Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Tài liệu Quan điểm bán hàng chuyên nghiệp ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (49.07 KB, 2 trang )

Quan điểm bán hàng chuyên nghiệp
Trong một buổi huấn luyện về chủ đề “Quan điểm bán hàng chuyên nghiệp” tại một doanh
nghiệp kinh doanh hàng kim khí điện máy, giảng viên hỏi học viên: “Chúng ta đang bán
gì?”.
Đa số các câu trả lời đều là: “Chúng ta đang bán ti vi, tủ lạnh, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia
dụng…”. Giảng viên hỏi tiếp: “Vậy, đối thủ của chúng ta đang bán gì?”. Học viên đồng loạt trả lời:
“Dạ, cũng y như vậy ạ!”.
Nhiều người hẳn sẽ nghĩ, ông thầy này hỏi thật ngớ ngẩn. Có nhân viên bán hàng nào mà không
biết mình đang bán sản phẩm gì. Có ai mà không biết rõ đối thủ của mình đang bán gì.
Thế nhưng, “đáp án” của giảng viên mới thực sự gây bất ngờ: “Chúng ta không bán sản phẩm,
chúng ta bán lợi ích và sự thỏa mãn. Khách hàng không mua sản phẩm. Họ mua lợi ích - thứ mà
sản phẩm mang lại cho họ, và sau đó là sự thỏa mãn - thứ mà sản phẩm tạo ra cho họ”. Câu trả
lời quả thật là bất ngờ và sâu sắc!
Vì sao khách hàng không mua sản phẩm?
Rất nhiều nhân viên bán hàng, khi tiếp xúc với khách hàng đã “thao thao bất tuyệt” về thành phần
cấu tạo, công thức hóa học, tên gọi linh kiện, hóa chất, các chức năng rất khó hiểu của sản phẩm,
trong khi cái mà người tiêu dùng quan tâm là, sản phẩm mang lại lợi ích gì cho họ, thì lại không
được giải thích cặn kẽ.
Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, lợi ích cảm xúc (emotional benefits) còn quan trọng hơn nhiều
so với lợi ích chức năng (functional benefits). Lợi ích cảm xúc đóng góp rất lớn vào sự thỏa mãn,
hài lòng của khách hàng.
Hãy lấy ví dụ về một ly cà phê. Nếu bạn vào một quán cà phê ở quận 12, Thủ Đức, hay Bình Tân,
giá của một ly cà phê ngon chỉ khoảng trên 10.000 đồng.
Nhưng cũng ly cà phê đó, thậm chí không ngon bằng, nếu bạn ngồi trong một quán cà phê tương
tự ở quận 1 hoặc quận 3, giá có thể sẽ gấp đôi, gấp ba, hoặc cao hơn, mặc dù không gian có thể
chật hơn, trang trí kém hơn, nhân viên phục vụ thiếu nhiệt tình hơn… Và nhiều ví dụ tương tự
khác với mỹ viện, nhà hàng, hiệu quần áo…
Về chức năng, những sản phẩm, dịch vụ này có thể mang lại lợi ích tương đương, nhưng về cảm
xúc, lợi ích sẽ rất khác nhau. Những người sẵn sàng bỏ ra khoản tiền gấp ba, bốn lần để ngồi
trong một nhà hàng hay quán cà phê sang trọng ở quận 1, không hẳn chỉ để mua những món ăn,
ly cà phê; mà để mua lợi ích cảm xúc, và sự thỏa mãn do lợi ích cảm xúc mang lại. Đó là sự thỏa


mãn với cảm giác được thể hiện “đẳng cấp” và sự sang trọng, được người khác “nể nang” vì dám
“xài” sang, “chịu chơi”.
Thành công của nghề bán hàng là ở chỗ biết khơi gợi và “chào bán” những lợi ích cảm xúc ấy cho
khách hàng. Và, những ai muốn trở thành người bán hàng chuyên nghiệp cần phải xác định rõ bạn
đang bán lợi ích chứ không phải bán sản phẩm!
Một quan điểm quan trọng khác, nhưng chưa được phổ biến trong “giới” bán hàng, đó là: “Hãy
giúp khách hàng mua, chứ không phải chỉ bán”. Nhiều nhân viên bán hàng (và cả doanh nghiệp)
tìm mọi cách để bán được hàng, và “đẩy” hàng cho khách xong là hết trách nhiệm.
Trong nhiều trường hợp, nhân viên bán hàng tìm cách chèo kéo, nài nỉ để khách hàng mua giúp;
trong khi đó, yếu tố làm thế nào để khách hàng “tự nguyện” mua lại không được chú trọng.
“Giúp khách hàng mua” có nghĩa là làm thế nào để khách hàng tin rằng quyết định mua hàng của
họ là sáng suốt. “Giúp” tức là giải thích như thế nào để khách hàng hiểu được lợi ích của sản
phẩm (cả chức năng lẫn cảm xúc) và tự họ quyết định việc mua thay vì bị nài ép, năn nỉ phải mua.
Có như vậy, khi cầm món hàng ra về, khách hàng mới có được cảm giác thoải mái vì chính mình
đã quyết định chuyện mua hàng. Sự thỏa mãn phần nào nằm ở chỗ họ tin, họ đã làm điều đúng.
Nhờ đó, những lần sau, nhân viên mới có cơ hội gặp lại những khách hàng này.
Quan điểm “Khách hàng không thích dở võ” cũng cần được chú trọng. Những nhân viên bán hàng
được đào tạo một đôi ngày về kỹ năng thuyết phục khách hàng thường sử dụng một cách khá lộ
liễu các món “võ” được trang bị khi học về chủ đề này. Điều đáng tiếc là nhiều khách hàng có ý
thức “cảnh giác” cao dễ dàng nhận ra nhân viên bán hàng đang dùng “chiêu” để dụ họ.
Không có sự thuyết phục nào dễ mang lại thành công hơn sự chân tình và sự quan tâm thật sự
đến lợi ích của khách hàng. Món “võ” cao siêu nhất là món “vô chiêu”, tức “võ mà không phải võ”.
Các “cao thủ” bán hàng chính là những người thể hiện sự chân thành với khách hàng (một cách
chân thành). Họ biết cách “nói” cho khách hàng biết là họ chẳng có “chiêu” nào cả, ngoài sự quan
tâm thực sự đến lợi ích của khách hàng. Họ chỉ tìm cách “giúp khách hàng mua”.
Một trong những cách thể hiện sự quan tâm đơn giản và hiệu quả nhất là sẵn sàng tư vấn tận tình
cho khách hàng mua sản phẩm của công ty khác, nếu như sản phẩm đó công ty mình không có,
hoặc có, nhưng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Trong nhiều trường hợp, chính sự
chân thành này gây được cảm tình và sự tin tưởng cho khách hàng, để những lần sau, họ trở lại
mua.

Tính chuyên nghiệp trong bán hàng, trước hết, phải được thể hiện trong quan điểm bán hàng. Từ
quan điểm sẽ dẫn đến các diễn biến tâm lý và sự thể hiện qua các hành vi. Nếu người bán hàng
thấm nhuần các quan điểm bán hàng chuyên nghiệp như trên, họ sẽ hiểu được tâm tư của khách
hàng. Điều này có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các “thương vụ”.

×