Xây Dựng và Phát Triển Quan Hệ
Sống và là một phần tử của xã hội, ít nhiều mỗi chúng ta đều bị ảnh hưởng của những người
chung quanh. Những ngành mà chúng ta đã học đưa đến công việc ngày hôm nay mà chúng ta
đang làm có thể đã do sự ảnh hưởng của gia đình, bạn bè hoặc qua sự tư vấn, khích lệ của thầy
cô. Những cuốn sách chúng ta đọc, các khoá huấn luyện bồi dưỡng, .v.v. cũng rất có thể đã từ sự
giới thiệu của ai đó mà chúng ta tin cậy. Thậm chí nghề nghiệp chúng ta chọn, công việc chúng ta
đang làm cũng như hướng thăng tiến nghề nghiệp trong tương lai đều có sự ảnh hưởng từ một số
người. Nói một cách khác, cứ mỗi lần đứng trước ngã ba đường cần phải có sự chọn lựa, thì cứ
như rằng có ai đó đang đứng chờ sẵn và họ sẽ chỉ cho ta một con đường nên lựa chọn.
Vậy càng quen biết nhiều, quan hệ nhiều thì lại càng có nhiều cơ hội và nhiều ảnh hưởng vào
những lúc phải có những quyết định quan trọng.
Tiến sĩ David McLelland tại Ðại học danh tiếng Havard đã nghiên cứu suốt 25 năm về những nhân
tố dẫn đến thành công. Ông ta đã nhận thấy rằng trong trường hợp mà nếu yếu tố tuổi tác, trình độ
học vấn, nghề nghiệp và cơ hội đều như nhau, thì yếu tố nổi bật và rõ nét đưa đến sự thành công
trong đời, đó là “Nhóm Quan Hệ”. Nhóm quan hệ của mỗi người là những người mà ta giao du
thường xuyên. Ðây chính là những người mà ta đang sống chung trong một nhà, làm chung một
công ty hoặc gặp gỡ thường xuyên ngoài môi trường làm việc. Chúng ta có những điểm tương
đồng với nhóm người này, và mặc nhiên chấp nhận như một phần tử của nhóm người này vậy.
Cho nên khi chúng ta gần gũi với nhóm người tích cực, thì chúng ta có nhiều khả năng sẽ nâng
chính mình để hội nhập vào nhóm quan hệ này. Chính sự lựa chọn này sẽ là xuất phát điểm của
sự thăng hoa trong nghề nghiệp cũng như nhiều lãnh vực khác nhau trong đời sống.
Trong lãnh vực kinh doanh nói riêng, người ta thường hay giao thiệp với những người quen biết.
Mọi người đều thích quan hệ và giao du với những người mà người ta đã có mối quan hệ từ
trước, và dĩ nhiên họ thường giới thiệu hoặc nói cho nhau về những người mà họ tin tưởng. Có
thể nói phần lớn các công việc mà mỗi chúng ta đang làm hôm nay đều nhờ vào sự giới thiệu của
một người thứ ba - và hình như những người có quan hệ rộng lớn trong môi trường kinh doanh
thường ít khi bị thất nghiệp một thời gian dài thì phải?
Thế nhưng khuyết điểm phổ biến nhất trong vấn đề phát triển nhóm quan hệ là chúng ta không xác
định được những nhóm người mà ta ưu tiên phải phát triển sự quan hệ. Chúng ta thường lãng phí
nhiều thời giờ vào những người mà có thể họ chẳng giúp ích được gì. Ngay cả khi dự một buổi
họp của một tập thể, có thể chúng ta lại tụ tập với những người không sốt sắng, năng động để tán
gẫu cho qua thời giờ cũng nên.
Nếu cần thiết thì cũng nên “ích kỷ” trong việc lựa chọn người để quan hệ, nếu bạn muốn khai thác
và vận dụng tối đa những quan hệ này để thăng tiến trong nghề nghiệp. Dĩ nhiên điều này không
có nghĩa là bạn phải lợi dụng (với ý nghĩa tiêu cực) những quan hệ này để làm bàn đạp cho việc
tiến thân. Những thành công mong muốn trong đời đều cần sự góp sức của rất nhiều người - và
điều bạn cần phải làm là nên quan tâm cũng như tập trung sức lực vào những quan hệ với những
người này; đồng thời cũng nên tránh xa những quan hệ không lành mạnh mà thậm chí còn gây
cản trở trong bước đường tiến thân của mình.
Khi thiết lập mối quan hệ, nên chọn lựa những người đã thành đạt. Họ không hẳn phải là những
người giàu có về tiền bạc nhưng là những người ít nhiều đã đạt được những gì họ muốn. Bạn nên
giao tiếp với những người có địa vị cao, thành công trong lãnh vực hoặc nghề nghiệp mà họ đang
làm. Bạn nên tìm cách thiết lập quan hệ với những người mà bạn mến mộ. Nên làm quen với
những người mà họ vừa có thể là bạn bè, vừa là người hướng dẫn tốt, vừa là thầy. Nói chung,
một khi bạn đã xác định cho mình một hướng đi, thì nên tìm những người dìu dắt và giúp đỡ hầu
bạn có thể đạt được mục đích. Chính vì vậy mà cần phải chọn lựa đối tượng: có thể giúp hoặc
không thể giúp gì được; có ước vọng hay sống không mục đích; suy nghĩ tích cực hoặc suốt ngày
chỉ than thân trách phận. Chúng ta nên nhớ điều này: tương lai của chúng ta năm mười năm tới
phụ thuộc vào sách nào chúng ta đọc và bạn nào chúng ta giao du. Thật đúng lắm vậy.
Nên bắt đầu từ chính nơi làm việc của bạn trước. Hãy quan sát và chọn những lãnh đạo thuộc
nhiều khâu, nhiều ngành trong cơ quan mà bạn nghĩ rằng mình cần phải học hỏi và giúp đỡ từ họ.
Cách tốt nhất là nói với họ, một cách thành thật là bạn cần tư vấn và hướng dẫn. Không nên đòi
hỏi quá nhiều để họ phải ngần ngại và mất nhiều thời gian. Nên bắt đầu bằng vài câu hỏi hoặc vấn
đề nhỏ chỉ mất chừng vài phút. Khi nói chuyện với những người thành công, hãy bắt đầu bằng
những câu hỏi như “yếu tố nào anh/chị nghĩ rằng đã giúp anh/chị thành công như ngày hôm nay?”
và “anh/chị hãy cho một lời khuyên vào những việc mà anh/chị nghĩ tôi cần phải làm để được
thành công như anh/chị”. Bạn cũng nên cần phải hỏi thêm “anh/chị có thể giới thiệu cuốn sách nào
mà anh/chị thích, hoặc khoá bồi dưỡng nào bổ ích cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp?”
Nên thận trọng trong quá trình làm quen và xây dựng quan hệ với những người này, không nên vồ
vập và đòi hỏi một cách quá đáng. Sẽ có một số người không thích bạn vì một lý do nào đó, họ sẽ
không mở lòng để giúp đỡ bạn. Bạn nên kiên nhẫn và thông cảm. Tất cả các quan hệ đều cần thời
gian và sự đồng cảm của đôi bên. Bạn nên thành thật và khiêm tốn.
Ðối với cấp trên, không nên đòi hỏi tăng lương hoặc quyền lợi mà nên tự nhận lãnh thêm trách
nhiệm. Bạn nên cho cấp trên biết rằng bạn muốn cống hiến cho sự thành công của tổ chức, của
công ty. Chắc chắn bạn sẽ gây được sự chú ý và cảm kích về những đóng góp của bạn, nhất là
vào thời buổi mà có nhiều người chỉ muốn làm thật ít nhưng lại muốn lãnh lương nhiều. Tuy nhiên,
bạn là một người ngoại hạng. Người ngoại hạng sẽ không làm theo mức lương được trả, mà sẽ
làm hết mình như một cống hiến để phục vụ xã hội. Và chỉ có những người có tinh thần trách
nhiệm cao, luôn luôn hết mình vì tổ chức, vì tập thể là những người được tôn trọng và hổ trợ của
cấp trên cũng như của những người chung quanh.
Bạn có nhận thấy rằng khi chúng ta làm một điều gì tốt cho ai hoặc giúp đỡ người khác, chính họ
cảm thấy phải đáp trả lại lòng tốt của bạn? Ðúng ra là họ đang “mắc ơn” bạn và trong thâm tâm,
họ sẽ tìm cách để “trả ơn” cho đến khi họ không cảm thấy họ mắc nợ bạn nữa. Do đó, bạn càng
trải lòng ra giúp đỡ mọi người (không điều kiện), thì những người này sẽ giúp lại bạn, một khi bạn
cần đến sự giúp đỡ của họ.
Một trong những triết lý sống đúng đắn là “cho đi”, không phải là “nhận lấy”. Hãy học bài học từ
những nông dân qua việc ứng dụng nguyên lý gieo và gặt. Người nông dân luôn tìm cơ hội để
“gieo” vì họ biết rằng chắc chắn sẽ có lúc họ sẽ “gặt”, và sẽ “gặt” được nhiều hơn những gì họ đã
“gieo”. Không ngạc nhiên khi chúng ta thấy đầy dẫy những gương cống hiến của những người
thành công. Những kẻ không thành công trong đời thường hay đặt điều kiện trước khi hành động:
“tôi được cái gì?”. Ngược lại, những điều chúng ta cống hiến một cách không điều kiện, thường
đưa đến một kết quả bất ngờ như một điều tất yếu, vào những lúc bất ngờ nhất.
Do đó bất luận bạn đang làm ngành nghề gì, bạn cũng đều có cơ hội giao thiệp với những người
có chung một môi trường làm việc. Có những đoàn thể, câu lạc bộ, hội đoàn mà bạn có thể tham
gia. Bạn để ý xem, những người thành đạt thường là những hội viên của những hội đoàn tên tuổi
trong thành phố - và có thể họ cũng đã theo phương cách mà bạn sắp làm. Họ đã chọn và gia
nhập những tổ chức để có thể giúp đỡ, để phụng sự và ngược lại, chính họ cũng đã và sẽ nhận
được sự giúp đỡ của nhiều người khác.
Vậy bạn sẽ tham gia vào những hoạt động nào?
Tất nhiên rồi bạn cũng sẽ nhận ra sớm thôi, rằng trong bất cứ một hình thức tổ chức nào, chỉ có
20% của tập thể làm phần lớn 80% công việc. Có nghĩa là 80% những người trong tập thể sẽ
chẳng bao giờ tình nguyện làm bất cứ việc gì - họ chỉ tham dự các buổi họp rồi ra về. Nhưng bạn
thì hãy làm khác đi, bạn hãy tình nguyện nhận lãnh những công việc khó khăn nhất, những việc
mà người bình thường - thường không muốn làm. Chắc chắn bạn sẽ được tập thể đánh giá cao
và mọi người sẽ thấy được giá trị từ chính con người bạn. Từ đó, bạn dễ được người khác giúp
đỡ khi bạn cần đến.
Nói tóm lại, xây dựng Nhóm Quan Hệ thoả mãn được nhu cầu thầm kín của con người – đó là
được quen với người khác và được người khác biết đến mình. Quan hệ “quen” và “biết” này
không thể thiếu trong xã hội loài người với những sinh hoạt quần thể. Riêng trong phạm vi thăng
tiến nghề nghiệp, thành công trong đời sống -- chính điều này sẽ mở cửa cho nhiều cơ hội mà chỉ
những người biết nắm bắt mới nhận chân được sự kỳ diệu của mối quan hệ này, và đây chính là
chìa khoá cho sự thành công trong tương lai.
Chúc bạn nhiều may mắn!
Ðức tính của những người mà bạn muốn giao thiệp:
___________________ _____________________ ______________________
___________________ _____________________ ______________________
___________________ _____________________ ______________________
___________________ _____________________ ______________________
Bạn có thể giúp được gì cho những người chung quanh:
_____________________________________________________________________
_____________________________________________________________________
_____________________________________________________________________
Những tổ chức mà bạn muốn tham gia:
___________________ _____________________ ______________________