Đi tìm cách đầu tư tiền dư lợi nhất
Đồng tiền phải được luân chuyển, đưa vào lưu thông để "tiền đẻ ra
tiền" mới là đồng tiền sống. Trong hoàn cảnh hiện nay, những người
có tiền dư nên sử dụng chúng như thế nào để có lợi nhất?
Gửi tiền tiết kiệm? Từ vài năm nay, gửi tiết kiệm có lãi suất danh nghĩa khá cao, có ngân hàng
hiện đã ở mức 0,77%/tháng đối với kỳ hạn năm.
Nhưng việc gửi tiết kiệm xem ra thua thiệt do tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2004 lên đến 9,5%,
năm 2005 lên đến 8,4%, năm 2006 theo mục tiêu là dưới 8% nhưng rất khó giữ được như 2 năm
trước đó. Mức lãi suất kỳ hạn năm nhìn chung thấp hơn tốc độ tăng giá; đối với các kỳ hạn ngắn
hơn thì càng thấp hơn. Nói cách khác, lãi suất thực mang dấu âm và đã kéo dài.
Đầu tư vào việc mua USD rồi dùng số USD đó gửi ngân hàng? Lãi suất USD gửi ngân hàng
một năm hiện khoảng 4%, cộng với mức tăng tỷ giá mỗi năm 1-2% (năm 2005 chỉ tăng 0,9%,
năm 2004 chỉ tăng 0,4%, năm 2003 tăng 2,2%, năm 2002 tăng 2,1%...), thì còn bị lỗ so với gửi
tiền VND, vì lãi suất VND lên đến trên dưới 9%/ năm.
Kinh tế Mỹ đã phục hồi, nhưng lại có dấu hiệu lạm phát trở lại; thâm hụt ngân sách và cán cân
thương mại lại đạt kỷ lục mới; tình hình thế giới có những biến động khó lường..., nên giá USD
cũng chưa có dấu hiệu tăng cao.
Cần nhớ rằng, "kéo cánh" tỷ giá hiện còn rất lớn, tỷ giá VND/USD theo thị trường là 15.900
đồng/USD, nhưng theo sức mua tương đương chỉ vào khoảng 3.700 đồng, tức là 1 USD ở Việt
Nam có sức mua tương đương với 4,3 USD tại Mỹ; vì vậy tỷ giá VND/ USD ở Việt Nam sẽ không
thể tăng cao.
Nếu đủ lớn thì đầu tư vào bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng khách sạn, chung cư cao
cấp để đón làn sóng khách quốc tế đến Việt Nam vào những năm tới. Khuyến cáo này xem ra có
vẻ lạ lùng, bởi thị trường bất động sản đã đóng băng từ vài năm nay, không những chưa có dấu
hiệu ấm thêm mà còn có thể lạnh tiếp; có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh địa ốc còn
đang đứng bên bờ vực phá sản, thậm chí còn kéo theo ngân hàng thương mại nghiêng ngả theo.
Nhưng đây lại là khuyến cáo có cơ sở. Những doanh nghiệp và cá nhân đang kinh doanh địa ốc
đã vay vốn và ôm nhà đất khá lâu rồi, nếu mỗi năm có lãi suất khoảng 15% thì như vậy là hòa
vốn, trong khi 2 năm qua giá bị giảm không dưới 20%, có nghĩa là lỗ; nếu giữ lại hàng năm nữa,
chờ giá lên thì sẽ không thể chịu đựng nổi vì lãi chồng lên vốn, nếu bán sớm ngày nào thì lỗ ít
chừng ấy.
Đó là chưa nói, nếu vay vàng để kinh doanh nhà đất thì còn "chết kép", số lỗ trên còn phải cộng
với số lỗ do giá vàng tăng (năm 2002 tăng 19,4%, năm 2003 tăng 26,6%, năm 2004 tăng 11,7%,
năm 2005 tăng 11,3%, 2 tháng đầu năm 2006 tăng 9,6%, tính chung hơn 2 năm qua đã tăng gấp
hơn hai lần).
Điều đó có nghĩa là giá đất vẫn đang trong chiều hướng xuống, thậm chí đã xuống đến gần mức
đáy. Nếu có vàng bán thì mua đất vào lúc này là rẻ nhất. Hơn nữa, nếu mua đất xây khách sạn,
chung cư cao cấp vào lúc giá vật liệu xây dựng đứng và thời gian xây cũng phải mất vài ba năm
thì cũng vừa đến thời cơ sử dụng nhiều.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm qua đã lên đến gần 3,5 triệu lượt người; hệ số sử dụng
buồng giường ở khách sạn cả ở Hà Nội cũng như Tp.HCM lên đến 80-90%, thậm chí có lúc còn
"cháy". Theo dự đoán, số khách quốc tế đến Việt Nam năm tới sẽ vượt 4 triệu, rồi 5 triệu, rồi
hàng chục triệu, trong đó có nhiều người xin cư trú lâu dài ở Việt Nam.
Đầu tư vào việc mua vàng? Ở trong nước, tháng 2/2006 so với tháng 12/2003, trong khi giá tiêu
dùng chỉ tăng 22,6%, giá USD chỉ tăng 1,4%, thì giá vàng đã tăng tới 36,3%, gấp nhiều lần giá
tiêu dùng và gấp nhiều lần hơn nữa giá USD.
Giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới theo nguyên tắc "bình thông nhau". Giá
vàng thế giới đã có lúc lên trên 570 USD/ounce, 1 ounce bằng 8,3 chỉ, 1 USD bằng 15.920 VND,
tính ra giá vàng ở trong nước sẽ lên đến 1.093.000 VND/chỉ, nếu kể cả thuế, phí, lãi (tạm tính
5%) thì giá vàng ở trong nước sẽ lên xấp xỉ 1.160.000 đồng/chỉ. Trong khi đó giá vàng thực tế ở
trong nước lúc cao nhất mới là 1.090.000 đồng/chỉ.
Theo dự báo giá vàng thế giới có thể vượt qua mốc 600 USD/ounce, nên khả năng giá vàng
trong nước sẽ vượt qua mốc 1,2 triệu đồng/chỉ. Tuy nhiên, vàng thường chỉ là nơi "trú ẩn" của
đồng vốn khi thị trường có những biến động lớn, bản thân nó không tự đẻ ra lợi nhuận.
Hơn nữa, diễn biến của giá vàng thời gian qua rất bấp bênh, sự biến động theo hình răng cưa,
xét về xu hướng thì theo hình chiếc răng cưa dốc lên, nhưng lúc tăng, lúc giảm rất khó lường. Đã
thế, khi mua cũng như khi bán thường thấp hơn ít nhất 10.000 đồng/chỉ. Vì vậy, khi giá vàng
xuống hẵng mua, khi tăng thì dừng lại.
Đầu tư vào chứng khoán hiện có nhiều triển vọng, bởi năm nay sẽ cổ phần hóa nhiều hơn,
tập trung vào nhiều "ông lớn" hơn, lại thêm có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy
nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp, đòi hỏi người chơi phải có trình độ dự đoán
tốt, nhìn thấy rõ được thực trạng công ty niêm yết qua các bảng cáo bạch thông tin và quan trọng
hơn là bảng cáo bạch đã phải được minh bạch.
Hãy xem lại biểu đồ chỉ số chứng khoán từ ngày ta ra đời đến nay có thể thấy rõ: khi mới ra đời
là 100 điểm, 6 tháng sau vọt lên 570 điểm, sau đó gần như rơi tự do xuống còn 130, rồi bò lên
đến nay đạt trên dưới 400 điểm. Xu hướng có thể tăng dần.
Kênh đầu tư nào cũng có thuận và nghịch. Việc lựa chọn tuỳ theo lượng vốn, độ dài của thời gian
cầm giữ vốn, trình độ tính toán và dự báo của người có vốn.
Admin (Theo
VnEconomy
)