Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Thăng long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ (phần 1)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (215.63 KB, 8 trang )

Thăng long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ
Nhà xuất bản Hà Nội - 2002
Giang Quân sưu tầm, biên soạn
(In lần thứ hai có bổ sung, sửa chữa)



Như tên gọi của nó, Hà Nội trong ca dao - Ngạn ngữ chỉ tập hợp những câu ca xưa có
liên quan đến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, nghĩa là trong câu, trong bài phải có
những địa danh, con người hoặc sự kiện đã xảy ra ở kinh đô - dù chỉ là cái cớ để biểu đạt
tình cảm khác, và những câu mang đặc thù phản ánh tính cách người Kẻ Chợ, tính chất
nghề nghiệp của riêng vùng Hà Nội.

Bởi vậy nó không bao gồm tất cả những câu ca trữ tình hoặc châm biếm khác đã được
sưu tầm ở Hà Nôị từ trước tới nay. Việc này, nhiều soạn giả đi trước đã làm.

Cuốn sách phổ thông này chỉ mong góp phần nhỏ cho người Hà Nội, nhân dân cả nước
và những người đi xa Thủ đô, và Tổ quốc hiểu thêm về Hà Nội xưa, để càng thêm yêu
vùng đất và con người Hà Nội hôm nay.

Sách gồm hai phần:

Phần I có hai mục: a) Ca dao, b) Ngạn ngữ, được sắp xếp theo từng vùng hoặc từng cụm
chủ đề gần gũi nhau.

Phần II có bảng tra cứu địa danh dưới hình thức tự điển, để khi đọc nếu chưa rõ ở đâu thì
tìm xem. Làm như vậy tránh được phải chú thích lặp lại ở nhiều chỗ, và không rối mắt
bạn đọc đã có những hiểu biết nhất định về Hà Nội.

Kèm theo là phụ lục giải thích những câu khó hiểu, mang tính lịch sử, phong tục thời ấy,
hoặc chú thích thời gian xuất hiện và nơi sưu tầm, xét thấy cần cho người đọc. Bản in lần


thứ hai này đã chỉnh lý địa danh theo phân chia hành chính mới, tới năm 2001 và bổ sung
hơn 200 câu ca dao mới sưu tầm được thêm, trong đó có ca dao sau hòa bình và thời
chống Mỹ.

Chắc chắn nội dung khó tránh khỏi những thiếu sót, mong được bạn đọc góp ý kiến.

Người biên soạn xin ngỏ lời chân thành cảm ơn chung các tác giả có sách đã xuất bản,
bài báo đã in, được trích và dùng tham khảo, giúp cho việc sưu tầm, chú giải thêm thuận
lợi và phong phú.

Tháng 10 - 2001
G.Q.

Thăng long - Hà Nội trong ca - dao ngạn ngữ


Trong kho tàng ca dao dân gian Việt Nam có biết bao câu ca nói về Thăng Long - Hà
Nội, ca ngợi cảnh đẹp, ca ngợi con người, phản ánh đời sống xã hội nơi kinh thành
hoa lệ.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này khi là Thủ đô vương quốc, khi bị
ngoại xâm chiếm đóng, nhưng rồi lại trở về với nhân dân, lại giữ vai trò trung tâm
chính trị - văn hóa - kinh tế của đất nước.

Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.

Hà Nội nằm giữa một vùng sông nước với những ngã ba sông, lại có núi Nùng trấn

trung tâm, Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn bao phía bắc, tạo nên thế “rồng cuộn hổ ngồi”.

Sông Tô một dải lượn vòng
ấy nơi liệt sĩ anh hùng giáng sinh
Sông Hồng một khúc uốn quanh
Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài.

Sông Hồng tức Nhị Hà đã trở thành trục giao thông quan trọng ngày ấy:

Ai về Hà Nội, ngược nước Hồng Hà
Buồm giong ba ngọn vui đà nên vui.

Con sông Tô Lịch chảy giữa đô thành đem lại cảnh hữu tình cho đất ngàn năm văn
vật.

- Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya...
- Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Hà Nội còn đẹp bởi:

Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong

Không phải một hồ mà nhiều hồ. Hồ Gươm như lẵng hoa giữa lòng thành phố. Hồ
Bảy Mẫu, Văn Hồ, Giảng Võ ở phía nam và tận tây nam. Tây bắc có Hồ Tây, Trúc
Bạch nổi tiếng. Mỗi hồ là một danh thắng.


Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này



Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa màn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Hà Nội không chỉ giàu có về di tích danh lam thắng cảnh về đình, đền, chùa, miếu,
về kiến trúc, điêu khắc, về cổ vật... mà còn là một kho tàng vô cùng phong phú về
văn hóa - văn nghệ dân gian phi vật thể.

Đó là hàng nghìn câu ca dao, ngạn ngữ, làn điệu hát, khúc nhạc, hàng trăm truyện
cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại, câu đố, câu đối, truyện cười, hàng trăm trò chơi,
thú chơi dân giã cũng như những mỹ tục thuần phong thanh lịch mang sắc thái riêng
biệt của Thăng Long - Hà Nội có bề dày nghìn năm lịch sử, tinh hoa của nền văn hiến
Việt Nam.

Kho tàng ấy rất ít được ghi lại thành văn bản mà chủ yếu được truyền tụng từ đời
này sang đời khác.

Trong quá trình lưu truyền ấy nó được bổ sung, chỉnh lý, sửa đổi cho phù hợp với
từng thời đại và cả với tầng lớp giai cấp mà nó phổ biến. Cho nên văn hóa phi vật thể

thường có nhiều lối kể, cách diễn đạt cũng như chi tiết nội dung khác nhau. Tính dị
bản ở nó là tất nhiên. Nó còn được dùng lẫn ở nhiều địa phương với công thức “bình

chung, rượu riêng”.

Thí dụ như trong ca dao miêu tả ngợi ca quê hương làng xóm, nhiều nơi ứng dụng
lẫn của nhau chẳng biết ai lấy của ai, câu nào ra đời trước nữa.

- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Kẻ Bưởi với anh thì về
Làng anh có ruộng tứ bề
Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ...

- Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Kim Lũ với anh thì về
Kim Lũ có hai cây đề
Cây cao bóng mát gần kề đôi ta.

- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Kẻ Vẽ với anh tìm về
Kẻ Vẽ có thói có lề
Kẻ Vẽ lại có nhiều nghề đâu hơn.

- Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Phú Diễn với anh thì về
Phú Diễn có cây bồ đề
Có sông tắm mát, có nghề ăn chơi...

- Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng
Bên bờ vải nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.


- Ai về Đào Xá vui thay
Xóm Bắc có chợ, xóm Tây có chùa
Xóm Đông có miếu thò vua
Xóm Nam có bến đò đưa dập dìu...

Hoặc niềm tự hào về quê hương luôn đưa mình lên hàng đầu hơn nơi khác:

- Thứ nhất Hội Gióng, Hội Dâu
Thứ nhì Hội Bưởi, Hội Vó chẳng đâu vui bằng

- Thứ nhất là Hội Cổ Loa
Thứ nhì Hội Gióng, thứ ba Hội Chèm.

Ngôi thứ bị đảo lộn cũng như câu ca xứ Sơn Nam xưa, ở Thanh Trì là “Thứ nhất
Thanh Trì, thí nhì Thanh Oai”, nhưng sang đến Thanh Oai lại là “Thứ nhất Thanh Oai,
thứ hai Thanh Trì”. Lại còn cách đề cao người để mà nói mình “Nhất vui là hội chùa
Thày, Vui thì vui vậy, chẳng tày chùa Mơ”.

Hà Nội cũng là quê hương của nhiều lễ hội nổi tiếng thiên hạ:

- Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời
- Thánh giếng giỗ Thánh Sóc Sơn
Tháng ba giỗ Tổ Hùng VƯơng nhớ về
- Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng sáu tháng giêng.
Mồng sáu tháng giêng là ngày hội Cổ Loa, hội đền Sóc.
- Cha đánh mẹ treo cũng không bỏ chùa Keo ngày rằm
- Mỗi năm vào dịp xuân sang
Em về Triều Khúc xem làng hội xuân...
- Nhớ ngày hăm ba tháng ba

Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê...
là hội làng Lệ Mật.

Ca dao còn phản ánh một Thăng Long - Hà Nội có bề dày lịch sử và quá khứ anh
hùng.

- Lạy trời cho cả gió lên
Cho cờ vua Bình Định bay trên kinh thành
- Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn
- Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am.
- Long thành bao quản nắng mưa
Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây...
- Trời cao biển rộng đất dày
Núi Nùng, sông Nhị, chốn này làm ghi.

Ca dao - ngạn ngữ xưa phản ánh đủ các mặt của xã hội, từ phong tục tập quán, lễ
nghi, lối sống, nghề nghiệp, tính cách con người, đến đấu tranh các thói xấu, tệ nạn
đương thời, giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm dữ liệu. Qua bài ca dao “Vui
nhất là chợ Đồng Xuân” ta thấy cảnh nhộn nhịp của cái chợ lớn nhất kinh thành. Nào
là “Cổng chợ có chi hàng hoa/Có người đổi bạc chạy ra chạy vào/Lại thêm “sực tắc”
bán rao...” cho đến “Có người bán lược, bán gương/Có người bán cả hòm rương, tủ
quầy/Có người bán dép, bán giày/Có người bán cả ghế mây để ngồi...” và thêm “Lại
còn kẻ cắp như rươi/Hở cơ chốc lát, tiền ôi mất rồi”.

Muốn biết 36 phố phường xưa phải tìm đến bài ca dao “Rủ nhau chơi khắp Long
Thành” có liệt kê các tên phố cũ bắt đầu bằng chữ “Hàng”.
Còn đọc bài ca dao dưới đây ta hiểu được các nghề thủ công của từng làng thuộc
vùng đất phía Nam huyện Thanh Trì:


Làng Đam bán mắm tôm xanh
Làng Họa đan đó, làng Tranh quay guồng
Đông Phù cắp thúng đi buôn
Đông Trạch bán thịt, làng Om vặn thừng
Tương Trúc thì giỏi buôn sừng
Tự Khoát đan thúng, Vẹt từng làm quang...

Đất lề Kẻ Chợ còn là nơi lắm người “khéo tay hay nghề” và những đặc sản quý hiếm:
“Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, “Mực
cầu Cậy, giấy làng Hồ”, “Sù, Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đẵm bơi
thuyền”... và cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây, cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì...

Lại còn những làng hoa: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Tân... làm ngẩn
ngơ các du khách đến thăm - trước cảnh đẹp, người đẹp, đã thốt lên:

Hỏi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này
Và ướm lời hò hẹn:
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm cho chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua...

Nhưng bên cạnh cái “phồn hoa đệ nhất kinh đô” ấy, ca dao đã không quên một thực
tế của dân nghèo Hà Nội dưới thời Pháp thuộc:

Văn minh đèn điện sáng lòe
Thông thương kỹ nghệ mọi bề chấn hưng
Chỉ cánh áo ngắn khốn cùng

Làm lụng suốt tháng vẫn không đủ dùng
Bữa cơm, bữa cháo nhạt nhùng
Thôi đành nheo nhóc bọc đùm lấy nhau.

×