ĐBSCL: thừa nước mặn, thiếu nước ngọt
Nguồn: diendan.camau.gov.vn
TT - Những ngày qua, trên những tuyến sông của các tỉnh ĐBSCL, mặn ngày càng
lấn sâu vào nội đồng gây khó khăn cho đời sống và sản xuất. Có nơi người dân
phải mua nước ngọt sử dụng với giá cao vì nước kênh đã bị mặn xâm nhập.
“Năm nào cũng vậy, đến mùa nước mặn người dân chúng tôi đều thấp thỏm lo âu,
nhưng năm nay mặn xuất hiện và xâm nhập sâu hơn nên căng thẳng quá” - không
ít người dân ở vùng ĐBSCL than thở như vậy.
Mặn lấn sâu
Chiều 31-3, ông Trần Tiến Dũng - phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn
tỉnh Cà Mau, - cho biết không riêng gì khu vực nông thôn mà ngay tại TP Cà Mau
độ mặn dưới sông ở khu vực cầu Gành Hào (nơi giáp ranh phường 7 và phường 8)
đã lên đến 250/00. Từ sông Gành Hào ở TP Cà Mau, nước mặn tiếp tục đẩy vào
khu vực vàm Tắc Thủ ở xã Hồ Thị Kỷ của huyện Thới Bình, rồi xâm nhập vào
vùng Khánh An (U Minh) và một phần của vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn
Thời.
Ông Đặng Văn Dũng - giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng -
cho biết tại TP Sóc Trăng nước dưới kênh Maspéro đã mặn 1,30/00. Các điểm
quan trắc khác độ mặn dưới kênh cũng tăng dần lên như ở chợ Nhu Gia (Thạnh
Phú, Mỹ Xuyên) độ mặn 4,50/00, thị trấn Long Phú của huyện Long Phú độ mặn
8,80/00, nước dưới sông Hậu tại vàm Đại Ngãi mặn 4,40/00. Theo ông Đặng Văn
Dũng, độ mặn vượt ngưỡng 40/00 sẽ làm cho lúa và hoa màu không sống được.
Hiện kênh Tiếp Nhựt ở huyện Long Phú cũng đang đối mặt với tình trạng xâm
nhập mặn, người dân phải mua nước ngọt sử dụng hằng ngày với giá 5.000-6.000
đồng/đôi (40 lít).
Trong khi đó, nước mặn từ Cà Mau theo tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp
cũng lấn sâu về phía tỉnh Bạc Liêu, hiện độ mặn đo được tại thị trấn Phước Long
khoảng 210/00 và ngã tư Ninh Quới (Hồng Dân, Bạc Liêu) đã lên đến 15-160/00.
Ông Lương Ngọc Lân - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
tỉnh Bạc Liêu - cho rằng nhiều khả năng trên 2.000ha lúa vụ ba ở vùng giáp ranh
với tỉnh Sóc Trăng sẽ bị giảm năng suất vì nước mặn uy hiếp trên diện rộng.
Theo ông Lương Ngọc Lân, để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn dọc theo
tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa phê
duyệt dự án xây dựng hệ thống đập phân ranh mặn ngọt từ nay đến năm 2010 với
tổng mức đầu tư trên 650 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Lân cho rằng để
đắp mới trên 60 con đập và nạo vét toàn bộ hệ thống kênh thủy lợi nhằm đảm bảo
nguồn nước sản xuất cho trên 140.000ha đất nông nghiệp trong vùng dự án thì cần
phải đầu tư đến 2.000 tỉ đồng.
Chắt chiu từng giọt nước
Trưa 31-3, anh Trần Văn Trí ở ấp Long Hưng, xã Long Hòa, huyện Bình Đại (Bến
Tre) vừa lau mồ hôi, vừa điều khiển chiếc xe máy cày kéo rơmooc chở bồn nước
ngọt rẽ vào các con đường làng để đổi cho người dân. Anh nói: “Tôi chở nước
ngọt đổi cho bà con xài từ... trước tết. Nhưng bây giờ nước mặn xâm nhập sâu vào
đất liền nên phải chạy bở hơi tai mới đáp ứng kịp nhu cầu”.
Cũng trong ngày 31-3, trên đoạn đường khoảng 50km từ huyện Châu Thành đến
xã Tam Phước (huyện Bình Đại, Bến Tre) có hàng chục xe máy cày kéo bồn xuôi
ngược. Vào thời điểm này các xã ở cách biển Bình Đại khoảng 30-40km như Long
Hòa, Vang Quới Tây, Long Định, Định Trung, Thới Lai đã bị nhiễm mặn, nên
người dân phải đổi nước ngọt để sinh hoạt. Ông Hai Phước ở xã Long Hòa nói
mặc dù ở gần sông Ba Lai nhưng người dân ở đây quý nước như vàng, chỉ ít hôm
nữa nước sông này cũng “cứng”, không sử dụng được.
Ông Nguyễn Văn Tu, chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết hiện nay có hàng
chục ngàn hộ dân vùng ven biển của huyện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước
nghiêm trọng. Khó khăn nhất là các xã Thới Thuận, Thạnh Phước và một phần xã
Thạnh Trị, do đây là vùng nuôi tôm nên nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng. Giá
nước ngọt lấy từ ao hồ, sông rạch vận chuyển bằng xe máy cày có giá 60.000-
100.000 đồng/xe (1,5-2m3) tùy theo vùng.
Tại Tiền Giang, do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nên tình trạng thiếu nước
ngọt đang diễn ra rất nghiêm trọng tại huyện cù lao Tân Phú Đông, một phần
huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. Ông Đoàn Văn Thơ, chủ tịch UBND
huyện Tân Phú Đông, cho biết nước ngọt khan hiếm nên người dân phải tắm giặt
bằng nước mặn. Còn nước mưa dự trữ chỉ để uống nhưng cũng rất hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, để giúp dân
đỡ “khát”, sở đã tổ chức 33 điểm cấp phát nước ngọt miễn phí cho khoảng 5.400
hộ dân với gần 30.000 nhân khẩu tại hai huyện ven biển là Gò Công Đông và Tân
Phú Đông. Giống như ở Bến Tre, nước ngọt được lấy từ sông rạch ở những vùng
chưa bị nhiễm mặn chứ không phải là nước sạch. Định mức mỗi người được cấp
40 lít nước ngọt/ngày dùng cho mục đích sinh hoạt và nấu ăn.
Ngân sách tỉnh sẽ thanh toán toàn bộ chi phí chở nước ngọt cấp cho dân đến khi
mùa mưa bắt đầu. Tỉnh cũng dự phòng trường hợp nước mặn xâm nhập sâu, hạn
hán kéo dài thì sẽ điều động tàu của Bộ chỉ huy quân sự chở nước tới hai huyện
này.
Tại Kiên Giang, những ngày này thầy cô Trường THPT Đông Thái (xã Đông Thái,
huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) đang phải chắt chiu từng giọt nước trong sinh
hoạt, nấu nướng hằng ngày. Thầy Nguyễn Chí Vẹn (ở nhà công vụ của trường)
cho biết: “Mấy bữa nay tôi kêu ghe chở nước hoài mà chẳng thấy vào. Chủ ghe
nói nhiều người đổi nước quá nên vô không kịp. Ở đây thầy cô khi nấu nướng,
sinh hoạt phải tiết kiệm từng giọt nước”.
Theo thầy phó hiệu trưởng Nguyễn Thành Vinh, Trường THPT Đông Thái nằm
trên địa bàn thuộc diện khó khăn, thầy cô giáo được trợ cấp nước sinh hoạt trong
sáu tháng mùa khô với 72.000 đồng. Tuy nhiên với số tiền này chỉ đủ dùng trong
một tháng vì nước nơi đây lên đến 30.000 đồng/m3. “Đây là thời điểm chưa phải
là “đỉnh” của mùa khô nên giá nước còn thấp. Nếu trời hạn hán càng gay gắt thì
nước càng khan hiếm, giá sẽ tăng” - thầy Vinh nói.