Nên làm gì khi con bạn bị đái tháo đường?
Trước hết, bạn đừng tự dằn vặt vì bản thân bạn không có lỗi và không thể làm
gì để con mình khỏi bị đái tháo đường (ĐTĐ). Hãy bình tĩnh tìm hiểu nhiều hơn về
căn bệnh này để tránh cho con bạn khỏi những tai biến có thể xảy ra. Sau đây là lời
giải đáp cho những thắc mắc thường gặp của bậc cha mẹ có con bị ĐTĐ. Tại sao con
tôi lại bị ĐTĐ trong khi gia đình tôi trước nay không ai bị bệnh này cả?
ĐTĐ có thể di truyền. Tuy nhiên, ở một số trẻ, bệnh xuất hiện khi một loại
virus (như virus gây bệnh sởi hoặc quai bị...) tấn công vào tụy (cơ quan sản xuất ra
insulin), làm tụy bị tổn thương. Có thể giải thích hiện tượng này như sau: đầu tiên, cơ
thể tấn công các virus xâm nhập, sau đó tự nhiên nó quay sang tấn công vào tụy vì các
tế bào của tụy trông giống với loại virus kia. Hậu quả là tụy bị phá hủy và không thể
sản xuất ra insulin nữa. Do không thể biết trẻ nào sẽ bị loại virus đó tấn công nên
chúng ta sẽ không có cách nào bảo vệ trẻ khỏi bị ĐTĐ.
Nên nói gì với những đứa con khác?
Nếu để ý, bạn sẽ thấy những trẻ khác trong nhà cũng lo lắng không kém gì bạn.
Vì vậy, tốt hơn hết là hãy nói với chúng một cách đơn giản và cởi mở về bệnh ĐTĐ
dựa trên những kiến thức mà bạn có. Ví dụ, bạn có thể nói: “Em con bị bệnh ĐTĐ.
Điều đó có nghĩa là em sẽ không được ăn uống thoải mái, hàng ngày cần tiêm một loại
thuốc gọi là insulin để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh. Các con có muốn biết về
những điều này không? Chúng ta sẽ cùng nói về chuyện này nhé”...
Test nhanh thử đường huyết cho trẻ.
Một trong những điều mà bọn trẻ hay hỏi và các bậc cha mẹ cũng nên nói cho
chúng hiểu là tác dụng của insulin... Ví dụ, về hiện tượng hạ đường máu do tiêm
insulin, bạn có thể giảng giải như sau: “Đôi khi em con có những hành động rất kỳ lạ,
như run rẩy, toát mồ hôi, cáu gắt hoặc tự nhiên ngủ thiếp đi... Khi đó, em cần được cho
ăn hoặc uống nước đường ngay lập tức”.
Con tôi còn quá nhỏ, làm thế nào để nó có thể tự chăm sóc?
Là cha mẹ, chúng ta thường thấy rất khó để vừa bảo vệ, che chở cho đứa con bị
bệnh, lại vừa giúp nó được sinh hoạt, vui chơi tự nhiên như những trẻ khỏe mạnh khác.
Có khi bạn vừa nói với con: “Hãy đi chơi với bạn nếu con muốn” nhưng chỉ sau 1 phút
bạn lại nghĩ: “Con mình không nên đi chơi bây giờ, nó mới tiêm insulin nên có thể bị
hạ đường huyết”. Bạn nên tìm cách giúp trẻ tự kiểm soát bệnh. Hãy tìm hiểu xem liệu
trẻ có thể làm được gì, rồi hướng dẫn cho chúng. Nếu không để con tự làm, nó sẽ mãi
mãi phụ thuộc vào bạn.
Chú ý: Hãy khuyến khích con bạn tham gia các sinh hoạt tập thể để chúng biết
rằng cũng có những trẻ khác bị bệnh như mình, và chúng có thể học hỏi lẫn nhau cách
điều trị, kiểm soát bệnh.
Làm thế nào để con tôi có thể học hỏi và tự chăm sóc nhiều hơn về bệnh
ĐTĐ?
Nếu bạn muốn con mình có được thói quen học hỏi cách kiểm soát bệnh của nó
hàng ngày, hãy làm theo các bước sau:
- Nói với con bạn về những gì mà nó có thể làm để chữa bệnh ĐTĐ. Lập một
danh sách những điều cần làm để kiểm soát bệnh tốt nhất; sau đó chọn ra một số công
việc mà bạn muốn con mình thực hiện thành thạo.
- Đặt ra những phần thưởng nhỏ mà con bạn sẽ được nhận nếu nó làm tốt điều
bạn muốn.
- Lập một bảng công việc: lập danh sách công việc mà con bạn nên làm mỗi
ngày, trong đó có 1-2 công việc mà nó đã thực sự làm tốt. Xem con bạn đã làm được
bao nhiêu việc (mỗi việc làm được sẽ đánh 1 dấu cộng) và nhận phần thưởng. Hãy để
trẻ tự chọn chỗ treo bảng này và phải treo sao cho trẻ có thể với tới được. Mỗi tối, đề
nghị trẻ tự tổng kết xem đã làm được bao nhiêu việc, có được nhận phần thưởng hay
không và phần thưởng đó là gì?
- Nên khen ngợi kịp thời khi con bạn làm được những công việc mới. Theo kinh
nghiệm thì với cách này, chỉ sau một thời gian ngắn, bạn có thể bỏ bảng nói trên. Khi
trẻ không làm được điều gì, hãy nói: “Con nên cố gắng vào ngày mai”. Không bao giờ
được trừng phạt nếu trẻ không chịu làm hoặc không làm được gì. Không bao giờ được
xóa đi những dấu cộng trên bảng đó. Khi tập trung vào đứa con bị bệnh, bạn không
bao giờ được quên những đứa con khác. Tốt nhất là cũng lập cho chúng những bảng
công việc phải làm khác, ví dụ: học bài, dọn nhà, vẽ tranh…
Khi trẻ có những hành động bất thường, đó là do nghịch ngợm hay do
bệnh ĐTĐ?
Thật khó trả lời chính xác được câu hỏi này. Khi trẻ khóc, cáu gắt hoặc túm
đuôi chó mèo, bắt gián ăn... thì dù do nguyên nhân gì, bạn cũng nên dỗ dành và
khuyên con đừng nghịch như vậy nữa. Không bao giờ chiều chuộng trẻ quá mức.
Trong trường hợp này, phải tỏ ra cứng rắn.
Sau đó, nếu bạn nghĩ trẻ bị hạ đường huyết, hãy tự hỏi: có phải đây là thời điểm
mà insulin tác dụng mạnh nhất không? (ví dụ 2 giờ sau khi tiêm insulin nhanh); trẻ có
bỏ ăn hoặc ăn ít vào buổi sáng (hoặc trưa) không? Hôm nay nó có tập thể dục hoặc
chạy nhảy nhiều quá không? Mặt trẻ có xanh hoặc nhợt nhạt không? Có phải hàng
ngày vào giờ này, nó đều có những hành động như vậy hay không? Nếu sợ đường
huyết của trẻ quá cao, bạn nên tự hỏi: trẻ có bị ốm (ho, sốt, cảm cúm) không? Trông
nó có thực sự khỏe mạnh không? Đường máu của nó mấy ngày nay (hoặc sáng nay) có
tốt không?
Tiếp theo, phải thử ngay đường máu cho trẻ (nếu có thể). Tùy đường máu cao
hay thấp, bạn có thể xử trí hoặc báo ngay cho bác sĩ và đưa con đến bệnh viện.
Làm cách nào tôi có thể học được tất cả những việc trên, và học từ ai?
Quả là lúc đầu có quá nhiều việc bạn cần biết và phải làm. Tuy nhiên, bạn
không nên quá lo lắng, mỗi ngày hãy dành một chút thời gian để học việc gì đó mà bạn
cho là cần nhất. Bạn cũng có thể học hỏi từ rất nhiều người như bác sĩ, y tá, những ông
bố, bà mẹ cũng có con bị ĐTĐ. Hãy học những điều bạn chưa biết từ mọi người, chia
sẻ những gì bạn đã biết. Ngoài ra, nên đọc sách báo, tham gia vào các câu lạc bộ bệnh
nhân hoặc câu lạc bộ cha mẹ bệnh nhân ĐTĐ.
Con bạn sẽ phát triển một cách bình thường nếu nó được chăm sóc và điều trị
tốt. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của các bậc cha mẹ. Vì vậy,
bạn hãy cố gắng học hỏi để trở thành một người thầy thuốc gia đình.