180 ngày xin ăn, lang bạt tìm người yêu
của cô gái mù
09-11-2008 10:18:32
Phóng sự dài kỳ về tình yêu của những cô gái khiếm thị tại Hải
Phòng trên con đường tìm hạnh phúc đầy gian nan của mình
Những phụ nữ khiếm thị ở Hải Phòng rất mạnh mẽ, tự tin. Bao nhiêu năm nay, họ không
ngừng đấu tranh với thị phi dư luận để được hưởng quyền làm mẹ. Con đường đi tìm hạnh
phúc của những người đàn bà mù thật gian nan mà không phải ai cũng hiểu và thông cảm
được cho họ.
Kỳ 1: Từ tủi nhục đến hạnh phúc
Cuộc đời cô gái Khúc Thị Hiền quá nhiều đắng cay. Để có được đứa con, Hiền phải trải
qua biết bao tủi nhục.
Hiền sinh năm 1983, tại thôn An Luận (An Tiến, An Lão, Hải Phòng), trong một gia
đình nông dân nghèo. Bố mẹ sinh được 4 người con, thì hai người bị mù, gồm Hiền và
một chị trên Hiền.
Hiền bị mù từ khi 5 tuổi. Bác sĩ khám bảo bị sẹo giác mạc, nhưng nhà nghèo, không có
tiền chữa trị, cứ bỏ mặc, nên mù hẳn.
Cô gái khiếm thị Khúc Thị Hiền từng vạ vật trong những căn lều hoang ở Quảng
Ninh để tìm người yêu.
Năm 15 tuổi, Hiền được nhận vào trường khiếm thị của Hội Người mù TP Hải Phòng
học, rồi vào làm ở Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ của hội, do anh Hoàng Văn Sơn làm
giám đốc. Công việc chủ yếu là làm tăm tre, chổi đót.
Những ngày làm việc ở đây, Hiền quen Chiều, hơn Hiền 2 tuổi. Chiều đã học xong
nghề sửa chữa máy tính, nhưng chưa kiếm được việc làm.
Hai người yêu nhau say đắm. Hầu như tất cả chị em ở xí nghiệp đều chạnh lòng trước
hạnh phúc của Hiền. Một cô gái mù, lại có được chàng trai mắt sáng...
Hiền không nhìn thấy mặt người yêu, nhưng qua lời tả của những người khác thì Chiều
đẹp trai lắm. Hiền cũng nhận thấy như vậy mỗi khi sờ mặt người yêu rồi tưởng tượng...
Được người yêu chở đi chơi khắp nơi, Hiền thấy phận mình tuy mù, nhưng còn hạnh
phúc hơn rất nhiều người.
Một lần Chiều dẫn Hiền về nhà giới thiệu cô với với gia đình. Sau khi nghe Chiều
khẳng định với bố mẹ rằng sẽ gắn đời mình với cô, Hiền không nghe thấy ai nói gì nữa.
Một lúc sau thì nghe tiếng mẹ Chiều khóc rưng rức.
Chiều kể thật với Hiền rằng, gia đình sẽ từ mặt đứa con bất hiếu nếu lấy một cô vợ mù.
Mặc kệ, hai đứa đã thuê nhà sống chung với nhau...
Rồi một sáng khi tỉnh dậy, không thấy Chiều đâu, sờ mép giường thấy có mẩu giấy. Chị
hàng xóm đọc hộ: “Anh phải ra đi em ạ. Anh sẽ quyết chí làm ăn, kiếm tiền, rồi tìm lại
hai mẹ con em”. Chỉ có mấy chữ như vậy, mà rồi, Chiều biệt tăm suốt mấy năm nay.
Nghe tin Chiều đi làm than, Hiền liền ra bến xe Niệm Nghĩa bắt xe ra Quảng Ninh.
Hình ảnh cô gái trẻ mù lòa lang thang hết ngày này qua ngày khác trên những con
đường dốc lầy bụi tìm đến các bãi than thổ phỉ mong gặp người yêu còn in đậm trong
tâm trí bao người dân Quảng Ninh.
Những ngày đó, Hiền phải xin ăn từng bữa, ngủ vạ vật trong những lán trại bỏ hoang.
Nhưng cuộc kiếm tìm suốt nửa năm trời chỉ là vô vọng.
Không tìm được người yêu, không còn chỗ dựa dẫm, Hiền đành phải tìm đường về quê
nương nhờ cha mẹ.
Hiền bảo, vẫn không hiểu Chiều có yêu Hiền thực lòng hay không. Nhưng dù sao, có
một đứa con với Chiều là đã quá đủ với em rồi.
Những ngày mang bầu là những ngày tủi nhục, kinh khủng nhất đời Hiền. Cả nhà, cả
họ, cả làng đay nghiến: “Đã mù còn chửa hoang”. Bố Hiền không chịu được lời thị phi,
nên suốt ngày rượu chè be bét. Mỗi khi say, ông đều lôi Hiền ra rỉa ráy, đánh đập. Làng
xóm chả thấy ông tỉnh rượu bao giờ, còn gia đình thì không mấy khi thấy hai mẹ con
Hiền ngừng khóc.
Rồi cũng đến ngày Hiền khai hoa nở nhụy. Bé Khúc Thị Thanh Tú khá yếu, lại suy
dinh dưỡng, nên hay bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời.
Hạnh phúc của Hiền.
Hiền mù lòa, lo cho mình còn không xong, nên cũng chẳng làm được gì nhiều ngoài
việc vạch vú cho con bú mỗi khi con khóc vì đói. Cũng may mà có người mẹ hiền, rất
thương con gái.
Khi con được 6 tháng tuổi, thì hết sữa, phải nuôi bộ hoàn toàn. Hiền quyết chí kiếm tiền
nuôi con bằng cách tìm về xí nghiệp cũ, nơi ngày trước Hiền làm việc.
Tuy nhiên, xí nghiệp đã giải thể, vì hàng hóa làm ra không cạnh tranh được với hàng
hóa của người mắt sáng. Những người mắt sáng họ mượn danh người mù đi bán tăm,
bán chổi trên khắp thành phố, khiến anh chị em người mù thất nghiệp. Hội Người mù
TP Hải Phòng đã chuyển nghề cho anh chị em khiếm thị trong xí nghiệp. Mọi người
được đi học tẩm quất, rồi vào làm ở những cơ sở do hội mở ra.
Hiền được anh Sơn đưa về làm việc tại cơ sở tẩm quất cổ truyền của người mù ở 57,
phố Hàng Kênh.
Hiền được sống trong môi trường đầy sự cảm thông sâu sắc. Tại cơ sở này, cũng có rất
nhiều chị em mù, không lấy được chồng, nên phải xin con, để mong có chỗ dựa sau này
và cũng là để cuộc sống ấm áp hơn.
Công việc ở đây rất ổn định. Mỗi tháng, Hiền tích cóp được từ 1 đến 1,5 triệu đồng gửi
về cho mẹ nuôi cháu.
Hiền hạnh phúc với công việc và yên tâm với tương lai của mình.
Tuy nhiên, nỗi tủi hờn lại ập xuống khi gia đình biết Hiền đi làm cái nghề mà xã hội
còn nhiều định kiến. Gia đình, họ hàng, làng xóm lại đay đả cay nghiệt hơn: “Đã mù,
chửa hoang còn đi làm đĩ”. Bố Hiền lại say rượu nhiều hơn. Mẹ Hiền cũng không thông
cảm cho con gái được nữa. Dòng tộc thì gọi em là cave. Hiền bị từ mặt.
Thấy cô nhân viên của mình suốt ngày khóc mếu vì tủi hờn và thương con, anh Hoàng
Văn Sơn đã tìm về tận xã An Tiến, mời bố mẹ Hiền lên thăm cơ sở tẩm quất của mình.
Thấy nơi ăn chốn ở đàng hoàng, môi trường làm việc hoàn toàn trong sáng, nên bố mẹ
Hiền không còn nghi ngờ gì con gái mình nữa.
Giờ đây, Hiền rất hạnh phúc với công việc và yên tâm hơn cho tương lai của mình. Mỗi
tháng, đều đặn hai lần Hiền bắt xe ôm ra bến xe buýt về thăm con.
Hiền trèo thoăn thoắt lên chiếc giường tầng như ký túc xá của sinh viên, lôi cho tôi xem
mấy tấm hình chụp hai mẹ con. Dù không nhìn thấy gì, nhưng thi thoảng nhớ con, Hiền
lại lôi ảnh ra hôn lấy hôn để.
Tôi hỏi: “Em có mường tượng ra khuôn mặt bé Tú không?”. Hiền bảo: “Mỗi lần về, cả
ngày em chỉ ôm con, rồi sờ nắn nó. Em thấy nó không giống bố, cũng chẳng giống mẹ
tí nào cả”. Nói rồi, em cười bẽn lẽn. Tôi thấy, cả hai mẹ con Hiền đều rất đẹp