Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Các Vương triều Ngô – Đinh – Tiền Lê

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.08 KB, 4 trang )

Các Vương triều Ngô – Đinh – Tiền Lê
Các Vương triều Ngô – Đinh – Tiền Lê
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương hiệu (939), thực sự đã khôi phục nền
độc lập và chủ quyền quốc gia, chấm dứt 10 thế kỷ Bắc thuộc. Nói như sử cũ, "Ngô Vương
Quyền nối lại quốc thống" . Tài năng và uy tín cá nhân đã giúp Ngô Quyền duy trì được
một chính quyền tập trung chuyên chế, mặc dù lúc đó vẫn tồn tại ở trong nước nhiều thế
lực của các hào trưởng địa phương, có xu hướng cát cứ.
Năm năm sau, Ngô Quyền mất (944). Các con của Ngô Quyền (Xương Ngập, Xương Văn)
không đủ uy tín và sức mạnh để duy trì chính quyền quân chủ tập trung. Dương Tam Kha
(em vợ Ngô Quyền) âm mưu cướp ngôi. Các thổ hào, lãnh chúa nổi lên khắp nơi, cát cứ
chống lại chính quyền trung ương. Sau khi Xương Ngập (954) và Xương Văn chết (965),
triều Ngô thực tế không còn tồn tại, đất nước rơi vào thế hỗn loạn của nhiều tướng lĩnh
chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau. Sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân".


Lãnh thổ Việt Nam giữa thế kỷ X bao gồm phần đất Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trên địa
bàn đó, tồn tại 12 sứ quân cát cứ.
- Phú Thọ, Vĩnh Phúc có các sứ quân: Kiều Công Hãn, Nguyễn Khoan.
- Hà Nội: Nguyễn Siêu
- Hà Tây: Ngô Nhật Khánh, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Thuận
- Bắc Ninh: Lý Khuê, Nguyễn Thủ Tiệp
- Hưng Yên: Phạm Bạch Hổ, Lữ Đường
- Thái Bình: Trần Lãm (sau liên kết với Đinh Bộ Lĩnh)
- Thanh Hóa: Ngô Xương Xí (con Ngô Xương Ngập)
Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư (Ninh Bình), từ nhỏ có chí khí, có tài tập hợp và lãnh
đạo quần chúng. Sau khi Trần Lãm chết, Đinh Bộ Lĩnh trở thành lực lượng mạnh mẽ, nổi
bật, lần lượt dẹp yên các thế lực cát cứ thu về một mối. Năm 968, ông lên ngôi, tự xưng là

Hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng) lấy niên hiệu Thái Bình, đặt tên nước là Đại
Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính, bước đầu thống nhất đất nước.
Năm 979, nội bộ triều Đinh lục đục. Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị giết
hại. Đinh Toàn (mới 6 tuổi) lên nối ngôi. Các tướng lĩnh trong triều chia thành phe phái,
đánh lẫn nhau. Ở Trung Quốc, nhà Tống đang lăm le xâm phạm bờ cõi. Thập đạo tướng
quân Lê Hoàn sau khi tiêu diệt Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đã nắm trọn quyền
bính. Năm 980, trước sự đe dọa xâm lược của nhà Tống, được sự ủng hộ và suy tôn của
Dương Thái hậu (mẹ Đinh Toàn), theo đề nghị của Phạm Cự Lạng, Lê Hoàn lên ngôi
Hoàng đế (thường gọi là Lê Đại Hành), chuẩn bị kháng chiến, lập ra nhà Tiền Lê.
Được sự phò tá của Phạm Cự Lạng và các cố vấn như các nhà sư Pháp Thuận, Ngô Chân
Lưu, Lê Hoàn đã tổ chức phòng ngự ở kinh đô Hoa Lư, thành Đại La và phòng tuyến cửa
ngõ Bạch Đằng - Hoa Lư. Ở đây, theo kế Ngô Quyền. Lê Hoàn đã cho bố trí trận địa cọc ở

lòng sông. Mặt khác, nhà vua sai gửi thư sang nhà Tống, tìm kế hoãn binh.
Cuối năm 980, theo kế hoạch tốc chiến, bất ngờ, quân Tống đã đem quân ồ ạt xâm lược
Đại Cồ Việt do Hầu Nhân Bảo làm Tổng chỉ huy cả 2 đạo quân bộ (Tôn Toàn Hưng, sau là
Trần Khâm Tộ) và thủy (Lưu Trừng). Sau một vài trận giao chiến, Lê Hoàn đã dùng kế trá
hàng, dụ quân Tống vào trận địa phục kích Bạch Đằng, đánh tan giặc, giết Hầu Nhân Bảo
tại trận tháng 4-981. Cánh quân bộ của Trần Khâm Tộ cũng bị truy kích ở Tây Kết. Đại
bại, quân Tống phải tháo chạy về nước. Nền độc lập và thống nhất của Đại Cồ Việt qua
thử thách càng được củng cố.
Năm sau (982), Lê Hoàn đã đem quân tấn công Champa, giữ yên và củng cố vùng biên
giới phía nam.
Năm 1005, Lê Hoàn mất. Các con tranh chấp ngôi vua. Lê Long Đĩnh nối ngôi, là người
tàn ác, trụy lạc, mắc bệnh phải nằm họp triều đình (nên thường gọi là Lê Ngọa triều) không

đủ năng lực và uy tín trị nước. Sau khi Lê Long Đĩnh chết (1009), triều thần do Đào Cam
Mộc khởi xướng, đã suy tôn Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua, chấm dứt nhà
Tiền Lê.
2. Nhà nước và chính quyền Đại Cồ Việt
Kế tục triều Ngô, nhà nước Đại Cô Việt thời Đinh - Tiền Lê về cơ bản là một nhà nước võ
trị. Các vua (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành) đều xuất thân là những tướng lĩnh quen trận
mạc, là tổng chỉ huy tối cao quân đội, nắm giữ mọi quyền hành. Hệ thống quan lại phần
lớn là các quan võ. Thời Lê Hoàn có các chức Đại tổng quản, Thái uý, Điện tiền chỉ huy
sứ... .
Quân đội Đại Cồ Việt là một quân đội đông và mạnh. Theo sử cũ, quân đội thời Đinh có
tới 1 triệu người (?), chia thành 10 đạo, bên dưới có các loại quân, lữ, tốt, ngũ. Quân sĩ đều
đội mũ da, gọi là mũ " tứ phương bình đính". Coi giữ kinh thành là lực lượng Cấm quân và

quân tứ sương. Thời Lê Hoàn có tới 3000 cấm quân, trán khắc chữ "Thiên tử quân", đội
mũ đâu mâu. Vũ khí có cung nỏ, mộc bài, giáo mác. Lực lượng thuyền chiến mạnh đã
đánh thắng quân Tống và Champa. Các vua Đinh - Tiền Lê đều dùng quân đội trấn áp các
vụ phản loạn trong nước.
Dưới chế độ võ trị, luật pháp thời Đinh - Tiền Lê còn nghiêm khắc và tuỳ tiện, dựa theo ý
muốn của nhà vua. Đinh Bộ Lĩnh đặt vạc dầu và cũi hổ ở sân triều để trừng phạt phạm
nhân. Lê Hoàn hay xử phạt đánh roi những ai làm phật ý mình. Lê Long Đĩnh lấy việc giết
người làm trò vui.
Trên lý thuyết, để khẳng định uy thế, các vua Đinh - Tiền Lê đã xây dựng bộ máy triều
nghi của mình theo mô hình nhà Tống. Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đều lập cho mình 5
hoàng hậu, đặt ngôi Thái tử, cử các hoàng tử đi trấn trị các địa phương. Đất nước thời Đinh
chia làm 10 đạo, Lê Hoàn đổi thành lộ.

Trên thực tế, bộ máy triều đình và quan lại còn rất sơ sài. Khi gặp sứ Tống, Lê Hoàn còn
đang đi chân đất, cầm xiên lội nước xiên cá, vào triều lại chơi trò đọ tay với quần thần. Đó
chưa phải là một nhà nước quy củ theo chế độ phong kiến.
3. Tình hình kinh tế - văn hóa
Các vua Đinh - Tiền Lê khi lên ngôi hoàng đế đều đã cố gắng thực thi quyền sở hữu ruộng
đất nhà nước, vừa để khẳng định quyền lực vừa để nắm lấy thần dân, thu tô thuế, bắt lính.
Nhà nước đã có những khu đất tịch điền ở Đọi Sơn (Hà Nam) và Bàn Hải do triều đình
trực tiếp quản lý để phục vụ tế lễ. Hằng năm mùa xuân nhà vua đích thân làm lễ tịch điền,
đi vài đường cày để nêu gương. Các vua Đinh, tiền Lê cũng phong cấp đất đai cho các
hoàng tử, quý tộc và quan lại. Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Trần Lãm thực ấp ở Sơn
Nam (Nam Định), sau lại cấp trang Lạc Đạo (Ninh Bình), phong đất cho hào trưởng Lê
Lương làm thái ấp thuộc các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Quảng Xương (Thanh Hóa).

Lê Hoàn đã cử các hoàng tử đi trấn trị tại các địa phương, phong đất cho họ để được
hưởng quyền thu thuế. Lê Long Đĩnh đã phong cho Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn
thực ấp ở Đằng Châu (Hưng Yên). Nhà nước cũng bước đầu thi hành chính sách trọng
nông, khuyến khích sản xuất như đào vét các sông kênh (Đá Cai, Bà Hòa) ở vùng Thanh-
Nghệ.
Triều đình cũng chú ý phát triển một số ngành nghề thủ công nghiệp để phục vụ vua quan
và quân đội, nhất là ở kinh đô Hoa Lư. Các vua Đinh - Tiền Lê khi lên ngôi, đều cho thợ
đúc tiền đồng như Thái bình thông bảo (Đinh) và Thiên phúc thông bảo (Lê). Nhiều thợ
thủ công đã được tập trung ở Hoa Lư như thợ nề, thợ đá, mộc, ngọc, chạm khắc, dát vàng
bạc để xây dựng kinh đô trong đó có nhiều cung điện lớn lợp ngói bạc, các cột dát vàng
bạc.
Trong dân gian, các nghề truyền thống như dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục phát triển. Tiền tệ

cũng thúc đẩy việc trao đổi buôn bán hàng hóa trong các chợ làng quê và một số trị sở Hoa
Lư, Tống Bình, Long Biên. Việc trao đổi buôn bán vật phẩm cũng được thực hiện với
Trung Quốc và với các thuyền buôn nước ngoài.
Cùng với việc xây dựng một chính quyền nhà nước có chủ quyền, ở Đại Cồ Việt nửa sau
thế kỷ X cũng đã manh nha những mầm mống của một nền văn hóa mang tính dân lộc.
Đạo Nho tuy đã xâm nhập vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc, nhưng đến lúc này, vẫn
không tạo được những ảnh hưởng đáng kể, nổi trội trong đời sống tâm linh vẫn là những
tín ngưỡng dân gian hòa trộn với những tôn giáo có nguồn gốc từ nền văn minh Nam Á
như Phật và Đạo. Triều đình Đinh - Tiền Lê đã suy tôn Phật giáo làm Quốc giáo. Ở kinh
đô Hoa Lư đã xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Bà Ngô, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ) và các
cột kinh Phật. Các nhà sư thời kỳ này như Sùng Phạm, Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu
(Khuông Việt), Vạn Hạnh đã là các trí thức được sử dụng như những cố vấn cung đình và

những nhà ngoại giao đắc lực của nhà vua, đặc biệt trong các dịp tiếp sứ thần nhà Tống.
Phật giáo thường kết hợp với Đạo giáo, như Trương Ma Ni đã được phong chức Tăng lục
đạo sĩ.
Nhiều loại hình văn hóa dân gian đã tồn tại trong thời Đinh - Tiền Lê: ca múa nhạc (qua
truyền thuyết về bà Phạm Thị Trân dạy quân sĩ đánh trống), tạp kỹ như đi trên dây, đánh
đu, trồng cây chuối (qua truyền thuyết về Văn Du Tường dùng mưu diệt quỷ Xương
Cuồng ở Bạch Hạc).
Các vương triều Ngô- Đinh- Tiền Lê có thể coi như một thời kỳ lịch sử quá độ từ ngoại
thuộc qua tự chủ đến độc lập. Những thập kỷ bản lề đó đã bước đầu thực hiện được sự
nghiệp khôi phục độc lập, thống nhất quốc gia, xây dựng chính quyền quân chủ và đặt nền
móng cho một nền văn hóa dân tộc sự nghiệp đó sẽ được củng cố và phát triển lên một tầm
cao mới trong những thế kỷ tiếp sau.


Nguồn:Nguyễn Quang Ngọc 2006, Chương III - Việt Nam từ giữa thế kỷ X đến cuối thế
kỷ XIV, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Giáo Dục, Tr.66 – 70.

×