Công ty nhỏ trong “cuộc chơi” toàn cầu
“Làm thế nào để tiếp cận và bán hàng trên một thị trường có hơn 6 tỷ người?”, “Làm
sao để giành phần thắng trong “cuộc chơi” toàn cầu mà bạn không thể là người ngoài
cuộc?”. Đó là những câu hỏi làm nhiều chủ doanh nghiệp phải đau đầu trong bối cảnh thế
giới hiện nay.
Song song với quá trình toàn cầu hóa, kinh doanh đa quốc gia đang trở thành một xu
thế tất yếu để tồn tại và phát triển. Đặc biệt khi thị trường trong nước trở nên quá chật chội,
các chủ doanh nghiệp đều nhận thức được rằng đã đến lúc phải bước vào cuộc chơi toàn cầu,
nghĩa là phải đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ của mình ra thế giới, tìm kiếm lợi
nhuận và rồi lại sử dụng những lợi nhuận đó cho kế hoạch mở rộng thị trường sang tiếp theo.
Cũng như trong bất cứ cuộc chơi nào khác, việc đầu tiên bạn phải thực hiện sẽ là các
thao tác chuẩn bị. Dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước, chúng tôi đưa ra 20 lời
khuyên quan trọng giúp bạn nâng cao khả năng thành công trong cuộc chơi không dễ dàng
này:
1. Xây dựng sự gắn bó và quyết tâm của các nhân viên trong công ty. Mọi nhân
viên trong công ty phải được biết rõ về kế hoạch phát triển ra thị trường quốc tế, cần có tinh
thần đồng lòng, gắn bó và cùng tin tưởng vào thành công trong tương lai. Chặng đường sẽ rất
dài và do vậy bạn không thể đến đích nếu không có nỗ lực chung của toàn thể nhân viên.
2. Xác định rõ một kế hoạch kinh doanh tiếp cận thị trường toàn cầu. Một kế
hoạch kinh doanh quốc tế là yếu tố quan trọng để xác định hoàn cảnh hiện tại của công ty bạn
cũng như các mục tiêu trong tương lai. Bản kế hoạch đó cũng rất cần thiết để bạn có cơ sở
đánh giá các kết quả sẽ đạt được.
3. Xác định bạn có thể đầu tư bao nhiêu tiền để mở rộng kinh doanh ra thương
trường quốc tế. Ngân quỹ đó sẽ dựa trên một tỷ lệ phần trăm doanh thu nội địa, hay trên
những dự án riêng biệt nào khác mà bạn có thể huy động đủ số tiền cần thiết?
4. Dành ra ít nhất là 2 năm để nghiên cứu và phân tích thị trường nhằm chuẩn bị
cho sự thâm nhập toàn cầu. Sẽ mất không ít thời gian và công sức để xây dựng một công ty
kinh doanh toàn cầu, vì vậy, bạn hãy kiên nhẫn và lên kế hoạch cho một chặng đường dài.
5. Xây dựng một trang web và xác định ngôn ngữ sẽ sử dụng trên trang web.
Nhiều công ty đưa ra các dịch vụ trọn gói để xây dựng trang web, nhưng bạn cần xác định rõ
ràng ngôn ngữ nào sẽ được sử dụng. Tiếng Anh hiển nhiên là ngôn ngữ phổ biến và quan
trọng nhất thế giới, song chỉ có 28% người dân châu Âu có thể đọc nó và tỷ lệ này còn thấp
hơn nhiều tại Nam Mỹ và châu Á. Sẽ tốt hơn cả nếu bạn xây dựng một trang web có thể giao
tiếp hiệu quả và hợp lý với toàn thế giới - đó là những trang web đa ngôn ngữ.
6. Lựa chọn một sản phẩm hay dịch vụ để mang ra thế giới. Bạn không thể cung
cấp tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người, vì thế hãy quyết định chọn một thứ gì đó có triển
vọng nhất và gắn bó chung thủy với nó.
7. Nghiên cứu để tìm những thị trường mục tiêu triển vọng nhất. Chắc hẳn bạn sẽ
muốn tìm thấy một nơi nào đó trên thế giới mà sản phẩm của bạn có nhu cầu lớn nhất. Nghiên
cứu thị trường là công cụ hiệu quả nhất để giúp bạn khám phá và tìm ra những thị trường dễ
thâm nhập và có khả năng tăng trưởng nhanh chóng nhất đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn.
8. Thu thập những dữ liệu cần thiết để dự đoán xem sản phẩm của bạn sẽ được
bán như thế nào tại một khu vực địa lý cụ thể. Bạn muốn bán sản phẩm cho một khách
hàng ở , hay 10 container cho một nhà bán lẻ tại Pháp? Hãy cẩn thận tìm hiểu xem liệu bạn có
thể bán ra bao nhiêu sản phẩm/dịch vụ trong một quãng thời gian cụ thể.
9. Chuẩn bị sản phẩm của bạn để xuất khẩu. Bạn nên tiến hành chỉnh sửa sản phẩm
của bạn cho phù hợp với thị trường quốc tế, trước khi những giao dịch mua sắm đầu tiên được
thực hiện. Hoạt động đóng gói và giao nhận luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh
xuất khẩu. Hãy đảm bảo sản phẩm/dịch vụ của bạn có chất lượng tốt và ổn định, khi đó bạn sẽ
có thể bán nó ở mọi nơi trên thế giới.
10. Tìm kiếm những khách hàng bên ngoài biên giới quốc gia. Sẽ không có hoạt
động kinh doanh quốc tế nào cả, khi bạn chưa xác định được rõ ai là khách hàng nước ngoài
đầu tiên của bạn.
11. Xây dựng một phương thức xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp. Tất cả đều được
cô đọng trong chiến lược xuất khẩu và cách bạn sẽ kiểm soát như thế nào các hoạt động giao
thương quốc tế này. Nói cách khác, việc sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội bao giờ cũng quan trọng
hơn việc hoạch định chiến lược kinh doanh tổng thể.
12. Nhờ đến sự giúp đỡ của một luật sư tốt, một ngân hàng uy tín, một kế toán
viên có chuyên môn và một chuyên gia vận tải giàu kinh nghiệm, mỗi người trong số họ
đều phải chuyên về các hoạt động giao thương quốc tế. Bạn có thể cảm thấy khoản ngân sách
để chi phí cho những dịch vụ chuyên nghiệp này là quá cao, nhưng thật sự bạn sẽ không thể
thành công nếu thiếu họ.
13. Chuẩn bị định giá và xác định các chi phí cần thiết. Bạn hãy kiểm tra bằng cách
đưa ra mức giá của bạn cho một vài khách hàng nào đó và xem họ phản ứng như thế nào, từ
đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhất.
14. Đặt ra các điều khoản, điều kiện và những lựa chọn tài chính khác. Bạn có thể
đồng ý với những điều khoản thanh toán trước, nhưng đừng bao giờ bán chịu cho một khách
hàng hoàn toàn mới, nếu chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về họ.
15. Xem xét lại các văn bản tài liệu và xuất khẩu theo đúng quy trình đã được
cấp phép. Nếu bạn thấy việc này mất quá nhiều thời gian, hãy thuê một nhà trung gian vận
chuyển - người có thể giúp bạn tiến hành các hoạt động xuất khẩu một cách nhanh chóng.
Hãy đặt thật nhiều câu hỏi và tận dụng tối đa chuyên môn của họ.
16. Thực thi một kế hoạch dịch vụ hậu mãi tuyệt vời. Mối liên hệ giữa bạn và
khách hàng quốc tế không nên kết thúc sau khi giao dịch mua sắm được thực hiện, mà đó nên
là sự khởi đầu cho một mối quan hệ lâu dài. Những dịch vụ hậu mãi chất lượng cao sẽ tác
động rất lớn và khiến cho khách hàng quay trở lại với bạn trong tương lai.
17. Giao tiếp cá nhân với các khách hàng mục tiêu mới. Để thực hiện tốt công việc
này, bạn nên trang bị cho bản thân các thông tin về văn hoá truyền thống của khách hàng, sự
lịch thiệp, chuyên nghiệp và nhất quán. Mục tiêu của bạn là để gia nhập một nền văn hoá
khác, thích nghi với nó và biến nó thành văn hoá của chính bản thân bạn.
18. Nghiên cứu những lời khuyên, luật pháp và kinh nghiệm kinh doanh quốc tế.
Những bài học thực tế và kinh nghiệm rút ra có thể quyết định thành công hay thất bại cho
cuộc chơi của bạn. Khi chuẩn bị cho chuyến đi táo bạo tới một nơi mà bạn chưa từng đặt chân
tới, lời khuyên của những người đi trước là vô cùng quan trọng.
19. Khám phá những mối quan hệ đối tác và liên minh xuyên quốc gia. Trong khi
hoạch định chiến lược kinh doanh toàn cầu, bạn cần quan tâm tới việc kết giao hay liên minh
với những công ty khác có cùng quy mô và sự hiện diện tại thị trường ở quốc gia mà bạn sẽ
tiến hành các hoạt động kinh doanh hay có kế hoạch thâm nhập.
20. Tận hưởng cuộc chơi. Đừng bao giờ quên rằng bản thân bạn chính là tài sản kinh
doanh quan trọng và giá trị nhất mà bạn có được, và các đặc tính cá nhân thậm chí còn quý
giá hơn nhiều so với các thiết bị công nghệ kinh doanh hiện đại. Hãy quan tâm, chăm sóc tối
đa bản thân, các nhân viên, các nhà cung ứng nguyên vật liệu và các khách hàng của bạn. Như
vậy, bạn sẽ có thêm cơ hội vươn tới một tương lai tươi sáng, thịnh vượng và hạnh phúc.
Nói chung, cuộc chơi kinh doanh toàn cầu sẽ không quá chông gai, nếu như bạn chuẩn
bị sẵn cho mình những kiến thức cần thiết. Hãy quan tâm đến những lời khuyên trên đây, và
bạn có thể nhận tận hưởng trọn vẹn những tiềm năng của toàn cầu hoá và nhanh chóng gặt hái
thành công.