hoạt động bao thanh toán
a. Hệ thống một đơn vị bao thanh toán
Quy trình hoạt động bao thanh toán dưới đây được xây dựng dựa trên
việc thực hiện cả bốn chức năng của bao thanh toán theo công ước UNIDROIT.
Hệ thống một đơn vị bao thanh toán thường được áp dụng đối với bao thanh
toán nội địa. Quy trình hoạt động của hệ thống một đơn vị bao thanh toán được
thể hiện ở sơ đồ dưới đây
Sơ đồ 1.1 Hệ thống một đơn vị bao thanh toán
(1) Bên bán và bên mua tiến hành thương lượng trên hợp đồng mua bán hàng
hóa, cung ứng dịch vụ.
(2) Bên bán đề nghị đơn vị bao thanh toán thực hiện bao thanh toán các
khoản phải thu.
(3) Đơn vị bao thanh toán tiến hành phân tích các khoản phải thu, tình hình
hoạt động và khả năng tài chính của bên bán và bên mua.
(4) Nếu xét thấy có thể thu được tiền hàng từ bên mua theo đúng hạn hợp đồng
mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đơn vị bao thanh toán sẽ thông báo đồng ý
tài trợ cho bên bán.
(5) Đơn vị bao thanh toán xuất khẩu và bên bán thỏa thuận và ký kết hợp đồng bao
thanh toán . Trong trường hợp bao thanh toán công khai thì đơn vị bao thanh toán
và bên bán gửi văn bản thông báo về hợp đồng bao thanh toán cho bên mua và
các bên liên quan trong đó nêu rõ việc bên bán chuyển giao quyền quản lý, thu
hộ các khoản phải thu cho đơn vị bao thanh toán và hướng dẫn bên mua
thanh toán trực tiếp cho đơn vị bao thanh toán. Bên mua hàng gửi văn bản
(1)
(6)
(2) (4) (5) (7) (8) (11) (3) (9) (10)
Bên Bán
(Khách hàng)
Bên Mua
(Con nợ)
Đơn vị bao thanh toán
(Ngân hàng thương mại)
xác nhận về việc đã nhận được thông báo và cam kết về việc thực hiện
thanh toán cho đơn vị bao thanh toán.
(6) Bên bán giao hàng cho bên mua theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng
mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(7) Bên bán chuyển giao bản gốc hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch
vụ, chứng từ bán hàng và các chứng từ khác liên quan đến các khoản phải thu
cho đơn vị bao thanh toán.
(8) Đơn vị bao thanh toán ứng trước một phần tiền cho bên bán theo thỏa thuận
trong hợp đồng bao thanh toán.
(9) Đơn vị bao thanh toán theo dõi, thu nợ từ bên mua khi đến hạn.
(10) Bên mua thanh toán tiền hàng cho đơn vị bao thanh toán.
(11) Sau khi đã thu hồi tiền hàng từ bên mua, đơn vị bao thanh toán tất toán tiền
với bên bán hàng theo quy định trong hợp đồng bao thanh toán. Trong trường
hợp bao thanh toán miễn truy đòi, đơn vị bao thanh toán chịu hoàn toàn rủi ro
nếu không thu hồi được nợ.
b. Hệ thống hai đơn vị bao thanh toán
Hệ thống hai đơn vị bao thanh toán thường được áp dụng đối với bao
thanh toán quốc tế khi có sự góp mặt của hai đơn vị bao thanh toán ở hai nước
đứng ra làm đại lý cho nhau để cung cấp dịch vụ cho người xuất khẩu hoặc
người nhập khẩu. Quy trình hoạt động của hệ thống hai đơn vị bao thanh toán
được thể hiện ở sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ 1.2 Hệ thống hai đơn vị bao thanh toán
(1)
(7)
(2) (5) (6) (8) (9) (13) (4) (10) (11)
(3)
(5)
(8)
(12)
Nhà nhập khẩu
(Bên mua)
Nhà xuất khẩu
(Bên bán)
Đơn vị bao thanh toán nhập
khẩu
(NHTM bên nhập khẩu)
Đơn vị bao thanh toán xuất
khẩu
(NHTM bên xuất khẩu)