Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Gián án TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (115.7 KB, 5 trang )

TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
ThS. Trần Thanh Hùng
1
ThS. Phan Thị Lý
2

Trong vài ba thập kỷ gần đây, do sức ép của dân số và sự phát triển kinh tế thiếu
tính toán, các nguồn tài nguyên trên trái đất ngày càng vơi cạn, môi trường bị suy thoái
nghiêm trọng, thậm chí ở một số vùng có nguy cơ bị phá huỷ hoàn toàn. Hàng loạt các vấn
đề về môi truờng đã nảy sinh như biến đổi khí hậu toàn cầu, suy thoái đa dạng sinh học,
suy thoái tầng ô zôn, hoang mạc hóa đất đai,... Các vấn đề nêu trên đang là những thách
thức đối với sự sống còn của loài người. Trước tình hình đó, chính phủ và nhân dân các
nước không thể thờ ơ trước lời kêu gọi của nhiều tổ chức quốc tế: Hãy cứu lấy trái đất!
Một trong những giải pháp đang được nhiều quốc gia triển khai nhằm "cứu lấy trái đất" là
chuyển chiến lược phát triển thiếu kiểm soát lâu nay sang chiến lược Phát triển bền vững
"Phát triển bền vững là phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà
không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở
kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội và
bảo vệ môi trường" [6, tr. 9]. Như vậy, để phát triển bền vững, bên cạnh phát triển kinh tế
– xã hội, cần phải quan tâm xây dựng một môi trường sống an toàn không chỉ ở hiện tại mà
cho cả các thế hệ tương lai. Bảo vệ môi trường không còn là nhiệm vụ của một tổ chức hay
cá nhân riêng lẻ nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính vì vậy cần phải đẩy mạnh
công tác "giáo dục môi trường", phải làm sao cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành nếp
sống thường nhật của mỗi người.
Hiện nay, ở nước ta, việc giáo dục môi trường đang được lồng ghép trong chương
trình giáo dục ở các trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học và bước đầu mang lại
hiệu quả trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh, sinh viên. Với mong
muốn góp thêm một hình thức giáo dục môi trường thông qua cuộc vận động "Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu vấn đề
"Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền


vững".
Lúc sinh thời, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn cuộc
sống của mình với thiên nhiên, môi trường. Thiên nhiên không những là nơi cung cấp
những điều kiện sống và công tác mà với Người, thiên nhiên là người bạn, người cổ vũ,
1
Giảng viên Khoa Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Thủ Dầu Một
2
Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Thủ Dầu Một
1
chia sẻ buồn vui. Ở thiên nhiên, Người tìm thấy một sự quân bình trong tâm hồn lúc thảnh
thơi hay trong những giờ phút căng thẳng. Vì thế, thiên nhiên (sông, núi, trăng, sao, chim,
hoa ...) thường xuất hiện trong thơ của Người ngay cả khi Thân thể ở trong lao, hay giữa
núi rừng Việt Bắc, khi Người Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà...
Thấy được vai trò to lớn đó của thiên nhiên nên Người chủ trương sống hòa hợp
với thiên nhiên, môi trường. Theo Người, môi trường sống là yếu tố quan trọng đảm bảo
sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và giúp cho họ công tác tốt. Chính vì vậy, Người luôn căn
dặn cán bộ phải chọn những nơi ở đảm bảo các "Phương châm", các "điều kiện" sau: "Trên
có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui .. Nhà thoáng, ráo, kín, mát." [3, tr. 73].
Khi trở về Hà Nội, trong khu nhà đơn sơ của mình, Người đã tạo ra một môi trường thiên
nhiên tuyệt đẹp. Người trồng nhiều cây trong vườn, chăm chút như chăm người ốm. Người
chăm sóc ao cá và không cho phép ai xua đuổi hoặc bắn chim trong vườn. Người nói:
Chim là của quý của thiên nhiên, phải bảo vệ chúng. Nhà thơ Cu-ba P. Rodrighet sau khi
đến thăm nhà sàn Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội đã nhận xét: "Chúng tôi được biết có hai điều
Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi
nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng,
trong đó hiện ra những cành cây, và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống" [3, tr.
67]
Đồng thời, Người luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường sống trong
lành từ những việc làm nhỏ hàng ngày đến những kế hoạch lớn của đất nước. Nếu chúng ta
liên hệ đến thời điểm giữa thế kỷ XX, thời điểm mà vấn đề môi trường chưa đặt ra cấp

bách như hiện nay và trong hoàn cảnh đất nước đang trải qua hai cuộc kháng chiến gian
khổ để bảo vệ độc lập dân tộc thì chúng ta sẽ thấy được tầm nhìn sâu sắc, lâu dài của
Người vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong sinh hoạt hàng ngày, thông qua những việc làm nhỏ của mình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh thể hiện rõ mong muốn xây dựng một môi trường sống trong lành cho các thế hệ
tương lai.
Họa sĩ Diệp Minh Châu, người đã từng có một thời gian được sống gần Chủ tịch
Hồ chí Minh tại chiến khu Việt Bắc vẫn cón nhớ mãi một câu chuyện: Hôm đó "chủ tịch
phủ" phải dời đi nơi khác, anh em lo xếp gọn mang dụng cụ, tài liệu và dỡ chòi. Châu thấy
Cụ Hồ hì hục đào hố trồng một cây quýt. Lấy làm lạ, Châu hỏi: Dời nhà rồi Bác, Bác còn
trồng gì? Cụ Hồ đáp: "Ít bữa nữa cây quýt lớn lên, có trái, người đi đường, đi rừng có thể
đỡ khát được" [3, tr.73]. Như vậy, trong một hành động nhỏ của Người đã ẩn chứa mong
2
muốn rất cao đẹp. Với Người, trồng cây không chỉ để có bóng mát, trái ngọt cho hôm nay
mà còn góp phần để lại thành quả ngày mai.
Dù ở đâu, trong thời gian dài hay ngắn Người đều tự tay trồng những cây xanh làm
tốt tươi những nơi mình đi qua. Nhân dân địa phương thường gọi bằng cái tên trìu mến
"Cây đa Bác Hồ". Chủ tịch Hồ Chí Minh còn muốn đi xa hơn nữa. Người không chỉ tạo
cho mình môi trường sống trong lành, hòa hợp thiên nhiên mà còn muốn tạo ra điều đó cho
nhân dân Việt Nam, để lại lợi ích cho muôn dời. Chính vì thế, Người đã phát động một
phong trào trồng cây rộng lớn trong toàn thể nhân dân, từ các em thiếu nhi, thanh niên cho
đến các cụ phụ lão. Người viết: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều.", Theo Người, mỗi
người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây, nếu tất cả nhân dân miền Bắc đều trồng từ một
đến ba cây trong một năm, bắt đầu từ năm 1960 thì mỗi năm có thêm 15 triệu cây. Và
"trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ
đầy đủ hơn"[4, tr. 566]. Người diễn đạt ý nghĩa của việc trồng cây bằng thơ để ai cũng
hiểu, cũng nhớ: "Muốn làm nhà cửa tốt,/ Phải ra sức trồng cây./ Chúng ta chuẩn bị từ
rày, /Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà".
Mùa xuân năm 1960, phong trào "Tết trồng cây" bắt đầu được phát động trong
nhân dân. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cố gắng đưa "Tết trồng cây" trở thành một

phong tục tốt đẹp của nhân dân ta mỗi khi xuân về, tết đến.
Mỗi khi đi thăm các địa phương, trường học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chú ý nhắc
nhở công tác vệ sinh môi trường và động viên mọi người tích cực trồng cây. Đến thăm
thôn Lạc Trung (Vĩnh Phúc), Người nhấn mạnh: "Muốn làm nhà thì phải có gỗ, muốn có
gỗ thì hãy hăng hái trồng cây" [5, tr. 258]. Nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô ngày 9-5-
1961, Người động viên: "Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây
sẽ đưa lại cho nhân dân nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp" [5, tr. 354]. Khi
về thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người nói: "Lần trước đến thăm trường, Bác có
nói hai điểm: một là vệ sinh, hai là trồng cây. Vệ sinh ở đây còn kém! Về trồng cây, Bác
bảo nên trồng nhiều cây" [5, tr. 330]....
Trong những dịp nói chuyện với thiếu nhi, thanh niên, Người không quên nhắc
nhở, động viên các em trồng cây. Nói chuyện với thiếu niên, nhi đồng trong dịp Tết Trung
thu năm 1960, Người căn dặn: "Các em tiếp tục trồng cây nhiều nữa. Ở thành thị cũng như
ở nông thôn các em nên thành lập những đội nhi đồng chăm nom cây cối để giúp đồng bào
trồng cây nào sống cây đó, tốt cây đó" [5, tr. 220]. Đồng thời, với những địa phương, đơn
vị không thực hiện tốt nhiệm vụ trồng cây, Người thẳng thắn phê bình. Người phê bình
nhân dân Thái Nguyên: "Việc trồng cây gây rừng chưa được coi trọng, trồng cây nhưng
3
chưa chú ý chăm sóc để cây chết, cán bộ, công nhân khu gang thép đốt cháy mất hơn 2 vạn
cây" và yêu cầu "phải ra sức bảo vệ rừng, không để gây ra cháy rừng" [5, tr. 98]. Đồng
thời, với những địa phương đơn vị có thành tích về vệ sinh và trồng cây, Người có lời khen
ngợi và nêu gương. Người khen thầy trò Trường Trung cấp Thể dục thể thao (tiền thân của
Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn ngày nay): "Ở đây các cháu có phong trào tăng
gia sản xuất tốt, nhưng phải trồng thêm nhiều cây xanh...". Người dặn thêm: "Nên cố gắng
trồng nhiều cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng" [1, tr. 98]. Người nêu tấm gương
về thôn Lạc Trung (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc): "Thôn Lạc Trung hồi kháng chiến bị giặc
Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào. Nhờ trồng cây có kế hoạch nên từ một thôn trơ
trọi chỉ sau vài năm Lạc Trung trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường...Bà con
xem đó, do Tết trồng cây mà đất nước ta càng thêm xanh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu
có" [5, tr.263-264].

Ngày nay, chúng ta có những rừng thông, rừng phi lao bát ngát, xanh rờn dọc chiều
dài bờ biển, những con đường lớn, đường nhỏ được viền cây xinh xắn, những ngọn đồi
được phủ xanh bóng mát,... Tất cả những khung cảnh này đã được Người sớm hình dung
và cố gắng gây dựng bằng những "Tết trồng cây" đầy ý nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng trồng cây ở nước ta, mà Người còn
mong muốn việc làm đó phát triển ở nước khác. Trong những lần đi thăm các nước bạn,
gặp gỡ nhân dân các nước đó hoặc khi đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia ở nước mình,
Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây đại ở Ấn Độ,
trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là "những cây hữu nghị" và nhân dân địa
phương gọi là những "Cây Bác Hồ". Các cây ấy lớn theo thời gian, không chỉ biểu hiện của
tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và bầu bạn thế giới mà còn thể hiện ý
thức làm đẹp môi trường sống.
Chính xuất phát từ mong muốn và tầm nhìn về sự phát triển bền vững của nước
nhà, trong bản di chúc ngày 15-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi yêu cầu thi hài tôi
được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ
biến vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ có
nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn...Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi,
chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch
trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây
ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh lại lợi cho nông nghiệp" [2,
tr.25-26]. Những lời nhắn nhủ này không những khiến chúng ta bùi ngùi xúc động trước sự
4
giản dị, khiêm nhường của một vị chủ tịch nước, mà ngày nay mỗi khi đọc lại, chúng ta
càng thấy được mong ước lớn lao của Người về một nước Việt Nam tươi đẹp, vững bền.
Như vậy, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những dành trọn cuộc đời
mình đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, mà với mong ước
non sông, đất nước đời đời tươi đẹp, nhân dân Việt Nam mãi mãi được hạnh phúc vẹn
tròn, Người sớm hình dung và chỉ ra những định hướng phát triển lâu dài cho đất nước.
Định hướng đó không chỉ là những tư tưởng về xây dựng con người và môi trường xã hội
mà còn nhằm xây dựng môi trường tự nhiên. Nhiều tư tưởng của Người về phát triển bền

vững đã trở thành hiện thực. Ngày 17-8-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị
định Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó đã thể hiện và phát
triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển bền vững. Đồng thời, đối với toàn thể nhân loại,
chiến lược phát triển bền vững cũng đang là định hướng phát triển lâu dài với sự ra đời của
Chương trình Chăm lo cho trái đất và Chương trình trồng rừng, bảo vệ rừng.
Hiện nay, nhiều vấn đề bức xúc về môi trường đang đặt ra ở nước ta, trong đó nổi
bật là việc khai thác rừng quá mức gây hậu quả hết sức nghiêm trọng cho sản xuất nông
nghiệp và đời sống nhân dân. Do đó, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải thấy được tầm
quan trọng của việc trồng cây, gây rừng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ nửa thế kỷ
trước. Học tập tấm gương của Người, chúng ta cần đẩy mạnh phong trào trồng cây trong
mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thực hiện đúng tư tưởng của Người: trồng cây phải có
kế hoạch dài hạn, tiến hành thường xuyên, đồng bộ chứ không chỉ một năm và ở một số
địa phương nhất định; phải chú trọng trồng cây và chăm sóc cây, bảo đảm "trồng cây nào
sống cây đó, tốt cây đó", tránh việc tiến hành hình thức, chạy theo diện tích, số lượng. Mặt
khác, cần tạo điều kiện cho lực lượng học sinh, sinh viên trong các trường học tham gia
phong trào Tết trồng cây vì đây là hoạt động vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa mang ý nghĩa
giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sâu sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bác Hồ với thể dục thể thao Việt Nam (1995), Nxb Thể dục thể thao, Hà Nội.
2. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2007), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Trần Văn Giàu (2008) Vĩ đại một con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 9 (1958-1959) (2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10 (1961-1962) (2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Luật bảo vệ môi trường (2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5

×