Khởi sự doanh nghiệp: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!
Ngay khi vừa khởi sự kinh doanh, bạn đã cần nghiên cứu và đánh giá về những rủi ro mất
mát và trách nhiệm pháp lý tiềm tàng của hoạt động giao thương trong tương lai. Nhiều
doanh nghiệp chưa coi trọng việc này, và đến lúc buộc phải đối mặt với rủi ro thì các công
ty đành phải đưa ra những giải pháp tình thế hết sức bị động theo kiểu “nước đến chân
mới nhảy”.
Doanh nghiệp có thể gặp hai loại rủi ro như sau: rủi ro pháp lý là những rủi ro từ các vụ kiện và
yêu cầu bồi thường thiệt hại do một người nào đó thực hiện đối với công ty; rủi ro thua lỗ là những
mất mát, hư hỏng tài sản của công ty xảy ra một cách ngẫu nhiên như hoả hoạn hay mất cắp. Việc
phân tích rủi ro là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bạn tìm ra cho mình một phương thức
bảo hiểm phù hợp để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Hãng máy tính Dell từ lâu đã áp dụng
phương thức bảo hiểm theo đơn đặt hàng nhằm giảm thiểu thiệt hại trong kinh doanh máy tính.
Theo đó, nếu tổng số đơn hàng giảm sút đột ngột hay khách hàng huỷ bỏ hợp đồng mà không trả
tiền thì các hãng bảo hiểm sẽ chi trả cho Dell một khoản bồi thường nhất định.
Là người chủ doanh nghiệp, bạn phải tự tìm hiểu những yêu cầu về mặt trách nhiệm pháp lý cũng
như các rủi ro sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp mình. Bạn không cần phải
thuộc lòng tất cả các luật và qui định, nhưng bạn phải hiểu cặn kẽ những gì có liên quan đến bạn,
doanh nghiệp bạn và công việc kinh doanh của bạn.
Các phương thức bảo hiểm
Có nhiều rủi ro khi tiến hành một công việc kinh doanh và tuỳ theo loại hình kinh doanh mà có các
loại rủi ro khác nhau. Nhu cầu về hàng hoá của bạn giảm sút cũng là một phần rủi ro trong kinh
doanh. Tuy nhiên, các loại rủi ro khác có thể được giảm nhẹ nhờ mua bảo hiểm. Mỗi phương thức
bảo hiểm trong kinh doanh chỉ được thiết kế để bảo đảm cho một loại rủi ro hay thua lỗ nhất định,
bởi vì bảo hiểm tất cả mọi thứ một lúc là điều không thể.
Bảo hiểm trong kinh doanh thường bao gồm những loại sau:
- Bảo hiểm tài sản như máy móc, hàng lưu kho, xe cộ chống trộm cắp hay hư hỏng;
- Bảo hiểm hàng hoá trong quá trình vận chuyển (đặc biệt đối với hoạt động xuất nhập khẩu);
- Bảo hiểm tài sản trong trường hợp thiên tai hay hoả hoạn;
- Bảo hiểm y tế cho nhân viên;
- Bảo hiểm bồi thường lao động hay bảo hiểm tai nạn lao động.
Các lĩnh vực kinh tế khác nhau sẽ có những rủi ro thua lỗ khác nhau và liên quan đến những chính
sách khác nhau, do đó bạn có thể đã nghe nói đến những phương thức bảo hiểm dành riêng, như
bảo hiểm ô nhiễm môi trường, bảo hiểm lòng trung thành của nhân viên… Một vài hoạt động kinh
doanh yêu cầu có trách nhiệm pháp lý và rủi ro cao hơn mức bình thường. Ví dụ, một công ty xây
dựng sẽ mang nhiều trách nhiệm pháp lý hơn một nhà trồng hoa, một nhà cung cấp phần mềm có
thể gặp phải nhiều rủi ro hơn một công ty bán sách. Một cửa hàng bán lẻ sẽ đối mặt với các rủi ro
mất mát tài sản liên quan đến hàng tồn kho nhiều hơn so với một nhà kinh doanh tranh vẽ với
những chiếc bút lông, hộp màu và giấy vẽ.
Công ty cũng nên phân tích phạm vi của những rủi ro pháp lý. Ví dụ, một công ty thiết kế web sẽ
có trách nhiệm không chỉ đối với khách hàng thuê thiết kế web mà còn có trách nhiệm với tất cả
những ai ghé thăm trang web nữa, như vậy, trách nhiệm của họ sẽ phải mở rộng ra toàn thế giới,
hay một họa sỹ chỉ có trách nhiệm duy nhất đối với những bức tranh của mình, trong khi một công
ty sản xuất bàn ghế sẽ có trách nhiệm tại bất cứ nơi nào mà sản phẩm được phân phối cũng như
tất cả những nơi mà sản phẩm được sử dụng.
Phân tích rủi ro
Việc phân tích rủi ro có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau dựa trên sự phân tích các
dự án kinh doanh của công ty. Muốn biết được những rủi ro thua lỗ, trách nhiệm pháp lý có thể
gặp và phương thức bảo hiểm nào sẽ cần đến, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
a) Khách hàng có thể căn cứ trên các sản phẩm dịch vụ và hoạt động kinh doanh nào của công ty
để khiếu kiện hay yêu cầu bồi thường thiệt hại? Khách hàng có thể thực hiện những phương thức
nào để chống lại công ty, chống lại các nhân viên của công ty?
b) Đâu là yếu tố mà một khách hàng nào đó có thể dựa vào để kiện công ty hay nhân viên trong
suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ?
c) Công ty có thể bị khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại ở những mức độ như thế nào?
d) Có thể có chi phí phát sinh không và số lượng sẽ là bao nhiêu, trong trường hợp phải bảo vệ
mình khi có kiện tụng hay yêu cầu bồi thường như các chi phí thuê luật sư, chi phí tố tụng, sụt
giảm năng suất?
Để đánh giá rủi ro mất mát tài sản và phương thức bảo hiểm cần thiết, bạn phải tự hỏi:
a) Đâu là những tài sản vô hình và tài sản hữu hình mà công ty sở hữu, sử dụng và kiểm soát như
máy vi tính, phần mềm, hồ sơ và dữ liệu điện tử, đồ dùng văn phòng, thiết bị, thương hiệu, sáng
chế, quyền tác giả…?
b) Giá trị của những tài sản đó là bao nhiêu?
c) Sẽ khó khăn như thế nào trong trường hợp công ty phải thay thế hay bổ sung nếu tài sản bị mất
mát hay kinh doanh thua lỗ?
d) Hoạt động kinh doanh sẽ bị tác động như thế nào trong trường hợp mất mát tài sản hay gặp rủi
ro pháp lý?
Trên đây chỉ là một vài câu hỏi mà bạn cần biết trong quá trình phân tích và đánh giá rủi ro kinh
doanh. Bạn nên tiếp tục thảo luận những gì đã tổng hợp, phân tích, đánh giá được với chuyên gia
bảo hiểm để bảo đảm rằng tất cả mọi vấn đề liên quan đến rủi ro ở công ty bạn đều được nhận
định một cách chính xác, từ đó có thể giúp công ty bạn tìm ra những phương thức bảo hiểm tốt
nhất để giảm thiểu những thiệt hại, mất mát trong trường hợp rủi ro xảy ra.
Đại lý bảo hiểm
Các đại lý bảo hiểm sẽ tư vấn cho bạn để tìm ra phương thức bảo hiểm phù hợp nhất, bao gồm
chính sách bảo hiểm, giới hạn khấu trừ, phí bảo hiểm, mức đền bù và người thanh toán, sau đó,
bạn chỉ cần quyết định phương thức bảo hiểm cùng lượng phí bảo hiểm thích hợp nhất cho công
ty của mình. Bạn nên tìm một đại lý bảo hiểm có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và am
hiểu về sản phẩm dịch vụ của bạn. Một đại lý bảo hiểm kinh doanh thương mại có chất lượng với
kinh nghiệm lâu năm có thể chỉ ra cho bạn những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích của việc mua bảo hiểm.
Đối với công việc kinh doanh của bạn, bảo hiểm được coi như sự bảo đảm về mặt tài chính đối
với nhiều vấn đề. Đôi khi có những chủ doanh nghiệp quyết định không mua bảo hiểm để tiết kiệm
tiền, tuy nhiên việc này không phải bao giờ cũng là một quyết định sáng suốt. Nếu những thiết bị
đắt tiền bị mắt trộm hay hư hại do hỏa hoạn, trong khi công ty không mua bảo hiểm tài sản, bạn sẽ
phải trích tiền lãi để mua thiết bị thay thế.
Bạn phải quyết định loại hình bảo hiểm nào cần cho công ty mình nhất, đồng thời thu thập thông
tin về bảo hiểm từ nguồn tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ (luôn có các cơ quan nhà nước
hoặc tổ chức phi chính phủ được thành lập để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ). Tuy vậy, bạn nên
nhớ rằng các công ty bảo hiểm sẽ cố gắng bán bảo hiểm trọn gói, vì vậy phải sáng suốt kiểm tra
các nguồn để có thể mua được bảo hiểm trọn gói có lợi nhất cho doanh nghiệp của bạn.
Công ty của bạn sẽ đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định và hạn chế tối đa rủi ro khi bạn có được các
hợp đồng bảo hiểm. Việc này nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Trên thực tế, một doanh
nhân thông minh luôn ký kết các hợp đồng bảo hiểm trước khi thành lập công ty để kinh doanh,
đồng thời chủ động phân tích những rủi ro trước khi quá muộn.
(Theo Business Power Law)
Nguồn : bwportal