GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ THƯƠNG VIỆT NAM
3.1. Định hướng phát triển hoạt động kinh doanh của Techcombank:
3.1.1. Chính sách của nhà nước và diễn biến của thị trường thế giới:
Việt Nam trong năm 2009 đã liên tục tăng trưởng GDP dương. Kinh tế thế
giới cũng đang phục hồi chung. Các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ
năm 2009 vẫn tiếp tục được triển khai vào năm tới. Việt Nam cũng có nhiều kinh
nghiệm khi đã vượt qua hai cơn bão lớn: lạm phát cao 2008 và suy giảm kinh tế
2009. Do đó, năm sau là thời điểm Việt Nam sẽ vận hành trơn tru hơn guồng máy
phát triển kinh tế.
Các nguồn vốn FDI và ODA tiếp tục đổ vào Việt Nam, bên cạnh những
nguồn vốn trong nước. Lợi thế này sẽ góp phần tạo ra một sức mạnh tổng thể về
vốn nội lực và ngoại lực, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Đồng thời, cộng với
tinh thần lạc quan của người Việt thì đặt mục tiêu chỉ số tăng trưởng kinh tế 6,5%
vào năm 2010 không phải là điều quá khó.
Tuy nhiên, trong năm tới, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với
sự hội nhập ồ ạt từ những nhà băng nước ngoài, tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt
hơn. Đòi hỏi khả năng quản trị của các ngân hàng trong nước cao hơn, tăng tốc hơn
và hiệu quả hơn, nhưng sự cạnh tranh này không tạo nên tình trạng bất ổn của hệ
thống tài chính trong nước. Ngược lại, sẽ tạo ra một làn sóng cạnh tranh mạnh để
phát triển.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp mạnh hơn vào thị trường liên ngân
hàng. Hay nói cách khác, Nhà nước thông qua nghiệp vụ hoạt động thị trường mở
làm cho thị trường liên ngân hàng phải tương thích với lãi suất tái cấp vốn - tái
chiết khấu, tránh những cú sốc về lãi suất. Đồng thời, làm sao để vốn can thiệp trên
thị trường có thể tới tay các ngân hàng có nhu cầu. Vừa qua, việc hỗ trợ vốn đã đi
tới các ngân hàng lớn, và rồi từ ngân hàng lớn lại chạy qua các ngân hàng nhỏ.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, cải tiến hoạt động nghiệp vụ thị trường mở để làm sao
đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Năm 2010, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 25%, thấp hơn
nhiều so với mức 37,73% của năm 2009. Việc định hướng tăng trưởng tín dúng ở
mức 25% được NHNN xem xét trên cơ sở yên cầu thắt dần chính sách tiền tệ để
phòng ngừa khả năng lạm phát cao trở lại.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng tránh việc thắt chặt đột ngột có thể
gây “sốc” đối với nền kinh tế cũng như đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2010 ở mức 25% vẫn cao hơn so với mức 21%
của năm 2008, năm điển hình của chính sách tiền tệ thắt
Nhà nước sẽ chú trọng nới lỏng gánh nặng cho doanh nghiệp bằng cách
giảm thuế, kể cả thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. NHNN
tiếp tục khẳng định quan điểm sẽ tập trung tín dụng và tạo điều kiện hỗ trợ cho các
nhu cầu vay vốn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển
nông thôn, hạn chế tín dụng đối với các nhu cầu vốn ở các lĩnh vực phi sản xuất.
Trong năm tới, thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm so với năm
2009. Vì nhu cầu bên ngoài cao và giá xuất khẩu tăng lên sẽ giúp thúc đẩy xuất
khẩu, lượng kiều hối chuyển về cũng sẽ tăng lên. Dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp
nước ngoài sẽ gia tăng trở lại do điều kiện tài chính toàn cầu, niềm tin của các nhà
đầu tư được cải thiện. Cán cân thanh toán tổng thể sẽ quay trở lại mức thặng dư.
Thị trường nội địa sẽ được chú trọng khai thác trong năm 2010, vì đây là sân
nhà của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng chính
sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh với các
nước nhằm chống nhập siêu, cân đối cán cân thương mại.
Trong năm 2010 theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ
Quốc tế (IMF), nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực
hơn. Sự phục hồi, của nền kinh tế Mỹ đang được tiếp sức bởi một thị trường lao
động dần ổn định và sự gia tăng đôi chút trong lĩnh vực sản xuất, mang lại hy vọng
về một năm sẽ kết thúc tốt đẹp hơn dự đoán. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,2% trong
quý 3/2009 và các số liệu Chính phủ Mỹ công bố ngày 24/12 cho thấy, tỷ lệ nộp
đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng
9/2008. Kinh tế của hầu hết các nước EU đã bắt đầu tăng trưởng trong quý 3 vừa
qua. Tại Nga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính nước này Alexei Kudrin
vừa khẳng định, kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 4 năm nay. Chỉ
số tăng trưởng của Nga năm 2010 dự đoán sẽ dao động từ 3 đến 5%. Ngân hàng
Phát triển châu Á (ADB) cho biết, các nến kinh tế đang phát triển Châu Á sẽ đạt
mức tăng trưởng 4,5% năm 2009 và mức tăng trưởng năm 2010 khoảng 6,6%,
Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8.9% và Ấn Độ là 7% năm 2010.
Tuy nhiên sẽ có một số khó khăn sẽ gặp phải trong năm 2010. Kinh tế thế
giới phục hồi nhưng rất mong manh và chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ tìm ẩn.
Tình trạng thất nghiệp toàn cầu rất lớn làm ảnh hưởng đến tổng cầu thế giới. Các
nước thực hiện nhiều chính sách bảo hộ gây khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam.
Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ làm giá
cả biến động mạnh... Những yếu tố này tác động trực tiếp vào nền kinh tế nước ta,
theo nhiều kênh, nhiều tuyến khác nhau.
Riêng khu vực tiền tệ chưa bền vững, rủi ro cao. Các thị trường chứng
khoán, tiền tệ, ngoại hối đã có dấu hiệu phục hồi, song còn chứa đựng nhiều bất
ổn. Thị trường vàng còn biến động nhiều cũng tác động không nhỏ tới ổn định tiền
tệ và các cân đối vĩ mô của Việt Nam trong năm 2010.
Do vậy, các ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng phải tìm hiểu
nguy cơ và tiềm năng cho ngành mình để đưa ra được một định hướng và kế hoạch
phát triển phù hợp nhất.
3.1.2. Định hướng của NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam:
Trước nguy cơ khó khăn và suy thoái vẫn có thể xảy ra trong năm 2010,
HĐQT và Ban TGĐ của Techcombank đã đề ra một chương trình hành động thiết
thực trong năm 2010 bao gồm rất nhiều các chương trình nhỏ và các chương trình
bổ trợ khác nhằm đảm bảo Techcombank sẽ vượt qua khó khăn và tìm thấy cơ hội
cho toàn hệ thống. Chương trình này đã và đang tiến hành từ cuối năm 2009 với
những mục tiêu cụ thể như sau:
- Chương trình chuẩn hoá đội ngũ nhân viên tại Techcombank với những
khóa đào tạo E-learning đạt kết quả cao và những buổi tổng kết trực tiếp đã mang
lại phong cách mới cho mỗi nhân viên đồng thời mang lại diện mạo mới trong
chính sách dịch vụ của Techcombank.
- Tập trung củng cố hệ thống quản trị rủi ro trong đó có đánh giá rủi ro vận
hành, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng.
- Triển khai các chương trình phát triển huy động từ dân cư và các tổ chức
kinh tế.
- Củng cố cơ sở khách hàng và nguồn vốn huy động.
- Đẩy mạnh triển khai và phát huy các chương trình kinh doanh chủ đạo
trong chiến lược đã đề ra, đặc biệt là các chương trình phát triển bán lẻ.
- Thiết lập, triển khai các chương trình kiểm soát và tiết kiệm chi phí trọng
điểm.
- Củng cố hoạt động của các chi nhánh và phòng giao dịch đã đi vào hoạt
động, nhanh chóng nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Tập trung hoàn thiện các dự án đầu tư và phát triển công nghệ đã đề ra,
sớm đưa vào hoạt động để tạo ra hiệu quả trực tiếp, tạm hoãn các chương trình
chưa cần thiết để có thể tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ mấu chốt.
Trong đó, những chỉ tiêu cụ thể về chính sách huy động vốn như sau:
Điều chỉnh cơ cấu huy động vốn hợp lý theo xu hướng giảm thiểu chi phí
huy động vốn (gia tăng nguồn tiền gửi thanh toán từ dân cư với các tổ chức kinh
tế) theo chiến lược sau:
- Củng cố cơ sở khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hiện có trên nền tảng
gia tăng dịch vụ và tối ưu hóa hoạt động hỗ trợ khách hàng. Trọng tâm là xác định
các chính sách đối với khách hàng tốt, truyền thống của Techcombank, thiết lập
các trung tâm dịch vụ khách hàng (trực tuyến và call center) tại Hà Nội và TP
HCM. Hiện nay, trung tâm dịch vụ khách hàng đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ và đã
góp phần thúc đẩy nâng cao dịch vụ của Techcombank. Ưu tiên sử dụng các nguồn
vốn sẵn có hỗ trợ cho nhu cầu khách hàng truyền thống và đem lại nhiều lợi nhuận
cho Techcombank. Đặc biệt chú trọng các khách hàng mang lại nhiều dịch vụ
trong các lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên.
- Phát triển khách hàng mới một cách chọn lọc với trọng tâm là các khách
hàng cá nhân có thu nhập cao và trung bình, khá giả và tiềm năng tại các đô thị
lớn. Mục tiêu là phải phát triển tối thiểu 80.000 khách hàng cá nhân sử dụng các
sản phẩm tín dụng tiêu dùng và thẻ tín dụng trong năm 2010.
Tiếp tục tập trung sức lực vào việc đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và các
tổ chức kinh tế. Kiên quyết theo dõi và có biện pháp chăm sóc kịp thời đối với tất
cả các khách hàng có số dư tiền gửi từ 500 triệu trở lên. Mọi biến cố ảnh hưởng
đến việc rút tài khoản tiền từ 1 tỷ đồng trở lên phải được kiểm soát đàm phán và
báo cáo các cấp lãnh đạo để có quyết định kịp thời, không được để khách hàng
chuyển sang ngân hàng khác.
Thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm huy động mới và các chương trình quảng bá
nhằm thu hút thêm nguồn huy động mới từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đạt được
sự tăng trưởng. Các biện pháp đánh giá hàng quý và khen thưởng bổ sung sẽ tập
trung vào đẩy mạnh tăng trưởng huy động như là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các
thủ trưởng đơn vị cần nghiên cứu kỹ các quy định hỗ trợ và đẩy mạnh huy động
của Ban tổng giám đốc, quán triệt cho cán bộ nhân viên để huy động được mọi
nguồn lực.
3.2. Giải pháp tăng cường huy động vốn của NH TM CP Kỹ Thương Việt
Nam:
3.2.1. Hoàn thiện và mở rộng các hình thức huy động vốn:
Một là, đa dạng hoá sản phẩm tiền gửi theo loại hình. Techcombank phải
nhanh chóng triển khai các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tinh tế, đa dạng của
khách hàng.
Hai là, phân nhóm và mở rộng đối tượng khách hàng. Việc này ngoài đạt
được mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn, còn giúp Techcombank hạn chế rủi ro khi
giữ một tỷ trọng khá cao đối với một loại tiền gửi của khách hàng. Hiện tại
Techcombank đã đa dạng hóa sản phẩm theo nhóm khách hàng nhưng chỉ dừng lại
chỗ chia khách hàng thành 02 khối là: khối khách hàng doanh nghiệp và khối
khách hàng cá nhân nên sản phẩm tiền gửi thực tế chưa đáp ứng hết nhu cầu đa
dạng của khách hàng. Do vậy, hướng đa dạng hoá này nên tiếp tục được khai thác.
Đa dạng hoá sản phẩm theo nhóm khách hàng là hướng đa dạng bằng cách chia
khách hàng ra theo từng nhóm đặc thù, đồng thời thiết kế sản phẩm tiền gửi có
những nét đặc thù dành cho nhóm đối tượng khách hàng đó.
Đối với các khách hàng là các doanh nghiệp: Techcombank nên triển khai
các sản phẩm mới mà hiện nay Techcombank chưa có như: Tài khoản quản lý tiền
mặt cho các doanh nghiệp có nhiều hệ thống chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc
và muốn tập trung vốn về một tài khoản phục vụ quản lý tài chính hiệu quả và gia
tăng khả năng sinh lợi, tài khoản chuyên dụng như tài khoản chuyên thu (thu tiền
từ các đại lý), chuyên chi (lương), thu một dịch vụ nhất định...
Đối với khách hàng là cá nhân: cần phân tích phân loại nhóm khách hàng cá
nhân, từ đó xây dựng các chiến lược tiếp thị, chiến lược sản phẩm dịch vụ và chiến
lược giá riêng cho từng nhóm khách hàng này. Ví dụ như: học sinh, sinh viên có