Angiêlic và sự cám dỗ
PHẦN I: TRẠM HÀ LAN
CHƯƠNG 1
Từ trong rừng, vang lên tiếng trống của người Anh điêng. Tiếng trống êm nhẹ,
nhịp nhàng lan tỏa qua cái nắng nghiệt ngã đang dội xuống rừng cây và dòng
sông.
Giôphrây đờ Perắc và Angiêlic đứng bất động trên bờ sông. Họ lắng nghe một
lúc. Tiếng trống đổ hồi âm ỉ nhưng kín đáo, thoát lên từ các cành cây thành
những âm thanh đầy đặn và dịu dàng nghe như tiếng đập của một con tim cường
tráng. Và cũng nhờ thế mà thiên nhiên im ắng, tù hãm dưới làn hơi nước của
một ngày nắng như thiêu như đốt, nói lên sự có mặt của con người đang sống
trong lòng mình.
Do tiềm thức, Angiêlic nắm lấy tay chồng đang đứng cạnh nàng.
- Tiếng trống – nàng nói – Tiếng trống báo chuyện gì vậy?
- Anh cũng chẳng biết. Hãy chờ xem.
Trời chưa tối. Ngày chỉ vừa tàn. Con sông là một mảng bạc xỉn. Angiêlic và
chồng nàng, bá tước đờ Perắc, đứng dưới chân vòm cây tống quán sủi, cạnh
mép nước.
Xa hơn một chút về phía trái, những chiếc xuồng làm bằng vỏ cây phong trát
nhựa được kéo lên phơi khô trên bãi cát của bờ vũng.
Angiêlic hất đầu thật mạnh để xua đàn muỗi vằn đông nghịt đột nhiên tới tấp
đến vo ve quanh nàng. Nàng cũng cố tìm cách để đánh tan nỗi e sợ mơ hồ khi
nghe tiếng trống trong rừng.
- Lạ thật – nàng nói, hầu như không suy nghĩ – Chẳng có mấy đàn ông trong
những ngôi làng Abênaki chúng ta vừa đi qua trong khi xuôi dòng sông
Kenơbếch. Chỉ toàn đàn bà, con trẻ và người già.
- Đúng thế, họ kéo nhau đi hết xuống phương nam để đổi lông thú.
- Không phải chỉ thế thôi đâu. Trong các đoàn người ngựa và trên những chiếc
xuồng phía nam mà chúng mình đã gặp có rất nhiều đàn bà. Bề ngoài, có vẻ như
họ đi làm công việc chuyên chở hàng hóa. Nhưng như vậy thì đàn ông ở đâu?...
Perắc phóng về phía nàng một cái nhìn bí ẩn. Câu hỏi đó chàng đã đặt ra và câu
trả lời chính chàng cũng đang ngờ vực. Phải chăng đám đàn ông thuộc các bộ
lạc Anh điêng đang đến họp nhau ở một nơi bí mật nào đó để mưu tính chuyện
gây chiến?... Nhưng là cuộc chiến tranh nào đây? Và chống lại ai?.
Chàng ngần ngại và đành lặng im.
Lúc này là lúc đang yên tĩnh, không vương vất lo âu. Qua nhiều ngày, cuộc
hành trình tiếp tục suôn sẻ. Tất cả mọi người đều cảm thấy khoái trá và nóng
lòng chờ đợi được trở lại với bến bờ đại dương và những vùng đông đúc dân cư.
- Đây này! – Perắc nói và làm một động tác bất ngờ - Có lẽ đây là điều đã làm
cho tiếng trống dội lên. Một cuộc thăm viếng!
Ba chiếc xuồng đi dọc theo mũi đất phía trước mặt hai người, đang tiến vào
vũng.
Căn cứ theo kiểu cách những chiếc xuồng vừa mới tới thì chúng đã đi ngược
dòng sông Kenơbếch chứ không phải xuôi dòng như phần lớn các thuyền bè
thường đi vào thời kỳ này trong năm.
Perắc, theo sau là Angiêlic, bước trên bờ sỏi, nơi những làn sóng nhỏ lăn tăn sủi
bọt để lại một vệt màu nâu nhạt trên những hòn sỏi nhỏ. Chàng hơi nheo mắt để
quan sát những kẻ mới tới.
Những người Anh điêng trên ba chiếc xuồng này đang sửa soạn để dừng lại. Họ
nhấc những mái chèo còn ướt đầm đìa lên rồi lội xuống nước để đẩy thuyền vào
bờ.
- Dù sao thì đây cũng toàn là đàn ông chứ không phải đàn bà – Perắc nhận xét.
Đoạt, đột nhiên dừng lại, chàng nắm chặt cánh tay Angiêlic.
Từ một chiếc xuồng, một bóng người tối sẫm bận chiếc áo đen thày tu, cũng lội
xuống nước để đi lên bãi biển dưới hàng liễu.
- Giáo sĩ dòng Tên – Angiêlic nói khẽ.
Và nàng hoảng hốt đến mức suýt nữa thì bỏ chạy để giấu mình vào nơi sâu thẳm
nhất của rừng già.
Dùng những ngón tay đặt trên cổ tay nàng, bá tước đã kịp ngăn cử chỉ bồng bột
đó lại.
- Em sợ một giáo sĩ đến thế ư, em yêu?
- Anh còn lạ gì những lời phán xét của cha Đoocgiơvan về chúng ta. Ông ta coi
chúng ta là những kẻ tiếm đoạt nguy hiểm, nếu không phải là những kẻ đồng lõa
với quỷ.
- Ông ta chỉ là khách đến thăm, chúng ta hãy bình tĩnh.
Tuy vậy, ở phía bên kia, người Áo chùng đen bắt đầu bước nhanh theo bờ sông.
Giữa bóng nước long lanh màu ngọc lục bảo phản chiếu những vòm cây, bóng
người cao mảnh khảnh vận động nhanh nhẹn một cách khác thường trong cái xứ
ngột ngạt và như đã chìm sâu vào sương chiều buồn bã. Đấy là bóng của một
người còn trẻ và đầy sinh lực, đi thẳng đến đích không đề phòng trở ngại, cũng
không cần nhìn vào những trở ngại đó.
Người đó biến đi một lúc khi đến gần khu trại và dường như có một sự im lặng
nặng nề quanh các đống lửa; rồi người ta nghe thấy tiếng bước chân đi ủng của
người lính Tây Ban Nha đến gần, và ngay sau đó người lính gác này, vóc dáng
cao lớn và đen đủi hiện ra, thật gần, giữa quầng lá xếp thành nếp của những cây
liễu.
- Không phải ông ta – Perắc nói trong kẽ răng – Không phải cha Đoocgiơvan.
Chàng hầu như cảm thấy thất vọng.
Người mới tới cao và mảnh, và hình như còn rất trẻ. Căn cứ theo cấp bậc, ông ta
hẳn không thể nào dưới ba mươi tuổi. Thế nhưng ông ta lại có cái duyên tự
nhiên của tuổi hai mươi. Tóc và râu ông ta màu vàng và mắt màu xanh gần như
không rõ nét. Da mặt ông ta hẳn là trắng nhợt nếu như không có những mảng đỏ
mà ông mặt trời tàn nhẫn đối với những người có màu da như thế, đã đốt cháy
trên trán, trên má và trên mũi.
Ông ta đứng im khi thấy bá tước và phu nhân, và khi chỉ còn cách vài bước, ông
ta nhìn chằm chằm một thoáng rồi một bàn tay gầy và bé nhỏ của ông ta đặt trên
cây thánh giá nằm trên ngực, đầu một sợi dây màu tím đeo quanh cổ, tay kia
cầm chiếc gậy đi đường, đầu gậy có một cây thánh giá bằng bạc.
Angiêlic thấy ông ta có cái gì hết sức riêng biệt. Ông ta giống các hiệp sĩ hay
các tổng thiên thần chiến tranh ta thường thấy trên các ô kính nhà thờ ở Pháp.
- Tôi là cha Philip đờ Ghêrăngđờ - Ông ta tuyên bố với giọng lịch sự - Phó giám
mục của cha Xêbaxchieng Đoocgiơvan. Thưa ngài đờ Perắc, biết tin ngài xuôi
dòng Kenơbếch, cha bề trên của tôi phái tôi đến chào ngài.
- Xin đa tạ thiện chí của cha bề trên – Perắc trả lời.
Chàng đưa tay ra hiệu cho người Tây Ban Nha gần như đứng thẳng đơ, bị mê
hoặc trước cha đạo, hãy đi ra xa.
- Đáng tiếc là tôi chỉ có nơi tiếp đón sơ sài của một khu trại để hầu cha. Nhưng
tôi nghĩ là cha cũng đã quen với cảnh sống không có tiện nghi như thế rồi. Cha
có muốn đến gần các đống lửa một chút không? Khói sẽ làm cho chúng ta đỡ bị
muỗi đốt. Hình như có người trong số các cha đã từng bảo rằng ở châu Mỹ
không cần phải mang thắt lưng hành xác vì muỗi mòng và muỗi vằn sẽ làm đầy
đủ bổn phận đó rồi.
Người kia cũng mỉm cười.
- Chính là đức thánh cha Brơbớp đã từng nói ra cái điều dí dỏm đó – Ông ta
công nhận.
Họ ngồi không xa cách mấy những toán người đang hối hả chuẩn bị bữa ăn và
chỗ ngủ.
Nhưng cũng khá cách biệt.
Giôphrây kín đáo bấm Angiêlic khi nàng định cáo lui. Chàng muốn nàng cùng
tham dự cuộc nói chuyện. Nàng cũng ngồi vào cạnh chàng trên một tảng đá rêu
phong thật to. Với trực giác của đàn bà, Angiêlic nhận thấy cha đờ Ghêrăngđờ
giả vờ làm như không để ý đến nàng.
- Xin giới thiệu với cha đây là vợ tôi, nữ bá tước đờ Perắc đờ Morenxơ Đirixtru
– Giôphrây nói với vả lịch sự thanh thản thường có.
Giáo sĩ trẻ khẽ nghiêng đầu về phía Angiellic với cử chỉ cứng cỏi gần như máy
móc rồi ngoảnh mặt đi, và ông ta tha thẩn nhìn xuống mặt nước phẳng lì đang
mỗi lúc một tối sầm lại trong khi dưới đáy nước sáng bừng lên ánh phản chiếu
màu đỏ tía của nhiều bếp lửa hồng được đốt lên ven bờ sông.
Phía trước mặt, những người Anh điêng đã đem cha đạo tới, đang thu xếp chỗ
để sửa chữa thuyền.
Perắc tỏ ý muốn mời họ cùng xơi món hoẵng và gà tây quay trên các que xiên
và món cá hồi vừa câu lên đang được gói vào trong lá và hầm dưới tro nóng.
Cha đờ Ghêrăngđờ lắc đầu chối từ và nói đấy là những người Keneba, những
người bản xứ rất hung dữ, họ không thích dính dáng với người nước ngoài.
Angiêlic bỗng nghĩ tới cô bé người Anh Rôđờ An họ đem theo đến đây. Nàng
đưa mắt tìm và không thấy cô bé đâu cả. Lát sau nàng mới biết là từ khi giáo sĩ
tới, Canto đã đưa cô bé biến đi để ông ta khỏi trông thấy. Cậu ta đang nóng lòng
chờ đợi trong một lùm cây nào đó, vừa gẩy đàn ghita để mua vui cho cô bé vừa
chờ họ nói chuyện xong.
- Như vậy là – cha đờ Ghêrăngđờ nói – Ông đã trải qua mùa đông giữa vùng
Apalasờ phải không, thưa ông? Các ông có bị bệnh scobut không? Có bị đói
không? Có mất người nào trong số kiều dân của ông không?...
- Không, không một người nào, đội ơn Chúa!
Giáo sĩ nhăn nhó khó chịu và hơi mỉm cười ngạc nhiên.
- Tôi lấy làm sung sướng được nghe ông ca ngợi Chúa, ông đờ Perắc ạ. Người
ta đồn rằng ông và lũ người của ông chẳng ngoan đạo chút nào. Rằng ông tuyển
người một cách bừa bãi trong số những kẻ dị giáo, những kẻ thờ ơ, những kẻ
không tín ngưỡng, thậm chí trong số đó còn có cả những kẻ cứng đầu cứng cổ,
lầm đường lạc lối vì kiêu ngạo, hễ mở mồm ra là báng bổ và nguyền rủa Chúa.
Ông ta xua tay từ chối cốc nước mát và tô thịt quay anh chàng Yan Lơ Cuenec
bưng tới. “Thật đáng tiếc – Angiêlic nghĩ một cách thiếu tôn kính – những ông
cố đạo này người ta không dễ gì lấy miếng ăn mà đấm mõm được họ đâu...
Ngày xưa cha Masêra tỏ ra xa hoa hơn”.
- Mời cha xơi bữa – Đờ Perắc nài nỉ.
Giáo sĩ vẫn lắc đầu.
- Chúng tôi đã ăn trưa. Thế là đủ cho cả một ngày. Tôi ăn ít. Như người Anh
điêng... Nhưng ông chưa trả lời câu hỏi của tôi, thưa ông... Có phải ông cố ý
tuyển người trong số những kẻ có đầu óc phản loạn đối với Nhà thờ hay không?
- Thật ra, thưa cha, điều mà tôi yêu cầu trước hết đối với những người tôi thu
nạp là phải biết sử dụng vũ khí, cây rìu và cây búa, phải có khả năng chịu rét,
chịu đói, chịu mệt nhọc, chịu trận mạc, tóm lại, chịu sự đối địch mà không hé
răng than phiền một lời, và trung thành với tôi, khuất phục tôi suốt trong thời
gian hợp tác và thi hành tốt những công việc tôi giao phó. Nhưng nếu họ thành
kính và sùng đạo thì tôi cũng không nhất thiết từ chối.
- Thế nhưng, ông không cắm thánh giá ở một nơi nào hết trong những vùng ông
đã thiết lập.
Perắc không trả lời.
Làn nước phản chiếu mặt trời lặn đỏ rực như một đám cháy gieo vào trong mắt
chàng một đốm sáng chế giễu mà Angiêlic nhận biết rất rõ, nhưng chàng vẫn
kiên nhẫn và đặc biệt thân thiện.
Giáo sĩ nhấn mạnh:
- Phải chăng ông muốn nói rằng, trong đám người của ông có những kẻ mà cái
dấu hiệu tuyệt vời của tình yêu và sự hi sinh kia làm cho họ thấy chướng và khó
chịu?
- Có thể.
- Và nếu như trong bọn người của ông có những kẻ như người trẻ tuổi có gương
mặt cởi mở và thật thà vừa mới đem thức ăn đến cho tôi kia – có thể đã từ một
kỷ niệm tuổi thơ sùng đạo mà giữ được lòng thân ái đối với cái dấu hiệu của
Chúa Cứu thế, vậy mà ông ngang nhiên tước bỏ mất của họ sự cứu rỗi của Tôn
giáo chí thánh.
- Người ta thường ít nhiều phải tự nhịn đi một cái gì đó khi muốn sống với nhữn
quần thể khác nhau trong những điều kiện khó khăn và có khi trong một không
gian rất chật hẹp. Không phải tôi, thưa Cha, là người nói để Cha rõ rằng bản
chất con người chưa được hoàn thiện biết nhường nào và vì thế mà cần phải có
những nhượng bộ để sống hòa thuận với nhau.
- Việc từ chối không thờ kính Chúa và cầu xin lòng thương của Chúa là sự
nhượng bộ cuối cùng trong tất cả mọi sự nhượng bộ, và tóm lại, là một sự
nhượng bộ tội lỗi. Sự nhượng bộ đó đã phơi bày thái độ coi thường sự cứu rỗi
về tinh thần của ông phải không, thưa ông đờ Perắc?... Lao động mà không
được dòng chảy thần thánh đem lại sinh khí thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Sự
nghiệp không được Chúa ban ơn, cũng là con số không, đấy chỉ là một cái vỏ
trống rỗng, chỉ là gió thoảng qua, chỉ là hư vô. Và cái ân huệ đó chỉ được ban
cho những ai công nhận Chúa là đấng tối cao của mọi hành động của họ, cho
những ai vâng theo luật lệ của Người và cho những ai, bằng sự cầu xin hàng
ngày trong cuộc sống của họ, dâng lên Người kết quả lao động của họ.
- Thế nhưng Thánh tông đồ Giắc đã viết: “Chỉ có sự nghiệp là đáng kể...”
Perắc vươn lên đôi vai như bị còng xuống vì sức nặng của suy nghĩ. Chàng lấy
từ trong khe áo gile bằng da của chàng ra một điếu xì gà và châm vào mồi lửa
được anh chàng Brơtanhơ trẻ tuổi đem tới gần như ngay tức khắc, rồi anh này
kín đáo lui ra.
Nghe bá tước trích dẫn thánh thư, giáo sĩ đờ Ghêrăngđờ nở một nụ cười lạnh và
tế nhị của đối thủ biết kính trọng một ngón đòn đánh trúng. Nhưng không phải
vì thế mà ông ta đã tỏ ra ăn ý với chàng đâu. Ngồi im lặng, Angiêlic bứt rứt cắn
móng tay của ngón tay út. Ông ta tự cho mình là cái thá gì đây, cái ông giáo sĩ
này mà dám nói với Giôphrây đờ Perắc bằng cái giọng như thế? Nhưng đồng
thời nàng nhớ lại một thoáng thời thơ ấu ở tu viện, cảm giác bị phụ thuộc nặng
nề mà tất cả những người không tôn giáo đều có đối với giới giáo sĩ và đấy là
một điều đương nhiên được thừa nhận là các giáo sĩ thuộc giống người không
sợ ai hết, không sợ vua, không sợ cả giáo hoàng. Họ được dựng lên để dậy dỗ
và đánh đòn những kẻ tai to mặt lớn trên thế gian này. vừa suy nghĩ, nàng vừa
ngắm nhìn bằng đôi mắt mở to, khuôn mặt hốc hác và thấy lại, qua sự hiện diện
khác thường ngay cạnh họ, giữa rừng châu Mỹ, những nỗi băn khoăn rất xa xưa
mà cũng rất quen thuộc của thế giới cũ: nỗi sợ hãi đối với các thầy tu, những
người có quyền lực bí ẩn. Rồi nàng nhìn khuôn mặt của chồng nàng và nàng thở
ra nhẹ nhõm. Vì chàng thoát khỏi, và luôn luôn thoát khỏi các thứ ảnh hưởng
đó. Chàng là con đẻ của xứ Akiteno và thừa hưởng, không biết do quan niệm tự
do nào về cuộc sống, từ thời rất xa xưa và từ nền văn minh không tôn giáo.
Chàng không như nàng hoặc như giáo sĩ này, cả hai người đều là những kẻ bị
lôi kéo vào tín ngưỡng không gì phá vỡ được. Chàng thoát ra khỏi sức hút. Và
cũng vì thế nên nàng yêu chàng không sao kể xiết. Nàng nghe chàng trả lời với
giọng bình thản:
- Thưa cha, ở chỗ chúng tôi, ai thích thì cầu kinh. Còn đối với những người
khác, cha không tin lao động tốt cũng là thánh hóa hay sao?
Giáo sĩ tuồng như suy nghĩ vài giây rồi chậm rãi lắc đầu.
- Không, thưa ông. Và chúng tôi nhận thấy ngay đấy là sự đi lệch hướng, là sự
ngu ngốc và nguy hiểm của các triết học muốn độc lập đối với Nhà thờ. Ông là
người Akiteno – Ông ta nói với một giọng khác – Những người cùng tỉnh vói
ông rất đông và nghèo đói ở Canada hoặc ở Acadi. Ở Păngtagôê, Nam tước đờ
Xanh Caxtin đã quét sạch bọn người Anh ra khỏi con sông Pênốpxcốt. Ông ta
đã làm lễ đặt tên thánh cho tù trưởng người Esơnivin. Những người Anh điêng
trong vùng coi ông ta như người của họ
- Đúng thế, ông Caxtin là láng giềng của tôi ở Gunxbôrô. Tôi biết ông ấy và
kính trọng ông ấy. – Perắc nói.
- Còn có ai là người xứ Gaxcông trong thuộc địa của chúng ta nữa không? –
Cha Ghêrăngđờ nói tiếp, cố làm ra vẻ hiền từ - Còn có Vôvơna trên sông Xanh
Giăng...
- Một tên cướp, theo tôi nghĩ!
- Cho là thế cũng được! Ông ta rất hết lòng vì sự nghiệp của nước Pháp và là
người bạn tốt nhất của cha Vilơđavơrê, thống đốc xứ Acadi. Ở phía bắc chúng
ta có ngài đờ Moocxắc ở Cataracui. Và tôi cũng không quên nêu tên ngài thống
đốc yêu quý của chúng ta là ngài đờ Phôngtơnắc.
Perắc thong thả hút thuốc, khẽ gật gật đầu tán thưởng. Angiêlic cũng không
nhận thấy một vẻ gì trên mặt chàng. Giữa tán lá bóng loáng của những cây sồi
đồ sộ chìa ra phía trên họ, ánh sáng trời chiều đi qua màn lọc của những khối
cây xanh um tùm và quầng sáng nhuộm màu xanh lục làm cho các khuôn mặt
nhợt nhạt và làm nổi rõ những mảng tối. Màu vàng óng bây giờ lại hiện lên trên
sông, cái vũng trở thành màu kẽm. Do trời và nước soi chiếu vào nhau, bây giờ
trời sáng hơn lúc ban nãy. Những chiều tháng sáu đã đến rất gần, lấn sang phần
của ban đêm và cùng ban đêm chia phần ngự trị trên vương quốc. Trong mùa
này người và súc vật dành ít thời gian để ngủ.
Ngươi ta ném vào các bếp lửa những cây nấm đen khô, hình tròn như những
quả bóng. Đốt cháy lên, những cây nấm này tỏa ra một thứ mùi hăng hắc và
rừng rú, có tác dụng tốt là xua đuổi muỗi. Mùi thuốc là trên đoạn đường đi toát
lên từ tất cả mọi ống điếu cùng quyện vào với mùi khói. Vũng đầy sương mù và
ngát hương. Một nơi trú ẩn sâu kín trên bờ sông Kenơbếch.
Angiêlic đưa tay lên sờ trán và chốc chốc các ngón tay của nàng lại luồn sâu
vào mớ tóc rậm rì, vàng óng, làm lộ ra hai thái dương rơm rớm mồ hôi, tìm cách
thưởng thức một chút mát mẻ và cũng là để làm nhẹ bớt nỗi lo. Mắt nàng hết
nhìn người này đến người khác giữa hai người đàn ông với một sự quan tâm đến
say sưa. Đôi môi của nàng hé mở do quá chú ý đến cuộc nói chuyện. Những
điều làm nàng ngạc nhiên là những gì được che giấu sau những lời lẽ trao đổi.
Thế là đột nhiên, cha đờ Ghêrăngđờ tấn công:
- Ông có thể giải thích cho tôi rõ được không, thưa ông đờ Perắc, nếu như
không phải là ông có ác cảm đối với nhà thờ, thì do sự ngẫu nhiên nào mà tất cả
những người ông tuyển lựa về Gunxbôrô đều là những người Tin lành?
- Xin sẵn sàng, thưa cha. Sự ngẫu nhiên mà cha vừa ám chỉ đó là sự ngẫu nhiên
của một lần tôi đến thả neo tại vùng phụ cận La Rôsen khi dúm người Tin lành
này sắp sửa bị tống giam vào nhà tù của đức Vua, đang chạy bán sống bán chết
trước bọn long kỵ binh được lệnh bắt họ. Tôi cho họ xuống tàu để tránh cho họ
thoát khỏi số phận bi thảm khi tôi trông thấy những tên lính ngự lâm đang lăm
lăm những mũi gươm tuốt trần. Sau khi cho họ xuống tàu rồi, chẳng biết làm gì
nữa, tôi đã đưa họ đến Gunxbôrô làm ruộng cho tôi để trả công tôi chuyên chở
họ.
- Tại sao ông giúp họ trốn khỏi pháp luật của Vua nước Pháp?
- Làm sao mà tôi biết được? – Perắc nói với cử chỉ ung dung thư thái và cái cười
châm chọc chua cay chàng thường có – Có lẽ bởi vì trong Kinh thánh đã viết:
“Những kẻ đã bị kết tội, những kẻ đang bị đem đến cái chết, hãy cứu lấy những
kẻ này!”
- Ông trích dẫn Kinh thánh?
- Đấy là một phần của Thánh thư.
- Dây dớt đạo Do thái một cách nguy hiểm, hình như thế thì phải.
- Quả thật rất rõ ràng là như vậy. Là Kinh thánh bị đạo Do thái làm hoen ố. –
Perắc nói và cười vang.
Angiêlic lấy làm ngạc nhiên là cha đờ Ghêrăngđờ cũng cười và lần này thì ông
ta có vẻ thư dãn ra.
- Phải, rõ ràng là như vậy – Ông ta nhắc lại, vui lòng nhận thấy sự điên rồ của
câu châm ngôn ông ta vừa nói ra – Nhưng này, ông ạ, ngày nay, cuốn sách
Thánh đó bị pha trộn biết bao nhiêu điều lầm lạc đáng lo ngại mà chúng ta có
nghĩa vụ phải coi chừng những kẻ dại dột hay dẫn lời trong cuốn sách đó. Ông
đờ Perắc, ông kiếm đâu ra giấy chứng nhận đã cho phép ông có quyền trên đất
đai vùng Gunxbôrô? Phải chăng là của vua nước Pháp?
- Không, thưa cha.
- Thế thì là của ai vậy? Có phải là của người Anh ở Vịnh Masasuset tự xưng
một cách bất hợp pháp là người sở hữu các vùng ven biển này không?
Perắc khôn khéo tránh khỏi cái bẫy.
- Tôi đã liên minh với các bộ lạc Abênaki và Môhican.
- Tất cả những người Anh điêng này đều là thần dân của Vua nước Pháp, phần
lớn đều đã được làm lễ rửa tội và bất kỳ trong trường hợp nào cũng không được
tiến hành những giao ước như thế mà không đệ trình lên ngài đờ Phôngtơnắc
xét.
- Vậy thì cha đi mà nói với họ...
Sự châm biếm bắt đầu lộ ra. Bá tước có một cách nhả khói thuốc xì gà quanh
mình khi chàng đang sốt ruột.
- Còn những người của tôi ở Gunxbôrô không phải là những người Tin lành đầu
tiên đặt chân đến các bến bờ này. Ngài đờ Mông ngày xưa đã được vua Hăngri
4 phái tới đây.
- Không nhắc lại quá khứ nữa. Bây giờ ở đây ông là người không có giấy ủy
quyền, không có cha tuyên úy, không có học thuyết, khong có quốc gia để minh
chứng cho ông. Ông chọn những vùng đất này và chỉ một mình ông mà đã có
nhiều trạm trại, nhiều cửa hàng và nhiều dân hơn toàn bộ nước Pháp đã có được
trước đó từ rất lâu. Chỉ thuộc về một mình ông và chỉ một mình ông chiếm giữ
hết thảy những cái đó. Có đúng như thế không?
Perắc làm một cử chỉ có thể xem như là đồng ý.
- Của một mình ông – giáo sĩ nhắc lại, đôi mắt màu hổ phách của ông ta bỗng
sáng long lanh – Kiêu căng! Kiêu căng! Chính đấy là lỗi lầm của Ma vương
Luyxiphe. Bởi vì không phải Luyxiphe muốn mình giống hệt như Chúa. Nhưng
Ma vương chỉ muốn có được sự vĩ đại tự chính bản thân mình và từ trí
thôngminh của mình. Đây có phải là học thuyết của ông không?
- Tôi sẽ sợ run lên nếu muốn đem học thuyết của chính mình gán ghép vào một
ví dụ đáng sợ đến như thế.
- Ông lẩn tránh đấy, ông ạ. Tuy nhiên, kẻ nào muốn vươn tới hiểu biết một mình
và để một mình hưởng vinh quang thì số phận sẽ như thế nào? Sẽ giống như
một kẻ học đòi làm phù thủy, anh ta không còn kiểm soát được khoa học nữa và
thế gian bị hủy hoại.
- Và Luyxiphe cùng với các hung thần của hắn rơi vào một trận mưa sao – Perắc
lẩm bẩm – Thế là bây giờ chúng lẫn vào với đất cùng những bí mật của chúng.
Những thần linh loắt choắt nhăn nhó, người ta thường tìm thấy dưới đáy các
hầm mỏ, làm công việc canh giữ vàng và các kim loại quý. Thưa cha, cha còn lạ
gì, chắc cha đã nghiên cừ những điều sâu kín của phép Bí tích. Theo ngôn ngữ
của thuật giả kim, thì những đoàn quân quỷ sứ do các thần giữ của nhỏ bé,
những vị thần của đất đó hình thành, có tên gọi là gì nhỉ?
Ông thầy tu thẳng người lên và nhìn chàng bằng cặp mắt sáng bừng vì thách
thức, nhưng cũng là một thứ hàm ơn về sự am hiểu.
- Tôi vẫn chú ý lắng nghe ông... – ông ta nói với giọng chậm rãi và mơ màng –
Bây giờ người ta đã quên khuấy đi là có một số tính từ được đồng hóa vào ngôn
ngữ chung, ngày xưa là dùng để chỉ một số đội ngũ của đoàn quân dưới địa
đàng. Ví dụ như thần Nước, các Hà Bá hợp thành đoàn quân của Khoái lạc.
Thần Không khí, các thần Thiên tinh, và những con ma xó là thần của Hèn hạ.
Các Thần Lửa, tượng trưng bằng con kỳ nhông là đội quân của những kẻ hung
hãn. Và các vị thần của Đất là thần giữ của, thì tên gọi là...
- Những kẻ Nổi loạn – Perắc nói với một nụ cười.
- Con trai chính cống của Quỷ sứ - giáo sĩ lẩm bẩm.
Đôi mắt sợ hãi của Angiêlic hết nhìn người nọ đến người kia trong cuộc đối
thoại kỳ lạ...
Bột phát, nàng đặt bàn tay của mình lên bàn tay của chồng để báo cho chàng
biết là phải tỏ ra khôn ngoan.
Báo cho chàng biết! Bảo vệ chàng! Kìm giữ chàng... Trong rừng sâu châu Mỹ,
những đe dọa, rình mò bỗng lởn vởn quanh mình như trước kia, nơi lâu đài của
Tòa án tôn giáo! Giôphrây đờ Perắc cũng mỉm một nụ cười cay độc được những
vết sẹo trên khuôn mặt bị thương làm nổi rõ thêm.
Cái nhìn của tay thầy tu lướt qua thiếu phụ.
Ngày mai khi trở về với hội truyền giáo Anh điêng của ông ta, ông ta sẽ nói:
“Phải, tôi đã trông thấy họ! Đúng là như người ta đã báo cho chúng tôi biết.
Anh chồng đầu óc nguy hiểm, tế nhị, mụ vợ thì xinh đẹp và nhục dục như nàng
Evơ, với những cử chỉ tự do một cách lạ lùng và không ai sánh kịp...”
Ông ta sẽ nói: “Phải, tôi đã trông thấy họ đứng trên bờ sông, phản chiếu xuống
ánh nước của con sông Xanh Kenơbếch, họ đứng trong bóng cây, anh chồng thì
đen, cứng rắn và cay độc, mụ vợ choáng lộn, hai người tựa vào nhau, người đàn
ông và người đàn bà bị ràng buộc bởi một hiệp ước... Ồ! hiệp ước nào vậy?- ông
ta sẽ vừa nói với cha Đoocgiơvan vừa run cầm cập...”
Và bệnh sốt rét rừng các giáo sĩ thường mắc phải, làm cho ông ta run lên một
cách khổ não. “Phải, tôi đã trông thấy họ, và tôi đã ở lâu bên cạnh họ, tôi đã
hoàn thành sứ mệnh cha bề trên giao phó cho tôi là thăm dò trái tim của con
người ấy... Nhưng bây giờ thì tôi đã kiệt sức”.
- Có phải ông đến đây để tìm vàng không? – Giáo sĩ nói với giọng kiềm chế -
Và ông đã tìm thấy vàng? Ông đến đây để khuất phục tất cả những vùng đất
trong trắng và cổ xưa này dưới thần tượng của vàng...
- Người ta cũng chưa xem tôi là thần tượng! – Perắc nói và chàng phá lên cười
một cách sảng khoái. – Thưa cha, cha còn nhớ không, cách đây một trăm năm
mươi năm, nhà tu hành Tơritim đã rao giảng ở Praha là vàng tiêu biểu cho linh
hồn của con người đầu tiên, phải không?...
- Nhưng ông ta cũng xác định rằng ngoài ra, vàng còn chứa đựng cả thói hư tật
xấu, cá cái Ác – giáo sĩ trả lời một cách mạnh mẽ.
- Tuy nhiên, của cải đem lại quyền lực và có thể phục vụ cho cái Thiện. Dòng tu
của cha đã hiểu rõ điều đó ngay từ những ngày đầu được sáng lập, hình như thế,
bởi vì đây là dòng giàu có nhất trên thế giới.
Như ông ta vẫn quen làm, cha đờ Ghêrăngđờ chuyển hướng câu chuyện:
- Nếu ông là người Pháp, tại sao ông không là kẻ thù của người Anh và của
người Irôcơ là những người muốn cướp đoạt nước Pháp Mới? – ông ta hỏi.
- Những cuộc tranh chấp làm cho các ông đối đầu với nhau đều có nguồn gốc từ
xa xưa và hình như quá gay go nên tôi không thể tham gia được. Tuy nhiên tôi
cố hết sức để sống hòa thuận với từng người, và biết đâu tôi lại có thể đem hòa
bình đến cho xứ sở này...
- Ông có thể làm rất nhiều điều ác đối với chúng tôi – người giáo sĩ trẻ nói với
giọng căng thẳng mà Angiêlic cảm thấy ngân lên một nỗi kinh hoàng – Ôi! Tại
sao! – ông ta kêu lên – Tại sao ông không trồng cây Thánh giá?
- Đấy là dấu hiệu của sự trái ngược.
- Vàng là động lực đã đẩy người ta đến bao nhiêu tội ác.
- Cây thánh giá cũng vậy – Perắc vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào ông ta.
Nhà truyền giáo đứng thẳng dậy. Ông ta tái xanh đi, đến nỗi những vết bỏng vì
mặt trời trên khuôn mặt trắng như phấn của ông ta trông tựa những vết thương
đang chảy máu.
Trên cái cổ gầy thò ra khỏi cổ áo trắng là vật trang sức duy nhất của chiếc áo
thụng đen xám xịt, một tĩnh mạch đập dữ dội.
- Cuối cùng, như vậy là tôi được nghe lời thú nhận về lòng tin của ông rồi đấy,
thưa ông – Ông ta nói với giọng trầm – Tất cả những lời lẽ từ miệng ông thốt ra
đều vấy bẩn cái tinh thần nổi loạn đáng ghét là đặc thù của những kẻ dị giáo mà
ông giao du: khước từ những dấu hiệu bên ngoài của lòng sùng đạo, lòng hoài
nghi đối với những chân lý đã được thần khải, dửng dưng đối với thắng lợi của
chân lý và ông cũng chẳng thèm quan tâm đến việc Lời chúa trung thực có thể
bị xóa bỏ khỏi thế gian này cùng với Nhà thờ thiên chúa giáo và bóng tối có thể
sẽ đè nặng xuống các linh hồn!
Bá tước đứng dậy và đặt tay lên vai giáo sĩ. Cử chỉ của chàng đầy lòng khoan
dung và cảm kích.
- Thôi được! Bây giờ, thưa cha, cha hãy nghe tôi nói và sau đó xin cha về kể lại
đúng nguyên văn lời tôi cho người đã cử cha đến đây. Nếu cha đên để đòi hỏi
tôi chớ co thù địch với cha, giúp cha trong trường hợp bị nghèo đói, tôi sẽ làm
như tôi đã từng làm từ khi tôi đến sinh cơ lập nghiệp quanh vùng này. Nhưng
nếu cha đến đòi tôi phải cuốn gói khỏi nơi này cùng với những người Tin lành
và những tên cướp biển của tôi, tôi sẽ trả lời cha: Không! Và nếu cha đến đòi
hỏi tôi phải sát hại những người Anh và chiến đấu chống lại người Irôcơ chỉ vì
chủ thuyết mà thôi, không phải vì bị khiêu khích thì tôi sẽ trả lời cha: Không!
Tôi không phải là người của các ông, tôi không thuộc của người nào hết. Tôi
không muốn mất thời gian và tôi cho rằng thật vô bổ nếu muốn chuyển qua Thế
giới mới những xung đột ầm ĩ của Thế giỡi cũ.
- Đấy là lời cuối cùng của ông, phải không?
Hai người nhìn nhau.
- Chắc hẳn chưa phải là lời cuối cùng – Perắc lẩm bẩm và mỉm cười.
- Đối với chúng tôi, đấy là lời cuối cùng!
Giáo sĩ đi vào trong bóng cây.
- Đấy có phải là lời tuyên chiến không? – Angiêlic nhìn chồng và hỏi.
- Xem ra có vẻ như thế đấy.
Chàng mỉm cười và đặt bàn tay lên mái tóc của Angiêlic, chậm rãi vuốt ve nàng.
- Nhưng chúng ta chỉ mới ở giai đoạn sơ bộ. Cần phải có cuộc gặp mặt cha
Đoocgiơvan và tôi đang toan tính chuyện ấy. Sau đó thì... Thế đấy, mỗi ngày
thắng thêm một bước, cuối cùng thắng lợi sẽ về ta. Tàu Gunxbôrô từ châu Âu
trở về, một số tàu duyên hải loại nhỏ được vũ trang tốt sẽ đến, và còn cả lính
đánh thuê nữa. Nều cần tôi sẽ đi đến tận Kêbech với hạm đội của tôi. Nhưng tôi
sẽ tiến vào mùa đông sắp tới đây trong hòa bình và trong sức mạnh. Tôi cam
đoan như vậy. Suy cho cùng, mặc dù thù địch và chống lại tôi như vậy, họ cũng
chỉ vẻn vẹn bốn giáo sĩ cho một lãnh thổ rộng hơn cả các vương quốc Pháp và
Tây Ban Nha cộng lại.
Angiêlic cúi đầu. Mặc dù tinh thần lạc quan và lôgic vững vàng trong lời nói
của bá tước đờ Perắc, đối với nàng hình như cuộc tranh chấp sẽ diễn ra ở một
nơi mà những con số về vũ khí và số người không đáng kể đối với các lực lượng
thần bí và không tên mà họ phải đương đầu và đại diện, hầu như ngoài ý muốn
của họ.
Và nàng đoán biết là chàng cũng cảm thấy như nàng.
- Ôi! Lạy Chúa, tại sao anh nói với họ những điều dại dột như thế? – Angiêlic
rên rỉ.
- Những điều dại dột nào, em yêu của anh?...
- Những điều ám chỉ về những con quỷ nhỏ bé người ta tìm thấy trong các hầm
mỏ hay những lý thuyết không biết của thầy tu nào ở Praha xưa kia...
- Anh cố nói chuyện với ông ta bằng ngôn ngữ của ông ta, một đầu óc hơn
người, rất có năng khiếu về nghiên cứu. Ông ta hẳn phải đỗ mười hai lần tú tài
và tiến sĩ, ông ta nhồi nhét đủ các thứ khoa học thần học và huyền bí mà thời đại
của chúng ta phải lấy làm tự hào. Trời đất! Ông ta đến Châu Mỹ này làm gì
vậy?... Những con người man rợ ở đất này còn có lý hơn ông ta.
Perắc hình như vui vẻ một cách ngấm ngầm và không chút xúc động, ngước mắt
nhìn lên vòm cây ủ bóng tối. Một con chim vô hình đang cựa quậy trong đó.
Đêm đã đến, xanh sẫm và êm như nhung, bị những ngọn lửa của lính gác đêm
chọc thủng. Một tiếng người gọi phía sau cành cây mời mọi người vào ăn cơm.
Rồi, trong im lặng trở lại, con chim hú lên, gần đến nỗi làm Angiêlic phát
hoảng.
- Một con cú – Giôphrây đờ Perắc nói – Con chim của phù thủy.
- Ôi! Anh yêu, em van anh – Nàng kêu lên, đưa tay ôm lấy chàng và giấu mặt
vào chiếc áo chẽn bằng da – Anh làm em sợ!...
Chàng khẽ cười và diu dàng say đắm vuốt ve làm tóc mượt của nàng. Chàng
muốn nói lên, bình luận những lời lẽ đã được trao đổi giữa hai người, minh định
ý nghĩa của cuộc nói chuyện giữa chàng và giáo sĩ. Nhưng đột nhiên chàng lặng
thinh, biết rằng Angiêlic và bản thân chàng đã dự cảm đoán biết rằng cuộc
viếng thăm này không là cái gì khác hơn một lời tuyên chiến. Cũng có thể là
một cách để kiếm cớ.
Với thứ khoa học kỳ lạ của những thành viên trong dòng tu của ông ta, người
giáo sĩ trẻ tuổi này đã thành công trong việc làm cho Perắc phải nói ra nhiều, rất
nhiều những điều ông ta muốn biết. Phải công nhận là họ biết cách điều khiển
con người. Họ còn có những thứ vũ khí khác, thật đặc biệt mà bá tước không
thể hoàn toàn coi thường sức mạnh của nó.
Không ngờ sự vui vẻ nhẹ nhàng của Giôphrây đờ Perắc trở nên u ám một cách
hơi khó hiểu, chính là vì chàng sợ cho nàng, cho Angiêlic, vợ chàng.
Chàng ôm nàng vào lòng càng chặt hơn. Ngày nào, đêm nào chàng cũng khát
khao được ôm nàng vào lòng, ôm nàng trong cánh tay mình để cảm thấy chắc
chắn là nàng còn đây. Và không gì có thể đụng tới nàng khi nàng náu mình
trong cánh tay của chàng.
Chàng muốn nói lên điều gì nhưng sợ rằng khi nói lên thì nỗi lo lại ám ảnh tâm
hồn nàng nên chàng đành lặng im.
Chàng chỉ nói:
- Chúng ta thiếu bé Ônôrin phải không?
Nàng gật đầu với vẻ dịu dàng. Sau đó nàng hỏi:
- Con bé ở lại Vaxapu có an toàn không?
- An toàn, em yêu của anh ạ - Chàng quả quyết.
CHƯƠNG 2
Đến chặng dừng chân sau đó, người ta hạ trại.
- Lại đây, - Angiêlic nói với cô bé người Anh Rôđờ An – Trước hết chúng ta
hãy đi tìm cái gì để giải khát đã, cô nghĩ rằng ở đây có thể mua được bia thật
lạnh. Sau đó chúng ta đi mua bán như ở cửa hàng Lâu đài.
Khi Angiêlic bước vào, không một ai nhúc nhích, nhưng đầu họ từ từ quay theo
và mắt họ sáng bừng lên. Sau khi chào khắp lượt, nàng với lấy hai chiếc cốc
bằng kẽm trên mái che của ống khói. Uống một ít bia lạnh là một nhu cầu cấp
bách.
Nhưng để đi tới chỗ chiếc thùng thì phải làm phiền một vị thủ lĩnh người Anh
điêng choàng chiếc áo thêu đang huýt sáo một điệu đến là buồn ngủ, ở phía đầu
bàn.
Bằng tiếng Abênaki, nàng chào ông ta theo đúng nghi thức, đúng lòng kính
trọng và đúng chức tước được chỉ rõ qua những chiếc lông diều hâu cắm trên
búi tóc đen nhánh, có những đuôi sam dài.
Người Anh điêng dường như chợt tỉnh giấc mơ màng, lập tức ngồi thằng dậy.
Đôi mắt ông ta sáng lên lấp lánh. Ông ta nhìn nàng một lúc, lạ lùng và vui thích,
rồi đặt một bàn tay lên chỗ con tim, ông ta duỗi chân phải ra phía trước và cúi
người chào theo kiểu triều đình, không thể chê vào đâu được.
- Thưa bà, làm sao mà xin bà thứ lỗi cho được? – ông ta nói bằng thứ tiếng Pháp
rất giỏi – Tôi chẳng dám mong chờ một sự xuất hiện như thế này. Xin phép cho
tôi được tự giới thiệu: Giăng – Vanhxăng Đabadi, lãnh chúa xứ Raxdắc và các
xứ khác, nam tước đờ Xanh Caxtin, trong cung Hoàng gia tại pháo đài
Pentagôê, thay mặt chính phủ tại thuộc địa Pháp ở Acadi.
- Thưa nam tước, ngài thấy là tôi rất vui mừng được gặp ngài. Tôi đã được nghe
nỏi rất nhiều về ngài...
- Và chính tôi, thưa bà... Không, thật vô ích phải gọi tên bà. Tôi đã nhận ra bà,
mặc dù tôi chưa bao giờ trông thấy bà... Bà là bà đờ Perắc xinh đẹp, rất xinh
đẹp! Mặc dù bao nhiêu câu chuyện đã được kể về bà, sự thật đã vượt qua trí
tưởng tượng của tôi... Bà lầm tưởng tôi là một người Anh điêng?... Làm sao giải
thích được thai độ bất lịch sự của tôi?... Bỗng nhiên trông thấy bà trước mắt tôi
thoáng hiểu ra ngay bà là ai và bà đứng đấy, tôi xúc động, sững sờ và câm đặc
như những người trần gian được các thiên thần đến viếng thăm không biết vì ý
thích thật khó hiểu gì trong những ngày ở lại trên trái đất tối tăm này. Vì thật ra,
vâng, thưa bà, tôi biết bà đẹp vô cùng nhưng không biết bà đẹp và tao nhã đến
như thế này. Hơn nữa, nghe những tiếng Anh điêng mà tôi rất yêu mến từ miệng
bà nói ra và trông thấy nụ cười của bà bỗng nhiên chiếu sáng nơi hang hốc tối
tăm, thô kệch này, cảm giác lạ lùng xiết bao! Tôi sẽ không bao giờ quên điều
này.
- Còn ông, thưa ông, bây giờ tôi đã biết rõ ông là người xứ Gaxcông! – Nàng
kêu lên và bật cười to.
- Thật tình bà tưởng tôi là một người Anh điêng phải không?
- Đúng như thế!
Nàng nhìn kỹ nước da đỏ như đồng hun, long lanh hai tròng mắt đen nhánh, mái
tóc của ôn ta, dáng đứng của ông ta.
- Còn như thế này thì sao? – Ông ta vừa nói vừa cởi bỏ tấm chăn màu đỏ tươi
đính ngọc trai và lông nhím ông ta khoác trên mình.
Ông ta hiện ra trong bộ áo chẽn màu xanh đính giải trang sức bằng vàng của sĩ
quan trung đoàn Carinhang- Xalie, trên cổ đính một vông khăn ngực bằng đăng
ten trắng. Nhưng chỉ trong bộ y phục ấy là ông ta giữa quân phục theo điều
lệnh. Còn lại, ông ta mang xà cạp cao theo kiểu người Anh điêng và giầy da
mộc thay cho quần và ủng.
Ông ta đứng lấy thế, một nắm tay chống trên hông với thái độ kiêu căng của
một sĩ quan trẻ theo hầu nhà vua.
- Và như thế này? Tôi không đúng là một cận thần của điện Vecxay sao?
Angiêlic lắc đầu,
- Không, - nàng nói – Tài nói phệu của ông quá chậm đấy! Thưa ông, trước con
mắt tôi, ông là một thủ lĩnh Abênaki.
- Vâng, thì cứ cho là như thế đi – Nam tước đờ Xanh Caxtin nói một cách
nghiêm trang – Và bà nói đúng.
Ông ta cúi đầu để hôn tay nàng.
Cuộc trao đổi những lời chúc tụng hăng hái và ồn ào và những cử chỉ lịch sự
theo kiểu người Pháp diễn ra một cách thật tự do trong khung cảnh mịt mù khói
thuốc; những người khách đến uống nhìn họ trân trân. Còn mấy người Anh
điêng có mặt trong phòng bận rộn về việc đổi chác thì không hề để ý tới cảnh
đó. Một người đếm từng cái kim một bằng đá nam châm, người kia thử các lưỡi
dao nhíp trên mép bàn quầy, một người thứ ba, đi thụt lùi để đo một tấm da,
đụng phải Angiêlic, người đó bất bình, đấy cho Angiêlic một cái thẳng cánh vì
nàng đã ngáng trở ông ta.
- Thôi, ta đi nơi khác – Nam tước quyết định – Cạnh đây có một phòng con, ở
đấy chúng ta có thể ngồi trò chuyện một cách yên ổn. Tôi sẽ bảo ông già Giôxuê
Hinhghin đem lại cho chúng ta bữa ăn nhẹ. Cô bé con xinh đẹp kia có phải là
con gái của bà không?
- Không, đây là một cô bé người Anh đã...
- Xuỵt! – Viên sĩ quan trẻ tuổi người Gaxcông lập tức ngăn nàng lại, - Một
người Anh!... Nếu người ta biết được điều đó thì cô bé không vào tù, cũng sẽ bị
gọt tóc.
- Nhưng quả thật tôi đã chuộc con bé từ tay những người Anh điêng đã bắt nó –
Angiêlic phản đối.
- Với tư cách là một người đàn bà Pháp, bà có thể tự cho phép mình một số
điều... –Xanh Caxtin nói – Nhưng người ta biết rằng ngài đờ Perắc không có
thói quen đi chuộc những người Anh về để làm lễ rửa tội cho họ. Cấp tai to mặt
lớn không thích điều đó. Như vậy, tốt hơn hết là bà đừng để cho người ta nghi
ngờ con bé là người Anh.
- Ở đây có khối người nước ngoài đấy thôi. Viên trưởng trạm của cái trạm này
chẳng phải là người Hà Lan đó sao, và các nhân viên của ông ta hình như cũng
từ Tân – Anh quốc đến thẳng đây.
- Việc đó chẳng chứng minh cho cái gì hết.
- Nhưng mà họ sờ sờ ra đấy.
- Trong bao lâu?... Bà hãy tin ở tôi, bà nên khôn ngoan một chút. Ôi! Bà bá tước
thân mến – Ông ta kêu lên vừa hôn đầu ngón tay nàng một lần nữa. – Bà xinh
đẹp biết bao và bà đúng như người ta đồn đại!
- Tôi tin rằng trong giới người Pháp người ta đã đồn đại tôi như một con quỷ.
- Bà là một con quỷ - Ông ta khẳng định – Một con quỷ đối với những kẻ như
tôi, những kẻ quá nhạy cảm đối với sắc đẹp của đàn bà... Cũng là con quỷ đối
với những kẻ... Tóm lại, tôi muốn nói rằng bà giống hệt như chồng bà... người
mà tôi ngưỡng mộ và sợ hãi. Thật ra, tôi đã rời khỏi vị trí của tôi ở Păngtagôê và
xuôi theo dòng sông Kenơbếch là để đi gặp ông nhà đấy. Tôi có những thông
báo nghiêm trọng phải chuyển đến cho ông ấy.
- Có chuyện chẳng lành xảy ra đối với Gunxbôrô phải không? – Angiêlic hỏi
mặt tái xanh.
- Không, bà cứ yên tâm. Nhưng hình như ngài đờ Perắc cùng đi với bà. Tôi sẽ
bảo người mời ngài đến đây với chúng ta.
Ông ta đẩy một cánh cửa. Nhưng trước khi Angiêlic tay vẫn nắm tay Rôđơ An,
chưa kịp bước vào phòng bên cạnh thì đã thấy có một người đùng đùng chạy
vào trước ngưỡng cửa căn phòng chính và nhảy đến chỗ Nam tước Xanh
Caxtin.
Đấy là một người lính Pháp, tay lăm lăm khẩu súng trường.
- Phen này thì quả thật đúng rồi, thưa ngài Trung úy – Anh ta rên rỉ - Chúng nó
đang nấu những nồi thức ăn tế cờ... Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thứ
mùi mà tôi có thể nhận ra trong hàng nghìn thứ mùi khác. Lại đây, ngài lại đây,
thử ngửi mà xem.
Anh ta túm lấy ống tay áo người sĩ quan và lôi ông ta ra ngoài.
- Ngửi đi! Ngài thử ngửi xem! – Anh ta vừa nằng nặc bảo, vừa hếch cái mũi dài
ngoẵng ra trông có vẻ như một người làm trò ở hội chợ - Có mùi thơm... mùi
ngô và cầy hầm. Có thật ngài không ngửi thấy mùi mẽ gì không?..
- Trăm thứ mùi – Xanh Caxtin nói, bĩu môi, coi khinh.
- Nhưng tôi thì tôi không lầm đâu nhé. Thối hoắc lên như thế tức là tất cả chúng
nó đang ở trong rừng mở tiệc trước khi ra trận. Chúng nó xơi ngô ninh và thịt
cầy hầm! Để có thêm can đảm. Và chúng nó uống nước, thứ nước từ trên kia kìa
– anh ta nói thêm bằng một giọng kinh tởm làm đôi mắt ốc nhồi của anh ta càng
trố ra.
Quả thật là ngọn gió trên sông có mang lại thứ mùi ngòn ngọt từ trong rừng sâu
và đấy là mùi vị những bữa tiệc của dân bản xứ.
- Tại sao anh lôi thôi lếch thếch thế hả, Ađêma? – Nam tước Xanh Caxtin với vẻ
chăm sóc giả vờ - Anh không nên sung vào một trung đoàn lính thuộc địa nếu
như anh sợ chiến tranh của người Anh điêng đến như thế.
- Nhưng mà tôi xin nói để ngài biết, đấy là do người tuyển quân ở Pháp. Ông ta
cho tôi uống rượu say bí tỉ và khi tôi tỉnh rượu thì thấy mình đã nằm trên tàu
thủy – Anh chàng rên rỉ.
Đến đấy thì bá tước đờ Perắc bước vào, theo sau là người Hà Lan và người
Pháp đã đến gặp chàng khi mới ở trên thuyền xuống.
Họ đã nghe thấy những lời khẳng định của Ađêma về bữa tiệc chiến tranh.
- Tôi tin là anh chàng này nói đúng – Người Pháp nói – Người ta nói nhiều về
những cuộc viễn chinh sắp tới của những người Abenaki để trừng phạt người
Anh hỗn xược. Ông Xanh Caxtin có cùng tham gia với những người Anh điêng
Etsơvơmin của ông không?
Nam tước hình như phật ý và không trả lời. Ông ta cúi chào bá tước đang thân
ái đưa tay ra cho ông ta bắt.
Rồi Giôphrây đờ Perắc giới thiệu hai người bạn với vợ chàng.
Người Hà Lan tên là Pitơ Bôghen.
Người kia là ông Béctơrăng Đêphua với ba người anh em là chủ nhân của một
vòng eo đâts trong tận cùng vịnh Pháp.
Pica, vai u thịt bắp, nét mặt nặng nề và như tạc bằng một thứ gỗ đã bị mặt trời
nung nấu, hình như đã lâu lắm rồi ông ta không có dịp chào hỏi một người đàn
bà đẹp.
Thoạt đầu ông ta tỏ vẻ bối rối, rồi trấn tĩnh lại, mạnh dạn lên nhờ tính giản dị tự
nhiên, ông ta cúi đầu chào thật thấp.
- Phải khao mới được – Ông ta nói – Chúng ta đi uống một chầu.
Một thứ tiếng khò khè nổi lên phía sau làm mọi người quay đầu lại.
Anh lính Ađêma xỉu đi trước khung cửa. Bây giờ anh ta nhìn Angiêlic trừng
trừng.
- Quỉ cái – Anh ta lắp bắp – chính... chính nó đấy!... Vậy mà ngài không nói cho
tôi biết. Thế là không tốt. Tại sao ngài không nói cho tôi biết ngay điều đó, thưa
ngài trung úy?
Xanh Caxtin gầm lên, bực tức.
Ông ta tóm cổ anh lính và bằng một cú đá chắc nịch vào chỗ hiểm, làm cho anh
lính nằm quay đơ trong bụi đất.
- Cái thằng ôn dịch ngu si đần độn! – Ông ta vừa nói vừa thở không ra hơi vì tức
giận.
- Ông ta đào đâu ra được cái của lạ này đây? – Perắc hỏi.
- Nào tôi có biết! Đây là phòng tuyển quân ở Kêbếch gửi về. Phải chăng họ
tưởng rằng Canada chúng ta cần có những tên lính lúc nào cũng sợ hết hồn?...
- Ông hãy bình tĩnh, ông Xanh Caxtin ạ - Angiêlic nói và đặt một bàn tay xoa
dịu lên cánh tay ông ta – Tôi biết anh chàng khốn khổ này muốn nói gì – Nàng
không nhịn cười được – Trông anh ta buồn cười qua đi mất. Mắt anh ta lồi ra
như ốc nhồi. Không phải lỗi tại anh ta. Những lời đồn đại xấu xa trên đất
Canada – và tôi không thể làm gì được đối với điều này – đã làm anh ta khiếp
đảm. Không phải lỗi tại anh ta.
- Thưa bà, như vậy là bà không thấy bị xúc phạm chăng? Thật không chứ? –
Xanh Caxtin nhấn mạnh vừa xoắn tay xuýt xoa theo thói quen của người miền
nam – Ôi! Tôi nguyền rủa những tên ngu ngốc đã lợi dụng lúc bà ở xa và tiếng
tăm bí ẩn của bà để lưu truyền những chuyện hoang đường có tính chất thóa mạ
như vậy.
- Các bạn thân thiết của tôi, các bạn có biết không? – nàng nói – Đối với một
người đàn bà được người ta xem là quỷ cái cũng chẳng phải là chuyện gì xấu xa
đâu. Trong những lời lẽ đó có sự tôn kính ẩn ý đối với một quyền lực thường bị
chối từ. Anh chàng Ađêma khốn khổ không đáng bị đối xử như vậy... Bây giờ
tôi xin ông đừng nói đến điều đó nữa và chúng ta đi uống một chầu. Tôi khát
chết đi được.
CHƯƠNG 3
Perắc mỉm cười, nghe chuyện chỉ bằng một tai, mắt dán vào Angiêlic. Lại một
lần nữa bị nàng quyến rũ vì nhiều khía cạnh trong tính cách đàn bà của nàng.
Chàng nhớ lại ngày xưa khi còn ở Tuludo, bằng một nụ cười và vài lời nói, nàng
đã buộc những người bạn hay ghen nhất của nàng phải phục vụ nàng, và từ đó
họ sẵn sàng chết vì nàng. Chàng thấy mình trở thành chín chắn với kinh nghiệm
về giới đàn bà, tinh thần mạnh mẽ và vui vẻ hồn nhiên, những cử chỉ lịch thiệp
vô song, cái duyên trong những lời ứng đối của chàng.
Bỗng nhiên, chàng nhớ lại, như hồi năm ngoái, khi nàng cùng chàng đổ bộ
xuống các vùng đất này sau hành trình kỳ lạ của con tàu Gunxbôrô, nơi hai
người đã nhận ra nhau và tìm thấy lại nhau.
Lúc bấy giờ nàng có đôi mắt mở to đầy thương cảm, tư thế của người đàn bà bị
săn lùng. Một quầng đen bất hạnh tuồng như bao quanh đầu nàng.
Từ bấy đến nay, chưa đầy một năm trôi qua mà nàng đã lấy lại được vẻ tươi vui,
có dáng dấp của một người đàn bà hạnh phúc. Đây là sự nghiệp của tình yêu và
hạnh phúc, cho dù những thử thách của mùa đông và công việc của chàng!
Chàng đã làm cho nàng sống lại. Và khi bắt gặp cái nhìn của nàng, chàng đã
tặng nàng một nụ cười âu yếm thân thương.
Cô bé người Anh, câm như hến và trắng nhợt ngồi giữa những nhân vật ồn ào,
hết đưa mắt nhìn người này lại đến người khác.
Nam tước đờ Xanh Caxtin kể chuyện hầu tước Đuếcvin, chỉ huy tàu Gunxbôrô
đã giúp những người Tin lành La Rôsen chống cự với hai chiếc tàu của tên cướp
biển Râu vàng. Cuối cùng, cái đã quyết định thắng lợi chính là những loạt đạn
đại bác đỏ lừ. Lửa bốc lên trong các kho chứa, tên cướp phải rút lui về sau các
hòn đảo. Từ đấy, hình như hắn đã câm họng, nhưng vẫn phải cảnh giác.
Bá tước hỏi về hai chiếc tàu chàng đang chờ đợi, một là chiếc Bôxtông, chiếc
kia là Gunxbôrô từ châu Âu về chưa thấy đến trình diện. Nhưng còn quá sớm
vào lúc này. Còn chiếc tàu con đưa người của Cơc Rit xuống cửa sông
Kenơbếch, đã buộc lòng phải đánh nhau với tên Râu vàng và đã về đến cảng, bị
hư hại rất nặng.
- Đây là một sự tai hại mà tên cướp kia phải đền lại cho tôi gấp trăm lần –
Giôphrây đờ Perắc tuyên bố - Hắn hãy chờ đấy. Và nếu hắn không trả lại anh
chàng Thụy sĩ còn sống cho tôi thì tôi sẽ lột da hắn ra. Tôi sẽ đuổi theo hắn cho
đến cùng.
Đêphua cho biết là vịnh Pháp bây giờ đầy rẫy những bọn cướp biển và bọn trấn
lột từ các vùng biển nóng trở về. Biết rằng đến mùa hè các quốc gia phương bắc
Pháp và Anh sẽ nhận những chiếc tàu từ châu Âu tới chở đầy hàng hóa, chúng
tới rình mò ở đây để lục soát các tàu bè mà ít bị nguy hiểm hơn những chiếc
thuyền Tây Ban Nha. Đấy là chưa kể việc đó có thể thu hút các tàu chiến Anh
về Acadi của Pháp với danh nghĩa che chở cho những hạm đội tàu đánh cá của
Bôxtông hay Viêcginin.
- Đấy là chưa kể, thưa ngài Bá tước, những người Anh đó chẳng có công trên
việc dưới gì ở vịnh Pháp này cả, vậy mà cứ tưởng rằng họ muốn làm trời làm
đất gì ở đấy cũng được.
Ông ta nói thêm là, hiện đang dự định đi buôn một chuyến dọc bờ biển, nên ông
ta vừa nghĩ ra một điều.
- Năm vừ qua ngài đã cung cấp lương thực cho tôi rất đúng lúc, thưa ngài đờ
Perắc, trong khi đang sắp sửa chết đói vì thiếu lương thực dự trữ. Nhân đi qua
cửa sông Xanh Giăng, tôi đã nhặt lấy sáu tên lính của đồn gác ngôi pháo đài nhỏ
Xanhtờ Mari và tôi đã đem chúng về để ngài sử dụng.
- Như vậy là, chính ông đã đem tặng chúng tôi anh chàng ngốc mặc áo lính
Ađêma phải không? – Nam tước đột nhiên hỏi.
Người đại lý đặc quyền ở Acadi chống chế:
- Thằng ấy thì người ta bắt tôi phải nhận. Hình như từ Mônrêan đến Kêbech,
đến Hồ thượng và Vịnh nắng, mọi người đều ngán và tìm cách tống khứ hắn đi.
Nhưng còn những đứa khác đều là những thằng khỏe mạnh và biết đánh nhau.
Perắc cười thích thú.
- Tôi cám ơn ông Đêphua. Tôi không coi khinh một số xạ thủ cừ, nhưng ngài đờ
Vônơva và hiệp sĩ Gơrăng Rivierơ đã nói gì về cuộc bắt cóc người của ông?
- Họ đều ở Giécxây. Ở đấy người ta đang chờ đón cuộc viếng thăm của ngài
thống đốc Acadi, ngài đờ Vilơ đavơrê. Cũng chính vì thế mà tôi đã làm một
cuộc viễn du qua Vịnh, làm như thế khôn ngoan hơn. Các cậu em của tôi sẽ lĩnh
trách nhiệm tiếp đón con người hay quấy rầy đó – Ông ta vừa kết luận vừa cười
vang nhạo báng.
- Nhưng tại sao ngài không đặt binh lính của ngài ở Gunxbôrô? – Caxtin hỏi.
- Cơn bão đã đánh dạt tôi đến tận các hải đảo Matinicuxơ – người kia trả lời một
cách đơn giản – Sau đó, một làn sương mù đã giam chân tôi lại bốn ngày. Vì
vậy mà tôi thích tiếp tục đi về phía Tây. Lối đi vào Gunxbôrô rõ chẳng dễ gì mà
vượt qua được. Tôi có thể chạm trán tên Râu Vàng. Nhưng như ông thấy đấy,
cuối cùng rồi chúng ta cũng gặp nhau.
Perắc đứng dậy để đi xem những người lính và các bạn chàng đi theo chàng.
Angiêlic ngồi lại trong căn phòng râm mát. Rượu vang Tây Ban Nha quả thật là
ngon nhưng cũng hơi choáng váng. Rôdơ An uống bia. Cô bé thấy đói. Angiêlic
và cô bé vừa nói với nhau cần phải kiếm chút gì cho vào dạ dày thì một ông già
trông dễ mến đã xuất hiện trước họ và đặt một đĩa đầy những bánh ngọt kẹp mứt
quả xa cúc, giống quả cây óng ánh mà người Pháp gọi là ỏng ảnh mía mọc
thành vùng mênh mông trên đất châu Mỹ.
Ông già mỉm cười và khuyến khích họ ăn. Ông ta có chòm râu cằm nhỏ xíu,
trắng phau và trên nét mặt hiện rõ vẻ tốt bụng, mặc đơn giản một chiếc áo chẽn
màu đen, chiếc quần ống phồng trên đầu gối và theo lối hơi cổ, chiếc cổ áo
trắng và nếp gấp của ông ta khiến Angiêlic nhớ lại cách ăn mặc chung của ông
nàng thời kỳ mà cổ áo bồng xếp nếp còn là mốt thịnh hành. Ông ta tự giới thiệu
tên mình là Giôsuê Pingơrim.
Khi cô bé Rôdơ An đã ăn no nê, ông ta ngồi xuống bên cạnh và thân mật hỏi
chuyện nó bằng tiếng Anh.
Ông ta tỏ ra rất cảm động khi nghe cô bé nói với ông ta là cha mẹ cô bé tên
Uyliam và quê ở Bidơpho- Sêbagô. Ông ta bảo cho Angiêlic biết là ông bà cô
bé Rôdơ An ở cách đây chưa tới 30 dặm, trên sông Anđơrôxcôghi. Ở nơi mà
người Anh điêng gọi là Nihivanich, có nghĩa là đất mùa xuân, cáh đây khoảng
mười năm, họ đã thành lập một vùng thuộc địa hiện đang phát đạt, theo tiếng
Anh gọi chung là Bơrơnxich – Phâuơ. Những người Uyliam này đều là những
tay tháo vát, luôn luôn tiến sâu vào các vùng đất mới.
Ông Giôsuê hiểu rõ những con người như gia đình Uyliam.
Bản thân ông ta từ khi mới lên mười đã cùng với cha, một thương gia Pơlâymút
ở mũi Côđờ đến dựng lên cơ sở khai khẩn ở Huxơnốc ấy. Vì vậy nên người ta
gọi ông cụ là Giôsuê Pingơrim, tức Giôsuê Hành hương. Vì đoàn kiều dân của
ông hồi đó gồm toàn các cha hành hương, và tuy còn rất nhỏ, ông đã đổ bộ từ
một chiếc tàu mang tên Hoa Tháng Năm xuống một vùng đất hoang vu, ở đấy
một nửa số người trong đoàn đã chết ngay trong mùa đông đầu tiên. Sau khi thủ
thỉ kể câu chuyện này, bằng một giọng đắn đo và hơi có vẻ bác học, ông già đi
tìm một vật gì đấy trên giá để sách và trở lại với một chiếc bút bằng lông ngỗng,
một lọ mực và một tấm vỏ cây phong mỏng như một tờ giấy da trên đó ông bắt
đầu vẽ những dấu hiệu. Đấy là một bản đồ hướng dẫn đi đến vùng thuộc địa
người Anh, nơi ở của ông già Bengiamanh Uyliam và vợ là Xara, ông bà nội
của Rôdơ An. Ông cụ giải thích cho Angiêlic rằng đi đến bờ phải con sông
Kenơbếch và đi về hướng đông sẽ tới nơi trong vòng không đầy một ngày.
- Thật là do ý trời – nàng kêu lên.
Ý định của hai vợ chồng nàng bao giờ cũng muốn đem trả lại cô bé cho người
thân nhưng chưa làm được điều đó gặp muôn vàn khó khăn. Đi đến Gunxbôrô,
tức là đi về hướng đông, họ sẽ đi xa về hướng trái ngược với cộng đồng những
người Anh. Vùng đất mà họ đang có mặt hiện nay, vùng Menơ đối với người
Anh, vùng Acadi đối với người Pháp, thật ra là một vùng biên giới mà con sông
Kenơbếch là đường biên giới lưu động, một miền đất không người, không có
chủ mà cũng không có pháp luật.
Ý trời muốn gia đình cô bé đỡ đầu của họ phải ở cách Huxnốc chưa đến mười
dặm đường.
Chiều đến, tất cả trở lại trạm theo lời mời của người Hà Lan muốn mở tiệc
khoản đãi những người khách chính đến thăm trong ngày. Họ bàn bạc trước hết
về khả năng đưa cô bé về nhà.
Người chủ nhà đem đến cho họ mấy tấm bản đồ.
Xem qua đường đi lối lại, những đường mòn và các gò đồi, phải tính mất đến ba
ngày trời vừa đi vừa về mới đến được Huxnốc và trở lại với đoàn người ngựa đi
về hướng tây và về Gunxbôrô. Nhưng Giôphrây đờ Perắc nhanh chóng tìm ra
một giải pháp. Vùng Bơrơnxich- Phâudơ ở ngay trên sông Anđơrôxcôghi. Có
thể đi bằng thuyền và đi nhanh qua con sông này để tới cửa sông Kenơbếch chỉ
trong vòng vài tiếng đồng hồ. Đoàn thám hiểm của bá tước đờ Perắc chia ra làm
đôi, một đội quan trọng nhất, như đã dự tính, sẽ xuôi xuống theo con sông lớn ra
tận biển, ở đấy họ sẽ đón một con tàu do Đuếcvin gửi tới.
Trong lúc đó, Giôphrêy đờ Perắc và Angiêlic có vài người đi theo sẽ đến làng
người Anh và sau khi đã trao lại cô bé cho gia đình, sẽ xuôi dòng sông
Anđơrôxcôghi ra tận bờ biển và hợp điểm với đội đi đầu tiên. Cuối cùng công
việc có thể hoàn tất không quá hai ngày.
PHẦN II: LÀNG NGƯỜI ANH
CHƯƠNG 1
Ngày hôm sau, ngồi trong trạm chuyển hàng, Angiêlic cắm đầu cắm cổ may
một chiếc áo bằng dạ màu đỏ tươi cho Rôdơ An. Gia đình cô bé sẽ sung sướng
thấy cô bé trở về ăn mặc đẹp đẽ chứ không phải là con bé khốn khổ bị những
tên Pháp “ghê tởm” căm thù.
Qua khung cửa sổ mở, nàng trông thấy một chiếc bè qua sông.
Ba con ngựa. Những con ngựa của Môpectuy, người thợ rừng làm công cho
Perắc, đã đem về từ bờ biển hôm qua. Cậu con trai cả của ông ta và Canto cũng
có mặt ở đấy.
Vừa xuống đảo, cậu con trai ba chân bốn cẳng chạy vào, rất sôi nổi.
- Cha con bảo con về nói với mẹ đi ngay tới Bơrơnxich – Phâuơ với Môpectuy.
Cha con không thể đi cùng với ông ta. Con phải làm phiên dịch cho mẹ, sáng
mai hoặc chậm nhất là sáng ngày kia chúng ta sẽ về gặp cha con tại cửa sông
Kenơbếch, ở đó tàu chúng ta đã chờ sẵn.
- Thật đáng buồn – Angiêlic nói – Mẹ chưa khâu xong chiếc áo dài này. Mẹ
không có thời gian để khâu máy cái nơ của chiếc áo lót. Tại sao cha con không
thể đi với chúng ta?
- Cha con phải gặp một vị tù trưởng người Esơmin hay Míc- mác gì đấy, con
cũng chẳng biết... Người này do Nam tước Xanh Caxtin nhất thiết muốn giới
thiệu với cha con. Đối với những người Anh điêng bao giờ cũng phải chớp lấy
thời cơ... dúng, như thế đấy. Họ rất hay thay đổi. Cha con muốn đi ngay không
chần chừ chờ đợi và giao trách nhiệm cho chúng ta đưa cô bé này về nhà. Khi đi
qua, con đã mang theo hành lý của mẹ ở khu trại.
Angiêlic giúp cô bé người Anh mặc chiếc áo dài đẹp vào. Nàng dùng những
chiếc kim găm đinh cổ bằng đăng ten và những ống tay áo mà ông già Giôsuê
đã lấy trong túi hàng nào đó ra. Nàng nhanh nhẹn sửa sang đầu tóc, thắt dây
lưng da, đeo khẩu súng ngắn mà nàng không bao giờ muốn rời.
Ngựa chờ bên ngoài đã được Môpectuy và con trai ông ta đóng yên và giữ
cương. Theo thói quen, Angiêlic kiểm tra lại dây cương và chiếc túi da nàng đã
chuẩn bị từ sáng sớm, nàng xem xét đạn dược của từng người.
- Thôi! Ta đi thôi! – Nàng ra lệnh.
- Còn tôi, tôi làm gì đây bây giờ? – Anh lính Ađêma hỏi. Anh ta đang chờ trước
cửa ra vào, ngồi trên một chiếc thùng đựng rượu úp sấp, khẩu súng trường kẹp
giữa hai chân.
Đây là chuyện ngụ ngôn cho nơi này. Mọi người chế giễu ầm ĩ về chuyện đó.
Đoán biết nỗi sợ hãi khủng khiếp của anh ta đối với Angiêlic, hay là vì không
còn biết làm thế nào nữa, người cai ở pháo đài Xanh- Giăng đã phái anh ta về
làm nhiệm vụ canh gác khẩn cấp cho bà đờ Perắc. Ađêma vừa cảm thấy khổ não
vì phải tỏ rõ tinh thần kỷ luật quân sự, vừa sợ hãi vì mê tín.
Môpectuy nhìn lướt qua anh ta một cách thương hại.
- Ở lại đây, anh bạn ạ!
- Nhưng tôi không thể ở lại đây một mình: đầy rẫy những người mọi rợ.
- Thế thì đi với chúng tôi vậy – anh chàng người Canada nói vẻ buồn rầu – Ông
cai của anh và những người khác đều đã đi với ngài đờ Perắc.
- Đi ư? – Anh lính lắp bắp suýt khóc lên.
- Thôi thì đi! Lại đây, tôi bảo mà. Đúng là không thể để cậu ta ở lại đây một
mình – người cai nói tiếp và nhìn Angiêlic để xin lỗi – Có anh ta thì có thêm
một cây súng.
Họ chào người Hà Lan và một lúc sau khi cập bến kia sông, họ đi vào bóng râm
của khu rừng. Một con đường mòn trông khá rõ chạy dưới những cành cây đi về
hướng tây.
- Đi về đâu ta? – Ađêma hỏi.
- Về Bơrơnxich – Phâuơ.
- Đó là cái gì thế?
- Một làng người Anh.
- Nhưng mà tôi không muốn đến nhà người Anh đâu, tôi ý à! Chúng nó là kẻ
thù.
- Thôi! Câm đi, đồ dở hơi, hãy cất bước.
Bị mùa xuân xâm lấn, con đường mòn chỉ còn trông thấy lờ mờ nhưng mấy con
ngựa vẫn bước đi vững vàng. Với khả năng tiên đoán của súc vật, chúng có thể
nhận biết lối đi của con người mặc dù hàng nghìn vật cản do bờ bụi và những
lùm cây chắn ngang trên lối đi. Mùa xuân hỗn xược đã cào bằng vẻ man sơ của
rừng với những cành cây xoắn xuýt màu xanh, nhưng mềm mại và mới mẻ và
dễ dàng tách ra. Họ nhận ra dấu vết của một ngôi làng Anh điêng bị bỏ hoang
mà người ta đã mách bảo họ. Rồi họ lại tiếp tục đi sâu vào dưới những cành cây.
Một lúc sau, giữa những cây dương rụng lá và cây phong thẳng hàng, họ thấy
nước hồ sáng lóe lên dưới ánh mặt trời phẳng lặng hoàn toàn như một tấm
gương soi. Rồi giờ chính ngọ đến, sự yên tĩnh càng nặng nề trong không khí đờ
đẫn đầy tiếng vo ve của côn trùng.
Angiêlic cho cô bé người Anh ngồi trên mình con ngựa phía sau lưng nàng.
Môpectuy và Canto cưỡi hai con ngựa khác. Ađêma và người Canada trẻ tuổi đi
bộ theo sau, cũng chẳng vất vả gì vì suốt cả chặng đường, ngựa chỉ có thể đi
bước một. Nhưng đối với đàn bà và con trẻ cưỡi ngựa cũng tránh được mệt
nhọc.
Ađêma luôn luôn nhìn quanh nhìn quẩn xung quanh với tâm trạng lo lắng.
- Có người đi theo chúng ta đấy, tôi nói cho mà biết.
Cuối cùng phải dừng lại để làm cho anh ta vừa lòng. Người ta lại dỏng tai lên
nghe ngóng.
- Đấy là con sói con của tôi ấy mà – Canto nói – Con chồn thông.
Thế rồi từ trong những lùm cây, con thú chạy vọt đến bên chân họ, rình nấp như
để nhảy chồm lên, cái miệng nhỏ và trông như miệng quỷ của nó nhe về phía họ
với một cái nhếch mép để lộ hai chiếc răng nanh trắng hếu và nhọn hoắt.
Canto cười giễu cái đầu của Ađêma.
- Cái cái con này, là cái cái con vật gì thế?
- Đấy là con chồn thông và nó sắp sửa ăn tươi nuốt sống chú cho mà xem.
- Này! Nhưng sao mà nó to đùng như con cừu, cái con súc vật kia! – Anh lính
than thở.
Từ đấy, lúc nào cũng thấy anh ta quay đầu lại để nhìn xem con sói con có đi
theo anh ta không, và con vật thích đùa đó thỉnh thoảng lại lướt qua anh ta để
làm cho anh ta giật nảy mình.
- Đi đường với “cái của này” sau gót chân, các người thấy có buồn cười không
cơ chứ!...
Nghe anh ta nói, mọi người đều cười và cô bé Rôdơ An chưa bao giờ được một
mẻ cười như thế.
Khu rừng với những đường uốn lượn dịu dàng đổ xuống những con suối nhỏ và
những dòng sông chảy thành thác, ngược lên đến tận những cao nguyên mấp mé
núi đá mọc toàn thứ cây thông và cây bá hương thấp. Một làn gió thơm lướt qua
sà xuống rất nhanh và lại tìm thấy thứ bọt xanh của vùng cây cối rậm rì với một
niềm vui thích như nhảy xuống biển.
Sau cái nắng ban ngày, một làn gió nhẹ nổi lên làm lá cây soi mình và cánh
rừng thấp rì rào.
Họ dừng lại một lần nữa để xem bản vẽ ông già Giôsuê đã đưa cho họ sau khi
qua một ngôi làng Anh điêng bỏ hoang, lối mòn lại càng vô định. Nhưng Canto
tìm phương hướng trên địa bàn của cậu ta và khẳng định rằng cứ tiếp tục đi theo
hướng đó chắc chắn sẽ đến đích trong hai hoặc ba tiếng đồng hồ.
Không có được tài đánh hơi chính xác như Phlorimong về nghệ thuật đồ bản,
nhưng Canto cũng có được sự nhạy cảm về quan sát như người anh cả của cậu
ta, nhờ vậy mà không bao giờ lạc hướng. Vả lại cả hai anh em đều đã được
người cha huấn luyện một cách nghiêm khắc trong lĩnh vực này. Ngay từ hồi
còn nhỏ, chàng đã làm cho hai con quen với các dụng cụ như máy lục phân,
đồng hồ bấm giờ và các đường hướng theo địa bàn.
Angiêlic vẫn tiếc là Giôphrây đờ Perắc đã không thể cùng đi với họ. Thời gian
càng đi qua nàng càng cảm thấy bối rối về sự ra đi gấp gáp này.
Tại sao Giôphrây lại không có ở đây? Khu rừng này hoang vắng quá, yên tĩnh
quá mà lại ồn ào quá từ khi ngọn gió mới nổi lên!
- Ngài Perắc không nói gì với ông về sự cần thiết của cuộc hành trình vội vàng
hay sao?- nàng vừa hỏi vừa ngảnh nhìn người Canada. Nàng quen biết người
này ít hơn những người khác, vì ông ta không trú đông với họ ở Vaxapu, nhưng
nàng thấy ông ta tận tụy và vững vàng.
- Tôi cũng chẳng trông thấy ngài Bá tước – người đó trả lời – Chính Cờlôvixờ
đã đem thư của ông nhà đến cho tôi.
- Cờlôvixờ ư?...
Một sự báo động chưa rõ ràng bắt đầu vang lên trong người nàng. Có điều gì
không bình thường trong tất cả những chuyện này. Tại sao Giôphrây không viết
thư cho nàng? ĐIều này là khác lạ đối với chàng... Những mệnh lệnh truyền qua
miệng... Cờlôvixờ... Con ngựa của nàng vấp phải một hòn đá sát mặt đất và
nàng phải tập trung chú ý để điều khiển nó.
- Chúng ta đi có đúng đường không đây, Canto?
- Đúng đấy, đúng đấy – Cậu con trai vừa trả lời vừa xem lại bản vẽ và địa bàn
của cậu ta.
Nhưng lát sau, cậu ta xuống ngựa và cùng Pie Giôdép, cậu con lai, thăm dò
xung quanh. Lối mòn đã biến mất trong các bụi rậm. Hai người trẻ tuổi vẫn
khẳng định là phải đi theo hướng đó. Cây cối ngày càng chen chúc sát nhau đến
nỗi chỉ còn là một cái vòm chật hẹp, càng đi vào càng tối om. Đến một khúc