Huyền thoại của tập đoàn Intel
( Bình chọn: 2 -- Thảo luận: 0 -- Số lần đọc: 1544)
Andrew Grove (sinh 2/9/1936 tại Budapest, Hungary) đã đưa triết lí kinh doanh của mình
tới nhân viên, “hoặc là tất cả chúng ta cùng thành công hoặc là tất cả cùng thất bại”.
Nếu như Microsoft có ông chủ Bill Gates vĩ đại thì Intel cũng có ông chủ Andrew Grove
huyền thoại. Cả hai tỉ phú này đều được coi là những con người tiên phong làm nên sự
biến đổi kỳ diệu của thế giới nhờ sự phát triển của máy tính.
Các chương trình phần mềm chỉ có thể được sử dụng và phát triển nếu như bộ xử lí
của máy tính luôn luôn được cải thiện tăng tốc độ đến chóng mặt. Cũng giống như Bill
Gates với Microsoft, Andrew Grove là đồng sáng lập tập đoàn Intel và đồng thời trực
tiếp làm Chủ tịch điều hành trong một thời kỳ rất dài. Intel dưới sự lãnh đạo tài tình của
Andrew Grove đã trở thành nhà sản xuất bộ vi xử lí lớn nhất thế giới.
Andrew Grove hiện không còn làm Chủ tịch điều hành tập đoàn Intel, nhưng ông là
thành viên sáng lập duy nhất còn trực tiếp quản lý với cương vị Chủ tịch hội đồng quản
trị của tập đoàn. Andrew Grove vẫn có quyền uy và ảnh hưởng có tính quyết định đến
sự phát triển và thành công của Intel, không chỉ với tư cách là ông chủ.
Tập đoàn Intel hiện nay có hơn 100 chi nhánh bán hàng tại trên 30 nước. Cơ sở sản
xuất đặt ở rất nhiều nước với gần 100.000 người làm. Cùng với sự phát triển của thế
giới tin học và máy tính, doanh số của tập đoàn liên tục tăng trưởng qua các năm.
Những năm 90 của thế kỷ 20, khi Andrew Grove còn làm Chủ tịch điều hành, tốc độ
tăng doanh thu của Intel thường xuyên lên tới trên 20%. Trong ba năm gần đây, Intel
vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số, bất chấp thị trường cạnh tranh rất khốc liệt trong
lĩnh vực bộ vi xử lí cho máy tính.
Năm 2005, tập đoàn Intel đã đạt doanh số kỷ lục với 38,82 tỉ USD. Lãi của cả năm là
8,66 tỉ USD, vượt cả năm 2004 là 7,52 tỉ USD. Năm trước, mỗi cổ phiếu Intel được chia
là 1,16 USD. Năm nay, mỗi cổ phiếu của Intel sẽ được chia 1,40 USD. Ngoài ra, Intel
còn dự định dùng 10,6 tỉ USD để đầu tư mua lại 420 triệu cổ phiếu của chính mình. Cả
hai sản phẩm chủ chốt của Intel là các bộ xử lí vi mạch và hệ thống chip điện tử dùng
cho máy tính cá nhân và máy tính xách tay đều đạt kỷ lục về số lượng bán ra.
Tập đoàn của những nhà khoa học tài năng
Tập đoàn Intel ngày nay là tên viết tắt của công ty INTegrated Electronics. Công ty này
được thành lập năm 1968 bởi ý tưởng của hai nhà khoa học Gordon Moore và Robert
Noyce. Khi thành lập, Gordon Moore mời luôn người học trò xuất sắc nhất của mình là
Andrew Grove cùng tham gia và giao cho Andrew Grove làm Giám đốc điều hành ngay
từ những ngày đầu. Trước đó, Gordon Moore và Robert Noyce đã khá nổi tiếng là
những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển và sản xuất các vật liệu bán dẫn.
Hai nhà khoa học vào loại đầu ngành này đã tham gia cùng với nhiều đồng nghiệp khác
thành lập và duy trì một trung tâm sản xuất vật liệu bán dẫn là Fairchild Semiconductor.
Robert Noyce là giám đốc điều hành và ông này cũng được coi là nhà khoa học đầu tiên
đã phát minh ra công nghệ hiện đại sản xuất chip cho máy tính mà ngày nay vẫn sử
dụng. Còn Gordon Moore phụ trách bộ phận nghiên cứu phát triển vật liệu bán dẫn của
trung tâm. Moore được đánh giá là một trong những nhà khoa học tiên phong về vật liệu
bán dẫn và thiết bị bán dẫn trong đồ điện tử.
Do bất đồng quan điểm cả về khoa học lẫn phát triển kinh doanh mà Gordon Moore và
Robert Noyce cùng với sự trợ giúp của nhà khoa học trẻ tài năng Andrew Grove đã
thành lập công ty Intel. Được sự tin tưởng tuyệt đối của Gordon Moore và Robert
Noyce, Andrew Grove đã xây dựng Intel trở thành một trong những tập đoàn công nghệ
tin học quan trọng và lớn bậc nhất thế giới. Andrew Grove cùng với Intel đã góp phần và
ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của máy tính và công nghệ tin học của thế giới.
Andrew Grove là người Hungari, gốc Do Thái. Ông là con trai của một thương nhân,
sinh ngày 2/9/1936 tại Budapest. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Andrew Grove là một
trong số ít người của dòng tộc ông sống sót, thoát khỏi sự truy sát của phát xít Đức.
Ngay từ khi còn đi học, Andrew Grove đã tỏ ra cực kỳ thông minh. Ông được đánh giá
là giỏi toàn diện, lại rất có khiếu và ưa thích tìm hiểu và nghiên cứu khoa học. Như bao
người Do Thái khác, Andrew Grove còn có cả khiếu kinh doanh. Ông cũng đi làm kiếm
tiền từ sớm. Mới chỉ 14-15 tuổi, Andrew Grove đã được làm phụ trách một bộ phận của
một tờ báo phát hành tại Budapest.
Năm 1956, Andrew Grove di tản sang Mỹ, học tại trường New York City College. Năm
1960, sau khi có tấm bằng cử nhân xuất sắc ngành hoá vật liệu, Andrew Grove đã làm
tiếp nghiên cứu sinh rồi tiến sĩ tại trường Đại học tổng hợp California tại Berkeley.
Andrew Grove trở thành một nhà khoa học trẻ tài ba từ đây.
Trong ngành chuyên môn của mình, Andrew Grove trở thành một tên tuổi với hơn 40
công trình nghiên cứu và nhiều bằng phát minh. Năm 1967, Andrew Grove theo Gordon
Moore về làm nghiên cứu tại trung tâm Fairchild Semiconductor, trước khi trở thành
đồng sáng lập viên và Giám đốc của công ty Intel.
Con người của nghị lực, thận trọng và kỷ luật
Andrew Grove thực sự là một tấm gương lớn về nghị lực và ý chí phấn đấu không
ngừng. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ 20, Andrew Grove là một nhà khoa học có
tiếng, một nhà quản lý tài ba của một trong 100 tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước
Mỹ. Đồng thời, Intel cũng đem lại cho ông rất nhiều tiền với tư cách là một người sáng
lập và cổ đông chính của tập đoàn.
Andrew Grove đã đạt được mọi thứ, trong khoa học cũng như trong kinh doanh, bắt đầu
từ con số không thực sự. Khi mới sang Mỹ định cư, chàng thanh niên 20 tuổi Andrew
Grove thực sự là trắng tay, không có họ hàng thân quen, chưa có nghề nghiệp và chưa
biết cả một chữ tiếng Anh. Chỉ với 20 USD và một nghị lực kiên cường của một con
người cực kỳ thông minh, Andrew Grove đã xây dựng nên một cơ đồ đáng nể. Ông là
một trong 20 tỉ phú hàng đầu của lĩnh vực công nghệ tin học.
Ngay từ đầu, Andrew Grove cùng các đồng nghiệp theo đuổi việc sản xuất các con chíp
lưu dữ liệu bằng vật liệu bán dẫn. Từ một hợp đồng nghiên cứu của công ty Nhật
Busiscom, Andrew Grove đã có ý tưởng nghiên cứu và phát triển bộ vi xử lí dùng cho
máy tính. Năm 1971, Intel và Andrew Grove đã có thành công đầu tiên với việc công bố
sản phẩm bộ vi xử lí Intel 4004. Tất cả các nhà sản xuất máy tính đều rất chuộng và rất
cần các thiết bị này.
Từ đó gần như mọi hoạt động nghiên cứu và thương mại của Intel đã được tập trung
vào nghiên cứu và sản xuất các con chíp và bộ vi xử lí. Sau loại vi xử lí 4 bit là đến loại
vi xử lí 8 bit rồi các thế hệ cao nữa.
Xuất thân từ một nhà nghiên cứu khoa học, Andrew Grove được biết đến với một phong
cách làm việc kinh doanh cũng rất khoa học, cẩn thận. Ông có những yêu cầu kỷ luật
chặt chẽ cho chính mình và nhân viên.
Đến bàn làm việc của Andrew Grove, ai cũng thấy có một sự ngăn nắp trật tự hiếm thấy.
Những phẩm chất đó của ông chủ Andrew Grove cũng đã ảnh hưởng nhiều đến văn
hoá làm việc và quan điểm kinh doanh của Intel. Với sự thận trọng rất cao, Andrew
Grove còn thành lập cả một văn phòng luật sư khá lớn, để chuyên chuẩn bị, giải quyết
các vấn đề pháp lí. Andrew Grove còn xây dựng một bộ phận đầu tư tài chính riêng,
giống như một ngân hàng đầu tư con trực thuộc tập đoàn, vừa để chủ động trong đầu
tư, vừa tối ưu hoá lợi nhuận thông qua các hoạt động tài chính.
Nhà quản lý tài ba với tầm nhìn chiến lược
Andrrew Grove đã tiên liệu trước sự phát triển của máy tính và nhu cầu máy tính càng
cao để đề ra chiến lược phát triển cho Intel. Ông không lựa chọn con đường đi của
nhiều nhà sản xuất phần cứng khác là sản xuất, lắp ráp toàn bộ từ A đến Z các thiết bị
máy tính mà vẫn trung thành và chỉ tập trung vào các thiết bị quan trọng nhất, tạo nên
sự khác biệt giữa các thế hệ máy tính, là dung lượng và tốc độ.
Xuất phát từ quan điểm chiến lược kinh doanh như vậy nên Andrew Grove đã không hề
tiếc tiền cho việc nghiên cứu và phát triển. Lợi nhuận mà Intel làm ra rất nhiều thế
nhưng Andrew Grove quyết định tái đầu tư trở lại.
Ngoài đầu tư nghiên cứu, Andrew Grove còn chú ý đầu tư vào các nhà máy sản xuất qui
mô lớn để hạ giá thành đồng thời bảo đảm khả năng cung cấp hàng ở qui mô lớn. Và
tập đoàn Intel trong hàng chục năm qua đã liên tục và không ngừng cung cấp cho các
nhà sản xuất máy tính những con chíp có dung lượng lớn hơn, những bộ vi xử lí có tốc
độ cao hơn. Chính nhờ đó mà máy tính được phổ cập và các phần mềm tiên tiến, phức
tạp hơn mới có “đất” để “dụng võ”. Nếu như khoảng 95% số máy tính cá nhân chạy
phần mềm của Microsoft thì thị phần về con chíp và bộ vi xử lí của Intel cũng chẳng chịu
kém là mấy với xấp xỉ 90% số máy tính cá nhân.
Tuy vậy, với bản tính rất thận trọng vốn có, Andrew Grove luôn luôn tỏ ra rất cảnh giác
với mọi nguy cơ tụt hậu của Intel. Là người rất nhậy cảm với thị trường, Andrew Grove
luôn nhìn xa để đảm bảo vị thế trong tương lai của Intel.
Andrew Grove cho rằng kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì phải luôn
canh chừng cái thời điểm mà ông gọi là “bước ngoặt chiến lược” đối với mỗi công ty
trong lĩnh vực này. Bản thân Andrew Grove không hề đánh giá quá cao các kết quả
nghiên cứu khoa học của mình và cộng sự mà cho rằng thành công của Intel được đảm
bảo bởi đã biết và chuyển mình, bắt nhịp kịp thời với “bước ngoặt chiến lược”.
Andrew Grove còn là một nhà quản lý tài ba, biết vượt qua chính mình đúng cách và
đúng thời điểm. Trước kia không ai nghĩ rằng một nhà khoa học làm kinh doanh như
Andrew Grove lại có thể rất quyết liệt và triệt để trong quản trị, điều hành. Ông cho rằng
muốn chuyển mình và bắt nhịp kịp thời tại thời điểm có “bước ngoặt chiến lược” thì phải
thay đổi ban điều hành ở tầm cao nhất, không thể để ban điều hành cũ tự thay đổi.
Chính vì vậy mà ông đã có những người kế tục xuất sắc như Chủ tịch điều hành Craig
Barrett hay Otellini.
Phong cách quản lý doanh nghiệp của Andrew Grove rất hiện đại. Ngay từ năm 1972,
Intel đã có qui chế dành cho cán bộ quản lý cấp cao mua cổ phiếu với giá ưu đãi chỉ
bằng 85% giá thị trường. Andrew Grove đã đưa được triết lí kinh doanh của mình tới
nhân viên của tập đoàn “hoặc là tất cả chúng ta cùng thành công hoặc là tất cả cùng
thất bại”.