Chuyện PR ở AIG
Nguồn: abviet.com
Giám đốc điều hành (CEO) Edward Liddy của hãng bảo hiểm AIG từng được xem
là một hình mẫu về kỷ luật tài chính.
Trong một phiên điều trần hồi tháng 3 trước Quốc hội Mỹ, vị CEO này cam
kết sẽ trả lại vốn vay của Chính phủ, giải quyết đống đổ nát tài chính trong
tập đoàn, và quản lý tốt nguồn vốn công mà AIG đã nhận. Bản thân Liddy
cũng đang nhận mức lương 1 USD/năm, tất nhiên chưa tính tiền thưởng.
Tuy nhiên, hiện AIG đang thuê cùng lúc 4 công ty PR (public relations - quan
hệ công chúng) với mức giá ít nhất cũng phải lên tới hàng chục ngàn USD mỗi
tháng.
Người phát ngôn Nick Ashooh của AIG cho hay, bộ phận truyền thông của
tập đoàn này cần lực lượng bổ sung để chống đỡ “cơn sóng thần” những tin
tức xấu từ sau khi AIG được Chính phủ giải cứu vào tháng 9/2008.
Trong số những thông tin bất lợi cho AIG thời gian qua phải kể tới những
cuộc vui xa hoa của lãnh đạo và những khoản tiền thưởng béo bở ngay giữa
lúc tập đoàn này nhận 180 tỷ USD tiền thuế của dân để tồn tại.
Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ được trao thẩm quyền giám sát hoạt động giải cứu
đã đặt ra câu hỏi liệu AIG cần tới nhiều công ty PR như vậy để làm gì. Hạ
nghị sỹ Dân chủ Elijah E. Cummings gọi khoản tiền mà AIG chi trả cho các
công ty PR là “một ví dụ lớn về tình trạng lạm dụng tiền vốn” ở tập đoàn này.
“Ông Liddy cần hiểu rằng, tất cả các công ty PR trên thế giới sẽ không thể
đánh lừa được chúng tôi về những gì đang thực sự xảy ra ở AIG và việc tập
đoàn này sử dụng tiền thuế của dân như thế nào”, nghị sỹ này phát biểu.
Ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác, chuyện các doanh nghiệp thuê các công
ty PR bên ngoài khi họ gặp rắc rối không phải là hiếm gặp. Những công ty
PR lớn nhất ở Mỹ có thể áp mức giá 40.000 USD/tháng để giải quyết một vụ
việc nào đó.
Chính phủ Mỹ bơm tiền cho AIG để tập đoàn này tránh khỏi sự đổ vỡ có thể
kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền trong cả hệ thống, nhưng một phần số tiền này
lại đang được AIG dùng cho việc bảo vệ danh tiếng cho các quan chức. Do đó,
việc AIG chi bao nhiêu tiền cho hoạt động PR là điều mà nhiều người muốn
biết. Tuy nhiên, khi được hỏi về khoản này, người phát ngôn Ashooh của AIG
chỉ trả lời rằng: “Các hợp đồng phải được giữ bí mật”.
“Kiểu văn hóa che đậy này đã giúp nhiều doanh nghiệp tài chính lớn giấu
nhẹm được những hành vi sai trái của họ”, Nghị sỹ đảng Dân chủ Peter
Welch nói. Ông cho rằng, người nộp thuế đang là cổ đông chính của AIG, nên
họ “có quyền được biết tập đoàn này đang tiêu tiền như thế nào” mà không
phải là những dữ liệu “đã được tô điểm bởi các công ty PR”.
Trước đây, AIG chỉ thuê một công ty PR toàn thời gian duy nhất. Tuy nhiên,
hiện tập đoàn này có 4 công ty PR với các nhiệm vụ khác nhau: Sard
Verbinnen & Co. giúp thực hiện các báo cáo về tiền giải cứu của Chính phủ;
Kekst & Co. tập trung vào mảng bán tài sản để trả lại tiền vay của Chính
phủ; Burson-Marsteller giải quyết các vấn đề gây tranh cãi; còn Hill &
Knowlton chuyên nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của Quốc hội Mỹ và chuẩn bị
cho các buổi điều trần của quan chức AIG trước Quốc hội.
“Chúng tôi bị chỉ trích là đánh bóng hình ảnh, nhưng trên thực tế chúng tôi
đang làm công việc xử lý thông tin. Đó thực chất là việc trả lời các chất vấn từ
Quốc hội vào báo giới. Nếu chúng tôi dừng công việc này lại, hậu quả sẽ còn
tồi tệ hơn”, ông Ashooh khẳng định.
Tuy vậy, tuần trước, đội PR của AIG đã cho thấy mức độ lợi hại của họ. Ngay
trước khi cựu Chủ tịch Maurice (Hank) Greenberg của AIG ra điều trần
trước Quốc hội Mỹ với thái độ chỉ trích các nhà lãnh đạo hiện nay của tập
đoàn, giới phóng viên đã nhận được từ AIG một tài liệu cho thấy vai trò của
Greenberg trong việc thành lập một bộ phận đã góp phần đem lại hậu quả tồi
tệ cho tập đoàn, cũng như vụ sa thải ông năm 2005. Tài liệu này còn đặt câu
hỏi liệu Greenberg có phải gánh một trách nhiệm nào đó hay không.
Phát ngôn viên Ashooh một mực cho rằng, tài liệu này là do nội bộ AIG, chứ
không phải các công ty PR được thuê, chuẩn bị, và chỉ nhằm mục đích đính
chính “những thông tin sai trái” mà Greenberg lan truyền.
Trong khi đó, một luật sư của Greenberg là ông Lee S. Wolosky cho rằng, tài
liệu này có vẻ như là “tác phẩm” của các công ty được thuê ngoài, và có khả
năng được chi trả bằng tiền của Chính phủ. “Dùng tiền thuế của dân để đầu
tư cho một chiến dịch nhằm vào những cá nhân cụ thể là một hành động đã
đi quá xa”, luật sư này nhận xét.