Câu chuyện tình thời hoa lửa của người chỉ huy cụm tình báo H63
Lấy nhau gần 65 năm, cùng nhau đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ, 30 năm đẹp nhất của đời người, của cuộc sống vợ chồng, Đại tá tình báo
Tư Cang (Cụm trưởng cụm tình báo H63 lừng lẫy một thời) sống trong cảnh ly biệt.
Sự ly biệt đó đau đớn và dày vò, khi họ vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau trên đường
phố Sài Gòn, nhưng buộc phải nhìn nhau như người xa lạ. Tất cả hy sinh đó, là để
bảo vệ cho nhiệm vụ tình báo bí mật của cụm H63 lẫy lừng trong kháng chiến chống
Những ngày cả miền Nam tưng bừng kỉ niệm 35 năm ngày giải phóng miền
Nam cũng là những ngày mà vợ chồng Đại tá Tư Cang kỉ niệm 35 năm ngày đoàn
tụ. Ở tuổi ngoài 80, vợ chồng AHLLTND Tư Cang vẫn gọi nhau bằng hai tiếng gọi
trìu mến “người thương”. Mỗi khi có việc đi đâu đó xa Sài Gòn, ông sẽ gọi về cho bà,
dặn “người thương ơi, phải ăn uống cẩn thận, giữ gìn sức khỏe”. Hơn 60 năm thành
vợ chồng, hai tiếng “người thương” đó đã đi cùng ông bà qua hai cuộc chiến khốc liệt,
qua những nhớ nhung, xa cách, qua những ngày ly biệt và hội ngộ rồi theo họ đến tận
những năm tháng tuổi già
Câu chuyện tình thời hoa lửa của người chỉ huy cụm tình báo H63
18 tuổi, đang học trường Trung học Petrus Ký, Nguyễn Văn Tàu (tên thật của Đại
tá Tư Cang) được mẹ gọi về Phước Long lấy vợ. Ngày đó còn nặng tư tưởng cha mẹ
đặt đâu con ngồi đó, nên đến tận ngày đám cưới diễn ra, Tư Cang mới biết mặt cô dâu,
một cô gái kém ông 1 tuổi. Tư Cang kể, mấy ngày đầu mới lấy nhau về, hai vợ chồng
ông như hai người lạ, nằm một giường mà đến thở cũng không dám thở mạnh. Nên vợ
nên chồng, nhưng suốt 3 ngày đầu, ông bà không dám nói với nhau một câu ngọt ngào,
xưng hô trống không, đến một cái nắm tay để thể hiện tình cảm cũng không có. Nhưng
ở với nhau được 3 tháng, thì cả ông và bà đều đã kịp nhận ra người mình lấy làm vợ
làm chồng, tưởng chẳng yêu thương gì, nhưng hóa ra lại chính là một nửa hoàn hảo của
đời mình. Khi đã bắt đầu bén tình vợ chồng, bắt đầu thương thương nhớ nhớ thì dân
tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, ông theo tiếng gọi tổ quốc, đi vào chiến khu
đánh giặc mà thắt lòng khi biết vợ mình mới mang thai được vài tháng. Đó là những
ngày đầu ly biệt, đánh dấu cuộc chia ly dài gần 30 năm, cuộc chia ly dài đến nỗi, chính
họ cũng chẳng thể nào tưởng tượng ra.
Kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, Tư Cang đã được lệnh tập kết ra Bắc,
chẳng có cơ hội đi tìm lại vợ con. Ông kể, đến tận lúc gần lên tàu, ông mới nhận được
chiếc áo len và lá thư viết vội của vợ, cùng với tấm ảnh của cô con gái 7 tuổi mà ông
chưa từng một lần biết mặt. Nuốt cay đắng vào lòng, ông ôm những kỉ vật quý giá đó
suốt chặng đi tập kết.
Những ngày ở Hà Nội, sống và làm việc giữa Thủ đô, nhưng trong lòng ông lúc
nào cũng chỉ mong ngóng được trở về miền Nam, nơi có vợ và đứa con gái nhỏ bé của
ông đang sống. Chính vì thế, năm 1961, khi nhận được nhiệm vụ mới quay trở lại miền
Nam hoạt động tình báo, ông đã dốc toàn bộ số tiền lương ít ỏi dành dụm trong suốt
mấy năm trời để mua cho vợ chiếc đồng hồ bằng vàng tây, hiệu Movado của Thụy Sỹ,
như một món quà để bù đắp những xa cách thiệt thòi mà vợ phải chịu. Ông kể: “Đó là
chiếc đồng hồ duy nhất có trong tủ kính của bách hóa tổng hợp. Cô nhân viên bán hàng,
nhìn tôi ăn mặc bình thường mà dám chơi sang, mắt cứ tròn xoe, vừa ngạc nhiên, vừa
kinh hãi. Nhưng tôi cứ tưởng tượng đến niềm vui của bà ấy khi nhận được món quà
này, là đã thấy đủ hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi. Tôi để nó trong đáy ba lô, ròng rã
vượt Trường Sơn vào Nam, chỉ mong đến giây phút được gặp lại vợ con sau mười mấy
năm xa cách”.
Nhớ lại những năm tháng đó, bà Sáu Ảnh, vợ Đại tá Tư Cang không kìm nổi nước
mắt. Suốt những năm tháng chồng biền biệt theo cách mạng, một mình bà ở nhà nuôi
đứa con gái nhỏ giữa Sài Gòn bon chen và cám dỗ. Sợ lộ việc chồng đi cách mạng, bà
còn phải cắn răng chịu đựng tiếng “chửa hoang”, bị người đời khinh rẻ. Xa chồng, với
một người phụ nữ đang ở độ tuổi tràn trề sức sống, đó là một cực hình. Nhưng bà vẫn
nguyện một lòng chung thủy với ông, vẫn tin, vẫn hi vọng và chờ đợi đến ngày ông trở
về. Đến lúc bà gần như tuyệt vọng thì ông trở về, vẫn lành lặn, khỏe mạnh, với chiếc
đồng hồ Movado làm quà. Bà kể: “Đó là lần đầu tiên con gái tôi được gặp bố. Lúc đầu
nó không biết đó là bố đẻ nó, nó thấy tôi gọi là anh, nó cũng gọi theo”. 3 tiếng sau cuộc
hội ngộ đầy nước mắt đó, Tư Cang lại phải kiềm lòng mình quay đi, để lại vợ con để
đi làm nhiệm vụ cách mạng giao phó, bắt đầu một chuỗi ngày ly biệt “gần nhau chỉ tấc
gang, mà nghìn trùng cách biệt”.
28 năm chia ly và cuộc đoàn tụ ngày Thống nhất
Trước khi ra đi, Tư Cang đã động viên vợ làm giao liên cho cụm tình báo H63 mà
ông chỉ huy. Cái ý nghĩ được gần chồng, gắn bó với chồng trong công việc cách mạng
đầy nguy hiểm đã khiến bà Sáu Ảnh hăng hái nhận lời. Nhưng ít ai biết, đằng sau
những chiến công vang dội mà ông đạt được cùng với cụm tình báo của mình, là những
giọt nước mắt tủi hờn của người vợ.
Ngày đó, theo sự phân công của tổ chức, Tư Cang sống và hoạt động cùng với
Tám Thảo (một thiếu nữ xinh đẹp, con nhà giàu giữa đất Sài Gòn). Cùng trong đường
dây liên lạc, biết rõ mối quan hệ đồng chí của chồng mình và Tám Thảo, nhưng mỗi
lần đến tiệm vải nhà Tám Thảo để gửi thư liên lạc cho chồng, Sáu Ảnh đều không
khỏi chạnh lòng khi nghĩ chồng mình đang ăn chung, ở chung, làm việc chung và cùng
trải qua những nguy hiểm cận kề với một người con gái đẹp, duyên dáng nức tiếng Sài
Gòn như thế. Có lần đi trên đường phố, nhìn thấy chồng đang sánh vai đi cùng với cô
tiểu thư khuê các xinh đẹp, biết là chồng đang làm nhiệm vụ, đang ngày ngày cận kề
với cái chết, nhưng cái ghen tuông rất đàn bà vẫn khiến bà đau lòng. Mỗi lần như thế,
bà trở về nhà, gục mặt vào chiếc gối đơn chiếc khóc nức nở rồi thẫn thờ suốt mấy ngày
hôm sau.
Tiếng là cùng sống ở Sài Gòn, cùng hoạt động trong một đường dây liên lạc,
nhưng mười mấy năm trời liên tiếp, hai vợ chồng Đại tá Tư Cang chưa có một lần
được sống cùng nhau dưới một mái nhà, dù chỉ một giờ đồng hồ. Những lần hiếm hoi
có cơ hội gặp nhau để trao đổi thông tin liên lạc, hai ông bà đều phải coi nhau như
người xa lạ lướt qua nhau trên đường, lúc chưa đi qua thì tim đập liên hồi, giọng nghẹn
lại, đi qua rồi thì lòng thắt lại, nuốt ngược nước mắt vào lòng.
Là sĩ quan tình báo, chỉ huy cả một cụm tình báo có tính chiến lược, với nhiều
thông tin có yếu tố quyết định đến sự sống còn của cuộc kháng chiến, nên Tư Cang
hiểu ông phải nén tình cảm riêng vì nhiệm vụ chung, phải hi sinh hạnh phúc cá nhân vì
sự nghiệp cách mạng. Ít ai biết rằng, có những lần có việc đi qua con ngõ nhỏ về nhà
vào ban đêm, cái ngõ nhỏ mà nhắm mắt ông vẫn có thể nhớ đường, ông đã phải nén
lòng lại để ngăn mình bước vào đó, dù biết ở nơi đó có ngôi nhà bé nhỏ, nơi có vợ và
con ông ngày ngày mong ngóng đợi ông về. Có những lần nhớ vợ đến thắt ruột thắt
gan, nên khi cảm thấy điều kiện cho phép, ông đã đánh liều nhờ liên lạc chuyển cho
vợ tờ giấy nhỏ ghi vẻn vẹn ba chữ “đến sở thú”. Ở đó, trong vai một người đàn ông
bình thường, ông giả bộ nhàn tản đứng hút thuốc, thả bước đi dạo trong công viên với
dáng vẻ của một người nhàn rỗi mà lòng như lửa đốt mong ngóng đợi bà ra. Đến lúc
gặp nhau, ông bà cũng chỉ dám sánh bước cùng nhau dăm ba phút, nói với nhau vài ba
câu, rồi lại chia thành hai ngả, như hai người không quen biết vừa tình cờ đi chung một
đoạn đường. Những cuộc gặp gỡ trong chớp mắt đó là niềm an ủi, là nguồn vui của
họ trong suốt 14 năm trời, xoa dịu nỗi đau của đôi vợ chồng cùng sống trong một thành
phố mà chẳng được gần nhau. Bởi với họ khi ấy, “chỉ cần nhìn thấy lưng áo của người
thương thôi cũng đủ để cảm thấy mình hạnh phúc”.
Ròng rã mười mấy năm như thế, đến 30/4/1975, họ đã có gần 30 năm xa cách.
Ngày đất nước thống nhất, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cũng là
ngày chứng kiến cuộc đoàn tụ đầy cảm động của hai vợ chồng Tư Cang. Ngay sau khi
tin giải phóng miền Nam loan ra khắp thành phố, con gái ông đã chạy dọc các đường
phố, nhìn từng chiếc xe đi qua, hi vọng nhìn thấy cha nhưng vô vọng. Chỉ đến đêm
hôm đó, khi tạm thời giải quyết xong công việc, Tư Cang mới được đi về con ngõ nhỏ
quen thuộc, đứng trước nhà, giọng nghẹn lại khi cất tiếng gọi : “Nhồng ơi, ba đã về”.
Nghe tiếng gọi, bà Sáu Ảnh – vợ ông bật dậy ra mở cửa, òa lên khóc. Ngày ông đi, cô
con gái duy nhất của hai ông bà chỉ vừa mới tượng hình trong bụng mẹ, đến lúc về, con
gái ông đã 28 tuổi, ông đã có cháu ngoại. Năm đó, ông 47 tuổi, bà 46. Đó là mùa xuân
đầu tiên vợ chồng ông được ở bên nhau một cách trọn vẹn, mùa xuân đầu tiên của 35
mùa xuân sau đó cho đến tận hôm nay, khi họ đã bước qua tuổi 80 và vẫn nhìn nhau
trìu mến, gọi nhau đầy dịu dàng với hai tiếng “người thương”.
Ngày Tư Cang được phong Anh hùng LLVTND, vợ ông rưng rưng nắm chặt
tay cô tiểu thư Tám Thảo xinh đẹp một thời và nói: “Cho chị được hôn lên má trái em
để cảm ơn người chiến sĩ đã hết lòng vì đồng đội. Hôn lên má phải em để cảm ơn đã
không màng gian khổ, giúp đỡ anh Tư vượt qua nhiều lần hiểm nghèo. Em đã sinh ra
anh ấy lần thứ hai”. Bà Tám Thảo bây giờ vẫn nhớ như in về Sáu Ảnh, người mà bà cứ
đinh ninh chỉ là một cô liên lạc bình thường, người mà đến tận ngày độc lập, bà mới
ngỡ ngàng khi biết đó là vợ của cụm trưởng Tư Cang. Biết để hiểu được vì sao trong
suốt những năm tháng đó, thỉnh thoảng bà bất giác bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ
đó nhìn mình vừa đăm đắm, vừa buồn bã. Biết để thêm ngưỡng mộ và khâm phục sự
cao cả của người vợ đã âm thầm đi bên chồng, hi sinh và chịu mọi cay đắng để chồng
có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Những năm tháng tuổi già, Đại tá tình báo Tư Cang sống thanh thản, yên bình với
người vợ hiền cùng với con cháu trong một ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh. Ông bà
vẫn ngày ngày ngồi ôn lại những kỉ niệm của một thời đã qua, để lúc nào cũng cảm
thấy trân trọng hạnh phúc mình đang có. Họ đã có 35 mùa xuân bên nhau, và sẽ còn có
nhiều mùa xuân nữa trong tương lai.
Hương Thảo Nguyên