Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Alô! Tôi cần mượn mạng lưới kinh doanh! doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133 KB, 5 trang )

Alô! Tôi cần mượn mạng lưới kinh doanh!

Mọi người đều biết đến và ghi nhận danh tiếng, chất lượng của những sản phẩm
đồ điện tử và ô tô của Nhật, máy ảnh Đức, đồng hồ Thuỵ Sĩ, mỹ phẩm Pháp, Coca
Cola Mỹ, tơ lụa Trung Quốc... Một kinh nghiệm rút ra là doanh nghiệp mà không có
sản phẩm nổi tiếng thì rất khó tiến vào thị trường và càng khó chiếm lĩnh thị trường.
Sức cuốn hút vĩnh cửu của sản phẩm danh tiếng là do nó là hàng thật, giá thật,
chất lượng ưu việt ổn định khiến khách hàng luôn tin cậy và thích mua. Công ty xe hơi
Benz (Mercedes) của Đức có lịch sử hơn 100 năm, sản xuất hơn 160 loại ô tô với
3.700 kiểu hình, sản lượng hàng năm là 70 vạn chiếc. Sau này, công ty xe hơi Ford
(Mỹ), Honda (Nhật) nổi lên thi nhau cạnh tranh với sản lượng hàng năm 2 đến 3 triệu
chiếc. Song, trước các đối thủ mới, doanh thu của Benz vẫn đạt rất cao (40 tỷ Mark) và
danh tiếng vang lừng. Giá một xe Benz thường đắt gấp đôi xe cùng loại. Thế nhưng,
người mua vẫn không ngại giá cao vì loại xe này rất bền, ngồi thoải mái, an toàn, chất
lượng cao, dùng 15 năm vẫn không có hư hỏng lớn. Sản phẩm danh tiếng không chỉ
làm cho xí nghiệp phát đạt mà quốc gia nhờ vào sản phẩm đó cũng trở nên giàu mạnh
trên thị trường quốc tế. Về mặt nào đó mà nói, sản phẩm danh tiếng là “Quốc bảo”.
Trước danh tiếng và sự chiếm lĩnh thị trường của những tập đoàn kinh tế hàng
đầu như vậy thì liệu có hướng phát triển cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ hay
những doanh nghiệp mới thành lập? Câu trả lời là: “Vẫn có”.
Trong kinh doanh, bí quyết phát triển cho những hãng nhỏ hay những hãng mới
thành lập là phải biết lợi dụng đường dây kinh doanh của những hãng lớn, những tập
đoàn kinh tế đi trước, nhất là những tập đoàn có uy tín để mở rộng mạng lưới tiêu thụ
sản phẩm của mình.
Tại sao vậy? Bởi vì tâm lý của đa số người tiêu dùng đã bị ấn tượng bởi các
hàng hoá quen thuộc nên họ chưa mạnh dạn dùng các sản phẩm của các hãng mới.
Trong khi thực ra nhiều hãng nhỏ cũng có thể sản xuất ra các hàng hoá và dịch vụ tốt
tương đương với hãng lớn, thậm chí có trường hợp còn có hàng hoá tốt hơn. Vì vậy,
những hãng nhỏ hoặc mới thành lập, trừ một vài hãng xuất sắc, còn lại đa phần đều
phải biết dựa vào uy tín, nhãn hiệu, đường dây tiêu thụ của các hãng lớn để người tiêu
dùng tin tưởng mua hàng của mình.


Để sớm cạnh tranh thắng lợi với các sản phẩm của các hãng khác thì doanh
nghiệp có thể chọn lấy một hãng làm ăn có uy tín rồi liên kết, liên doanh với họ thậm
chí bán sản phẩm cho họ để sớm có thế đứng vững chắc trên thương trường. Sau này,
khi đã có uy tín rồi thì doanh nghiệp của bạn tách ra cũng chưa muộn. Nhiều hãng nổi
tiếng trên thế giới có hàng trăm doanh nghiệp nhỏ xin liên doanh. Chẳng hạn như Mc
Donald hàng năm có tới hơn 200 doanh nghiệp nhỏ xin liên doanh, còn con số này của
Pepsi là 350, Sony là 110, Daweoo là 230,... Chính nhờ vậy mà các hãng lớn có thể
mở rộng thêm thế lực, ảnh hưởng của mình tới các nước trên thế giới.
Một doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi có kinh nghiệm, có mạng lưới kinh
doanh và có cả sự khéo léo trong việc quản lý doanh nghiệp, nhưng những cái đó có
được không dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian và tốn rất nhiều công sức. Nhưng có
một giải pháp trung gian khá hay để giúp bạn vừa vẫn là một ông chủ lại vừa dần tích
luỹ kiến thức, quan hệ và uy tín kinh doanh đó là cách làm của các đại lý, chi nhánh
cho các hãng lớn. Cách làm này sẽ giảm bớt các quá trình thử nghiệm sản phẩm, giảm
sai sót tối đa trong kinh doanh.
Ở Mỹ hiện có đến trên hai nghìn tổ chức, doanh nghiệp lớn cho phép mở đại lý
của họ. Hình thức đại lý có thể áp dụng cho hầu hết mọi loại hình doanh nghiệp, nếu
bạn đang quan tâm đến mở rộng thị trường, trong đó các doanh nghiệp sẽ bán hàng
hoá và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng, thì đại lý có thể là một hình thức khá tốt để
nhập cuộc. Hình thức đại lý đang chiếm từ 1/3 đến ½ các hoạt động kinh doanh bán lẻ
tại Mỹ.
Nếu bạn tin chắc rằng hiện có những cơ hội trên thị trường trong lĩnh vực xây
dựng; điện tử, thương mại, giao thông, chế biến các hàng hoá, dịch vụ sửa chữa, lắp
ráp,... thì lúc nào bạn cũng có thể tìm được những cơ hội làm đại lý để giúp bạn tránh
mọi rủi ro đến mức thấp nhất. Khi mua quyền làm đại lý thực chất là bạn đang mua lại
những kinh nghiệm, mua quan hệ, uy tín hay nói cách khác là đang mua lại “công thức
thành công của người khác”.
Ví dụ, doanh nhân John Thomson thành lập công ty vật liệu phòng chống cháy
nổ cho doanh nghiệp đầu tiên tại Anh năm 1984. Qua nghiên cứu thị trường John đã
phát hiện ra hàng chục công ty vật liệu chống cháy nổ trong nước Anh có quan hệ khá

lỏng lẻo với các nhà máy sản xuất vật liệu chống cháy nổ, nên hàng ngàn khách hàng
khó mà mua nổi vật liệu chống cháy nổ đồng bộ ở một cửa hàng hay một nhà máy. Vì
thế công ty của ông đã nhanh chóng thu nạp mọi sản phẩm của các xưởng sản xuất
trong nước Anh, nhận làm đại lý cho các nhà máy, việc làm đó được các nhà máy và
khách hàng hoan nghênh. Nhờ danh tiếng như vậy nên có một nhà máy tại thành phố
Manchester có hơn 10 nghìn công nhân, mỗi năm sản xuất gần một nửa vật liệu chống
cháy nổ lớn nhất Anh quốc đã chỉ định John giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm Giám đốc
điều hành.
Sự thành công của hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài đều là
do biết sử dụng sự hỗ trợ của mạng lưới knh doanh có sẵn. Hệ thống mạng lưới kinh
doanh là một tài sản quý, nó được hình thành bởi các mối liên kết giữa các nhà buôn,
hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp.
Tại Trung Quốc hệ thống kinh doanh kiểu này được tổ chức theo hình chóp, mà
đỉnh của nó là Phòng Thương mại Hoa Kiều. Từ đỉnh chóp toả ra các chi nhánh,
ngành, cơ sở kinh doanh nằm trong một hệ thống nhất và khép kín. Nếu một người
Trung Quốc nào thành lập doanh nghiệp thì lập tức được cả cộng đồng hỗ trợ vốn,
nghiệp vụ chuyên môn và giới thiệu với mạng lưới kinh doanh của cộng đồng với điều
kiện anh ta phải có lòng trung thành và qua thử thách. Hệ thống kinh doanh của người
Hoa được hình thành một cách tự nhiên không có một tiêu chuẩn là thể lệ về mặt pháp
lý cũng như hành chính, song lại rất chặt chẽ và hữu hiệu, nó tạo điều kiện cho các nhà
doanh nghiệp mới sớm hội nhập vào guồng máy của thương trường và duy trì sự phát
triển ổn định của toàn mạng lưới kinh doanh. Đó là hình thức đầu tư độc đáo về mặt
quan hệ, vốn, kinh nghiệm mà bất cứ một nhà doanh nghiệp mới tham gia thương
trường đều phải tham khảo.
Thế mới biết rõ có vốn, kiến thức và cả bản lĩnh kinh doanh là điều rất quý,
nhưng điều quý giá hơn hết là biết sử dụng mạng lưới quan hệ, uy tín và vốn của đồng
nghiệp để gia tăng một cách chân chính sức mạnh cho doanh nghiệp mình. Vì thế
trong kinh doanh hiện đại, vai trò của mạng lưới kinh doanh, uy tín kinh doanh là vô
cùng quan trọng mà một doanh nghiệp dứt khoát phải tìm cách hội nhập nếu muốn
khẳng định vị trí của mình trên thương trường.

×