Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Tài liệu Một góc nhìn Xuân Diệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.65 KB, 5 trang )

Một góc nhìn Xuân Diệu
19-01-2011
TÔN PHƯƠNG LAN
1. Tôi nhìn thấy Xuân Diệu lần đầu tiên ở quê tôi - làng Nhượng -
khi đó còn chưa có chiến tranh. Trong hành trình về quê hương Hà Tĩnh
nói chuyện thơ thì quê tôi là một điểm đến của ông. Đó là một buổi tối
đẹp trời. Cử tọa vòng trong vòng ngoài kín cả sân trụ sở Ủy ban xã:
ngoài giáo viên, học sinh còn có nhiều người làm nghề chài lưới và các
chị ở nhà chuyên nuôi con và nội trợ. Trước một cử tọa đông và háo
hức, Xuân Diệu nói rất say sưa về thơ mình. Mỗi lần bình xong một bài,
đọc lại toàn bộ bài thơ đó, ông lại cúi đầu chào và tất cả cử tọa lại vỗ
tay nồng nhiệt.
Người nghe như bị ông hút hồn vì ở một miền đất vốn yêu và khát văn chương (thời
bấy giờ phương tiện truyền thông quá hiếm so với bây giờ) mà lại được thực mục sở thị
một nhà thơ danh tiếng như Xuân Diệu là một điều hiếm nên dường như không có ai bỏ về
giữa chừng. Đang lúc cao trào thì một chị mang theo con nhỏ bị nó đòi đi tiểu. Chắc bỏ ra
thì tiếc, lại sợ mất chỗ ngồi tốt, chị ta đành hồn nhiên mà cho con tè tại chỗ. Nhiều người
thấy vậy khó chịu vì cảm thấy quá mất thể diện với ông. Nhưng Xuân Diệu không lấy điều
đó làm vì, vẫn tiếp tục một cách say sưa. Sau này, tôi mới biết rằng, ông ghi nhận đằng sau
những cử chỉ không được lịch sự lắm đó của những người dân quê là tình cảm, nhiệt tình
của độc giả đối với ông và tình yêu đối với văn thơ. Với ông, điều đó rất cần.
Có hàng trăm buổi bình thơ trước công chúng thôn quê, tôi chắc những trường hợp
như trên không là hy hữu. Bởi khi Xuân Diệu bình thơ, nói chuyện thơ, ông có một sức hấp
dẫn lạ lùng.
Một trường hợp khác mà gần đây Giáo sư Hà Minh Đức có kể lại trong cuốn Xuân
Diệu - vây giữa tình yêu. Hồi đó tôi, Mai Hương và Bích Thu còn trẻ và cùng mới về nhận
công tác tại Viện Văn học. Một buổi tối, Giáo sư dẫn chúng tôi đến thăm Xuân Diệu tại
nhà riêng trong biệt thự có cây hoàng lan nằm trên một con phố yên tĩnh. Căn phòng ông ở
không thật rộng, có lát gạch hoa, lại có nhiều giá xếp đầy sách. Trên bàn làm việc có mấy
bông hồng trắng cắm trong chiếc cốc thuỷ tinh càng tôn thêm vẻ quý phái, lịch lãm của chủ
nhân. Trong không khí thoải mái, câu chuyện giữa ông với thầy trò chúng tôi đã diễn ra rất


thân mật.
Tôi ngồi nghe ông nói và tranh thủ quan sát khuôn mặt, mái tóc bồng bềnh của ông,
nhất là mỗi khi ông ngúc ngắc cái đầu lúc này tóc đã bạc. Tôi còn nhớ lúc ra về tôi nhanh
nhảu giơ tay bắt tay ông và buột miệng chào ông bằng bác (vì lúc đó tôi nghĩ ông hơn tuổi
bố tôi nên xưng hô thế là phải phép). Không ngờ, ông lại ngắc ngắc cái đầu theo thói quen
tỏ vẻ thật sự ngạc nhiên với cái giọng Bình Định nhấn và kéo dài từng âm tiết một như đay
đả: là bác à. Cái đại từ này tôi nghe nó lạ quá.
Tôi lúng túng chưa biết nói thế nào thì may quá, thầy Hà Minh Đức đã đỡ lời. Các cô
này cũng còn trẻ cả đấy. Tuy nhiên, chỉ nên gọi bằng anh cho dễ vì anh Xuân Diệu đây là
nhà thơ tình…. Rút kinh nghiệm sau lần đó, tôi cũng đỡ lúng túng hơn khi chọn đại từ
xưng hô với các nhà thơ, kể cả các nhà thơ lớn tuổi như Huy Cận và Tế Hanh. Nhưng với
Tô Hoài thì tôi vẫn gọi bằng bác, dù Tô Hoài ít tuổi hơn. Có lẽ vì ông không phải là nhà
thơ tình?
Lần cuối cùng tôi gặp Xuân Diệu là dịp Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc
năm 1985 mà tôi được tham dự. Tối hôm trước, có cuộc giao lưu giữa các đại biểu và các
nhà văn Thủ đô. Chúng tôi chỉ biết là ông đang bị mệt vì không thấy ông đến. Sáng hôm
sau, vừa đến hội trường chúng tôi bàng hoàng nhận được thông tin là ông mất đêm qua do
nhồi máu cơ tim. Khi Ban tổ chức chính thức thông báo, chúng tôi đã dành thời gian để
mặc niệm ông. Không khí trong Hội trường trầm hẳn xuống khi nhà văn Lữ Huy Nguyên
thay mặt Ban tổ chức đọc bài viết dài 20 trang đánh máy cuối cùng vốn là tham luận ông
viết cho Hội nghị.
Chúng tôi lắng nghe và hình dung ra trước mắt mình vẫn là một nhà thơ Xuân Diệu
với thói quen thỉnh thoảng lại ngúc ngắc cái đầu đang ân cần dặn dò lớp nhà văn trẻ bằng
sự trải nghiệm của cuộc đời hơn năm mươi năm cầm bút, bằng tình thương yêu đối với lớp
trẻ chúng tôi và bằng tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp văn học của dân tộc. Sau đó,
một số đại biểu rủ nhau vào ngay bệnh viện Việt-Xô. Một số tham gia lo việc tang lễ. Hôm
đưa tang ông, một trong số những đại biểu trẻ được vinh dự khiêng linh cữu ông vào nhà
tưởng niệm, túc trực rồi sau đó khiêng quan tài ông đưa ra xe tang.
Tôi đã chứng kiến nhiều đám tang của văn nghệ sĩ ở trụ sở 51 Trần Hưng Đạo. Có lẽ
sau đám tang Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh thì đám tang Xuân Diệu là đông và xúc động

nhất: cả một rừng người và một rừng những vòng hoa màu. Rất nhiều người khóc. Những
ai đến viếng ông chắc họ đều hơn một lần đọc và thuộc ít nhiều thơ ông. Biết đâu những
câu thơ tình của ông từng là nhịp cầu tình yêu cho bao đôi lứa?
Trong đám tang đó, duy nhất có một bó hoa trắng (màu hoa chỉ sự trinh trắng,
thường dùng trong đám tang của người chưa lấy vợ lấy chồng hoặc trẻ em) rất đẹp - giống
như hoa tết dùng cho sinh nhật bây giờ, là của đạo diễn Bạch Diệp đến viếng. Tôi đi bên xe
tang cạnh nhà thơ Hoàng Trung Thông lúc này cũng đang im lặng nhưng mắt thì đỏ hoe.
Chúng tôi nhìn màu trắng của hoa - những bông hoa từ chính người đàn bà danh chính là
vợ duy nhất của ông dầu họ sống chung với nhau trong một quãng thời gian không dài; và
đưa mắt cho nhau, ngậm ngùi ngẫm nghĩ về ông mà thương ông khôn xiết. Tôi chợt nghĩ:
liệu trong bấy nhiêu thành quả lao động đồ sộ mà ông để lại cho đời có bao nhiêu phần
trăm là kết quả của một sự lao động để mà lãng quên nỗi bất hạnh về giới tính của mình?
2. Theo như cách nghĩ của tôi, Xuân Diệu là người có ba quê : quê cha, quê mẹ và
quê nơi mình lớn lên, lập nghiệp và trưởng thành. Cả ba quê ấy, theo những cách khác
nhau đã thẩm thấu vào tâm hồn ông, tạo nên tính cách, con người ông khá rõ.
Với Xuân Diệu sự sống đúng là không bao giờ chán nản. Ông là người lao động cần
cù với cái nghĩa đúng nhất, đầy đủ nhất. Không biết có phải do hoàn cảnh? Do bẩm sinh?
Do tính cách? Hay là sự lựa chọn? Ông lao động chữ nghĩa như một người khổ sai suốt cả
cuộc đời mình. Có mặt gần như trên hầu hết các thể loại văn học: thơ, văn xuôi, tiểu luận
phê bình, nghiên cứu, dịch thuật, ông còn làm báo, làm tuyên truyền, làm cán bộ xuất bản,
làm công tác bồi dưỡng những người viết trẻ, đi bình thơ trước công chúng, giới thiệu văn
học nước ngoài vào Việt Nam và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Chỉ riêng công việc khảo cứu các nhà thơ cổ điển của ông, từ góc nhìn của một
người làm nghiên cứu, chúng tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục! Chưa kể ông còn là một
người tham gia hoạt động xã hội tích cực, sẵn sàng phục vụ cách mạng, phục vụ kháng
chiến. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp lớn. Trong chiến tranh, ông đã vào
tuyến lửa khu IV không dưới mười lần.
Sau ngày đất nước thống nhất, dù đã bước vào tuổi lục tuần và giao thông ngày ấy
không hề thuận lợi ông vẫn tranh thủ đi khắp miền Nam. Đi đâu, đến đâu, ông cũng tìm
cách “giao cảm với đời” và có được những bài thơ mang dấu ấn của miền đất đó. Những

năm cuối đời nhìn sang lớp bạn bè đi kháng chiến một số đã lần lượt ra đi, ông ý thức cái
chết như một quy luật tự nhiên sẽ đến vì quỹ thời gian của ông đã như miếng da lừa đang
ngày càng co nhỏ lại. Ông hiểu rằng “con người cần phải biết nhìn về nơi chốn cuối cùng
của mình để những ngày tồn tại trên trái đất này sao cho xứng đáng”. Nên ông dồn hết mọi
thời gian, tranh thủ từng phút, từng giờ để làm việc.
Những kỷ niệm, những câu chuyện, giai thoại về sự cần cù, về ý chí, nghị lực của
ông đã tỏa ra quanh ông một vầng hào quang nửa hư nửa thực về một sức làm việc phi
thường vào thời điểm trên bom dưới đạn, vào thời buổi gạo châu củi quế, người người chỉ
lo vào việc mưu sinh. Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết về ông “Suốt một thế kỷ qua
hầu như ngày nào anh cũng viết, đến nay đã có mấy nghìn trang sách. Thế mà không hề có
một dòng nào thờ ơ, không có một dòng nào lãnh đạm. Xuân Diệu không khi nào nói để
mà nói, viết để mà viết. Trong ngôn ngữ của anh, khi cởi mở, khi cay nghiệt, lúc tỉnh táo,
lúc mê say, luôn đập một trái tim trung thực, luôn hồi hộp một nỗi niềm khám phá”.
Nhiều bạn văn của ông cũng đều nói rằng Xuân Diệu là một người rất trung thực,
lắm khi trung thực đến hồn nhiên nên dễ bị người khác nghĩ ông có phần nghiệt ngã (chỗ
này người ta không tiện nói là ông vụng). Ông không ngần ngại nói ra những bài thơ nổi
tiếng trước cách mạng của ông đã ảnh hưởng nhà thơ Pháp nào kể cả khi ông sang Pháp
nói chuyện trước Việt kiều đã đành mà đối với thơ của một số cây bút vào nghề, ông cũng
vạch ra một cách thẳng thừng, dù rất tận tâm về cái được và chưa được, khiến họ thoạt đầu
không khỏi khó chịu, nhưng qua cơn tự ái thì lại cảm phục và kính trọng ông. Tôi nghĩ đức
tính cần cù, ham học, giàu ý chí, nghị lực kể cả tính trung thực đến vụng về này là một đặc
tính của người xứ Nghệ mà chắc ông được di truyền từ dòng máu của cha mình.
Trong số những câu chuyện “đời thường” được nhiều người kể lại thì ấn tượng hơn
cả là việc Xuân Diệu rất coi trọng chất của bữa ăn. Đặc điểm này gắn rất chặt với tính mục
đích cao vốn là một phẩm chất nổi trội trong cung cách làm việc của ông. Là người có
quan niệm sống thiết thực, luôn coi trọng hiệu quả cụ thể, ông quan niệm một cách rất thực
tế rằng “có thực mới vực được đạo”.
Ngót ba mươi năm ông đi xa rồi thế nhưng những người trẻ tuổi đọc và yêu thơ ông
giờ đây chắc cũng khó hình dung nổi một ông hoàng thơ tình - tác giả của những câu thơ
nồng nàn tinh tế, những câu thơ đã thành kinh điển cho những người đang yêu của nhiều

thế hệ - mà lại phải tính toán lượng calo cần thiết cho cơ thể mỗi khi mua thức ăn và tằn
tiện trong chi tiêu!
Mẹ Xuân Diệu là người Bình Định nhưng từ nhỏ, ông đã bị bố “bắt” về ở với mẹ già
và những năm ông sống ở Hà Nội, người mẹ già ấy đã ở cùng ông. Dân Nghệ xưa nay vẫn
được (hay bị) gọi là dân cá gỗ vì họ vốn nghèo nên phải tằn tiện, chắt chiu trong sinh hoạt.
Xuân Diệu là người gốc Nghệ. Tính tằn tiện, căn cơ đó của ông chắc có yếu tố di truyền,
thậm chí là được củng cố cả từ ảnh hưởng những bạn bè là dân “cá gỗ”. Như chúng ta đã
biết, đó lại là những năm kinh tế đất nước rất khó khăn… Nhưng mặt khác cũng phải thấy
rằng vì coi trọng chất lượng bữa ăn mà những năm bao cấp khó khăn đó, Xuân Diệu vẫn
đủ sức khỏe để đảm đang một khối lượng công việc đồ sộ đến vậy.
Ông là người sống theo điều mình thích, vẫn ham viết, ham đọc, cần mẫn như một
con ong thợ. Theo Vũ Quần Phương thì trong sổ ông lúc nào cũng có thơ chưa in, trong
lòng lúc nào cũng có điều định viết và bao giờ cũng có tác phẩm xếp hàng ở nhà xuất bản.
Ông kể là một bài của ông thường phải quay vòng đủ 4 lần: viết cho hội thảo, hội nghị, sau
đó đọc ở Đài phát thanh, in báo và sau cùng là in vào sách. Chưa kể xuất bản miệng!
Tôi không biết trong con người Xuân Diệu có nét nào là đặc trưng của Bình Định
quê dừa, ngoài giọng nói còn mang âm sắc miền Nam rất rõ. Nói rằng ông là người có trái
tim đa cảm, mặn mòi, có tâm hồn luôn rộng mở… là riêng từ người mẹ truyền sang thì tôi
e nói lấy được! Thì Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và bao danh nhân khác của đất Hà Tĩnh
đấy thôi. Cả Huy Cận bạn ông nữa: tâm hồn và trái tim của họ như cây đàn muôn điệu.
Có nhiều người đã nói về cái chất trữ tình trong tư chất của con người Hà Tĩnh khi so
sánh cụ thể với người anh em song sinh Nghệ An vốn chất cách mạng đậm đà hơn! Có lẽ
nói cho công bằng thì đó là cái phần hoà hợp giữa hai tâm hồn bố mẹ để rồi có một Xuân
Diệu thi sĩ, một Xuân Diệu đa tình trong… thơ. Tư chất đó đã góp phần làm nên một trong
những gương mặt sáng giá nhất của nền thơ Việt Nam thế kỷ XX. Như ông từng viết Đội
ơn Thầy, đội ơn Má sinh con/ Cảm ơn Thầy vượt Đèo Ngang bất kể/ Cảm ơn Má biết yêu
người xứ Nghệ/ Nên máu con chung hoà cả hai miền.
Đương nhiên, để có nên một Viện sĩ, một nhà văn hoá Xuân Diệu thì phải có Thăng
Long - Hà Nội. Hà Nội không chỉ là nơi ông học Đại học, là nơi ông sống để rồi trở thành
một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới. Hà Nội là nơi để cho tài

năng Xuân Diệu trưởng thành và phát triển, là nơi ông bước qua những mặc cảm về một
tuổi thơ nghèo khổ để hoà nhập vào một môi trường văn hoá, thâu nạp vào mình những
kiến thức từ sách vở, từ công việc, bạn bè. Đó là nơi có căn phòng nhỏ mà ông đã sống
trong ba mươi năm cuối cuộc đời cùng một mái nhà với người bạn tri ân tri kỷ Huy Cận, là
địa chỉ tin cậy, nơi lui tới thường xuyên của mấy thế hệ nhà thơ, nhà văn - những người
chủ chốt đã làm nên nền văn học cách mạng. Cho nên, tôi nghĩ, cả Bình Định, Hà Tĩnh và
đương nhiên là Hà Nội nữa, tự hào vì có Xuân Diệu. Cả ba quê đó đã hoà hợp để hình
thành nên tư chất văn hoá nơi ông.
Những người làm công tác nghiên cứu chúng tôi cũng rất cảm ơn ông đã để lại một
gia tài đồ sộ, phong phú và đặc sắc. Tinh thần làm việc cần cù, nghiêm túc với một ý chí,
nghị lực phi thường, một tinh thần dũng cảm vượt qua những khó khăn, bất hạnh để “nhìn
đời bằng đôi mắt xanh non” của Xuân Diệu cũng là bài học lớn cho những ai muốn đi xa
trên con đường học tập và nghiên cứu.
(Bài liên quan:Trái đôi Xuân Diệu-…Trang riêng)

×