TÌM HIỂU LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
TIÊU CHUẨN CÔNG CHỨC VÀ VẤN ĐỀ NĂNG LỰC TRONG
QUÁ TRÌNH TIẾP TỤC CẢI CÁCH CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC
TS. TRẦN ANH TUẤN
Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
ết quả hoạt động công vụ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ công
chức. Chất lượng đội ngũ công chức được hình thành dựa trên cơ sở tiêu
chuẩn công chức và chịu ảnh hưởng của các nội dung quy định trong tiêu
chuẩn công chức. Trong hoạt động thực tiễn, các cơ quan quản lý công chức đều căn
cứ vào tiêu chuẩn công chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh
giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý công chức. ở một mức độ nhất định có
thể coi tiêu chuẩn công chức là nền móng để tạo nên và nâng cao chất lượng đội ngũ
công chức. Trong quá trình thực hiện việc tiếp tục cải cách công vụ, công chức, vấn
đề đầu tiên, rất quan trọng và không thể xem nhẹ là tiêu chuẩn công chức. Một mặt,
đây là một trong các tiêu chí đo lường chất lượng đội ngũ công chức; mặt khác, đó
còn là nhân tố tạo nên hiệu quả của tiến trình cải cách công vụ, công chức. Tiêu
chuẩn công chức cơ bản tương đối ổn định, nhưng có thể thay đổi và cần thiết phải
thay đổi khi yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu cải cách hành chính làm thay
đổi nội dung và chất lượng hoạt động công vụ.
K
Luật cán bộ, công chức mới được ban hành có những quy định mới về phương
thức quản lý công vụ, công chức. Một số nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức mang
tính cải cách đã được thể hiện tại Điều 5 của Luật - đó là: “kết hợp giữa tiêu chuẩn
chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”; “việc sử dụng, đánh giá, phân loại
cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành
công vụ”. Bên cạnh đó, Luật quy định việc “Nhà nước có chính sách để phát hiện,
thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”
(Điều 6). Các quy định này của Luật cán bộ, công chức đã khẳng định và nhấn mạnh:
việc quản lý công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đặc biệt chú trọng đến năng lực,
tài năng. Nội dung này phải thực hiện song song với xác định vị trí việc làm và gắn
với chỉ tiêu biên chế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước tiếp tục hoàn
thiện và thực hiện hệ thống tiêu chuẩn công chức. Hơn nữa, yêu cầu nâng cao chất
lượng đội ngũ công chức trong bối cảnh hiện nay đặt ra sự cần thiết phải khẩn trương
hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn công chức.
1. Về tiêu chuẩn công chức
Tiêu chuẩn công chức bao gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể. Tiêu
chuẩn chung là điều kiện cần, mang tính chất “cứng” mà bất cứ công dân nào muốn
tham gia công vụ đều phải hội đủ. Tiêu chuẩn cụ thể là điều kiện đủ, gắn với từng vị
trí việc làm cụ thể. Nó thể hiện tính chất, đặc điểm riêng của ngành, lĩnh vực và
mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể. Người được tuyển dụng vào mỗi vị trí
công tác cụ thể hoặc bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý, bên cạnh tiêu chuẩn
chung đối với công chức, còn phải đạt các tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến ngạch
công chức hoặc chức vụ tương ứng. Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong Sắc
lệnh 76/SL năm 1950 về Quy chế công chức Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký
ban hành đã quy định các tiêu chuẩn về công chức. Sau đó, từ Pháp lệnh cán bộ,
công chức năm 1998 cho đến Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định những
tiêu chuẩn mà công chức phải đạt được. Đến nay, theo quy định của Luật cán bộ,
công chức, tiêu chuẩn chung đối với công chức bao gồm:
- Phải là công dân Việt Nam, mang một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luật
quốc tịch năm 2008 đã có sửa đổi và cho phép công dân Việt Nam được mang nhiều
quốc tịch. Nhưng hoạt động công vụ là một hoạt động nhân danh quyền lực nhà
nước, thực thi và thừa hành pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của xã hội và
quốc gia. Công chức phải có nghĩa vụ trung thành với thể chế chính trị, với Nhà
nước. Vì vậy, nhất thiết công chức Việt Nam tham gia vào công vụ phải là công dân
Việt Nam và chỉ mang một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luật không cho phép
vừa mang quốc tịch Việt Nam vừa mang thêm quốc tịch của nước khác. Thông lệ và
tình hình chung ở các nước khác cũng vậy, người đăng ký tuyển dụng vào công chức
chỉ được phép mang một quốc tịch của nước đó.
- Đạt độ tuổi quy định từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây cũng là điểm mới trong tuyển
dụng công chức. Trước đây, pháp luật quy định tuổi đăng ký dự tuyển công chức là
từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi, một số trường hợp tuổi dự tuyển có thể cao hơn nhưng
không quá 45 tuổi. Quy định như vậy là nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người
tham gia vào công chức khi đến tuổi được nghỉ chế độ trong điều kiện chế độ bảo
hiểm xã hội trước đây còn những hạn chế. Nhưng quy định như vậy đã hạn chế cơ
hội của công dân, không tạo điều kiện thu hút được người có tài năng từ khu vực tư
tham gia vào công vụ. Đến nay, Luật bảo hiểm xã hội năm 2008 đã có sửa đổi, bổ
sung, theo đó bên cạnh hình thức bảo hiểm bắt buộc, đã có thêm hình thức bảo hiểm
tự nguyện. Do đó, Luật cán bộ, công chức chỉ quy định tuổi tuyển dụng ở mức sàn-là
từ đủ 18 tuổi trở lên - mà không khống chế độ tuổi tuyển dụng ở mức trần, miễn là
còn trong độ tuổi lao động. Điều này có nghĩa là nếu còn trong độ tuổi lao động -
dưới 55 tuổi với nữ và dưới 60 tuổi với nam - mọi công dân có đủ điều kiện quy định
đều có cơ hội tham gia vào công vụ.
- Đủ sức khỏe công tác. Tiêu chuẩn này nhiều khi chưa được chú trọng đúng
mức và thống nhất trong cách hiểu. Đây là tiêu chuẩn nhưng đồng thời cũng là điều
kiện để tham gia công vụ. Sức khỏe không chỉ đơn thuần liên quan đến ốm đau, bệnh
tật mà trong đó còn bao hàm cả khía cạnh tâm lý, tinh thần. Không ai có thể hoàn
thành tốt công vụ khi luôn ở trạng thái không cân bằng về tâm lý và mất ổn định về
tinh thần. ở nhiều nước, người dự tuyển công chức khi nộp hồ sơ dự tuyển không
phải nộp giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế. Người ta chỉ kiểm tra sức khỏe đối
với người đã trúng tuyển (đạt kết quả qua các vòng thi trước). Việc kiểm tra sức
khỏe được coi như vòng cuối - thuộc nội dung của kỳ tuyển dụng. Nếu không bảo
đảm sức khỏe sẽ không được tuyển dụng, mặc dù có thể đã trúng tuyển qua các vòng
trước. Quy định như thế còn góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, giấy tờ và tiết
kiệm thời gian của nhiều người- đây cũng là vấn đề mà Việt Nam có thể tham khảo.
Trong quá trình tham gia công vụ, nếu không đủ sức khỏe thì công chức có thể xin
thôi việc hoặc chuyển sang làm việc ở các khu vực khác phù hợp.
- Phải có đơn tự nguyện đăng ký dự tuyển vào công chức. Chế độ công vụ
hiện nay của nhiều nước vẫn theo phương thức thuận nhận. Người sử dụng lao động
- Nhà nước - được quyền lựa chọn người vào công chức. Còn người dự tuyển mặc dù
có nguyện vọng tuyển dụng nhưng có thể được hoặc không được toại nguyện. Nghĩa
vụ và quyền của công chức đã được pháp luật quy định. Công dân có nguyện vọng
gia nhập vào công vụ thì khi viết đơn đăng ký dự tuyển (theo mẫu quy định) chính là
một sự cam kết sẽ thực hiện đủ và đúng các nghĩa vụ và quyền đó. Vì vậy, không
nên hiểu làm đơn đăng ký chỉ là thủ tục mà cần phải được coi là tiêu chuẩn để đăng
ký tuyển dụng.
Bên cạnh các tiêu chuẩn chung nói trên, căn cứ vào từng ngành, từng lĩnh vực
của hoạt động công vụ, người dự tuyển vào công chức phải đạt được tiêu chuẩn cụ
thể tương ứng với mỗi vị trí công tác. Để bảo đảm hiệu quả của hoạt động công vụ,
mỗi công chức phải đạt được các yêu cầu cụ thể phù hợp với mỗi vị trí nhất định.
Mỗi vị trí thường được xác định tương ứng với một ngạch chức danh hoặc một chức
vụ cụ thể nhất định. Mỗi ngạch và mỗi chức vụ đều có quy định tiêu chuẩn về phẩm
chất, trình độ, năng lực gắn với chức trách, nhiệm vụ cụ thể. Nếu người được bố trí
vào công vụ không đáp ứng được tiêu chuẩn của ngạch hoặc chức vụ quản lý thì
không thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của vị trí đảm nhiệm.
Luật cán bộ, công chức cũng quy định một số trường hợp không được đăng ký
dự tuyển vào công chức, đó là:
- Không cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm bảo đảm cho công chức có
thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và chức trách của mình. Thực tế cho thấy không ai
có thể làm việc trong một quốc gia mà lại không thường trú tại quốc gia đó, hơn nữa
đó lại là công chức. Các nước trên thế giới đều quy định như vậy đối với công chức.
- Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm
hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của
tòa án mà chưa được xóa án tích...
Như vậy, theo các quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008, tiêu chuẩn
công chức đã có nhiều điểm cơ bản được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu cải cách chế độ
công vụ, công chức, phù hợp với các văn bản pháp luật khác và yêu cầu phát triển,
hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong các tiêu chuẩn công chức nói ở trên thì các
tiêu chuẩn cụ thể mới được quy định mang tính chất khung mà chưa được quy định
chi tiết tại Luật. Lý do là vì, trong thực tế các tiêu chuẩn cụ thể (gồm các ngạch công
chức và các chức vụ quản lý) có rất nhiều, không thể quy định chi tiết trong Luật
được. Vì vậy, Quốc hội đã giao cho Chính phủ trách nhiệm quy định chi tiết các tiêu
chuẩn cụ thể này. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật cán bộ, công chức và góp
phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện và
bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể của công chức.
2. Những vấn đề đặt ra đối với tiêu chuẩn cụ thể của công chức
Về tiêu chuẩn ngạch công chức, từ năm 1993 Nhà nước đã ban hành hệ thống
tiêu chuẩn chức danh các ngạch công chức, viên chức. Quá trình thực hiện đến nay
đã được trên 16 năm. Theo các Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03/11/2004;
Quyết định số 136/2005/QĐ-BNV ngày 19/12/2005 và Quyết định số 73/2005/QĐ-
BNV ngày 25/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay tiêu chuẩn chức danh
ngạch công chức trong nền hành chính của Việt Nam có 70 ngạch công chức bao
gồm từ các ngạch cao cấp trở xuống cho đến các ngạch nhân viên. Trong đó, ngạch
cao cấp có 11 chức danh ngạch, ngạch chính có 13 chức danh ngạch, ngạch chuyên
viên và tương đương có 16 chức danh ngạch, ngạch cán sự và tương đương có 12
chức danh ngạch, ngạch nhân viên có 18 chức danh ngạch. Đối với các chức vụ quản
lý, chỉ tính từ cấp phòng thuộc quận, huyện trở lên đến các bộ, ngành có khá nhiều
chức vụ khác nhau. Tuy nhiên, việc quy định tiêu chuẩn cho các chức vụ này chưa
được đầy đủ. Năm 2004, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các Quyết định số
82/2004/QĐ-BNV và Quyết định số 83/2004/QĐ-BNV về tiêu chuẩn chức vụ Vụ
trưởng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Giám đốc sở và các
chức vụ tương đương thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Một số bộ quản lý ngành đã xây dựng và ban hành một số tiêu chuẩn chức vụ Cục
trưởng, Trưởng ban và chức vụ tương đương thuộc Tổng cục.
Nhìn tổng thể, bên cạnh hệ thống các ngạch chức danh đã được ban hành
tương đối đầy đủ, hệ thống các chức vụ quản lý trong các cơ quan hành chính vẫn
còn nhiều chức vụ khác chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Điều đó dẫn đến, khi thực hiện
việc bổ nhiệm, đề bạt công chức vào các chức vụ quản lý, các cơ quan có thẩm
quyền thường chỉ căn cứ vào các quy định về tiêu chuẩn cán bộ nói chung do cơ
quan có thẩm quyền của Đảng quy định hoặc căn cứ thêm vào các tiêu chuẩn Vụ
trưởng hoặc Giám đốc sở để thực hiện xem xét bổ nhiệm đối với Phó Vụ trưởng
hoặc Phó giám đốc sở. Thực trạng này cho thấy tiêu chuẩn cụ thể của công chức hiện
nay vẫn còn thiếu, chưa đủ để phục vụ cho công tác quản lý.
Xét về nội dung, tiêu chuẩn các ngạch và các chức vụ quản lý đều được hình
thành bởi các tiêu chuẩn từ thấp đến cao, do mức độ phức tạp và yêu cầu công việc
của từng chức vụ, chức danh quy định. Kết cấu của tiêu chuẩn ngạch công chức hiện
nay gồm 3 phần chủ yếu là chức trách, hiểu biết và yêu cầu trình độ nhằm xác định
nội dung chức trách, khối lượng kiến thức, tri thức, kỹ năng và mức độ đào tạo cần
phải có. Tuy nhiên, qua thực hiện từ năm 1993 đến nay, hệ thống tiêu chuẩn ngạch
công chức đã bộc lộ hạn chế cần bổ sung và sửa đổi, nhất là nội dung quy định liên
quan đến năng lực công chức. Có thể nhận thấy, tiêu chuẩn về trình độ được nhấn
mạnh nhưng tiêu chuẩn về năng lực vẫn còn mờ nhạt, chưa rõ ràng hoặc chưa được
thể hiện. Kết cấu của tiêu chuẩn chức vụ công chức hiện được quy định gồm: vị trí,
chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất, năng lực, hiểu biết và trình độ. Trong đó, tiêu
chuẩn các chức vụ quy định chưa thể hiện cụ thể được các nội dung liên quan đến
phẩm chất, trình độ và năng lực. Bên cạnh quy định các tiêu chuẩn mang tính chung
chung, tiêu chuẩn các chức vụ quản lý nhìn chung là chưa đầy đủ.
Việc quy định các tiêu chuẩn cụ thể của công chức như hiện nay tạo ra nhiều
bất cập và ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ công chức. Thực tiễn cho thấy, với
những quy định như hiện nay dẫn đến một thực tế là, các cơ quan quản lý khi thực
hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có xu hướng chú trọng nhiều
hơn vào tiêu chuẩn phẩm chất và tiêu chuẩn trình độ mà chưa chú ý thỏa đáng đến
tiêu chuẩn năng lực. Trong một số trường hợp, có đề cập đến năng lực nhưng là năng
lực chung chung mà chưa có tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Điều đó dẫn đến tính hình thức
trong hoàn thiện tiêu chuẩn công chức. Đó là, công chức chỉ tham gia các khóa đào
tạo để có đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định hoặc tham gia bổ sung thêm các văn
bằng, chứng chỉ cho “đẹp” hồ sơ nhưng năng lực giải quyết công việc hoặc hiệu quả