Lợi thế công ty gia đình
Giám đốc điều hành hệ thống nhượng quyền Phở 24 và
hệ thống nhà hàng Nam An Lý Quý Trung cởi mở nói về
gia đình mình dù có những biến cố nhưng vẫn là chiếc
nôi ấm giúp anh thành đạt trên chặng đường lập
nghiệp.
Nhìn bề ngoài nhiều người cho rằng cuộc sống, công việc của anh rất suôn sẻ, thực tế có
đúng không?
Thật ra cũng không phải mọi chuyện đều như vậy. Khi học lớp 12, chuẩn bị thi đại học là lúc ba mẹ
của tôi chia tay nhau. Điều này tất nhiên làm xáo trộn tinh thần trong thời kỳ học luyện thi. Và tôi đã
rớt kỳ thi đại học năm 1985. Sau đó, tôi xin vào chân phục vụ bàn ở khách sạn Đệ Nhất (TP.
HCM). Ở đó, tôi cũng trải qua đủ loại công việc. Khi vào ca là lau nhà, vệ sinh toilet, sắp xếp bàn
ghế... rồi mới thay đồ vào chạy bàn. Được vài tháng, lại chuyển sang làm trực tổng đài, rồi làm lễ
tân đêm, lễ tân ngày.
Có những ngày gian nan như vậy, nhưng giờ anh đã là người có học vị cao, còn giảng
dạy ở đại học quốc tế?
Khi ấy tôi đã có ước ao được học đến cùng, nên khi công việc ở khách sạn ổn định tôi thu xếp vừa
đi làm vừa đi học lại và đã vào đại học mở. Gặp những bạn thân đã đậu đại học trước, tôi thường
nói đùa: "Mình chạy đường vòng cũng tới à. Ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay!". Đến năm
1990, tôi đã là một trong những sinh viên VN đầu tiên sau 1975 đi du học tự túc ở Úc. Ở đây, tôi
đã tốt nghiệp đại học, sau đó học tiếp lấy thạc sĩ ngành quản trị du lịch.
Vậy có khi anh có duyên học ở nước ngoài hơn?
Đúng ra là do đã rút kinh nghiệm từ thất bại thi đại học ở VN. Biến cố gia đình chỉ là một phần, cái
chính là mình học không có phương pháp. Đến lúc ra ngoài mới nghiệm ra phương pháp học mới
là quan trọng chứ không phải là thời gian mình bỏ ra. Sau này tôi cũng ứng dụng điều này vào
trong công việc, dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về phương pháp, chiến thuật, thay vì suốt
ngày hì hục giải quyết sự vụ.
Phương pháp đó đã giúp anh gặt hái được thành công trong thời gian qua?
Cũng không hẳn vậy. Năm 1995, tôi về nước và đi xin việc. Tôi vượt qua cuộc phỏng vấn tuyển
dụng và được tiếp nhận vào vị trí phó tổng giám đốc liên doanh sản xuất kinh doanh ngành thực
phẩm Tecaworld. Cũng trong thời gian này, tôi kinh doanh thêm quán bar nhạc jazz vào ban đêm.
Nhưng không tính toán hết được những vấn đề phát sinh nên công việc kinh doanh bar đã lỗ lã
kéo dài. Bao nhiêu tiền lương phó tổng giám đốc liên doanh đều phải đổ vào để trả nợ cho quán
bar. Vài tháng sau quán bar rơi vào diện quỹ hoạch giải toả, tôi nhận được ít tiền đền bù và kết
thúc "doanh nghiệp" triền miên thua lỗ của mình, nhưng nợ nần thì vẫn phải tiếp tục trả thêm nhiều
tháng sau mới hết.
Doanh nhân Lý Quý Chung
Và anh lại có thêm một lần để làm đầy kho kinh nghiệm của mình?
Có thêm nhiều chứ. Thứ nhất là mình đã bỏ ra chi phí quá cao. Ngủ quên trong sự hào nhoáng khi
thấy khách đến đông, mà không quan tâm hiệu quả thực tế thu được trên mỗi đầu khách. Thứ hai
là ứng dụng cứng nhắc kiến thức được học, mà thiếu sự uyển chuyển thay đổi cho phù hợp hoàn
cảnh, đã không giữ được nhân viên giỏi và không tạo động lực khuyến khích nhân viên đóng góp.
Thứ ba là không tranh thủ được sự ủng hộ của gia đình, người thân...
Còn với hệ thống Nam An và Phở 24 anh có nhận được sự ủng hộ của gia đình?
Khác với bar, khách hàng của Nam An hay Phở 24 là thành phần lành mạnh, nên tôi được ủng hộ
của cả gia đình. Đúng ra đây là công ty của cả nhà, 4 anh em tụi này và mẹ đều là cổ đông. Mỗi
thành viên lại có thế mạnh riêng để hình thành nên một "đội hình" mạnh. Tôi làm phần quản trị, mẹ
đào tạo đầu bếp, em rể và em gái thì lo về thiết kế, trang trí... Vấn đề liên quan đến lĩnh vực của
người nào thì người đó có quyền quyết định cuối cùng. Yếu tố làm nên thành công là phân công
trách nhiệm rõ ràng.
Tuy nhiên, đôi khi do những yếu tố, tình cảm, nể nang... dẫn đến cản trở công việc điều
hành đối với các công ty gia đình?
Tôi chưa nói ra một thế mạnh khác là gia đình chúng tôi rất đoàn kết. Cũng phải cân đối chứ! Gia
đình nhiều quá có thể làm mất tính chuyên nghiệp, nhưng chuyên nghiệp có thể lại làm mất tình
cảm. Khéo thì gia đình là thế mạnh, không khéo thì gia đình lại là khuyết điểm. Cuộc họp bàn bạc
công việc chúng tôi cũng làm rất nhẹ nhàng. Thường là những buổi ăn sáng, ăn tối. Cách trình bày
của mỗi người cũng từ tốn, tối kỵ chuyện đập bàn, nói nặng nói nhẹ. Mọi người đều phải xuất phát
từ suy nghĩ vì cái quan trọng nhất - đó là đoàn kết, hoà thuận trong gia đình. Không vì bất cứ cái gì
mà làm đổ vỡ hết!
Đó là điều khó giữ được trong gia đình đông con, có cả dâu, rể, lại chung đụng đến
chuyện tiền bạc?
Có lẽ đó cũng là cái phúc của tụi này. Cha mẹ tôi khi ly dị cũng đối xử với nhau rất cao thượng,
như những người bạn rất đẹp. Mọi người, cả anh em dâu rể cũng đều nhận thức điều này. Lại có
cái chung là quan niệm làm ăn cũng phải hưởng thụ, sinh hoạt rất là nghệ sĩ. Ai cũng thích du lịch,
chơi thể thao, đàn hát, vẽ tranh... Rất nghiêm túc, chuyên nghiệp trong kinh doanh, nhưng cũng
dành nhiều thời gian để chơi. Nên mọi thành viên trong gia đình, kể cả mẹ cũng rất trẻ.
Anh coi trọng chuyện tình nghĩa trong gia đình như vậy, còn quan hệ với đối tác làm ăn
bên ngoài anh quan niệm thế nào?
Tôi cho rằng dù có lợi mà không có tình thì cũng không chọn để hợp tác. Đối tác để franchise phở
chẳng hạn, có tiền chỉ là yếu tố cuối cùng, mà trước hết phải là người tốt, có tình nghĩa... Tôi quan
niệm có đạo đức trong kinh doanh. Có thể thắng hoặc thua (nghĩ đến điều này đã là sân si rồi),
nhưng thắng bằng tà đạo hay chính đạo? Nếu anh không đạo đức, không công bằng cũng sẽ
không giữ được nhân viên. Mình không đàng hoàng thì nhân viên sẽ biết mình không thể tiến xa
được, khách hàng lâu ngày cũng sẽ biết mà bỏ đi.
Nhiều người cho rằng quan hệ như vậy đôi khi phải nhận phần thua thiệt về mình?
Tôi ví dụ chuyện chiếm dụng vốn. Khoa học quản trị cho rằng trả tiền càng chậm càng tốt. Nhưng
xem đường dài, anh chiếm dụng thì tín nhiệm đối tác đối với anh sẽ dần mất đi. Ở đây không nói
cái nào đúng, cái nào sai, mà mình chọn cái nào. Anh chọn cái mà được nhân viên tôn trọng, bạn
hàng quý mến thì cuối cùng mọi việc sẽ tốt lên. Hay tôi ra kinh doanh sau, nhưng không copy Phở
2000, hoặc theo cách nhà hàng Ngon. Bắt chước thì dễ, nhưng đó là cách làm không được ngẩng
cao đầu.
(theo Sài gòn tiếp thị)