Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.9 KB, 2 trang )
<span class='text_page_counter'>(1)</span>Tiếng Xuân trong thơ Xuân Diệu LSO-Trên văn đàn thi ca Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến tình cảm của các thi sĩ dành cho mùa Xuân. Từ lâu “mùa Xuân” trở thành đề tài quen thuộc của thơ ca dân tộc. Mùa Xuân thường gắn với sự trẻ trung, tươi mới, căng tràn nhựa sống, mùa của sự sinh sôi, nảy nở, phát triển của vạn vật, mùa của những khát khao và là hình tượng nghệ thuật để thi sĩ gửi gắm nỗi niềm thầm kín. Nói đến mùa Xuân, “Buổi sáng sớm đầu tiên” hay “Ngày mới”, mỗi thi nhân đều có cách cảm, cách nghĩ riêng và bằng phong cách của mình thể hiện vẻ đẹp của mùa Xuân. Xuân Diệu cũng như các nhà thơ khác, ông cũng viết về mùa Xuân. Được đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh – Hoài Chân), Xuân Diệu có cách nhìn mùa Xuân bằng con mắt nghệ thuật riêng. Với Xuân Diệu mùa Xuân vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Tiếng Xuân trong thơ Xuân Diệu gắn với tình yêu, tuổi trẻ. Nhà thơ coi tuổi trẻ là tuổi xuân, tuổi của tình yêu. Muốn làm nổi bật sức sống của mùa Xuân, mùa đầu năm, nhà thơ đem đối lập với sự uể oải của những mùa cuối năm. Nếu mùa Thu, mùa Đông gợi sự héo úa, chết chóc, thì mùa Xuân là mùa của sự sinh sôi, nảy nở. Nếu hai mùa cuối năm là buổi chiều tàn, thì mùa Xuân trong thơ Xuân Diệu là buổi sáng rạng rỡ, ấm nóng. Xuân Diệu định nghĩa mùa Xuân rất đơn giản: Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm, Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu Thế là Xuân. Tôi không hỏi chi nhiều. …Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ, Chim trên cành há mỏ hót ra thơ, Xuân là lúc gió về không định trước. Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược, Mây bay đi để hở một khung trời Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi… (Xuân không mùa) Xuân Diệu khác với các nhà thơ khác, bởi bằng mùa Xuân ông tìm thấy cái đẹp, cái thẩm mĩ ngay trong chính cuộc đời trần thế. Với ông, mùa Xuân đẹp, tươi, vui và rất gợi tình. Ở tuổi xuân, chàng trai vạm vỡ trong vai trò chinh phục, còn cô gái thì căng tràn nhựa sống chờ đón xuân sang. Nhà thơ nhận thấy chính tuổi trẻ và tình yêu của con người là đẹp nhất. Nếu thơ xưa thường lấy chuẩn mực là thiên nhiên, thì với Xuân Diệu con người lại là chuẩn mực. Và con người trong tình yêu là tác phẩm tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho trái đất. Từ quan niệm riêng của mình, nhà thơ đã sáng tạo ra hình ảnh độc đáo: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Câu thơ là một sự so sánh táo bạo. Tác giả dùng “tháng Giêng” như một khái niệm vừa để chỉ thời gian, vừa để chỉ không gian của mùa Xuân. Nó đẹp và thuần khiết khi được đem đối sánh với “cặp môi gần” của người thiếu nữ. Một năm đẹp nhất là mùa Xuân. Mùa Xuân đẹp nhất lại là tháng Giêng, bởi trong thời gian này, mọi vật bừng lên sức sống tươi tắn, trẻ trung. Và tình yêu của tuổi trẻ được Xuân Diệu ví như tháng Giêng của mùa Xuân vậy. Đối với Xuân Diệu, nếu mùa Xuân là thứ quý nhất của đất trời, của vạn vật, thì tuổi thanh xuân là thứ quý giá nhất của con người. Mùa Xuân đẹp và quý giá, nhưng nó chỉ quý giá và càng quý giá hơn khi con người hưởng mùa Xuân ấy. Thời gian cứ mênh mông và tuần hoàn như mùa Xuân thành ra người ta thấy mùa Xuân qua đi rồi lại đến, còn tuổi trẻ thì chẳng “hai lần thắm lại”. Chính vì thế, Xuân Diệu mới “giục giã”, mới “vội vàng”: “mau với chứ, vội vàng lên với chứ; em ơi em tình non sắp già rồi”. Đang sống trong mùa Xuân mà tác giả như thấy mùa Xuân trôi qua, bởi ông cho rằng thời gian từ từ trôi nhưng không bao giờ có thể lấy lại được, cũng như tuổi trẻ của con người đã trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Nên tác giả cuống quýt, vồ vập để tận hưởng từng phút giây tuổi trẻ. Đã có nhiều quan niệm cho rằng, thơ của Xuân Diệu “tây” quá, và thơ ông cổ vũ cho lối sống “vội”, sống “gấp”. Nhưng xét cho cùng thì quan niệm sống mà Xuân Diệu muốn nhắn nhủ giới trẻ là: hãy sống thật ý nghĩa trong từng giây, từng phút; phải tận hưởng những thứ quý giá mà tạo hóa dành riêng cho tuổi trẻ, bởi tuổi trẻ chẳng chờ đợi ai, thời gian sẽ làm cho tuổi xuân trở thành hoài niệm. Vì thế, cần phải có định hướng đúng đắn, đừng để phí hoài tuổi xuân. Đó là triết lý cho một lối sống lành mạnh. Có lẽ chính vì điều này mà thơ của Xuân Diệu đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ..
<span class='text_page_counter'>(2)</span>
<span class='text_page_counter'>(3)</span>